Tâm Lý Đạo Đức
Tỳ Kheo Thích Chân Quang
16/09/2553 22:45 (GMT+7) Kích cỡ chữ:
1. ĐẠO ĐỨC NƠI
CÁC BẬC THÁNH LÀ VÔ HẠN. Trong Những bài kinh tụng, chúng ta đã
được nghe nhiều về “ba ngàn oai nghi” và “tám muôn tế hạnh”. Đó là những oai
nghi và tế hạnh nói về Phật, về chư Đại Bồ Tát, về các vị Thánh Tăng. Ở đây,
người tu chúng ta cần nắm vững hai điều: Oai nghi bên ngoài và Đạo đức bên
trong. Về Oai nghi, trong luật chúùng ta đã học hai mươi bốn thiên Oai
nghi, trong khi đó, Oai nghi của chư Thánh được Kinh diễn tả có đến ba ngàn.
Về Đạo đức, chúng ta chỉ tìm hiểu những Đạo đức căn bản trong khoảng ba mươi
bài. Bấy nhiêu cũng đủ làm cho chúng ta cảm thấy vất vả, khó khăn. Vậy mà, đối
với chư Thánh, Đạo đức được thể hiện ở “tám muôn tế hạnh”. Vậy “tám muôn
tế hạnh” là bao nhiêu ? Chúng ta đã biết, một muôn là mười ngàn. “Tám
muôn tế hạnh” là tám mươi ngàn tế hạnh, tám mươi ngàn điều về Đạo đức. Như vậy,
so sánh với Đạo đức của các vị Thánh, chúng ta còn khoảng cách khá
xa. Tuy là bài kết thúc môn Tâm lý Đạo đức nhưng bài học này lại khởi
đầu cho một cuộc đời tu hành, khởi đầu cho nhiều kiếp tu hành sắp đến; là bài
học gợi ý cho chúng ta bước vào một đoạn đường mới, một cuộc tu dưỡng mới vất vả
hơn, khó khăn hơn. Chúng ta phải nắm vững để phấn đấu không những cho kiếp này,
kiếp sau mà còn cho tám mươi ngàn kiếp về sau nữa. Bài học này cho chúng
ta cơ hội chiêm ngưỡng tính cách của chư Thánh, giúp chúng ta hiểu thêm về Oai
nghi, về Đạo đức của các vị ấy. Ngoài những Tâm hạnh Đạo đức chính, một vị Thánh
trong đạo Phật còn phải thành tựu một tư cách đặc biệt. Dù biết rằng không thể
nào làm nổi như các vị nhưng chúng ta vẫn cố gắng vận dụng từng chút, từng chút
để hiểu sâu hơn, để thấy được cái vĩ đại, cái cao siêu của các bậc Thánh, của
chư Đại Bồ Tát trong Phật pháp. Trước hết, chúng ta nói đến Oai nghi. Oai
là oai đức, nghi là dung nghi. Oai nghi là những cử chỉ bên ngoài thể hiện được
oai đức, sự đẹp đẽ, sự thanh thản của người tu hành. Khi diễn tả về Oai nghi của
những vị Thánh, chúng ta thường nghe nói đến “ba ngàn oai nghi”. Vậy, “ba ngàn
oai nghi” đó là gì ? Đã bao giờ chúng ta được nghe liệt kê từng oai nghi tạo
thành “ba ngàn oai nghi” ấy chưa ? Thực ra, “ba ngàn oai nghi” này chưa
hề được liệt kê ở một văn bản nào cả. Nhưng dựa vào trí tuệ, chúng ta tự xét để
có thể hiểu “ba ngàn oai nghi” là gì. Chúng ta phải hiểu rằng, với một nội tâm
thanh tịnh, sáng suốt, người tu hành có sự kiểm soát rất chặt chẽ, rất kỹ lưỡng
những cử chỉ bên ngoài để toát ra một vẻ oai nghi thanh tịnh, đĩnh đạc, đẹp đẽ…
Vấn đề này cũng tồn tại yếu tố mỹ thuật, hay nói xa hơn đây là một nghệ thuật.
Nghệ thuật này có được là do trí tuệ. Ví dụ, một nghệ sĩ nghiên cứu về
mỹ thuật và nghệ thuật chưa hẳn là người có Thiền định, có trí tuệ mặc dù họ
cũng cảm nhận được một cách sâu sắc cái đẹp, cái mỹ thuật để tạo nên nguồn cảm
hứng, sự rung động và sáng tạo. Trong khi đó, một người đạt được trí tuệ, Thiền
định thanh tịnh, luôn luôn có những biểu hiện, những khả năng về mỹ thuật và về
nghệ thuật. Đó cũng là một trong những lý do vì sao các vị Thiền sư hay làm thơ
và làm thơ khá hay. Trong oai nghi cử chỉ cũng vậy. Bình thường, nếu tâm
không thanh tịnh, sự đi đứng của chúng ta có thể không được đẹp mắt. Nhìn những
người đi đứng đẹp đẽ, nghiêm trang, chúng ta có thể biết được nội tâm của họ. Đó
là người đàng hoàng, có Đạo đức, có Trí tuệ. Tất cả những oai nghi đều do trí
tuệ Thiền định thanh tịnh tạo nên. Ví dụ, khi đang đứng, chúng ta không thể tự
thấy, không tự biết mình đứng như thế nào. Chỉ có người ngoài nhìn vào mới biết
chúng ta đứng có đàng hoàng hay không. Nhưng khi tu, tâm đã kiểm soát được thân
thì chúng ta sẽ tự biết được thân mình đang đứng trong tư thế đàng hoàng hay
không. Hoặc khi ngồi cũng vậy, khi ngồi xổm mà tâm có sự kiểm soát thân thì vẫn
khác. Cho nên, cũng ngồi giống nhau, đi đứng giống nhau nhưng người có tâm thanh
tịnh kiểm soát được thân thì có sự khác hẳn. Có người băn khoăn làm sao
có thể biết được người tu tâm đã thanh tịnh hay chưa. Điều này thật đơn giản.
Không cần thần thông hay phép mầu gì cả, chỉ cần nhìn họ đi, đứng, ngồi… có sự
kiểm soát được thân, chúng ta biết người này thanh tịnh dù họ không cố ý kiểm
soát. Đây là điều rất lạ. Chúng ta nên biết, cố ý giữ hình dáng thân cho đẹp là
không đúng. Đó chỉ là cái ngọn của sự tu tập Thiền định chứ không phải là gốc.
