Thể loại sách khác
Đông Phương huyền bí
Nguyễn Hữu Kiệt dịch
02/07/2554 22:33 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Brama mời tôi đến nhà chơi. Ông ta sống trong một cái chòi tranh tự mình dựng lên, nằm riêng biệt ở một góc cuối khu vườn nhà của bà lão. Ông ta thích sống như vậy để được tự do thoải mái hơn trong mọi sự sinh hoạt.

Tôi đến chơi vào một buổi chiều. Nhà ông nằm ở tận cùng của một con đường đầy bụi bặm và có vẻ rất nghèo nàn. Tôi ngừng một lúc trước cửa, nhìn tường nhà cũ kỹ quét vôi trắng với một cái gác bằng cây có cửa sổ. Tôi đẩy cánh cửa lớn, tiếng động làm vang khắp nhà. Một bà già vẻ mặt hiền lành vui vẻ bước ra và nghiêng đầu chào tôi nhiều lần. Bà cụ dắt tôi đi qua một hành lang tối tăm dẫn đến nhà bếp, thông ra sau vườn.

Trong vườn có một cây cổ thụ cành lá sum suê, che dưới bóng mát của nó là một cái giếng cũ. Phía bên kia giếng có một chòi tranh, một phần ẩn khuất dưới bóng cây mát rượi. Chòi làm bằng vật liệu nhẹ, cột tre và lợp tranh. Bà lão chủ nhà da mặt cũng sạm đen như màu da của Brama, có vẻ bận rộn, nói một tràng dài tiếng Tamoul với người trong chòi. Một tiếng nói thanh như chuông mà tôi đã quen tai từ bên trong vọng ra. Cánh cửa chòi từ từ hé mở, người đạo sĩ hiện ra trước cửa và vui vẻ mời tôi bước vào.

Ông ta vẫn để cửa mở, bà già đứng lại trước cửa độ vài phút, mắt nhìn tôi một cách chăm chú và nét mặt lộ vẻ hân hoan sung sướng.

Trong chòi không có bàn ghế chi cả, ngoại trừ một chiếc giường thấp không có nệm, đặt sát vào vách phía trong, và một tấm gỗ lớn đặt trong góc, trên đó có bày sách vở và giấy tờ. Một bình đựng nước bằng đồng treo bằng một sợi dây từ trên trần nhà thòng xuống, và một chiếc chiếu lớn trải dưới đất.

Brama chỉ chiếc chiếu mời tôi ngồi, xin lỗi vì nhà không có ghế. Chúng tôi cả ba người đều ngồi xếp bằng, Brama và tôi với một thanh niên Ấn đi theo tôi để làm thông ngôn. Trong vài phút, bà lão bước ra ngoài và trở lại với một bình trà nóng, đặt lên một tấm khăn trắng trải trên chiếc chiếu cùng với bánh ngọt, cam, chuối đựng trên chiếc mâm nhỏ bằng đồng.

Trước khi mời tôi dùng trà, người đạo sĩ hai tay cầm một tràng hoa kết thành vòng quàng lên cổ tôi. Tôi tỏ ý muốn từ chối, vì tôi biết rằng phong tục Ấn Độ dành cái danh dự này cho những vị khách quý, mà tôi thì không dám xem mình là hạng khách đặc biệt đó. Brama liền mỉm cười và nói:

– Bạn ơi! Bạn là người Âu đầu tiên đến nhà tôi và cũng là người Âu đầu tiên làm bạn với tôi. Bà dì tôi và tôi đều lấy làm vui mừng mà đón tiếp cái danh dự này.

Thế là tôi đành phải nhận lấy vòng hoa trên cổ. Cũng may mà các bạn tôi ở châu Âu không nhìn thấy cách ăn vận dị kỳ của tôi như hôm ấy. Chúng tôi vừa uống trà, ăn bánh và vừa nói chuyện. Brama cho biết rằng chòi tranh và đồ vật dụng bằng gỗ trong nhà đều do tự tay làm lấy.

Những giấy tờ để trên tấm gỗ phẳng lớn khêu gợi sự tò mò của tôi. Đó là những tờ giấy màu hồng, trên đó có viết chữ bằng mực xanh. Brama như đoán được ý tôi, bèn đưa cho tôi xem vài tờ và giải thích rằng đó là loại chữ Tamoul cổ xưa, thông dụng trong văn chương cách đây đã nhiều thế kỷ nhưng ngày nay rất ít người biết, trừ ra một vài nhà khảo cổ hoặc những người được chân truyền từ các bậc thầy truyền thống. Brama nói thêm:

– Tôi viết những đoạn văn này tối qua. Đó là những phần cương yếu trong kinh nghiệm của bản thân tôi về pháp môn Yoga, hoặc những bài thơ tôi làm trong những lúc có nguồn cảm hứng tâm linh. Có một số thanh niên thường tự nhận là đệ tử của tôi, thường đến đây để xem những bài thơ đó và rất thích.

Nói xong, Brama lấy một tập giấy được trình bày trang trí rất nên thơ, gồm có vài tờ giấy màu hồng viết chữ bằng mực đỏ và xanh và được cuốn tròn và buộc lại bằng một sợi dây màu xanh. Anh ta vừa mỉm cười vừa đưa cho tôi và nói:

– Tôi viết cái này để tặng riêng cho bạn.

Người thông ngôn cho biết rằng đó là một bài thơ trường thiên dài tám mươi bốn câu, nhưng vì viết bằng cổ tự nên anh ta không thể dịch được. Dầu sao, món quà này cũng làm tôi rất vui, vì nó biểu lộ một cảm tình đặc biệt mà người Yogi chân chính đã dành cho tôi.

Sau những câu chào hỏi đầu tiên, bà lão lui ra ngoài và chúng tôi chuyển đề tài sang những câu chuyện sâu xa hơn. Tôi trở lại vấn đề khí công, hay phép luyện hơi thở mà những nhà đạo sĩ xem là một điều rất quan trọng. Brama liền ngắt lời tôi và nói rằng ông ta không được phép tiết lộ nhiều hơn những gì đã nói, nhưng có thể nói thêm vài chi tiết thuộc về phần lý thuyết của pháp môn Yoga liên quan đến điểm này. Ông ta nói:

– Theo tự nhiên, con người thở với một nhịp độ khoảng 21.600 lần trong một ngày đêm (tức khoảng 15 lần trong một phút). Một sự hô hấp quá nhanh và hấp tấp làm gia tăng nhịp độ này và thâu ngắn sự sống. Một sự hô hấp chậm rãi, dài và đều đặn sẽ giúp kéo giãn nhịp độ đó ra và kéo dài sự sống. Mỗi hơi thở chậm rãi và thong thả sẽ mang lại hiệu quả nuôi dưỡng cơ thể tốt hơn rất nhiều lần so với một hơi thở gấp gáp và hối hả, và nhờ đó giúp con người có thể kéo dài sự sống thêm nhiều năm. Vì thế, người yogi thở chậm hơn người thường nhưng có sức khỏe tốt hơn. Về điều này, tôi chỉ có thể nói đến đây thôi.

