Một hôm, tôi nghe nói về người tu sĩ nổi tiếng đang ở vùng ngoại ô, cách thành phố Madras chừng nửa dặm. Người này thích sống ẩn dật, tránh xa tất cả mọi người nên có rất ít người được biết đến ông ta.
Điều này khêu gợi sự tò mò của tôi. Tôi bèn quyết định tìm đến và xin
được gặp mặt. Nhà của người tu sĩ nằm khuất sau một bờ tường dựng lên
thành hình vuông ở giữa một cánh đồng. Người dẫn đường chỉ vào bên
trong bờ tường và nói:
– Tôi nghe nói người yogi này nhập định suốt ngày. Dầu cho chúng ta có la hét và đập cửa hàng rào, ông ta cũng không nghe.
Một cánh cổng thô sơ khép chặt và được khóa lại rất chắc. Phía trong
không nghe thấy bất cứ một tiếng động nào. Chúng tôi thử đi vòng quanh
bờ tường và gặp một đứa nhỏ nói rằng nó biết nhà người giữ cửa và sẵn
lòng đưa chúng tôi đến nhà người ấy.
Người giữ cửa ấy là một nô bộc của người yogi. Ông ta sống
với vợ và một bầy con nheo nhóc quấn quít theo chân ông ta. Chúng tôi
ngỏ ý nhờ ông ta mở cửa, nhưng ông ta từ chối, bảo rằng vị tu sĩ tịnh
khẩu, không tiếp khách và chỉ muốn ở yên một mình. Ngài nhập định suốt
ngày và không muốn bị bất cứ ai quấy rầy. Tôi khẩn khoản đề nghị người
nô bộc hãy dành cho tôi một sự dễ dàng ngoại lệ, nhưng ông ta vẫn cương
quyết từ chối.
Khi chúng tôi đã hoàn toàn thất vọng và quay gót chuẩn bị ra về thì
người nô bộc chợt nhìn thấy chiếc nhẫn đeo nơi tay tôi. Ông ta lộ vẻ
ngạc nhiên và hỏi tôi:
– Xin lỗi, có phải ông là người Anh?
Đến lượt tôi ngạc nhiên vì câu hỏi của ông ta, vì hầu hết người Ấn Độ
đều dễ dàng nhận biết điều đó qua vóc dáng và màu da của tôi. Tuy
nhiên, tôi vẫn đáp lời:
– Vâng, tôi là người Anh. Có gì không ổn chăng?
– Không, nhưng tôi hỏi như thế vì không thể hiểu được vì sao một
người Anh lại có thể có được chiếc nhẫn loại này. Chúng không bao giờ
được mang ra bán, mà chỉ có thể là tặng vật của những người tu sĩ.
Tôi liền nói cho ông ta biết rằng chiếc nhẫn này đúng là tặng vật của một người bạn, và người bạn ấy đúng là một yogi.
Người nô bộc liền thay đổi thái độ và tỏ ra niềm nở với chúng tôi.
Ông ta đề nghị chúng tôi nán lại một chút để chờ ông ta vào nhà lấy
chìa khóa và sẽ đưa chúng tôi đến gặp vị tu sĩ tịnh khẩu kia.
Thế là chúng tôi cùng nhau trở lại chỗ cổng vào phía trước bờ tường
và mở một ống khóa lớn bằng sắt. Người nô bộc cho biết rằng người tu sĩ
không có tài sản gì cả, nhưng việc xây tường chắn quanh chỗ ở của ông
ta chỉ nhằm mục đích an ninh mà thôi, vì ông ta gần như không có khả
năng tự vệ, không hề đánh trả với bất cứ ai.
Cánh cổng được khóa lại từ bên ngoài nên người bên trong không thể ra
khỏi nhà nếu người nô bộc không đến mỗi ngày hai lần để mở cửa. Chúng
tôi còn nghe nói rằng người tu sĩ nhập định suốt ngày, đến chiều mới
dùng một ít vật thực nhẹ như bánh trái và một chén sữa. Thỉnh thoảng
cũng có những buổi chiều đồ vật thực để trước mặt ông ta vẫn còn nguyên
không động đến. Đôi khi, vào lúc trời tối ông ta cũng ra khỏi nhà và đi
dạo giữa cánh đồng.
