KẾT LUẬN
Kết Luận
Của Nhà Khoa Học
Kết thúc
những cuộc đối thoại này, tôi phải nói lên niềm thán phục của tôi với phương
cách mà Phật giáo phân tích thế giới hiện tượng. Tôi phải thú nhận rằng ban đầu
tôi rất ngại ngùng khi bắt đầu cuộc đối thoại. Tôi hiểu và đánh giá cao việc
hành trì trong Phật giáo có thể đem lại sự hiểu biết chính mình, sự tiến bộ tâm
linh và trở nên một con người hoàn thiện hơn. Nói cách khác, với tôi Phật giáo
trước tiên là một con đường đến giác ngộ, một con đường thiền định mà trọng tâm
là sự soi sáng nội tâm.
Tôi biết rằng khoa học và Phật
giáo sử dụng những phương pháp khám phá thực tại hoàn toàn khác nhau.
Trong khoa học, thông minh và lý
trí giữ vai trò nồng cốt. Chia chẽ, phân loại, so sánh, phân tích, đo đạc, nhà
khoa học diễn tả những luật thiên nhiên theo ngôn ngữ toán học. Trực giác không
thiếu vắng trong khoa học, nhưng nó chỉ hữu ích khi có thể diễn tả bằng công
thức toán học. Trái lại, trực giác giữ vai trò tiên phong trong thiền định. Nó
không chia chẽ thực tại nhưng cố gắng nắm bắt toàn bộ thực tại. Phật giáo không
sử dụng những dụng cụ đo đạc hay những cuộc quan sát nhiêu khê của khoa học.
Những trần thuật Phật giáo thiên về chất lượng hơn về số lượng. Vì vậy tôi
không tin chắc là cuộc đối thoại sẽ mang lại một ý nghĩa nào. Tôi ngại rằng
Phật giáo ít chú tâm đến thế giới hiện tượng, điều mà khoa học rất quan tâm.
Nếu đúng như vậy, có khả năng là hai chúng tôi sẽ đọc hai diễn từ song song mà
không thể gặp nhau ở một giao điểm nào.
Cuộc đối thoại càng kéo dài, tôi
càng nhận ra rằng nỗi lo sợ ban đầu của tôi không có cơ sở. Vì lẽ Phật giáo
không những tìm hiểu về bản thể thế giới mà còn làm điều này một cách sâu xa và
đặc sắc. Phật giáo không phải tìm hiểu thế giới hiện tượng như một thực tại
giống như khoa học vẫn làm, nhưng là tìm hiểu về tánh tương thuộc cũng như tánh
không của các hiện tượng, với mục đích phá tan vô minh và tiến tới giác ngộ.
Cuộc thảo luận của chúng tôi càng ngày càng phong phú. Nó đã gợi lên nhiều nghi
vấn mới, nhiều quan điểm chưa từng công bố, nhiều tổng hợp không ai chờ đợi,
đòi hỏi một sự thanh lọc và một sự nghiên cứu sâu sắc hơn. Những cuộc đối thoại
này nằm trong dòng những đối thoại trước kia giữa khoa học và Phật giáo. Điều
cốt yếu mà tôi nhận ra được là một sự hội tụ và cộng hưởng giữa hai cái nhìn
Phật giáo và khoa học về thực tại. Một vài trần thuật của Phật giáo về các hiện
tượng giống một cách lạ lùng những ý niệm của khoa vật lý đương đại, đặc biệt
hai thuyết lớn là cơ học lượng tử đề cập đến những vật thể vi mô và thuyết
tương đối đề cập đến các vật thể vĩ mô.
Dù rằng rất khác biệt, phương
pháp tiếp cận thực tại của Phật giáo và của khoa học, không đưa đến một sự đối
nghịch không hoán chuyển được, trái lại còn bổ túc cho nhau một cách hài hòa.
Và điều này là vì cả Phật giáo và khoa học đều đi tìm sự thật dựa trên các tiêu
chuẩn chính xác, khắc khe và hợp lý.
Ví dụ hãy xem xét quan niệm
tương thuộc các hiện tượng là lập luận cơ bản của Phật giáo. Không có gì tự
mình hiện hữu và có tự tính. Một vật thể chỉ có thể xác định với tương quan
những vật khác. Sự tương thuộc là cần thiết cho sự có mặt của các hiện tượng.