Sự dè dặt này làm tôi thất vọng. Nhưng tôi hiểu rằng khi một pháp môn cần phải được giữ bí mật một cách chặt chẽ với những người trần tục thì hẳn là phải có những lý do hợp lý nhất định cho sự ngăn cấm đó. Tôi nhớ lại trường hợp tổn thương của chính Brama khi luyện tập khí công mà không có người truyền dạy, và ý thức ngay được mối nguy hiểm cho những ai chỉ tò mò muốn tìm hiểu pháp môn này chứ không thật lòng muốn luyện tập nó như một cứu cánh của đời sống. Như vậy, ngày nào mà tôi vẫn còn bị xem như một trong những kẻ tò mò kia thì chắc chắn tôi sẽ không thể học hỏi được gì nhiều hơn về pháp môn huyền diệu này. Brama nói tiếp:

– Những bậc chân sư của chúng tôi luôn nắm được chìa khóa của phép khí công này. Họ biết rằng hai hệ thống hô hấp và tuần hoàn có liên quan chặt chẽ với nhau. Họ cũng biết rằng tinh thần có liên hệ trực tiếp đến hai hệ thống này, và họ nắm được bí quyết làm tăng cường sức mạnh tâm linh bằng cách kiểm soát hơi thở. Ta nên biết rằng, hơi thở chính là sự biểu lộ về mặt vật thể của một sức mạnh vô hình tế nhị hơn. Sức mạnh này mới là phần cốt yếu điều khiển mọi sinh hoạt của thể xác. Chính cái sức mạnh đó luôn tiềm ẩn vô hình trong tất cả những bộ phận cơ thể của chúng ta. Khi sức mạnh ấy rời khỏi xác thân thì hơi thở sẽ ngưng lại, và đó là điều mà ta gọi là sự chết.

Sự kiểm soát hơi thở sẽ giúp ta làm chủ được phần nào nguồn sinh lực vô hình đó. Và khi sự kiểm soát thể xác được rèn luyện đến mức triệt để, có thể kiểm soát được cả sự vận động của hơi thở và quả tim, thì hành giả sẽ có thể kiểm soát toàn bộ sự sống của mình, kể cả phần tinh thần một cách rất dễ dàng. Vì thế, bạn đừng nên lầm tưởng rằng những nhà hiền triết thời cổ xưa chỉ nghĩ riêng đến phần thể xác mà thôi khi các ngài phát minh ra pháp môn Hatha Yoga này.

Tôi quả thật không biết các nhà hiền triết thời xưa nghĩ gì và muốn gì, nhưng ngay trong lúc đó tôi chỉ bị cuốn hút ngay bởi câu anh ta vừa nói. Tôi liền hỏi:

– Phải chăng ông vừa nói rằng người ta có thể kiểm soát được sự vận động của quả tim?

– Đúng vậy, không những quả tim mà tất cả những cơ quan nội tạng khác trong cơ thể như gan, dạ dày, phổi, thận... đều có thể kiểm soát được tùy theo ý muốn.

– Bằng cách nào?

– Bằng sức mạnh của ý chí phối hợp với những phép luyện tập thích nghi. Những phép luyện tập này tự nhiên là thuộc về trình độ cao đẳng của pháp môn Yoga. Những phép luyện tập này rất khó và ít người có thể luyện tập thành công, ngay cả khi được các bậc chân sư chỉ dạy. Tuy nhiên, một khi bạn luyện tập thành công thì kết quả có thể vượt ngoài sức tưởng tượng của những người bình thường. Nhờ những phép luyện tập này mà tôi đã có thể kiểm soát được phần nào hoạt động của quả tim, và nhờ kiểm soát được quả tim nên tôi cũng có thể chế ngự được một số bộ phận khác.

– Điều ấy thật là lạ lùng và quả là ngoài sức tưởng tượng của tôi.

– Vậy sao? Vậy thì bạn hãy đặt bàn tay trên ngực tôi, ở ngay chỗ quả tim đây này.

Brama vừa nói vừa chuyển sang một thế ngồi lạ lùng và nhắm mắt lại. Tôi làm theo và đợi trong vài phút, không thấy có điều gì lạ. Nhưng dần dần tôi nhận thấy quả tim ông ta đập chậm lại, mỗi lúc một chậm hơn, chậm hơn nữa, trong khi sự hồi hộp và kinh ngạc làm cho tim tôi đập mỗi lúc một nhanh hơn. Và cuối cùng tôi bỗng rùng mình kinh hãi khi nhận thấy quả tim ông ta đã ngưng đập hoàn toàn. Tôi bắt đầu đếm: hiện tượng đó kéo dài hơn bảy giây đồng hồ!

Phải chăng đây là một ảo tưởng? Nhưng không, tôi thử sờ mó, bóp nắn da thịt mình, tôi vẫn tỉnh táo hoàn toàn chứ không mê sảng! Tôi cảm thấy bớt lo lắng khi quả tim ông ta bắt đầu đập trở lại, dường như nó vừa sống lại, nhịp đập mỗi lúc một nhanh hơn và rồi trở lại bình thường.

Vài phút sau, người yogi mới tỉnh lại và mở mắt ra. Ông ta hỏi:

– Bạn có nhận thấy gì không?

– Có, tôi nhận thấy rất rõ.

Ông ta lại sắp tiết lộ thêm điều kỳ lạ gì nữa chăng? Dường như ông ta đọc được tư tưởng tôi nên chậm rãi nói tiếp:

– Đó là chưa thấm vào đâu so với những điều mà thầy tôi làm được. Ngài có thể cô lập một huyết quản, và thúc đẩy hoặc ngăn chặn sự lưu thông của máu trong đó. Tôi cũng làm như vậy được một phần nào, nhưng không bằng thầy tôi.

– Ông có thể chứng tỏ cho tôi thấy điều đó được chăng?