Chúng tôi qua khỏi khoảng sân và đến trước một ngôi nhà xây bằng đá
kiểu tân thời. Người nô bộc lấy chìa khóa mở một cánh cửa nặng và rất
chắc. Tôi lấy làm lạ về sự bố trí cửa nẻo chặt chẽ đến như vậy đối với
một người không sở hữu của cải hay tài sản gì đáng giá. Người nô bộc
bèn giải thích lý do:
– Cách đây mấy năm, người tu sĩ ở trong hàng rào tre này và không có
khóa trong ngoài gì cả. Một hôm, một gã say rượu đẩy cổng vào trong,
thấy người tu sĩ chỉ có một mình và không hề phản ứng tự vệ bèn ra tay
hành hung. Hắn nắm chòm râu của ông lôi đi và đánh ông ta bằng gậy, vừa
đánh vừa chửi rủa. Cũng may, lúc đó có mấy người thanh niên đang đá
banh trên khoảng đất trống gần bên, nghe có những tiếng la ó khác thường
họ bèn chạy vào nhà và giải cứu người tu sĩ thoát khỏi tay của tên say
rượu. Khi đó, một người trong bọn đã chạy đi báo động với người làng.
Mọi người lập tức kéo đến nơi và định cho tên du côn kia một bài học
nhớ đời. Quả thật, hắn ta suýt nữa đã bị ăn một trận đòn nhừ tử nếu
không có sự can thiệp của người tu sĩ. Người này vẻ mặt vẫn bình thản
ngay cả khi đang bị hành hung. Ông ta viết trên một mảnh giấy dòng chữ
như sau:
“Nếu các ông đánh đập người này thì cũng giống như các ông đánh
đập tôi. Xin hãy thả cho anh ta về, vì tôi đã tha thứ cho lỗi lầm của
anh ta.”
Vì lời nói của người tu sĩ luôn được tôn trọng, nên gã say rượu được thả ra.
Người nô bộc liếc nhìn vào trong nhà và yêu cầu chúng tôi đừng gây
tiếng động, vì người tu sĩ đang thiền định. Tôi cởi giày và để ngoài
hàng hiên theo phong tục bản xứ. Lúc quay vào, tôi nhìn thấy trên vách
tường có một tấm bia đá đề một dòng chữ Tamoul, người bạn tôi đọc cho tôi nghe:
“Đây là am thất của một nhà tu tịnh khẩu.”
Gian phòng rộng rãi, cao ráo và rất sạch sẽ. Giữa nhà là một cái bục
bằng cẩm thạch bề cao độ ba tấc, lót một tấm thảm bằng gấm Ba Tư, trên
đó vị tu sĩ ngồi im lặng, hoàn toàn bất động như một pho tượng đá. Ông
có một thân hình cao và thẳng, màu da nâu sậm. Ông ngồi theo kiểu bán
già, bàn chân mặt đặt lên đùi bên trái, đầu, gáy, và lưng đều thẳng
đứng. Tóc ông dài và đen, bỏ xõa xuống tận vai. Một bộ râu rậm và đen
phủ đầy cằm; hai bàn tay đặt lên hai đầu gối.
Vì ông chỉ vận duy nhất một cái chăn quấn ngang lưng, mình để trần
nên tôi nhận ra ngay một thân mình đầy bắp thịt rắn chắc, biểu lộ một
sức khỏe rất tốt. Gương mặt ông lộ vẻ ung dung tự tại, đôi môi dường
như luôn sẵn sàng nở một nụ cười. Người này hẳn là đã giải thoát khỏi
gánh nặng của cuộc đời thế gian mà những kẻ phàm tục bị bắt buộc phải
mang lấy trên vai chỉ vì không nhận biết được sự phù du giả tạm của nó.
Trên khuôn mặt hiền từ nhưng nghiêm nghị là một cái mũi ngắn và
thẳng, với hai mắt mở lớn nhìn thẳng về phía trước, mí mắt không chớp.
Toàn thân đều yên lặng, tuyệt nhiên không cử động.
Người dẫn đường của tôi cho biết nhà tu sĩ đang nhập định. Trong
trạng thái này, hành giả hòa nhập tâm thức mình với tâm thức vạn hữu,
tuy vẫn tỉnh giác về mọi việc xảy ra chung quanh nhưng không còn một
mảy may ý niệm chấp giữ cái bản ngã nhỏ nhoi của riêng mình.
Tôi để ý quan sát kỹ người yogi. Trạng thái nhập định của
ông ta quả là có thật, không còn nghi ngờ gì nữa. Điều lạ lùng nhất là
đôi mí mắt ông không hề chớp, và mắt vẫn mở suốt nhiều giờ như không
biết mỏi. Cặp mắt ông mở lớn nhưng không chú tâm nhìn vật gì, khác với
hầu hết những người yogi khác đều khép mắt lại và hơi nhìn
xuống. Những dấu hiệu hoạt động của cơ thể cũng dường như ngưng hẳn,
trừ ra thỉnh thoảng có một giọt nước mắt chạy quanh theo gò má, nguyên
nhân chắc hẳn là vì hai mí mắt không chớp đã lâu.
