1. ĐỊNH NGHĨA.
Nhẫn là nhịn, là chịu đựng phần kém, phần thiệt
thòi về mình. Trong tiếng Việt, chữ nhịn có cùng nghĩa với chữ nhẫn của Trung
Quốc. Có thể coi chữ nhẫn mà chúng ta dùng hôm nay có nguồn gốc từ tiếng Hán và
đã được Việt hóa. Nhục là hèn kém, đáng xấu hổ. Như vậy, nhẫn nhục là chịu đựng
sự hèn kém, nhục nhã, đáng xấu hổ.
Trong trường hợp nào chúng ta phải
chịu đựng và sự chịu đựng ấy được coi là nhẫn nhục?
Chúng ta thường nhẫn
nhục trong trường hợp bị xúc phạm bởi người bằng mình hoặc dưới mình.
Ví
dụ, chúng ta cảm thấy bị xúc phạm khi một người nhỏ hơn mình lại hỗn láo với
mình. Nhưng khi bị xúc phạm, chúng ta vẫn bình thản chịu đựng, không có sự phản
ứng gì trước sự xúc phạm ấy. Như thế là chúng ta đã nhẫn nhục. Hoặc một người
“bằng vai phải lứa” với chúng ta lại nặêng lời hoặc tỏ ra lấn át chúng ta, nhưng
lúc ấy chúng ta không phản ứng, phải chịu đựng phần thiệt thòi về mình, đó cũng
là sự nhẫn nhục.
Trường hợp thứ hai, chúng ta là người nhỏ, bị người lớn
chèn ép, tước đoạt hết quyền lợi, phải gánh chịu những vất vả, cực nhọc cho
người khác. Sự chịu đựng đó được gọi là nhẫn nhục.
Ngoài ra, chúng ta
còn phải chịu đựng, nhẫn nhục khi rơi vào những hoàn cảnh khốn khó. Chẳng hạn,
gặp lúc thiếu thốn, đói khổ, chúng ta không bi quan, không ngã gục, phải chịu
đựng để vượt qua. Sức chịu đựng ấy cũng được coi là nhẫn nhục.
Ở đây,
chúng ta cần phân biệt nhẫn nhục với những trạng thái tâm lý khác. Nếu bị người
khác xúc phạm, chúng ta không giữ được bình tĩnh thì sẽ rơi vào tâm sân (nóng
nảy). Nhẫn nhục không phải là phản nghĩa của nóng nảy. Nóng nảy là mất bình
tĩnh, là đưa ra những phản ứng mạnh. Trong khi đó, nhẫn nhục là chịu đựng sự xúc
phạm mà không phản ứng. Người vượt lên tâm sân sẽ giữ được trầm tĩnh, không phản
ứng. Nhưng thái độ trầm tĩnh ấy chưa hẳn là nhẫn nhục. Vì ẩn sau vẻ ngoài trầm
tĩnh ấy thường có nhiều tâm trạng khác nhau.
Trước hết là sự thâm hiểm.
Chúng ta biết rằng, người có lòng dạ thâm hiểm luôn tỏ ra bình tĩnh, không phản
ứng trước sự xúc phạm của người khác. Nhưng họ nuôi trong lòng sự oán hận, nuôi
ước muốn trả thù. Đây là trường hợp rất nguy hiểm.
Có trường hợp bị hiếp
đáp, bị xúc phạm nhưng người ta không phản ứng. Mặc dù bên ngoài họ có vẻ như
trầm tĩnh, nhưng thực chất bên trong họ mang tâm trạng sợ hãi. Đó không phải là
nhẫn nhục mà là nhu nhược.
Như vậy, nhẫn nhục khác với những tâm lý ấy.
Nhẫn nhục là chịu đựng mọi việc với tâm tha thứ, không nhu nhược cũng không nuôi
sự giận ghét trong lòng. Vì vậy, khi gặp trường hợp bên ngoài trầm tĩnh chúng ta
phải xét nội tâm bên trong để đánh giá. Cần phân biệt rõ đâu là nhẫn nhục, đâu
là thâm hiểm, đâu là nhu nhược, yếu đuối.