Brama lặng lẽ đưa tay cho tôi và bảo tôi bắt mạch nơi cổ tay. Tôi nhận thấy mạch máu ông ta đập chậm lại rõ rệt, rồi ngưng hẳn. Tôi hồi hộp chờ đợi. Một phút, hai phút... trôi qua trong khi tôi chăm chú đếm từng giây đồng hồ. Ba phút... rồi đến ba phút rưỡi, tôi cảm thấy mạch máu lại bắt đầu chuyển động, lúc đầu còn hơi chậm, kế đó nhanh dần và trở lại bình thường. Tôi buột miệng nói:

– Thật lạ quá !

Ông ta đáp một cách tự nhiên:

– Như vậy cũng chưa lấy làm lạ!

– Ông có thể cho tôi xem điều gì lạ hơn nữa chăng?

Lần này, Brama có vẻ hơi do dự:

– Được, nhưng đây là lần cuối cùng và bạn hãy bằng lòng với bấy nhiêu đó. Bây giờ tôi sẽ ngưng hơi thở.

Tôi hỏi một cách lo lắng:

– Nhưng ông có thể chết!

Câu nói của tôi dường như không làm ông ta nản lòng chút nào. Ông ta bảo tôi:

– Bạn hãy để bàn tay dưới hai lỗ mũi của tôi.

Tôi làm y theo lời. Bàn tay tôi cảm nhận được một cách rõ rệt hơi thở ấm của ông ta. Brama nhắm mắt lại và ngồi yên không cử động như một pho tượng đá. Ông ta sắp nhập định chăng? Tôi không dám nhúc nhích bàn tay. Dần dần, hơi thở ông ta chậm lại rồi ngưng hẳn. Tôi nhìn kỹ vào hai cánh mũi, cặp môi, hai vai, cho đến bộ ngực của ông ta, nhưng không có gì cử động, không có dấu hiệu nào chứng tỏ rằng có hơi thở. Nhưng đó chưa phải là những bằng chứng tuyệt đối, tôi nghĩ vậy, nên tôi muốn tìm bằng chứng khác.

Trong nhà không có một tấm gương soi nào, nhưng tôi thấy gần đó có một cái dĩa đựng tro thuốc lá bằng đồng sáng bóng. Tôi bèn cầm lấy và đưa vào phía dưới hai lỗ mũi của người yogi. Hoàn toàn không có dấu hiệu của hơi thở, vì nếu có thì nó phải làm mờ cái mặt dĩa bằng đồng bóng loáng này.

Thật kỳ lạ! Trong cái chòi tranh này, hiện tôi đang chứng kiến một sự kiện lạ lùng, một hiện tượng mà các nhà bác học Âu Tây nếu biết đến thì nhất định phải bị lôi cuốn vào sự tìm tòi khảo cứu! Sự thật rõ ràng ngay trước mắt tôi, với một bằng chứng hiển nhiên: pháp môn Yoga không phải là một điều huyễn hoặc.

Khi Brama tỉnh dậy và trở lại trạng thái bình thường, ông ta có vẻ hơi mệt mỏi. Ông ta hỏi với một nụ cười mệt nhọc:

– Bạn có hài lòng chăng?

– Rất hài lòng, nhưng tôi không hiểu được gì cả.

– Rất tiếc là tôi cũng không giải thích được gì cho bạn. Phép ngưng thở này chỉ dành cho những bậc hành giả đã tiến rất xa trên đường tu tập pháp môn Yoga. Đối với một người Âu, đó có thể bị xem là một sự tập luyện điên rồ, nhưng đối với người phương Đông chúng tôi thì nó có một tầm quan trọng rất lớn.

– Tuy thế, hiện nay ở các trường học người ta vẫn dạy cho học sinh rằng con người không thể sống được nếu không có sự hô hấp. Điều đó không phải là điên rồ chứ?

Anh ta vừa nói vừa mỉm cười:

– Không, nhưng nói như thế không hoàn toàn đúng. Chẳng hạn như trường hợp của tôi, tôi có thể ngưng thở suốt hai giờ đồng hồ nếu muốn. Tôi vẫn thường làm như thế, nhưng bạn thấy đấy, tôi vẫn chưa chết.

– Tôi không muốn hỏi nhiều hơn, vì cho dù ông nói có lẽ tôi cũng không đủ sức để hiểu, nhưng ông có thể cho tôi biết sơ qua đôi điều về phần lý thuyết được chăng?

– Điều đó thì được. Chúng ta có thể lấy vài thí dụ ngay trong loài cầm thú. Đó là một phương pháp giảng dạy bằng cách so sánh rất đặc biệt của thầy tôi. Con voi thở chậm hơn con khỉ rất nhiều, và nó cũng sống lâu hơn. Hoặc có vài loại bò sát như con trăn chẳng hạn, khi so sánh với con chó bạn sẽ thấy cách thở của hai loài này khác nhau rất xa: con trăn thở chậm hơn và cũng sống lâu hơn. Như vậy, chúng ta thấy được là dường như có một mối tương quan giữa sự hô hấp và tuổi thọ.

Bây giờ, chúng ta hãy đi xa hơn. Người ta thấy trên dãy Hy Mã Lạp Sơn có những con dơi ngủ suốt mùa đông. Chúng treo mình suốt nhiều tháng trên vách những hang núi và ngưng thở hoàn toàn cho đến khi tỉnh giấc vào mùa xuân. Loài gấu trên dãy Hy Mã Lạp Sơn đôi khi cũng nằm cứng đơ cả thân mình suốt mùa đông giá lạnh, dường như không còn dấu hiệu hoạt động nào cả. Cũng trên dãy Hi Mã Lạp Sơn là nơi khó tìm ra thức ăn vào những tháng mùa đông đầy tuyết phủ, người ta thấy trong những hang hố dưới đất có những con nhím ngủ một giấc dài qua nhiều tháng, mọi sự hô hấp đều ngưng bặt. Như vậy, tại sao con người không thể làm được điều mà loài vật vẫn thường làm một cách tự nhiên?

Những điều nói trên kể ra cũng thật lạ lùng, nhưng có lẽ vẫn không thuyết phục tôi hoàn toàn bằng những sự biểu diễn của ông ta lúc nãy. Chúng ta vẫn quen cho rằng hơi thở là sự cần thiết tối thiểu cho sự sống, nên không dễ gì loại bỏ được quan niệm đó. Tôi nói:

– Người Âu Tây chắc sẽ không bao giờ chấp nhận rằng sự sống vẫn có thể tiếp tục nếu người ta ngừng thở.

– Nhưng sự thật là sự sống vẫn luôn tiếp tục. Sự chết chẳng qua chỉ là một hình thức chuyển đổi mà thôi.