Một con thằn lằn từ trên trần nhà bò xuống, chạy lên tấm thảm gấm và
từ từ bò lên bàn chân ngồi bán già của người tu sĩ, nhưng tuyệt nhiên
không có một cử động, chẳng khác nào một pho tượng đá. Vài con ruồi đáp
xuống và bò lên mặt người, nhưng hình như không có dấu hiệu cảm giác,
chẳng khác nào một gương mặt bằng đồng. Hơi thở ông dịu nhẹ và đều đặn,
nhưng thoảng rất nhẹ, gần như không thể nhận ra được nữa. Tuy thế, đó
là dấu hiệu duy nhất chứng tỏ sự sống.
Trong thời gian chờ đợi, tôi lấy máy ảnh ra chụp mấy tấm hình, nhưng
rồi nhận thấy trong phòng thiếu ánh sáng nên thôi không chụp nữa.
Tôi nhìn đồng hồ, đã hai giờ trôi qua kể từ khi chúng tôi bước vào.
Toàn thân người tu sĩ vẫn trơ trơ, không một chút cử động. Tôi thầm
nghĩ sẽ ở lại đây suốt ngày nếu cần, để đạt mục đích tiếp kiến với
người tu sĩ lạ lùng này. Nhưng người nô bộc cho chúng tôi biết là chờ
đợi như thế cũng vô ích, và cho dù chúng tôi có trở lại trong một hai
ngày tới có lẽ cũng chưa chắc gì được tiếp xúc với ngài. Chúng tôi đành
thất vọng ra về, nhưng điều ấy càng làm tăng thêm sự tò mò của tôi.
Những ngày sau đó, tuy vẫn chưa có cơ hội diện kiến người tu sĩ im
lặng nhưng tôi đã cố gắng dò hỏi, thu thập và chọn lọc được một số tài
liệu về người tu sĩ này. Những cuộc điều tra loại này đòi hỏi một sự
nhẫn nại và óc phán đoán sáng suốt của một thẩm sát viên, vì những tư
liệu thu được khi thì quá ít ỏi, mơ hồ, lúc thì thật dồi dào nhưng lại
chứa đầy những câu chuyện huyễn hoặc, thần bí mà người kể đã cố tình
thêu dệt thêm vào.
Cuộc điều tra bắt đầu bằng một buổi nói chuyện dài với người nô bộc,
và kết thúc bằng cuộc phỏng vấn một viên thanh tra cảnh sát địa phương.
Nhờ đó, tôi có thể chắp nối từng giai đoạn và ghi ghép lại được ít
nhất là một phần tiểu sử của người tu sĩ.
Ông ta đến ở trong vùng này đã được tám năm nay. Không ai biết ông ta
là ai và từ đâu đến. Ban đầu, ông ta chọn cư trú trên một khoảng đất
trống gần ngôi nhà ông ta hiện đang ở bây giờ. Những kẻ tò mò thường
đến gần định hỏi chuyện ông ta, nhưng đều phải thất vọng ra về, vì ông
ta không mở miệng nói chuyện với bất cứ ai, cũng không tỏ vẻ muốn nghe
ai nói. Thỉnh thoảng, người ta thấy ông ta cầm một cái gáo dừa đi lang
thang vào xóm làng để khất thực.
Thường thì ông ta ngồi luôn cả ngày đêm trên khoảnh đất này, không
một mái che, không quản mưa nắng dãi dầu, gió sương, cát bụi và côn
trùng sâu bọ. Ông ta dường như hoàn toàn không lưu tâm đến ngoại cảnh,
chỉ vận có một cái chăn và luôn luôn giữ duy nhất một thế ngồi.
Tuy nhiên, vùng ngoại ô của một thành phố lớn như Madras
không phải là nơi thuận tiện cho sự thiền định của một người tu sĩ ẩn
dật lánh đời. Một chỗ như thế có thể là tạm được ở nước Ấn Độ thời cổ,
chứ còn người yogi ở thời đại này thì phải ẩn mình trong rừng
sâu núi thẳm, hay ít nhất cũng phải ở trong một gian phòng vắng vẻ tĩnh
mịch. Tại sao người ẩn sĩ lạ lùng này lại chọn một nơi hoàn toàn không
thích hợp cho sự tu hành của ông ta như thế?
