1. ĐỊNH NGHĨA.
Khác với nhẫn
nhục là giữ lòng bình thản khi gặp những điều trái ý, nghịch lòng, nhường nhịn
có nghĩa là để dành quyền lợi tốt đẹp cho người khác. Nhường nhịn có nghĩa tương
tự như bố thí, đều nhường cái mình có cho người khác. Nhưng nếu xét một cách kỹ
càng, giữa hai khái niệm này vẫn có điểm khác nhau. Bố thí, theo ý nghĩa tổng
quát, thường là chia sẻ cái mình đang có cho người khác và vẫn còn lại phần nào
đó cho mình. Nếu trong tay có một triệu đồng, chúng ta có thể bố thí một phần ba
hoặc một nửa số tiền đó và mình vẫn còn lại phần nào. Trong khi đó, nhường nhịn
lại hàm nghĩa khác. Nếu nhường cho người khác rồi, chúng ta sẽ không còn
nữa.
Ví dụ, để quý Thầy tiện việc theo dõi giờ giấc học hành, một Phật
tử phát tâm cúng cho chùa mười cái đồng hồ. Trong khi đó, chùa có đến năm chục
người. Vì vậy, trừ những người đã có đồng hồ, số còn lại, quý Thầy chia đều từ
trên xuống dưới. Chúng ta nằm trong số những người được chia đồng hồ nhưng lại
sẵn sàng nhường cho người khác. Tuy hành động nhường lại ấy không rõ ràng như bố
thí ( vì đồng hồ không phải của mình ) nhưng rất đáng quý. Vì nhường cho người
khác nghĩa là chúng ta chấp nhận không còn trong tay vật ấy nữa. Do đó, so với
bố thí, nhường nhịn cao hơn và khó thực hiện hơn.
Chúng ta biết rằng,
trong thẳm sâu tâm hồn của mỗi người ai cũng bị tâm vị kỷ chi phối. Chính tâm vị
kỷ đã đưa đến những tham lam, sân hận, tranh giành lẫn nhau giữa con người với
con người vì điều chúng ta muốn, người khác cũng muốn. Đây là khuynh hướng
chung, cả thế gian này không ai có thể thoát ra được. Chính vì muốn giành giật
những điều tốt về mình nên chúng ta đụng chạm đến những ham muốn của người khác.
Đôi khi chỉ là một lời khen, một danh hiệu trong lớp học nhưng vì nhiều người
cùng muốn nên có sự tranh giành với nhau và sinh ra thù oán, chia rẽ. Con người
là như vậy. Và cả thế giới này, cả nhân loại này cũng vậy. Không biết bao nhiêu
triệu năm, bao nhiêu thế hệ đã đi qua, con người ta cứ đi tìm sự chia rẽ trong
oán thù vị kỷ như vậy. Chính vì thế, sẵn sàng nhường nhịn, dành quyền lợi tốt
đẹp cho người khác là một điều hoàn toàn không đơn giản đối với con
người.
Trong rất nhiều điều có thể nhường nhịn, có bốn điều được gọi là
ưu thế để lập hạnh nhường nhịn. Đó là : Địa vị, tiền bạc, danh dự và tình
cảm.
Trong cuộc đời một con người, khát khao địa vị được coi là nỗi
khát khao lớn nhất, mãnh liệt nhất. Để có được địa vị trong xã hội, con người có
thể làm nhiều điều tội lỗi: giành giậït, mưu hại lẫn nhau, tiêu diệt lẫn nhau.
Tất cả đều xuất phát từ cái chấp ngã quá lớn. Cái chấp ngã có quyền lực làm cho
người ta muốn được tôn vinh, muốn có quyền sai khiến được nhiều người khác,
nghĩa là muốn có địa vị. Vì là nỗi khát khao lớn của con người nên địa vị trở
thành một trong những ưu thế để lập được hạnh nhường nhịn. Có người chiếm ưu thế
ở vào địa vị đó nhưng sẵn sàng nhường cho người khác vì cảm thấy không cần
thiết. Trong phạm vi hẹp là một lớp học, sự nhường nhịn địa vị cũng có thể thực
hiện được. Chẳng hạn, trong số những người được đưa ra để chọn làm lớp trưởng,
chúng ta là người có ưu thế, có điều kiện nhưng lại từ chối vì muốn nhường cho
người khác. Đó là sự nhường nhịn về địa vị. Sau này lớn lên, đôi khi có duyên,
được giao chức gì đó trong giáo hội nhưng chúng ta không nhận mà nhường cho
người khác. Đó cũng là nhường nhịn địa vị. Thực ra, nhường nhịn địa vị là việc
rất khó. Điều này tùy thuộc vào mức độ Đạo đức của mỗi người. Phải có tâm vị tha
đến mức nào đó, chúng ta mới có thể nhường cho người khác những điều được coi là
khó buông xả trong cuộc đời.
Khi còn ở trong chúng, những cạnh tranh về
quyền lợi chưa nhiều ( chỉ đơn giản là vài lời khen, một ít vật dụng, một số tứ
sự cúng dường…), chúng ta có thể nhường nhịn nhau được. Nhưng một ngày nào đó,
khi đã lớn, quyền lợi nhiều gấp bội lần thì vấn đề nhường nhịn sẽ trở thành một
thử thách lớn đối với tâm hồn, đạo đức của chúng ta. Lúc ấy, chỉ có tâm hồn lớn
mới có thể vượt khỏi sự ràng buộc về vật chất của thế gian để nhường nhịn cho
người khác. Suy cho cùng, đạo đức con người không phải là vô hạn mà cũng có “cái
giá” của nó, có “trị số” của nó. Chỉ khi đối mặt với thử thách, chúng ta mới
biết đạo đức của mình có trị giá như thế nào. Có thể hiểu điều này một cách nôm
na qua một vài ví dụ đơn giản trong cuộc sống :
Một hôm, khi đang đi
trên đường, chúng ta tình cờ nhặt được một trăm ngàn đồng do ai đó đánh rơi. Nếu
nhặt được số tiền đó, chúng ta đem trả lại cho người bị mất thì có thể khẳng
định đạo đức của mình lớn hơn một trăm ngàn. Vì đạo đức có hơn số tiền đó,
chúng ta mới không cần đến nó.
Hoặc khi đang cùng huynh đệ làm vườn,
chúng ta phát hiện được một gói vàng, trong đó có ba lượng. Ngay lúc ấy, chúng
ta không nói cho ai biết mà lập tức đau bụng đòi về nhà. Theo bài học Tâm lý Đạo
đức thì nhặt được của rơi phải trả cho người đánh mất. Nhưng trên thực tế, số
vàng bắt được không phải nhỏ. Ba cây vàng ấy, nếu giữ lại có thể mua được một
chiếc xe gắn máy để đi lại làm Phật sự. Đó không phải vì mục đích cá nhân. Hơn
nữa, nếu trả lại cũng không biết trả cho ai trong khi chiếc xe cũng là vật rất
cần thiết. Chúng ta tìm mọi cách tự lý luận để giữ lại số vàng và cứ băn khoăn
mãi. Như vậy, giá trị đạo đức của chúng ta chỉ được tính bằng ba cây vàng thôi
vì chúng ta còn giằng co, lưỡng lự trước khi quyết định. Nếu giá trị đạo đức của
mình lớn hơn ba cây vàng đó, chúng ta sẽ nghĩ cách trả lại mà không hề băn
khoăn. Ngược lại, nếu giá trị đạo đức của mình nhỏ hơn, chúng ta sẽ lặng lẽ cất
số vàng đó và viện cớ này nọ xin Thầy về quê để thực hiện ý định của mình, không
cần phải thao thức nghĩ suy.
Chính vì vậy, chúng ta nói đạo đức con
người không phải vô hạn. Có người chỉ vì vài trăm ngàn có thể đánh mất tư cách,
đạo đức của mình. Có người vì hai, ba cây vàng hoặc có khi đến mười cây vàng mới
làm cho đạo đức gãy đổ. Nhưng cũng có những người bị thử thách nhiều hơn vẫn giữ
dược giá trị đạo đức của mình. Tất cả đều tùy thuộc vào tâm hồn, trí tuệ của
họ.
Chúng ta có nhiều cách để đánh giá tâm hồn, trí tuệ của con người.
