Có những giờ khắc mà người ta có thể ghi bằng chữ mạ vàng trong
quyển lịch của đời mình. Đó là những giờ phút tuyệt vời nhất trong đời
tôi khi tôi trở lại đạo viện của đức Maharichi.
Ngài vẫn ngồi trong tịnh thất như thường lệ, trên tấm da cọp rất đẹp.
Những cây nhang nối tiếp nhau cháy một cách chậm chạp trên chiếc bàn
nhỏ, tỏa ra khắp phòng một mùi hương thơm dịu.
Lúc đó, đức Tôn sư không ngồi nhập định, Ngài vẫn tỉnh táo như
thường, đôi mắt nhìn tự nhiên và đôi môi Ngài nở một nụ cười tiếp đón
khi tôi bước vào tịnh thất và nghiêng mình kính cẩn chào Ngài. Vài vị
đệ tử ngồi cách xa Ngài một cách cung kính, một vị đứng gần kéo cái
quạt tre treo trên trần để quạt cho mát khắp phòng.
Lần này tôi định trình bày cho Tôn sư biết rõ ý muốn của tôi, và chỉ
yên lòng khi tôi biết được quyết định của Ngài. Nhưng tôi có nhiều hy
vọng được Ngài thâu nhận, vì cái tiếng nói trong nội tâm đã gọi tôi từ Bombay trở về đây và vang lên như một mệnh lệnh là một tiếng nói mãnh liệt mà tôi không thể cưỡng lại.
Sau vài lời giải thích, tôi trình bày lời thỉnh cầu của tôi một cách vắn tắt, gọn gàng, Đức Maharichi
vừa nhìn tôi vừa mỉm cười, nhưng vẫn giữ im lặng. Tôi lặp lại câu nói
của tôi, và lần này Ngài trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh rất lưu loát:
– Cần gì phải nói đến quan hệ thầy trò? Những sự khác biệt đó chỉ có
dưới quan điểm của người sơ cơ. Đối với người nào đã phản hồi nguyên
tánh của mình, thì không có sự phân biệt giữa thầy với trò, mà chỉ có
người với người mà thôi.
Tôi tự nghĩ phải chăng đó là một sự từ chối khéo léo? Tôi cố gắng
trình bày yêu cầu của mình theo một cách khác và tôi được trả lời như
sau:
– Anh phải tìm thầy ở tự tâm chứ không phải nơi một người khác. Tôi
muốn nói ở nơi tự tánh hay chân như, Phật tánh của chính mình.
Tôi bắt đầu hiểu ý Ngài. Đức Maharichi không muốn trả lời
trực tiếp câu hỏi của tôi, tôi phải tìm hiểu những lời nói của Ngài, nó
rất sâu sắc và tế nhị. Tôi không nói thêm nữa về việc đó và chỉ nói
chuyện với Tôn sư về chuyến du hành của tôi.
Kế đó, tôi trở về chỗ nghỉ dành riêng cho tôi trong đạo viện, và chuẩn bị ở lại trong một thời gian dài.
*
Trong tuần lễ kế đó, tôi sống một cuộc sống khá bất thường. Ban ngày tôi đến ngồi trong tịnh thất của đức Maharichi
để nghe những lời vàng ngọc của Ngài và hy vọng nhận được câu trả lời
mà tôi đang chờ đợi. Nhưng ban đêm tôi vẫn bị chứng mất ngủ, mặt dầu
tôi nằm dưới đất một cách giản dị trong một cái chòi mới cất ở cách đạo
viện chừng một trăm thước. Vách chòi làm bằng đất, nóc lợp tranh,
chung quanh toàn là những bụi cây có gai, những loại cây xương rồng, là
chỗ bắt đầu của khu rừng hoang rậm rạp, không hề có chân người bước
đến. Phía bắc, khu rừng rậm trải dài đến tận chân ngọn đồi thiêng. Phía
nam có một cái ao lớn, mặt nước phẳng lặng, trên bờ ao có nhiều chòm
cây, thật nhiều khỉ vượn nhảy nhót trên cành.
Những chuỗi ngày như thế trôi qua một cách đều đặn. Mỗi ngày, tôi dậy
sớm trước khi mặt trời mọc và xuống ao tắm. Tôi phải đập nước và làm
nhiều tiếng động để cho loài rắn tránh xa. Kế đó, tôi uống một cách
ngon lành ba chén trà thơm nóng, là món xa xỉ phẩm duy nhất của tôi ở
đạo viện thâm nghiêm này.
Về những bữa ăn thì chỉ có duy nhất một người vừa lo việc bếp núc và
đi chợ nấu ăn. Tuy thế, tôi cũng chỉ ăn một bữa trưa, còn buổi chiều
thì tôi uống sữa hay uống trà.
Sau khi điểm tâm xong, tôi thong thả bước xuống tịnh thất, có khi tôi
ngừng lại ngắm nhìn những bụi hoa hồng trong vườn, hoặc ngồi trầm tư
trong chốc lát dưới những gốc dừa sai trái. Vì buổi sớm mai mặt trời
chưa lên cao nên dạo chơi trong vườn để thưởng hoa như thế là một điều
rất thích thú.
Kế đó tôi bước vào tịnh thất, cúi đầu chào Tôn sư và lặng lẽ đến ngồi
xếp bằng dưới sàn gạch. Tôi được tự do đọc sách hay viết thư trong một
lúc hoặc nói chuyện với các vị đệ tử, thưa hỏi Tôn sư về một vấn đề
nào đó, hoặc tham thiền trong một giờ về một đề tài của Tôn sư đưa ra.
Buổi tối được dành cho giờ tham thiền chung. Nhưng dầu cho tôi mắc
bận việc gì, tôi cũng cảm thấy cái ảnh hưởng tốt lành của bầu không khí
chung quanh mình luôn tiềm tàng một niềm an tĩnh thiêng liêng, phảng
phất trong đạo viện. Chỉ cần được ngồi bên cạnh đức Maharichi
cũng đủ làm cho tâm hồn được tràn đầy một nguồn an lạc vô biên. Phân
tách về điều này, tôi nhận thấy chắc chắn phải có một sự giao cảm nhất
định được tạo ra khi tôi với Tôn Sư ngồi gần nhau. Điều này tuy rất tế
nhị, nhưng không thể nào lầm lẫn được.
