Ông giáo sư môn sử địa, tay cầm cây thước dài, bước tới trước tấm bản
đồ lớn treo trên vách, trước một lớp học đang buồn ngủ. Ông ta chỉ trên
bản đồ một vật lớn hình tam giác màu đỏ, mũi nhọn quay xuống đến gần
đường xích đạo, và để kích thích phần nào cái tinh thần uể oải của đám
học trò, ông ta nói với một giọng kéo dài và rõ ràng từng tiếng, dường
như sắp sửa tiết lộ một chân lý trọng đại:
– Người ta thường nói rằng Ấn Độ là viên ngọc quí nhất của Hoàng gia Anh quốc.
Nghe đến đây, một người học trò với vẻ mặt suy tư đang ngồi mơ mộng,
bỗng giật mình và cố gom trí óc vẩn vơ của cậu ta quay trở về thực tế
giữa bốn bức vách tường lớp học. Hai chữ “Ấn Độ” có một sức hấp dẫn rất mãnh liệt, nó như khêu gợi lên trong trí cậu ta cái hình ảnh xa xăm của một xứ sở lạ lùng, huyền bí.
Khi ông giáo sư môn toán tưởng rằng người học trò ấy đang vùi đầu
chăm chỉ giải một bài toán đại số, thì có ngờ đâu rằng cậu học trò lém
lỉnh ấy lại sử dụng bàn viết vào những mục đích xa xôi hơn! Nấp sau một
chồng sách được xếp đặt như bát trận đồ, cậu ta say mê vẽ những đầu
người quấn khăn, những gương mặt đen sạm và những chiếc tàu buồm chở đầy
hàng hoá, thổ sản đầy hương vị phương Đông.
Thời niên thiếu đã qua, nhưng lòng yêu mến xứ Ấn Độ của cậu học trò
ngày xưa vẫn không thay đổi. Hơn nữa, mối quan tâm đó càng nới rộng
thêm và bao gồm luôn cả châu Á với một sự ám ảnh đến cuồng nhiệt. Anh
ta nuôi trong đầu những kế hoạch táo bạo. Anh ta muốn vượt biển trên
muôn dặm trùng dương. Anh ta biết rằng, một khi đã lên tàu thì việc đến
viếng xứ Ấn Độ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Mặc dầu đó chỉ là những kế hoạch suông, nhưng anh ta đã thổ lộ những ý
tưởng đó cho những bạn học cùng lớp với rất nhiều danh từ thơ mộng, và
sau cùng có một đứa trong bọn bị lôi cuốn theo sự hứng khởi nhiệt
thành của anh ta. Cả hai bèn âm thầm bày mưu tính kế và hành động một
cách bí mật. Chương trình của họ là vượt qua châu Âu bằng đường bộ, sau
đó tiếp tục đi bộ vượt qua xứ Tiểu Á và Ả Rập đến hải cảng Aden.
Xin quí vị độc giả đừng vội cười ! Họ tin tưởng một cách ngây thơ và
hồn nhiên rằng một viên thuyền trưởng nào đó bỏ neo ở bến cảng Aden
sẽ chịu nghe họ thuyết phục. Đó chắc sẽ là một người giàu lòng nghĩa
hiệp và cởi mở. Ông ta sẽ cho phép họ xuống tàu, và một tuần lễ sau họ
sẽ đặt chân lên xứ Ấn Độ hằng mơ ước!
Họ âm thầm chuẩn bị một cuộc phiêu lưu dài hạn. Họ để dành tiền và
sắm sửa cụ bị những đồ hành trang. Họ thăm dò bản đồ và những quyển
sách du lịch chỉ nam với những trang màu mè lòe loẹt và những hình ảnh
khêu gợi hấp dẫn làm cho dòng máu giang hồ phiêu lưu của họ càng tăng
thêm nhiệt độ và sôi lên thành cơn sốt!
Sau cùng, họ đã có thể định ngày ra đi và giao phó tất cả cho định
mệnh. Có ai biết được sự gì đang chờ họ ở ngã ba đường? Than ôi! Bao
nhiêu nghị lực và lòng sốt sắng nhiệt thành của thời niên thiếu đều
lãng phí vô ích! Người đỡ đầu của anh bạn trẻ đã khám phá ra mọi việc
và biết rõ tất cả mọi chi tiết của vấn đề. Những sấm sét búa rìu đều
giáng xuống vào đúng lúc! Tất cả chương trình đều phải bỏ dở dang,
nhưng có ai hiểu thấu nỗi khổ của hai người bạn trẻ?
Tuy nhiên, người chủ mưu cuộc hành trình bất hạnh này vẫn giữ nguyên
vẹn lòng mong ước đến viếng xứ Ấn Độ. Nếu sự mong ước đó tạm thời bị
dẹp sang một bên, đó là bởi vì tuổi trưởng thành của một đời người
thường đem đến biết bao nhiêu bổn phận đối với gia đình và xã hội, cùng
bao nhiêu những sợi dây trói buộc, cầm chân anh ta ở lại.
Thời gian trôi qua. Nhiều trang đã lật qua trên quyển lịch đời, trước
khi một cuộc gặp gỡ bất ngờ bỗng đánh thức dậy giấc mộng đã tàn của
người thanh niên ấy.
Đó là cuộc tiếp xúc với một người ngoại quốc có gương mặt rám nắng,
nước da sậm, đầu quấn khăn: khách là một người Ấn Độ từ phương xa đến!
lll
Người khách lạ bước vào cuộc đời tôi một cách dột ngột. Mùa thu đã
hầu tàn, sương mù tỏa khắp không gian, tiết trời lạnh buốt thấm vào da
thịt. Tôi cảm thấy chán nản, tuyệt vọng. Sự ngã lòng rủn chí như một
cái bóng ma, bóp nát quả tim héo hắt của tôi bằng một bàn tay giá lạnh!