Nhưng cách chính xác nhất là dựa vào thời gian họ suy nghĩ hay hướng về. Nghĩa
là căn cứ vào số lượng thời gian họ hướng về bao lâu, chúng ta có thể biết được
trí tuệ, tâm hồn họ lớn đến mức nào.
Ví dụ, người có tâm hồn, trí tuệ
bình thường, suy nghĩ của họ chỉ giới hạn trong vòng một vài ngày. Họ chỉ quẩn
quanh với những suy nghĩ về ăn uống, ngủ nghỉ, công việc... trong ngày hôm nay,
xa lắm là đến ngày mai. Người nhìn xa hơn một chút, thời gian được nghĩ đến có
thể một tuần. Trong tuần đến, mình sẽ học hành, làm việc gì, họ đã chuẩn bị từ
hôm nay. Có người lại nhìn đến một vài năm. Khi còn học năm thứ nhất của trường
Cơ bản Phật học, họ đã nghĩ đến chương trình của những năm sau. Ngoài việc cố
gắng hoàn thành tốt những môn đang học, họ còn tranh thủ thời gian mượn tài
liệu, nghiên cứu trước những môn sẽ học sau này. Có người lại nhìn xa hơn đến
năm, bảy năm sau. Bây giờ đang học Cơ bản, họ đã nghĩ đến việc học xong mình sẽ
làm gì? Lúc bấy giờ, mình nên tiếp tục học ở Học viện cao cấp để lấy bằng hay tu
tập thiền quán trong vài năm để củng cố đạo lực rồi mới tiếp tục học thêm
?…
Những người có tâm hồn lớn, trí tuệ lớn có thể suy nghĩ luôn chương
trình cho cả một đời. Hiện tại, đang còn đi học nhưng họ đã suy nghĩ, định hướng
cho tương lai. Nhìn thấy những vấn đề còn tồn tại trong đạo Phật, họ nghĩ sau
này sẽ cố gắng làm Phật sự cho thật tốt. Những điều tốt, họ sẽ phát huy, những
điều chưa tốt trong Phật pháp, họ sẽ tìm cách khắc phục để Phật pháp được hưng
thịnh. Làm sao để những đệ tử Phật ai cũng trở nên thánh thiện, hoàn hảo; những
tu sĩ trong Phật giáo đều là những người tốt, những người tự tại, giải thoát,
đều là những bóng cây che mát cho mọi người ? Họ băn khoăn, suy nghĩ và vạch ra
kế hoạch làm việc cho cả cuộc đời mình, một cuộc đời tận tụy vì Phật pháp. Đó là
người có trí tuệ lớn, có thể nhìn được đến cả một đời.
Những người có tâm
hồn, trí tuệ siêu việt không chỉ nhìn trong một đời này mà suy nghĩ có thể vượt
qua cả những kiếp sau. Đó là người có trí tuệ của bậc Thánh. Vì những vị Thánh
không bao giờ chỉ suy nghĩ lẩn quẩn trong kiếp con người mà luôn nhìn ra nhiều
kiếp luân hồi, có thể quán xuyến từ thời gian gần cho đến thời gian xa. Đang ở
kiếp này, các vị có thể nhìn luôn cả nhiều kiếp về sau và còn biết mình phải làm
gì một cách rất rõ ràng.
Có lần, một đứa bé chỉ mới 11-12 tuổi nhưng tự
nhiên nói với người khác một câu rất lạ:“Kỳ qúa, con người ta cứ sinh ra rồi lớn
lên làm việc đến già, đến chết, cứ lẩn quẩn như vậy hoài”. Qua câu nói, chúng ta
thấy trong đứa bé có tố chất của một bậc Thánh. Chỉ có bậc Thánh mới băn khoăn
về kiếp người, trăn trở về luân hồi, mới thấy con người đi từ kiếp này sang kiếp
kia, mới thấy cái vô nghĩa của một đời người, sinh ra lớn lên đấu tranh vất vả
để rồi cuối cùng lại trở về với cát bụi. Còn đa phần chúng ta đều bị vướng bận
bởi những lo toan cơm áo gạo tiền, những buồn vui, đau khổ trước mắt. Tâm chúng
ta khó vượt ra khỏi những điều tầm thường đó. Ai khen một câu, chúng ta phấn
khởi và nhớ hoài; ai chê một câu, chúng ta buồn khổ hết ngày này qua ngày khác.
Khi giàu sang, chúng ta cảm thấy vinh quang; khi nghèo khổ thì luôn buồn phiền,
tủi hận. Nghĩa là tâm hồn chúng ta luôn bị những thăng trầm trong cuộc đời chi
phối. Chúng ta không có con mắt trí tuệ có thể nhìn vượt ra khỏi kiếp người này
để thấy được những kiếp người khác. Nếu thấy được cái vô lý của kiếp người tại
sao cứ sinh tử, tử sinh, tự trong thâm sâu chúng ta sẽ có niềm mong mỏi, niềm
khát khao được giải thoát.
Ngẫm lại, chúng ta thấy việc Đức Phật từ bỏ
ngai vàng, nhường ngai vàng để đi tu cũng là hạnh nhường nhịn vĩ đại xuất phát
từ trí tuệ siêu việt của một vị Thánh. Xét hoàn cảnh lúc bấy giờ, điều này hoàn
toàn không đơn giản. Chúng ta có thể hiểu như thế này: Thời Đức Phật, vương quốc
Ấn Độ bao gồm nhiều tiểu quốc. Ở miền Bắc là vương quốc lớn, vương quốc Kosala.
Tiểu quốc Sakya của dòng dõi Sakya, dòng dõi Thích Ca, nằm ở phía Đông Bắc của
vương quốc Kosala này. Ngoài tiểu quốc Sakya, những nước kế bên đều là chư hầu
của vương quốc Kosala. Ngôi vị vua của các nước chư hầu, kể cả của dòng dõi
Sakya muốn tồn tại đều phải được sự đồng ý của đại vương Kosala. Vương vị của
vua Tịnh Phạn được nhiều người trong quần thần bầu lên và được đại vương Maha
Kosala chấp nhận. Sau đời vua Maha Kosala, vua Pasanadi ( tức vua Ba Tư Nặc,
người cùng trang lứa với Đức Phật ) kế vị. Ở tiểu quốc Sakya, việc truyền ngôi
vua cũng do hội đồng bầu lên và được đại vương Kosala đồng ý. Vì vậy, ngôi vua
không phải được mặc định mà luôn bị nhiều người nhăm nhe. Vua Tịnh Phạn là người
có bản lĩnh. Khi đã ở vào tuổi 40 mà chưa có con, ông cũng lo lắng. Nếu ông
không có con thì ngai vàng sẽ thuộc về những nhánh khác mặc dù cũng trong vương
tộc Thích Ca. Có thể một đại thần nào đó của ông sẽ được bầu lên làm vua khi ông
qua đời. Bởi vậy, khi sinh được Thái tử Sĩ Đạt Ta, ông vô cùng mừng rỡ vì nghĩ
rằng sẽ có người nối ngôi vua của mình. Điều đáng mừng hơn là ông nhìn thấy được
tính cách xuất chúng của Sĩ Đạt Ta. Trong khi đó, những đại thần chung quanh rất
thất vọng vì ngai vàng ở Sakya mà ai cũng lăm le giành giật bây giờ có khả năng
rơi vào tay Thái tử Sĩ Đạt Ta. Ngay từ khi còn nhỏ, tính cách của Sĩ Đạt Ta đã
quá siêu việt. Dung mạo Ngài lại đẹp đẽ, uy đức rực rỡ. Từ tướng đi, dáng đứng,
từ giọng nói, ánh nhìn…, Thái tử đều toát lên vẻ rực rỡ, uy nghi khiến ai cũng
cảm phục.
Hơn nữa, Ngài lại học rất giỏi. Bao nhiêu vị Thầy được mời
đến, Ngài đều lãnh hội được một cách sâu sắc, có khi còn hiểu hơn cả Thầy mình.
Ngài quả thật là người văn võ song toàn. Ngài càng lớn, người ta càng nhìn thấy
rõ rằng đây là người sẽ làm chủ tiểu quốc Sakya trong tương lai, không ai có thể
tranh giành được, thậm chí có thể mở mang bờ cõi rộng lớn hơn nhiều. Nhưng với
trí tuệ của một vị Thánh, vương vị của Sakya đâu đáng để Đức Phật của chúng ta
bận tâm. Cái nhìn của Ngài vượt ra khỏi những điều tầm thường đó. Từ khi còn
nhỏ, các vị trưởng lão Bà La Môn đã tiên đoán sau này Ngài sẽ là Chuẩn Luân
Thánh Vương, nghĩa là một người không chỉ làm vua tiểu quốc Sakya mà còn làm cho
tất cả những quốc gia chung quanh thần phục. Phước của Ngài đủ để Ngài làm chủ
một đế quốc vô cùng rộng lớn.
