1. YÊU THIÊN NHIÊN LÀ ĐẠO ĐỨC CỦA CON NGƯỜI.
Tại sao nói yêu thiên nhiên là
một tính chất của Đạo đức ?
Thiên nhiên là cái nôi tạo nên sự
sống của muôn loài trong đó có loài người. Có thể nói, loài người là đỉnh cao
trong sự sáng tạo của thiên nhiên. Vì vậy, chúng ta phải yêu thiên nhiên, và đó
cũng là một biểu hiện của Đạo đức.
Ngược dòng thời gian, quay về với
hàng tỷ năm trước, chúng ta tìm hiểu xem Trái đất và vạn vật muôn loài đã được
hình thành như thế nào. Có người cho rằng, cách đây khoảng hơn mười lăm tỷ năm,
vũ trụ được bắt đầu thành lập từ một vụ nổ lớn. Đó là những người theo thuyết
Big bang. Theo một vài tôn giáo thì vũ trụ được thành lập bởi Thượng Đế. Điều
này hoàn toàn không có cơ sở nên chúng ta không thể tin được. Đạo Phật không
chấp nhận có một Thượng Đế đã tạo ra tất cả. Theo Đức Phật, trái đất và sự sống
muôn loài do nhiều yếu tố, nhiều nhân duyên, nhiều điều kiện tạo thành. Câu nói
ấy tuy đơn giản nhưng không bao giờ sai. Khoa học dù tiến bộ đến đâu cũng thừa
nhận rằng, tất cả mọi sự vật, sự việc đều được hình thành do nhân duyên, do
nhiều yếu tố khác nhau. May mắn của chúng ta là được dựa vào một giáo lý đúng
đắn như vậy.
Nói về sự hình thành trái đất, chúng ta biết rằng thời xưa
khi thành hình Thái dương hệ, Trái đất được thành lập. Lúc bấy giờ, trên Trái
đất chưa có sinh vật, cây cối, chưa có con người chỉ có đất, đá và nước. Lượng
nước luôn không ổn định. Những cơn mưa thường trút xuống ầm ầm, gột rửa đi những
lớp đất trên bề mặt, làm đá trơ ra, rồi gây nên cảnh ngập lụt. Nước lại bốc hơi
lên rất nhanh tạo thành những đám mây, gặp không khí lạnh tạo thành nước. Trời
lại tuôn mưa xuống. Khí hậu rất khắc nghiệt, mưa nắng thất thường.
Rồi
dần dần sự sống bắt đầu hình thành từ thiên nhiên với những vi thể vô cùng nhỏ.
Những nguyên tố căn bản làm tiền đề cho sự sống là : Carbon, Oxy , Hydro và
Nito. Bốn nguyên tố này tạo thành các chất hữu cơ của sự sống và các chất hữu cơ
ngày càng phức tạp dần. Theo điều kiện trái đất, những nguyên tố đó được sắp xếp
thích hợp thành nước, dưỡng khí, các chất hữu cơ, đạm… Có người còn cho rằng,
ban đầu sao chổi đã va chạm vào Trái đất và để lại ở đấy một vài chất hữu cơ làm
tiền đề cho sự sống.
Dĩ nhiên, sự sống hình thành phải có đủ hai yếu tố:
vật chất và tinh thần. Từ xa xưa, dù bên ngoài bề mặt Trái đất chưa xuất hiện
bất cứ một sự vật nào, không có cây cối, không có sinh vật nhưng thế giới siêu
hình đã xuất hiện. Lúc bấy giờ đã có thế giới của chư Thiên, thế giới của ngạ
quỷ, của chúng sinh. Nghĩa là theo nhân duyên, họ đã tồn tại trong thế giới đó.
Họ vẫn chờ đợi một điều kiện thuận tiện để xuất hiện. Vì sao như vậy ? Vì nghiệp
của con người, nghiệp của chúng sinh chưa được giải thoát, lúc nào cũng muốn
xuất hiện, muốn tồn tại. Chính tâm đó thúc đẩy con người chúng ta đi trong luân
hồi không cưỡng lại được. Lúc đó, trong thế giới siêu hình, tâm của những chúng
sinh vẫn hướng về trái đất đang có nước, có mây, có sông, có núi - hướng về đó
để có thể tồn tại, để có thể xuất hiện. Lúc đó Trái Đất đẹp như một thiên đường
hạ giới với núi non hùng vĩ, sông biển mênh mông, rừng cây bạt ngàn, chim ca hoa
nở, bình minh rực rỡ, hoàng hôn dịu dàng… Lúc đó chưa có cái cảnh vứt rác ngoài
đường, phơi quần áo ngoài cửa, hàng xóm đứng chống nạnh chưởi bới nhau như bây
giờ. Những Thiên tử sắp hết phước cõi trời say mê vẻ đẹp của Trái Đất và ước ao
làm cư dân ở đây. Chính ước muốn mãnh liệt đó đã thúc đẩy những thay đổi về gène
và môi trường để dọn đường cho con người xuất hiện. Đó là một yếu tố bí mật bên
trong, nếu chỉ lý luận bên ngoài chúng ta không thể hiểu được.
Dựa vào
khoa học, chúng ta có thể lý luận theo học thuyết của Darwin: men nấm xuất
hiện, rồi những đột biến gien giúp cây tiến hoá dần dần. Chúng ta có thể không
phủ nhận điều đó nhưng vẫn phải nhớ một điều: Động vật tồn tại luôn luôn có hai
mặt là tinh thần và vật chất. Con người chúng ta, ngoài thể xác còn có thế giới
tinh thần rất phức tạp. Khi chết đi, thân xác này bị tiêu hủy nhưng theo dân
gian, linh hồn vẫn còn tồn tại. Đạo Phật gọi đó là thần thức hay thân trung
ấm.
Như vậy, khi Trái đất này mới thành lập, chưa có con người thì trong
thế giới vô hình, chúng ta đã có mặt rồi. Chúng ta đang an trú trong cõi trời
hay đang an trú trong cõi thấp hơn. Cũng có thể chúng ta đang còn là những sinh
thể thấp hơn nữa nhưng đã hướng về Trái đất, bắt đầu quây quần tụ hội bao quanh
Trái đất khô khan, không có sự sống đó. Lúc bấy giờ, Trái đất đã có sự sống của
thế giới tâm linh bao phủ chuẩn bị và thúc đẩy sự phát triển của nó. Hay nói
cách khác, những sự sống trên Trái đất dần dần thành hình là do sự thúc đẩy
trong vô hình của thế giới tâm linh. Đây là điều quan trọng trong việc hình
thành sự sống của Trái đất. Vì vậy, chúng ta đừng nghĩ sự sống Trên trái đất chỉ
được hình thành từ những yếu tố vật chất mà thôi.
Trở lại với thế giới
vật chất, chúng ta biết rằng, bắt đầu từ những may mắn nào đó, trong điều kiện
thuận lợi nào đó, những loại men nấm dần dần xuất hiện dưới hình thức vi sinh.
Những men nấm ấy có cấu trúc tế bào rất đơn giản để có thể tự phân bào. Những tế
bào nấm phải có nhân bên trong. Đó là những màng nước chứa, nếu phân ra thì có
những protein phức tạp. Một nhân tế bào tự tách ra làm đôi để tạo thành tế bào
khác. Vì thế, những men nấm cứ lan dần, lan dần. Tuy nhiên, nó cũng không thể
tồn tại lâu dài. Có khi chỉ tồn tại trong một buổi sáng, khi nắng chiếu lên là
những men nấm ấy sẽ chết. Chỉ những loại men nấm thích nghi được với sự thay đổi
khí hậu khắc nghiệt mới có thể tiếp tục tồn tại. Trong quá trình xuất hiện rồi
tàn rụi, các men nấm ấy đã thải vào trong không khí những chất khí và để lại xác
mục rữa tạo thành phân hòa vào trong đất, trong nước. Cứ thế, qua hàng triệu
năm, nhiều loại men nấm xuất hiện rồi bị hủy diệt, chất khí được thải vào không
khí cũng như cặn bã để lại trong đất và nước ngày càng nhiều. Vì thế, môi trường
Trái đất cũng thay đổi ngày càng phong phú hơn, phức tạp hơn.