Để thoát khỏi cơn ám ảnh, tôi bước vào một quán nước đèn điện rực
sáng, hy vọng rằng ở nơi đây ít nhất tôi cũng sẽ tìm thấy sự dễ chịu
của một gian phòng ấm áp. Nhưng tách trà nóng thường khi vẫn hiệu
nghiệm thì chiều hôm ấy lại không thể đem đến sự yên tĩnh thư thái cho
tâm hồn tôi. Tôi không thể thoát ra khỏi cơn ám ảnh nặng nề đang giày vò
tâm trí. Phải chăng sự âu lo phiền muộn sẽ theo dõi và ám ảnh tôi suốt
đời?
Rốt cuộc, trạng thái băn khoăn đó làm cho tôi phải rời khỏi gian
phòng ấm cúng mà tôi vừa bước vào. Tôi lại đi lang thang ngoài đường
phố, không mục đích nhất định, nhưng theo thói quen tôi lần mò đến tiệm
sách của một người bạn làm nghề bán sách cũ.
Cửa tiệm của anh ta cũng cũ kỹ như những chồng sách bày bán bên
trong. Chủ tiệm này là một nhân vật lạ lùng, một di sản còn sót lại của
những thời đại đã qua. Thời đại máy móc cơ khí của chúng ta không
thích hợp với tính chất của anh ta, cũng như anh ta không thể hoà mình
để sống một cách hứng thú với thời đại này. Anh ta chỉ bán những loại
sách quý và hiếm có, chuyên về các vấn đề siêu hình và khoa học huyền
bí. Anh ta hiểu biết khá nhiều, mặc dầu chỉ là những hiểu biết về phần
lý thuyết, những vấn đề khúc mắc và khó khăn của khoa triết lý.
Thỉnh thoảng tôi hay ghé lại tiệm sách và thảo luận với anh ta về
những vấn đề triết học siêu hình. Chiều hôm ấy, vừa bước vào cửa tiệm,
vô tình tôi lật những trang giấy cũ đã trổ ngả sang màu vàng của một
quyển sách đóng bìa da, và tôi cầm quyển sách lên để nhìn kỹ hơn vì cái
tựa ngoài bìa làm cho tôi chú ý.
Người chủ tiệm nhận thấy sự thích thú của tôi với cái nhìn thoáng qua
sau cặp kính trắng. Anh ta bèn nêu ra một đề tài thảo luận đúng với
nội dung quyển sách tôi đang cầm trong tay, nói về vấn đề luân hồi. Và
theo cái đà của thói quen, anh ta luôn nắm ưu thế trong câu chuyện. Anh
ta nói trôi chảy dễ dàng, và dường như anh ta hiểu biết tất cả mọi
khía cạnh hiểm hóc của vấn đề lạ lùng này, còn hơn cả tác giả quyển
sách. Thỉnh thoảng, anh ta còn dẫn chú đến những tác phẩm khác mà anh
ta thuộc như lòng bàn tay.
Bỗng nhiên, tôi nghe từ phía sau như có tiếng động. Tôi quay lại nhìn
thì thấy một người dong dỏng cao xuất hiện từ trong bóng tối của phía
sau nhà sách, là nơi chứa những loại sách quý hiếm. Người lạ mặt là một
người Ấn Độ. Ông ta tiến đến gần chúng tôi với một dáng điệu sang
trọng quí phái và nói với người chủ tiệm:
– Xin lỗi ông nếu tôi làm phiền. Câu chuyện của các ông vừa nói làm
cho tôi chú ý, vì tôi cũng rất thích vấn đế này. Tôi vừa được nghe ông
kể tên những bậc triết gia cổ Hy Lạp, Ai Cập và vài vị cố đạo Gia Tô
như là những người đầu tiên chủ trương thuyết luân hồi. Tôi cũng tin
rằng những triết gia thời cổ đã hiểu rõ về vấn đề ấy. Nhưng các ông có
biết thuyết luân hồi từ dâu mà có và nguồn gốc của nó ở đâu chăng?
Anh ta ngừng một lúc, nhưng không để cho chúng tôi kịp nói gì, anh ta liền tiếp theo ngay với một nụ cười nhã nhặn:
– Tôi xin phép được nói ngay: chính xứ Ấn Độ từ nghìn xưa đã phát
minh ra thuyết luân hồi trước nhất. Những dân tộc bản xứ chúng tôi đã
xem thuyết ấy như một chân lý căn bản từ những thời đại cổ xưa nhất
trong lịch sử.
Gương mặt của người này làm tôi chú ý. Đó là một gương mặt khác
thường mà người ta có thể nhận ra ngay giữa hàng trăm người Ấn Độ khác.
Cặp mắt tinh anh, một quai hàm lớn, vầng trán cao khác thường biểu lộ
một sự thông minh, nước da sậm hơn mức trung bình. Đầu ông ta quấn một
chiếc khăn rất đẹp, có nhận một viên ngọc quý chớp sáng trong bóng tối.
Ông ta mặc một bộ Âu phục may rất khéo và hợp thời trang. Lời nói có vẻ
rất tự tin của ông ta dường như không làm hài lòng người đối thoại và
người chủ tiệm, đứng khuất phía sau quầy hàng, liền mở cuộc phản công:
– Làm sao có thể như vậy được, vì vùng Cận Đông xưa kia gồm những
trung tâm văn hóa phồn thịnh nhất của nền văn minh nhân loại từ trước
Công nguyên. Những triết gia thông thái nhất thời cổ phải chăng đều đã
xuất hiện ở những xứ thuộc vùng Cận Đông, từ Athenes đến Alexandrie?
Như vậy hẳn là học thuyết của các bậc hiền triết đó đã từ phương Tây
tiến về phương Đông và sau cùng được lưu truyền đến Ấn Độ.