Dĩ nhiên, khi Ngài lớn lên, mọi người đã
nói cho Ngài nghe điều đó, nhất là vua Tịnh Phạn, vì nhà vua không muốn Ngài đi
tu. Ông muốn Ngài ở lại giữ ngôi vua và luôn luôn hy vọng, đúng như những lời
tiên tri kia, khi Ngài lên làm vua thì Sakya không còn là chư hầu của nước
Kosala nữa. Lúc đó, Ngài sẽ cai trị luôn nước Kosala, cả Magadhi, Magadha- hai
quốc vương rất rộng lớn bên cạnh. Tuy được vua Tịnh Phạn cũng như nhiều người
nhắc lại lời tiên tri đó với niềm hy vọng nhưng Ngài không vẫn màng đến. Ngài
thấy quyền chức cao sang chỉ là hạt bụi dính vào bàn chân. Trí tuệ của Ngài vượt
xa hơn những điều tầm thường đó nên Ngài đã từ bỏ Hoàng cung để đi tu. Ngài lặng
lẽ ra đi là muốn nhường ngôi vua lại cho người khác. Nếu vua Tịnh Phạn qua đời,
ngôi vua sẽ thuộc về một người nào đó trong dòng tộc Thích Ca. Vì con trai của
Ngài là La Hầu La lúc ấy còn quá nhỏ sẽ không làm được điều gì. Biết điều đó
nhưng Ngài vẫn không quan tâm. Trong Tứ Thập Nhị Chương, Ngài nói : “Cả thế gian
này là vô nghĩa”. Đúng vây, cả thế gian này đối với Ngài như cỏ rác, cát bụi có
gì đáng đâu. Ngài ra đi là để tìm đến những giá trị vĩnh cửu hơn, cao siêu hơn.
Ngài muốn để lại cái giá trị đó mãi mãi muôn đời cho tất cả chúng sinh, còn vinh
quang, quyền chức chỉ là cái gì đó vô thường, hư ảo.
Như vậy, mức độ
nhường nhịn đối với người khác phụ thuộc vào tâm hồn, đạo đức của chúng ta. Nếu
tâm nhỏ hẹp, chúng ta chỉ nhường được những điều nhỏ nhặt. Khi động chạm đến
những điều lớn, chúng ta sẽ đấu tranh đến cùng để giành cho bằng được. Chỉ có
những tâm hồn vĩ đại mới có thể khước từ tất cả, nhường hết tất cả cho người
khác, không giữ lại điều gì cho mình. Việc nhường nhịn ngai vàng, chẳng giành
quyền lợi cho mình, cho con cái, dòng họ mình của Đức Phật đã cho chúng ta bài
học lớn về sự nhường nhịn và về tâm hồn cao thượng của một con người. Với một
người có tâm hồn vĩ đại, không một điều gì của trần gian có thể trói buộc được.
Đức Phật đã chứng minh được điều đó. Chúng ta phải cố gắng noi gương Ngài trong
suốt cuộc đời tu hành của mình, không xem bất cứ điều gì quan trọng để phải bám
giữ, phải tranh giành với huynh đệ, với đồng loại mình dù chỉ là một tiếng tăm,
một tình cảm.
Ngoài địa vị, tiền bạc cũng là yếu tố quan trọng để lập
hạnh nhường nhịn. Chúng ta phải thừa nhận một điều, tiền bạc có vai trò rất quan
trọng đối với đời sống con người. Không ai có thể sống mà không nhờ vào vật
chất, tiền bạc. Thậm chí, có người còn nói “đồng tiền liền khúc ruột”, ai dứt
đồng tiền của mình ra cũng như dứt đi khúc ruột của mình, đau đớn không chịu
nổi. Vì vậy, với những gia sản phải đổ mồ hôi nước mắt, phải gửi cả tâm huyết
cuộc đời mình vào đó mới tạo dựng được, người ta không dễ gì nhường lại cho
người khác. Chính vì tiền bạc có ý nghĩa đối với con người như vậy nên nó đã trở
thành yếu tố quan trọng thứ hai để chúng ta tu tập hạnh nhường
nhịn.
Điều quan trọng thứ ba là danh dự. Chúng ta biết rằng,
danh dự không phải là cái gì thuộc về vật chất có thể nuôi sống được con người
như đồng tiền bát gạo, nhưng lại làm cho chúng ta thích thú, sung sướng. Nó có
thể đem lại cho con người cảm giác hạnh phúc. Sống giữa mọi người, chúng ta ai
cũng mong mình luôn được người khác nể phục, khen ngợi, không ai muốn mình bị
chê bai, khinh bỉ. Đó cũng là tâm lý bình thường. Nếu ai đã từng trải qua những
giây phút được khen thưởng bởi thành tích học tập của mình khi còn thơ ấu sẽ khó
quên được cảm giác sung sướng, phấn chấn, tự hào ấy. Khi đã trở thành người lớn,
mỗi khi tìm ra được một giải pháp thông minh để giải quyết những tình huống khó
khăn và được mọi người cảm phục, chúng ta cũng cảm thấy sung sướng vô cùng. Vì
vậy, không ít người muốn đạt được cảm giác đó đã nghĩ rằng cần phải thủ đắc,
phải chiếm đoạt danh dự về cho mình.
Cách đây khá lâu, trong
giới văn nghệ sĩ đã xuất hiện một tin đồn có liên quan đến vấn đề danh dự của
con người. Câu chuyện thực hư thế nào, cho đến nay vẫn chưa ai dám công bố. Đó
là sự kiện một nhà văn cho ra đời một tác phẩm khá hay và được nhiều người biết
đến. Dần dần, tác giả ấy được cất nhắc và giữ những chức vụ quan trọng trong Hội
nhà văn. Nhưng mấy chục năm sau, kể từ khi tác phẩm nổi tiếng đó ra mắt bạn đọc,
tác giả không viết được cuốn sách nào nữa. Điều này đã làm cho nhiều người hoài
nghi và đi tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề. Cuối cùng, người ta đồn ầm lên rằng,
cuốn sách kia không phải do chính tay nhà văn này viết mà là tác phẩm của người
bạn anh ta. Trong chiến tranh, nhà văn này có một người bạn chiến đấu rất thân
thiết. Chính người ấy đã viết tác phẩm này nhưng chưa kịp công bố thì qua đời.
Người bạn còn sống đã nhận đó là tác phẩm của mình và đưa đến Nhà xuất bản xin
giấy phép. Không ngờ, cuốn sách được đánh giá cao và được phổ biến rộng rãi. Thế
là, “tác giả”…giả trở nên nổi tiếng.
Nếu đó là câu chuyện có thật, chúng
ta thử nghĩ xem vì sao trước khi chết, tác giả kia đã giao lại tất cả những vật
dụng trong đó có tác phẩm văn học cho bạn mình ? Chắc hẳn, khi còn sống hai
nguời là bạn thân, từng đối xử tốt với nhau. Người được gọi là tác giả, trước
kia có thể đã nhường nhịn cho bạn mình những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống : khi
nhường nhau chén cơm, bát cháo, khi nhường viên thuốc lúc ốm đau…Nhưng trước sự
vinh quang, trước danh dự khi được làm tác giả của một tác phẩm nổi tiếng, ông
ta không thể chịu nổi nên đã giành về cho mình. Với ông, danh dự ấy quá lớn, ông
không đành lòng để cho bạn mình được hưởng một cách uổng phí trong khi người bạn
đã chết.
Như vậy, danh dự tuy không là gì nhưng con người rất khó bỏ
qua để nhường lại cho người khác. Trong cuộc sống, trước một danh dự sắp thuộc
về mình, nếu người nào sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi để người khác được sống
trong cảm giác sung sướng, hạnh phúc vì sự nổi tiếng, vì danh dự, người đó xứng
đáng được coi là người có hạnh nhường nhịn cao cả.