Đúng mười một giờ, tôi trở về chòi dùng cơm và nghỉ trưa. Kế đó, tôi
trở lại ngồi nơi tịnh thất. Thỉnh thoảng, để thay đổi không khí, tôi đi
dạo trong vùng chung quanh hoặc xuống tỉnh để viếng ngôi dền Bà-la-môn
vĩ dại và tôn nghiêm ở đó.
Đôi khi, đức Maharichi đích thân đến nơi chòi tranh để viếng
tôi mà không báo trước. Lẽ tự nhiên, tôi không bỏ qua những dịp đó để
thưa hỏi Ngài về nhiều vấn đề thắc mắc. Ngài nghe tôi một cách kiên
nhẫn và trả lời tôi một cách vô tư tuy rằng chỉ với những lời rất ngắn
ngủi, ít khi thành một câu trọn vẹn. Có lần tôi hỏi mà Ngài không trả
lời. Cặp mắt ngài như đắm chìm vào hư không ở tận chân trời, Ngài im
lặng như thế trong vài phút, không chút cử động, hình như Ngài không có
ở đó nữa. Ngài thiền định suy tư hay mãi nhìn một vật vô hình nào giữa
không gian mà chỉ riêng Ngài nhìn thấy? Ngài có nghe thấy tôi chăng?
Dầu sao đứng trước mặt Ngài, tôi luôn cảm nhận có một sức mạnh nào đó
xâm chiếm và chế ngự cả tâm hồn tôi. Việc ấy đã cho tôi một bài học. Có
ích gì mà đặt ra những câu hỏi nọ kia và thảo luận dông dài khi mà tôi
đã có tự nơi mình một kho tàng hiểu biết, chỉ cần tự đào xới lên để
tìm thấy? Tốt hơn là hãy chấm dứt mọi suy luận, tranh cãi và cố gắng
khai thác những gì tiềm tàng trong bổn tánh chân như của mình. Vì thế,
tôi vẫn giữ im lặng và chờ đợi.
Nửa giờ sau, đức Maharichi vẫn điềm nhiên bất động. Hình như
Ngài đã quên đi sự có mặt của tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy rõ ràng rằng
sự giác ngộ trong tâm tôi có một mối liên hệ chặt chẽ qua sự giao cảm
với tâm hồn của ngài, một sự ảnh hưởng, tác động vừa rất cụ thể vừa
huyền bí mơ hồ luôn bao trùm mối quan hệ giữa tôi với Ngài.
Có lần, trong một cuộc viếng thăm bất thần như thế, Ngài thấy tôi
dang bị giày vò bởi một cơn khủng hoảng, buồn rầu. Ngài mới an ủi và
khuyến khích tôi, và nói về cái mục đích huy hoàng hứa hẹn cho người
nào thực hành pháp môn Yoga.
– Nhưng bạch Tôn sư, pháp môn đó là một con đường đầy những chướng ngại, và tôi tự biết rõ về sự yếu đuối của tôi.
– Điều đó thường là nguyên nhân chủ yếu nhất trì kéo ta trên đường
đạo. Chính sự thiếu tự tin đó, cái tinh thần chủ bại đó, đã làm tê liệt
ý chí tiến thủ của con người.
– Nhưng nếu sự chủ bại đó có căn cứ?
– Nó không có căn cứ gì cả! Điều lầm lạc lớn nhất của chúng ta là
luôn tưởng rằng con người tự nhiên vốn yếu đuối, xấu xa, hèn kém... Đó
là do những thói quen, lòng ham muốn và dục tình sinh ra, chứ không
phái chính là của ta.
Những lời dạy của ngài có một sức kích thích rất mạnh. Có lẽ tôi sẽ
gạt bỏ, nếu đó là những lời từ một người nào khác thốt ra, nhưng lương
tri của tôi cho biết rằng lời Ngài thốt ra là đúng chân lý, rằng Tôn sư
không phải là một triết gia chỉ biết phân tích chi ly từng mũi kim,
sợi tóc, mà là một bậc hiền giả có đầy đủ kinh nghiệm thâm sâu và phong
phú về nội tâm.
Một lần khác, trong một cuộc nói chuyện về đời sống ở phương Tây, tôi nói:
– Tôn sư không có gì khó khăn trong việc tìm thấy sự an tịnh ở một
đạo viện yên tĩnh như thế này, vì ở đây Ngài không bị xao lãng hay xáo
trộn tinh thần.
– Đó là anh tưởng như vậy thôi, nhưng một khi đã đi tới mục đích, một
khi anh đã đạt được sự giác ngộ, thì dầu anh sống giữa chốn phồn hoa
náo nhiệt của thị thành hay giữa sự im lặng của rừng thẳm, điều đó
không có chi khác biệt cả.
Một lần khác, khi nghe tôi phàn nàn về việc người Ấn Độ không chú ý đến sự tiến bộ về vật chất, Ngài nói:
– Thật vậy, chúng tôi thuộc về một chủng tộc mà các anh gọi là lạc
hậu. Nhưng chúng tôi quen sống đơn giản. Nhiều sự tiến bộ khoa học vẫn
còn xa lạ đối với chúng tôi, nhưng chúng tôi lấy làm an phận và không
có quá nhiều nhu cầu vật chất như các anh. Như vậy, tuy ít tiến bộ hơn,
nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi kém hạnh phúc.
lll
Bằng cách nào đức Maharichi đã đạt tới cái trình độ tâm linh
tuyệt vời và siêu đẳng như thế? Nhờ sự góp nhặt tài liệu về cuộc đời
của Ngài, do các đệ tử thuật lại hoặc do chính Ngài thỉnh thoảng tự nói
ra, mặc dầu thường thì Ngài không thích nói về đời tư của mình, tôi đã
chép lại đại khái tiểu sử của Ngài như sau:
Ngài tên là Ramana, sinh năm 1879, tại một làng cách thành phố Madura độ ba mươi dặm. Thành phố này có một ngôi đền vĩ đại nổi tiếng ở miền Nam Ấn Độ. Cha ngài là một vị thẩm phán thuộc dòng Bà-la-môn, có tiếng là nhân từ, giàu lòng bố thí và hay cấp dưỡng cơm áo cho người nghèo.