Không có sự tương thuộc này thế gian không thể vận hành được. Một hiện tượng
chỉ có thể xuất hiện khi nó được nối kết với những hiện tượng khác. Thực tại
không thể định vị và chia chẽ, nhưng cần phải được xem trong toàn nguyên. Những
thí nghiệm của khoa vật lý buộc chúng ta phải tin vào sự toàn nguyên này. Trong
lãnh vực nguyên tử và vi mô, những thí nghiệm kiểu EPR cho ta thấy một thực tại
không phân chia được, như hai hạt ánh sáng tác động hỗ tương với nhau vẫn chỉ
là cùng nhau một thực tại. Dù khoảng cách giữa chúng là bao nhiêu, chúng vẫn
vận hành một cách hỗ quan mà không truyền dẫn một thông tin nào. Còn trong lãnh
vực vĩ mô, sự toàn nguyên được chứng minh bởi một chiếc đồng hồ Foucault mà
cách vận hành không phải tùy thuộc vào môi trường địa phương mà tùy thuộc vào
toàn thể vũ trụ. Điều gì đang được tính toán ở địa cầu chúng ta, được quyết
định nơi vũ trụ bao la. Quan niệm tương thuộc cho rằng các vật thể không thể
định nghĩa một cách tuyệt đối, mà chỉ tương quan với các vật thể khác. Đó cũng
chỉ là ý kiến của Galilée, khi ông định nghĩa lần đầu tiên nguyên lý tương đối,
sau này được phát triển tuyệt đỉnh bởi Einstein. Galilée đã nói: “Sự chuyển
động như là không có gì cả”. Ông đã muốn nói sự chuyển động một vật thể không
thể xác định một cách tuyệt đối, mà chỉ tương quan với sự chuyển động của một
vật thể khác. Không có một thí nghiệm hay đo đạc nào có thể thực hiện được bởi
một hành khách ngồi trong một toa xe lửa mà các cửa sổ đều được đóng kín mít,
có cho ông ta biết được là chiếc xe lửa có di chuyển hay bất động. Chỉ khi mở
một cửa sổ và nhìn cảnh vật chạy ngược chiều, thì người hành khách ấy mới biết
được là mình đang di chuyển. Nếu không có sự tham khảo với bên ngoài, thì sự
chuyển động cũng bằng như không chuyển động. Phật giáo cho rằng mọi vật đều
không có tự tính, mà chỉ tồn tại do tương quan với những vật khác.
Thời gian và không gian mất đi
tính cách tuyệt đối như Newton
đã khẳng định. Chúng chỉ tự xác định qua tương quan với sự chuyển động của
người quan sát và với cường độ của trường hấp dẫn nơi đó. Bên cạnh một “lỗ đen”
nơi mà lực hấp dẫn quá mạnh đến nỗi ánh sáng không thể vượt qua, một giây có
thể bằng một thế kỷ. Cũng như Phật giáo, thuyết tương đối bảo rằng thời gian
trôi đi với một quá khứ đã qua, một tương lai chưa đến, chỉ là ảo tưởng vì lẽ
tương lai của tôi có thể là một quá khứ của một người khác và là hiện tại của
một người thứ ba. Tất cả đều tùy thuộc vào sự chuyển động của chúng ta, thời
gian không trôi đi, nó chỉ có mặt ở đó.
Từ ý niệm tương thuộc nảy sinh ý
niệm tánh không, ở đây không phải là hư vô, mà chỉ là không có tự tính. Vì lẽ
mọi vật đều tương thuộc với nhau nên không có một vật nào tự xác định và tự
hiện hữu. Và một lần nữa cơ học lượng tử cũng có một nhận định tương tự. Theo
Bohr và Heisenberg, chúng ta không thể có những đặc tính rõ ràng như tốc độ và
vị trí. Chúng ta chỉ nên xem chúng không phải như vật hay sự kiện, mà chỉ như
là những lực tiềm ẩn. Cả bản thể của vật chất và của ánh sáng cũng trở nên một
trò chơi về sự giao lưu tương thuộc: chúng không có tự tính, mà có thể thay đổi
tùy thuộc vào tác động hỗ tương giữa người và vật được quan sát. Bản thể đó
không phải là độc nhất mà là nhị nguyên và bổ túc cho nhau. Hiện tượng mà ta
gọi là “hạt”, có dạng “sóng” khi chúng ta không quan sát nó. Khi có đo đạc hoặc
có quan sát, nó lại trở thành hạt. Nếu cho rằng “hạt” có tự tính, nghĩa là có
thực thể khi ta không quan sát nó, điều này không chấp nhận được vì ta không
bao giờ nắm bắt được nó. Quan niệm Phật giáo về sự tương thuộc đồng nghĩa với
tánh không và tánh không thì đồng nghĩa với vô thường. Thế giới là một dòng
chảy lớn gồm các sự kiện nối kết với nhau và tác động lên nhau bất tận. Sự thay
đổi liên tục và trùm khắp đó cũng giống như nhận định của vũ trụ học đương đại.