Nếu cố ý tạo dáng thân nghĩa là chúng ta chỉ đi ra ngọn thôi. Ở đây, ta không cố
ý tạo dáng cho thân, chỉ giữ một pháp môn đúng, tâm họ định và từ trong định đó
toát ra trí tuệ kiểm soát thân một cách rất tự nhiên. Ví dụ, một người
niệm Phật chỉ biết niệm Phật thôi nhưng trong cái định đó phát ra một trí tuệ
kiểm soát được thân. Cho nên, dù vẫn chăm chú niệm Phật nhưng từng bước đi của
họ đĩnh đạc, nhẹ nhàng. Hoặc có người lạy Phật rất đẹp. Sở dĩ được như vậy là do
người ấy có nội tâm thanh tịnh. Chính nội tâm thanh tịnh, sáng suốt đã kiểm soát
mọi cử chỉ nhỏ nhặt tạo thành oai nghi thong dong, đẹp đẽ, nghiêm trang. Dù ở
nơi vắng người hay đông người, họ vẫn tự biết thân mình đang trong tư thế, cử
chỉ đàng hoàng hay không. Ví dụ khi có một việc gì đó cần thiết phải
chạy (cháy nhà chẳng hạn), nếu lặng lẽ nhìn bao nhiêu người chạy, chúng ta sẽ
biết được người nào có tu, người nào có chánh niệm và người nào mất chánh niệm.
Có người chạy hết mình, không còn biết gì nữa; có người rất nhanh lẹ nhưng vẫn
giữ vẻ bình tĩnh, ung dung, đĩnh đạc, kiểm soát được thân. Nhìn vào, chúng ta
biết người này tâm rất khá, trong lúc vội vàng mà vẫn biết được toàn
thân. Hoặc việc leo cây chẳng hạn. Trong giới luật, Phật cấm không cho
tu sĩ leo cây vì khi leo cây, người tu khó giữ tư thế cho đàng hoàng. Nhất là
vào thời xưa, tu sĩ chỉ quấn y vòng vòng, khi leo cây lỡ có sơ xuất gì trông rất
khó coi. Nhưng vì có một vị Tỳ kheo bị cọp đuổi mà không dám leo cây đã bị cọp
ăn thịt nên Đức Phật chế lại giới, người tu có thể leo cây trong những trường
hợp bất đắc dĩ. Tuy nhiên, khi leo cây, người kiểm soát thân vẫn khác người
không kiểm soát được thân; người có oai nghi vẫn khác người không có oai nghi.
Dù cũng leo, cũng níu, cũng chuyền cành nhưng người có tâm tỉnh giác thanh tịnh
vẫn có sự ung dung, đĩnh đạc, đẹp đẽ, khác hẳn người có tâm không thanh
tịnh… Tất cả những điều đó gọi là oai nghi. Vậy, tế oai nghi là gì
? Tế oai nghi là những cử chỉ rất nhỏ nhưng chúng ta kiểm soát được như
ánh mắt, nụ cười, âm thanh của lời nói vv... Chẳng hạn, ánh mắt của một người
thanh tịnh thường bình thản, nhìn đúng nơi, đúng chỗ, vừa đủ chứ không nhìn
trừng trừng hay láo liên. Cái nhìn của đôi mắt cũng có sự oai nghi của nó. Khi
nói chuyện với một người, chúng ta phải nhìn nhau. Nhưng đôi mắt khi nhìn đã
phát ra điện. Nếu hai người cứ nhìn nhau đăm đăm sẽ rất khó chịu vì lúc đó có sự
phản kháng của hai luồng điện. Vì vậy, khi nói chuyện, chúng ta chỉ thoáng nhìn
người đối diện rồi đưa mắt đi chỗ khác. Đó là cách khéo giữ ánh mắt của mình.
Hoặc khi nói chuyện, chúng ta chỉ nhìn những chỗ đáng nhìn. Giả sử đang nói
chuyện, người đối diện có việc phải mở bóp lấy tiền, chúng ta phải đưa mắt nhìn
đi chỗ khác. Trường hợp ai đó cố ý nhìn thật sâu vào mắt mình khi đang nói
chuyện mà mình không thể tránh được, không thể nhìn sang chỗ khác được, chúng ta
nên nhìn lại nhưng phải nhìn bằng tâm từ bi. Nếu tia điện của ánh mắt họ chiếu
vào gặp ánh mắt bao dung mở rộng, không phản kháng của chúng ta, họ sẽ không cảm
thấy khó chịu. Đó là oai nghi, là tế oai nghi của ánh mắt nhìn. Nụ cười
cũng có sự oai nghi, tế oai nghi. Có những trường hợp chúng ta chỉ cần mỉm cười,
cười nhẹ là đủ. Có lúc chúng ta nở nụ cười tươi, có khi lại bật cười thành
tiếng. Nghĩa là chúng ta phải biết mức độ vui của câu chuyện, của khung cảnh mà
tặng cho mọi người một nụ cười thích hợp. Nếu câu chuyện chỉ đáng mỉm cười mà
chúng ta cười ha hả thì sẽ mất đi sự oai nghi. Khi giao tiếp, chúng ta phải biết
kiềm chế, biết kiểm soát, không để mất tự chủ trong các câu chuyện vui. Nhưng
những lúc người ta đang nói chuyện vui, chúng ta cứ tỏ ra lạnh lùng cũng không
phù hợp. Trong mọi trường hợp, chúng ta phải hài hòa, chừng mực để phù hợp với
câu chuyện, với mọi người. Những lúc có Phật tử đến chùa, dù đó không phải
người quen, dù không phải nhiệm vụ của mình, chúng ta cũng phải cúi chào hoặc
mỉm cười để thể hiện lòng từ bi của người tu đối với các Phật tử. Nếu gặp những
Phật tử không quen, chúng ta không quan tâm coi như người xa lạ là một sai lầm
lớn. Rất nhiều người tu mắc phải điều này. Nhất là ở những ngôi chùa có chúng
đông, nhiều khi chúng ta thấy các Thầy chỉ tiếp những Phật tử quen. Ngay
cả âm thanh của lời nói cũng vậy. Người có tỉnh giác sẽ kiểm soát, điều chỉnh
được âm thanh của mình sao cho vừa đủ, nghe êm ái lại vừa có cái gì thanh thản.