Người tu hành phải biết nhẫn
nhục, chịu đựng. Trong đại chúng đôi khi cũng xảy ra những va chạm nhỏ, mỗi
người phải nhẫn nhục, không nuôi hờn giận trong lòng. Trong cuộc sống cũng vậy,
không phải lúc nào bước ra làm Phật sự, chúng ta cũng gặp thuận lợi. Nhiều khi
chúng ta phải đối mặt với những nghịch cảnh éo le. Có người do bất đồng quan
điểm, tìm mọi cách công kích, chỉ trích, ngăn cản việc làm của mình. Thậm chí,
có lúc chúng ta bị vu khống, bị người ta đặt điều nói xấu…Nhưng dù bị oan, lúc
đó chúng ta cũng phải chịu đựng. Làm được điều này không phải dễ.
Như
vậy, nếu không trang bị cho mình một sức nhẫn nhục cao, chúng ta sẽ không vượt
lên được những khó khăn và sẽ chuốc lấy thất bại. Ngay từ bây giờ, mỗi người
chúng ta phải tu tập, rèn luyện sức chịu đựng để đối phó với những khó khăn,
những nghịch cảnh trong cuộc sống.
Ngày trước, người đi tu phải chịu
đựng rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Họ thiếu lương thực, quần áo, thiếu những
nhu yếu phẩm hằng ngày. Không xin được gạo, quý Thầy phải ăn rau rừng, phải tự
cuốc đất trồng khoai lang chế biến để dành dùng trong những lúc đói. Chưa hết,
họ còn bị cái rét giày vò, đêm không ngủ được. Khi ngồi thiền phải lấy y sa di
quấn quanh chịu đựng. Đó là chịu đựng vì hoàn cảnh khốn khó.
Sau này,
đời sống của những người tu hành đỡ khó khăn hơn vì xã hội ngày càng tiến bộ.
Tuy nhiên, khó khăn mà chúng ta có thể gặp phải là sự chống đối hoặc những ác
cảm của người khác. Chúng ta phải chuẩn bị một tâm tư để đón nhận. Trước hết,
bây giờ chúng ta phải tập chịu đựng những bất như ý trong đời sống tu hành của
mình. Khi bị một huynh đệ nào nói nặng lời hay hiếp đáp, chúng ta phải biết cảm
ơn họ vì chính họ đã tạo những điều kiện tốt nhất để chúng ta tập hạnh nhẫn
nhục
Chúng ta phải thấy rằng, những đau khổ, khó khăn trong cuộc sống
thật vô cùng quý giá. Nếu sống một cuộc đời yên ả, dễ chịu, chúng ta sẽ mất hết
ý chí, nghị lực, sẽ không có cơ hội rèn luyện sức chịu đựng. Bởi vậy, nhẫn nhục
là một hạnh rất quan trọng để làm tăng đạo lực của người tu hành. Đó là lý do vì
sao trong cuộc đời tu hành của Đức Phật luôn có ông Đề Bà Đạt Đa đi theo quấy
phá. Đức Phật bị quấy phá từ bao nhiêu kiếp. Cho đến khi thành Phật, Ngài cũng
không thoát khỏi sự quấy phá ấy. Sở dĩ như vậy vì trong mọi công phu tu tập, để
có được Đạo lực, Đạo hạnh, nhẫn nhục và tinh tấn đóng một vai trò rất quan
trọng. Để có hạnh nhẫn nhục, chúng ta rất cần nghịch cảnh để rèn luyện. Nhắc đến
điều này, chúng ta nhớ lại câu thơ của một nhà sư:
Không đau khổ lấy chi
làm chất liệu
Không buồn thương sao biết chuyện con người
Quả
thật, không đau khổ chúng ta sẽ không có điều kiện rèn luyện bản thân mình. Liên
hệ đến đời sống của những người lính trong quân ngũ, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn giá
trị của những gian khổ, khó khăn. Nếu không chịu đựng những tháng ngày huấn
luyện nhọc nhằn, dầm mưa dãi nắng; nếu không chịu những hình phạt nặng nề, làm
sao họ có thể đương đầu với hy sinh gian khổ, quyết sống mái với kẻ
thù?