Sự bất biến của vùng trời theo Aristote và vũ trụ bất động của Newton không còn giá trị nữa. Mọi vật đều
chuyển động, đều thay đổi, từ một hạt nguyên tử đến toàn thể vũ trụ qua các
thiên hà, các ngôi sao và con người. Với thuyết vụ nổ đầu tiên, vũ trụ trương
nở và vì thế nó có một khởi đầu, một quá khứ, một hiện tại và một tương lai. Một
ngày nào đó nó sẽ chết trong một lò lửa địa ngục hoặc trong một cái lạnh băng
giá. Tất cả các cấu trúc của vũ trụ: Hành tinh, ngôi sao, thiên hà hay chùm
thiên hà đều di chuyển liên tục và tham dự vào một vũ điệu ba lê mênh mông:
xoay quanh chúng, xoay quanh một vật thể khác, đến gần hoặc rời xa tương quan
với nhau. Tất cả đều có chung một lịch sử: chúng sinh ra, tiến hóa rồi chết.
Các ngôi sao sống và chết theo những chu kỳ hàng triệu, có khi hàng tỷ năm.
Thế giới nguyên tử và vi mô cũng
không nằm yên. Tất cả đều vô thường. Những hạt đều có thể thay đổi bản chất:
một “quark” có thể đổi chủng loại hay đổi mùi, một dương tử có thể trở nên
trung hòa tử. Vật chất có thể biến thành năng lượng. Thực tại có thể nhận biết
rằng những con đường khác nhau, con đường từ bên trong nội tâm, bên ngoài từ
thế giới bên ngoài. Phật giáo sẽ không ngạc nhiên vì sự tương tự này. Vì thế
giới hiện tại được quan sát qua “tâm”, bản thể căn bản các hiện tượng không xa
lạ gì đối với “tâm giác ngộ” của Đức Phật. Tôi còn dè dặt với nguyên lý “vì con
người” của Phật giáo theo đó có một sự điều chỉnh thật chính xác các hằng số
vật lý và các điều kiện đầu tiên của vũ trụ để sự sống và tâm thức được tồn
tại. Để việc điều chỉnh này thực hiện được, tôi nghĩ cần phải đặt ra một nguyên
lý sáng tạo. Nguyên lý này tôi quan niệm theo Spinoza và Einstein, biểu hiện
trong các luật thiên nhiên và làm cho thế giới hợp lý và có thể hiểu được. Lập
trường này đi ngược lại Phật giáo không chấp nhận thượng đế hay một nguyên lý
sáng tạo nào khác. Theo Phật giáo, vũ trụ không cần phải điều chỉnh để tâm thức
xuất hiện. Cả hai đều tồn tại và không thể loại trừ lẫn nhau. Và một lần nữa ý
niệm tương thuộc các hiện tượng là lời giải thích. Tôi chấp nhận là điều này có
thể xác minh việc điều chỉnh vũ trụ. Tuy nhiên nó không trả lời được câu hỏi
của Leibnitz “Tại sao lại có một cái gì hơn là không có gì cả?” và tôi thêm
rằng: “Tại sao các luật vật lý là như vậy mà không phải khác?”. Như vậy chúng
ta có thể sống trong một vũ trụ theo những luật vật lý của Newton. Nhưng sự thật không phải như vậy.
Chính các luật của cơ học lượng tử và của thuyết tương đối mới giải thích được
vũ trụ mà ta biết.