Người Ấn Độ mỉm cười một cách khoan dung:
– Không phải thế, thưa ông. Ngược lại, chính phương Tây đã nhận lãnh những tư tưởng triết học cao siêu nhất từ phương Đông.
– Không thể! Đâu có lẽ nào nền văn minh tiến bộ của Tây phương lại
nhận lãnh những tư tưởng triết học từ một xứ Đông phương còn lạc hậu?
Không thể như vậy được, thưa ông!
Người khách lạ đáp:
– Vì sao lại không thể được? Ông hãy xem lại bộ sách Apuleus thì sẽ thấy rằng Pythagore đã từng sang Ấn Độ học đạo với các bậc danh sư Bà-la-môn,
và khi trở về nước mới bắt đầu dạy thuyết luân hồi. Đó chỉ là một
trong rất nhiều bằng chứng khác. Ông nói rằng Đông phương lạc hậu ư?
Hàng nghìn năm về trước, những nhà hiền triết Ấn Độ đã từng nghiền
ngẫm, suy tư về những vấn đề siêu hình trừu tượng nhất, vào lúc mà
người Âu châu hãy còn chưa biết gì cả về những vấn đề ấy.
Người lạ mặt im lặng một lúc và nhìn chúng tôi một cách chăm chú, có
lẽ để dò xem phản ứng của chúng tôi. Người chủ tiệm tỏ ra rất lưỡng lự
phân vân. Tôi chưa hề thấy anh ta bị cạn lời và chịu khuất phục trước
một kẻ đối thoại như thế bao giờ. Về phần tôi, tôi chỉ lẳng lặng nghe
và không xen vào câu chuyện giữa hai người.
Câu chuyện đến đây thình lình chấm dứt và không ai nói thêm một lời
nào để phá tan sự im lặng. Người Ấn Độ chọn một quyển sách quý, trả
tiền và sửa soạn ra về. Tôi nhìn theo ông ta mà không nói gì. Ra tới
ngưỡng cửa, ông ta bèn dừng chân quay lại phía tôi rồi mở ví lấy ra một
danh thiếp đưa cho tôi và mỉm cười nói:
– Ông có vui lòng tiếp tục câu chuyện này với tôi chăng? Nếu vậy, xin mời ông quá bộ lại chơi, chúng ta sẽ nói chuyện.
Tôi lấy làm vô cùng ngạc nhiên và vui lòng chấp nhận. Ông ta liền mời tôi đến nhà dùng cơm ngay chiều hôm sau đó.
lll
Qua hôm sau, tôi vội vàng tìm đến nhà người khách lạ. Đó không phải
là một việc dễ dàng, vì sương mù dày dặc đã xâm chiếm cả thành phố, làm
cho đèn đuốc ngoài đường đều gần như tắt hẳn. Một nghệ sĩ có thể nhận
thấy vẻ đẹp lãng mạn của thủ đô London vào cuối mùa thu trong
cảnh sương mù bao phủ, nhưng với tôi thì tâm trí như mơ màng vơ vẩn đâu
đâu nên không nhìn thấy gì cả và cũng không cảm thấy dễ chịu chút nào
vì sự khó khăn trong khi tìm đường.
Cuối cùng rồi tôi cũng tìm được đến nơi. Một cánh cửa lớn và nặng từ
trong bóng tối thình lình hiện ra trước mắt tôi, làm cho tôi tỉnh giấc
mơ và quay về thực tại. Hai ngọn đèn lồng ở hai bên cổng vào do hai cây
trụ sắt uốn cong nâng đỡ, trông giống như hai cánh tay dang rộng để
đón tiếp tôi. Qua khỏi cổng, vừa bước vào nhà, tôi lấy làm ngạc nhiên
vì người Ấn Độ mới quen không có nói trước cho tôi biết về cảnh nhà sang
trọng quý phái của ông ta.
Tôi có cảm giác như đang bước vào một nơi cung điện của phương Đông,
với cách trang trí rất lịch sự và kiểu cách. Trên vách có treo những
tấm thảm thêu rồng và sàn gạch được trải bằng những tấm nệm Ấn Độ nhiều
màu sặc sỡ, bàn chân bước lên trên nệm êm ái như nhung. Một tấm da cọp
rất lớn đặt trên nệm ở phòng khách gần bên lò sưởi. Trong một góc phòng
có một cái bàn nhỏ, trên đó có đặt một cái trang thờ bằng ngà và thếp
vàng. Trên đó tôi thấy một pho tượng nhỏ, chắc hẳn là tượng Phật ngồi
kiết già, gương mặt yên lặng, mí mắt chỉ hơi hé mở.
Chủ nhà bước vào phòng và tiếp đón tôi một cách vui vẻ. Ông ta mặc
một bộ dạ phục rất đẹp. Tôi nghĩ rằng một người như vậy hẳn có thể dễ
dàng hoà mình với mọi giới thượng lưu trong xã hội.
Vài phút sau, chúng tôi đã ngồi vào bàn ăn. Những món ăn toàn là cao
lương mỹ vị. đó là lần đầu tiên tôi thưởng thức món ca-ri Ấn Độ, và từ
đó về sau tôi vẫn không quên mùi vị đặc biệt của nó.
Người bồi bàn dọn ăn cho chúng tôi cũng ăn mặc lịch sự. Anh ta vận
một bộ đồng phục trắng, thắt lưng thêu chỉ vàng và vấn một chiếc khăn
trắng tinh. Trong bữa ăn, câu chuyện không có gì đặc biệt lắm, chỉ
quanh quẩn với những chủ đề thông thường. Tuy nhiên, dầu là nói về vấn
đề gì, những lời nói của người Ấn Độ này vẫn luôn tỏ ra thật cứng cỏi
và xác đáng. Giọng nói của ông ta mang một vẻ tự tin và dứt khoát.