Nếu âm thanh giọng nói của một người có những nốt cao thấp, không phù hợp hài
hòa, chúng ta biết người này chưa điều chỉnh được âm thanh, chưa kiểm soát được
tâm thanh tịnh. Giọng nói là một oai nghi rất tế. Nghe âm thanh của một người,
chúng ta có thể đánh giá được đạo đức của họ. Ví dụ, một người bên ngoài trông
rất đẹp trai, con nhà giàu nhưng nếu nghe trong âm thanh lời nói, những dấu
thanh điệu không phối hợp cân đối, chúng ta biết đạo đức người này chưa kỹ, chưa
kiểm soát được thân và tâm. Hoặc những người có giọng nói hay một cách tự nhiên
(không phải hay do làm điệu) là người rất tốt. Ngoài oai nghi của ánh
mắt, nụ cười, âm thanh…, chúng ta còn thấy nhiều oai nghi cho những cử chỉ nhỏ
nhặt hơn nữa. Ví dụ như oai nghi trong cử chỉ của những ngón tay. Khi nói chuyện
với người khác hoặc ngay cả khi ngồi một mình, nếu không kiểm soát các ngón tay,
chúng ta sẽ có những cử chỉ rất buồn cười: có khi đưa tay vân vê gấu áo, có khi
xé giấy vứt xuống nền nhà, có khi tiện tay cào xước mặt bàn vv… Những điều này
quá tế, vượt qua sự kiểm soát của mình nên chúng ta phải cẩn thận. Nếu có sự
kiểm soát, chúng ta sẽ biết làm như thế nào là đúng. Ví dụ, khi ngồi nghe Pháp,
có người chống tay rất đẹp, rất ung dung vì có sự kiểm soát. Nhưng có người
chống tay trông như buồn ngủ hoặc như có điều gì bất mãn, chán đời. Từng
điểm nhỏ như vậy đều là oai nghi. Trong cuộc sống tu hành, chúng ta rất khó đếm
hết tất cả là bao nhiêu oai nghi. Con số “ba ngàn oai nghi” cũng chỉ là con số
mang ý nghĩa tượng trưng. Chúng ta cũng lưu ý “ba ngàn oai nghi” ấy là những gì
chân thật toát ra từ nội tâm thanh tịnh chứ không phải là sự cố ý làm dáng làm
điệu. Chỉ cần kiểm soát tâm thôi, tự nhiên thân chúng ta sẽ trở nên đẹp. Những
người có Trí tuệ thường là những người luôn giữ được oai nghi. “Tám muôn
tế hạnh” cũng vậy. Đó chỉ là con số tượng trưng cho rất nhiều tế hạnh của các
bậc Thánh mà chúng ta khó có thể đếm được một cách cụ thể. Tế là nhỏ, tế hạnh là
những Đạo đức toát ra rất sâu sắc ngay cả trong những điều nhỏ nhặt. Chính Trí
tuệ vô cùng sắc bén đã kiểm soát được Chấp ngã nên tạo thành vô số tâm hạnh Đạo
đức vi tế trong sự ứng xử với chúng sinh. Thử so sánh với việc cư xử tế
nhị, chúng ta sẽ hiểu thế nào là tế hạnh. Trong cuộc đời chúng ta đã từng gặp
nhiều người có lối cư xử rất tế nhị. Đó là người rất sáng ý trong mỗi tình huống
giao tiếp. Họ đoán được tâm trạng của những người đang đối diện để cư xử sao
cho những người đó không buồn lòng. Họ rất tinh tế. Và càng tinh tế bao nhiêu,
họ sống càng tế nhị bấy nhiêu. Tế nhị và tế hạnh có chỗ hơi khác nhau.
Tế nhị thuộc về cách cư xử lịch sự. Nếu bên ngoài cư xử lịch sự nhưng bên trong
không có đạo đức, chúng ta chỉ gọi đó là người lịch sự, có văn hoá. Người có
cách cư xử lịch sự bên ngoài, bên trong lại có đạo đức mới là người có tế hạnh.
Tuy nhiên, dù chưa đạt được tế hạnh, chúng ta cũng phải cố gắng cư xử cho tế nhị
với mọi người. Nngười sống tế nhị thường rất khéo léo, sâu sắc, đoán được ý
người khác nên không làm họ buồn, có khi còn đem đến những niềm vui bất ngờ cho
mọi người. Trong cuộc sống, nếu ai cũng cư xử tế nhị với nhau thì cuộc sống sẽ
dễ chịu biết chừng nào. Ví dụ, khi đóng cửa phòng, chúng ta nên nhẹ
nhàng (dù lúc đó trong phòng không có ai) . Điều này thuộc về oai nghi. Nhưng
hành động đóng cửa nhẹ nhàng sẽ biến thành đạo đức trong trường hợp có người
đang ngồi trong phòng nói chuyện với mình. Vì sự nhẹ nhàng ấy biểu lộ sự tôn
trọng người khác. Nếu trong phòng còn người mà đóng cửa thật mạnh nghĩa là chúng
ta đang bực bội, tức giận hoặc coi thường họ. Người Việt nam chúng ta có
những phong tục thể hiện sự tế nhị trong cư xử với người khác. Chẳng hạn, khi
khách đến nhà chơi, chúng ta không được quét rác. Vì hành động ấy biểu lộ thái
độ đuổi khách. Nếu trường hợp cần thiết phải quét nhà, chúng ta phải xin phép
trước để biểu lộ sự tôn trọng người khác. Trong việc cư xử tế nhị, có
khi có sự chân thành của đạo đức, có khi đó là sự đãi bôi, lịch sự bên ngoài
theo phong tục tập quán của mỗi vùng, mỗi đất nước. Vì vậy, chúng ta phải có sự
hiểu biết, không nên chủ quan để xảy ra thất thố trong giao tiếp. Nếu sang các
nước Nhật, Pháp, Mỹ…, chúng ta sẽ bắt gặp những lời nói, những lối cư xử tế nhị
nhưng thực chất đó chỉ là thói quen, là một nét trong văn hoá giao tiếp của họ
mà thôi. Ví dụ, khi gọi nhầm số điện thoại, chúng ta sẽ được người ở đầu
dây bên kia cho biết: You have a wrong number ( Bạn đã gọi sai số). Nếu chúng ta
nói lời xin lỗi, người ấy sẽ trả lời : You’re welcome. Dịch sang tiếng Việt có
nghĩa là: “Không có chi”. Nhưng nếu hiểu sát nghĩa từng chữ, câu nói đó có nghĩa
là: “Bạn/ Ông/ Bà vẫn được đón tiếp”. Đó là câu nói xã giao theo thói quen nhưng