Người ta đã tìm được lý do sau một chuyện không hay xảy đến cho anh
ta. Một hôm, một đám du đãng thiếu niên nhìn thấy người tu sĩ này và
liền dùng ông ta làm cái đích cho sự nghịch ngợm của chúng. Mỗi ngày
chúng đến ném đá và rác rến vào người tu sĩ và buông lời chửi rủa. Ông
ta vẫn thản nhiên chịu đựng, mặc dầu với sức lực của ông ta thì bọn
chúng lẽ ra đã phải ăn một trận đòn đích đáng. Nhưng ông ta thậm chí
cũng không mở miệng quở mắng chúng một lời, chỉ lặng thinh chịu đựng.
Việc ấy có thể đã kéo dài hơn nữa nếu như không có một người qua
đường nhìn thấy bọn nhóc du đãng đang làm trò mất dạy. Người này lấy
làm bất bình bèn đến báo cho Sở cảnh sát Madras. Họ lập tức đến giải tán đám tiểu quỷ sau khi đã quở mắng chúng một trận nặng nề.
Sau khi việc ấy xảy ra, một viên thanh tra cảnh sát bèn quyết định
điều tra lai lịch của người ẩn sĩ. Nhưng vì không tìm được người nào
biết rõ lai lịch của ông ta, nên viên thanh tra không còn cách nào khác
hơn là sử dụng công quyền để chất vấn chính bản thân ông ta.
Sau rất nhiều do dự, người tu sĩ mới viết những lời sau đây lên một mảnh giấy để kể rõ thân phận của mình:
“Tôi là đệ tử của ngài Marakayar. Thầy tôi đã dạy tôi hãy đi xuyên
qua các vùng đồng bằng và đến tỉnh Madras. Chính thầy tôi đã chỉ cho
tôi tìm ra khoảnh đất này. Người bảo tôi hãy ở tại đây và tiếp tục thực
hành pháp môn Yoga cho đến khi thành đạo.
“Tôi đã từ bỏ cuộc đời thế gian và chỉ có một yêu cầu là mọi người
hãy để cho tôi yên. Tôi không đến Madras để tìm kiếm lợi lộc gì, mà
chỉ muốn đi theo con đường tu hành.”
Viên thanh tra cảnh sát hài lòng về câu trả lời trên đây và thừa nhận
người này là một đạo sĩ chân chính, bèn hứa sẽ dành cho ông mọi sự bảo
vệ cần thiết. Anh ta cũng biết Marakayar là một vị đạo sĩ nổi tiếng, vừa qua đời cách đó không bao lâu.
Tục ngữ có câu: “Trong họa có phúc.” Quả thật vậy, vụ rắc rối kể trên thấu đến tai một người mộ đạo ở Madras,
người này bèn hiến cho người tu sĩ một khu đất lớn trong thành phố với
tịnh thất khang trang để người tu tập. Nhưng người tu sĩ không chịu
rời khỏi mảnh đất đang ở, vì không muốn làm trái lời thầy dặn.
Sau cùng, người cư sĩ mộ đạo kia mới tìm ra một giải pháp là xây một
nhà tịnh thất ngay trên miếng đất gần bên chỗ ở của người yogi.
Người tu sĩ bằng lòng ở trong tịnh thất đó để tu tập. Từ đó ông ta mới
thực sự có được một chỗ ẩn trú để tránh mưa tránh nắng.
Cũng chính người mộ đạo hảo tâm ấy đã thuê một người nô bộc theo săn sóc người yogi để ông ta khỏi phải đi khất thực trong xóm làng. Không biết vị tôn sư Marakayar
có tiên liệu trước rằng cuộc thử thách dành cho người đệ tử này rốt
cuộc sẽ kết thúc một cách tốt đẹp êm thấm như thế hay chăng?
Tôi cũng được biết rằng người tu sĩ không có đệ tử nào cả. Ông ta
không tìm kiếm, cũng không thâu nhận đệ tử. Ông ta quyết định tinh tấn
tu tập để tiến nhanh đến mục đích giải thoát bằng cách tịnh khẩu và
sống tách biệt với thế tục trong sự hoàn toàn cô đơn. Thái độ đó, theo
quan niệm của người Âu Tây thì dường như thật ích kỷ. Tuy nhiên, thật
cũng khó mà cho là ích kỷ khi một người đã có lòng từ bi hỷ xả, tha thứ
dễ dàng đối với một kẻ say rượu hành hung mình, và không để tâm hờn
giận đám tiểu quỷ đã hành hạ trêu chọc.