Khi môi
trường Trái đất trở nên phong phú hơn thì một loài thực vật tương ứng với môi
trường đó xuất hiện (như rong, rêu). Cứ như vậy, qua nhiều triệu năm, những cặn
bã rong rêu để lại làm cho môi trường Trái đất phức tạp hơn. Lúc bấy giờ, những
loài thảo mộc đơn giản xuất hiện, lúc đầu chỉ là những cây nhỏ, sau đó những cây
lớn cũng xuất hiện. Khi thảo mộc đơn giản xuất hiện, vi khuẩn động vật cũng xuất
hiện. Dần dần, trên Trái đất xuất hiện những rừng cây bạt ngàn, những đồng cỏ
lớn tạo thành môi trường sống thuận lợi cho những loại động vật kế tiếp xuất
hiện và phát triển.
Có hai cách lý giải sự xuất hiện của các loài vật
trên trái đất. Theo nhà bác học Darwin là do hiện tượng đột biến gien theo di
truyền. Do môi trường bên ngoài phong phú hơn, tác động lên cơ thể con vật, kích
động nhân di truyền AND làm cho nhân di truyền này bị thay đổi cấu trúc. Vì cấu
trúc nhân AND bị thay đổi nên có hiện tượng đột biến gien, loài vật này có thể
dần dần biến đổi thành một loài khác gần với nó. Ví dụ, con thằn lằn nhỏ bị đột
biến gien dần dần thành con khủng long hoặc con người là hiện tượng đột biến gen
của loài khỉ. Nói chung, theo học thuyết của Darwin, sự xuất hiện các loài vật
cũng do môi truờng bên ngoài kích động, thúc đẩy.
Cách lý giải thứ hai có
vẻ thần thoại hơn. Chẳng hạn, người ta có thể lý giải sự ra đời của một con cá
như sau: Trong một cái hốc đá nào đó có một khối nước đứng yên, không có dòng
nước nào tác động vào, vô tình hội đủ nhiều yếu tố của sự sống, có cả yếu tố tâm
linh của một loài nào đó trong vô hình. Nghĩa là muôn loài trong thế giới vô
hình muốn sống và tìm được một cái hốc đá có nước, hội tụ nhiều yếu tố, nhiều
nguyên tử của sự sống, đồng thời có tâm linh, rồi hướng về và hòa nhập vào đó.
Một thời gian, từ trong đó bơi ra một con cá. Sự việc diễn ra như một phép lạ,
một thần thoại. Chúng ta phải tu đến mức đắc đạo mới có thể kiểm tra được điều
này. Ngay cả con vật to lớn như con voi cũng vậy. Trong một đống lá có nhiều lớp
dày lên cả năm, sáu trăm thước được ủ khuất trong rừng sâu, có một hốc khí hội
tụ nhiều điều kiện của sự sống mà lúc đó vi khuẩn có thể chưa phát triển để ăn
kịp. Một sinh thể vô hình muốn xuất hiện, muốn tồn tại nên hướng vào đó, nhập
vào đó và dần dần từ trong đống lá ấy xuất hiện một con vật tương tự như con
voi. Mấy triệu năm sau, khi môi trường thay đổi, nó trở thành một con voi như
chúng ta thấy bây giờ. Người ta cũng cho rằng, có một thời trong những đống lá
như vậy, những con khủng long đã xuất hiện.
Hai học thuyết, hai cách lý
giải hoàn toàn khác nhau. Nhưng qua đó chúng ta cũng thấy rằng, sự sống được
hình thành do nhiều yếu tố. Trong đó, sự chi phối của yếu tố tâm linh rất quan
trọng.
Như vậy, thảm thực vật đã xuất hiện đầy đủ hay nói cách khác là
rừng cây bạt ngàn đã bao phủ Trái đất là điều kiện cho động vật xuất hiện. Trong
quá trình tự biến đổi, tự phát triển, tự điều chỉnh, thiên nhiên đã dần dần tạo
ra muôn loài và cuối cùng là con người xuất hiện. Cho nên, chúng ta có thể khẳng
định thiên nhiên và nhất là rừng cây là cái nôi tạo nên sự sống con người. Vì
vậy, chúng ta phải biết yêu quý thiên nhiên. Yêu quý thiên nhiên là tôn trọng sự
sống của mọi loài, là biết ơn tổ ấm của mình. Đó cũng là một tính chất của Đạo
đức. Trong bài Tâm từ, chúng ta cũng đã bàn đến vấn đề này.
Nếu yêu
thiên nhiên là yêu sự sống của chính mình, là một tính chất của Đạo đức thì phá
hủy thiên nhiên là hủy diệt sự sống, ngày tận thế sẽ đến. Tất nhiên, tận thế sẽ
đến bằng nhiều cách, nhưng phá rừng là cách làm cho tận thế đến nhanh nhất. Điều
này cũng dễ hiểu vì hiện nay, thành phần không khí chúng ta đang thở chủ yếu là
Oxy, chiếm 1/ 5 lượng không khí. Chính quá trình quang hợp của cây xanh đã hấp
thụ lượng Carbonic do con người thải ra và cung cấp lượng khí Oxy cho con người.
Như vậy, chính rừng cây đã tạo nên khí Oxy nuôi sống con người. Tỷ lệ khí Oxy
trong không khí rất khó thay đổi trừ khi con người chặt cây, phá rừng. Khi nạn
phá rừng diễn ra, tỷ lệ ấy sẽ thay đổi, có thể từ 1/ 5 xuống 1/ 10. Lúc ấy, con
người sẽ cảm thấy khó thở hơn. Nếu chúng ta không ngăn chặn, để nạn phá rừng
diễn ra ngày càng nhiều thì tỷ lệ Oxy trong không khí sẽ giảm rất nhanh. Qua
khỏi 1/10, tỷ lệ ấy sẽ giảm nhanh hơn nữa. Chỉ cần một yếu tố nào đó tác động,
lượng khí Oxy sẽ mất hẳn. Lúc bấy giờ, con người sẽ không còn không khí để thở,
chỉ còn cách giãy chết. Đó chính là ngày tận thế của con người. Điều này rất dễ
xảy ra vì hiện nay nạn phá rừng đang xảy ra nghiêm trọng ở khắp nơi. Chúng ta sẽ
trở lại vấn đề này ở phần sau.
2. SỐNG
PHÙ HỢP VỚI THIÊN NHIÊN MẶC DÙ VẪN TÔN TRỌNG SỰ TIẾN BỘ CỦA KHOA HỌC KỸ THUẬT
Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới mà trình độ khoa
học kỹ thuật có sự tiến bộ vượt bậc. Khó có thể hình dung được, trong tương lai
khoa học kỹ thuật sẽ tiến bộ đến mức độ nào. Hiện tại, những thành tựu của khoa
học đã làm cho chúng ta choáng ngợp. Càng lúc, con người càng hưởng được nhiều
tiện nghi hiện đại do khoa học đem lại. Nhưng điều đáng lo ngại là sự tiến bộ
của khoa học làm cho con người ngày càng xa rời thiên nhiên. Khi có đầy đủ tiện
nghi, con người gần như không cần đến thiên nhiên nữa. Ngày xưa, khi trời nóng
nực, con người thường ngồi hóng gió dưới bóng cây hay chạy ra sông tắm mát.
Nhưng ngày nay, chúng ta đã có máy lạnh, máy quạt đem gió về…
Khoa học
kỹ thuật là điều không thể thiếu đối với một xã hội văn minh tiến bộ. Nhưng sự
tiến bộ của khoa học kỹ thuật có khi đi ngược lại quy luật tạo nên sự sống của
thiên nhiên. Chưa kể đến việc dựa vào sự tiến bộ của khoa học, con người còn chế
tạo vũ khí, đạn dược để giết hại lẫn nhau. Chỉ cần ngồi một chỗ bấm nút, người
ta có thể điều khiển những quả tên lửa vượt hàng trăm ngàn cây số xuống oanh tạc
đất nước của đối phương. Hiện nay, những loại vũ khí hạt nhân có thể giết người
hàng loạt đã trở thành mối đe dọa lớn đối với nhân loại. Người ta cho rằng, số
lượng bom nguyên tử trên thế giới có thể làm nổ tung mười trái đất này. Vậy mà,
một số cường quốc vẫn chạy đua chế tạo vũ khí hạt nhân một cách điên cuồng làm
cho sự sống của thế giới ngày càng đến gần bờ vực của sự tiêu diệt. Đây là điều
rất nguy hiểm. Gần đây nhất, trong cuộc chiến tranh ở Iraq, Mỹ đã sử dụng tất cả
những loại vũ khí tối tân nhất để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến theo kế hoạch.