Đến lúc ăn tráng miệng và dùng cà phê, ông ta mới nói đôi chút về đời
tư của mình. Ông ta có gia sản lớn, và đã từng đi du lịch nhiều nơi.
Ông ta làm cho tôi thích thú khi được nghe những cảm tưởng du hành của
ông ta ở Trung Hoa, và ông ta cũng đã từng lưu trú một thời gian trong
một tu viện Gia Tô ở Syrie.
Kế đó, ông ta mới trở lại câu chuyện chiều hôm qua ở trong tiệm sách.
Nhưng chiều nay chắc hẳn là ông ta đã có những ý nghĩ khác, vì khi vừa
bàn rộng thêm câu chuyện, ông ta liền bắt đầu nói về nền minh triết cổ
truyền của xứ Ấn Độ.
Những giáo lý của các bậc hiền triết Ấn Độ đã được lưu truyền sang
Tây phương, nhưng trong nhiều trường hợp chánh giáo đã bị hiểu lầm hoặc
có khi bị cố ý xuyên tạc. Tuy nhiên, việc ấy không phải nói ra chỉ để
than phiền, bởi vì ngay chính tại xứ Ấn Độ ngày nay cũng đã có một sự
suy thoái nghiêm trọng không thể phủ nhận. Nó không còn là xứ Ấn Độ cao
cả thiêng liêng của thời quá khứ. Đó là một việc đáng buồn, rất đáng
buồn. Người dân Ấn ngày nay vẫn còn bám víu lấy một vài lý tưởng, nhưng
lại bị đầu độc bởi nhiều hơn là những điều mê tín dị đoan. Nói đến đây,
tôi buột miệng hỏi:
– Nguyên nhân nào đã gây nên tình trạng suy đồi như thế?
Người chủ nhà im lặng. Một phút trôi qua, đôi mắt lim dim nhắm như
không buồn nhìn đến ngoại cảnh, anh ta nói nhỏ bằng một giọng thì thầm
dường như không muốn phá tan cái im lặng trong gian phòng:
– Này anh bạn! Xứ Ấn Độ của tôi xưa kia có rất nhiều bậc hiền triết
đã từng thấu đạt được mọi lẽ huyền vi bí ẩn của đời người. Các bậc vua
chúa cũng như người dân lành đều thỉnh cầu lời dạy bảo của các ngài.
Chính nhờ sự dìu dắt của các ngài mà nền văn minh Ấn Độ đã tiến lên đến
cực điểm. Ngày nay, các bậc tôn sư ấy còn lại được bao nhiêu và ở
những nơi nào? Còn chăng có lẽ cũng chỉ độ vài ba người, mà người đời
thì không còn biết đến và không ai nhắc đến nữa. Các ngài hiện sống
cách biệt với cuộc đời thế gian. Khi các bậc hiền giả đó, mà chúng tôi
gọi là các đấng Rishis (hay Chân sư), không còn nữa, điều tất nhiên là nền văn hóa tâm linh của chúng tôi phải bắt đầu suy tàn.
Ông ta ngồi dựa lưng trên ghế bành và nghiêng đầu về phía trước ngực,
câu nói sau cùng được thốt ra với một giọng bi thương. Trong một lúc,
ông ta ngồi lặng yên và như quên cả sự có mặt của tôi. Cả tâm hồn ông
ta đắm chìm trong một cơn trầm tư mặc tưởng, như nuối tiếc một thời đại
đã qua.
Ông ta có một phong độ đặc biệt và rất hấp dẫn, khiến cho người đối
thoại phải chú ý. Đôi mắt đen láy và sáng ngời biểu lộ một đời sống nội
tâm dồi dào phong phú và giọng nói ấm áp biểu lộ một tâm hồn rộng rãi
khoáng đạt. Tôi cảm thấy chắc chắc rằng tôi sẽ yêu mến một người như
thế.
Người bồi bàn rón rén bước vào, tiến đến bàn thờ và thắp một nén
nhang. Một luồng khói xanh tỏa ra khắp phòng một mùi hương thơm dịu.
Bỗng nhiên người chủ nhà ngước mặt lên và nhìn tôi vào tận mặt:
– Phải chăng tôi vừa nói rằng hiện nay chỉ còn độ vài ba vị chân sư
như thế? À, tôi đã nhớ ra rồi. Tôi đã được biết một trong các bậc hiền
giả đó. Đó là điều tôi rất ít cho ai biết. Đối với tôi, Ngài vừa là một
người cha, một người Thầy, vừa là một người bạn. Sự minh triết của
ngài quả thật là thiêng liêng. Tôi yêu Ngài chẳng khác nào như đứa con
kính yêu cha. Trong những lúc sung sướng mà tôi được ở gần bên Ngài, tôi
cảm thấy rằng hạnh phúc vốn ở gần kề một bên. Thật vậy, thậm chí bầu
không khí ở chung quanh Ngài cũng đủ để tạo nên sự an lạc mầu nhiệm.
Tôi vốn là người có tâm hồn thẩm mỹ, yêu nghệ thuật và cái đẹp. Nhờ có
Ngài, tôi đã tập nhìn thấy cái đẹp nơi những kẻ phong cùi, tàn tật,
khốn khó lầm than, những người mà trước kia tôi ngoảnh mặt đi vì ghê
tởm.
Ngài sống trong một đạo viện hẻo lánh cách xa thành phố. Tôi tìm thấy
đạo viện của Ngài dường như do sự tình cờ. Kể từ đó, tôi trở lại thăm
viếng Ngài nhiều lần và ở lại đạo viện với Ngài trong một thời gian.
Ngài đã dạy tôi rất nhiều điều. Một xứ sở tạo ra được những con người
như thế nhất định phải là một xứ sở cao cả và uyên bác.
– Nhưng tại sao Ngài không phục vụ xứ sở bằng cách tham gia việc nước?
