Chương
III. Đi Tìm Một Người
Nếu chúng
ta cảm nhận được sự hài hòa và sự chính xác tuyệt mỹ của vũ trụ, chúng ta không
thể không nghĩ đến sự có mặt của một đấng sáng tạo toàn năng, hay chí ít theo
một quan điểm thế tục, một thứ nguyên tắc sáng tạo nào đó đã kiến tạo một vũ
trụ hết sức hoàn mỹ. Sự toàn năng của một đấng sáng tạo như vậy sẽ giải thích
tất cả và chúng ta sẽ không còn thắc mắc về sự lập thành thật ra quá phức tạp
của vũ trụ, về cách nào đời sống được tạo dựng và làm sao vật hữu tri lại có
thể hòa hợp được với vô tri. Việc định ra có hay không một thượng đế sáng tạo
đã làm nảy sinh ra sự khác biệt căn bản giữa các truyền thống tôn giáo của thế
giới. Theo Phật giáo, định đề “một nguyên nhân đầu tiên” không chấp nhận được
và nhiều khoa học gia cũng đồng quan điểm không viện dẫn Thượng đế sáng tạo lấy
lý do là sự điều hành chính xác của vũ trụ, kết quả chỉ là sự tình cờ. Tuy
nhiên một số khác lại cho rằng có một nguyên tắc tổ chức đã khởi đầu việc sáng
tạo thế gian. Nhưng quan điểm này có đứng vững được không trước sự phân tích,
và thực sự nó có cần thiết và hợp lý hay không?
Thuận: Từ thế kỷ 16 càng ngày mọi người
càng nghĩ trái lại, đất không phải là trung tâm điểm của vũ trụ. Năm 1543, Đức
cha người Ba Lan Nicolas Copernic chứng minh rằng trái đất chỉ là một hành tinh
quay chung quanh mặt trời. Rồi người ta lại tưởng mặt trời là tâm điểm của vũ
trụ cho đến ngày nhà thiên văn người Mỹ khám phá ra mặt trời chỉ là một ngôi
sao nhỏ trong hàng trăm tỷ thiên hà trong vũ trụ trong đó có dãy ngân hà của
chúng ta. Con người chỉ là một hạt cát trong vũ trụ. Và sự hạ thấp của con
người này đã khiến Pascal phải kêu lên vào thế kỷ 17 “Sự im lặng của không gian
vô cùng tận làm tôi phát sợ” và đến thế kỷ thứ 20 nhà sinh học người Pháp Monod
cũng phát biểu: “Con người chìm trong vũ trụ bao la, nơi đó tình cờ anh đã sinh
ra”. Và nhà vật lý người Mỹ Steven Weinberg: “Càng hiểu vũ trụ, người ta lại
càng thấy nó không có ý nghĩa gì cả”.
Còn theo ý kiến tôi thì không
phải tình cờ con người được sinh ra trong một vũ trụ vô hình. Trái lại cả hai
đã cộng sinh rất chặt chẽ và sở dĩ vũ trụ mênh mông bao la là để chúng ta có
mặt.
Matthieu: Bạn hãy coi chừng! Lời
bạn nói giống như Bernardin De St
Pierre “Quả bí có nhiều múi là để cả nhà cùng ăn”!
Thuận: Dĩ nhiên là phải dè chừng các
lập luận độc đoán. Tuy nhiên theo vũ trụ học hiện đại, sự xuất hiện của con
người có lẽ phụ thuộc vào đặc tính của các nguyên tử, các vì sao, các thiên hà
và cũng phụ thuộc vào các luật vật lý điều hành vũ trụ. Sự tiến hóa của vũ trụ
của chúng ta được xác định bởi cái mà người ta gọi là “điều kiện tiên khởi” và
bởi khoảng mười lăm con số mà người ta gọi là hằng số vật lý. Đường đi của một
viên đạn bắn ra trong không trung, trước khi rơi xuống đất được miêu tả rất
chính xác. Để làm được điều này một nhà vật lý sử dụng luật hấp dẫn của Newton và sự hiểu biết các
điều kiện tiên khởi như là vị trí và vận tốc của viên đạn khi bắn ra. Luật
Newton lại phụ thuộc vào hằng số hấp dẫn để chỉ ra cường độ của lực hấp dẫn.
Cũng như thế có ba con số để kiểm soát cường độ của các lực nguyên tử mạnh và
yếu, lực điện từ. Kế đó là vận tốc ánh sáng và hằng số Planck để xác định kích
thước các nguyên tử. Rồi đến những con số để chỉ ra khối của các hạt căn bản
như dương tử, điện tử v.v... Những hằng số này giữ một vai trò quyết định trong
sự tiến hóa của vũ trụ vì lẽ chúng xác định không những khối và kích thước các
thiên hà, các vì sao của trái đất chúng ta và của các sinh vật nữa như bề cao
cây cối, hình dáng cái bông hoa, sức nặng và chiều cao của con người và của
muôn thú. Thực tại quanh ta sẽ khác hẳn nếu những hằng số có những giá trị khác
nhau. Những hằng số này không hề thay đổi theo không gian và thời gian. Chúng
ta đã có thể kiểm chứng khá chính xác khi quan sát các thiên hà xa xôi. Còn về
các điều kiện tiên khởi khi tạo dựng vũ trụ thì gồm có số lượng vật chất mà nó
sở hữu và phân xuất trương nở ban đầu của nó. Chỉ cần những hằng số và những
điều kiện tiên khởi thay đổi một ít là toàn thể nhân loại sẽ bị diệt vong. Vũ
trụ dường như đã chứa đựng sẵn một cái mầm mống sống để con người có thể xuất
hiện.