Đây cũng là dịp để Mỹ thử nghiệm một số vũ khí hiện đại mà mình mới chế
tạo.
Đời sống tiện nghi làm cho con người xa rời thiên nhiên. Càng xa
rời thiên nhiên, người ta càng hủy hoại cuộc sống của mình. Ví dụ, vào những năm
1970 của thế kỷ này, loài người đã biết đến tiện nghi phòng lạnh. Nhưng sống và
làm việc trong môi trường máy lạnh, rất nhiều chứng bệnh đã phát sinh. Theo
Business Week, 10/1994, một trong những chứng bệnh được coi là vấn nạn cho những
người đang làm việc trong tiện nghi phòng lạnh- nhất là tại các cao ốc- là SBS (
sick building syndrome). Hai quốc gia có tỷ lệ người mắc chứng SBS cao nhất là
Mỹ và Úc. Ngoài hội chứng SBS, giới Y khoa còn phát hiện một thứ bệnh khác có
tên building- related illness (BRI – bệnh liên quan đến building). Đây là căn
bệnh phát sinh do ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn … từ phòng lạnh. Viêm xoang, nhức
đầu, chóng mặt, viêm họng, khô cổ… là các chứng bệnh thường xuyên xuất hiện nhất
khi làm việc trong môi trường phòng lạnh. Nghiêm trọng hơn nữa, khí CSC thoát ra
từ máy lạnh bay lên trời có khả năng phá hủy tầng Ozon - một lớp khí được liên
kết bởi ba phân tử Oxy có tác dụng bảo vệ trái đất, tránh sự tác động của những
tia bức xạ, trong đó có tia cực tím của mặt trời. Lượng khí Clo thải ra từ công
nghiệp, từ công nghệ làm lạnh sẽ làm thủng tầng Ozon. Hiện nay, lỗ thủng của
tầng Ozon ở Bắc cực và Nam cực ngày càng lớn nên nhiệt độ của quả đất ngày càng
tăng. Điều nguy hiểm là những tia cực tím tác động trực tiếp lên trái đất đã gây
nên bệnh ung thư da. Ở những nơi tầng Ozon bị thủng, nhiều loài đã bị tiêu diệt.
Những động vật lớn có khả năng chịu đựng cao vẫn còn sống sót nhưng lại phát
sinh những căn bệnh không thể cứu chữa được.
Như vậy, sự tiến bộ của
khoa học đã đem lại nhiều tiện nghi cho con người đồng thời cũng hủy diệt dần sự
sống của con người và vạn vật. Mặt khác, hưởng một cuộc sống quá tiện nghi,
phước của con người cũng dần dần mất đi. Đây chính là tiền đề của Nhân Quả.
Nhưng thực tế, chúng ta ai cũng thích sự tiện nghi cho cuộc sống của mình. Điều
dễ thấy nhất là trước kia người ta chỉ đi bộ hoặc dùng xe đạp để làm phương tiện
đi lại. Khi cuộc sống khá hơn, mọi người đua nhau sắm xe máy. Vì nhu cầu công
việc, vì điều kiện sức khỏe…, nhiều người lại sắm cả xe hơi. Ngay cả một số
chùa, quý Thầy cũng phải dùng xe hơi để lo việc chùa hoặc đi giảng Pháp ở những
nơi xa. Trong tương lai, khi đời sống phát triển, có người sẽ về thành phố lớn
cất những ngôi chùa cao tầng. Lúc bấy giờ, Thầy trụ trì sẽ ở tầng cao nhất, lên
xuống bằng thang máy. Tầng hầm sẽ là nơi để xe. Trong chùa, quý Thầy sẽ trang bị
tiện nghi đầy đủ vv…
Mặt khác, càng sống tiện nghi, càng rời xa thiên
nhiên, con người càng bận tâm nhiều hơn. Vì thế, cuộc sống sẽ mất đi sự hồn
nhiên, thanh thản. Trong khi đó, chúng ta sống là để đi tìm hạnh phúc. Tùy theo
đạo đức, quan điểm vị kỷ hay vị tha mà con người sẽ đi tìm hạnh phúc cho mình
hay cho người khác. Là đệ tử Phật, chúng ta chọn cho mình lý tưởng sống là đi
tìm hạnh phúc cho người khác. Hơn ai hết, chúng ta hiểu rõ những nỗi đau khổ do
tâm vị kỷ đem lại. Nhưng muốn đem hạnh phúc đến cho mọi người, chúng ta phải có
quan điểm đúng đắn về hạnh phúc. Nhiều người cho rằng, có tiền là hạnh phúc. Vì
theo họ, “có tiền mua tiên mua tiên cũng được”, họ sẽ làm được bất cứ điều gì
mình muốn. Người khác lại quan niệm: có địa vị, quyền thế là hạnh phúc vì khi có
địa vị, quyền thế, họ có thể sai khiến được mọi người. Những người thâm trầm, có
kinh nghiệm sống sẽ nghĩ khác về hạnh phúc. Có người nói :“Một phút hoan lạc để
ngìn đời nuối tiếc, hạnh phúc thật sự là sự thanh thản của tâm hồn”. Đó có thể
là kinh nghiệm được rút ra khi người ấy đã trải qua một thời tuổi trẻ ăn chơi,
lêu lổng. Qua cái thời nông nổi ấy, ngoảnh nhìn lại, người ta thấy những gì gọi
là trò vui trên cuộc đời này từng làm cho tâm hồn mình xao động cuối cùng cũng
chỉ là đau khổ, bất an. Lúc này, với họ, hạnh phúc thật sự chỉ là sự thanh thản
của tâm hồn. Nhưng hiểu được điều này không phải đơn giản. Ở tuổi thanh niên,
chúng ta chưa thấm thía được điều này. Vì khi còn trẻ, tâm sinh lý đang phát
triển, người ta thấy đời chỉ vui khi tâm hồn mình có những xao động, những
thương yêu, thù hận, ganh ghét, nhớ nhung… Là những người có thiện căn vào chùa
tu hành, chúng ta có thể tin sự bình an là hạnh phúc. Nhưng phải đến một độ tuổi
nào đó, khi đã đi qua cuộc sống phức tạp, lăng xăng xao động, chúng ta mới thật
sự hiểu được điều đó.
Theo quan điểm của đạo Phật, hạnh phúc thật sự là
nội tâm an tịnh. Nhưng sống trong thời đại ngày nay, những tiện nghi khoa học kỹ
thuật lại làm cho chúng ta bận tâm nhiều hơn. Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng
lại là một sự thật. Ví dụ, trước kia, đi lại bằng đôi bàn chân, chúng ta cũng
cảm thấy mỏi mệt nhưng không phải bận tâm điều gì. Bây giờ, đi bằng xe máy, xe
hơi, chúng ta có bao nhiêu việc phải bận tâm, lo lắng. Trước hết, chúng ta phải
tìm hiểu để có những kiến thức cơ bản về kỹ thuật phức tạp của nó. Thỉnh thoảng,
xe hư hỏng phải sửa chữa rất tốn kém, chưa kể những lúc bị hư hỏng dọc đường.
Rồi khi tự mình lái xe, chúng ta phải lo thi bằng lái… Nói chung, xe máy, xe hơi
rất thuận tiện cho công việc nhưng không đem lại cho chúng ta sự bình an như khi
còn đi bộ.
Thực ra, từ ngày xưa con người đã nhận ra được điều này.