Tôi thành thật nêu câu hỏi. Người Ấn Độ lắc đầu:
– Những tư tưởng sâu xa của một hạng người đặc biệt như thế không dễ
gì hiểu thấu được, cho dù là đối với chúng tôi, huống chi với người Âu
Tây như các anh. Có lẽ Ngài sẽ trả lời câu hỏi của anh rằng, người ta
có thể phụng sự thế gian một cách âm thầm lặng lẽ bằng cách nuôi dưỡng
những tư tưởng và tình cảm tốt lành. Ngài cũng có thể nói rằng, một xã
hội suy tàn phải chịu cái số kiếp đau thương của nó.
Tôi nói với ông bạn mới của tôi rằng quả thật tôi không ngờ tới một câu trả lời như thế. Ông ta đáp:
– Tôi cũng biết rằng bạn sẽ nghĩ như thế, ông bạn ạ!
lll
Sau buổi tối gặp gỡ đầu tiên và đáng ghi nhớ đó, tôi đã nhiều lần trở
lại nhà người bạn Ấn Độ mới quen. Tôi bị hấp dẫn bởi những kiến thức
rộng rãi và cái phong độ phóng khoáng của ông ta. Ông ta đã khơi dậy
những hoài bão tiềm tàng của tôi, làm cho tôi muốn tìm hiểu thêm về ý
nghĩa thâm sâu của cuộc đời.
Một hôm, câu chuyện của chúng tôi xoay về một chiều hướng mà ngay lập
tức đã in sâu vào cuộc đời tôi những dấu vết và ảnh hưởng sâu sắc. Ông
bạn tôi nói qua về những phong tục lạ lùng và những tập quán cổ truyền
của người Ấn Độ. Ông ta diễn tả một cách linh hoạt vài hạng người của
cái xứ lạ lùng huyền bí đó, và trong câu chuyện có đề cập đến những
người đạo sĩ Yogi. Tôi chỉ hiểu một cách mập mờ về ý nghĩa của
danh từ đó. Tôi đã từng gặp danh từ ấy nhiều lần trong khi đọc sách,
nhưng mỗi lần với một ý nghĩa khác nhau đến nỗi tôi không sao hiểu được
một cách rõ rệt. Và khi tôi nghe ông bạn tôi thốt ra danh từ này, tôi
liền ngắt lời ông ta như một nhà báo lành nghề để hỏi thêm một vài chi
tiết. Ông ta trả lời:
– Người ta không thể tóm tắt trong một câu cái ý nghĩa đầy đủ của danh từ Yogi.
Khi bạn hỏi người Ấn Độ, họ sẽ định nghĩa cho bạn nghe danh từ đó bằng
mười cách khác nhau. Thí dụ, có hàng ngàn người hành khất thường đi
lang thang từ làng này qua làng khác và tụ họp thành nhóm đông đảo ở
các nơi đền chùa khi có những cuộc lễ lớn, họ cũng tự xưng là yogi.
Sự thật, nhiều người trong số đó chỉ là những kẻ không có nghề nghiệp,
hoàn toàn thất học, không biết gì cả về lịch sử hay lý thuyết của pháp
môn Yoga.
Ông ta ngừng một lúc và nói tiếp:
– Nhưng nếu bạn đi về những nơi như Rishikesh chẳng hạn, nơi
có dãy Hi Mã Lạp Sơn đầy tuyết phủ bao bọc chung quanh như thành
quách, bạn sẽ gặp được một hạng người hoàn toàn khác hẳn. Những người
này sống trong những túp lều sơ sài hoặc trong động đá, họ ăn rất ít và
suốt ngày chỉ tập trung vào việc cầu nguyện. Tôn giáo đối với họ cũng
cần thiết như hơi thở, nó chiếm hết tâm trí họ ngày cũng như đêm. Phần
nhiều là những người có tâm đạo dành trọn thời giờ để học hỏi các Thánh
Kinh cổ điển và tham thiền, tụng niệm. Những người này cũng được người
ta gọi là yogi mặc dầu họ không giống như những người hành
khất kể trên. Như thế, bạn thấy rằng danh từ đó có rất nhiều nghĩa khác
nhau, và ngoài hai nghĩa đó còn có rất nhiều nghĩa khác nữa.
– Tuy vậy, phải chăng người ta thường thán phục những quyền năng bí mật lạ lùng của các yogi?
Ông bạn tôi mỉm cười nói:
– À! Tôi còn có một định nghĩa khác nữa. Hiện nay người ta vẫn tìm
thấy ở những nơi hẻo lánh, ẩn trong rừng thẳm hoặc trong hang núi,
những người lạ lùng dành trọn đời để tu luyện theo những phương pháp mà
họ tin rằng sẽ đem đến cho họ những quyền năng mầu nhiệm và phép
thuật. Có người khinh bỉ cả tôn giáo hoặc có người lại rất tín ngưỡng,
nhưng tất cả đều hợp nhất trong sự chiến đấu để thắng đoạt thiên nhiên
và chinh phục những sức mạnh vô hình bí ẩn. Bạn hãy nhớ rằng, xứ Ấn Độ
xưa nay vẫn luôn tin tưởng vào các điều huyền bí, nhiệm mầu, và người
ta vẫn thường nghe nói về những phép thuật của các nhà đạo sĩ. Những
người này cũng được gọi là yogi.
– Nhưng bạn có từng gặp những người ấy chăng? Và bạn có tin nơi những phép thuật, quyền năng nhiệm mầu đó không?