Người ta kể rằng, những trường võ bị, đào tạo sĩ quan trên thế giới
cũng như ở Việt Nam có kỷ luật rất nghiêm khắc. Trong thời gian huấn luyện, học
viên phải trải qua một tuần lễ gọi là tuần huấn nhục. Khi bước vào tuần huấn
nhục, gia đình, người thân không dám đến thăm, vì khi đó học viên bị đày đọa đủ
điều mà không được từ nan bất cứ điều gì, kể cả những điều nhục nhã nhất. Họ rèn
luyện cho con người sức chịu đựng, sức nhẫn nhục đến như vậy.
Môi trường
tu hành cũng vậy. Nếu đào tạo không nghiêm khắc, không có phương pháp, Tăng Ni
khi ra trường sẽ không có tài năng, Đạo đức lẫn bản lĩnh. Nếu không có bản
lĩnh, chúng ta sẽ sợ hãi, khiếp nhược, rút lui khi lâm vào cảnh khổ. Như vậy, sẽ
không ai dám dấn thân vào vùng sâu, vùng xa để làm việc đạo, giáo hóa chúng
sinh.
Hiểu được điều này, chúng ta sẽ không tỏ ra khó chịu hay giận hờn
mỗi khi bị huynh đệ xúc phạm. Nếu có bị người lớn chèn ép, chúng ta cũng vui
mừng, coi như đó là những điều kiện thử thách lòng nhẫn nhục của mình. Có không
ít trường hợp phiền não, đầy nước mắt nhưng chúng ta hãy xem đó là cơ hội để tu
hành. Hãy tâm niệm rằng, chịu đựng như vậy, khi ra ngoài làm Phật sự, việc khó
khăn nào chúng ta cũng vượt qua được. Chỉ cần nhớ một điều, chịu đựng nhưng
không phải sợ hãi, cũng không phải giận hờn nuôi dưỡng thù oán bên trong, mà là
tâm tha thứ, tâm buông xả, không phiền não. Đó chính là tâm nhẫn nhục của đạo
Phật.
2. NHẪN NHỤC LÀ THÀNH TỰU CỦA ĐẠO
LỰC.
Người tu hành thường có đức nhẫn nhục. Chúng ta phân biệt
hai loại nhẫn nhục: Nhẫn nhục bằng sức mạnh của Thiền định, bằng kết quả của
Thiền định và nhẫn nhục bằng tư duy chân chính.
a. Về sức mạnh của Thiền
định:
Chúng ta từng nghe câu chuyện về ngài Bạch Ẩn. Ông là tấm
gương tiêu biểu về hạnh nhẫn nhục. Ngài Bạch Aån thuộc dòng Lâm tế, ở nước Nhật.
Ngài khán công án. Một hôm, không hiểu vì lý do gì, ngài bị Thầy đánh một cái
rơi từ trên thềm xuống. Vì chùa ở trên dốc núi nên Ngài bị rơi xuống rất sâu và
bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, Ngài đã ngộ Đạo. Ngài đến trình Thầy và được Thầy chấp
nhận. Sau đó, Ngài về làng quê chăn bò thuê. Việc làm này không rõ nhằm mục đích
gì, có thể là Ngài muốn rèn luyện hay hàm dưỡng điều gì đó. Khi sống ở làng,
Ngài cũng ăn chay, tụng kinh lễ Phật, tỏ ra hiền lành nên mọi người gọi là ông
sư, và ai cũng thương quý Ngài.
Ngài cất chòi ở và chăn bò thuê được một
thời gian thì trong làng xảy ra chuyện. Một cô gái chưa chồng bỗng dưng bụng
ngày một to. Khi cha mẹ tra hỏi, lúc đầu cô chối quanh co, sau đó cảm thấy không
ổn nên cô đã đổ tội cho ông sư. Có lẽ cô cho rằng như vậy là đỡ rắc rối nhất.