thực chất trong lòng có khi không phải như thế. Hoặc khi đang nói chuyện
với chúng ta, nếu nghe không rõ họ sẽ hỏi lại: Pardon ? ( Xin hãy tha thứ cho
tôi). Nghĩa là họ không cho rằng chúng ta nói sai hay nói khó nghe mà tự nhận
lỗi về mình, cho rằng lỗi là tại họ không nghe được. Đó là nét đẹp trong văn hoá
giao tiếp của người phương Tây. Những lúc như vậy, chúng ta đừng nghĩ là họ có
lỗi thật. Hiểu điều này, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi xem một đoạn
phim nước ngoài: Trên xe buýt, một thanh niên đang ngồi, đứng dậy nhường chỗ cho
một phụ nữ có thai. Anh ta vừa đứng lên và người phụ nữ kia chưa kịp ngồi xuống
thì một người da đen ở đâu bước đến ngồi đúng vào chỗ đó. Anh ta nói rất đàng
hoàng: “ Thưa ông, ghế này không phải của ông” .Nhưng người da đen kia nóng nảy
văng tục. Anh thanh niên hỏi: “Pardon?” đồng thời lấy kiếng ra nhờ người phụ nữ
cầm giúp rồi đánh cho anh kia một trận. Như vậy, dù vẫn rất lịch sự, vẫn
dùng từ Pardon để nói với người kia nhưng anh thanh niên vẫn sẵn sàng đánh để
cảnh cáo anh ta. Không nói đâu xa, ngay trên đất nước chúng ta cũng có
nhiều địa phương rất lịch sự, tế nhị trong cư xử, nhưng thực chất đó chỉ là văn
hoá. Ví dụ, khi đến thăm một gia đình người miền Bắc vào đúng lúc họ đang ăn
cơm, chúng ta sẽ được mời rất vồn vã: “Mời anh ăn cơm ! Mời chị ăn cơm ạ !” mặc
dù lúc ấy nồi cơm đã hết sạch và họ chẳng đứng dậy lấy thêm cái chén, đôi đũa
nào. Nếu không hiểu, chúng ta mau mắn ngồi vào mâm là sẽ gây khó khăn cho gia
chủ. Tất cả những điều chúng ta vừa nói đều thuộc về việc cư xử tế nhị.
Nếu muốn biến cư xử tế nhị thành tế hạnh, chúng ta chỉ cần thêm lòng chân thành
thương yêu và sự tôn trọng. Lòng thương yêu xuất phát từ Từ bi, sự tôn trọng
xuất phát từ Khiêm hạ. Cả hai đều bắt nguồn từ những Đạo đức căn bản mà chúng ta
đã học. Nhờ thương yêu và tôn trọng con người nên chúng ta có những cách cư xử
đẹp, vi tế, không làm buồn lòng, không làm tổn thương người khác. Một người ở
trong đạo, khi tâm thanh tịnh, tràn đầy lòng thương yêu, tôn trọng người khác,
tâm sẽ rất sáng. Họ có thể thấu suốt tâm trạng chúng ta và có sự đối xử thích
hợp, khéo léo, nhẹ nhàng, ân cần và sâu sắc. Như vậy gọi là tế
hạnh. Những người có lòng Từ bi thì Trí tuệ sẽ xuất hiện. Vì từ bi là
nhân mà trí tuệ là quả. Chúng ta đừng nghĩ định sẽ sinh được huệ. Nếâu không có
từ bi, định vẫn không sinh được huệ. Ví như một người ngồi thiền đạt được định
vẫn có thể rơi vào không ngơ, vào chấp không, vô ký. Nhưng chỉ cần người ấy quán
từ bi, thương yêu chúng sinh thì từ nơi định đó, trí tuệ sẽ xuất hiện. Tương tự
như vậy, trong cuộc sống, khi chúng ta thương yêu mọi người, tự nhiên trí mình
sẽ sáng lên. Và chỉ khi nào thật sự thương yêu, chúng ta mới được quyền hiểu về
con người. Đây là quy luật do trời Phật đặt ra, cũng là Nhân Quả. Chỉ khi nào
thương yêu ai, chúng ta mới được quyền hiểu về người đó. Nếu không yêu thương,
chúng ta sẽ hay nghĩ sai, hay chê bai những nhược điểm của họ. Chẳng hạn, khi
nhìn những Phật tử đến thăm chùa, do có lòng thương yêu, chúng ta sẽ quan tâm
đến họ, hiểu những nỗi vất vả khi họ phải vượt một chặng đường khó khăn để đến
với chùa. Từ đó, chúng ta sẽ có sự quan tâm đúng mực: lo cơm nước, sắp xếp chỗ
nghỉ ngơi… Bao giờ cũng vậy, khi có sự quan tâm, chúng ta mới hiểu về
người khác. Chính tình thuơng yêu làm cho chúng ta có sự quan tâm và chính sự
quan tâm làm cho chúng ta có trí tuệ, hiểu sâu sắc về con người. Như vậy, không
phải ngẫu nhiên mà chúng ta nói từ bi sinh ra trí tuệ. Trong cuốn Cặn bã
ký ức, bác Hai Như Sanh có kể câu chuyện: Một lần, khi đi trên xe, bác lấy chai
dầu gió ra xoa. Thấy người phụ nữ có đứa con nhỏ đang nhìn chăm chăm vào chai
dầu, bác biết người ta cũng đang cần nên đưa chai dầu bảo bà ta dùng. Bà mừng
quá, vì từ sáng đến giờ trong người cảm thấy ớn lạnh, khó chịu nhưng không có
dầu để xoa. Khi bà dùng xong trả lại, bác mở chai dầu xoa thêm một chút rồi đóng
nắp lại, tặng luôn cho bà. Đây là chỗ thể hiện “tám muôn tế hạnh”. Nếu
lúc người ta vừa trả lại, bác không lấy mà cho luôn, họ sẽ nghĩ rằng bác thấy
người ta nghèo khổ, lam lũ, dơ bẩn nên không muốn lấy lại nữa. Như vậy, bác đã
làm cho họ bị tổn thương. Việc cầm lại chai dầu xoa thêm lần nữa trước khi cho
chứng tỏ bác cho người ta vì chân tình, vì sự ưu ái, quý mến, vì lòng tốt chứ
không phải vì sợ dơ hay sợ lây bệnh. Giúp người mà vẫn không làm tổn thương
người, đó là cách cư xử khéo léo của một bậc trí tuệ. Khi đi làm việc
thiện cũng vậy, Phật tử nên kín đáo, biết tôn trọng mọi người, đừng bao giờ giúp
người khác được ít gạo, ít áo quần mà đăng báo quảng cáo khắp nơi, vì làm như
vậy là chúng ta không tôn trọng người khác và làm mất đi ý nghĩa của việc thiện.