Quan điểm Phật giáo còn làm dấy
lên nhiều câu hỏi khác. Nếu không có Đấng sáng tạo thì vũ trụ không thể hình
thành được. Như vậy nó vô thủy vô chung. Vũ trụ duy nhất đáp ứng được quan điểm
Phật giáo là một vũ trụ thiết lập theo chu kỳ với một loạt nổ bigbang và một
loạt nghiền nát. Nói theo khoa học sự việc một ngày nào đó vũ trụ sẽ sụp đổ
chưa dự đoán được. Việc này liên hệ đến số lượng vật chất vô hình trong vũ trụ,
nhưng người ta chưa biết được số lượng này là bao nhiêu. Theo những cuộc khảo
sát thiên văn sau cùng, vũ trụ có vẻ không có đủ số lượng vật chất vô hình để
chặn đứng và đảo ngược quá trình trương nở có vẻ như đang gia tăng và như vậy
giả thiết một vũ trụ chu kỳ mới bị loại bỏ. Còn về ý niệm tâm thức cũng tồn tại
với vũ trụ vật chất trong những giây phút đầu tiên hình thành vũ trụ, thì còn
rất lâu mới kiểm chứng được. Vài nhà thần kinh học nghĩ rằng không cần phải có
một làn sóng tâm thức song hành với vật chất, mà tâm thức tự nhiên xuất hiện
khi vật chất vượt qua một ngưỡng phức tạp nào đó.
Cái việc đơn giản nhất là thở đã
nối kết mọi con người lại với nhau: Những tỷ phân tử dưỡng khí mà chúng ta hít
thở mỗi ngày đã cùng được 50 tỷ người sống qua trên trái đất này thở qua. Những
vấn đề môi trường đang đe dọa chúng ta đã vượt khỏi tầm mức văn hóa và tôn
giáo. Chất thải công nghệ, bụi phóng xạ, hơi độc hại gây ảnh hưởng nhà kính làm
nóng địa cầu là vấn đề của toàn thể nhân loại cộng thêm sự nghèo đói chiến
tranh đang đe dọa mạng sống chúng ta. Tất cả các vấn đề trên có thể được giải
quyết nếu chúng ta ý thức được rằng chúng ta tương thuộc với nhau, hạnh phúc
riêng của chúng ta gắn liền với hạnh phúc của người khác. Nói cách khác nếu
chúng ta được hướng dẫn bởi tâm từ bi để hướng tới điều mà Đức Đạt Lai Lạt Ma
gọi là “trách nhiệm toàn cầu”.
Không nghi ngờ gì nữa khi biết
rằng khoa học ngày càng tác động mạnh lên đời sống chúng ta. Đứng trước những
vấn đề đạo đức, như trong lãnh vực di truyền học, càng ngày càng cấp bách, khoa
học cần phải đi song hành với tâm linh để chúng ta không quên đi nhân loại. Mục
đích của khoa học là tìm hiểu thế giới hiện tượng. Còn khoa học tâm linh thì
giúp chúng ta nội tâm được an lạc, ngõ hầu giúp đỡ kẻ khác.
Vài nhân vật như nhà vật lý giải
Nobel Steven Wemberg không màng gì đến tâm linh. Ông đã phát biểu rất thách
thức “Có hay không có đạo, người tốt vẫn tốt, kẻ xấu vẫn xấu. Nhưng chỉ có đạo
là khiến người tốt làm điều xấu. Một trong những thành tựu lớn của khoa học là
làm cho những kẻ thông minh không trở nên tín đồ, hay ít ra là làm cho họ không
tin vào đạo”. Rồi ông kể ra những tội ác của tôn giáo: Thập tự chinh, cuộc tàn
sát dân Do thái và những cuộc chiến tranh tôn giáo khác và cả nô lệ nữa”. Tôi
nghĩ là ông đã nhầm. Trước tiên ông đã quên nhắc lại tác hại lớn lao của khoa
học khi được sử dụng không đúng chỗ như vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima
và Nagasaki.
Trái đất nóng dần lên, tầng ozone bị phá hủy, những nghiên cứu dã man của các
bác sĩ phát xít v.v... Hơn nữa tôn giáo mà ông đề cập không thật sự đúng nghĩa
là một tôn giáo. Ngược lại với chủ trương chống tôn giáo của Wemberg, tôi thích
và đồng ý với cái nhìn vũ trụ của Einstein: “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn
giáo vũ trụ. Nó phải siêu việt trên cả ý niệm một thượng đế bằng xương bằng
thịt, và tránh mọi giáo điều cũng như những thuyết thần bí. Bao trùm lên cả
thiên nhiên lẫn tâm linh, nó phải đặt nền tảng trên một ý thức tôn giáo nảy
sinh từ kinh nghiệm bên ngoài cũng như bên trong, bao gồm trong một tổng thể
hợp lý”. Và Einstein đã nói thêm: “Phật giáo đáp ứng được những mô tả vừa kể.