Cha mẹ cô nghe vậy, đến mắng chửi Ngài thậm tệ. Ngài chỉ hỏi :“Vậy à” rồi im
lặng. Từ đó, người làng coi Ngài không ra gì nữa. Giá trị quan trọng nhất của
một người tu là phạm hạnh trong sạch. Ngài phạm tội nặng như vậy, còn gì giá trị
nữa. Khi đứa bé được sinh ra, người ta mang đến giao cho Ngài nuôi. Ngài nhận
em bé nhưng không biết nuôi như thế nào. Hằng ngày, Ngài phải ẵm em bé đi xin
sữa hàng xóm. Thời gian trôi qua chừng vài năm, cô gái cảm thấy ray rứt bèn thú
thật, bố đứa bé không phải là vị sư tội nghiệp kia mà là anh chàng bán cá ngoài
chợ. Biết sự thật, cha mẹ cô gái đến xin lỗi Ngài. Lúc này, Ngài cũng chỉ nói:
“Vậy à”, rồi trả đứa bé lại cho mẹ nó, coi như không có chuyện gì xảy
ra.
Đó là một tấm gương nhẫn nhục tuyệt vời. Ngài đã chịu đựng sự vu
khống, sự nhục nhã, mất thể diện, mất danh dự một cách bình an, không hề oán
ghét giận hờn. Quả là một sự nhẫn nhục rất tiêu biểu, rất đúng
nghĩa.
Trong bài Khiêm hạ, chúng ta đã bàn về vấn đề danh dự của người
tu hành. Người tu không coi trọng danh dự, vì còn đặt vấn đề danh dự nghĩa là
vẫn còn chấp ngã. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta sống bừa bãi, phóng túng.
Dù không coi trọng danh dự nhưng chúng ta vẫn sống rất đàng hoàng, nghiêm túc.
Sống như vậy là chúng ta muốn giữ tín tâm cho mọi người đối với Phật pháp. Nhìn
gương tu hành đứng đắn, nghiêm túc của chúng ta, người đời sẽ tin con đường Phật
pháp là chân chính. Mặt khác, lối sống nghiêm túc, có Đạo đức sẽ sớm đưa chúng
ta đến sự giải thoát, giác ngộ. Chúng ta đừng nghĩ rằng, sống đàng hoàng, đứng
đắn để được người đời ca ngợi, tôn trọng. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ tránh được
sự nhầm lẫn, một lúc nào đó xem danh dự, thể diện là quan trọng.
Trở lại
trường hợp Ngài Bạch Aån, chúng ta thấy Ngài tu rất đúng, không coi trọng danh
dự, thể diện nên đã nhẫn nhục một cách phi thường. Trong khi đó, Ngài vẫn sống
rất đàng hoàng, nghiêm túc. Đó là thái độ rất đúng của người tu theo đạo Phật.
Bởi vậy, trong cuộc sống, có lúc bị người ta chỉ trích, nói xấu, chúng ta cũng
không phản ứng, không trả đũa, không cải chính, không biện minh, lòng không hề
oán hận, tiếp tục sống cuộc đời rất đàng hoàng, Đạo đức tốt đẹp. Người sống như
vậy người biết nhẫn nhục cao độ.
b. Nhìn
bên ngoài, nhẫn nhục có vẻ nhu nhược nhưng bên trong là sức mạnh của nội tâm.
Người có tâm hồn yếu đuối, hay xao động không thể gọi là người
nhẫn nhục. Nhẫn nhục là có một sức mạnh, giữ tâm mình không bị xao động, lung
lay, không bị hoang mang. Nghĩa là đứng trước lời nói xấu của người khác, chúng
ta vẫn không hoang mang, lo lắng cho danh dự bị tổn thương và tìm cách cải
chính. Khi bị người ta xúc phạm chửi mắng, chúng ta vẫn không dao động, không
giận hờn, không buồn bã. Giữ được tâm vững vàng như vậy, phải có một sức mạnh
nội tâm rất lớn.
Những người tâm còn ích kỷ không bao giờ nhẫn nhục được
vì ích kỷ sẽ đưa đến chấp ngã nặng. Hễ chấp ngã nặng, khi bị xúc phạm, bị xâm
phạm chúng ta sẽ rất khó chịu, không chịu đựng được sự xúc phạm.