Người ta kể rằng, một hôm khi đến một xứ nọ, Trang Tử nhìn thấy một ông già đang
vất vả gánh đôi thùng nước tưới cây. Trong khi đó, ở những làng xung quanh,
người ta đã chế được dụng cụ tưới nước nhanh hơn, tiện lợi hơn. Thấy vậy, Trang
Tử hỏi ông già : “Sao ông không bắt chước những người hàng xóm chế những khí cụ
tưới nước cho đỡ vất vả ?”. Ông cụ trả lời: “Cơ khí đem lại cơ tâm”. Nghĩa là
khí cụ máy móc cũng làm cho tâm mình máy móc, phức tạp hơn. Ông cho rằng, thà
vất vả một chút nhưng khỏi phải bận tâm điều gì. Với ông, sự thanh thản trong
tâm hồn quý hơn đời sống tiện nghi. Câu chuyện đơn giản nhưng khiến chúng ta
phải suy nghĩ. Đúng là khi có được kỹ thuật tiến bộ, chúng ta phải bận tâm nhiều
hơn.
Trong thời đại ngày nay, sự ra đời của máy vi tính đã đánh dấu bước
tiến bộ vượt bậc của xã hội loài người. Máy vi tính rất tiện lợi cho con người
trong học tập và trong công việc. Ngoài những chức năng như nhập dữ liệu, in ấn,
lưu giữ và xử lý thông tin; qua mạng máy tính, người ta có thể trò chuyện trực
tiếp với nhau dù cách xa nửa vòng trái đất. Nhiều viện Đại học trên thế giới đã
tiến hành việc giảng dạy từ xa qua trung gian của mạng Minitel. Các Giáo sư ngày
càng sử dụng nhiều hơn các phương tiện hiện đại như phần mềm vi tính đào tạo từ
xa, đĩa CD-ROM, đĩa compact tương tác…. trong việc giảng dạy. Nhưng với công
nghệ kỹ thuật hiện đại, tinh vi và phức tạp như Computer, muốn tiếp cận, học hỏi
chúng ta phải có một trình độ nhất định. Những chuyên viên lập trình phải hiểu
cặn kẽ từ máy móc, cơ cấu truyền tín hiệu đến hệ thống phần mềm đa dạng của nó.
Không những thế, con nguời còn phải luôn tìm cách chống lại sự tấn công của
virus. Nếu không cẩn thận, khi có sự cố xảy ra, tất cả những thông tin, dữ liệu
của chúng ta sẽ bị mất sạch.
Như vậy, sử dụng máy vi tính, chúng ta sẽ
tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng đầu óc chúng ta phải luôn
hoạt động để bắt kịp những thông tin mới nhất. Và vì thế, tâm chúng ta cũng khó
có được sự bình yên, thanh thản.
Ngoài những máy móc tinh vi, phức tạp
như máy vi tính, những ngành công ngiệp khác cũng đem lại cho cuộc sống chúng ta
nhiều vật dụng rất tiện lợi như: chén bát, thau chậu, ly … bằng nhựa. Thành tựu
của khoa học kỹ thuật mới làm cho vật liệu của chúng ta đẹp hơn, bền hơn. Nhưng
chính những sản phẩm polyme khó phân hủy ấy đã làm cho rác trên thế giới này đầy
nhanh hơn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường, góp
phần hủy hoại sự sống trên trái đất.
Những tiến bộ thật sự của con người
thường kéo theo sự hủy hoại. Đây là một nghịch lý nhưng lại là điều có thật.
Trải qua hàng triệu năm thay đổi, biến hóa, thiên nhiên mới tạo ra được sự sống.
Nhưng con người với sự thông minh kỳ diệu của mình đã tạo nên những kỹ thuật
hiện đại trở lại hủy diệt thiên nhiên. Có thể xem đây là một sự phản bội. Bởi
vậy, khoa học phát triển là hợp với quy luật nhưng chúng ta cần phải có sự cân
nhắc, chọn lựa, không được phát minh một cách bừa bãi, trở lại tiêu diệt nguồn
cội đã tạo ra sự sống cho chính mình.
Một câu chuyện vui về khoa học giả
tưởng đã làm không ít người phải suy nghĩ. Trong câu chuyện, người ta nói rằng
vài thế kỷ sau, trên Trái đất sẽ không còn sự sống của con người mà chỉ còn
những con Rôbôt. Vì con người đã tìm cách chế tạo ra Rôbôt và mỗi ngày càng cải
tiến cho nó trở nên thông minh hơn. Một ngày nào đó, trí thông minh của Rôbôt
thoát khỏi sự kiểm soát của con người, nó sẽ tìm cách tiêu diệt con người và làm
chủ Trái đất này vì nếu để con người sống sót, sẽ có ngày những thiên tài có khả
năng phát minh những kỹ thuật hịên đại xuất hiện và tiêu diệt Rôbôt, giành lại
quyền làm chủ Trái đất. Tuy nhiên, trong một vài Rôbôt có sử dụng lại những bộ
phận của con người như: gan, phổi… Một lần, máy báo động của cơ quan phát tín
hiệu báo động có sự sống của con người trong cơ quan. Nhận được tín hiệu báo
động của máy, trưởng ban tiêu diệt con người tức tốc đi tìm. Khi vào căn tin,
thấy hai người uống rượu say đang nghiêng ngả, ông ta tưởng con người bèn tóm
lấy nhưng chúng xin lỗi ông và cho biết chúng là Rôbôt đã được lập trình hễ uống
rượu say là phải nghiêng qua, ngả lại. Tìm đến chỗ khác, ông nghe nhạc nổi lên
và nhìn thấy mấy con Rôbôt đang khiêu vũ với nhau. Ông lại tưởng là con người
nhưng không phải. Đây là loại Rôbôt có chức năng khi nghe nhạc phải có những vũ
điệu như vậy. Ông tìm mãi vẫn không phát hiện ra con người. Sau đó, ông ta tập
trung tất cả nhân viên trong cơ quan lại và nói : “Trong cơ quan chúng ta còn có
con người sống sót nhưng tôi không tìm ra được. Như vậy, tôi đã không làm tròn
trách nhiệm của mình. Tôi sẽ dùng cây súng này để tự sát”. Nghe vậy, bà Giám đốc
nói: “Nhưng anh sẽ không biết đau vì anh là người máy, anh là Rôbôt”. Rôbôt trả
lời: “Không, trong cơ thể tôi còn gắn một lá phổi của con người. Khi bắn vào đó,
tôi sẽ biết đau”. Ông đưa súng vào ngực và bắn một phát. Khi tiếng súng nổ, máu
từ ngực ông phun ra nhưng ông vẫn chưa chết. Lúc bấy giờ, trong đám người đứng
dưới bỗng có tiếng thét lên. Ông chạy ngay xuống nắm lấy người đó kéo lên và nói
: “Đây là một con người, vì chỉ có con người mới biết đau nỗi đau của đồng
loại”.
Câu chuyện kết thúc nhưng lời kết luận ấy vẫn khiến người đọc ray
rứt. Rõ ràng, khác với máy móc, con người có tình cảm, có lý trí nên biết đau
nỗi đau của đồng loại mình. Máy móc dù có tinh vi bao nhiêu đi nữa cũng không
thể có điều đó. Vậy mà, chúng ta cứ đi tìm sự tinh vi trong máy móc, không biết
rằng hạnh phúc không phải là sự tiện nghi có thể thay thế cho con người. Hạnh
phúc là sự thông cảm, thương yêu giữa con người với nhau. Nếu cứ chạy theo kỹ
thuật hiện đại, chúng ta sẽ đánh mất dần những hạnh phúc thật sự vì đầu óc chúng
ta sẽ phức tạp hơn, nội tâm bất an hơn.
Người tu bây giờ cũng không thể
đi ngược lại với Khoa học kỹ thuật vì nó là sự tiến bộ tất yếu của con người.
Nhưng chúng ta phải khéo chọn lọc và giữ gìn sự gần gũi với thiên nhiên. Vì vậy,
nếu được phép chọn lựa, chúng ta nên tìm về những làng quê xa. Ở đó chúng ta
được sống giữa không khí trong lành, có những hàng cây che bóng mát, có những
cánh đồng lúa xanh tươi, những con sông quanh co uốn khúc, có tiếng gà gáy buổi
sáng, có tiếng chim kêu ríu rít v.v… Tâm hồn chúng ta sẽ thanh thản hơn khi gần
gũi với thiên nhiên. Đồng thời, chúng ta phải có những kiến thức về di truyền,
về môi sinh, về những chất thải, về đời sống của thực vật, động vật… Có sự hiểu
biết về những mặt đó, chúng ta sẽ có ý thức tìm cuộc sống gần gũi với thiên
nhiên, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống chung quanh mình.