– Ông có cho rằng người yogi tu luyện theo pháp môn này có thể kéo dài được sự sống hay chăng?

– Tất nhiên là như vậy rồi.

Brama nhìn tôi một cách lạ lùng và nói tiếp:

– Tôi nhìn thấy nơi bạn có nhiều triển vọng tốt, vì thế nên tôi sẽ tiết lộ với bạn một điều bí mật, nhưng với điều kiện là...

– Ông nói đi.

– Bạn hãy hứa sẽ không tự mình tập luyện những gì khác hơn là những điều tôi có thể chỉ dạy cho bạn.

– Tôi xin hứa.

– Phải chăng từ trước đến giờ bạn vẫn tin chắc rằng hơi thở gắn liền với sự sống?

– Phải, tôi nghĩ như vậy.

– Như thế, phải chăng là một điều hợp lý khi nói rằng việc kiểm soát hơi thở cũng chính là kiểm soát được sự sống?

– Dường như là vậy.

– Trong pháp môn Yoga, chúng tôi cũng không đưa ra lý thuyết gì khác hơn. Chúng tôi chỉ nói rằng, hành giả nào có thể kiểm soát và duy trì hơi thở hoàn toàn theo ý muốn sẽ có thể duy trì được nguồn sinh lực cần thiết để kéo dài sự sống. Bạn hiểu rõ chăng?

– Tôi đang cố gắng để có thể hiểu được.

– Bạn hãy tưởng tượng rằng người yogi có thể làm chủ hoàn toàn hơi thở không chỉ trong vài phút, mà là trong nhiều tuần, nhiều tháng hay nhiều năm. Vì bạn đã nhìn nhận rằng hơi thở gắn liền với sự sống, vậy phải chăng đây là một triển vọng hợp lý để con người có thể kéo dài sự sống tùy theo ý muốn?

Tôi phản đối:

– Nhưng vấn đề ở đây là tôi nhận thấy ông đã ngưng thở hoàn toàn!

– Đó là do sự “nhận thấy” sai lầm của bạn. Tôi chỉ thực sự ngưng thở trong ý nghĩa của hơi thở được mô tả theo cách thông thường, nghĩa là quá trình cung cấp dưỡng khí cho cơ thể. Nhưng vì sao cơ thể phải cần đến dưỡng khí? Đó là vì còn có những hoạt động về mặt thể chất. Khi toàn bộ cơ thể được kiểm soát và đưa vào một trạng thái ngưng nghỉ hoàn toàn thì dưỡng khí còn cần đến để làm gì? Hành giả yogi khi đạt đến trạng thái này chỉ còn duy trì sự sống trong tâm thức, không còn bất cứ sự trói buộc nào với thể xác. Khi đó, hơi thở của họ trở nên cực kỳ vi tế, đến mức mà những người bình thường không thể nào nhận biết được. Tuy vậy, sự sống không phải là chấm dứt. Vì thế, họ có thể hồi sinh bất cứ lúc nào, nghĩa là ra khỏi trạng thái nhập định đó mà thôi.

Tôi không còn biết nói sao. Làm sao có thể bảo rằng những điều đó là vô lý? Nhưng tất cả những điều đó đều vượt ngoài tầm những kiến thức khoa học cơ bản nhất của tôi, làm sao tôi có thể chấp nhận mà không có sự kiểm chứng lại một cách chặt chẽ?

Những nhà thuật sĩ của phái luyện kim (Alchimistes) thời Trung cổ cũng đã từng nuôi mộng trường sinh bất tử, nhưng dưới ngọn lưỡi hái của thần chết, họ vẫn gục ngã từng người một ngay bên cạnh những lò luyện kim đơn để tìm thuốc phản lão hoàn đồng? Có lẽ Brama đang tự dối mình, nhưng có điều chắc chắn là anh ta không có ý định lừa dối tôi. Anh ta không hề có ý đến tìm tôi hay tìm kiếm một người đệ tử nào cả. Anh ta điên chăng? Không phải, vì anh ta lý luận mọi sự một cách hoàn toàn sáng suốt. Có một điều gì đó mơ hồ nhưng chắc chắn cho tôi biết là anh ta hoàn toàn không tự dối mình, nhưng tôi cũng không biết phải giải thích thế nào về những sự kiện vừa nhìn thấy.

Như đọc thấu được sự hoang mang ngờ vực của tôi trong tư tưởng, Brama điềm đạm nói tiếp:

– Bạn không tin à? Bạn có nghe nói về một người thuật sĩ (fakir) đồng ý để cho vua Ranjit Singh chôn sống trong một huyệt xây bằng đá ở Lahore chăng? Khi đem chôn sống, có cả sự hiện diện của những viên sĩ quan Anh và nhà vua Singh. Ngôi mộ được giao cho quân sĩ canh gác suốt ngày đêm trong sáu tuần lễ. Đúng ngày, người ta mới cạy nắp quan tài thì người thuật sĩ Ấn Độ từ trong chui ra vẫn còn sống khỏe mạnh! Bạn có thể kiểm chứng, vì tôi nghe nói rằng việc này đã được phúc trình cẩn thận và biên bản ghi chép vẫn còn lưu trữ trong văn khố của chính phủ Anh.

Như vậy, người thuật sĩ đã hoàn toàn chủ trị được phép hô hấp và có thể ngưng thở – theo như người ngoài nhận thấy – tùy ý muốn mà không chết. Tuy thế, người này không phải một môn đồ chân chính của pháp môn Yoga, vì tôi có biết về nếp sống của ông ta, có khá nhiều vấn đề về đạo đức. Ông ta tên là Haridas và sống ở miền Bắc Ấn. Nếu người như thế có thể ngưng thở mà vẫn sống trong một thời gian lâu như thế ở một nơi không có không khí, thì thử hỏi các bậc thầy chân chính lẽ nào lại không làm được?

Sau một lúc im lặng, Brama tiếp:

– Pháp môn Yoga còn đem lại cho ta nhiều năng lực khác nữa. Nhưng trong thời buổi suy đồi hiện nay, có mấy ai là người chịu cố gắng công phu tu luyện?

Tôi trả lời:

– Biết làm sao được, khi người ta còn phải vật lộn trong sự mưu sinh hằng ngày, không còn thời giờ để nghĩ đến những hoạt động tinh thần nữa.