Ngài được nuôi nấng và giáo dục tại Madura, tại đây ngài học Anh văn ở một trường đạo của các vị giáo sĩ người Mỹ sáng lập. Lúc thiếu thời chàng thanh niên Ramana
rất thích chơi các môn thể thao và điền kinh. Chàng tập chơi các môn
vật, đánh quyền và bơi lội. Chàng không biểu lộ một sự thích thú đặc
biệt nào về tôn giáo hay triết học. Có điều lạ là hồi đó chàng thường
có những cơn mộng du, nửa đêm đứng dậy đi trong giấc ngủ (somnambulism) và tiếp theo đó là một cơn ngủ say li bì, không có tiếng động nào có thể đánh thức dậy.
Những bạn học cùng lớp kiêng sợ chàng lúc ban ngày vì chàng trả đũa
lại rất mau chóng mọi sự khiêu khích của chúng. Nay chúng thấy vậy liền
lợi dụng lúc ban đêm để trả thù. Chúng kéo chàng ra khỏi giường nằm,
đưa chàng ra sân trường và đánh chàng nhừ tử rồi đem chàng để lại chỗ
cũ trên giường mà chàng vẫn không tỉnh giấc. Qua ngày sau, chàng vẫn
không hay biết chi cả.
Đối với các nhà tâm lý học phương Tây thì hiện tượng lạ lùng này hầu
như không thể giải thích được, nhưng một đạo sĩ phương Đông sẽ cho biết
ngay rằng đó là những dấu hiệu hiển nhiên của một cơn đại định, khi
tâm thức tập trung hoàn toàn vào một đối tượng nào đó.
Ngày kia có một người thân đến viếng chàng và thuật lại rằng anh ta vừa đi hành hương ở Arunachala
trở về. Danh từ này vang dội một âm thanh lạ lùng huyền bí trong trí
của người thiếu niên mà chàng không hiểu lý do vì đâu. Chàng bèn hỏi
thăm về Arunachala và khi chàng biết được sự tích của ngôi dền
lớn ở đó, chàng liền bị một sự ám ảnh kỳ lạ không sao giải thích được.
Tuy Ấn Độ có đến mười hai thánh địa, nhưng tại sao Arumachala lại làm sao cho chàng say mê và thích thú nhiều hơn những nơi thánh địa khác thì chàng cũng không thể trả lời được.
Chàng tiếp tục sự học tại trường đạo nhưng không biểu lộ một khả năng
đặc biệt nào, mặc dầu chàng là một học trò thông minh và chăm chỉ. Năm
chàng mười bảy tuổi thì những chuyển biến lớn mới bắt đầu xảy ra.
Chàng bỏ trường và thôi học mà không có lý do rõ rệt, cũng không cho
các giáo sư hoặc gia đình biết trước. Sự thay đổi thình lình đó làm sụp
đổ mọi triển vọng về tương lai của chàng, có một nguyên nhân nào chăng?
Cái nguyên nhân đó đối với chàng thật là hiển nhiên, nhưng nó làm cho
gia đình chàng phải bóp trán nghĩ ngợi. Vì cuộc đời, vị Thầy học lớn
nhất của ta, vừa đặt người thanh niên ấy trên một con đường mà các ông
giáo sư của anh ta không hề nghĩ đến. Sáu tuần lễ sau, chàng rời khỏi
trường, từ giã Madura và không hề trở lại nữa.
Ngày đó, chàng đang ở một mình trong phòng thì tự nhiên bị xâm chiếm
bởi một cơn khủng hoảng lạ kỳ. Mặc dầu đang mạnh khỏe, chàng có cảm
giác như người sắp chết. Bị ám ảnh bởi ý nghĩ đó, chàng chuẩn bị để đón
tiếp tử thần, dường như là sự chết đã đến nơi. Chàng tự nghĩ rằng:
– “Thế là hết. Cái thể xác này sẽ chết, người ta sẽ đem nó ra thiêu
ngoài đồng và nó sẽ thành một nhúm tro tàn. Nhưng còn tôi, tôi cũng sẽ
chết với cái xác này chăng? Cái xác này có phải là tôi không? Cái xác
này đã cứng đơ và im lặng, nhưng tôi vẫn còn tiếp tục cảm thấy cái tôi
trong sức mạnh vô biên của nó.”
Đức Maharichi đã diễn tả cơn khủng hoảng lạ lùng đó bằng
những lời lẽ trên dây. Còn việc gì xảy ra sau đó thì rất khó hiểu, nếu
không nói là khó thuật lại. Chàng dường như rơi vào một trạng thái đại
định có ý thức, khi đó chàng đạt tới nguồn gốc của chân ngã, tức là
tinh hoa của bản thể. Khi đó chàng nhận thức rõ rằng thể xác là một vật
ở ngoài chân ngã, và chân ngã vẫn tồn tại không thay đổi trong khi
chết. Chân ngã xuất hiện với chàng như là một sự chân thật tuyệt đối,
nhưng bị ẩn giấu và chôn sâu trong chỗ tận cùng của tâm thức, đến nỗi
cũng như bao nhiêu người khác, trước khi đó chàng không hề biết đến nó
là gì.
Khi chàng Ramana tỉnh lại sau cơn khủng hoảng đó thì chàng hoàn toàn
thay đổi. Chàng đã mất hết mọi thích thú về sự học, sự chơi điền kinh,
sự giao tiếp bạn bè, vì sự thích thú của đời chàng đã tập trung về cái ý
niệm chân ngã vừa thình lình xâm chiếm lấy chàng. Mọi ý niệm về sự
chết trước đây đã biến mất. Chàng đã chinh phục được, với một niềm an
tịnh bên trong, một sức mạnh tinh thần không hề mất đi hoặc suy chuyển
chút nào kể từ khi đó.