Ở phương
Tây, con người cũng dần dần quay về với thiên nhiên. Nếu trước kia, người ta chế
tạo những loại hóa dược để chữa bệnh thì bây giờ họ lại kết hợp chế ra những
loại thảo dược. Những loại thuốc tây có thể làm bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh
nhưng lại có những tác dụng phụ rất nguy hiểm. Trong khi đó, các loại thảo dược
vừa chữa được bệnh tật vừa tăng sức đề kháng cho cơ thể mà không gây phản ứng
phụ mặc dù thời gian có thể kéo dài hơn. Điều này đã được y học phương Đông áp
dụng từ xưa. Khi có triệu chứng bệnh, người ta thường tìm hiểu nguồn gốc căn
bệnh, xem những tạng phủ nào bị suy yếu, giảm sức đề kháng để tìm cách làm tăng
sức đề kháng lên. Như vậy, các loại thuốc được bào chế từ thảo mộc có thể chữa
bệnh tận gốc mà không tàn phá cơ thể như hóa dược. Cơ thể chúng ta được cấu tạo
từ những Protein rất phức tạp nên cấu trúc của cỏ cây thiên nhiên mới tương
thích hơn là cấu trúc phân tử đơn giản của hóa chất.
Thực ra, trong
thiên nhiên có sẵn những hoa cỏ, lá cây tương thích với sự phức tạp của cơ thể
con người. Chúng có thể điều chỉnh cơ thể của chúng ta một cách đúng mức, phù
hợp với thiên nhiên. Vì vậy, nếu càng tiến bộ, chúng ta càng phải biết gần gũi
với thiên nhiên, yêu quý thiên nhiên. Hơn nữa, là đệ tử Phật - những người có
lòng thương yêu muôn loài, lòng thương yêu sự sống đơn giản, lòng biết ơn sâu
sắc - chúng ta càng yêu quý thiên nhiên hơn.
3. TẠO KHUNG CẢNH THIÊN NHIÊN
Yêu thiên
nhiên, chúng ta phải tạo ra khung cảnh thiên nhiên hài hòa với sự sống của mình.
Với chúng ta, nếu được sống trong một ngôi chùa tọa lạc ở miền quê, gần gũi với
thiên nhiên, xung quanh có những đồng lúa mênh mông, được nghe những tiếng gà
gáy canh khuya hay mỗi đêm về sáng là một điều hạnh phúc. Có những người được
sống trong khung cảnh như vậy nhiều năm cảm thấy điều này thật bình thường.
Nhưng nếu phải sống trong thành phố lớn, luôn đối mặt với cuộc sống xô bồ, chúng
ta sẽ thèm nghe vô cùng những âm thanh quen thuộc của thiên nhiên. Vì vậy, dù ở
đâu, chúng ta cũng nên trồng cây xanh, trồng càng dày càng tốt. Hiện nay, môi
trường càng ngày càng ô nhiễm, chúng ta càng phải tích cực trồng cây
xanh.
Về chỗ ở, chúng ta nên chọn nơi rộng rãi, thoáng mát, đừng chọn nơi
chen chúc, chật chội. Có người thích sống ở thành phố nên chỉ cần mua một căn
nhà nhỏ, cất thêm một cái gác nhỏ, đặt bàn thờ Phật và gọi đó là chùa. Bước vào
những nơi như thế, người ta đâm ra hoang mang.
Chúng ta biết rằng, yêu
thiên nhiên là một tính chất tự nhiên của Đạo đức. Những người yêu thiên nhiên
là những người có Đạo đức. Hơn nữa, người tu hành chân chính theo đạo Phật luôn
thích sự tự do, giản dị và gần gũi với thiên nhiên.
Trong cuộc sống, nếu
phải chọn lựa giữa hai giải pháp: kỹ thuật và sinh học, chúng ta nên chọn giải
pháp sinh học vì giải pháp sinh học gần gũi với thiên nhiên hơn. Ví dụ, trong
chùa có đất trống, trừ những chỗ cần thiết phải tráng xi măng (giải pháp kỹ
thuật), chúng ta nên dùng giải pháp sinh học để bảo vệ nguồn đất (trồøng cỏ để
giữ đất ). Hiện nay, giải pháp sinh học đang được mọi người sử dụng. Ở những
đoạn đường mới đắp, người ta chỉ rải nhựa trên mặt cắt của con đường, hai bên bờ
thay vì xây đá kè, người ta trồng cỏ để giữ không cho lớp nhựa bị sụt
lở.
Trước kia, khi chưa hiểu tác dụng của cỏ, người ta rất căm ghét
chúng. Với người nông dân, bọn cỏ dại là kẻ thù. Họ cho rằng: “Công trồng là
công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Trồng được cây lúa, cây ngô chưa chắc đã có
ăn. Chỉ khi nhổ sạch cỏ, hoa màu lên tốt thì mới hy vọng đạt được kết quả.
Nhưng khi biết cỏ có vai trò vô cùng quan trọng đối với môi trường sinh thái,
người ta tạo điều kiện cho cỏ phát triển. Nhất là những nơi đất không màu mỡ,
nếu làm cho cỏ mọc càng dày, càng tốt. Vì chỉ một thời gian sau, nơi ấy sẽ xuất
hiện lớp đất màu, chúng ta có thể trồng được cây xanh.
Ngoài giải pháp
sinh học, chúng ta có thể dùng giải pháp thủ công. Chẳng hạn, muốn diệt chuột
ngoài đồng, bên cạnh việc sử dụng giải pháp kỹ thuật như điện hoặc dùng chất hóa
học như bã độc, keo dính, người ta còn đặt các loại bẫy (bẫy lồng, bẫy kẹp). Đây
là giải pháp thủ công vừa hiệu quả vừa không gây tác hại cho môi trừơng. ( ở đây
chúng ta chưa bàn đến vấn đề tội phước sát sinh của con người ).
Trong
cuộc sống, còn nhiều vấn đề khác liên quan đến giải pháp kỹ thuật hay sinh học
mà chúng ta phải chọn lựa. Ví dụ, để tô điểm cho cuộc sống, chúng ta nên dùng
hoa thật thay vì hoa giả. Hoặc để cây cối xanh tươi, chúng ta nên dùng phân hữu
cơ thay vì phân hóa học. Trong ăn uống, chúng ta nên để cho thức ăn có màu sắc,
hương vị tự nhiên thay vì dùng các loại phẩm màu hay bột ngọt v.v… Nói chung,
trong mọi trường hợp, nếu được chọn lựa, tốt nhất chúng ta nên chọn giải pháp
sinh học hoặc thủ công.
Ngoài ra, chúng ta cũng đừng nuôi chim trong
lồng, cá trong chậu vì vừa tạo nghiệp vừa phản thiên nhiên. Có người biện minh
cho việc nuôi chim, cá của mình là để được nghe tiếng hót vui tai, được nhìn đàn
cá bơi lội cho vui mắt và nơi ở có khung cảnh thiên nhiên. Thực ra, đó là việc
làm phản thiên nhiên. Vì với chim - cá, còn gì tự nhiên hơn, sung sướng hơn khi
được tung bay dưới bầu trời tự do, được tung tăng bơi lội trong dòng nước mát
lành. Đó mới chính là môi trường, là thiên nhiên của chúng. Nếu cứ tạo môi
trường thiên nhiên cho mình bằng cách tiêu diệt sự tự nhiên của loài vật, con
người sẽ tạo tội. Sau này, đôi khi không có tội gì cũng bị ở tù một cách oan
uổng. Đó là quả báo do kiếp trước nuôi chim trong lồng, nuôi cá trong
chậu.