Brama gật đầu tán thành:

– Đúng vậy, và vì thế mà những phép tu luyện này chỉ để dành cho một số ít người. Như thế, bạn sẽ hiểu được tại sao các bậc chân sư luôn giữ gìn pháp môn này một cách bí mật hoàn toàn đối với những người thế tục. Những bậc chân sư ấy không bao giờ đi tìm đệ tử, mà chính các đệ tử phải tìm đến các ngài.

***

Một hôm, Brama đến dùng cơm tại nhà tôi. Cơm nước xong, chúng tôi ra ngồi ngoài hàng hiên dưới ánh trăng sáng. Tôi ngồi trên ghế, còn Brama thích ngồi trên chiếu trải dưới sàn gạch.

Chúng tôi ngồi im lặng trong vài phút để thưởng thức vẻ đẹp của đêm trăng. Nhưng nhớ lại câu chuyện lần trước, tôi vẫn còn tò mò muốn biết thêm về vấn đề kỳ quái là có những người có thể chống lại uy lực của tử thần!

Brama nói:

– Một trong những vị chân sư mà tôi được biết đang sống trong một vùng hẻo lánh trên dãy núi Nilgiri và không hề bước ra khỏi am thất. Một vị khác sống trong động đá trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Những người ấy, bạn không bao giờ có thể gặp được, vì họ sống lánh xa thế tục. Những vị ấy đều đã đạt đến mức độ có thể tùy ý kéo dài sự sống.

– Ông có tin như vậy chăng?

– Lẽ tất nhiên, vì chính thầy tôi cũng là một người như vậy.

Thầy của Brama ư? Vì chúng tôi đã quen nhau khá thân thiết và không còn sự lạnh lùng cách biệt nữa, nên tôi đánh bạo hỏi một câu:

– Có thể cho tôi biết thầy của anh là ai chăng?

Brama do dự trong một lúc, nhưng rồi trả lời với một giọng trang nghiêm:

– Thầy tôi có danh hiệu là Yetrumbu Swami. Ở miền Nam Ấn, đệ tử của người rất đông, nhưng người thường đi lên miền Bắc và sống trên dãy Hy Mã Lạp Sơn.

– Tôn sư đã đạt tới mức tối thượng của pháp môn Yoga chưa?

– Tôi tin là như vậy.

– Và ông cũng tin rằng tôn sư có thể tùy ý kéo dài sự sống?

– Tất nhiên là như vậy.

Brama nói câu đó với một giọng vô cùng tự nhiên, và khi nhìn thấy sự ngạc nhiên trong mắt tôi, ông ta nói tiếp:

– Thầy tôi thường kể cho tôi nghe nhiều chuyện liên quan đến việc này. Qua những câu chuyện đó, tôi thấy rõ là người hoàn toàn có khả năng kiểm soát được sự sống của mình. Người cũng thường nói rằng người sẽ ra đi khi cơ duyên hóa độ đã hoàn mãn chứ không phụ thuộc vào những quy luật thông thường của sự sống chết.

Điều này thật khó mà tin được đối với một kẻ đầy hoài nghi như tôi. Tôi nói:

– Nhưng bất cứ ai khi còn đang sống cũng đều có thể nói ra những câu tương tự như thế.

Brama thản nhiên như không nghe thấy sự phản đối của tôi và nói tiếp:

– Thầy tôi đã trải qua nhiều biến cố quan trọng trong đời. Vào thời chiến tranh, ngài đã từng rơi vào những tình trạng mà đối với người bình thường chắc chắn không thể vượt qua được cái chết. Nhưng ngài không để cho những nghịch cảnh ấy chấm dứt đời sống của mình, vì ngài thấy rằng còn có nhiều việc phải làm, nhiều đệ tử cần được ngài hóa độ.

Dưới ánh trăng, tôi nhìn thấy rõ vẻ mặt bình thản tự nhiên của người yogi khi anh ta nói ra những chuyện lạ lùng trên dây. Một người Âu đã quen suy luận với những phương pháp chứng minh cụ thể của khoa học hiện đại làm sao có thể chấp nhận những điều này mà không một có sự thẩm tra chắc chắn? Dầu sao, Brama là người Ấn Độ, chắc ông ta cũng có thói quen tin tưởng vào những chuyện hoang đường như nhiều người bản xứ mà tôi đã gặp. Tôi vẫn lẳng lặng ngồi nghe ông ta nói tiếp:

– Thầy tôi đã từng làm cố vấn cho một vị Quốc vương xứ Népal trên mười một năm. Dân chúng xứ này quí mến người như thần thánh. Người cũng đối với họ như cha với con. Người gạt bỏ mọi sự thành kiến về giai cấp và xem mọi con người, mọi chủng tộc đều bình đẳng như nhau. Trong đời ngài, ngài đã từng đi khắp đó đây, làm rất nhiều việc mang lại lợi ích cho người khác, và ngài luôn tỏ ra tự tin là sẽ không bao giờ để cho sự chết chế ngự mình. Tóm lại, ngài chỉ quyết định ra đi khi nào tự ngài thấy rằng điều đó là thích hợp.

– Nhưng làm sao một người có thể sống lâu tùy ý như thế?

Brama mơ màng nhìn về cõi xa xăm, dường như quên cả sự có mặt của tôi. Ông ta đáp:

– Có rất nhiều phương pháp để kéo dài sự sống. Mỗi một pháp môn tu tập chân chính đều có thể giúp hành giả đạt đến khả năng này. Tuy nhiên, theo pháp môn Hatha Yoga thì chúng tôi dựa trên căn bản là sự kiểm soát hoàn toàn thể xác, từ đó mới đạt đến sự kiểm soát đời sống tinh thần. Như bạn có thể thấy rõ, sự sống của thể xác này rất mong manh, có thể chấm dứt vào bất cứ lúc nào. Nếu sự sống của bạn phụ thuộc vào thể xác, bạn sẽ không thể biết được là mình sẽ chết vào lúc nào. Nhưng nếu bạn kiểm soát được hoàn toàn thể xác, đến mức độ như tôi đã từng mô tả, chẳng hạn như điều khiển được hoạt động của từng mạch máu cho đến quả tim... thì vấn đề sẽ hoàn toàn đổi khác. Ngay cả khi thể xác rơi vào tình trạng không có đủ những điều kiện cho một sự sống thông thường thì bạn vẫn có thể kiểm soát được nó và không cho phép đời sống chấm dứt. Sau đó, bằng năng lực của ý chí, bạn sẽ dần dần khôi phục trạng thái của thể xác cho đến khi nó có thể hoạt động bình thường trở lại. Nói chung, quy luật thông thường là sự sống của thể xác quyết định đời sống tâm linh của một người, nhưng với hành giả Hatha Yoga thượng thặng thì ngược lại, sự sống của tâm linh – vốn không có giới hạn – sẽ quyết định đời sống của thể xác người đó.