Matthieu: Cho rằng đời sống của
chúng ta phản ánh trong các nguyên tố của vũ trụ chứng tỏ sự hòa hợp của cả
hai. Nếu từ đó mà nêu lên quan niệm cứu cánh là cả một sự khác biệt lớn.
Thuận: Phải, nhưng hiện nay chúng ta
chỉ có một thuyết vật lý giải thích tại sao những hằng số ấy lại có những giá
trị như vậy mà không có giá trị khác. Những hằng số ấy đã được tìm ra và chúng
ta phải bằng lòng vậy.
Matthieu: Thật ra không có một giải
thích nào khác sao?
Thuận: Ngoài sự tình cờ thuần túy còn
có thuyết các siêu sợi theo đó những hạt nguyên sơ được tạo lập từ những rung
động của những đầu sợi cực nhỏ. Khối hay diện tích của hạt này hay hạt khác
được xác định bởi cách rung động của các sợi. Nhưng nếu như vậy chỉ là thay thế
một vấn đề bằng một vấn đề khác, vì lý thuyết không giải thích vì sao những
rung động của sợi lại có những giá trị như vậy mà không phải có một giá trị
khác, hoặc giả những hạt từ những sợi rung động tạo ra lại có những đặc tính
nhất định.
Matthieu: Những hằng số vật lý này
có thể đi ở những vũ trụ khác hay không?
Thuận: Không có lý do nào ngăn cấm các
hằng số thay đổi từ vũ trụ này đến vũ trụ khác. Các máy tính của các nhà thiên
văn đã chỉ ra rằng chỉ cần thay đổi phần nào các hằng số vật lý và những điều
kiện tiên khởi thì không thể có sự sống được.
Matthieu: Nếu thế thì các hằng số
phải thay đổi bao nhiêu?
Thuận: Con số chính xác tùy vào hằng số
và điều kiện tiên khởi mà chúng ta đã đề cập. Nhưng trong mọi trường hợp một
thay đổi cực nhỏ cũng làm cằn cỗi vũ trụ. Thử xem tỷ trọng đầu tiên của vật
chất trong vũ trụ. Vật chất có một lực hấp dẫn chống lại vụ nổ đầu tiên Big
Bang và làm chậm bớt sự trương nở vũ trụ. Nếu tỷ trọng đầu tiên cao quá, vũ trụ
sẽ tự sụp đổ trong vòng một triệu năm hoặc một trăm năm và cũng có thể trong
một năm. Khoảng thời gian đó quá ngắn cho thuật luyện kim trên các vì sao có
thể tạo ra các nguyên tố nặng như cácbon cần thiết cho sự sống. Ngược lại nếu
tỷ trọng đầu tiên của vật chất quá thấp, lực hấp dẫn quá yếu sẽ ngăn trở việc
tạo thành các vì sao. Và nếu không có các vì sao thì không có các nguyên tố
nặng và như vậy không có sự sống. Thế thì tất cả nằm trong thế quân bình rất
mong manh.
Ví dụ hiển nhiên nhất là tỷ
trọng của vũ trụ vào lúc khởi đầu, nó cần điều chỉnh đến độ chính xác 10-60.
Nếu khác đi, nếu ta chỉ cần đổi một con số sau sáu mươi con số 0 thì vũ trụ sẽ
khô cằn, không còn sự sống và cũng không có bạn và tôi ở đây để nói chuyện. Sự
điều chỉnh chính xác đáng ngạc nhiên nói trên có thể ví như một người bắn cung
đứng cách mục tiêu 15 triệu năm ánh sáng mà bắn trúng một điểm vuông có 1cm bề
cạnh. Trước một sự chính xác lạ lùng như vậy, vài nhà vũ trụ học đã nghĩ đến
việc vũ trụ được tạo dựng là để cho có sự sống và con người đều có thể ngắm
nhìn vẻ đẹp và sự hài hòa của nó. Với ý niệm này người ta đặt ra nguyên lý
“Nhân duyên” theo đó con người hay mọi sinh vật khác giữ một vai trò trung tâm
trong vũ trụ. Đó là cường thuyết của nguyên tắc Nhân duyên.
Còn một nhược thuyết nữa của
nguyên lý này cho rằng không có dự định nào khi tạo lập vũ trụ. Nhưng cũng gần
như một sự trùng ý khi thuyết này cho rằng các đặc tính của vũ trụ cần phải hòa
hợp với sự sống của con người. Tính từ “Nhân” đã được dùng không đúng chỗ vì lẽ
vũ trụ không dành riêng cho con người mà cho cả mọi sinh vật. Những người theo
thuyết Nhân duyên này cho rằng có một sự liên hệ chặt chẽ giữa con người và vũ
trụ. Paul Claudel đã có thái độ với Pascal khi nói rằng: “Sự im lặng kéo dài
của không gian vô tận không làm tôi sợ hãi. Tôi dạo chơi trong đó với một niềm
tin thân thiện. Chúng ta không ở trong một xó của sa mạc hoang dại và không lối
ra. Mọi thứ trong thế gian này đều là anh em quen thuộc với chúng ta”.