Yếu tố thứ tư được
gọi là ưu thế để lập hạnh nhường nhịn là tình cảm. Trong cuộc sống con người,
tình cảm được coi là lĩnh vực rắc rối, phức tạp nhất. Những vấn đề có liên quan
đến tình cảm đều rất khó giải quyết một cách rốt ráo vì đây là điều tế nhị. Thực
tế cho thấy, con người luôn có sự tranh giành tình cảm với nhau. Tất cả đều xuất
phát từ lòng ích kỷ. Khi thương ai, người ta thường muốn người đó chỉ thuộc về
mình. Không ai muốn người mình thương yêu đi chia sẻ tình cảm cho người khác.
Ngay trong một gia đình, khi cha mẹ thương người này nhiều hơn, người kia cũng
thấy lòng buồn tủi và đâm ra hờn dỗi. Khi lớn lên, quan hệ với bạn bè, lòng đã
biết “nhớ người dưng”, nếu thấy người mình thương trò chuyện với người khác,
không ai có thể chịu đựng nổi và lòng bắt đầu ghen tuông vô cớ. Người đời là
vâïy, ai cũng có sự ích kỷ trong tình cảm, lúc nào cũng muốn giành tình cảm về
mình chứ không muốn nhường cho người khác. Bởi vậy, thật hiếm khi chúng ta bắt
gặp ngoài đời một tình yêu cao thượng, yêu một người mà chấp nhận để người ấy đi
thương người khác rồi nhìn thấy họ hạnh phúc mà vui. Ngược lại, chúng ta chứng
kiến bao nhiêu bi kịch xảy ra ngoài đời xuất phát từ tình yêu. Không ít người vì
ghen tuông, vì giành giật người thương đã nói chuyện với tình địch của mình bằng
dao hoặc bằng acid.
Đó là chuyện ngoài thế gian.
Trong chùa, nếu không cẩn thận, người tu chúng ta cũng rơi vào sự ích kỷ trong
tình cảm. Chẳng hạn, khi được quý Phật tử mến mộ, hay lui tới gặp gỡ trò chuyện,
nếu ích kỷ, chúng ta chỉ muốn Phật tử giữ tình cảm đó cho riêng mình. Trong khi
đó, người không ích kỷ lúc nào cũng muốn san sẻ tình cảm, muốn Phật tử thương
yêu tất cả những huynh đệ của mình. Khi các Phật tử đến chùa, chúng ta nên tạo
điều kiện để huynh đệ khác có dịp gặp gỡ để Phật tử thương mến họ như đã từng
thương mến mình. Đó cũng là cách nhường nhịn, san sẻ tình cảm cho người
khác.
Vì tình cảm cũng là yếu tố quan trọng đối với con người và đôi khi
người ta phải tranh giành với nhau một cách khốc liệt như vậy nên nhường được nó
cho người khác là một điều rất khó. Nếu ai đó vẫn cho rằng bản chất của tình cảm
trên cuộc đời này là không thể sẻ chia thì chúng ta vẫn luôn tâm niệm phải biết
sống vì người khác. Khi cần thiết đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác,
chúng ta có thể nhường lại những gì mình đang có, kể cả những gì quý nhất. Sống
được như vậy là chúng ta đã thành tựu được hạnh nhường nhịn.
Nhường nhịn
thường có hai trường hợp. Có khi là nhường điều mình đang có sẵn cho người khác.
Cũng có khi đó là điều đang đến, mình có ưu thế để thủ đắc nhưng sẵn sàng nhường
lại cho người.
Trường hợp thứ nhất, nhường cái gì mình đang có sẵn, cũng
có ý nghĩa như bố thí, cúng dường. Chúng ta đang sở hữu một vật và khi nhường
cho người khác thì vật ấy không còn nữa. Ví dụ, chúng ta có một cuốn sách phục
vụ cho việc học. Cuốn sách quan trọng nhưng rất hiếm, cả lớp chỉ có được vài
cuốn. Cảm thấy nếu giữ riêng chỗ mình, hằng ngày huynh đệ đến mượn để tham khảo
rất bất tiện nên chúng ta liền nhường lại cho một huynh đệ nào đó vì chỗ người
này có kệ sách đàng hoàng, các huynh đệ khác đến tham khảo tiện hơn. Như vậy, vì
lợi ích của mọi người, mình sẵn sàng nhường cái mình đang có.
Trường hợp
thứ hai khó hơn một chút, nhường cái đang đến với mình cho người khác. Ví dụ,
vào một buổi chiều đẹp trời nào đó, một Phật tử đến chùa phát tâm cúng dường một
cái đồng hồ. Người ấy cũng chưa biết rõ sẽ cúng cho ai nhưng vì gặp chúng ta đầu
tiên nên họ có ý định cúng luôn. Như vậy, chúng ta là người có ưu thế để nhận
món quà ấy. Nhưng nghĩ mình không có gì đặc biệt để xứng đáng nhận chiếc đồng hồ
trong khi cũng không cần lắm ( vì trong phòng đã có đồng hồ lớn ) nên chúng ta
từ chối, đề nghị Phật tử cúng dường cho người khác cần hơn. Đó là nhường cái
đang đến cho người khác ( trong khi mình không có ).
2. Ý NGHĨA ĐẠO ĐỨC CỦA HẠNH NHƯỜNG NHỊN.
Nói đến hạnh nhường nhịn, chúng ta hiểu ngay đây là vấn đề mang ý
nghĩa Đạo đức. Vì vậy, chúng ta không cần chứng minh vì sao nhường nhịn là Đạo
đức mà chỉ cần nhận định ý nghĩa Đạo đức của công hạnh này.
Trước hết,
nhường nhịn gần giống với hạnh bố thí. Điều này cũng dễ hiểu vì từ cái đang có
hay sắp có, mình nhường cho người khác để không có nữa. Đó là biểu hiện của Đạo
đức, của tâm không vị kỷ.
Thứ hai, nhường nhịn cần có gốc tình thương. Vì
phải thương yêu được người khác, chúng ta mới có thể nhường những ưu thế mình có
cho họ. Nếu không thương yêu, dù ở ngoài đời hay trong Đạo, chúng ta cũng không
thể nhường nhịn cho ai. Một khi đã nghĩ đến người khác, đã quý trọng thương mến
họ, chúng ta sẵn sàng nhường cho họ những quyền lợi mình có. Khuynh hướng của
lòng thương yêu là muốn cho người mình thương được tốt đẹp hơn, được nhiều thuận
lợi hơn. Quyền lợi càng lớn, tình thương càng phải lớn hơn, chúng ta mới có thể
nhường được. Nếu tình thương nhỏ hơn quyền lợi, chúng ta không bao giờ lập được
hạnh nhường nhịn.
Với người tu chúng ta, được Trụ trì một ngôi chùa to
cũng có thể coi là quyền lợi lớn. Nếu Phật tử nào đó đến cúng một ngôi chùa to
và mình là người được Thầy chọn về làm trụ trì, chúng ta khó có thể nhường cho
người khác vì quyền lợi quá lớn trong lúc mọi người trong chùa ai cũng ước mơ có
được điều đó. Nhưng chúng ta thấy trong hàng huynh đệ còn có một người có đạo
đức, độ lượng xứng đáng được hưởng quyền lợi này. Trong quá trình sống với nhau,
chúng ta được người ấy thương yêu, nâng đỡ từng chút. Mặc dù học giỏi hơn và
được Thầy chọn làm trụ trì nhưng chúng ta vẫn tìm cách thưa với Thầy, xin Thầy
cho Sư huynh trụ trì và mình nguyện về đó làm Tri sự giúp Sư huynh. Như vậy,
được trụ trì ngôi chùa to là một quyền lợi lớn nhưng tình thương đối với Sư
huynh còn lớn hơn nên chúng ta sẵn sàng nhường lại. Chính vì vậy, chúng ta nói
rằng nhường nhịn cần cái gốc tình thương.
Để thành tựu được hạnh nhường
nhịn, chúng ta phải là người ít tham muốn, ít tham vọng và nhẹ ngã chấp. Ở đây,
chúng ta cần phân biệt rõ hai khái niệm: tham muốn và tham vọng. Cả hai đều là
tham, nhưng tham vọng là tham những điều lớn ( thường là về địa vị, quyền lực,
danh tiếng…), còn tham muốn là tham những điều nhỏ nhặt, gần gũi trong cuộc
sống. Vậy, muốn nhường nhịn được, hai cái tham này phải tồn tại rất ít trong con
người. Lúc nào cũng thấy tâm hồn nhẹ nhàng tự nhiên, không vướng bận, không ham
muốn điều gì cho mình, chúng ta sẽ dễ dàng nhường nhịn cho người khác. Từ những
cái nhỏ nhặt như một cây viết đẹp, một chiếc đồng hồ đến những cái lớn lao hơn
như chức vụ trong Giáo hội…, trong thâm tâm chúng ta không muốn nó là của mình
nên sẵn sàng nhường lại cho huynh đệ.