Tôi đến lần thứ nhì với hy vọng được tiếp xúc trao đổi với người tu
sĩ tịnh khẩu. Lần này có hai người cùng đi với tôi. Một là người thông
ngôn đã quen biết và người kia là Brama, người đạo sĩ trên bờ sông Adyar đã từng dạy cho tôi biết rất nhiều điều quí giá. Brama
không thích tới lui những chốn thành thị, nhưng khi nghe tôi bày tỏ
mục đích cuộc thăm viếng liền bằng lòng đi theo tôi không chút do dự.
Gần đến bờ tường, chúng tôi gặp một người khách lạ cũng vừa xuống xe
ngừng ở giữa đường và đi bộ băng qua cánh đồng. Người này cũng muốn
được vào yết kiến nhà tu sĩ. Trong khi trò chuyện trên đường đi, anh ta
cho chúng tôi biết rằng anh ta là em bà Vương hậu của xứ Gadwal, một tiểu quốc dưới sự bảo hộ của Quốc vương xứ Hyderabad.
Người này cũng cho biết anh ta là một trong số những người đã cúng
dường rất nhiều cho sự tu tập của người tư sĩ tịnh khẩu, và có góp phần
trong việc trùng tu am thất. Anh ta đến Madras có việc trong
vài ngày, và trước khi ra về anh ta muốn đến viếng thăm nhà tu sĩ để
xin người ban ân huệ. Còn cái ân huệ này có giá trị như thế nào, thì
tôi được biết qua câu chuyện sau đây do người khách lạ này thuật lại.
Một mệnh phụ phu nhân trong triều đình xứ Gadwal có đứa con bị một chứng bịnh hiểm nghèo. Bà ấy nghe tiếng đồn về nhà tu sĩ tịnh khẩu. Bà không do dự, liền đi tới Madras để thỉnh cầu người tu sĩ ban ân huệ cứu giúp đứa con bà. Người yogi
bằng lòng và đứa nhỏ khỏi bệnh một cách mầu nhiệm. Việc này đến tai bà
Vương hậu, bà liền đến tận nơi để cám ơn người tu sĩ. Bà hoàng biếu
cho vị tu sĩ một túi bạc sáu trăm rupee, nhưng ông ta từ chối
không nhận. Bà hoàng hết lời khẩn khoản cầu xin, thì ông ta liền yêu
cầu bà hãy dùng số tiền đó xây một bờ tường chung quanh tịnh thất, để
ông khỏi bị quấy rầy trong lúc tham thiền. Bà hoàng liền làm đúng theo
lời dặn đó và bờ tường được xây lên.
Người nô bộc đưa chúng tôi cùng vào một lượt, nhưng chúng tôi lại
thấy người tu sĩ vẫn đang ngồi nhập định cũng như lần trước. Chúng tôi
bèn lẳng lặng ngồi thành một vòng bán nguyệt chung quanh người tu sĩ,
khi ấy trông chẳng khác nào như một pho tượng oai nghi đặt trên phiến
đá cẩm thạch.
Độ một tiếng rưỡi đồng hồ sau, chúng tôi nhìn thấy những dấu hiệu đầu
tiên của sự xuất định. Hơi thở của người tu sĩ trở nên dài hơn và dễ
nhận thấy hơn, hai mí mắt đã thấy chớp, tròng mắt trở lại bình thường.
Những bắp thịt đã co giãn trở lại, thân mình cũng trở lại dáng điệu tự
nhiên.
Khoảng năm phút sau đó, sắc diện người tu sĩ và sự biểu lộ trong cặp
mắt cho thấy rằng người tu sĩ đã trở về với cõi tục. Ông ta đưa mắt
chăm chú nhìn người thông ngôn của tôi, rồi quay đầu nhìn về phía Brama
và người khách lạ, sau cùng mới quay về phía tôi. Tôi liền nắm ngay
lấy cơ hội, nghiêng người tới đặt dưới chân ông một cây bút và một tờ
giấy.
Sau một lúc do dự, ông ta cầm lấy những vật này và viết bằng một tuồng chữ Tamoul rất đẹp:
“Hôm trước, có ai trong các vị đã đến đây và chụp ảnh?”
Tôi đành phải thú nhận. Nhưng thật ra, những bức ảnh tôi chụp hôm đó đều hỏng cả vì thiếu ánh sáng. Người tu sĩ lại viết:
“Lần sau, khi ông đến viếng các đạo sĩ đang xuất thần, xin đừng bao
giờ làm như thế, vì có thể gây hại cho người đang nhập định”
Quả thật, tôi đã làm một điều không nên làm ở nơi cư trú tách biệt của người tu sĩ, và tôi bày tỏ sự hối tiếc về điều đó.