Matthieu: Theo Phật giáo thì không
có một nguyên tắc tổ chức cũng như một nguyên nhân tối hậu nào đã tạo dựng vũ
trụ một cách chính xác để cho đời sống xuất hiện. Sự hòa hợp giữa thế giới vô
tri và thế giới hữu tri có thể có được vì chúng đã tồn tại song song trong một
vũ trụ không có khởi đầu, như sự nổ Big Bang chẳng hạn cũng chỉ là một giai
đoạn trong tiến trình bất tận. Những điều kiện trong vũ trụ hiện nay rất hài
hòa với vũ trụ trước đây và sau này, vì lẽ sự nối tiếp các sự kiện gợi lên sự
liên tục và sự hòa điệu giữa thiên nhiên giữa Nhân và Quả. Vũ trụ không phải
được điều chỉnh bởi một ông thợ sửa đồng hồ vĩ đại để cho đời sống xuất hiện
các điều kiện sinh tồn đã có từ những thời điểm không có khởi đầu và không loại
trừ lẫn nhau, trái lại hòa hợp với nhau một cách hoàn hảo. Vấn đề của nguyên
tắc “Nhân duyên” hay “Nguyên nhân tối hậu” là đặt những hằng số vật lý trước
tâm thức và xác nhận rằng phải có những hằng số này thì tâm thức hay sự sống
mới xuất hiện được. Nguyên tắc nhân duyên gần giống như ta nói: “Nửa quả dừa
được tạo nên để nửa còn lại ráp nối vừa vặn với nửa quả trước”.
Thuận: Tôi hiểu với giả thuyết một sự
đồng sinh không có thời điểm khởi đầu của tâm thức và vật chất, Phật giáo không
cần đến nguyên lý “Nhân duyên” để giải thích sự sống và tâm thức. Nhưng giả thử
giả thuyết này vô giá trị, và người ta cần phải giải thích sự điều chỉnh hoàn
hảo các hằng số vật lý và những điều kiện tiên khởi của vũ trụ, ta có thể tự
hỏi xem sự điều chỉnh ấy là tình cờ hay thật sự cần thiết. Nếu ta không chấp
nhận nguyên lý “Nhân duyên” thì bắt buộc ta phải quay sang giả thuyết “sự tình
cơ”. Giả thuyết này quyết định sự tồn tại vô số vũ trụ khác với nhiều sự phối
hợp các hằng số và các điều kiện tiên khởi.
Matthieu: Những vũ trụ khác phải
chăng là cái mà các nhà vật lý gọi là những vũ trụ song song?
Thuận: Có thể là như vậy. Cái quan niệm
lạ đời “vũ trụ song song” đã xuất hiện nhiều lần trong vật lý. Quan niệm đó bắt
nguồn từ sự khám phá ra cơ học lượng tử. Theo thuyết này, không thể tiên đoán
một cách chính xác sự định vị của một hạt vi mô. Người ta chỉ tìm ra nó bằng
cách ?nhiên mà thôi.
Cũng không thể xác định quỹ đạo của nó giống như mô tả quỹ đạo một hành tinh
quanh mặt trời. Sự không định vị chính xác ấy gọi là “Sự lờ mờ lượng tử” đưa
đến sự mô tả gây ngạc nhiên về thế gian. Theo sự mô tả này, một điện tử có thể
có mặt ở nhiều nơi khác nhau. Nhà vật lý người Mỹ Hugh Everett lại đề nghị một
giả thuyết triệt để hơn: Vũ trụ được chia ra làm nhiều mẫu gần giống hệt nhau,
ở mỗi nơi sẽ có mặt một điện tử thích hợp. Như vậy rất nhiều vũ trụ xuất hiện.
Và những vũ trụ song song này không còn nối kết với nhau và không thể có liên
lạc nào giữa những vũ trụ đó.
Matthieu: Trong trường hợp các sinh
vật, giả thuyết này gợi ý làn sóng tâm thức sẽ phân hai, mỗi khi một tư tưởng
nổi lên trong tâm thức hay nguyên tử chuyển động trong bộ não. Như vậy làn sóng
tâm thức liên tục sẽ không còn ý nghĩa nữa.
Thuận: Đây là một lập luận sắc bén
chống lại các thuyết vũ trụ song song. Chính tôi cũng rất ngạc nhiên về ý niệm
vũ trụ phân hai mỗi khi cần chọn lựa hay quyết định. Rõ ràng là cơ thể chúng ta
không thể chia chẻ mà chúng ta không ý thức.
Matthieu: Mỗi tư tưởng của chúng ta
có khả năng tạo ra một vũ trụ riêng biệt. Phật giáo quan niệm có nhiều cõi khác
nhau với những cách sống khác nhau, nhưng không đồng ý có nhiều vũ trụ song
song không thể giao dịch với nhau được, vì lẽ như vậy sẽ đi ngược lại sự tương
thuộc các hiện tượng cùng một bản chất. Nếu các hiện tượng tương thuộc lẫn
nhau, ta không thể tách rời chúng được mà không làm chúng biến mất đi. Những vũ
trụ không hòa hợp được không thể cùng tồn tại trong cái toàn nguyên vô tận ấy.