Người nhiều tham muốn luôn luôn
mong mỏi có được nhiều thứ. Do đó, tâm họ rất mệt mỏi, phiền muộn. Vì họ phải
luôn tranh giành, suy tư, vọng tưởng, tìm đủ mưu kế để có thể thu được mọi quyền
lợi về mình. Trong khi đó, người tu hành chân chính, lòng nhẹ nhàng như mây, như
gió không màng đến danh lợi. Người ít tham muốn, ít tham vọng chắc chắn sẽ có
ngã chấp rất nhẹ. Khi gặp chuyện gì cũng nhường cho người khác, họ sẽ không giận
hờn, không nổi sân khi bị người khác xúc phạm.
Ngoài những yếu tố trên
(có tình thương, ít tham muốn, ít tham vọng, chấp ngã nhẹ), chúng ta biết nhường
nhịn còn do có suy nghĩ đúng. Ví dụ, nhân mùa Phật Đản, quý Phật tử mang vải vào
cúng dường chùa. Chúng ta là người trực tiếp đứng ra nhận số vải đó và biết rất
rõ, so với số Thầy trong chùa thì vải cúng dường thiếu một phần. Biết rằng, nếu
chia đều từ trên xuống dưới, thế nào chúng ta cũng được một phần vì là người
chúng lớn nhưng chắc chắn sẽ có một người không được nhận nên chúng ta đấu tranh
tư tưởng hoài đến không ngủ được. Nếu nhường cho người khác thì chúng ta không
có. Nếu im lặng, chúng ta vẫn được một xấp vải, người khác không có đành chịu,
nhưng lương tâm ta không cho phép làm như vậy. Cuối cùng, chính suy nghĩ đúng
đắn đã giúp chúng ta nhường nhịn cho người khác một cách dễ dàng.
Thứ
nhất, chúng ta nghĩ rằng, nếu mình không nhận thì các huynh đệ sẽ được nhận đủ,
ai cũng vui vẻ. Thứ hai, tuy không được bộ quần áo mới nhưng những bộ cũ của
mình vẫn còn tốt. Mình chưa cần lắm nên nhường cho người khác cần hơn. Vả lại,
không có vải, mình sẽ biết chủ động tiết kiệm vải vóc. Mặt khác, chúng ta nghĩ
rằng, là người đầu tiên biết vải thiếu mà không làm gì để người khác chịu phần
thiếu đó thì không xứng đáng với đạo đức của người xuất gia. Và đây cũng là dịp
thử thách đạo đức của mình… Sau khi suy nghĩ như vậy, chúng ta quyết định không
nhận phần của mình nhưng vẫn không nói cho ai biết vì nếu nói ra, chúng ta sẽ là
người khoe khoang điểm tốt của mình. Điều đó hoàn toàn không hay. Hơn nữa, không
nói ra là chúng ta muốn huynh đệ yên tâm, vì nếu biết chúng ta không có phần,
những huynh đệ sẽ áy náy, sẽ rơi vào tâm trạng bất an. Đó là trường hợp nhờ suy
nghĩ đúng mà chúng ta biết nhường nhịn.
Hoặc khi được Thầy cử làm người
đại diện cho trường đi dự một đại hội về Phật giáo, chúng ta cứ băn khoăn không
biết có nên nhận danh dự đó hay không. Vì hơn ai hết, chúng ta rất hiểu bản thân
mình. Tuy học giỏi và cũng có phần lanh lợi hoạt bát nhưng xét kỹ, chúng ta thấy
mình chưa thật sự có uy đức. Trong đời sống, có những điều chúng ta nói vẫn chưa
thuyết phục được huynh đệ. Nếu trước đại hội, những ý kiến phát biểu của chúng
ta không hay sẽ hưởng đến uy tín của trường. Vì vậy, chúng ta đã xin Ban giám
hiệu cho huynh đệ khác đi thay. Có thể về tài năng, người ấy không bằng mình
nhưng chắc chắn họ có uy đức lớn hơn. Trong cuộc sống, huynh đệ ấy đã từng nhiều
lần nói điều gì cũng được người khác nghe theo. Như vậy, do suy nghĩ đúng, chúng
ta đã nhường danh dự cho người khác.
Điều cuối cùng là do sức định nên
chúng ta có thể nhường nhịn một cách dễ dàng. Người có định, trong tâm thường
không có gì. Thực ra, định có nhiều lớp. Ở lớp đầu tiên, người vừa mới được định
nhìn vào thấy tâm mình không có gì nhưng sự thật bên trong vẫn còn ẩn chứa những
phiền não. Khi định sâu hơn, phá được nhiều phiền não, người tu sẽ thấy trong
tâm không có gì. Chính chỗ tâm không có gì đó làm cho chúng ta biết đây là vốn
sống, là điều đi ngược lại quan niệm sống của con người. Vì khi tâm chưa định,
chúng ta nghĩ hạnh phúc là đạt được những gì cần phải có. Nhưng khi đã được
định, thấy được hạnh phúc của cái không có gì, chúng ta mới hiểu từ trước đến
nay mình đã có quan niệm sai lầm. Người hiểu chính cái không có gì lại là hạnh
phúc thì sẽ nhường nhịn được rất tự nhiên, dễ dàng. Chuyện gì đến, họ không muốn
nắm giữ vì sợ phiền toái. Trong khi đó, để tâm rảnh rang, họ thấy khỏe hơn
nhiều.
Người có định, tâm không ở trong đầu mà chan hòa khắp nơi. Điều
này chúng ta đã nói đến trong bài Hòa hợp. Người không có định, khi nhìn mọi
người sẽ thấy mình và họ khác nhau. Nhưng người có định, tâm phủ hết mọi người
nên thấy mình và người không khác nhau. Cái mình có cũng như người ta có và
người ta có cũng như mình có, không hơn thua, không tranh giành. Vì thế, khi
quyền lợi đến, họ nhường cho mọi người một cách dễ dàng, không giữ lại gì cho
bản thân mình.
Như vậy, cái định có khả năng làm cho chúng ta dễ buông
xả, nhường nhịn và làm thành Đạo đức.
3.
SỰ NHƯỜNG NHỊN - YẾU TỐ QUAN TRỌNG ĐƯA ĐẾN SỰ HOÀ HỢP, ĐOÀN KẾT, THÂN ÁI.
Nói sự nhường nhịn là yếu tố quan trọng đưa đến sự hòa hợp, đoàn
kết thân ái vì trước hết, nó giống với bố thí, có thể giúp chúng ta kết duyên
lành với người khác. Hay nói cách khác, nhường nhịn làm cho người ta quý mến,
thọ ơn mình. Ví dụ, chúng ta có một món đồ đẹp nhưng thấy người bạn thích quá
nên nhường cho họ. Khi nhận món quà mình nhường lại, chắc chắn người bạn sẽ
thương quý mình hơn. Hành động nhường nhịn ở đây cũng giống như bố thí vậy. Đó
là kết duyên lành với người khác.
Một Thiền sư nói rằng : Khi một người
đã đắc đạo thì nên đi kết duyên với chúng sinh để sau này giáo hóa. Nhiều khi ra
ngoài, gặp ai đó, mình chửi mấy câu cho người ta chửi lại cũng là kết duyên để
sau này giáo hóa. Thực ra, Bồ Tát không làm như thế. Bồ Tát chỉ kết duyên lành
để sau này khi gặp lại, chúng sinh thương mến mà nghe mình giáo hóa chứ không
bao giờ kết duyên dữ với chúng sinh. Sự nhường nhịn là cách tốt nhất để kết
duyên lành. Sống với nhau trong một đại chúng, người này biết nhường nhịn người
kia sẽ tạo thành duyên lành với nhau. Mọi người sẽ nhìn nhau bằng ánh mắt thương
mến, tạo nên sự đoàn kết, thân ái.