Vị điện hạ của triều đình vua Gadwal lên tiếng kính chào và
bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với người tu sĩ. Khi ông ta đã xong, đến lượt
tôi tiến lên và tự giới thiệu như một người ngoại quốc hâm mộ nền minh
triết cổ truyền của Ấn Độ. Tôi cho ông biết là vì có nghe nói rằng xứ
Ấn Độ ngày nay vẫn còn những bậc hiền triết đã đạt tới mức tối thượng
của pháp môn Yoga nên tôi đang cất công đi tìm các bậc ấy. Tôi
không ngần ngại hỏi xem vị tu sĩ có thể giúp đỡ tôi phần nào trong cuộc
tìm kiếm này hay chăng?
Người Yogi vẫn ngồi yên như pho tượng, vẻ mặt thản nhiên
không biểu lộ bất cứ cảm xúc gì. Mười phút trôi qua, tôi tự hỏi không
biết ông ta có nghe tôi hỏi chăng? Hay là tôi lại sắp bị thất vọng? Có
lẽ, đối với ông ta thì một người Âu chỉ là một kẻ sống nặng về vật
chất, không có gì phải trao đổi nhiều trong lãnh vực tâm linh. Phải
chăng tôi đã đòi hỏi quá nhiều khi muốn một người tu sĩ lánh đời phải
ra khỏi thiền định chỉ để thỏa mãn tánh hiếu kỳ của một kẻ vô tín
ngưỡng và nặng lòng trần tục?
Nhưng không, những lời tự trách của tôi chỉ là vu vơ và do tôi quá
giàu tưởng tượng. Người tu sĩ đã cầm lấy cây bút chì và viết vài chữ
trên tờ giấy. Tôi nghiêng người tới trước để nhận lấy trên tay ông ta
và đưa cho người thông dịch. Người này lắc đầu:
– Tôi không hiểu, vì chữ viết rất khó đọc.
– Vũ trụ thật là đầy những sự huyền bí.
Tôi nói đỡ lời để anh ta đừng băn khoăn, nhưng tôi thấy hình như
những lời này làm nở một nụ cười hơi chua chát trên môi người tu sĩ.
Ông ta nâng cây bút chì lên và viết mấy dòng bằng lối chữ phổ thông:
“Nếu ông không tự biết mình, làm sao ông có thể biết được sự huyền bí của vũ trụ?”
Rồi ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi cảm thấy đằng sau cái nhìn đó
là cả một thế giới tư tưởng thầm kín, đầy những bí mật được giữ gìn một
cách chặt chẽ.
– Tôi vẫn còn hoang mang, và lời nói của ngài chưa giải đáp được sự thắc mắc của tôi.
Đó là tất cả những gì tôi nói được trong lúc đó. Vị tu sĩ tiếp tục viết một dòng khác:
“Như vậy tại sao ông cứ đi tìm quanh quẩn như con ong đi kiếm
từng giọt mật, trong khi cả một khối mật ngọt vốn luôn sẵn có kề bên?”
Tôi lấy làm vô cùng ngạc nhiên! Một câu trả lời như thế có lẽ là đầy
đủ đối với một người Á Đông, và ý nghĩa bóng gió của nó mang một thi vị
đáng yêu, nhưng tôi không được thỏa mãn chút nào khi đang muốn hỏi ông
ta về sự giải đáp cho những thắc mắc cụ thể của tôi. Tôi tiếp tục chất
vấn:
–Nhưng tìm ở đâu, và phải đi đến đâu bây giờ?
Câu trả lời được viết tiếp ra là:
“Hãy tự tìm nơi chính mình. Chân lý vốn sẵn có nơi mỗi người chứ không ở đâu xa.”
– Thưa ngài, tôi đã tìm trong tôi và chỉ thấy có sự vô minh ngu dốt.
“Sự vô minh chỉ có trong tư tưởng của ông mà thôi.”
Tôi không kiềm được nữa, buột miệng nói ra:
– Xin lỗi thầy, những câu trả lời của thầy chỉ làm tăng thêm sự hoang mang của tôi mà thôi.
Người tu sĩ nhoẻn cười một cách tự nhiên trước sự thành thật của tôi. Ông ta hơi do dự một lúc rồi viết tiếp lên tập giấy:
“Chính tư tưởng của ông đã đưa ông đến sự vô minh hiện tại. Bây
giờ, ông hãy quay trở về với sự minh triết, tức là hãy tự biết mình. Tư
tưởng con người cũng ví như một chiếc xe bò đưa người vào trong hang
tối. Ông hãy quay ngược trở ra thì sẽ nhìn thấy ánh sáng.”