Xưa kia chàng phản ứng mãnh liệt như thế nào đối với những bạn học
khi bị chúng nó phá phách, thì nay đối với chúng chàng chỉ có một lòng
ưu ái và nhân từ. Chàng chịu đựng mọi sự bất công một cách thản nhiên
và biểu lộ một sự khiêm tốn hoàn toàn trong mọi việc. Chàng từ bỏ những
thói quen có từ xưa, tìm kiếm sự yên tịnh để lo việc tham thiền quán
tưởng và sống đời sống nội tâm. Những sự thay đổi tâm tính như thế không
khỏi làm cho người chung quanh chú ý.
Một hôm người anh cả của chàng bước vào phòng, thấy chàng đang nhắm
mắt và đắm chìm trong một cơn thiền định, những sách vở nhà trường rơi
rớt tản mát dưới đất, như là chàng vừa ruồng bỏ chúng một cách chán
nản. Người anh cả liền trách móc:
– Mày đang làm gì đó? Nếu mày muốn trở nên đạo sĩ thì còn đi học để mưu cầu công danh làm gì?
Chàng Ramana cảm thấy thấm thía về những lời nói đó và quyết
định rất mau chóng. Chàng đã mồ côi cha và biết rằng có thể nhờ cậy
nơi người cậu và các em để nuôi dưỡng mẹ chàng. Dầu sao, chàng không
còn phận sự gì phải làm ở nhà nữa. Ngay lúc đó, cái tên ngọn Đồi Thiêng
bỗng xuất hiện như một tia chớp trong trí chàng, cái tên nó vẫn ám ảnh
chàng từ một năm nay, và hiện ra một cách quyến rũ: Arunachala!
Đó chính là nơi chàng phải đi đến, mặc dầu chàng không nói rõ lý do
tại sao. Nhưng chàng chỉ nghe theo một tiếng gọi mãnh liệt, không hề dự
tính trước. Về sau này, chính đức Maharichi đã nói với tôi:
– “Hồi đó, tôi hoàn toàn chịu ảnh hưởng của một sự quyến rũ lạ lùng.
Cái mãnh lực huyền bí dắt dẫn anh đến đây cũng giống như cái sức mạnh
vô hình nó bắt buộc tôi từ giã Madura.”
Như thế, chàng thanh niên Ramana rời bỏ tất cả sự học vấn, bạn bè và gia đình, và nhắm con đường đưa đến Arunachala theo tiếng gọi của nội tâm, như một bản năng kỳ bí. Chàng để lại cho gia đình một bức thư bằng chữ Tamoul, nay vẫn còn được lưu giữ tại đạo viện. Thư viết như sau:
– “Tôi nghe theo tiếng gọi của tự tâm để đi tim chân lý. Mục đích của
tôi là tìm biết ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc đời. Vậy xin đừng ai
lo ngại gì cả. Không cần tiêu phí tiền bạc để đi tìm tôi.”
Chàng ra đi, hoàn toàn dứt bỏ thế gian, chỉ với ba rupee
trong túi, và bỡ ngỡ trước một thế giới hoàn toàn xa lạ. Nhưng ngọn lửa
thiêng bừng cháy trong lòng chàng, khiến chàng khinh bỉ của cải thế
gian đến nỗi khi bước chân vào đền chàng chỉ mặc một bộ y phục đã rách
bươm vì đường xa nhưng vẫn cúi rạp đầu lạy một cách hết sức cung kính.
Một giáo sĩ trong đền bước tới và khiển trách chàng về cách ăn mặc lôi
thôi, nhưng chàng không đáp lời. Một người khác dường như hiểu được sự
việc và mang đến cho chàng một bộ y phục đơn sơ của tu sĩ. Từ đó, chàng
không bao giờ khoác lên người bất cứ gì khác ngoài bộ y phục rất đơn
sơ này, trong suốt sáu tháng trường sau đó.
Thỉnh thoảng chàng có rời chỗ ở, nhưng không bao giờ ra khỏi cổng
dền. Một giáo sĩ mang cho chàng một ít cơm, mỗi ngày một lần, vì ngạc
nhiên bởi lòng sùng tín quá sớm của chàng. Những ngày sống trong đền,
chàng đều đắm chìm trong một cơn nhập định thâm sâu đến nỗi quên cả sự
hiện diện của thế giới bên ngoài. Đôi khi, có những đứa trẻ nghịch ngợm
quanh vùng kéo đến ném đá và bùn đất vào người chàng, rồi vừa chạy trốn
vừa chế nhạo. Nhưng chàng không có một sự oán trách nào đối với những
đứa trẻ ấy.
Những người đi hành hương hằng ngày đổ xô đến ngôi đền làm cho nơi đó
không còn là một nơi yên ổn tịch mịch như chàng vẫn mong muốn. Vì lẽ
đó, chàng từ giã ngôi đền và đến ở ẩn trong một cái miếu nhỏ giữa đồng,
cách xa thành phố. Chàng ở nơi miếu đó một năm rưỡi, chỉ tự bằng lòng
với một ít lương thực mà người hành hương sùng tín đặt trước mặt chàng
mỗi ngày. Chàng không nói năng gì với ai. Thật ra, chàng không hề mở
miệng trong ba năm đầu tiên của cuộc đời ẩn dật, không phải vì chàng có
lời nguyện giữ giới tịnh khẩu, mà bởi vì chàng luôn tập trung mọi sự
chú ý vào đời sống tâm linh. Khi chàng đã đạt được mục đích, chàng mới
phá bỏ sự im lặng. Tuy nhiên, chàng vẫn không hề nói nhiều.
Chàng vẫn giữ kín tung tích, nhưng mẹ chàng lần hồi đã dò ra được chỗ
ở của chàng, vừa đúng hai năm kể từ khi chàng bỏ nhà ra đi. Bà mẹ liền
cùng với người anh cả đến tận nơi và cố gắng dùng nước mắt của bà để
làm cho chàng phải xiêu lòng và trở về nhà, nhưng vô ích. Hết dùng nước
mắt bà lại dùng lời oán trách, nhưng chàng cho biết là một khi mục
đích tối thượng của đời chàng chưa đạt được thì không gì có thể làm lay
chuyển được ý chí của chàng. Sau cùng, mẹ chàng phải nhượng bộ ra về.
Chuyện này đồn đãi gần xa, thế là ngày càng có nhiều khách hành hương
đến viếng chỗ của chàng ẩn cư, làm cho chàng lại phải dời chỗ một lần
nữa và lên ngọn đồi thhiêng. Tại đây chàng sống nhiều năm trong một
động đá.