Hơn nữa, nếu vào cùng một thời điểm mà có sự tạo dựng nhiều vũ trụ khác nhau,
thì điều này sẽ làm tiêu tan mọi nguyên tắc nhân quả.
Thuận: Điều này đúng trong trường hợp
cơ học lượng tử. Các vũ trụ song song đó diễn tả cái mà người ta gọi là “tình
cờ thật sự” nghĩa là không có nguyên nhân nào hết.
Matthieu: Nếu các hiện tượng có thể
xảy ra mà không có nguyên nhân nào hết thì mọi thứ đều có thể nảy sinh từ mọi
thứ khác. Ngược lại nếu các hiện tượng đều tương thuộc thì sẽ không có cái
“tình cờ thật sự” và sự tự do xuất hiện của các hiện tượng cũng phải dựa vào
luật nhân quả. Điều này không hàm súc một sự tất định tuyệt đối vì lẽ các
nguyên nhân và điều kiện là vô hạn.
Thuận: Tôi đồng ý với bạn, tôi cho là
sự tạo dựng các vũ trụ song song không thiết thực, nhưng có thể có nhiều dạng
vũ trụ khác. Tôi đã ghi nhận ý niệm về những chu kỳ vũ trụ theo đó vụ nổ Big
Bang xảy ra nhiều lần vũ trụ kế tiếp, quan niệm này có vẻ được Phật giáo chấp
nhận. Mỗi khi một vũ trụ mới được thành lập từ một vũ trụ cũ thì lại có những
hằng số vật lý và những điều kiện tiên khởi mới. Hiện nay, việc quan sát thiên
văn dường như chỉ ra rằng vũ trụ thiếu vật chất cần thiết để lực hấp dẫn của
vật chất có thể đảo ngược lại việc tuôn chảy các ngân hà. Hơn nữa, dường như có
một lực huyền bí mệnh danh là “lực đen” chống lại lực hấp dẫn và làm tăng tốc
việc tuôn chảy các ngân hà. Như vậy, việc trương nở của vũ trụ cho đến bây giờ
là bất tận. Nhà bác học người Mỹ LeeSmolin cho rằng Big Bang và tâm điểm hố đen
đều có đặc tính vật chất có tỷ trọng cùng cực, và vì thế ông ta cho rằng một vũ
trụ mới có thể hình thành từ lỗ đen không có liên hệ gì với vũ trụ của chúng
ta. Nhưng hiện nay thuyết này cũng không kiểm nghiệm được, và có thể được liệt
vào loại khoa học giả tưởng.
Matthieu: Vũ trụ mới này có thể là
không liên hệ gì đến chúng ta, tuy nhiên về mặt nhân quả mà nói thì nó xuất
hiện từ lỗ đen, là nơi mà chính vũ trụ của chúng ta khai sinh. Như vậy có thể
có sự liên tục cũng như sự liên hệ giữa vũ trụ.
Thuận: Thuyết Big Bang cho phép quan
niệm một cách khác về sự có mặt nhiều vũ trụ khác nhau. Nhà vật lý người Nga
Andrey Linde cho rằng những sự dao động không ngừng của “bọt lượng tử” từ vụ nổ
đầu tiên tạo ra vô số vũ trụ và vũ trụ của chúng ta chỉ là một bong bóng nhỏ
trong đám bọt đó. Nhưng dù sao các thuyết trên không thể quan sát hoặc kiểm
nghiệm được, và như vậy khoa học nếu không thực nghiệm thì lại rơi vào siêu
hình học.
Matthieu: Tuy vậy những đề tài siêu
hình học luôn luôn là mối băn khoăn của các nhà bác học. Cho rằng những điều
không nhận biết được là không có, là một thái độ siêu hình. Còn phải chứng minh
là có phải thật không có hay không? Dù sao khi đề cập đến vấn đề những giây
phút đầu tiên của vũ trụ, không thể không nghĩ đến siêu hình dù cho rằng những
khám phá của Big Bang, trước Big Bang, chỉ có siêu hình học mới đặt câu hỏi
sau: “Có chăng một sự khởi đầu?” hoặc “Tại sao lại một sự khởi đầu?”. Nhiều nhà
khoa học đã chia sẻ ý kiến này. Francois Jacob đã viết: “Một lãnh vực hoàn toàn
thoát khỏi mọi nghiên cứu khoa học, đó là lãnh vực nói về nguồn gốc của thế
gian, ý nghĩa về điều kiện làm người và số phận của con người. Không phải vì
những câu hỏi đó vẩn vơ, vì mỗi chúng ta sẽ đặt cho mình những câu hỏi đó sớm
hay muộn. Những câu hỏi ấy mà Karl Popper gọi là những câu hỏi tối hậu thuộc về
tôn giáo, về siêu hình và cả về thơ ca nữa.
Thuận: Tôi đồng ý là đã có định kiến về
siêu hình học. Nhưng trong khoa học chỉ có thực nghiệm, có quan sát là chứng
minh được cho các lý thuyết. Ví dụ thuyết tương đối của Einstein đã thay thế
thuyết hấp dẫn Newton vì lẽ tính tương đối giải
thích được những quan sát mà Newton
không thể làm được. Vì thế tôi nghiêng về cái mà người ta gọi là “Nguyên lý
tiết kiệm” của nhà thần học và triết gia Guillaume d’Occam vào thế kỷ 14.