Người tu sĩ thấy tôi càng bối rối thêm, bèn ra dấu đòi lại tập giấy, và sau khi ngừng một lúc, ông ta viết tiếp:
“Việc tập trung tư tưởng quay trở về với bản thể nguyên sơ chính
là điểm cốt yếu của pháp môn Yoga. Nói như vậy ông đã hiểu ra chưa?”
Tôi dường như đã nhận thấy rõ hơn một chút, nhưng vẫn chưa thực sự
hiểu hết được những gì vừa đọc. Tôi cần có thời gian suy ngẫm nhiều hơn
về vấn đề này. Tôi nghĩ, tạm thời có lẽ tôi không nên hỏi thêm nhiều
hơn nữa.
Vì mãi lo suy nghĩ nên tôi không nhận thấy có một người khách vừa mới
bước vào. Người này ngồi sát sau lưng tôi, và tôi chỉ nhận biết được
sự có mặt của người này khi anh ta nói nhỏ vào tai tôi những câu lạ
lùng. Tôi đang ngẫm nghĩ về câu trả lời của người tu sĩ và hơi thất
vọng về tính cách mập mờ khó hiểu của nó, thì bỗng nghe sau lưng có
người thì thầm một câu bằng tiếng Anh rất thạo:
– Thầy tôi sẽ nói cho ông nghe câu trả lời mà ông mong đợi.
Tôi quay đầu nhìn lại. Người mới đến là một người trạc độ bốn mươi
tuổi, khoác áo màu vàng của tu sĩ hành khất, nước da sậm như màu đồng
đỏ, tác người cao lớn và vai rộng. Ông ta có một cái mũi dài và lộ như
mũi chim ưng, đôi mắt rất nhỏ và dường như lúc nào cũng nhíu lên như
một cái cười dài bất tận. Ông ta có vẻ như cười cợt làm tôi khó chịu.
Hơn nữa, thật là bất lịch sự khi nói chuyện riêng với người khác trước
mặt vị tu sĩ tịnh khẩu nên tôi không nói gì mà quay mặt trở lại về phía
người yogi.
Một câu hỏi khác vừa hiện ra trong trí tôi, nhưng phải chăng nó quá táo bạo và thậm chí dường như hỗn láo:
– Bạch thầy, thế gian đang đau khổ kêu cứu, những bậc hiền giả như
thầy tại sao lại ẩn mình ở một nơi vắng vẻ và đành chịu mai một với
đời?
Một nét chua chát thoáng qua trên gương mặt thản nhiên của người tu sĩ. Ông viết:
“Nếu ông không tự biết mình, làm sao ông dám nghĩ rằng có thể
hiểu được việc làm của tôi? Việc bàn luận về những vấn đề tâm linh
không có ích lợi gì, ông hãy cố gắng tu tập một cách kiên tâm bền chí,
rồi ông sẽ tìm thấy sự giải đáp cho mọi vấn đề.”
Tôi hỏi thêm một câu cuối cùng:
– Nhân loại đang khát khao đi tìm ánh sáng. Tôi cũng đang đi tìm để
hy vọng chia sẻ phần nào với người khác. Vậy tôi phải làm sao?
Tôi đọc được câu trả lời như sau:
“Khi ông nhận biết được chân lý, ông sẽ biết phải làm gì để phụng
sự nhân loại và cũng sẽ không thiếu gì phương thức để thực hiện. Khi
hoa có mật, tự nhiên con ong sẽ phân biệt được với tất cả những loài
hoa khác. Khi một người đã đạt được sự minh triết và có sức mạnh tâm
linh, người ấy không cần đi tìm ai cả, những người khác sẽ tự tìm đến.
Hãy lo trau giồi và rèn luyện tâm thức, đó là điều duy nhất cần phải
làm.”
Khi tôi đọc xong câu trả lời, người tu sĩ ra hiệu muốn ngưng cuộc nói
chuyện để trở lại thiền định. Tôi ngỏ ý muốn được ông ta ban cho một
ân huệ. Ông ta không tỏ dấu hiệu gì đáp lại, chỉ lặng thinh và cặp mắt
dường như đắm chìm vào một trạng thái trầm mặc sâu xa.
Sau một lúc, ông ta cầm bút chì viết lên tập giấy mấy dòng và trao cho tôi:
“Tôi rất vui vì ông đã đến đây. Ông hãy nhận món quà này của tôi để kỷ niệm ngày hội ngộ hôm nay.”