Tôi ngỏ lời cám ơn Brama về những giải thích tận tình của ông ta, nhưng tôi vẫn thấy không đủ sức đặt niềm tin vào những gì ông ta vừa nói. Khoa sinh lý học hiện nay không thể chấp nhận lý thuyết về sự tương quan giữa thể xác và tinh thần như thế, và tôi e rằng những chuyện lạ kỳ trên đây chỉ có trong óc tưởng tượng của những người chất phác và hồn nhiên ở xứ này. Tuy nhiên, sự kiểm soát hơi thở và mạch máu mà tôi đã chứng kiến cũng đủ chứng minh rằng năng lực đạt được do sự tu tập của các nhà đạo sĩ không phải là những điều viển vông, và rõ ràng là những năng lực đó có thể giúp người ta thực hiện được rất nhiều việc phi thường. Theo ý tôi thì đó là tất cả những gì hiện nay người ta có thể nói ra một cách dè dặt về vấn đề này.

Tôi vẫn giữ im lặng và không muốn thổ lộ những ý tưởng riêng của mình. Brama lại nói tiếp:

– Tất cả những người thế tục hầu như ai cũng muốn chiến thắng sự chết để được sống lâu mãi mãi. Nhưng đối với các bậc chân sư đã đạt được giải thoát thì các ngài không có sự mong muốn đó. Các ngài chỉ kéo dài đời sống vật chất này khi thấy điều đó là cần thiết để làm lợi lạc cho người khác, và khi cơ duyên đã hết thì các ngài sẽ chọn bước vào đời sống tâm linh vốn là thuần khiết và tinh tế hơn nhiều so với cuộc đời thế tục. Mặt khác, khi người ta vẫn còn mang tâm niệm tham sống sợ chết thì cho dù họ có tu tập đến bao lâu, theo bất cứ phương pháp nào, cũng đều không thể có được kết quả như mong muốn.

Tôi đưa ra những câu hỏi cuối cùng vì thấy vầng trăng khuya đã chếch bóng, báo hiệu đến giờ phải chia tay:

– Ông có thể cho biết lệnh tôn sư hiện nay đang ở đâu chăng?

– Thầy tôi đang ẩn cư trong một ngôi đền hẻo lánh ở vùng núi non xứ Népal.

– Ông có nghĩ rằng một ngày kia lệnh tôn sư sẽ trở xuống đồng bằng hay chăng?

– Làm sao tôi biết được ý nghĩ của thầy? Ngài có thể sẽ ở lại xứ Népal thêm nhiều năm nữa trước khi xuống núi, vì ngài thấy thích hợp khi truyền đạo ở Népal hơn so với ở Ấn Độ. Pháp môn Hatha Yoga được người Népal tiếp thu nhanh và dễ dàng hơn là người Ấn.

Brama trở lại với sự im lặng. Chắc ông ta đang thả hồn đi xa lắm về quá khứ và nhớ đến hình ảnh của vị thầy kính mến. Ôi! Nếu những điều tôi vừa được nghe không phải là một ảo tưởng, thì những tri thức công khai của nhân loại hiện nay quả là quá ít ỏi và thiếu sót.

lll

Màn đêm ở Ấn Độ buông xuống rất mau chóng, không hề có một buổi hoàng hôn kéo dài như ở trời Âu. Khi bóng tối bao phủ cái chòi tranh, Brama thắp lên một ngọn đèn dầu treo lủng lẳng trên xà nhà bằng một sợi dây, và chúng tôi ngồi dưới ánh đèn dầu leo lét. Bà lão bước ra ngoài một cách kín đáo để cho chúng tôi tự do nói chuyện, với một người thông ngôn trẻ tuổi được tôi dẫn theo.

Khói nhang tỏa ra khắp gian phòng một mùi hương thần bí. Ý nghĩ về sự chia ly sắp đến làm cho tôi buồn man mác. Tôi cố gắng vượt qua cơn buồn ám ảnh, nhưng vô hiệu. Vấn đề bất đồng ngôn ngữ, phải nói chuyện thông qua người thứ ba là một chướng ngại, vì tôi không thể bày tỏ tâm sự đang tràn ngập cõi lòng tôi theo như ý muốn. Trong giờ phút này, những lý thuyết lạ lùng kia có thật hay không cũng không còn quan trọng đối với tôi. Điều đáng kể là người đạo sĩ đã vui vẻ sốt sắng để cho tôi bước vào cuộc đời cô đơn độc chiếc của ông ta. Tôi đã nhận thấy được sự cảm thông giữa hai tâm hồn chúng tôi, và bây giờ tôi đã hiểu rằng đối với một người như vậy, thật là một sự hy sinh lớn lao khi chấp nhận dẹp bỏ sự dè dặt kín đáo của mình để thổ lộ tâm sự với một người lạ mặt.

Nhưng lúc này lòng mong muốn hiểu biết thêm của tôi lại thắng thế. Tôi viện cớ sắp từ biệt trong nay mai để cố gắng thuyết phục ông ta tiết lộ cho tôi một vài điều bí mật cuối cùng. Nhưng ông ta đã giữ thế thủ bằng cách đưa ra câu hỏi:

– Bạn có sẵn sàng từ bỏ chốn phồn hoa náo nhiệt của thị thành và ẩn mình nơi thanh vắng của chốn núi rừng tịch mịch chăng?

– Điều đó cần phải được suy nghĩ kỹ, Brama.

– Bạn có sẵn sàng từ bỏ mọi hoạt động, mọi công việc làm ăn, mọi thú vui trần tục, và để trọn thời giờ thực hành pháp môn Yoga, không phải chỉ trong một lúc mà là trong nhiều năm liên tiếp?

– Chắc là không, tôi chưa có đủ sự chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng một ngày kia, có lẽ...

– Nếu vậy, tôi không thể nào dìu dắt bạn đi xa hơn nữa. Pháp môn Yoga không phải là một môn tiêu khiển trong những giờ nhàn rỗi.