Sống trong cuộc đời này, con người đã
đấu tranh khốc liệt để giành giật với nhau từng quyền lợi. Sự đấu tranh đó dù
công khai hay ngấm ngầm đều xuất phát từ lòng vị kỷ. Có khi thấy người khác được
mọi người thương mến, dù không nói ra nhưng trong lòng mình nảy sinh sự ganh
ghét. Khi có cơ hội, mình sẽ nói xấu một cách bí mật để hạ uy tín của họ. Đó là
sự cạnh tranh ngấm ngầm. Hoặc có khi sự cạnh tranh diễn ra công khai hơn, khốc
liệt hơn. Nhìn vào một số quốc gia trên thế giới mỗi kỳ bầu cử Tổng thống, Thủ
tướng…, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Họ tìm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của dân
chúng để giành địa vị, quyền chức cho mình, kể cả mạt sát, nói xấu đối tượng
cùng ra tranh cử. Những lúc như vậy, họ không cần che giấu tham vọng cũng như ý
đồ của mình. Họ chỉ biết đấu tranh quyết liệt, không lịch sự, không nhường
nhịn.
Giữa thế giới đầy sự cạnh tranh khốc liệt như vậy, người biết
nhường nhịn tự nhiên thoát ra ngoài một cách an nhiên, tự tại. Đó cũng là một sự
giải thoát. Cứ nhìn hình ảnh những con chó đang đùa giỡn với nhau bỗng quay ra
cắn xé lẫn nhau khi có người quăng cho một khúc xương, chúng ta sẽ giật mình
nghĩ đến thân phận làm người của mình. Lúc bình thường, mọi người đều sống với
nhau rất vui vẻ. Nhưng đứng trước một quyền lợi nào đó (tiền bạc, danh dự, địa
vị…), họ bắt đầu nhìn nhau bằng ánh mắt khó chịu, nghi kỵ lẫn nhau và tìm mọi
cách giành giật quyền lợi về mình. Cuộc đời này là như vậy. Trong vòng luân hồi
sanh tử quay cuồng, vị Thánh giải thoát là người bước ra khỏi vòng sanh tử một
cách an nhiên tự tại. Trong hiện tại, chúng ta chưa đủ sức để bước ra khỏi vòng
sanh tử nhưng nếu có đạo đức, biết nhường nhịn, chúng ta sẽ bước ra khỏi guồng
quay khắc nghiệt của cuộc đời một cách nhẹ nhàng thanh thản như hình ảnh của
người được giải thoát. Và khi đã nhường nhịn, tự nhiên chúng ta không còn là đối
tượng của sự ganh tỵ nữa.
Chúng ta đã biết, sống trên cuộc đời này, con
người rất cần tình thương. Không ai có thể sống cô đơn, không cần sự tương quan,
giao lưu với người khác. Mỗi người đều có trái tim khao khát tình thương yêu,
luôn mong muốn được yêu thương người khác và được người khác thương yêu mình. Đó
chính là hạnh phúc lớn lao nhất của con người. Bởi vậy, người có Đạo đức luôn có
ý thức xây dựng tình đoàn kết thân ái giữa người và người. Nếu ai phá sự hòa
hợp, phá tình đoàn kết giữa người và người, nhất là trong Tăng chúng, sẽ phạm
tội rất nặng. Trong năm tội lớn được nhắc đến trong đạo Phật có tội phá hòa hợp.
Trong phạm vi hẹp, đó là phá sự hòa hợp Tăng chúng, làm cho Tăng chúng chia rẽ.
Nhưng hiểu rộng hơn, đó là phá đi sự đoàn kết giữa người và người. Chuyện đó có
thể được coi là tội ngũ nghịch, là đại tội.
Trái lại, người xây dựng được
sự hòa hợp cho Tăng chúng, phước sẽ rất lớn. Có nhiều cách xây dựng sự hòa hợp
giữa người và người, giữa Tăng chúng với nhau nhưng cách tốt nhất vẫn là nhường
nhịn. Nếu ai cũng biết nhường nhịn, không tranh giành với nhau điều gì thì Tăng
chúng sẽ vui vẻ, hòa hợp. Chúng ta có thể lấy một ví dụ đơn giản như sau: Một
hôm, trong Tăng chúng bầu ra một người giữ chức gì đó nhưng ai cũng muốn nhường
cho huynh đệ mình. Người này nhường qua, người kia nhường lại. Cuối cùng cũng
chọn được một người nhưng người được bầu cũng không muốn giữ chức đó. Vì thế,
tuy cũng có người giữ chức cao hơn, có ưu thế hơn nhưng trong Tăng chúng không
có sự chia rẽ vì trong thâm tâm, ai cũng muốn nhường điều tốt cho người khác,
không ai là đối tượng ganh tỵ của ai.
Như vậy, chỉ cần có tâm nhường
nhịn, chúng ta đã tạo được công đức vô cùng lớn vì xây dựng được hòa hợp cho đại
chúng. Các cư sĩ cũng vậy, muốn giữ tình thân ái giữa người và người, phải biết
nhường nhịn lẫn nhau.
Để dễ được thiện cảm với người khác, một điều nữa
cần lưu ý là chúng ta luôn nhận phần ít hơn và đứng ở chỗ thấp hơn. Nếu trong
đám đông, chúng ta luôn chen lấn để được đứng trước mọi người thì sẽ gây cho họ
cảm giác khó chịu. Vì việc giành vị trí tốt ấy khiến người ta nghĩ rằng mình
muốn nổi bật và muốn hưởng quyền lợi nhiều hơn. Lúc ấy, người ta sẽ không có
thiện cảm với mình, sẽ coi thường mình. Trong khi đó, nếu cứ tìm một chỗ đứng
khiêm tốn, cứ nhận phần thiệt thòi nhất, tự nhiên chúng ta sẽ được mọi người
thương mến. Đó cũng là một kinh nghiệm sống rất hay mà mỗi người cần phải học
hỏi.
4. NHỮNG ĐIỀU TỒN TẠI TRONG TĂNG
ĐOÀN.
Hiện nay, trong Tăng đoàn cũng có nhiều điều để các thầy
cạnh tranh với nhau rất khốc liệt. Trong đó, tín đồ cũng là đối tượng cạnh tranh
ngấm ngầm giữa các thầy và các chùa vì đó là nguồn lợi và cũng là danh dự. Chùa
nào hoặc thầy nào có đông tín đồ cảm thấy mình vẻ vang hơn, nổi tiếng hơn. Nếu
muốn xây chùa to, họ sẽ có được nhiều người đóng góp hơn, đời sống cũng thuận
lợi hơn… Nói ra điều này, chúng ta cảm thấy đau lòng nhưng đó là sự thật không
thể phủ nhận được. Đôi khi muốn giành Phật tử về mình, có thầy đã tìm cách hạ
danh dự của thầy khác. Nhiều khi thầy này còn tỏ ra khó chịu khi nghe Phật tử đã
quy y với chùa khác. Đây chính là nguyên nhân làm chia rẽ Phật pháp. Những người
như vậy về sau sẽ mất tất cả, vì nếu gặp người có trí tuệ, họ sẽ đánh giá ngay
đó là người không tốt, vừa gặp mặt đã nói xấu người khác. Đó là nguyên nhân gần.
Xa hơn nữa, người hay nói xấu người khác sẽ bị quả báo. Sau này, chính mình phạm
rất nhiều điều tồi bại, mất danh dự, mất tất cả, không còn ai coi trọng mình
nữa. Theo luật Nhân Quả, chỉ có những người luôn nhường cho người khác sau này
sẽ được tất cả mọi điều. Tất nhiên, không phải ai nhường nhịn cũng vì muốn được
tất cả sau này, mà nhường nhịn chỉ vì tình thương yêu, nhưng quả báo sẽ như
vậy.
Để tạo không khí hòa hợp trong Phật pháp, trong buổi lễ quy y, Thầy
bổn sư nên căn dặn Phật tử ghi nhớ quy y Tăng là quy y muời phương Tăng. Tuy
chỉ quy y với một Thầy bổn sư nhưng quý Phật tử đều phải đến nương tựa, học
hỏi, thừa sự, cúng dường bất cứ nơi nào có Thầy, Cô tu hành chân chính. Ngay cả
trong giáo lý, không phải lúc nào chúng ta cũng đồng quan điểm với mọi người.