Tâm tự
ái cũng làm cho chúng ta không nhẫn nhục được. Vì tự ái là coi trọng thể diện.
Người tu theo đạo Phật phải vô ngã mới nhẫn nhục được.
Tâm còn xao động
cũng không thể nhẫn nhục được. Vì dễ xao động, khi người ta xúc phạm, chúng ta
sẽ mất bình tĩnh và không còn nhẫn nhục. Muốn trị xao động, muốn nhẫn nhục được,
chúng ta phải tu Thiền định.
Người hay giận hờn, thù hận cũng không chịu
được xúc phạm nên không thể nhẫn nhục được.
Tóm lại, tâm còn ích kỷ, tự
ái, xao động hay thù hận đều không thể chịu được sự xúc phạm của người khác nên
không thể nhẫn nhục.
c. Nhẫn nhục khác với nhu nhược, yếu đuối, vô
tàm quý.
Khi lầm lỗi, người ta góp ý nhưng chúng ta vẫn trơ ra,
không biết hối hận, không biết lỗi, vẫn tiếp tục làm. Đó không phải là nhẫn nhục
mà gọi là trơ lì. Trong đạo Phật, chúng ta gọi là vô tàm vô quý, không biết hổ
thẹn.
Ví dụ, khi bị phát hiện, một người có tật ăn cắp vặt vẫn im lặng,
tỏ ra bình tĩnh, không hổ thẹn, coi như không có gì xảy ra. Sự im lặng đó không
phải là nhẫn nhục mà trơ lì .
Trong bài Hạnh chân thật, chúng ta đã nhắc
đến ba hạng người. Hạng đầu tiên là vô tàm, hạng thứ hai là hối và thứ ba là bất
hối.
Người vô tàm là người khi mắc phải lỗi lầm, được người khác chỉ lỗi
vẫn không mắc cỡ, không hổ thẹn. Theo ngôn ngữ của người đời, đó là người “mặt
dày”. Những người này thường không biết thiện ác tội lỗi, Nhân Quả, là người rất
đáng sợ.
Hạng người thứ hai là người biết được Nhân Quả tội phước. Khi
đã làm điều gì lầm lỗi, được người khác chỉ lỗi cho, họ thường hối hận. Đây là
người biết tu, là người rất tốt.
Hạng người thứ ba là người khi lầm lỗi,
biết mình có lỗi nhưng lòng không hề hối hận, không hề ray rứt. Không hối hận
nhưng quyết tâm không bao giờ phạm lỗi nữa. Đây là hạng người chứng được Sơ
thiền. Người chứng Sơ thiền sẽ đạt được bất hối. Quyết tâm không phạm lỗi của họ
rất mạnh.
Đối với chúng ta, biết lỗi và biết hối hận cũng là một công
phu tu hành nghiêm túc. Đạt được điều đó là chúng ta đã trở thành người
tốt.
Trong cuộc sống, chúng ta gặp những trường hợp tương tự như nhẫn
nhục nhưng thực chất đó là người không có lòng tự trọng, vì cầu danh lợi nên
chịu hèn kém, nịnh bợ luồn cúi. Đó là hạng người vô liêm sỉ, không có tiết tháo.
Trường hợp này thường xảy ra ngoài đời, trong Đạo ít khi gặp phải. Chẳng hạn, có
người thấy người khác giàu sang, bèn lân la kết thân. Khi người giàu tỏ ra khinh
thường, sai làm hết việc này sang việc khác, thậm chí chửi mắng, họ cũng cười
trừ coi như chẳng có gì quan trọng. Như vậy, không thể gọi là nhẫn nhục . Đó là
cầu cạnh, luồn cúi, nịnh bợ. Nhẫn nhục của đạo Phật là không có sự cầu cạnh,
không mong muốn điều gì cho mình.
Những người chịu đựng nhục nhã, hạ
thấp phẩm giá để mong được ích lợi cho mình mà dân gian gọi là “ chịu đấm ăn
xôi”, là người không có liêm sỉ, là kẻ tiểu nhân với tư cách tầm thường, hèn hạ.