Người ta sẽ nghĩ chúng ta giúp đỡ họ là vì danh lợi chứ không vì tình yêu
thương. Giúp đỡ người khác phải kín đáo, tế nhị, đó chính là tế
hạnh. 2. TIÊU CHUẨN CỦA VÔ SỐ TẾ HẠNH.
Biết rõ luật Nghiệp Báo và gạn lọc kỹ càng tâm vị kỷ là khởi điểm
của Tám muôn tế hạnh. Vì khi biết rõ điều này, chúng ta sẽ làm được những việc
rất tốt cho con người dù trong những tình huống không mấy dễ dàng. Cuộc đời
nhiều khi rất phức tạp, chúng ta phải cư xử thế nào cho hợp lý dựa trên luật
Nhân Quả. Ví dụ, mặc dù chùa còn nghèo nhưng những khi Tăng Ni cần giúp
đỡ, chúng ta cũng sẵn sàng trong khả năng của mình. Tất nhiên, giúp cho Tăng Ni
không có gì khó khăn vì chúng ta lấy của thường trụ đem ra giúp thập phương Tăng
nên không thành tội, đỡ phải suy nghĩ. Nhưng cũng có trường hợp những cư sĩ có
tình với chùa gặp hoàn cảnh khó khăn, chúng ta không cầm lòng được, đành lấy
tiền chùa ra giúp. Như vậy là chúng ta đã phạm luật. Trong luật Tỳ kheo không
cho phép người tu làm điều đó. Nhưng nếu không giúp, chúng ta sẽ vô cùng áy náy.
Trong những tình huống khó xử như vậy, chúng ta phải suy nghĩ tìm cách biện hộ
cho việc làm của mình. Thứ nhất, chúng ta phải tìm ra công lao của họ và cho
rằng đây là người đã từng có công với Phật pháp nên xứng đáng được hưởng số tiền
này. Thứ hai, nếu người ấy không có công lao gì, chúng ta có thể biện minh ra lý
do rằng nên gieo duyên để họ mắc nợ chùa. Biết đâu hết kiếp này đến kiếp khác,
họ vào chùa công quả và nhờ vậy học được Phật pháp để tu hành. Biện ra
đủ cách, đủ lý do để lấy tiền chùa giúp cho cư sĩ là những tế hạnh ở trong tâm.
Chúng ta suy nghĩ về Nhân Quả và phải biết về Nhân Quả, biết phước, biết tổn
phước như thế nào chứ không làm phước để cầu phước. Chúng ta cũng đừng bao giờ
nghĩ bố thí luôn luôn đem lại phước. Ngược lại, có khi còn bị tổn phước nữa nếu
không bố thí đúng cách. Vì vậy, chúng ta tự biện minh trong Nhân Quả để được yên
tâm rằng mình không làm điều sai và người kia cũng không đến nỗi quá tệ dù thực
ra đó cũng là một sự tổn phước. Một tiêu chuẩn để tạo thành vô số tế hạnh
nữa là tâm thanh tịnh trong Thiền định. Bình thường, chúng ta sống với tâm thanh
tịnh nhưng khi gặp việc phải ứng xử ngay, phải hiện thành Đạo đức dù là việc rất
nhỏ nhặt. Như vậy gọi là tế hạnh. Có những Phật tử rất tinh ý và chu đáo. Chỉ
cần ngồi nói chuyện với chúng ta trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng họ biết
ngay chúng ta cần những gì và hôm sau mang đến cúng. Chúng ta cũng có thể học ở
họ những điều như vậy trong cư xử. Trong cuộc sống, khi đối diện với ai, chúng
ta nên để ý, quan tâm đến những nhu cầu cần thiết của họ dù đó là những điều rất
nhỏ. Ví dụ, khi đang ăn cơm nửa chừng bỗng có người về trễ, chúng ta không được
ngồi yên, tiếp tục ăn mà phải vội vàng đi lấy chén đũa và mời họ cùng ăn. Nếu để
người kia lặng lẽ ngồi vào bàn ăn là chúng ta đã đối xử không có tình với họ,
không thương yêu tôn trọng họ, không có sự quan tâm, và không cư xử tế nhị lịch
sự. Những điều nhỏ nhặt đó gọi là tế hạnh, là sự thương yêu tôn trọng mọi người
một cách sâu sắc. Hãy nhớ rằng, Đạo đức luôn luôn làm chúng ta vất vả.
Chỉ có những người ích kỷ mới có cuộc sống an nhàn. Vì vậy, muốn sống một đời vị
tha, chúng ta phải chấp nhận sự vất vả, khổ cực. Từng lời nói, từng hành động
của chúng ta phải làm sao chuyển tải được tình thương yêu, sự tôn trọng của mình
đến với người khác. Một khi quan tâm đến những nhu cầu của người khác để giúp đỡ
họ thì cây Đạo đức trong lòng chúng ta sẽ bắt đầu ra hoa kết trái. Một
điều nữa cũng cần phải nói đến là thái độ cư xử của chúng ta đối với mọi người.
Chẳng hạn, người tu phải nghiêm túc, đứng đắn, không được xuề xòa để người khác
coi thường. Nhưng nếu lúc nào cũng nghiêm túc thì không khí sẽ rất căng thẳng.
Vì vậy, chúng ta phải làm sao cân đối được hai thái độ, hai cách sống đó. Người
Thầy thường hay nghiêm khắc với đệ tử để họ cố gắng học hành, tu tập cho giỏi.
Tuy nhiên, nếu lúc nào cũng nghiêm thì không đúng với Đạo. Có những lúc thầy trò
phải vui vẻ, khôi hài với nhau để cuộc sống bớt đi sự căng thẳng. Trong
cuộc sống, có những sự kiện xảy đến đơn giản, dễ ứng xử nhưng cũng có những sự
kiện phức tạp khó ứng xử, chỉ cần lệch một chút là chúng ta sẽ giải quyết sai.