Nhưng dù bất đồng quan điểm, chúng ta cũng không được phép vì thế mà tạo sự chia
rẽ trong Phật pháp. Điều gì chưa thống nhất, chúng ta nên góp ý, xây dựng với
nhau bằng tình thương yêu, không được chê bai, dè bĩu, nói xấu để dẫn đến chia
rẽ.
Chức vụ trong Giáo hội cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người
trong đạo đấu tranh giành giật lẫn nhau. Một vài nơi, người ta tìm cách đấu
tranh, hành động ngấm ngầm bên trong, mua chuộc chính quyền để giữ được chức gì
đó trong Giáo hội. Trong khi đó, những Thầy thực sự có năng lực, đạo hạnh lại
không muốn giữ chức gì cả. Hiện nay, trong Giáo hội cũng có những người tốt, lo
được cho Tăng Ni nhưng trường hợp này rất ít. Đây cũng là điều đau lòng còn tồn
tại trong Phật giáo.
Địa vị trụ trì trong Phật giáo cũng vậy. Sau vị
khai sơn ban đầu, vị trí trụ trì cũng là điều cạnh tranh dữ dội giữa các huynh
đệ. Khi vị Thầy lớn đã viên tịch, những huynh đệ ngang hàng với nhau ai cũng
muốn mình là người thay Thầy giữ chức trụ trì. Đây cũng là điều khó xử. Câu
chuyện về Thầy Thiện Phát, từng giữ chức trụ trì chùa Thường Chiếu, cũng là bài
học về sự nhường nhịn. Trước kia, khi còn ở dưới miền Tây, do là người đức độ
nên Thầy được Sư phụ giao lại chùa để trụ trì khi Sư phụ tịch. Lúc bấy giờ,
trong chùa chỉ có hai huynh đệ. Nhưng người Sư đệ quyết vận động Phật tử đấu
tranh để giành chùa. Vừa thấy được ý đó của Sư đệ, trong một đêm tối trời, Thầy
đã rời khỏi chùa trong tay chỉ có một tay nải với một vài bộ quần áo. Thầy không
muốn xảy ra tình trạng tranh giành, nói xấu lẫn nhau nên để cho Sư đệ ở lại trụ
trì chùa. Sau đó, Thầy tiếp tục đi học. Nhưng người có đạo đức, nhất là có tâm
nhường nhịn thường có phước nên đi đâu cũng được trọng vọng. Còn vị Sư đệ kia ở
lại với chức trụ trì ngôi chùa đó đã làm những điều xằng bậy, vì người ấy trụ
trì xuất phát từ tâm xấu, từ tâm tranh giành, chiếm đoạt. Một khi khởi điểm
không tốt, người ta sẽ tiếp tục làm những điều không tốt. Đó là lẽ đương
nhiên.
Hiện nay, Giáo hội thường mở những khoá tập huấn trụ trì để các
vị Thầy trụ trì có thêm kiến thức, có thêm quan điểm làm việc đạo tốt hơn. Đây
cũng là điều tốt. Nhưng nếu không cẩn thận, việc làm này dễ nảy sinh tiêu cực.
Vì sau khi kết thúc khoá học, trong tâm ai cũng ước mơ sau này được làm trụ trì.
Nhiều thảm cảnh của Phật giáo xảy ra bắt đầu từ đó. Ví dụ, trong lớp có 50 học
Tăng, ai cũng mơ ước sau này mình trụ trì một ngôi chùa. Nếu điều đó thành hiện
thực nghĩa là phải xây thêm 50 ngôi chùa nữa. Phật tử làm sao có đủ khả năng để
xây thêm 50 ngôi chùa như thế ? Hơn nữa, nếu ai cũng mong được làm trụ trì, chùa
sẽ phát sinh một cách bừa bãi góp phần làm cho Phật giáo ngày càng suy
yếu.
Giáo hội nên xem trụ trì là một hệ thống điều hành của chùa chứ
không phải là vị trí của một người. Bên cạnh người trụ trì, chùa còn có những
người giáo thọ, tri sự, giám viện, tri khố…Đó là những người có trách nhiệm hỗ
trợ cho nhau, cùng làm việc đạo với nhau tạo nên sức mạnh đoàn kết làm cho đạo
Phật ngày càng phát triển. Vì vậy, những khoá tập huấn trụ trì cần bổ sung về
giá trị của những vị đứng ở vai trò hỗ trợ cho trụ trì hơn là chỉ nói về vai trò
trụ trì khiến các tu sĩ chỉ thích kiếm chùa trụ trì mà không tập hợp để hỗ trợ
cho nhau.
Nếu 50 người trong khoá học đều không muốn làm trụ trì, vì
không tham vọng, thích nhường nhịn và thích hỗ trợ cho người khác thì việc đạo
sẽ rất tốt. Nếu ai cũng giành chức trụ trì thì mỗi chùa một người, suốt ngày lo
việc giành Phật tử với chùa khác làm sao lo được việc cho đạo. Ngược lại, trong
50 người ấy chỉ cần có 3 ngôi chùa để mọi người cùng về ở chung với nhau, cùng
lo việc đạo. Nếu phải nhận thêm hai, ba trăm người nữa, trong chùa vẫn tràn đầy
tình thương yêu, vẫn hòa hợp đoàn kết. Nhờ vậy, Phật pháp được chấn hưng rực rỡ.
Đó là phước của Phật pháp, phước của chúng sinh.
Khi còn ở trong đại
chúng, chúng ta phải tập hạnh nhường nhịn. Bắt đầu là nhường nhịn những điều nhỏ
nhặt như : một lời khen, ít vải vóc, bánh trái hay một sự ưu ái… Tập hạnh nhường
nhịn, chúng ta sẽ diệt trừ tâm tham lam, tranh giành. Sau này, trước những quyền
lợi lớn lao hơn, chúng ta sẽ dễ dàng nhường nhịn cho người khác.
5. NHÂN QUẢ.
Vậy, Nhân Quả của một người biết nhường nhịn là gì ?
Trước hết, người có hạnh nhường nhịn sẽ được hạnh phúc trong hiện
tại với lòng thanh thản. Một khi đã không tham lam, không tranh giành với ai,
luôn nhường nhịn điều tốt đẹp cho người khác, lòng chúng ta sẽ bình thản, an vui
không có điều gì phải phiền não. Mặt khác, nếu biết nhường nhịn, chúng ta sẽ
được nhiều người thương yêu, quý mến.
Trong tu tập Thiền định, người
biết nhường nhịn là người không tham sân nên dễ vào định. Những người như vậy
chắc chắn sẽ đi đến giải thoát thật sự về sau.
Về lâu dài, người luôn
nhường nhịn sẽ được quả báo lành đến một cách tự nhiên, thuận lợi và bền bỉ.
Trường hợp của vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn) là một ví dụ. Khi vua Lê Ngọa
Triều mất, quần thần tự nhiên bầu ông lên làm vua mà không cần phải đấu tranh,
giành giật với ai. Đó là quả báo của việc nhường nhịn ở những đời trước. Quả báo
ấy đến một cách tự nhiên, nhẹ nhàng và bền bỉ vì không ai cạnh tranh, ganh tỵ.
Tất nhiên, khi nhường nhịn, chúng ta không mong điều gì cho mình nhưng nhân quả
là vậy, điều tốt vẫn đến tự nhiên và bền bỉ, vững chắc.
6. BỐN HẠNG
NGƯỜI TRONG CUỘC ĐỜI.
Trong cuộc đời, người ta thường chia con người ra
làm 4 hạng : người tiểu nhân, người quân tử, người gian hùng và người anh
hùng.
Người tiểu nhân là người kém tài mà vô đức. Hạng người này có tâm
hẹp hòi, tính tình gian xảo, chuyên nói xấu, công kích thiên hạ.
Người
quân tử là người có đạo đức nhưng chưa hẳn là người có tài năng lớn. Hạng người
này tuy chưa làm được việc gì lớn cho cuộc đời nhưng đạo đức lan tỏa chung quanh
làm cho mọi người dễ chịu an vui.
Người gian hùng là người rất có tài
nhưng cũng rất mưu mô, xảo quyệt và thâm hiểm. Vì có tài, họ có thể chi phối,
tác động được nhiều người. Vì mưu mô, họ có thể giành quyền lực và tiền bạc,
thao túng và gây ảnh hưởng lớn đến cuộc đời. Hạng người này có tài lớn nhưng
không có lợi cho mọi người. Nếu nắm được tiền bạc và quyền lực, họ sẽ là tai hoạ
cho xã hội.