Trên ngọn Đồi Thiêng có rất nhiều động đá, là nơi trú ẩn cho những nhà yogi và những nhà tu sĩ khổ hạnh. Riêng động đá của chàng Ramana
có phần đặc biệt, vì nó chứa đựng ngôi mộ của một vị đạo sĩ ưu tú thời
xưa. Người Ấn Độ vẫn theo phong tục hỏa táng, tức là thiêu xác người
chết, nhưng đối với người yogi từ trần thì lại cấm thiêu xác. Người ta tin rằng, nếu một người yogi đã tu hành đắc đạo thì thân xác người ấy sẽ không tan rã như những người bình thường. Trong trường hợp đó, xác người yogi
được tắm rửa sạch sẽ, ướp dầu thơm và đặt vào trong ngôi mộ với thế
ngồi kiết-già hai chân tréo như khi ngồi thiền. Cửa vào ngôi mộ được
đóng kín bằng một tảng đá lớn và trám chặt lại bằng xi-măng. Ngôi mộ này
thường trở nên một nơi hành hương của dân chúng.
Còn một lý do khác làm cho người ta tin rằng thể xác của những vị ấy
không cần phải tẩy uế bằng lửa, vì nó đã được tinh luyện bởi lối sống
cao khiết và cuộc đời thánh thiện của họ thuở sanh tiền. Có điều đáng
chú ý là những nơi hang động thường là những nơi trú ẩn của các nhà đạo
sĩ yogi hay các bậc thánh nhân hiền triết. Thời cổ xưa, người ta dùng những nơi ấy để thờ thần.
Những nhà đạo sĩ yogi Ấn Độ có những lý do rất tốt để chọn
lựa những hang động làm nơi trú ẩn, khi họ không tìm được nơi tránh mưa
nắng dãi dầu hay những khi thời tiết thay đổi bất thường ở vùng nhiệt
đới. Ở những nơi đó, ít có ánh sáng hay tiếng động có thể quấy rầy họ
trong những lúc tham thiền và nhu cầu của thể xác được hạn chế đến mức
tối thiểu.
Một lý do khác nữa đã hấp dẫn chàng Ramana đến cái hang đặc
biệt này trên ngọn đồi thiêng là phong cảnh ngoạn mục của vùng chung
quanh. Người ta có thể đứng trên một mô đá bên cạnh hang và nhìn xuống
thành phố nhỏ dưới chân đồi, và ngôi đền vĩ đại nhô lên ở trung tâm
thành phố. Bên kia vùng đồng bằng bao bọc chung quanh là một dãy đồi
núi dài liên tiếp nhau đến tận chân trời.
Dầu sao, chàng Ramana đã sống tại hang đá này suốt nhiều năm, đắm chìm trong những cơn thiền định rất thâm sâu. Chàng không phải là một nhà yogi theo nghĩa thông thường, vì chàng không hề học qua pháp môn Yoga
và cũng không hề thụ giáo một vị danh sư nào. Chàng chỉ được hướng dẫn
bởi một nguồn cảm hứng thiêng liêng đưa đến sự hiểu biết và nhận thức
được chân ngã.
Năm 1905, bịnh dịch tả xuất hiện trong vùng, do một người hành hương mang vào khi anh ta từ phương xa đến viếng đền Arunachala.
Dân chúng bị bịnh truyền nhiễm chết nhiều đến nỗi, trong cơn kinh
hoàng, hầu hết mọi người đều bỏ thành phố, chạy sang những tỉnh hoặc
làng mạc kế cận. Vùng này bị bỏ trống trở nên vắng vẻ đến nỗi cọp beo từ
trong những sào huyệt của chúng bò ra đây và đi lại tự do ngoài đường.
Nhưng mặc dầu chúng đã dạo chơi trên đồi nhiều lần và qua lại trước
cửa hang của chàng đạo sĩ trẻ tuổi, chàng vẫn nhất định không dời chỗ,
vẫn điềm nhiên ở yên không chút sợ sệt.
Lúc đó có một người tình nguyện đến xin làm đệ tử của chàng đạo sĩ
trẻ tuổi, xin được ở cạnh để lo phục dịch và săn sóc cho chàng. Người
ấy nay đã qua đời, nhưng người ta truyền rằng mỗi đêm có một con cọp
lớn đi vào hang liếm hai bàn tay của chàng Ramana, trong khi
chàng cũng đáp lại bằng cách vuốt ve bộ da của nó. Con cọp ấy ngồi trước
mặt chàng suốt đêm và đến lúc gần sáng mới đi.
Ở Ấn Độ người ta tin rằng những nhà đạo sĩ yogi và thuật sĩ Fakir
sống trong rừng sâu núi thẳm, giữa những loài thú dữ như hùm beo, cọp,
sư tử, rắn rết và những loài thú rừng khác, đều không sợ bị thú dữ làm
hại nếu họ đạt tới một trình độ cao trên dường tu luyện.
Người ta còn thuật lại một câu chuyện khác về chàng Ramana,
rằng một buổi trưa chàng ngồi nơi cửa hang thì bỗng có một con rắn hổ
mang lớn thình lình xuất hiện từ trong kẹt đá và ngừng lại ở trước mặt
chàng. Con rắn vươn mình và phùng mang, nhưng chàng đạo sĩ vẫn ngồi yên
không cử động. Chàng và con rắn đều lẳng lặng nhìn nhau trong vài
phút. Sau cùng, con rắn rút lui và chàng vẫn bình yên vô sự.
Cuộc đời cô đơn và khổ hạnh của chàng thanh niên lạ lùng này kết thúc
giai đoạn đầu tiên khi chàng đạt tới điểm thâm trầm cao siêu nhất
trong phép tham thiền. Sự xa lánh trần tục và ẩn cư không còn cần thiết
nữa, nhưng chàng vẫn tiếp tục sống trong hang cho đến khi có một nhà
bác học Bà-la-môn ưu tú tên là Ganapati Shastri đến viếng chàng trong động đá.