Hiện nay, ở Âu Mỹ, chim thú rất gần gũi với con người. Những Phật
tử từng sống ở Mỹ kể rằng, có khi con người chỉ cần lấy tay gõ gõ mấy cái là
những con sóc đang sống trong hang sẽ bò ra để ăn cơm. Ở những nước phương Tây
tiến bộ, dần dần con người rất yêu quý loài vật. Họ không giết hại chúng nên con
người và con vật sống rất hài hòa. Nhiều người phương Tây sang Việt Nam tỏ ra
rất sợ hãi khi thấy trong các nhà hàng, người ta chế biến món ăn từ những con
ếch. Có khi đã chế biến xong, con ếch vẫn như còn sống trong tư thế đang
nhảy.
Điều hết sức khó hiểu là ở một chùa nọ, Thầy trụ trì rất có “sáng
kiến” khi cho xây bồn nuôi cá ngay dưới chánh điện thờ Phật. Khi lạy Phật, những
chú điệu cứ ngước lên, nhìn xuống xem những con cá đang bơi tung tăng trong hồ
nước. Là người tu, chúng ta phải yêu quý thiên nhiên, tôn trọng sự tự do của
muôn loài , không nên làm những điều như vậy.
Trong cuộc đời Đức Phật -
Đạo Sư của chúng ta- có bốn sự kiện trọng đại đều diễn ra tại rừng cây. Trước
hết, Ngài được sinh ra ở rừng cây. Theo tục lệ, gần đến ngày sinh nở, Hoàng hậu
Maya phải về quê của mình ở Devadaha. Nhưng khi đoàn người đi đến vườn Lâm Tỳ Ni
thì Hoàng hậu lâm bồn. Đức Phật đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Hình như Ngài
từ chối cung vàng điện ngọc để được ra đời nơi rừng cây xanh mát. Đến khi thành
đạo, Ngài cũng ở dưới cội cây Bồ đề. Lần thuyết pháp đầu tiên của Ngài lại diễn
ra tại vườn Nai. Nơi ấy có những chú nai chạy tung tăng, gần gũi với con người.
Những lần sau, thỉnh thoảng Ngài cũng thuyết pháp trong giảng đường nhưng lần
thuyết pháp đầu tiên đã diễn ra dưới rừng cây. Cuối đời, Ngài lại viên tịch tại
rừng cây. Tuy Ngài không nói nhưng bốn sự kiện lớn trong cuộc đời Ngài đã để lại
cho những người đời sau một thông điệp quan trọng.
Thông điệp đó là gì ?
Trước hết, chúng
ta phải thừa nhận rằng, Đức Phật có những lời dạy quan trọng mà Ngài không nói
thành lời. Nếu có đủ trí tuệ, chúng ta sẽ nhìn ra được những lời dạy đó qua
chính cuộc đời Ngài. Ở đây, chúng ta chỉ nói đến hai điều quan trọng mà Ngài để
lại. Thứ nhất là Thiền định. Trước khi nhập Niết Bàn, Ngài chỉ im lặng, nằm
nghiêng và bắt đầu nhập xuất từng mức định. Chúng không ai biết, nhưng những vị
Thánh tăng biết. Lúc ấy, Ngài Anurudha nói cho mọi người biết : Đức Thế Tôn vừa
nhập Sơ thiền, Đức Thế Tôn vào Nhị thiền, Đức Thế Tôn vào Tam thiền, Đức Thế Tôn
vào Tứ thiền, Đức Thế Tôn trở lại Tam thiền, Nhị thiền, Sơ thiền, Đức Thế Tôn
lại nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Đức Thế Tôn vào Niết Bàn. Tại sao Ngài
không nhập thẳng vào Niết Bàn như các Thiền sư mà phải nhập xuất nhiều mức định
như vậy ? Phải chăng, đó là lời dạy cuối cùng cực kỳ quan trọng mà Ngài muốn gởi
lại cho hậu thế ? Phải chăng Ngài muốn những đệ tử của mình phải thực hiện được
việc xuất nhập các mức Thiền định một cách tự tại như thế ? Nghĩa là người tu
Thiền muốn vào mức Thiền nào phải vào được mức Thiền đó. Làm chủ được như vậy,
tự tại được như vậy là chúng ta đã thực hiện thành công lời dạy của Ngài. Nếu
không, dù học hết bao nhiêu tạng Kinh điển, dù có thể giảng pháp thao thao bất
tuyệt, dù có thể ra nước ngoài tu học lấy đựơc bằng Tiến sĩ, chúng ta vẫn chưa
hiểu, chưa làm tròn đựơc di ngôn không lời cuối cùng của Đức Phật.
Vì
vậy, khi còn trẻ, chúng ta phải vừa học vừa cố gắng tu. Khi lớn lên, phải vừa
làm việc Đạo tạo công đức vừa nghiên cứu nhưng phải cố gắng tinh tấn tu tập
Thiền định để có thể xuất nhập các mức thiền một cách tự tại như hoài bão, như
thông điệp quan trọng mà Đức Phật đã để lại cho chúng ta trong giờ phút cuối
cùng thiêng liêng của cuộc đời mình.
Thông điệp quan trọng thứ hai chúng
ta có thể hiểu được qua bốn sự kiện trọng đại trong đời Ngài. Đó là việc Ngài
sinh ra, thành Đạo, giảng Pháp lần đầu tiên và viên tịch đều ở tại rừng cây.
Phải chăng, vì hiểu giá trị kín đáo mà lớn lao ẩn trong sự sống của cây rừng nên
Ngài muốn dạy chúng ta phải yêu quý thiên nhiên, phải gần gũi với thiên nhiên?
Vào thời Đức Phật, điều này không quan trọng lắm vì lúc đó rừng cây chưa bị tàn
phá. Nhưng bây giờ, khi rừng cây bị tàn phá quá nhiều, điều này đã trở nên bức
thiết. Hiểu thâm ý của Ngài và thực hiện lời dạy ấy, chúng ta sẽ thấy những lợi
ích lớn lao mà rừng cây đem lại cho sự sống của con người.
Bởi vậy, dù
sống trong thời đại mà khoa học kỹ thuật có những tiến bộ không ngừng, chúng ta
vẫn nhớ thông điệp không lời mà Đức Phật để lại. Khoa học kỹ thuật hiện đại có
thể giúp con người xây dựng những ngôi nhà lớn, có thể đem lại cho cuộc sống con
người đầy đủ tiện nghi nhưng chúng ta cố gắng đừng xa rời thiên nhiên. Lúc nào
chúng ta cũng giữ sự gắn bó với cây xanh để có thể tìm ra được những điều quý
giá từ nơi ấy.
4. SỰ TƯƠNG TÁC CỦA CÂY
XANH VỚI ĐỜI SỐNG TÂM LINH CON NGƯỜI
Cây xanh không chỉ giúp con
người duy trì sự sống mà còn có sự tương tác với con người trên lĩnh vực tâm
linh. Thật vậy, thực vật cũng có đời sống tâm linh, cũng có tình cảm và cũng
biết những gì xảy ra chung quanh. Nhưng cây xanh vốn thụ động, không thể biểu lộ
được phản ứng tâm lý của mình dù có biết, có phản ứng. Nếu chúng ta cầm dao định
chặt cây nào đó là toàn thân chúng có sự báo động. Hình như chúng cũng tỏ ra đau
khổ, van xin con người nhưng chúng ta lại không biết sự báo động, không thấy sự
van xin, sự đau khổ ấy.
Các phương pháp luyện ngãi cũng dựa trên nguyên
tắc tương tác tâm linh giữa người và thực vật. Vì cây xanh cũng có đời sống tâm
linh nên những thầy bùa đã khai thác đặc điểm đó bằng cách tìm cây ngãi - một
trong những loại cây có tâm linh đặc biệt hơn những cây khác - để luyện ngãi.
Đầu tiên, ông ta cho những cây ngãi ăn những thức ăn rất đặc biệt. Người ta nói
rằng, có loại ngãi được cho ăn bằng trứng gà, bằng cả con gà. Chỉ cần quăng vào
bụi ngãi một quả trứng hay một con gà, một lát sau chỗ đó chỉ còn lại vỏ trứng
hoặc lông gà.