Nếu có một tôn giáo có thể dung hợp được với những đòi hỏi càng ngày càng gắt
gao khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo”.
Điều này không thể được diễn tả
rõ ràng hơn. Khoa học có thể vận hành không cần đến tâm linh. Tâm linh vẫn tồn
tại mà không có khoa học. Nhưng con người, nếu muốn được hoàn mỹ, phải cần phải
đến cả hai.
Kết Luận
Của Nhà Sư
Nhiều
người cho rằng mọi cố gắng để kéo lại gần khoa học và tâm linh sẽ đưa đến thất
bại. Vài người cho rằng tâm linh là một điều huyền bí, người khác thì nghĩ rằng
khoa học quá duy vật, những người khác nữa lại xem khoa học và tâm linh như hai
lãnh vực không thể dung hợp được. Từ chối không tìm ra những mẫu số chung cho
cả hai, khác nào chấp nhận cho những biên giới không thể vượt qua giữa cái biết
và cái sống, chủ thể và khách thể, tâm và vật. Nhị nguyên năng tạo ra những rào
cản vô lý, trong khi thiền định không bắt buộc phải đi ngược dòng với khoa học,
mà chỉ muốn thiết lập một hệ thống giữa các lãnh vực kiến thức và những phương
tiện cho phép đưa chúng ta đến đó.
Điều quan trọng cho cuộc sống
không phải là số thông tin mà chúng ta tích lũy được, nhưng là những câu trả
lời cho những câu hỏi như là: vì sao chúng ta sống? Tại sao chúng ta chết? Vì
sao chúng ta khổ, chúng ta yêu, chúng ta ghét? Những điều này dẫn chúng ta đến
việc kiểm nghiệm xem mục đích của những cuộc tìm tòi mà chúng ta thực hiện có
thể trả lời các câu hỏi đã nêu, và nó đáng cho công sức mà chúng ta bỏ ra hay
không?
Trong lãnh vực khoa học, công
việc nghiên cứu này bao gồm hai lãnh vực: khoa học cơ bản và những ứng dụng của
nó. Khoa học cơ bản đặt ra mục tiêu là diễn tả và giải thích thiện nhiên. Dù
rằng ý định này rất đáng ca ngợi, nhưng sự tò mò trong việc nghiên cứu hóa học
các vì sao, hoặc việc phân loại các côn trùng chỉ là thứ yếu so với những vấn
đề cơ bản của cuộc sống. Nếu ta để ý đến những giây phút có ý nghĩa nhất trong
cuộc đời ta sẽ nhớ đến tình yêu, tình bạn, sự âu yếm dịu dàng, niềm vui được
sống, cảnh đẹp trong thiên nhiên, sự bình an trong tâm hồn, lòng vị tha v.v...
Nói chung khoa học không chú ý đến những điều đó.
Còn về những ứng dụng của khoa
học, chúng chỉ nhằm cải thiện sức khỏe của ta, những tiện nghi cho đời sống, tự
do trong hành động và kéo dài mạng sống. Săn sóc y tế càng ngày càng tiến bộ,
dù rằng có những sai biệt đáng buồn: 2765USD mỗi năm tiền thuốc men và săn sóc
y tế cho một người Mỹ và 3 USD cho một người Việt. Nếu về mặt vật chất, những
tiện nghi trong đời sống không ngớt tăng trưởng, nhưng về mặt đạo đức, đời sống
tâm linh có vẻ đang tuột dốc. Chúng ta làm ô nhiễm môi trường và nhiều thiên
tai đang tàn phá hành tinh và con người. Việc phát triển kỹ thuật và kinh tế
bằng mọi giá có đáng cho chúng ta tôn thờ quá mức như vậy không? Câu hỏi này
nói lên sự lẫn lộn giữa ước muốn và khả thi. Chỉ sau khi từ bỏ việc tìm ra một
dạng kiến thức khả dĩ giải thích được mọi hiện tượng mà khoa học đã gặt hái
được những thành tựu vượt bực. Nhờ tập trung vào việc nghiên cứu những hiện tượng
thiên nhiên, khoa học đã hoàn chỉnh những phương pháp hữu hiệu để khám phá, đo
đạc diễn tả và tác động lên chúng. Kiến thức có được từ những cuộc khảo cứu
này, quá rộng lớn đến nỗi làm cho khoa học đôi khi mất khả năng đáp ứng được
những vấn đề cơ bản trong cuộc sống. Sự bất lực này không phải là một thất bại,
có lẽ khoa học đã phân chia rõ ràng phạm vi khám phá cùng với khả năng của nó,
không bao giờ đặt mục tiêu là tìm hạnh phúc hay sự thanh bình chung quanh chúng
ta. “Mục đích của khoa học là tăng thêm, và sắp đặt lại các thực nghiệm của
chúng ta”. Niels Bohr đã viết như vậy. Hy vọng của Khoa học thực nghiệm để hiểu
biết về bản thể tối hậu của thực tại có vẻ là một giả tưởng, khoa học sau rốt
cũng vấp phải những trở ngại chứng tỏ rằng bản thể của thực tại khác hẳn điều
mà khoa học đã dự kiến. Chính những trở ngại này đã được làm rõ bởi khoa học
lượng tử và thuyết tương đối đã đưa khoa học đến chỗ đối thoại với Phật giáo.