Cuộc thăm viếng này đánh dấu một khúc quanh trong đời chàng, và chàng
bắt đầu bước vào một thời kỳ nhập thế. Trước đó, nhà bác học có đến ở
gần ngôi đền để tiện bề học đạo và tham thiền quán tưởng. Anh ta nghe
nói đến một người yogi trẻ tuổi sống trên đồi, và do sự hiếu kỳ mới đi
tìm xem cho biết.
Khi anh ta gặp Ramana thì chàng đang vận nhãn lực nhìn thẳng
vào mặt trời. Chàng vẫn thường nhìn mặt trời như thế suốt nhiều giờ cho
đến khi vầng thái dương khuất dạng dưới chân trời hướng tây. Một người
chưa từng kinh nghiệm về điều này không thể nào biết được sức mạnh của
những tia nắng mặt trời Ấn Độ vào buổi trưa.
Tôi còn nhớ có một lần tôi trèo lên sườn đồi vào một giờ quá trễ và
bận trở về tôi đi đầu trần vào đúng lúc giữa trưa. Tôi bị say nắng và
đi loạng choạng như người say rượu trong một lúc. Người ta có thể hiểu
rõ hơn cái bản lĩnh của chàng Ramana là như thế nào, khi chàng nhìn thẳng vào mặt trời như thế.
Nhà bác học nọ đã từng học hỏi những kinh sách Ấn Độ về nền minh
triết cổ truyền trong hai mươi năm, và đã thực hành những phép công phu
tu luyện khắc khổ để hy vọng đạt tới một vài kết quả thực sự về tâm
linh, nhưng ông ta vẫn bị chướng ngại bởi những điều thắc mắc và nghi
ngờ. Ông ta bèn đưa ra cho Ramana một câu hỏi và liền nhận được
một câu trả lời đầy minh triết, làm cho ông ta phải hết sức ngạc
nhiên. Ông ta đưa ra thêm nhiều câu hỏi khác cùng những điều thắc mắc
về các vấn đề triết học và tâm linh, và càng ngạc nhiên hơn nữa khi
thấy rằng những điều thắc mắc nghi ngờ vẫn giày vò anh ta trong bao
nhiêu năm nay đã được giải quyết mau chóng. Ông ta bèn khấu đầu làm lễ
trước mặt chàng đạo sĩ trẻ tuổi và trở nên một đệ tử của người từ khi
đó.
Shastri cũng có riêng một nhóm đệ tử theo học đạo với ông ta ở tỉnh Vellore. Ông ta bèn trở về nói cho họ biết rằng ông ta đã gặp được một vị Mahanchi
(tức là Đại Hiền hay Thánh Sư), vị này chắc chắn là người đã đạt tới
một trình độ tâm linh siêu đẳng, và những giáo lý của Ngài thật là khác
thường đến nỗi nhà bác học chưa từng thấy trong tất cả những kinh sách
mà ông ta đã đọc.
Kể từ đó, giới trí thức Ấn Độ bắt đầu gọi chàng Ramana bằng danh hiệu Maharichi,
còn giới bình dân thì lại quá tôn sùng khi họ được biết rõ đời sống và
đạo hạnh của Ngài và tôn thờ Ngài như một vị thánh sống. Nhưng đức Maharichi
triệt để ngăn cấm mọi sự biểu lộ lòng tôn sùng như thế trước mặt Ngài.
Phần nhiều những đệ tử và những người trong vùng đều gọi Ngài là bậc
Thánh trông khi họ nói chuyện với nhau hoặc trong những câu chuyện
riêng với tôi.
Sau đó ít lâu, có một nhóm đệ tử qui tụ chung quanh Ngài. Họ xây cất
một ngôi nhà bằng gỗ dưới chân đồi và thỉnh cầu Ngài sống chung với họ
tại đó. Bà mẹ Ngài cũng đã nhiều lần đến viếng Ngài, và khi người con
trưởng của bà cùng những người thân quyến khác đều đã qua đời, bà đến
đây và yêu cầu Ngài để cho bà được ở đây với Ngài. Ngài vui lòng chấp
thuận. Bà đã sống sáu năm cuối cùng của đời bà ở bên cạnh Ngài, và sau
cùng bà cũng trở nên một đệ tử của ngài. Khi qua đời, bà được an táng
dưới chân đồi. Vài người đệ tử của đức Maharichi đã xây một
cái miếu nhỏ nơi đó. Người ta đốt nhang đèn thường xuyên nơi miếu này
để tưởng niệm công đức của người đàn bà đã đem đến cho nhân loại một vị
thánh sống, và hằng ngày đều có người dâng hoa quả cúng trước bàn thờ.
Thời gian trôi qua, danh tiếng đức Maharichi được đồn khắp
gần xa, và những người hành hương ở ngôi đền lớn thường hay trèo lên
ngọn Đồi Thiêng để chiêm ngưỡng Ngài trước khi trở về.
Sau đó, đức Maharichi thuận theo lời thỉnh cầu của bá tánh và
bằng lòng lưu trú tại ngôi nhà lớn của họ mới cất dưới chân đồi để làm
chỗ ở cho Ngài và các đệ tử. Đức Maharichi không hề thâu nhận
món gì của ai trừ ra lương thực vừa đủ dùng và luôn luôn từ chối không
chịu nhận tiền bạc. Còn những thứ lễ vật gì đem đến cho Ngài đều là do
kẻ khác tự nguyện hiến dâng và khẩn khoản thỉnh cầu Ngài chấp nhận.
Trong những năm đầu tiên, khi Ngài còn sống cuộc đời ẩn dật và đơn
chiếc trên núi để tu luyện và tham thiền, Ngài thỉnh thoảng vẫn rời
khỏi hang với cái bình bát trong tay để đi xuống làng xóm khất thực mỗi
khi Ngài thấy đói. Có một bà già góa bụa thường cung cấp thức ăn cho
Ngài mỗi ngày. Sau cùng, bà tự nguyện đem thức ăn lên đến tận hang để
Ngài khỏi phải đi khất thực.
Như thế, cái đức tin khiến cho Ngài bỏ nhà ra đi, từ giã cuộc đời khá
giả của một gia đình trung lưu, đã chứng minh rõ rằng người dốc lòng
cầu đạo không cần phải lo thiếu hụt về vật chất. Từ đó, ngày càng có
nhiều lễ vật và quà tặng được đem đến cống hiến cho Ngài, nhưng Ngài
luôn luôn từ chối.