Tôi hỏi một cách ngây thơ. Người bạn tôi im lặng một lúc dường như để
suy nghĩ câu trả lời. Tôi đưa mắt nhìn về hướng bàn thờ và tưởng chừng
như pho tượng Phật trên đó cũng nhìn tôi và mỉm cười. Tôi đâm ra vơ
vẩn, và nghĩ rằng bầu không khí chung quanh pho tượng hẳn có đượm một
vẻ linh thiêng, thần bí. Nhưng đúng vào lúc đó, giọng nói rõ ràng của
người Ấn Độ làm gián đoạn sự mơ màng viển vông của tôi. Anh ta lấy tay
vạch cho tôi xem một vật mà anh ta đeo ở trong cổ áo và nói:
– Bạn hãy xem đây, tôi là người Bà-la-môn, và đây là sợi dây
thánh, tiêu biểu cho giai cấp tôi. Một đời sống khắc kỷ, đạm bạc, trải
qua hàng bao nhiêu ngàn năm đã làm cho giai cấp chúng tôi có một vài
đặc tính tự nhiên mà sự học vấn theo Âu Tây và sự giao thiệp với người
Âu Tây cũng không làm sao xóa bỏ được. Đức tin nơi một quyền năng
thiêng liêng, sự tin tưởng nơi những sức mạnh huyền bí và sự tiến bộ tâm
linh của nhân loại, những thứ ấy vốn in sâu trong tâm hồn người Bà-la-môn
chúng tôi. Đức tin đó, tôi không thể nào hủy bỏ được, và khi nào có sự
xung đột giữa đức tin và lý trí, thì tự nhiên lý trí phải nhường bước.
Bởi đó, mặc dầu tôi rất có thiện cảm với những phương pháp khoa học
tối tân của các anh, điều mà sau cùng tôi có thể trả lời cho câu hỏi
của anh là: Tôi tin.
Ông ta im lặng nhìn tôi một lúc và nói tiếp:
– Lẽ tự nhiên là tôi đã từng gặp những người đó. Có lẽ khoảng vài ba
người. Thật không dễ gì gặp họ trên đường đời. Ngày xưa, người ta có
thể tìm thấy họ dễ dàng hơn, nhưng ngày nay tôi tin rằng họ hầu như đã
hoàn toàn biến mất.
– Nhưng phải chăng bạn vừa nói là còn lại vài ba người?
– Rất có thể, nhưng để tìm được họ lại là một vấn đề khác. Điều đó đòi hỏi một sự tìm kiếm công phu và lâu dài.
– Thầy của bạn phải chăng cũng là một trong số những người đó?
– Không, ngài thuộc về một tầng bậc cao hơn nữa. Phải chăng tôi đã nói với bạn rằng Ngài là một vị Rishi?
Tôi thú thật rằng tôi không hiểu gì cả, nếu ông ta không giải thích rõ danh từ sau này. Ông ta chậm rãi nói:
– Những vị Rishi còn cao hơn những yogi. Chúng ta hãy thử đem thuyết tiến hóa của Dawin áp dụng vào lãnh vực tinh thần, và chấp nhận giáo lý của đạo Bà-la-môn cho rằng có một sự tiến hóa của linh hồn đi đôi với sự tiến hóa của thể xác. Bạn hãy tưởng tượng những vị Rishi
như những người đã đạt tới tột đỉnh của những nấc thang tiến hóa đó,
và chừng đó bạn sẽ có một ý niệm đại khái về sự cao cả huy hoàng của
các ngài.
– Một vị Rishi có thể thực hiện những phép lạ hay chăng?
– Tất nhiên là có thể, nhưng những phép lạ thật ra không có nhiều giá
trị như nhiều người lầm tưởng. Đó chỉ là một quyền năng do kết quả tự
nhiên của sự tập trung tư tưởng và ý chí mà thôi. Đối với các ngài, sự
nhiệm mầu hay phép lạ chỉ là một phương tiện mà các ngài rất ít khi
dùng đến. Mục đích chính của các ngài là trở nên toàn thiện toàn giác,
giống như đức Phật đã đạt đến.
– Nhưng chính đấng Christ của phương Tây cũng đã từng làm phép lạ!
– Dĩ nhiên, tôi tin, nhưng bạn tưởng rằng ngài làm như thế vì mục
đích khoe khoang chăng? Không bao giờ! Chắc chắn đó chỉ là một phương
tiện để cảm hóa những người dân hiền lành, chất phác và mang lại cho họ
một đức tin cần thiết.
Tôi trở nên phấn khích:
– Nếu ở Ấn Độ thực sự có những người như các vị Rishi thì chắc hẳn quần chúng sẽ qui tụ theo các ngài?
– Lẽ tất nhiên là vậy, với điều kiện trước hết các ngài phải nhập thế
và hiển lộ cho người đời biết các ngài là ai. Nhưng rất ít khi các
đấng Rishi làm như vậy. Các ngài thường chọn sống cách biệt
với thế gian. Những vị nào muốn nhập thế để làm việc giúp đời cũng chỉ
xuất hiện trong một thời gian nhất định, rồi lại rút lui vào đời sống ẩn
dật.
Tôi bèn lên tiếng phản đối ngay rằng nếu các vị ấy cứ sống ẩn dật như
thế mãi thì liệu có ích gì cho đời. Người Ấn Độ nở một nụ cười đầy cảm
thông và tha thứ:
– Tục ngữ có câu: “Không nên tin ở bề ngoài.” Vì không biết rõ các đấng Rishi nên thế gian không thể xét đoán các ngài một cách đúng đắn. Tôi đã nói rằng các đấng Rishi
đôi khi cũng xuất hiện ngoài thế gian và chung đụng với người đời.
Thuở xưa kia, khi các ngài xuất hiện như thế nhiều hơn bây giờ, thì sự
minh triết, quyền năng, đức độ của các ngài luôn nổi bật trước mắt mọi
người, và ảnh hưởng của các ngài được công khai nhìn nhận. Những vị vua
chúa cũng phải nghiêng mình thán phục sự minh triết của các ngài và
không ngần ngại thỉnh cầu ý kiến về các vấn đề quốc sự. Nhưng có điều
chắc chắn là các đấng Rishi thường hoạt động âm thầm lặng lẽ trong bóng tối hơn là xuất hiện giữa cuộc đời.