Thế là tôi sẽ không bao giờ trở thành một đạo sĩ! Phải thành thật mà nhìn nhận như vậy. Một môn tu luyện khó khăn như thế, với một kỷ luật gắt gao khổ hạnh, không phải để dành cho sự tò mò tìm hiểu của một kẻ hoài nghi như tôi! Tuy nhiên, có một cái gì nó hấp dẫn tôi hơn là những năng lực của thể xác vật chất. Tôi tỏ bày tâm sự với người đạo sĩ:

Brama, những năng lực phi thường mà ông mô tả đó hẳn là một điều huyền diệu và hấp dẫn vô cùng. Tôi cũng mong ước có ngày sẽ được thụ giáo theo pháp môn Yoga của ông. Nhưng rốt cuộc nó có thể đem đến cho ta một sự hạnh phúc lâu bền nào chăng? Trong khoa Yoga, còn có một mục đích nào cao hơn nữa chăng? Tôi nói vậy không biết bạn có hiểu ý tôi không.

Brama mỉm cười và nói:

– Tôi hiểu. Những thánh kinh của Ấn Độ nói rằng pháp môn Hatha Yoga (luyện xác thân) phải đi đôi với pháp môn Raja Yoga (luyện tinh thần). Sự thật, pháp môn trên chỉ là dọn đường cho pháp môn Raja Yoga, vì các bậc thầy chân chính đều biết rằng việc tu tập không chỉ nhắm vào mục đích tinh luyện thể xác vật chất mà thôi... Các ngài hiểu rằng sự tu luyện thể xác chỉ là một bước đầu tiên để dẫn đến sự tu luyện tinh thần, và mọi pháp môn tu tập đều nhắm đến mục đích cuối cùng là sự toàn thiện toàn giác.

– Như thế, chắc hẳn phải có một pháp môn chuyên rèn luyện tinh thần?

– Đúng vậy, và mục đích của pháp môn đó là dùng trí tuệ như một ngọn đèn soi chiếu vào nội tâm của chính mình.

– Người muốn bắt đầu học pháp môn này phải làm thế nào?

– Điều kiện tất yếu trước tiên là phải có một bậc thầy hướng dẫn.

– Phải có thầy ư? Nhưng biết tìm thầy ở đâu?

Brama hơi nhún vai:

– Bạn ơi! Kẻ đói bụng thì đi tìm món ăn, nhưng còn người sắp chết đói thì quên hết tất cả mọi việc khác, chỉ nghĩ làm sao kiếm được thức ăn mà thôi. Nếu bạn nuôi khát vọng tìm thầy như người sắp chết đói cầu được thức ăn thì chắc chắn bạn sẽ tìm thấy. Bạn hãy tìm thầy với một đức tin, rồi khi nhân duyên đầy đủ thì chắc chắn bạn sẽ gặp được một bậc thầy như mong muốn.

– Bạn tin rằng còn có những yếu tố khác liên quan đến việc này ngoài sự nỗ lực của bản thân hay sao?

– Có chứ. Người Tây phương các bạn thường xem đó là định mệnh, nhưng chúng tôi gọi các yếu tố phức tạp kết hợp để gây tác động đến kết quả của một vấn đề là những nhân duyên. Cũng giống như khi bạn gieo một hạt giống thì cần có mưa và khí hậu thích hợp để nó tăng trưởng. Nếu gặp phải hạn hán thì không một hạt giống tốt nào có thể nảy mầm được cả.

– Tôi thấy có nhiều kinh sách cũng truyền dạy các pháp môn tu tập.

– Không có thầy dạy thì kinh sách cũng chỉ là mớ giấy lộn không hơn không kém. Danh từ guru (đạo sư) của chúng tôi có nghĩa là “người dẹp tan sự tối tăm u ám”. Người nào nhờ sự gắng công tìm tòi và hội đủ nhân duyên để tìm ra được một vị chân sư sẽ có khả năng tu tập thẳng đến sự giác ngộ.

Nói đến dây, Brama tiến đến gần tấm gỗ phẳng đặt giấy tờ và lấy đưa cho tôi một đạo linh phù đầy những ký hiệu thần bí, những biểu tượng và chữ Tamoul vẽ bằng mực màu đỏ, màu xanh và màu đen. Trên hết có vẽ một hình tròn, hẳn là biểu tượng của mặt trời, hình mặt trăng và một con mắt, còn khoảng giữa thì để trống. Ông ta nói:

– Tôi vẽ lá bùa này cho bạn trong đêm qua. Khi bạn ra đi, bạn hãy dán một tấm một ảnh của tôi ở khoảng trống ngay chính giữa.

Brama cho biết rằng chỉ cần tập trung tư tưởng trong năm phút vào lá bùa lạ lùng này trước khi đi ngủ thì tôi sẽ mộng thấy ông ta một cách hoàn toàn rõ rệt. Ông ta nói:

– Dầu chúng ta có cách xa nhau hàng ngàn dặm, chúng ta vẫn có thể gặp nhau trong tâm thức nếu bạn tập trung tư tưởng vào lá bùa này. Những cuộc gặp gỡ trong mộng cũng thật có như những cuộc thăm viếng bằng thể xác, chúng ta hoàn toàn có thể trao đổi ý tưởng và thảo luận về các vấn đề cũng như thăm hỏi lẫn nhau.

Lời dặn dò của Brama làm cho tôi nghĩ rằng ngày từ biệt của chúng tôi đã sắp đến và tôi tỏ ý băn khoăn không biết ngày nào mới có thể gặp lại Brama. Ông ta bèn an ủi tôi:

– Chúng ta không bao giờ có thể quyết định được mọi việc trong đời sống, vì chúng tùy thuộc vào rất nhiều nhân duyên khác nhau. Nhưng hãy vững tin nơi thiện ý của bản thân mình, vì chắc chắn nó sẽ mang lại cho mỗi người chúng ta những kết quả tốt lành. Về phần tôi, tôi cũng sẽ ra đi vào mùa xuân, đến địa phận tỉnh Tanjore. Tại đó có hai người đệ tử đang chờ đợi tôi. Còn tương lai về sau thế nào, chúng ta đều không thể biết trước. Tuy nhiên, như bạn đã biết, tôi vẫn luôn chờ đợi lời kêu gọi của thầy tôi.