Ngược với kẻ gian hùng là người anh hùng. Đó là người có đạo
đức lớn và tài trí cao. Chỉ có những người này mới có thể chống lại kẻ gian hùng
để bảo vệ cuộc đời. Nếu không có họ, suốt đời chúng ta chỉ sống dưới cái bóng,
dưới quyền lực của những kẻ gian hùng. Trong cuộc đời, nếu có được nhiều người
anh hùng, con người có thể chống lại được âm mưu của những người xấu. Là người
tài giỏi nhưng có đạo đức cao nên khi nắm được quyền thế, người anh hùng không
bao giờ vì bản thân mình mà luôn vì lợi ích của mọi người.
Thực ra,
người quân tử có một nhược điểm lớn là có đạo đức mà không có tài, đôi khi trở
nên nhu nhược. Trước sự mâu thuẫn, tranh giành, họ thường bỏ cuộc, sẵn sàng
nhường địa vị, trách nhiệm lại cho kẻ xấu. Vì thế, quyền hành trong xã hội ,
trong cơ quan dễ bị người xấu, người bất tài vô dụng nắm giữ.
Mặc dù
chúng ta khuyến khích mọi người tập hạnh nhường nhịn nhưng nhường nhịn phải hợp
lý, đúng đối tượng. Sự nhường nhịn sai lầm cũng là một tai họa cho nhiều người
và gieo một nghiệp bất thiện cho chính mình. Ví dụ, một người có đức, có tài
xứng đáng làm Chủ tịch huyện nhưng trước sự tranh giành của người khác, người ấy
nhường luôn vị trí đó. Người được nhường lại là người xấu nên khi nắm quyền, họ
tham ô, hối lộ, làm mất uy tín của Nhà nước, làm tổn hại quyền lợi của nhân
dân…Vậy, việc nhường nhịn đó đã gây tai hại cho mọi người nên tội rất
nặng.
Không chỉ riêng việc ngoài đời của người Phật tử, việc trong chùa,
trong chúng, trong giới tu hành cũng vậy. Chẳng hạn, nếu chúng ta giữ chức chúng
trưởng thì đại chúng trong chùa ổn định. Nhưng thấy có người thích quá, chúng ta
lại nhường cho họ. Khi làm chúng trưởng, người ấy không có khả năng, lại nay
chuyện này, mai chuyện nọ làm cho chúng không tu được. Vì thế, tội của chúng ta
cũng rất nặng.
Một điều nữa chúng ta cũng cần lưu ý là phải dùng trí tuệ
phán đoán khi nào nên nhường nhịn và khi nào phải gánh vác trách nhiệm. Chúng ta
thường quan niệm giải thoát là cái gì an nhiên tự tại, thong thả, bước ra bên
ngoài, khác với thái độ xông pha, gánh vác trách nhiệm. Vì vậy, trước sự tranh
giành trên cuộc đời này, chúng ta lại có khuynh hướng không xông pha, thích lui
về ở ẩn. Nhưng chúng ta đâu biết rằng, sự giải thoát cần công đức rất lớn. Đối
với việc nhường nhịn, nếu nhường nhịn đúng sẽ tạo thành công đức, ngược lại, nếu
nhường nhịn sai, chúng ta sẽ mất công đức. Một khi công đức đã mất, chúng ta
không thể đi đến giải thoát được. Đây là điều rất khó. Bởi vậy, không phải lúc
nào chúng ta cũng nhường nhịn, cũng chứng tỏ mình là người có đạo đức vì có khi
sự nhường nhịn của chúng ta chỉ đem lại yên ổn cho bản thân mình, trong khi đó
những người khác phải chịu những tai họa.
Đức Phật của chúng ta là người
có hạnh nhường nhịn rất cao cả. Ngài sẵn sàng nhường lại ngai vàng cho người
khác để bước vào con đường tu hành gian khổ. Nhưng trong cuộc đời mình, có lúc
Ngài cũng rất cương quyết, không dễ dàng nhường nhịn cho người khác. Một lần, Đề
Bà Đạt Đa nói với Đức Phật:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn bây giờ đã già rồi,
xin Thế Tôn hãy giao quyền lãnh đạo Tăng đoàn lại cho con, con sẽ thay Thế Tôn
lãnh đạo Tăng đoàn.
Ngài đã trả lời:
- Này Đề Bà Đạt Đa, Như Lai
tự biết làm việc gì đúng thời, nghĩa là cái gì đúng, hợp lý Như Lai sẽ
làm.
Đức Phật không nói thẳng là ta không giao Tăng đoàn lại cho ông
nhưng rõ ràng Ngài đã không nhường. Ngày xưa, Ngài đã từng nhường ngai vàng cho
người khác. Vì ngai vàng, vương vị với đầy những cung vàng điện ngọc, vàng bạc,
quyền hành tuy vinh quang, vẻ vang nhưng chỉ phù du, tạm bợ. Lúc lãnh đạo Tăng
đoàn, Ngài lại không nhường. Mặc dù quyền lãnh đạo Tăng đoàn không lớn lao,
không có gì vinh quang nhưng với Ngài nó là giềng mối của đạo đức muôn đời cho
nhân loại. Ngài phải giữ gìn giềng mối đạo đức ấy cho chúng sinh. Sau này, tự
Tăng đoàn đã xếp mình dưới quyền lãnh đạo của ngài Ma Ha Ca Diếp vì ngài Ma Ha
Ca Diếp là người có đức độ lớn. Cứ thế, quyền lãnh đạo Tăng đoàn dần dần truyền
qua những vị khác.
Ngày nay, cũng có những người quyết đấu tranh không
nhường nhịn vì quyền lợi của mọi người. Cách đây không lâu, có một Thầy được mời
về trụ trì một ngôi chùa nhưng người giữ chùa đã bí mật tìm cách đuổi vị Thầy đó
đi. Biết đây là người không có đạo đức nên vị Thầy ấy đã không đi và yêu cầu mời
các Phật tử họp lại để họ quyết định. Khi Phật tử họp lại, tất cả đều đồng ý để
vị Thầy kia làm trụ trì. Sau đó, người giữ chùa đã tìm cách hại Thầy trụ trì đủ
điều nhưng người ấy vẫn kiên trì chịu đựng. Thầy quyết tâm giữ lại chùa để giao
lại cho người tốt. Sau này, chùa được giao lại cho các Sư cô trụ trì. Việc làm
của vị Thầy kia hoàn toàn đúng đắn. Dù không ở được, Thầy cũng không để cho
người xấu ở, kiên quyết đấu tranh giữ chùa cho người tốt nhằm góp phần phát
triển Phật pháp.
Vì vậy, không phải lúc nào nhường nhịn cũng là việc làm
đúng. Chúng ta phải cân nhắc, suy xét dựa vào tài đức của mỗi người và phải nghĩ
đến lợi ích của mọi người. Chẳng hạn, trước một chức vị gì đó, chúng ta biết ưu
thế đang thuộc về mình nhưng nếu muốn nhường cho huynh đệ khác, chúng ta phải
cân nhắc giữa mình và người huynh đệ kia, ai tài đức lớn hơn. Nếu thực sự người
kia có tài đức hơn mình, có thể đem lại lợi ích cho Tăng chúng nhiều hơn, chúng
ta sẵn sàng nhường vì nghĩ đến lợi ích của nhiều người. Nếu xét kỹ, thấy tài đức
của huynh đệ kia không thể làm lợi cho Tăng chúng khi giữ chức vị này, chúng ta
không được nhường. Vì lúc ấy, việc nhường của chúng ta trở thành việc bất thiện,
làm mất công đức.
Tóm lại, chúng ta không có tiêu chuẩn rõ ràng để
nhường nhịn nhưng mỗi người phải có trí tuệ tự xét đoán trong từng trường hợp và
đừng để rơi vào ảo tưởng. Vì có những trường hợp, nếu nhu nhược, nhường cho
người kém tài kém đức, chúng ta sẽ đem lại tai họa cho người khác. Nhưng có
trường hợp quá chủ quan, tưởng mình giỏi hơn người khác, chúng ta không chịu
nhường mà giữ lại cho mình cũng gây nên tai họa cho người và tạo nghiệp bất
thiện cho mình. Cả hai trường hợp đều sai lầm. Bởi vậy, trong việc này, chúng
ta cần phải tỉnh táo, sáng suốt.