Nguyên lý này loại bỏ mọi giả thiết không cần thiết để giải thích một sự kiện
và chỉ giữ lấy một giả thiết đơn giản nhất. Như vậy tại sao lại tạo ra vô số vũ
trụ khô cằn rồi lại chỉ giữ có một vũ trụ
có thể cảm nhận được chính mình?
Matthieu: Bạn nói dường như có một
Đấng sáng tạo đã làm hỏng nhiều lần, trước khi thành công tạo ra vũ trụ của
chúng ta. Điều này giả thử rằng sự tạo ra đời sống và tâm thức có một mục tiêu.
Nhưng mục tiêu của ai? Của một sinh vật có tâm thức chăng? Như vậy thì nó từ
đâu đến? Hay là của một Đấng sáng tạo, do một Đấng sáng tạo khác lập ra? Hoặc
giả là không có nguyên nhân nào? Nhưng một vật tạo ra là phải có một nguyên
nhân? Để thoát ra cái bế tắc này, chỉ còn cách tưởng tượng một vũ trụ không có
khởi đầu.
Thuận: Một lý do khác khiến tôi chống
lại giả thiết tình cờ là tôi không thể hiểu nỗi vẻ đẹp, sự hài hòa, tính đồng
nhất của thế gian lại có thể là kết quả của một sự tình cờ. Vũ trụ của chúng ta
thật sự rất đẹp: những buổi hoàng hôn đỏ rực, nét đẹp tinh tế của nụ hồng,
những hình ảnh của các vì sao và các thiên hà trên bầu trời làm rung động sâu xa
trái tim chúng ta. Như vậy sở dĩ vũ trụ được hài hòa như thế là vì các định
luật điều hành nó không thay đổi với thời gian và không gian.
Matthieu: Lập luận về vẻ đẹp của vũ
trụ không đứng vững. Quan niệm về vẻ đẹp là hoàn toàn tương đối. Nụ hồng chỉ
đẹp với thi nhân, tốt cho côn trùng còn không là gì cả với cá voi. Những hình
ảnh các thiên hà chỉ đẹp cho một số ít người có phương tiện quan sát chúng vào
thế kỷ thứ 20. Vẻ đẹp của các hành tinh không người ở hoặc các thiên hà mà
không ai nhìn thấy được thử hỏi để làm gì?
Thuận: Còn một lập luận nữa chống lại
sự tình cờ: đó là tính đồng nhất trong vũ trụ. Từ khi khoa vật lý tiến những
bước dài, nhiều hiện tượng mà ta cứ tưởng là tách biệt đã có thể thống nhất lại
với nhau.
Thế kỷ thứ 17, Newton nối liền trời và đất: đó là luật hấp
dẫn đã làm rơi trái táo trong vườn và làm mặt trăng xoay quanh trái đất. Vào
thế kỷ thứ 19, Maxwell đã chỉ ra điện và từ tính chỉ là hai dạng của cùng một
hiện tượng. Và ông hiểu rằng sóng điện từ chỉ là sóng ánh sáng. Đầu thế kỷ thứ 20,
Einstein đồng nhất thời gian và không gian và đầu thế kỷ thứ 21, các nhà vật lý
đang cố gắng để thống nhất bốn luật căn bản của vũ trụ thành một lực duy nhất.
Vũ trụ đang tiến đến Nhất nguyên. Vì vậy, tôi khó lòng tin sự tiến đến Nhất
nguyên này là kết quả của sự tình cờ.
Matthieu: Sự kiện vũ trụ và đời
sống của chúng ta đã phát triển theo luật nhân quả mà không có sự sáng tạo nào,
và cũng ngụ ý rằng sự hài hòa của vũ trụ vẫn được bảo tồn cũng như đời sống con
người. Sự tương thuộc giữa hiện tượng và tâm thức giúp chúng ta cảm nhận được ý
nghĩa về sự toàn nguyên của vũ trụ.
Thuận: Tôi cần phải nói rõ với bạn là
tôi không nghĩ rằng con người là sản phẩm tối hậu của vũ trụ. Vũ trụ sẽ tiếp
tục phát triển, và con người cũng vậy. Đời sống càng ngày càng phức tạp. Tuy
nhiên rất khó cho tôi để chấp nhận rằng mọi phát triển của vũ trụ dẫn đến sự có
mặt của con người chỉ là một loạt những sự ngẫu nhiên may mắn. Sự tình cờ mà
tôi đề cập đến rất khác với sự tình cờ của Jacques Monod. Khi nhà sinh hóa nói
đến sự tình cờ, ông ta nghĩ đến sự gặp nhau tình cờ của các quark để tạo thành
hạt nhân các nguyên tử giữa các vì sao để nung đốt cho chúng sáng lấp lánh hoặc
từ các chất đốt đó nảy sinh các phần tử tạo thành các hành tinh. Cũng như sự
phối hợp tình cờ các phân tử hữu cơ của Đại dương nguyên thủy để tạo thành các
vòng xoắn AND.