Có người cam đoan rằng chính mắt mình đã từng trông thấy
những loại ngãi ăn bắp rang. Khi thầy bùa cho bắp rang vào những chậu ngãi nhỏ,
một điều lạ là mặt đất trên chậu ngãi đang bình thường tự nhiên có sự chuyển
động lên xuống và từ từ cuốn những hạt bắp vào trong lòng đất. Thầy ngãi nuôi
cây và cho ăn như vậy suốt mấy năm trời nên nó có sự biết ơn sâu đậm đối với
chủ. Đến lúc đó, ông ta mới luyện cách sai khiến tâm linh của cây theo mục đích
của mình. Vì tâm linh của cây xanh biết nhiều chuyện hơn con người, nếu muốn làm
thầy bói, ông ta sẽ luyện cây ngãi để biết trước mọi việc và bói cho người khác.
Khi thân chủ đến đặt quẻ, ông thầy khấn cây ngãi và nó sẽ báo cho ông biết quá
khứ của người ấy. Cứ thế, ông ta chỉ cần lặp lại theo những tiếng nói văng vẳng
bên tai. Hoặc muốn yểm, muốn thư ai, ông ta sai cây ngãi phát tâm linh đến hại
người đó khiến họ nhức đầu, đau bụng quằn quại v.v… chữa trị hoài không hết. Đó
là cách luyện ngãi. Nguyên tắc luyện bùa cũng vậy. Trong thế giới vô hình có
nhiều loại âm binh đói khát, thầy bùa chú tâm cúng cho họ ăn thường xuyên từ năm
này qua năm khác. Dần dần, xung quanh ông ta có cả một lực lượng âm binh, âm hồn
từng chịu ơn ông. Lúc bấy giờ, ông sai làm điều gì họ sẽ làm điều đó.
Vì
cây xanh có tâm linh nên khi sống lẫn với cây xanh và có lòng yêu quý cây, tự
nhiên con người dễ có trực giác hơn. Khi nhìn người khác, có người có thể biết
được người ấy như thế nào. Người ta gọi đó là sự tương tác tâm linh giữa cây
xanh và con người. Chính vì lòng thương yêu đối với cây xanh, con người được nó
truyền cho năng lực. Sau một thời gian, tâm con người trở nên minh mẫn hơn. Đây
là điều rất lạ. Vì vậy, những người đồng bào dân tộc sống ở vùng cao thường có
năng lực tâm linh rất mạnh. Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn gặp vài người ra chợ bán
thuốc nam. Họ có năng lực rất đặc biệt. Chỉ cần nhìn qua, họ có thể nói vanh
vách chúng ta đang bị bệnh gì, điều gì sẽ xảy ra với chúng ta trong thời gian
đến... Những người tu tập Thiền định nếu ở nơi chung quanh có nhiều cây xanh và
có lòng thương yêu, chăm sóc nó, sau một thời gian sẽ dễ nhiếp tâm hơn, vọng
tưởng khởi lên dễ biết hơn.
Sống giữa một thế giới ít cây xanh, tâm hồn
con người cũng sẽ cằn cỗi, khô khan. Vì vậy, đến một nơi có nhiều cây xanh, tự
nhiên chúng ta có cảm giác con người sống ở đó hiền lành, tử tế. Ở Phương Tây,
người ta rất yêu quý cây xanh. Có người kể rằng, chỗ một cây con đang vươn lên,
một công nhân ngành điện lực đến định chặt đi để đặt dây cáp ngầm. Nhưng một du
khách đi ngang đã cản lại. Người công nhân không chịu vì cho rằng mình làm theo
lệnh của cấp trên. Hơn nữa, đây cũng là việc công. Nhưng người kia đã nói một
cách cương quyết: “Có chặt thì chặt tôi chứ không được chặt cây”. Những người đi
đường, trong đó có một cô gái là minh tinh màn bạc, thấy vậy cũng dừng lại, vây
quanh người công nhân không cho người ấy chặt cây. Sống trong một đất nước văn
minh, con người có sự hiểu biết nên yêu quý sự sống, yêu quý thiên nhiên như
vậy. Và có lẽ nhờ thế mà họ cũng hưởng được nhiều phước hơn những nơi
khác.
Điều cuối cùng chúng ta phải thừa nhận là sống với rừng cây, tâm
hồn con người cũng sẽ yên tĩnh hơn. Đây là một nguyên tắc rất đúng nhưng phải
tinh tế chúng ta mới nhìn thấy được.
5.
TRỒNG RỪNG LÀ MỘT CÔNG ĐỨC LỚN.
Nói đến thiên nhiên, chúng ta
thường nghĩ ngay đến rừng cây.
Sở dĩ chúng ta kêu gọi mọi người trồng
lại những khu rừng lớn vì rừng cây có hai tác dụng. Trước hết, rừng tạo lại môi
trường sống. Rừng sẽ giữ được nước ngầm, chống được hạn hán, lũ lụt. Nhờ có
rừng, nước được giữ lại trên bề mặt, không bị tụt sâu vào lòng đất. Chính nước
trên bề mặt rất cần cho sự sống con người cũng như tất cả những sinh vật trên
Trái đất. Thực tế đã chứng minh điều đó. Tại một lâm trường nọ, sau khi trồng
một trăm mẫu rừng tràm, tự nhiên đất xung quanh biến thành ruộng nước. Người dân
ở đó đều trồng lúa. Sau một thời gian, người ta phải khai thác gỗ, cây xanh bị
cưa sạch, xung quanh lại biến thành đất cằn cỗi, khô khan. Như vậy, rừng cây có
tác dụng kéo nước lên sát bề mặt làm cho con người và muôn loài có được sự
sống.
Tác dụng thứ hai là rừng cung cấp Oxy cho con người, góp phần
thanh lọc không khí. Nếu cứ chặt phá rừng một cách bừa bãi, Oxy sẽ không còn
nữa, ngày tận thế sẽ đến với con người và muôn loài trên trái đất. Chúng ta yêu
thương loài người, yêu quý sự sống trên trái đất này thì phải cứu rừng, tạo lại
rừng cây xanh để giữ gìn sự sống cho muôn loài. Đó là công đức rất lớn. Mặc dù
chúng ta cũng làm nhiều công đức như cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lụt lội nơi
này nơi khác nhưng hiện nay, việc cực kỳ quan trọng là phải tạo lại rừng để cứu
thế giới. Thực ra, thiên tai xảy ra là do lỗi lầm của con người. Chúng ta có thể
giúp họ khắc phục phần nào khó khăn do thiên tai gây ra nhưng không bao giờ giúp
họ thoát được nỗi khổ khi họ vẫn tiếp tục sống sai lầm. Chỉ có cách giúp mọi
người sống có Đạo đức, cho họ niềm tin vào Nhân Quả đồng thời kêu gọi trồng lại
rừng…, chúng ta mới có thể giúp họ thoát khỏi những nỗi khổ đó.
Ngoài
việc tạo lại môi trường sống, giữ nước trên bề mặt, rừng còn có tác dụng tạo lại
sự tương tác tâm linh cho thế giới. Hiện nay, tâm hồn con người dần dần khô cằn
đi vì rừng cây ngày càng bị giảm bớt. Vì vậy, chúng ta phải tạo lại rừng cây để
nâng cao tâm hồn con người. Nếu có nhiều rừng cây xanh, đời sống tâm hồn con
người sẽ thay đổi, sẽ tốt hơn rất nhiều.
Hiện nay, chùa chiền được xây
dựng khá nhiều nên chúng ta không cần cất thêm những ngôi chùa to nữa. Việc quan
trọng bây giờ là phải trồng thật nhiều rừng vì thế giới đang cần rừng. Nhiều
người không khuyến khích thầy tu cất chùa mà khuyên nên trồng rừng. Lời khuyên
nghe hơi lạ nhưng rất có lý. Vì trồng rừng là một công đức lớn, trồng rừng quan
trọng hơn cất chùa. Chỉ những nơi có học viện, tập trung Tăng Ni đông, chùa cần
phải xây rộng rãi để tiện cho việc học hành, sinh hoạt của Tăng Ni. Còn các chùa
bình thường cũng thi nhau cất cho to, cho đẹp là dấu hiệu cho thấy Phật pháp suy
tàn.