Vì vậy, tùy từng trường hợp chúng ta phải xử sự một cách tinh tế. Về
điều này, chúng ta phải noi gương Đức phật. Còn nhớ, lần đầu tiên Phật về thăm
Hoàng cung, khi vào thăm bàø Da Du Đà La, Đức Phật không cho ai đi theo trừ hai
vị đệ tử đã đắc đạo. Vì Ngài đoán trước đây là một tình huống rất khó xử, bà Da
Du Đà La sẽ không kiềm chế được xúc động. Trước khi bước vào, Ngài căn dặn những
vị đệ tử: “Các Thầy để yên nếu Da Du Đà La có ôm Như Lai”. Sau đó ba người cùng
vào. Quả đúng như dự đoán của Ngài. Khi gặp lại người chồng mà mình hằng thương
yêu, quý kính sau bao nhiêu năm xa cách nhớ nhung, bà không kiềm nén nỗi cảm xúc
và ôm Ngài khóc nức nở. Lúc ấy, Ngài vẫn đứng bình thản, không phản ứng. Hai vị
đệ tử đứng lặng yên một bên. Cảnh tượng thật cảm động, thật thiêng liêng và rất
đỗi tế nhị, sâu sắc. Nếu lúc đó Đức Phật la lên : “ Đừng đụng vào tôi ! đừng
đụng vào tôi” thì tình thương yêu, nhung nhớ nhiều năm kia có thể biến thành sự
bất mãn, hận thù. Lúc ấy người vợ sẽ cảm thấy mình bị xúc phạm. Nhưng chính cách
cư xử tế nhị của Ngài đã làm bà cảm động. Bao nhiêu năm xa cách, nỗi nhớ nhung
thương mến đó đã không bị ruồng rẫy mà vẫn được tôn trọng, bà cảm thấy lòng mình
ấm áp. Cách cư xử của Đức Phật đã lay chuyển được tâm bà và sau này bà đã đi tu.
Đây là tế hạnh, là cách xử sự rất hay của Đức Phật. Tất nhiên, lúc bấy giờ không
có người khác đi theo, Ngài mới có thể xử sự như vậy. Nếu trước đông đảo mọi
người, Ngài để cho bà Da Du Đà La ôm như vậy là không ổn vì có thể biết bao
nhiêu người sẽ nghĩ không tốt về Ngài. Hai vị đệ tử đi theo Ngài là những người
đã chứng đạo, hiểu rõ tâm của Thầy mình vẫn thanh tịnh nên không có gì phải
ngại. Như vậy, Ngài đã xử sự mọi điều rất đẹp, rất độc đáo. Đây là một trong
những tế hạnh của Đức Phật. Một câu chuyện khác cũng minh chứng cho điều
chúng ta vừa nói. Đó là việc Ngài hóa độ cho một người Bà La Môn nông
dân. Khi người Bà La Môn đang phát cơm cho những thợ cày của mình, Đức
Phật cũng ôm bát đứng đó chờ đợi. Người nông dân kia không cho còn nói: -
Này Tôn giả ! Tôi cày ruộng nên tôi có ăn, Tôn giả cũng nên cày ruộng, Tôn giả
sẽ có ăn. Đây là một câu nói xúc phạm. Nếu ở vào trường hợp ấy, chúng ta
sẽ nổi sân, sẽ bực tức hoặc dẫu không nói cũng buồn bã bỏ đi. Nhưng Đức Phật vẫn
rất điềm tĩnh nói: - Như Lai cũng cày ruộng và Như Lai cũng có
ăn. Ngài đã tùy thuận theo lý luận của vị Bà la môn mà không chống đối.
Nghe vậy, ông ta nói: - Ngài nói Ngài cày ruộng, Ngài có ăn nhưng tôi có
thấy luống cày đâu? Tôi có thấy con bò với cái ách của Ngài đâu?. Đức
Phật trả lời: - Như Lai cày trên luống ruộng tâm của mình. Đôi bò là sức
mạnh của tinh tấn, cái ách là giới luật, ngọn roi là sự kiểm soát nội
tâm. Nghe xong, người Bà La Môn kia hiểu ra, quá kính nể Ngài, bèn bày
tỏ sự khâm phục và xin cúng dường. Nhưng lúc đó Ngài từ chối và nói
rằng: - Không được, vì ba đời Như Lai đều không bao giờ nhận cúng dường
sau khi nói Pháp. Điều đó giống như bán Pháp mà ăn, đó là tà mạng. Nói
xong, Ngài ôm bát đi chỗ khác. Ngài xử sự rất hay, không có điểm nào sơ
hở, vừa kiên nhẫn độ lượng, vừa giữ khoảng cách cần thiết. Đó là tế hạnh. Nếu
lúc đó nói xong, được người khác đổi tâm cúng dường mà vẫn nhận, Ngài sẽ trở nên
rất tầm thường. Một ví dụ khác cũng cho thấy cách cư xử hoàn hảo của
Ngài. Khi Đức Phật bắt đầu nổi tiếng, người ngoại đạo ganh ghét toan mưu hại
Ngài. Họ đã giết một cô gái và chôn xác ngay trong Kỳ Viên Tịnh Xá để vu khống
Đức Phật và Tăng đoàn. Họ đã hô hoán lên rằng: “Chư Tăng ở Tịnh Xá giết người để
bịt miệng”. Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng Đức Phật vẫn rất điềm tĩnh, không
hề bàn đến. Mấy vị Tỳ kheo chưa đắc đạo lo lắng hỏi Phật. Ngài nói: “Coi vậy chứ
không có gì, ít bữa sẽ hết”. Quả thật như vậy, sau một thời gian ngắn, tự nhiên
mọi người không tin là Đức Phật và Chư tăng làm điều gì sai trái, liên quan đến
cái chết cuả cô gái. Nếu trong trường hợp đó, Ngài phản ứng hoặc tìm cách thanh
minh, đính chính sẽ làm cho sự việc trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, Ngài cứ im
lặng, mặc cho mọi người nói gì, nghĩ gì. Cách xử sự đó thật tế nhị và hiệu quả.