Biểu hiện bên ngoài của hạng người này rất giống nhẫn nhục nhưng hoàn toàn không
phải. Chúng ta cần chú ý phân biệt cho đúng. Bởi vậy, khi tiếp xúc với những
người giàu có, quyền thế, chúng ta phải kiểm soát tâm mình. Nếu bị người ta đối
xử không đàng hoàng mà mình vẫn nhịn, phải xét lại tâm mình xem việc mình nhịn
là nhẫn nhục hay nịnh bợ, muốn cầu cạnh điều gì.
Người đời có những kẻ
tiểu nhân, sẵn sàng bán rẻ danh dự, phẩm giá để cầu danh lợi. Người tu theo đạo
Phật luôn tỏ ra quân tử, có thái độ bất cần, thấy lợi không ham, thấy danh không
màng. Chúng ta chỉ cần sự tinh tấn, cần có Đạo đức cao dày, cần có phước và trí
tuệ để giáo hoá chúng sinh.
Người khiếp nhược, sợ hãi không biết làm gì
khi bị chèn ép là người nhu nhược. Vì khi bị chèn ép, trong lòng họ cũng giận
hờn, cũng uất ức nhưng không dám phản ứng vì người ta có thế lực hơn mình. Ví
dụ, một tù nhân bị cai ngục đánh đập, hành hạ nhưng anh ta vẫn chịu đựng. Trường
hợp này gọi là nhu nhược. Tuy có sự chịu đựng, nhưng là chịu đựng vì không có
khả năng phản ứng, không có khả năng trả đũa nên không phải là nhẫn nhục theo
đúng nghĩa của đạo Phật.
Có trường hợp, người ta không phản ứng lại việc
người khác chèn ép hay xúc phạm mình không phải vì yếu thế mà không muốn sự việc
trở nên phức tạp, để lại hậu quả xấu. Như thế gọi là người biết nhẫn nhục. Câu
chuyện về hai đứa bé với một cái bóp nhặt được trên đường là một ví
dụ.
Một thằng bé trông cũng to con đang đi trên đường, chợt thấy cái bóp
của ai đó đánh rơi. Nó vừa nhặt lên xem thì một đứa bé khác, nhỏ hơn nó, ở đâu
chạy tới đòi chia đôi số tiền có trong bóp. Nó không chịu vì muốn trả lại cho
người bị mất. Đang dùng dằng, bỗng nó nhìn thấy một người đàn ông loay hoay tìm
kiếm một vật gì. Hỏi ra, biết cái bóp nhặt được là của ông ta, nó vui vẻ trả
lại. Người đàn ông mừng quá, mở ra xem. Tất cả tiền bạc, giấy tờ trong bóp vẫn
còn nguyên. Ông bèn lấy ra năm chục ngàn để “hậu tạ” nó. Thằng bé dứt khoát
không lấy. Nó giải thích ngắn gọn : Nếu con muốn thì đã lấy hết rồi, con không
trả lại chú đâu. Nghe vậy, ông ta cảm ơn nó rối rít rồi đi. Người đàn ông vừa đi
khỏi, thằng bé nhỏ hơn nói :
- Mày đưa tao hai lăm
ngàn.
- Tiền gì ?
- Vì tao với mày cùng nhặt
được, ông ta cho năm chục thì phải chia đôi, mày hai lăm tao hai
lăm.
- Lúc nãy mày không thấy tao trả lại hết cho ông ta rồi
à?
- Tao không cần biết, ông ta cho năm chục tức mày hai lăm
tao hai lăm, còn trả là việc riêng của mày, tao không biết.
Hai đứa cứ
cãi qua cãi lại như vậy một lúc. Thằng nhỏ đòi đánh thằng lớn vì không đưa tiền
cho nó. Thằng lớn bỗng đâm đầu chạy. Người ta hỏi nó: “Chẳng lẽ con không đánh
lại nó hay sao mà bỏ chạy ?”. Nó trả lời: “Đâu có, nếu con đánh lại là nó chết,
con phải chạy để đừng đánh nó”.