Khi tự hỏi về thực tại tối hậu các hiện tượng và về tâm thức như là giai đoạn để
đi đến Giác ngộ, Phật giáo có thể giải quyết sự lúng túng của nhà khoa học bị
mắc kẹt giữa thực tại giả tạo của vũ trụ, và sự sụp đổ của thực tại chắc thật
khi tiến vào thế giới hạt và sóng. Phật giáo còn đi xa hơn khi diễn đạt những
kết luận của mình bằng một thái độ thực dụng trong đời sống.
Kỹ thuật quan niệm khoa học như
một phương tiện để sử dụng thế gian và chế ngự nó. Nói tóm lại khoa học là kiến
thức lý thuyết, kỹ thuật là kiến thức thực dụng, và thiền định là lý thuyết
giải thoát. Chúng phải bổ túc cho nhau, chớ không đối kháng với nhau. Với tôi
những khía cạnh hấp dẫn nhất trong cuộc gặp gỡ giữa khoa học tự nhiên và Phật
giáo nằm trong sự phân tích thực tại tối hậu của các vật thể và bản thể của
Tâm. Bản thể của Tâm là đề tài hấp dẫn nhất. Có phải tâm chỉ là biểu hiện của
bộ não? Có phải tâm xuất hiện từ vật chất? Phật giáo nghĩ rằng dòng tâm thức
không cần một chỗ dựa vật chất. Những thiền giả đã cho biết có nhiều mức độ tâm
thức dựa trên những kinh nghiệm thiền định. Phương pháp của họ đáng được các
nhà nghiên cứu quan tâm khi chỉ dựa duy nhất vào thực nghiệm.
Tôi thật sự rất hạnh phúc khi
biết rằng một công cuộc nghiên cứu theo chiều hướng đó đã tập hợp được những
nhà thần kinh sinh học và những thiền giả, tiếp theo sự gợi ý của những người
bạn quá cố của tôi, bác sĩ Francisco Valera. Phải nói sao về sự đánh cuộc của
bạn Thuận khi cho rằng có một nguyên lý sáng tạo ra vũ trụ? Chắc chắn rằng nếu
có một khởi đầu cho sự hình thành vũ trụ đòi hỏi phải có một lập trường siêu
hình mà Phật giáo thấy không cần thiết. Theo Phật giáo thì không có một sự khởi
đầu nào cả. Mà muốn đi đến một kết luận khả thi thì phải giải quyết trước tiên
các vấn đề nguyên nhân mà không có nguyên nhân, trạng huống bất biến mà phải
thay đổi, hay hư vô mà trở thành một vật thể nào đó.
Còn về câu hỏi Leibniz “Vì sao
có một cái gì mà lẽ ra không có gì cả” mà bạn Thuận đã nêu lên, câu hỏi này chỉ
có ý nghĩa vật chất thực tế mà thôi. Hiển nhiên là câu hỏi hàm ý các hiện tượng
là có thật.