Đó cũng chính là tế hạnh. Trong cuộc sống, chúng sanh khó có thể hiểu
thấu hành vi của một bậc Thánh nên nhiều khi chỉ phê bình theo tâm thiển cận của
mình. Thực ra, có những điều chúng ta không thể nào hiểu nổi. Vì vậy, đừng bao
giờ lấy tâm lượng, trí óc của mình để nhận xét về cách cư xử của các bậc Thánh.
Một vị Thầy có trí tuệ thì từng việc làm, lời nói hay tiếng khóc, nụ cười … đều
nằm trong sự kiểm soát của họ. Họ biết lúc đó mình phải làm gì. Điều này không
đơn giản dễ hiểu nên chúng ta phải khiêm tốn, đừng vội vã phê bình, đánh giá. Đó
là với những vị Thầy có trí tuệ. Đối với Thánh nhân, chúng ta càng phải cẩn thận
hơn nữa trong đánh giá. Có những vị Thiền sư đắc đạo mà ngôn hạnh phát ra đến
bây giờ cũng chưa ai giải thích được. Người ta kể rằng, có một vị Thiền sư đắc
đạo, cuối đời ngồi kiết già tịch một cách đàng hoàng, tự tại nhưng trong suốt
những năm tháng tu hành, ông chỉ ăn thịt, uống rượu. Thái độ và cách sống đó đến
bây giờ chúng ta vẫn không giải thích được nhưng cũng không dám phê bình. Vì ông
có Thiền định sâu sắc, Thiền ngữ đối đáp trôi chảy và với đệ tử, ông lại rất
nghiêm khắc. Chính vì vậy, khi muốn phê phán ai điều gì, chúng ta phải
dè dặt, cẩn thận. 3. MỖI ĐỨC HẠNH CÓ
NHIỀU NHÁNH RẼ, NHIỀU MỨC ĐỘ VÀ GIAO XEN PHỐI HỢP VỚI NHAU.
Chúng ta biết rằng, mỗi đức hạnh có nhiều nhánh rẽ, nhiều mức độ
và có những giao xen phối hợp với những đức hạnh khác. Và chính sự phức tạp này
đã tạo thành oai nghi tế hạnh. Ví dụ, lòng từ - lòng thuơng yêu chúng
sinh có ba nhánh rẽ. Khi thương chúng sinh, chúng ta đau nỗi đau của họ, đó là
bi. Thương yêu chúng sinh, chúng ta vui mừng truớc hạnh phúc của họ, đó là hỷ.
Và thương yêu chúng sinh, chúng ta mới tha thứ được những lỗi lầm của họ, đó là
xả. ( chữ “xả” này không có nghĩa là bỏ. “Xả” trong “tứ vô lượng tâm” có nghĩa
là ‘tha thứ”). Lòng từ cũng có nhiều mức độ. Ở mức độ cạn, đó chỉ là tâm nguyện:
“Con tâm nguyện xin thương yêu chúng sinh”. Vì là tâm nguyện nên khi gặp chuyện,
chúng ta cũng có thể phản ứng gay gắt, chưa bộc lộ lòng thương yêu. Ở mức độ cao
hơn, chúng ta ngồi quán hằng đêm trải lòng thương yêu chúng sinh. . Mức độ thứ
ba là tâm được vào định. Trong định, chúng ta tu từ bi tam muội trải lòng thương
yêu tất cả chúng sinh, dù ngã chấp vẫn còn. Và ở mức độ cuối cùng như chư Phật,
A La Hán, ngã chấp biến mất, lòng từ trở thành tuyệt đối. Lòng từ bi có
thể phối hợp với các hạnh khác. Ví dụ, Từ bi phối hợp với hạnh chân thật sẽ thể
hiện ở chỗ chúng ta đã nói thật như thế nào. Lúc nào chúng ta cũng nói thật vì
thương yêu chúng sinh. Hoặc từ bi phối hợp với tâm bình đẳng sẽ thể hiện ở cách
đối xử đúng mực với con người. Vì thương yêu chúng sinh mà chúng ta đối xử bình
đẳng, không phân biệt giữa người giàu với người nghèo. Hoặc lòng từ bi phối hợp
với vượt qua chính mình sẽ giúp chúng ta thương yêu mọi người, mong cho những
người đến sau giỏi hơn mình, nói được những điều độc đáo hơn mình để Phật pháp
ngày càng phát triển. Như vậy, một tâm hạnh vừa có nhiều nhánh rẽ, vừa có
nhiều mức độ, vừa phối hợp với những tâm hạnh đạo đức khác tạo nên vô số tế
hạnh. Chúng ta có thể phối hợp giữa hiền lành và kiên định. Hiền lành thể hiện ở
sự tùy thuận với người khác. Kiên định thể hiện ở việc giữ vững lập trường của
mình. Do vậy, phối hợp hai tâm hạnh này, chúng ta sẽ tùy lúc mà ứng xử cho đúng.
Có những lúc chúng ta phải hiền lành nhưng cũng có khi chúng ta phải kiên định.
Đó là trí tuệ của tế hạnh. Chúng ta có thể phối hợp giữa sâu sắc và
buông xả. Sâu sắc là tinh tế, biết rõ người khác. Sống với người sâu sắc, chúng
ta phải rất ý tứ trong việc làm, lời nói. Vì chỉ cần sơ ý một chút là họ biết
chúng ta thuộc loại người nào: hời hợt, kỹ lưỡng, thông minh hay ngu dốt, tu
được hay tu không được …Tuy nhiên, người sâu sắc thường biết mà tỏ ra không
biết, đó là buông xả. Họ biết nhưng không cố chấp cái biết của mình, vẫn ưu ái,
thương yêu mọi người. Nếu như các vị Thánh lúc nào cũng biết mà tỏ ra biết,
chúng ta sẽ không bao giờ dám đến gần họ. Ở đây, biết mà như không biết, sâu sắc
mà buông xả là xuất phát từ tâm từ bi, tâm thanh tịnh. Đó cũng là tế hạnh. Vì
vậy, người chưa có tế hạnh, chưa kín đáo thường hay bộc lộ sự hiểu biết của mình
trước mặt mọi người. Hoặc chúng ta có thể phối hợp giữa nghiêm trang và
hoan hỷ. Trong cuộc sống, nếu lúc nào cũng nghiêm trang thì sẽ tạo nên không khí
nặng nề. Môt ngôi chùa quá nghiêm trang, trông có vẻ nặng nề thì Phật tử sẽ
không dám đến. Nhưng nếu lúc nào cũng hoan hỷ, xuề xòa thì người ta lại coi
thường. Khi đến cửa chùa, họ sẽ không biết tôn nghiêm, không biết sợ. Vì vậy,
chúng ta phải kết hợp hài hòa giữa hai thái độ này. Hoặc người tu phải
khiêm hạ nhưng không hèn hạ, khúm núm. Đó cũng là biểu hiện của tế hạnh. Khi gặp
người khác, chúng ta luôn tôn trọng họ nhưng tuyệt đối không khúm núm, không có
thái độ của một kẻ cầu cạnh vì đó là thái độ của người mất tư cách. Người mất tư
cách, hay cầu cạnh thường tỏ ra khúm núm trước người khác. 4. THIỀN ĐỊNH VÀ ĐẠO ĐỨC KHÔNG THỂ TÁCH RỜI.