Có một đêm nọ, một bọn cướp đột nhập vào tịnh thất và lục lạo khắp
nơi để kiếm tiền bạc chôn giấu, nhưng chúng chỉ tìm được vỏn vẹn có vài
đồng rupee trong túi người quản gia lo việc mua sắm đồ vật thực. Quân cướp lấy làm thất vọng, chúng bèn nổi giận và đánh đập đức Maharichi
bằng gậy lớn làm cho thân thể Ngài có nhiều vết bầm. Ngài không những
chịu đựng điều ấy một cách kiên nhẫn, mà còn mời chúng ở lại dùng cơm
trước khi ra về. Kế đó, Ngài thực sự mang cơm vào thức ăn ra đãi chúng.
Đối với chúng, Ngài không hề có một sự oán giận hay thù ghét nào trong
lòng, mà chỉ có một lòng thương hại cho sự vô minh si mê của chúng.
Ngài để cho chúng tự do ra đi, nhưng một năm sau chúng bị bắt trong khi
đánh cướp ở một nơi khác và lãnh án tù chung thân.
Nhiều người Âu hẳn không khỏi cho rằng một cuộc đời như thế thật là
lãng phí vô ích. Nhưng có lẽ chúng ta cũng cần có một đôi người tách
mình ra khỏi thế cuộc phù vân và thay chúng ta xét đoán về cuộc đời từ
một góc độ khác. Khi đó, những ý nghĩa thật sự của cuộc đời mới có thể
được nhận thức một cách rõ ràng sáng suốt hơn.
Ai dám bảo rằng một hiền giả sống trong rừng thẳm đã chinh phục được
cái bản ngã của mình là thua kém những kẻ sống cuộc đời buông thả phóng
túng để rồi rốt cuộc không tự biết được mình sẽ đi về đâu?
lll
Mỗi ngày qua càng đem đến cho tôi những bằng chứng xác nhận về sự cao cả tâm linh của đức Maharichi.
Trong số những người thuộc đủ các giai cấp đến viếng thăm đạo viện,
một hôm có một người cùng đinh bị giày vò bởi một cơn đau khổ tinh thần
rất lớn. Vừa bước vào tịnh thất vừa khóc kể và trút hết những nỗi đau
thương của ông ta dưới chân đức Maharichi. Ngài không nói một
lời, vì Ngài lúc nào cũng im lặng và kín đáo, và người ta có thể đếm
được những lời của Ngài thốt ra trong một ngày. Ngài chỉ lẳng lặng nhìn
một lúc vào người kia. Trong giây lát, những tiếng khóc kể của ông ta
dần dần giảm bớt, và hai giờ sau, khi ông ta rời khỏi tịnh thất ra về
thì ông ta đã trở nên một người vui vẻ bình tĩnh và tinh thần phấn khởi
hơn trước.
Tôi hiểu ra được rằng đó là phương pháp của Ngài để giúp đỡ kẻ khác,
tức là sự giao cảm một cách chân thành có năng lực an ủi, xoa dịu vết
thương của những tâm hồn đau khổ một cách hết sức mạnh mẽ và hiệu quả.
Điều này vẫn còn là bí mật mà chắc chắn có ngày khoa học sẽ phải khám
phá và giải thích.
Một hôm, có một người Bà-la-môn có học thức đến tịnh thất và
trình bày tâm sự của ông ta kèm theo với nhiều câu hỏi. Người ta không
bao giờ biết trước rằng nhà hiền giả sẽ trả lời hay không, vì nhiều khi
Ngài rất hùng biện mà không cần phải thốt ra bằng lời nói. Nhưng hôm
ấy Ngài có vẻ cởi mở và chỉ vài câu nói vắn tắt bao hàm những ý nghĩa
sâu sắc thâm trầm cũng đủ hé mở những chân trời mới lạ về tư tưởng để
giải đáp những nỗi thắc mắc cho người khách kia.
Mỗi buổi chiều, vào lúc mặt trời lặn là giờ tham thiền chung trong tịnh thất. Đức Maharichi
thường bắt đầu giờ tham thiền bằng cách chính Ngài tĩnh tọa công phu
và nhập định, hoàn toàn quên hẳn ngoại cảnh. Trong những giờ tham thiền
hằng ngày bên cạnh Đức Maharichi, tôi đã học được phương pháp tập trung tư tưởng để quán chiếu vào nội tâm đến một mức độ sâu sắc nhất.
Trong những cuộc tiếp xúc thường xuyên với Đức Maharichi,
người ta không thể không tự mình khơi dậy những tia sáng từ nội tâm và
nhận thức được rằng chỉ có sự thiền quán mới soi sáng được tâm hồn.
Càng ngày tôi càng nhận thấy rõ rệt rằng Ngài đã thu hút tâm trí tôi
vào cái vòng ảnh hưởng đặc biệt của Ngài trong những giờ ngồi thiền yên
tịnh. Chính trong những lúc đó mà người ta mới bắt đầu hiểu rằng tại
sao sự im lặng của Ngài lại hùng biện và hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn cả
những lời nói lưu loát nhất. Sự yên tịnh trầm lặng của Ngài có ẩn chứa
một quyền năng mạnh mẽ phi thường, có thể ảnh hưởng mãnh liệt đến người
khác mà không cần đến ngôn ngữ hay cử chỉ hành động gì cả.
Có những lúc tôi cảm thấy được quyền năng giao cảm đó một cách rõ rệt
đến nỗi tôi nhận biết rất cụ thể rằng tâm thức của tôi và của Ngài
cũng chỉ là một, cũng như hoàn toàn hòa nhập với tâm thức của vô số
chúng sinh khác trong vạn hữu.
Đức Maharichi không phải là người bắt đệ tử vâng lời một
cách mù quáng. Trái lại, Ngài luôn để cho mọi người được tự do phán xét
và chọn lựa. Về phương diện này, Ngài khác hẳn với phần nhiều những
danh sư và đạo sĩ mà tôi đã gặp ở Ấn Độ.