Theo tôi, sự tình cờ thật sự là
sự lựa chọn những hằng số vật lý và những điều kiện tiên khởi chớ không phải là
sự gặp nhau của các hạt và các phân tử. Một khi các hằng số đó xác định, vật
chất đã có sẵn những mầm sống của sự phát sinh tâm thức đưa đến con người hiện
nay. Sau rốt, nếu ta gạt ra sự tình cờ và những thuyết về số nhiều vũ trụ, và
chúng ta xác định là chỉ có một vũ trụ duy nhất của chúng ta, tôi nghĩ có lẽ
phải theo Pascal là chấp nhận có một nguyên lý sáng tạo.
Matthieu: Tốt lắm, vậy
hãy xét nguyên lý ấy. Trước hết nó có ngụ ý chí sáng tạo chăng?
Thuận: Nó có thể điều chỉnh những hằng
số và những điều kiện điện đầu tiên để có thể đi đến một vũ trụ có thể ý thức
về chính mình. Chúng ta có thể gọi nó là Thượng đế hay không cũng được. Theo
tôi thì không phải là một Thượng đế nhân cách hóa mà là một nguyên lý phiếm
thần có mặt khắp nơi trong thiên nhiên. Einstein cũng viết: Khoa học hiện nay
cũng soi sáng khác đi một vài lập luận được các triết gia và các nhà thần học
trong quá khứ sử dụng để chứng minh sự có mặt của Thượng đế. Trước tiên, là sự
phức tạp của vũ trụ chỉ có thể là công trình của một đấng sáng tạo, một chiếc
đồng hồ phải là do ông thợ đồng hồ tạo nên. Một quyển sách không thể được viết
ra bằng cách đặt lên bàn một lọ mực, một cây viết và một xấp giấy. Nhưng lập
luận này đã bị phá sản bởi khoa học hiện nay đã chứng minh rằng nhiều hệ thống
rất phức tạp là kết quả tự nhiên của sự tiến hóa theo những định luật vật lý và
sinh học và không cần kêu gọi đến Thượng đế.
Lập luận tiếp theo là “lập luận
vũ trụ” được sử dụng bởi Platon, Aristote, St Thomas Aquin và Kant: Mọi vật đều
có một nguyên nhân. Nếu thế thì sẽ có vô số nguyên nhân cho vô số hiện tượng.
Và chỉ có thể có một nguyên nhân duy nhất là Thượng đế. Cơ học lượng tử đã đặt
lại vấn đề mọi vật đều có một nguyên nhân. Năm 1927 với nguyên lý thời danh gọi
là “Nguyên lý bất định” Werner Heisenberg đã chứng minh sự bất định và sự mờ
mịt trong thế giới vi mô. Sự mờ mịt đó đã ngăn cản chúng ta cùng một lúc biết
được năng lượng và thời gian tồn tại của một hạt. Với một hạt mà thời gian tồn
tại cực ngắn, sự bất định về năng lượng của nó rất lớn và như thế nó sẽ vay
mượn năng lượng nơi thiên nhiên để thị hiện mà không cần một nguyên nhân nào
khác. Cũng giống như thế một vũ trụ, trên lý thuyết có thể đột ngột xuất hiện
từ khoảng không mà không có một nguyên nhân tiên khởi nào ngoài sự dao động
lượng tử.
Matthieu: Nếu Thượng đế là bất biến
thì Ngài không thể sáng tạo được. Còn nếu Ngài bị dính mắc vào thời gian thì
Ngài không thể bất biến được. Đó phải là sự mâu thuẫn dẫn đến quan niệm nguyên
nhân đầu tiên. Trước tiên, nếu có một nguyên nhân đầu tiên, nguyên nhân này
phải bất biến. Vì sao? Vì tự nó là đầu tiên thì nó phải không thay đổi. Mọi
thay đổi đều ngụ ý có sự can thiệp của một nguyên nhân khác không giống với
nguyên nhân đầu tiên.
Kế đến, làm thế nào mà một thực
thể bất biến lại có thể sáng tạo? Nếu có sự sáng tạo thì người sáng tạo phải
giữ vai trò gì trong đó? Nếu không thì sao gọi là đấng sáng tạo. Nếu có, vì lẽ
sự sáng tạo được thể hiện bằng nhiều giai đoạn thì vật hay người có liên quan
đến các giai đoạn ấy không thể bất biến được. Ta có thể chấp nhận ý kiến của
thánh Augustin là Thượng đế đã sáng tạo ra thời gian cùng với vũ trụ nhưng dù
là như vậy, sự sáng tạo cũng vẫn là một tiến trình và nếu là tiến trình thì
không thể bất biến được. Còn thánh Thomas ở Aquin thì lại nói: “Nếu thế giới
này hiện hữu thì đây là vấn đề đức tin, không phải là vấn đề cần chứng minh hay
vấn đề khoa học”. Phật giáo thì cho rằng đức tin ở đây không cần thiết nếu ta
không đặt vấn đề khởi đầu của vũ trụ.
Thuận: Có rất nhiều lập luận chống lại
sự có mặt của Thượng đế. Riêng tôi, tôi chỉ đề cập đến một nguyên lý sáng tạo
để giải thích sự lập thành của vũ trụ. Khoa học chưa chứng nghiệm được nguyên
lý đó.
Matthieu: Nhưng người ta không thể
đưa ra một nguyên lý mà không giải thích được gì. Nguyên lý ấy tự nó sinh ra nó
không? Nó có thường hằng không? Nó có toàn năng không?