Thời gian vừa qua, nhiều người đã nghiên cứu về các đạo giáo rất
công phu và thắc mắc không hiểu vì sao đạo Phật đời Lý, Trần rất hưng thịnh
nhưng sau đó suy tàn cho đến thời Pháp thuộc. Trong khi đó, có những đạo giáo ở
miền Tây chỉ trong vài năm đã thu hút hàng triệu tín đồ. Cuối cùng, người ta tìm
ra nguyên nhân là do việc cất chùa. Vào đời Trần, các vua (như vua Trần Anh
Tông) rất thích cất chùa. Họ nghĩ rằng mình được làm vua là do đời trước cất
nhiều chùa nên có công đức lớn. Năm đó, trong nước bị hạn hán, mất mùa nhưng nhà
vua vẫn cho người vào rừng đốn gỗ tiếp tục cất những ngôi chùa lớn. Những ông
quan xuất thân từ nhà Nho cho rằng lý luận và việc làm của những ông vua như vậy
là không đúng đạo lý nên đã chống đối kịch liệt. Với họ, việc cấp thiết trước
mắt là phải lo cho dân vì dân đang đói khổ. Bởi vậy, lúc bấy giờ đã phát sinh
một phong trào gọi là “nhà Nho chống đạo Phật” mặc dù người theo đạo Phật là
những vị vua đứng đầu thiên hạ. Cũng chính từ đó, tinh thần đạo Phật sa sút dần
cho đến thời Pháp thuộc. Sau này, đạo Phật được chấn hưng trở lại nhờ một số vị
cao Tăng. Nhưng thực chất, vì hoàn cảnh cấp bách, các vị cũng chỉ lo đi học để
nâng cao kiến thức, lo cất chùa, lo tổ chức Giáo hội chứ chưa thật sự đi sâu vào
sự tu .
Thực ra, đạo Phật nằm ở trong tâm con người chứ không nằm ở hình
thức. Đạo Phật chỉ tồn tại khi con người biết sống vị tha, thương yêu lo lắng
cho nhau chứ không tồn tại nhờ những ngôi chùa to mà bên trong Tăng Ni không hòa
hợp. Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng xây những ngôi chùa to là có nhiều
công đức. Trồng rừng mới là việc làm đem lại nhiều công đức lớn cho thế giới.
Tất cả đệ tử Phật, dù tại gia hay xuất gia, đều phải phát nguyện trồng thật
nhiều rừng.
Sống trên cuộc đời này, tất cả chúng ta đều mắêc nợ rừng. Từ
cái ghế ta ngồi, cái bàn ta viết, nhà cửa ta ở đến những công trình … , tất cả
đều làm bằng gỗ lấy từ rừng cây xanh. Vì vậy, chúng ta phải biết ơn rừng và phải
trồng lại rừng cây. Mặt khác, chúng ta phải biết hạn chế sử dụng gỗ. Nếu nơi nào
kêu gọi ủng hộ việc xây dựng chùa, chúng ta phải xem điều đó có thật sự cần
thiết hay không. Nếu cất chùa với mục đích thi đua, chạy theo hình thức, xa rời
tư tưởng của đạo Phật thì chúng ta không cần ủng hộ. Chúng ta chỉ nên ủng hộ
việc trồng rừng. Hiểu được lợi ích của rừng, có Thầy luôn dặn dò đệ tử của mình
ghi nhớ hai điều: Điều thứ nhất là không được cất chùa to. Điều thứ hai là khi
Thầy qua đời, đệ tử không được mua hòm, chỉ cần quấn một manh chiếu đơn giản rồi
đem chôn để đỡ tốn kém. Cái tâm ấy thật đáng trân trọng. Sau này, khi đi làm
Phật sự, nếu có nhiều Phật tử cúng dường tiền bạc, chúng ta không cần phải xây
thêm chùa mà nên tạo lại rừng cây. Công đức này lớn hơn việc cất những ngôi chùa
to. Vì trồng rừng là giữ lại sự sống cho thế giới. Điều này cũng có ý nghĩa như
bố thí thuốc men, tiền bạc, cơm gạo; cũng như thả phóng sinh chim,
cá…
Có thể những Kinh điển, những Kinh sách của đạo Phật từ trước tới
nay không nói đến điều này vì lúc bấy giờ, việc phá rừng chưa nghiêm trọng.
Nhưng ngày hôm nay, việc phá rừng đã diễn ra tràn lan đến mức báo động thì việc
trồng rừng, bảo vệ rừng là điều hết sức quan trọng. Chúng ta phải có thái độ đối
với việc phá rừng, phải thấy đó là tội ác chống nhân loại. Rất tiếc, hiện nay
nhiều người chưa ý thức đúng mức điều đó. Ngay đến những nhà lãnh đạo (Việt Nam
cũng như thế giới ) cũng chưa thấy được mức độ nguy hiểm của việc phá rừng nên
chưa triệt để trừng trị những kẻ phá rừng. Chừng nào những vị lãnh đạo của các
nước trên thế giới hiểu được phá rừng là tội ác chống nhân loại, chừng đó họ mới
có ý thức mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ rừng. Hiện nay, họ chỉ thấy tội ác chống
nhân loại ở việc cầm súng bắn giết con người. Họ không ngờ những người cầm cưa
máy vào rừng cũng là những người chống nhân loại. Vì thế, rừng sẽ còn tiếp tục
bị tàn phá và sự sống của con người còn tiếp tục bị đe dọa.
6. THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI THIÊN TAI
Ngày nay,
thiên tai thường xuyên xảy ra đe dọa cuộc sống của con người trên khắp thế giới.
Nguyên nhân chính là do thái độ sống của con người. Chúng ta đã có những sai
lầm, ích kỷ, sống ngược với thiên nhiên, phản thiên nhiên. Vì vậy, thiên nhiên
đã “trả thù” chúng ta. Đó là phản ứng tất nhiên, là quả báo mà chúng ta phải
chịu. Điều quan trọng là con người phải tự thấy nghiệp quả của chính mình và bắt
đầu bằng việc sửa chữa lối sống sai lầm cũ.
Nếu chỉ một vài người có ý
thức sửa chữa, điều chỉnh thái độ sống thì không đủ thay đổi tình hình thế giới
bây giờ. Chúng ta phải giúp nhiều người cùng hiểu. Nghĩa là nếu chúng ta biết
luật Nhân Quả thì phải làm sao tất cả những người khác cũng biết. Nếu chúng ta
biết sống đời vị tha, biết yêu quý thiên nhiên thì phải làm cho những người khác
cũng biết sống như mình. Khi thế giới có nhiều người sống đúng, nhiều người tin
Nhân Quả, nghiệp báo, sống vị tha yêu quý thiên nhiên, Trái đất này sẽ dần dần
bớt đi thiên tai. Bởi vậy, việc giáo dục làm lan truyền Phật pháp là một điều
rất quan trọng, còn việc đem tiền bạc cứu trợ những vùng bị thiên tai, lũ lụt
chỉ là tạm thời, có tính chất an ủi. Trách nhiệm của Tăng Ni hiện nay là phải
giáo dục Phật tử sống cho phù hợp với thiên nhiên và Đạo đức để bảo vệ thế giới.
Vì chúng ta là những người đã nhận được thông điệp yêu quý thiên nhiên, yêu quý
rừng cây của đức Phật.
Chúng ta phải góp sức bảo vệ Trái đất yêu quí
này. Người ta cho rằng, ngày xưa, những con khủng long đã tàn phá môi trường rất
khủng khiếp. Chúng vốn to lớn, ăn lá cây, tàn phá rừng cây. Có những con khủng
long còn ăn thịt đồng loại của mình. Vì thế, loài khủng long phải chịu quả báo,
tất cả đã bị diệt chủng. Có thể nói, ngày nay, loài người chúng ta cũng đang lặp
lại việc làm của những con khủng long. Nghĩa là cưa sạch rừng cây, bắt sạch cá
dưới biển, bắt sạch thú trong rừng và chuẩn bị đón nhận ngày tận thế. Là con
người, chúng ta không được ngu si nhắm mắt đi theo con đường của loài khủng
long. Chúng ta hãy làm việc của một con người thông minh có ý thức, có trách
nhiệm đối với thế giới.
Hãy yêu quý thiên nhiên, cứu lấy thiên nhiên, bảo
vệ rừng cây! Đó là lời kêu gọi khẩn thiết nhất mà chúng ta tha thiết gửi đến tất
cả mọi người.