Đưa ra vấn đề một nguyên lý sáng
tạo không giải quyết được gì. Và câu hỏi của Leibniz có thể sửa lại như sau
“tại sao lại có hiện tượng, thay vì không có gì?” Trả lời: “Vì mọi vật đều là
không, cho nên từ cái không mọi vật xuất hiện”. Câu hỏi thứ hai: “Tại sao lại
không có gì, khi mà một vật có thể xuất hiện được?” Trả lời: “Vì lẽ không hiện
hữu và cũng đồng thời hiện hữu, cái không đó thật ra không khác cái có”. Theo
Phật giáo không có một thực tại chắc thật nào mà có tự tính. Sự giác ngộ là để
thức tỉnh khỏi vô minh cho rằng mọi vật là có tự tính. Theo như bạn Thuận đã
nói “Thể theo sự quan sát thiên văn sau cùng, vũ trụ có vẻ như không chứa đựng
đủ vật chất vô hình để làm ngưng lại hay đảo ngược tiến trình trương nở của vũ
trụ. Nó có vẻ càng tăng tốc lên thì theo sự hiểu biết hiện nay về vũ trụ, vấn đề
một vũ trụ chu kỳ không được đặt ra. Nhưng vấn đề cũng còn lâu mới giải quyết
được.
Khi Steven Wemberg, giải Nobel
vật lý cho rằng: “Chỉ có tôn giáo mới khiến kẻ tốt làm điều ác”. Ta có thể trả
lời cùng một phương cách “Chỉ có tâm linh mới khiến kẻ xấu làm điều tốt”. Có
thể nói giá trị của mỗi hành động chúng ta là tùy thuộc hoàn toàn vào động lực
gây nên hành động đó.
Tôi không nghĩ rằng cái mà tôi
gọi là “Khoa học tâm linh” lại tùy thuộc cơ bản vào trực giác. Từ này quá mơ hồ
để có thể diễn tả trạng thái thiền định. Trạng thái này nếu không đặt nền tảng
trên lý trí và luận lý sẽ không có chút giá trị nào cả. Đến một mức độ thiền
định nào đó, lý trí cần phải được siêu việt lên, nhưng điều này không có nghĩa
là trên mức thiền định ấy không còn lý trí nữa. Đơn giản là mức độ thiền định
cao vượt khỏi tầm mức lý trí, điều mà bạn Thuận so sánh với định lý bất toàn
của Godel. Triết lý và thiền định Phật giáo không hề muốn xây dựng một lý
thuyết cao siêu nào để giải thích mọi việc. Chúng chỉ đưa đến một sự chuyển hóa
nội tâm có thể kiểm chứng được. Khyentse Rinpotché đã khuyên:
-Dấu hiệu của sự minh triết là
sự tự chủ, và dấu hiệu của sự thuần thục tâm linh là sự vắng bóng những tình
cảm xung đột, có nghĩa là khi trở nên một người hiền ta phải trở nên thanh
thản, an lạc trật tự chứ không lơ đãng, tự phụ. Hãy tự kiểm soát lấy mình để
xem mình có kiểm soát những tình cảm tiêu cực của mình hay không. Nếu việc hành
trì chỉ tăng thêm lòng ích kỷ, ngã mạn và những tư tưởng tiêu cực, tốt hơn là
nên buông bỏ việc hành trì vì nó không thích hợp cho bạn. Nếu cần phải tin vào
chỉ dẫn của các bậc tiền bối đức hạnh mà kinh nghiệm vượt xa chúng ta, cũng
không nên chấp nhận một sự thật vì nó được một bậc đáng kính nói ra. Giá trị
của lời Phật dạy là ở chỗ mọi người có thể kiểm chứng sự chính xác của nó.
Trong lãnh vực khoa học thiên nhiên, ý niệm về một sự chân xác tuyệt đối là rất
bấp bênh. Trái lại sự giác ngộ đem đến cho ta một sự hiểu biết bất biến về bản
thể chân thật các hiện tượng và khiến chúng ta đạt đến những đức tính mà mọi
con người đều muốn có. Theo Phật giáo, sự hiểu biết chân xác về tính không được
biểu hiện bằng tình yêu và lòng bi mẫn không bờ bến. Đạo sư Tây Tạng Shalkar đã
viết:
Khi mà lòng từ tóm thâu tất cả
các giáo lý, kẻ không có tâm từ thì cũng không biết gì cả các giáo lý ấy.
Dù cho một kẻ đang suy gẫm về
tánh không, cũng cần đến tâm từ, vì đó là tâm điểm của mọi sự việc.
Để
trở lại một ẩn dụ trong các bản văn Phật giáo chỉ có ngọn lửa của tâm từ mới
đốt chảy được các quặng trong tâm ta để giải thoát vàng, và vàng chính là bản
thể tối hậu của ta.