Thuận: Bạn vừa đề cập đến vấn đề toàn năng.
Thật ra người ta đã cố đồng hóa nguyên lý ấy với Thượng đế sáng tạo. Nhưng các
nhà vật lý chỉ đề cập đến các luật vật lý. Và những luật này có những đặc tính
mà người ta thường gán cho Thượng đế. Chúng phổ biến khắp nơi trong không gian
và thời gian ở trái đất chúng ta, cũng như ở các thiên hà bao la. Chúng là
tuyệt đối, không lệ thuộc vào thời gian. Chúng ta sống trong một vũ trụ có thời
gian được mô tả bằng những luật không thời gian. Những luật này là toàn năng và
được áp dụng trên mọi vật ở mọi nơi. Nói tóm lại chúng có đặc tính của một
Thượng đế sáng tạo.
Matthieu: Tôi không hiểu được vì
sao những luật ấy lại ngụ ý sự có mặt của một nguyên lý sáng tạo hay tổ chức.
Chúng chỉ phản ánh bản chất tương thuộc của các hiện tượng mà thôi.
Thuận: Tôi nhìn nhận rằng quan niệm
tương thuộc có thể giải thích sự điều chỉnh chính xác các luật vật lý và những
điều kiện tiên khởi cho phép có đời sống trên vũ trụ. Nhưng tôi không hiểu được
vì sao quan niệm ấy có thể trả lời được câu hỏi của Leibniz: vì sao lại có vật
gì thay vì không có gì cả?
Matthieu: Xác định có mặt của một
nguyên lý sáng tạo cũng không trả lời được câu hỏi đó. Chỉ là cách đặt lại vấn
đề mà thôi. Tại sao lại có một nguyên lý sáng tạo thay vì không có gì hết? Và
bạn hiểu nguyên lý tổ chức như thế nào? Phải chăng là một thực thể, một hình
dáng tâm thức đã nghĩ ra cái toàn nguyên vũ trụ và làm nó vận chuyển? Cái
nguyên lý ấy có ý định sáng tạo hay không?
Thuận: Tôi nghĩ là có, nguyên lý ấy
muốn sáng tạo một vũ trụ có người quan sát được. Đó là lý do vì sao vũ trụ của
chúng ta được thành lập và tiến hóa như hiện nay.
Matthieu: Nhưng nếu nguyên lý ấy
quyết định sáng tạo, phải nhìn nhận rằng nó không toàn năng vì nó còn bị ảnh
hưởng bởi ý muốn sáng tạo. Ngược lại nếu nó quyết định không sáng tạo, nó cũng không
toàn năng vì nó sáng tạo mà không quyết định trước. Như vậy nó không được tự do
để sáng tạo hay không sáng tạo, và thế là nó không toàn năng. Nguyên lý ấy cũng
không bất biến vì theo như chúng ta đã biết trong quá trình sáng tạo, nó buộc
phải thay đổi. Sự sáng tạo ngụ ý phải có thay đổi. Sau khi sáng tạo, nguyên lý
ấy không còn như trước nữa. Trước đó, nó không phải là đấng sáng tạo, sau đó nó
trở thành đấng sáng tạo. Như vậy nó mất đi sự bất biến của nó. Một câu hỏi
khác: một nguyên lý như vậy là tự nó sinh ra? Nói cách khác, không có nguyên
nhân nào làm cho nó sinh khởi?
Thuận: Theo tôi, nó chính là nguyên
nhân sinh ra nó.
Matthieu: Nếu nguyên lý ấy tự sinh
thì theo Phật giáo nó phải bất biến và không có lý do nào làm nó thay đổi. Chỉ
có vật nào do vật khác sản sinh thì mới thay đổi. Như thế ta lại phải đối mặt
với một mâu thuẫn mới vì nếu nguyên lý ấy bất biến, nó không thể sáng tạo được.
Mọi yếu tố sáng tạo đều thay đổi sau khi đã sinh khởi vật mình sáng tạo. Thuyết
nhân quả luôn luôn có tác dụng hỗ tương.
Thuận: Nếu thế, mỗi sự kiện đều phải có
một nguyên nhân và như vậy sẽ vô cùng tận.
Matthieu: Sự vô cùng tận đó đi
ngược lại những tin tưởng siêu hình truyền thống của tôn giáo cũng như của khoa
học; cả hai đều muốn cho vạn vật phải có một sự khởi đầu. Theo Bertrand Rousel,
không có lý do gì tin rằng thế giới có một sự khởi đầu và nếu chúng ta tin như
vậy là vì trí tưởng tượng của chúng ta quá nghèo nàn. Cái ý muốn có một sự khởi
đầu cho vạn vật dựa trên sự xác tín là mọi vật thật sự hiện hữu và chúng ta cảm
nhận được điều ấy. Vậy nếu một sự khởi đầu không cần thiết và riêng tôi cũng
đồng ý như vậy, thì cái nguyên lý tổ chức cũng không cần thiết. Làm sao nó có
thể tổ chức các hiện tượng không có khởi đầu. Nó có thể thay đổi hiện tượng dần
dần mà thôi. Còn một lập luận khác chống lại nguyên lý sáng tạo đó là nếu nó
tạo nên toàn thể các hiện tượng trong thế gian, nó phải chứa đựng toàn thể
nguyên nhân của các hiện tượng ấy. Nếu không sẽ có một vật thể gì đó nằm ngoài
sự sáng tạo của nó.