Đó chính là sự nhẫn nhục đúng nghĩa. So
sánh với trường hợp thứ nhất, chúng ta thấy có sự khác biệt. Sở dĩ người tù bị
cai ngục đánh mà phải cắn răng chịu đựng vì anh ta biết rằng mình không làm gì
được người ta, quyền hành nằm trong tay họ. Trường hợp này, đứa bé lớn thừa khả
năng đánh lại nhưng nó không đánh.
Như vậy, người có khả năng mà vẫn
chịu đựng, không phản ứng, không trả đũa là người có sức nhẫn nhục rất cao.
Trong cuộc sống, ta gặp không ít trường hợp chịu đựng bởi không dám hoặc không
đủ sức phản ứng, nhưng trong lòng vẫn nuôi ấm ức, chờ cơ hội phục thù: “ rồi sẽ
biết tay ta”. Đó không còn là nhẫn nhục nữa.
Chúng ta cần phân tích tâm
để thấy sự khác nhau giữa hai trường hợp này. Tất nhiên, đây là điều không đơn
giản. Vì cái khó là ở việc phân tích hai cái tâm. Một bên vì yếu thế nên phải
nhịn nhưng trong tâm luôn luôn muốn trả đũa. Tâm muốn trả đũa khi bị người khác
xúc phạm là tâm rất mạnh. Một bên thừa khả năng, dư thế lực mà vẫn nhịn, không
trả đũa do tâm vui làm mất đi ước muốn trả đũa. Đa số chúng ta đều bị tâm trả
đũa thôi thúc. Hễ bị xúc phạm, chúng ta muốn phản ứng lại ngay. Bởi vậy, tâm
không trả đũa là tâm rất quý. Gốc nhẫn nhục là ở nơi tâm ấy.
Người tu
hành phải tu làm sao trong thâm sâu của tâm không còn ý muốn trả đũa nữa ngay cả
trong trường hợp dư thế lực. Như thế, chúng ta đã thành tựu được nhẫn nhục,
không phiền não, không giận hờn, không phản ứng …, dù mình dư điều kiện để làm
điều đó. Những người thoát được tâm muốn trả đũa rất đáng được ngợi ca, trân
trọng.
Nhẫn nhục là phẩm chất của người biết tự trọng, biết giữ phẩm
giá, không sợ hãi, nhưng giữ lòng bình thản tha thứ. Chỉ những người tu tập hạnh
Vô Ngã khiêm hạ, tự xem mình là cỏ rácï mới nhẫn nhục được. Chúng ta biết rằng,
bao nhiêu công hạnh Đạo đức đều tập trung ở ba tâm hạnh ban đầu là Tôn kính
Phật, Từ bi và Khiêm hạ. Từ ba tâm này, vô số tâm hạnh khác được mở
ra.
Nhẫn nhục có liên quan đến tâm khiêm hạ. Người thấy mình như cỏ rác,
cát bụi sẽ dễ nhẫn nhục hơn. Bởi vậy, mỗi đêm khi ngồi thiền, chúng ta đều quán
mình là cát bụi, là cỏ rác. Khi bị người khác chửi mắng, xúc phạm, chúng ta sẽ
bình thản, không thấy gì đáng giận nữa. Thậm chí, khi có người mắng mình là chó,
mình vẫn không giận. Có khi còn trả lời nhẹ như không khiến người ta phải bất
ngờ: “ Bạn nói không đúng sự thật, nếu là chó vẫn còn lớn lắm, thực ra tôi là
cát bụi, cỏ rác”…
Người ta kể rằng, vua Phillippe xứ Macédoine, cha của
Alexandre Đại đế (người từng đem quân đi đánh từ Hi Lạp qua Ấn Độ, chiếm cả
một vùng đế quốc rất rộng lớn qua Trung Đông, Ai Cập đến Ấn Độ) là người rất
tinh tế. Ông cho rằng, bệnh chung của tất cả các ông vua trên thế giới này là
kiêu ngạo. Bởi vậy, ông dặn người hầu đứng ở đầu giường, mỗi buổi sáng, khi ông
vừa thức dậy, câu phải nói với ông đầu tiên là: Philip, ngươi phải nhớ rằng
ngươi chỉ là một con người tầm thường mà thôi. Làm như vậy là ông muốn nhắc nhở
mình suốt cuộc đời ông không được kiêu ngạo. Vì kiêu ngạo thường đem lại thất
bại cho con người. Vì thế, trong cuộc đời làm vua, ông trị dân rất thành công.