Những buổi tham thiền của tôi vẫn noi theo đường lối mà Ngài đã chỉ
dẫn cho tôi trong cuộc thăm viếng đạo viện lần đầu, khi mà Ngài làm tôi
ngạc nhiên vì những câu trả lời dường như mơ màng và bí hiểm của Ngài.
Tôi đã bắt đầu nhìn sâu vào cái gọi là “bản ngã” của mình và
tự đặt câu hỏi: “Tôi là ai? Phải chăng tôi là cái thể xác bằng xương
bằng thịt này? Phải chăng tôi là cái trí óc với vô số tư tưởng tán loạn
hay những tình cảm dục vọng phân biệt tôi với những người khác?”
Tôi chợt nhận ra là từ xưa nay tôi vẫn luôn chấp nhận một cách không phán xét theo tập quán từ lâu đời rằng “cái tôi” chính là những thứ đó! Nhưng đức Maharichi
đã dạy tôi phải tự mình suy xét trước khi chấp nhận như thế, và sự suy
xét đã đưa tôi đến một nhận thức hoàn toàn trái ngược. Tôi không thể
tìm được “cái tôi” ở bất cứ nơi đâu trong thế xác này. Tôi cũng không
thể tìm thấy “cái tôi” trong những tư tưởng, những tình cảm vốn luôn
đổi thay bất chợt.
Tôi chìm sâu trong sự quán chiếu nhiều ngày về “cái tôi”, và nhận ra
sự sụp đổ của tất cả những quan điểm, khái niệm mà trước đây tôi vẫn
cho là quen thuộc, dễ dàng chấp nhận một cách không cần suy xét. Từ sự
tan rã của những “cái tôi” vô nghĩa dưới ánh sáng của sự quán chiếu,
tôi cũng thấy mọi khái niệm buồn, vui, vinh, nhục, tốt, xấu, dài,
ngắn... đều trở nên vô nghĩa và giả tạo, chỉ do ý thức dựng lên trong
những trường hợp nhất định và không hề có chút ý nghĩa chân thật nào.
Đức Maharichi không hề trực tiếp đưa ra những phán đoán tương tự như thế với tôi, mà chỉ dạy tôi phải đặt câu hỏi “Tôi là ai?”
và hãy phân tích toàn bộ “cái tôi” hiện có. Ngài cũng dạy tôi hãy cố
tìm xem cái “tư tưởng về bản ngã” bắt đầu từ chỗ nào? Và hãy tiếp tục
tham thiền quán xét và tập trung tư tưởng vào nội tâm. Chính nhờ sự
quán chiếu theo hướng đó mà những tia sáng trực giác đã dần dần hiện ra
trong tâm tôi. Điều này giúp tôi có được những nhận thức mà trước đây
tôi hoàn toàn không có, nhưng tôi nhận biết rõ ràng rằng những nhận
thức mới đó là chuẩn xác và khách quan hơn nhiều so với những cách suy
nghĩ trước đây của tôi. Tôi biết rằng mình có thể noi theo cái trực
giác đó, loại bỏ hết mọi tư tưởng vô nghĩa và sau cùng tôi sẽ đạt đến
mục đích sáng tỏ.
Tôi đã chiến đấu hằng ngày với những tư tưởng hỗn tạp của tôi và dần
dần vạch một đường đi vào tận những chỗ thâm sâu kín đáo nhất của tâm
hồn. Nhờ có Đức Maharichi ngồi gần bên, những lần tham thiền
của tôi ngày càng trở nên ít mệt nhọc hơn và càng hiệu quả hơn. Sự dìu
dắt của Ngài giúp khơi nguồn cảm hứng rất nhiều cho những cố gắng thường
xuyên và liên tục của tôi. Có những giây phút lạ lùng tôi ý thức được
rõ rệt cái ảnh hưởng và quyền năng giao cảm thần diệu của Ngài, giúp
tôi tiến sâu hơn vào lãnh vực huyền bí của nội tâm.
Sau buổi tham thiền chung, Đức Maharichi cùng với các đệ tử
và các khách viếng thăm đạo viện đều rời khỏi tịnh thất và bước qua
phòng ăn để dùng cơm tối. Vì không dùng được cơm Ấn Độ và cũng không
muốn nhọc công nấu bữa ăn tối nên tôi thường ngồi lại một mình trong
tịnh thất và chờ họ trở lại. Tuy nhiên, có một món ăn trong đạo viện mà
tôi thấy ngon lành và ăn được, đó là món sữa chua.
Đức Maharichi, khi nhận thấy tôi thích món ấy, thường dặn
người đầu bếp mỗi chiều đem cho tôi một bát lớn. Độ nửa giờ sau khi cả
bọn trở lại, những người nội trú của đạo viện cùng quan khách ở lại ban
đêm đều chen nhau nằm trên sàn gạch của tịnh thất, mỗi người đều quấn
một cái chăn bằng vải mỏng và sửa soạn đi ngủ. Đức Maharichi thì ngủ
luôn trên chiếc giường gỗ của ngài thường dùng. Trước khi Ngài đắp chăn
vải mỏng lên mình, có một người tiểu đồng đến đấm bóp và xoa dầu lên
tay chân của Ngài.
Còn tôi, tôi cầm chiếc đèn lồng rời khỏi tịnh thất và đi một mình về
chòi tranh. Có vô số những con đom đóm bay lập lòe trong những khóm hoa
bụi cỏ và các bụi cây trong vườn. Có một đêm tôi về trễ độ chừng vài
tiếng đồng hồ, lúc ấy có lẽ đến gần nửa đêm, tôi thấy tất cả đom đóm
đều đồng loạt tắt hẳn những đóm sáng kỳ dị của chúng. Tôi phải rón rén
cẩn thận và coi chừng kẻo đạp nhằm loài bồ cạp hay rắn rết khi đi trong
đêm tối.
Có đôi khi, tôi vừa đi vừa đắm chìm trong sự trầm tư mặc tưởng và
không cần chú ý đến những con đường mòn nhỏ hẹp đưa tôi về chòi tranh.
Về đến chòi, tôi đóng chặt cánh cửa lớn và các cửa sổ để thú rừng hay
rắn độc không đột nhập vào được lúc ban đêm.