Thuận: Đúng thế.
Matthieu: Nhưng nền tảng của luật
nhân quả quy định rằng nếu một sự kiện không xảy ra là vì thiếu nguyên nhân và
điều kiện sản sinh ra nó. Nếu một hạt thóc không nẩy mầm thì có thể hạt ấy xấu,
thiếu ẩm, thiếu ánh sáng v.v... Ngược lại nếu nguyên nhân và điều kiện ấy đủ
thì bắt buộc sự kiện ấy phải xảy ra. Nếu nó không xảy ra nghĩa là nó còn thiếu
một cái gì đó. Vậy nếu một nguyên lý sáng tạo chứa đầy đủ nguyên nhân và điều
kiện để tạo nên vũ trụ thì nó có thể tạo nên toàn thể vũ trụ như một vụ nổ Big
Bang thường hằng chẳng hạn.
Thuận: Bạn nói như vậy là nó sẽ hoạt
động không ngừng nghỉ sao?
Matthieu: Đúng vậy, vì nếu nó ngừng
nghỉ, điều ấy có nghĩa là nó đã thôi chứa đựng trong bản thể của nó những
nguyên nhân và điều kiện của sự sáng tạo. Nó cần đến sự trợ giúp của một nguyên
lý khác có chứa đựng một phần các nguyên nhân và như vậy, nó sẽ tùy thuộc vào
nguyên lý mới này. Hoặc giả nó có thể nhờ đến một nguyên lý khác nữa để hãm bớt
sự sáng tạo của nó. Trong tất cả các trường hợp, nó mất đi sự toàn năng của nó.
Vậy thì chỉ còn có hai khả năng: hoặc là nó không chứa đựng tất cả các nguyên
nhân và điều kiện và như vậy nó không sáng tạo được. Hoặc là nó chứa đựng tất
cả và nó sẽ sáng tạo liên tục.
Thuận: Điều này quả thật vô lý.
Matthieu: Phật giáo đề nghị rằng trong
thế giới hiện tượng không cần có nguyên lý sáng tạo và mỗi giây phút được xem
như là một sự ngưng dứt và khởi đầu liên tục do sự vô thường của các hiện tượng
theo luật Nhân quả. Trên bình diện chân lý tuyệt đối, tất cả các sự kiện quá
khứ, hiện tại, vị lai đều giống hệt nhau vì chúng không có tự tính: chúng không
có khởi đầu cũng như không có chấm dứt. Nếu một vật gì không thật sự được sản
sinh thì không có lý do gì tìm hiểu về sự chấm dứt của nó. Vậy thì ta không cần
đến một nguyên lý sáng tạo có thể làm được mọi việc nhưng chính nó lại được tạo
ra không bởi cái gì cả.
Thuận: Như vậy là Phật giáo bác bỏ
thẳng thừng quan niệm Thượng đế sáng tạo, đi ngược lại với các Nhứt thần giáo
và như thế có trái lại hình ảnh khoan hòa từ lâu nay của Phật giáo không? Làm
thế nào để dung hòa được nhận định của mình so với các tôn giáo khác?
Matthieu: Sự khoan hòa dù có lớn
mấy đi chăng nữa cũng không ngụ ý một sự chấp nhận các quan điểm siêu hình mà
mình không chia sẻ được. Tất cả đều tùy thuộc vào việc ta quan niệm Thượng đế
như thế nào. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Nếu ta không xem Thượng đế như một vị
thần linh mà như là nền tảng của con người với những đức tính như lòng từ bi,
thì ta có thể dung hòa được các luồng tư tưởng khác”.
Những lập luận siêu hình cần
được diễn đạt rõ ràng. Nếu chúng sai mà chúng ta chứng minh được thì Phật giáo
sẵn sàng chấp nhận sai lầm của mình. Sự không khoan nhượng là ở chỗ ta cứ chấp
nhận là ta đúng và ta muốn áp đặt ý kiến của ta cho mọi người đôi khi bằng cả
vũ lực. Phải luôn luôn có tấm lòng rộng mở để hiểu rằng điều thích hợp với
chúng ta có thể không thích hợp cho mọi người. Trên bình diện tâm linh, sự tin
tưởng vào Thượng đế có thể đem lại cho một số người sự gần gũi với đấng thiêng
liêng và khuyến khích họ vun trồng lòng bi mẫn và tánh vị tha. Đối với người
khác, sự hiểu biết về sự tương thuộc các pháp và về luật Nhân quả cũng như
quyết tâm đi đến giác ngộ đều là những nguồn cảm hứng mạnh mẽ để phát huy tình
yêu đồng loại và lòng bi mẫn.
Để
kết luận, khi ta đi vào con đường tâm linh thì sự hành trì miên mật là thích
hợp nhất cho sự phát triển tinh thần và những thiên bẩm tâm linh. Nhờ vậy mà
con người đi đến một sự chuyển hóa nội tâm, sự bình an trong tâm hồn khiến hắn
trở nên một con người trưởng thành về mặt nội tâm đồng thời có một trái tim
nhân hậu.