Brama im lặng một lúc và nói tiếp bằng một giọng rất thấp mà tôi nghe như tiếng thì thầm. Tôi đoán chừng hay là anh ta lại tiết lộ thêm điều gì bí mật nữa chăng? Tôi quay lại người thông ngôn thì nghe anh ta chuyển dịch lại nội dung ấy là:

– Thầy tôi đã hiện ra với tôi trong đêm vừa qua. Ngài có nói chuyện về bạn. Ngài nói với tôi rằng: “Vị Sahib bạn con đang khát khao sự hiểu biết. Anh ta vốn là người đồng môn với chúng ta trong một kiếp trước. Anh ta đã tu luyện theo phép môn Yoga, nhưng thuộc về một môn phái khác. Ngày nay, anh ta đã trở lại Ấn Độ trong thể xác của một người Anh. Anh ta đã quên những gì anh ta đã học với chúng ta, nhưng không bao lâu anh ta sẽ có cơ hội nhớ lại. Ngày nào chưa gặp lại được thầy thì anh ta vẫn sẽ không phục hồi lại được ký ức về dĩ vãng. Tuy nhiên, ký ức đó vẫn luôn tiềm tàng, sau này thầy anh ta chỉ cần khơi động một chút cũng đủ làm cho nó bừng dậy. Vị thầy đó, con hãy cho anh ta biết là anh ta sẽ có dịp gặp lại. Điều đó chắc chắn sẽ đến, anh ta không cần phải băn khoăn gì nữa. Anh ta sẽ được toại nguyện trước khi rời khỏi xứ này.”

Nghe đến đây, sự ngạc nhiên của tôi thật là vô hạn. Dưới ánh đèn dầu leo lét, gương mặt của người bạn tôi dường như biến đổi một cách khác thường. Tôi hỏi anh ta với một giọng mà tôi lấy làm hối tiếc là đã lộ vẻ nghi ngờ:

– Phải chăng ông đã nói rằng lệnh tôn sư đang ở xa lắm, tận xứ Népal?

– Phải, thầy tôi vẫn ở đó.

– Tức là cách đây 1.200 dặm? Làm sao lệnh tôn sư có thể nói chuyện với ông qua một khoảng cách đường dài như vậy?

– Thầy tôi luôn có mặt mỗi khi tôi tưởng nhớ đến ngài, dầu cho chúng tôi ở cách xa nhau muôn dặm. Tôi cảm nhận được những tư tưởng của thầy tôi khi chúng đến với tôi xuyên qua không gian và hiển hiện rõ ràng cũng giống như mọi thứ trước mắt tôi.

– Phải chăng đó gọi là thần giao cách cảm?

– Có thể nói như vậy.

Tôi đứng dậy, vì đã đến lúc kiếu từ. Chúng tôi còn đi dạo một lần cuối cùng dưới ánh trăng khuya, dọc theo những vách tường cũ của ngôi đền bên cạnh nhà của Brama.

Chúng tôi dừng bước dưới một hàng dừa cành lá sum suê có ánh trăng rọi xuyên qua in bóng trên mặt đất. Trước khi từ giã, Brama thì thầm:

– Bạn cũng thấy là tôi không sở hữu gì nhiều. Đây là một vật quý giá nhất của tôi, bạn hãy cầm lấy.

Nói xong, anh ta cởi chiếc nhẫn đang đeo ở ngón tay áp út bên trái và đặt vào lòng bàn tay lật ngửa. Dưới ánh trăng, tôi thấy chiếu sáng ngời một viên ngọc bích màu xanh có gân màu nâu sậm, lồng trong khung nhẫn bằng vàng. Brama đeo chiếc nhẫn vào ngón tay tôi và siết bàn tay tôi để từ giã. Tôi vừa tỏ ý không dám nhận món quà tặng quý giá đó thì Brama đã ngăn chặn lời từ chối của tôi bằng cách siết bàn tay tôi chặt hơn nữa. Anh ta nói:

– Tôi nhận được chiếc nhẫn này của một vị hiền giả. Người ấy đã tặng cho tôi khi tôi bắt đầu bước chân lên đường đạo. Bây giờ, đến lượt bạn hãy đeo nó.

Brama giải thích thêm với tôi rằng viên ngọc thạch này là một vật rất linh nghiệm. Nó có công năng giúp cho những người đủ cơ duyên sớm được gặp gỡ các bậc chân sư, hiền giả.

Tôi chưa thấy được sự linh nghiệm đó, nhưng những lời giải thích xem ra rất quả quyết và tự tin của Brama đã sớm khích động trong tôi những tư tưởng lạ kỳ, xâm chiếm lấy khối óc trần tục còn loạn động của tôi. Những lời nhắn nhủ lạ lùng của một vị chân sư ở cách xa ngàn dặm thật quá sức lạ lùng đối với tôi nên xin miễn bàn luận thêm. Một sự giằng co mãnh liệt đang diễn ra trong tâm hồn tôi giữa sự ngờ vực và đức tin. Còn về chiếc nhẫn này? Làm sao có thể tin được rằng một chiếc nhẫn vô tri vô giác lại có thể gây ra một ảnh hưởng huyền bí nào đó về phương diện tâm linh hay vật thể? Phải chăng niềm tin đó chỉ là một điều dị đoan mê tín? Nhưng Brama tỏ ra tin chắc ở điều đó.

Cuối cùng, tôi phải tự nhủ rằng dường như việc gì cũng có thể xảy ra được cả ở cái xứ lạ lùng huyền bí này! Tôi vẩn vơ suy nghĩ lan man đến nỗi đi lệch khỏi con đường mòn và đâm sầm vào một gốc dừa. Dưới nhành lá dịu dàng phất phơ của nó, những điểm sáng đom đóm bay lượn thành từng vòng tròn lập lòe huyền bí.

Nền trời trong vắt một màu xanh thẫm. Sao Kim chói rạng tỏa ra một ánh sáng rực rỡ xem dường như rất gần. Cảnh vật thiên nhiên đắm chìm trong một bầu không khí hoàn toàn yên lặng, cả đến những con dơi lớn đang vụt bay ngang qua trên cao cũng không phát ra một âm thanh nào. Trong giây lát, tôi tự thả hồn trôi theo cái thú vị triền miên của những giờ phút tĩnh mịch thần tiên này.

Về đến nhà, tôi trằn trọc suốt đêm không sao ngủ được. Mãi đến lúc gần sáng tôi mới chợp mắt được đôi chút khi những ý nghĩ vẩn vơ trong đầu óc của tôi tạm thời lắng dịu.



Về sau tôi đã kiểm chứng và thấy việc ấy quả thật xảy ra năm 1837 tại Lahore. Người thuật sĩ được chôn sống trước mặt vua Ranjit Singh, Sir Claude Wade, bác sĩ Honighbetget và nhiều nhân chứng khác. Quân lính canh gác suốt ngày đêm ở một bên ngôi mộ. Sau đó bốn mươi tám ngày, ngôi mộ được khai quật lên, thì người thuật sĩ vẫn còn sống. Quý vị nào muốn biết thêm chi tiết xin hãy tra cứu tài liệu ở văn khố chính phủ tại Calcutta.