Tôi chưa kịp hiểu hết ý nghĩa câu này thì thình lình tôi cảm thấy một
sức mạnh lạ lùng xâm chiếm lấy người tôi. Sức mạnh ấy như đi xuyên qua
tủy xương sống, rồi ran ran chạy từ dưới lên trên theo đường sống
lưng, làm tôi phải duỗi thẳng gáy cổ và ngẩng đầu lên. Tôi cảm thấy
tinh thần đột nhiên sảng khoái và mạnh mẽ, với một sự thúc giục từ bên
trong muốn tự chinh phục chính mình. Tôi khởi lên ý nghĩ rằng từ nay
nhất định sẽ khuất phục được thân xác này và buộc nó phải tuân theo ý
chí tốt lành để thực hiện những lý tưởng cao cả nhất. Tôi có linh cảm
rằng những sức mạnh và ý tưởng vừa phát sinh đó có liên quan trực tiếp
đến người tu sĩ và món quà mà ông ta vừa nhắc đến. Phải chăng ông ta
muốn dùng cách đó để giúp tôi và cũng là để cho tôi thấy một bằng chứng
hiển nhiên của sức mạnh tâm linh?
Đôi mắt người yogi lại đi vào trạng thái gần như vô cảm, và
cái nhìn như mất hút tận trong cõi xa xăm nào đó. Toàn thân ông ta bất
động như một pho tượng đá sau khi trở lại với thế ngồi thiền định quen
thuộc. Chúng tôi vẫn còn ngồi quanh ông ta với những ý nghĩ khác nhau.
Phải chăng đây đúng là một yogi chân chính? Phải chăng ông ta
đang một mình bước vào cuộc thám hiểm nội tâm huyền bí, nhằm đem lại một
vài tia sáng cho chính bản thân mình và cho nhân loại?
Khi chúng tôi bước ra ngoài, Brama, người đạo sĩ trên bờ sông Adyar, quay lại nói với tôi bằng một giọng bình thản:
– Người yogi này đã đạt tới một trình độ rất cao, tuy là
chưa đến mức tột đỉnh. Ông ta có một số năng lực thần bí, nhưng vẫn
đang gắng công tu luyện để hoàn thiện tâm thức. Ông ta có một thể xác
kiện toàn mà tôi tin là nhờ tập luyện môn Hatha Yoga từ lâu năm. Ông ta cũng đã tiến khá xa trên con đường luyện tinh thần theo pháp môn Raja Yoga. Tôi được biết ông ta trước đây đã lâu.
– Từ bao giờ?
– Tôi đã nhìn thấy ông ta nhiều năm về trước ở giữa một cánh đồng
không có một mái che. Tôi liền nhận ra ngay rằng ông ta là một bạn đồng
môn. Ông ta cho tôi biết, bằng cách viết trên giấy, rằng hồi còn trẻ
ông ta có gia nhập quân đội. Sau khi giải ngũ, ông ta cảm thấy chán
ngán cuộc đời và lui về ở ẩn nơi thanh vắng. Chính trong thời gian đó,
ông ta gặp được đạo sĩ trứ danh Marakayar và trở thành đệ tử của vị này.
Trên đường về, chúng tôi đi ngang qua cánh đồng rồi trở ra đường cái.
Tôi không tiết lộ với ai về cái kinh nghiệm tâm linh bất ngờ và khó
hiểu đã xảy đến với tôi trong tịnh thất khi nãy. Tôi cần phải suy nghĩ
lại về vấn đề này trong khi cái âm hưởng của nó hãy còn vang dội chưa
dứt trong tâm hồn tôi.
Tôi không còn gặp lại người tu sĩ im lặng ấy lần nào nữa. Ông ta
không muốn cho bất cứ ai quấy rầy sự tĩnh lặng của ông ta, và tôi phải
tôn trọng mong muốn đó. Tôi tự biết mình không nên trở lại tìm ông ta,
vì phải để cho ông ta tiếp tục những cơn thiền định hoàn toàn cách biệt
với cuộc đời trần gian tục lụy.
Vị tu sĩ này không hề có ý muốn lập thành môn phái hay qui tụ môn đồ,
và dường như không có tham vọng gì khác hơn là sống một cuộc đời hoàn
toàn tĩnh lặng. Ông ta hẳn không có gì để nói thêm ngoài những gì đã
nói với tôi. Đây là con người đầu tiên tôi được gặp đã tỏ ra khinh
thường sự nói năng hoạt bát hùng biện mà hầu hết chúng ta vẫn đề cao
như một nghệ thuật và xem như là một năng khiếu quan trọng để dẫn đến
thành công.