Tôi bỗng nhiên đâm ra mơ mộng và bất giác thì thầm như nói với chính mình:
– Tôi muốn được gặp một vị Rishi, hoặc ít ra cũng là một yogi chân chính.
Người bạn tôi đáp lời một cách quả quyết:
– Bạn hãy tin rằng có ngày rồi bạn sẽ được như ý nguyện.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Làm sao bạn biết được?
Câu trả lời của ông ta càng làm cho tôi ngạc nhiên hơn nữa:
– Tôi biết như thế ngay từ ngày chúng ta gặp nhau lần đầu. Đó là một
thứ trực giác, một thứ linh cảm khiến tôi cảm biết được một cách sâu xa
nhưng không thể giải thích được. Sư phụ tôi đã dạy tôi tập luyện và sử
dụng năng khiếu đó. Khi gặp việc, tôi hoàn toàn tin tưởng vào năng
khiếu trực giác của tôi.
Tôi hỏi nửa tin nửa ngờ:
– Thế lời tiên tri của bạn đến bao giờ mới được thực hiện?
Bạn tôi nhún vai và lắc đầu:
– Tôi không phải là một nhà tiên tri. Tôi rất tiếc là không thể nói trước ngày giờ nào bạn sẽ thực hiện điều ấy.
Tôi không hỏi thêm điều gì, tuy tôi ngờ rằng ông ta có thể nói nhiều hơn nếu ông ta muốn. Tôi bèn suy nghĩ và đề nghị:
– Chắc có ngày nào đó bạn sẽ trở về xứ. Nếu lúc ấy tôi rảnh việc,
chúng ta có thể cùng đi chung để tìm gặp những người ấy được chăng?
– Không được, bạn phải đi một mình. Tốt hơn hết là bạn hãy tự mình tìm kiếm.
Tôi nài nỉ:
– Đó là điều rất khó đối với một người ngoại quốc như tôi.
– Hẳn là rất khó. Nhưng bạn hãy đi một mình, rồi có ngày bạn sẽ thấy rằng điều đó là cần thiết.
lll
Từ đó trở đi, tôi luôn tin rằng có ngày tôi sẽ thả neo ở một hải cảng
phương Đông đầy ánh nắng. Tôi nghĩ rằng, nếu trong quá khứ xứ Ấn Độ đã
từng tạo ra những người như các vị Rishi, và nếu một vài vị
ấy hiện nay vẫn còn sống như bạn tôi đã nói, thì cái công phu khó nhọc
đi tìm các ngài sẽ không phải là vô ích. Nó sẽ được đền bù lại gấp bội
phần bằng những lời vàng ngọc minh triết mà mình sẽ được nghe từ các
ngài thốt ra. Biết đâu tôi chẳng có cái may mắn là nhờ đó mà đời sống
nội tâm của tôi sẽ trở nên dồi dào phong phú hơn. Và dầu cho tôi bị
thất bại, cuộc hành trình của tôi cũng không phải là vô ích. Vì những
người yogi kích thích sự tò mò của tôi một cách mãnh liệt bởi cách sinh hoạt lạ lùng và những phép tu luyện huyền bí của họ.
Sự đam mê của tôi về những điều huyền diệu phi thường đã được khích
động đến một mức độ cao tột. Cái viễn ảnh đi thám hiểm những chân trời
xa lạ đó làm cho tôi ngây ngất. Tôi tự thả trôi theo đà tưởng tượng của
mình, dự định rằng khi gặp cơ hội thuận tiện, tôi sẽ đáp ngay chuyến
tàu đầu tiên sang Ấn Độ.
Người bạn Ấn Độ của tôi vẫn còn tiếp tôi tại nhà anh ta trong nhiều
tháng. Anh ta giúp tôi nhận định đường lối trong cái chương trình tương
lai của tôi, nhưng không chịu làm người hướng dẫn tôi trên những bước
đường xa lạ mà tôi phải vượt qua. Nhưng biết được vị trí của mình, nhận
định được những khả năng tiềm tàng của mình, tự vạch lấy con đường đi
rõ ràng nhất định, đó phải chăng đã là điều rất quý báu đối với một
người còn đang tuổi thanh xuân? Vậy thì không phải là một điều quá đáng
nếu tôi bày tỏ nơi đây lòng biết ơn của tôi đối với người bạn mới của
thuở ban đầu.
Nhưng bánh xe định mệnh vẫn tiếp tục xoay vần và cái ngày phân ly
giữa chúng tôi đã đến quá mau. Cách sau đó vài năm, tôi được tin ông ta
qua đời, hình như vì tai nạn.
Cuộc hành trình của tôi vẫn chưa gặp được thời cơ và hoàn cảnh thuận
tiện để khởi đầu. Những sự ước mơ và tham vọng ở đời thường tạo ra
những trách nhiệm ràng buộc mà người ta không dễ gì thoát ra khỏi được.
Tôi đành an phận với cuộc đời hiện tại đang giam hãm tôi trong một
khuôn khổ chật hẹp. An phận nhưng vẫn chờ đợi, vì tôi không hề mất đi
sự tin tưởng vào lời tiên tri của người bạn Ấn Độ.
Ngày kia, có một việc xảy đến bất ngờ càng xác nhận và củng cố thêm
đức tin của tôi. Những hoạt động trong nghề nghiệp đã đưa đến cho tôi
một dịp tiếp xúc trong nhiều tháng với một người mà tôi lấy làm quí
trọng và giao du với một tình thân hữu đặc biệt. Anh ta có một trí
thông minh tuyệt vời, vô cùng linh hoạt và tỏ ra am hiểu nhân tình thế
thái. Anh ta đã từng làm giáo sư dạy khoa tâm lý ở một trường đại học,
nhưng cuộc đời giáo sư mô phạm không thích hợp với anh ta. Anh ta bèn
từ chức để chuyển sang một ngành hoạt động khác để có thể sử dụng số
vốn kiến thức rộng rãi của mình.