Chúng ta luôn nhớ rằng: Thiền định và Đạo đức là hai mặt không
thể tách rời. Chúng ta tu dưỡng Đạo đức là làm cho Thiền định phát triển. Và khi
Thiền định phát triển thì trí tuệ trong định sẽ làm cho Đạo đức trở nên hoàn
thiện. Khởi điểm của Thiền là thanh lọc tâm cho thuần thiện. Sự cảnh giác về Đạo
đức cũng là sự tỉnh giác kiểm soát tâm. Ngược lại, sự tỉnh giác kiểm soát tâm
cũng sẽ tạo thành Đức hạnh. Có người không hiểu điều này nên khi nghe
nói đến tu tập Đạo đức đã phản đối : “Đạo đức là cái tương đối, còn Phật tánh là
tuyệt đối”. Người lý luận như vậy là người không có kinh nghiệm tu hành vì bỏ
Đạo đức thì không bao giờ có được Thiền định. Nếu người nào may mắn có được
phước đời trước để được định hôm nay thì cái định ấy cũng sẽ nhanh chóng tan vỡ.
Vì vậy, chúng ta tu tập Thiền định phải đi song song với Đạo đức. Suốt một đời
tu hành, chúng ta phải huân tập Thiền định và Đạo đức mà không được thiên về
bên nào. Tất nhiên, Định mà chúng ta nói ở đây là Chánh Định – là cái
Định làm phát triển Đạo đức. Nó hoàn toàn trái ngược với những loại định chỉ
biết có mình. Trong Đạo đức có cuộc sống vị tha, sống vì người khác. Ngay trong
thanh tịnh vắng vẻ, chúng ta ngồi thiền cũng vì cứu vớt chúng sinh đang trầm
luân. Nếu có rút bớt thời giờ tu tập Thiền Định, chúng ta cũng vì chúng sinh.
Hoặc những khi dành được nhiều thời gian tọa Thiền cũng là vì lợi ích của chúng
sinh. Từng giờ, từng phút ngồi Thiền định trong yên lặng, trong vắng vẻ, trong
cô đơn không ai biết, chúng ta cũng vì chúng sinh. Cho nên, Thiền định tức là
Đạo đức. Nếu cứ nghĩ tu dưỡng Đạo đức để được điều này, điều nọ là chúng ta đã
vị kỷ, đã đi sai con đường của đạo Phật. Hoặc khi tinh tấn ngồi Thiền với mục
đích để đắc đạo, sáng đạo, chúng ta cũng đã vì mình, không phải vì chúng sinh,
nghĩa là cũng là đi sai con đường của đạo. Vì vậy, khi làm bất cứ điều
gì, chúng ta cũng phải tâm niệm một điều là làm vì chúng sinh, vì Phật pháp. Dù
có nhập thất, chúng ta vẫn nhớ nhập thất quyết liệt, tinh tấn cũng vì chúng sinh
chứ không vì được điều gì vẻ vang cho bản thân mình. Một khi đã vì chúng sinh,
nếu tu không được gì, chúng ta cũng không buồn phiền, vẫn kiên nhẫn làm đến
cùng. Nhưng nếu tu vì mình mà không được gì, chúng ta sẽ buồn vô hạn, có khi
thất vọng dẫn đến gãy đổ nửa chừng. Như vậy, làm sao đánh giá được sự
tiến bộ của Thiền định? Muốn đánh giá được sự tiến bộ của Thiền định ở
một người nào đó, chúng ta nên nhìn vào Đạo đức của họ. Kết quả tu tập Thiền
định của một người được biểu hiện nơi sự đối xử với chúng sinh càng lúc càng Đạo
đức hơn, tinh tế hơn. Nếu thấy người nào ngày càng phát triển về Đạo đức, tế
hạnh càng lúc càng sâu, oai nghi càng lúc càng tế, chúng ta sẽ biết đó là người
Thiền định tiến bộ. Ngược lại, nếu thấy người ngồi Thiền nhiều nhưng còn hời hợt
trong ứng xử với mọi người, chúng ta biết người đó định chưa vững, có thể bị đổ
vỡ. 5. KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC TỰ MÃN VỚI
NHỮNG ĐẠO ĐỨC CÓ ĐƯỢC. Điều cuối cùng chúng ta muốn nói ở đây là
không bao giờ được tự mãn với những Đạo đức có được. Vì mỗi Đức hạnh có nhiều
mức độ sâu cạn khác nhau. Ngày hôm nay chúng ta hiểu được mức độ này nhưng không
có nghĩa là đã đạt được trọn vẹn hết Đức hạnh đó. Chúng ta phải hiểu rằng, từ
Đạo đức đi đến hoàn thiện, đến tuyệt đối là một con đường rất xa, không phải ai
cũng có thể đạt được. Vì vậy, chúng ta không bao giờ được tự mãn. Ngược
lại, chúng ta phải chiêm ngưỡng đời sống của những vị Thánh để học hỏi, bắt
chước. Ngày nay, Đức Phật đã cách xa chúng ta nhưng qua những bài Kinh, những
truyện cổ, truyện tích về những tế hạnh của Ngài, chúng ta phải nghiềm ngẫm,
phải suy tư để những điều hay lẽ phải, những oai nghi tế hạnh ấy dần dần thấm
vào tâm hồn chúng ta. Tế hạnh có được là do Thiền định nên không dễ gì
chúng ta đạt được. Do đó, khi học bài Tám muôn Tế Hạnh, chúng ta phải hiểu đây
là bài học cho vô lượng kiếp về sau.
Viết xong mùa xuân năm 2004
|