Trong một thời gian, anh ta làm cố vấn cho nhiều nhà kinh doanh trên
thương trường và từng được hưởng những số tiền thù lao khổng lồ từ
những ông chủ của các xí nghiệp lớn. Anh ta có cái thiên tư đặc biệt là
giúp nguồn cảm hứng và khích lệ cho những kẻ khác thành công trên
đường đời. Dầu là kẻ bần cùng hay triệu phú, ai đã đến tiếp xúc với anh
ta đều được sự giúp đỡ ý kiến hoặc sự nâng đỡ về tinh thần, làm cho họ
tăng lòng hứng khởi, và những lời khuyên bảo của anh ta đều có giá trị
như vàng ngọc.
Tôi vẫn thường nghe theo những lời khuyên của anh ta, vì những dự
kiến và trực giác của anh ta thường được chứng minh một cách hùng hồn
trong các vấn đề kinh doanh cũng như các vấn đề cá nhân. Điều mà tôi
thán phục nhất là anh ta đã dung hòa được trong tâm tính mình những
khía cạnh hoàn toàn trái ngược nhau. Anh ta có thể bàn luận những vấn đề
triết lý khó khăn nhất ngay sau khi vừa bàn tính xong một công việc
kinh doanh! Vì thế người ta không hề thấy anh ta có vẻ buồn bực, ưu sầu
mà luôn vui vẻ, hài hước và hồn nhiên cởi mở.
Anh ta đã cùng tôi trải qua những giờ thú vị trong khi làm việc
chung, hoặc trong những khi rảnh rang, nhàn hạ. Tôi lấy làm thích thú
mà nghe anh ta nói chuyện, vì những kiến thức rộng rãi của anh ta luôn
làm tôi ngạc nhiên. Tôi thường tự hỏi, làm sao khối óc của một con
người có thể chứa đựng được một kho tàng kiến thức rộng rãi đến thế!
Một buổi chiều, chúng tôi cùng nhau dùng cơm tối ở một quán ăn nhỏ ấm
cúng. Khi ăn xong bước ra về, bầu trời quang đãng dưới ánh trăng rằm
làm cho chúng tôi thấy cảm hứng dồi dào. Thế là chúng tôi bèn rủ nhau
đi bách bộ thưởng trăng. Câu chuyện lúc ban chiều chỉ quanh quẩn với
các vấn đề tầm thường, không có gì đặc biệt, nhưng một đêm trăng tịch
mịch như đêm nay tự nhiên sẽ khêu gợi đến những câu chuyện triết lý.
Cuộc đi chơi bách bộ dưới ánh trăng khuya đưa đến những câu chuyện
triết lý trừu tượng, đến nỗi những danh từ của chúng tôi nói ra hẳn
phải làm cho những thân chủ của bạn tôi rùng mình!
Về đến trước cửa nhà, khi chúng tôi bắt tay từ giã, giọng nói của bạn
tôi bỗng nhiên trở nên nghiêm nghị, và anh ta nói một cách chậm rãi:
– Thiết tưởng anh không nên theo đuổi nghề nghiệp hiện nay. Anh quả
thật là một triết gia nhưng lại phải chịu trói buộc bởi các vấn đề thời
sự hằng ngày. Tại sao anh không chọn làm giáo sư đại học và dành nhiều
thời gian cho công việc khảo cứu, sưu tầm? Anh có một tâm hồn thấm
nhuần triết lý và những hoài bão tâm linh. Tôi chắc chắn rằng có ngày
anh sẽ đi tìm những nhà đạo sĩ yogi Ấn Độ, những vị Lạt-ma
Tây Tạng, hoặc những vị cao tăng Thiền tông bên Nhật Bản. Nhưng thôi,
trong khi chờ đợi những điều ấy, tôi hãy chúc anh một đêm yên giấc.
Như được gãi đúng vào chỗ ngứa, tôi không ra về ngay mà lập tức quay lại hỏi:
– Anh vừa nói đến các đạo sĩ yogi? Anh nghĩ sao về những người ấy?
Anh bạn tôi bèn bước đến gần tôi và kề tai nói nhỏ:
– Đó là những người hiểu biết rất nhiều! Tôi chỉ có thể nói như vậy, họ hiểu biết rất nhiều!
Lúc đó, tôi bước chân ra về mà trong lòng vô cùng xao xuyến. Cuộc
hành trình sang phương Đông vẫn chưa thể thực hiện được. Càng ngày tôi
càng đi sâu vào những trách nhiệm nặng nề và phức tạp mà dường như tôi
không thấy có cách nào để thoát ra khỏi. Tôi có những lúc ngã lòng. Hay
là định mệnh khắt khe đã trói buộc tôi mãi mãi với những tham vọng
thường tình và những cạm bẫy của cuộc đời trần tục!
Nhưng không, tôi đã lầm! Định mệnh không phải là một cái gì bất biến,
mà nó hầu như luôn luôn chuyển biến, đổi thay trong từng phút, từng
giờ, và mặc dầu chúng ta không thể nhìn thấy rõ điều đó, nhưng chúng ta
vẫn bị cuốn trôi trong dòng chảy của những sự kiện để rồi chắc chắn sẽ
tiến đến một mục đích nào đó dường như đã được định sẵn. Không đầy một
năm sau đó, tôi đã đặt chân lên hải cảng Bombay của Ấn Độ, mở
to mắt ngắm nhìn những cảnh vật tưng bừng rực rỡ của một thành phố
phương Đông và lắng tai nghe nhiều thổ ngữ lạ lùng của những dân tộc
bản xứ qua lại nơi này!