Con trai ông là Alêchxăng Đại đế, từng chinh phục khắp nơi cũng là người đa mưu,
túc trí.
Thời đó, vua Philip muốn cất quân sang đánh chiếm một nước lân
cận. Thấy nguy cơ vua Philip sẽ xâm lược đất nước mình, trong khi dân chúng lo
vui chơi không phòng bị, nhà hùng biện Demothène đã đứng lên hô hào, kêu gọi
dân chúng đoàn kết, rèn luyện đểø chống lại kẻ thù. Ông mắc tật nói ngọng nên
hằng ngày, ông ra bờ biển để viên sỏi lên lưỡi gào thi với sóng biển để luyện
giọng. Cứ như thế, sau này ông đã trở thành một nhà hùng biện nổi tiếng thời cổ.
Ông đứng giữa đô thị khuyên dân chúng phải biết tai họa mà vua Philip sắp giáng
xuống đất nước mình. Thám tử của vua Philip ghi lại tất cả những lời Demothène
nói trước dân chúng và mang về trình cho vua Philip xem. Đó là những lời công
kích gay gắt vua Philip. Đọc xong, nhà vua không giận lại khen Demothène nói
hay: “ Trẫm mà trực tiếp nghe những lời này chắc trẫm cũng chống lại chính
mình”. Tuy vậy, vua Philip vẫn cất quân sang đánh và thắng lợi vẻ vang. Ông
chiến thắng bởi ông là một ông vua, vừa là một nhà minh triết. Cái sáng suốt của
ông không chỉ thể hiện ở sự khôn ngoan, ở chiến thuật bên ngoài mà còn thể hiện
ở sự kiểm soát trong tâm của mình. Người ta khâm phục vua Philip là như
vậy.
Giỏi việc bên ngoài mà vẫn kiểm soát được tâm bên trong, đó là điều
rất hay mà người tu theo đạo Phật cần để ý. Khi trở nên giỏi giang, gánh vác
được mọi việc, chúng ta phải thường xuyên kiểm soát tâm mình, nhất là tâm kiêu
mạn. Như vậy, tâm khiêm hạ là nền tảng để chúng ta tu tập được những tâm
này.
d. Có trường hợp nhẫn nhục
vì từ bi.
Chúng ta từng nghe câu chuyện vị vua tiền thân của
Phật, bỏ ngai vua để dân chúng thoát khỏi cảnh chiến tranh. Ông nhường nước của
ông cho vua nước địch. Đức Phật vô lượng kiếp từng làm vua do Ngài có phước lớn.
Ngài làm vua cai trị thiên hạ với tất cả lòng thương yêu. Lúc bấy giờ, dân số
vẫn còn ít nên vua thường trực tiếp đến thăm từng người dân. Ai có chuyện gì,
Ngài đều chăm sóc chu đáo. Do ngân quỹ quốc gia thường dành cứu trợ dân nên nhà
vua không trang bị cho việc võ bị quân sự. Lực lượng, quân sự của Ngài rất yếu.
Nước láng giềng biết điều đó nên cất quân sang đánh chiếm. Khi thám tử ở biên
giới chạy về cấp báo, vua ngồi suy nghĩ rất lâu. Ngài thấy rằng, nếu chống lại
chắc chắn chín mươi phần trăm thất bại thuộc về nước mình. Như vậy, sự hy sinh
xương máu của dân chúng là quá lớn. Hơn nữa, vị vua kia cũng là người biết cai
trị dân. Nghĩ vậy, Ngài đã hạ lệnh cho quân sĩ không cầm vũ khí. Các quan
tướng, lính tráng mở cửa thành đứng hai bên chờ quân nước kia tiến tới. Xong
đâu đấy, Ngài nhảy lên lưng ngựa chạy trốn.
Khi dẫn quân ầm ầm kéo đến,
ông vua nước kia vô cùng ngạc nhiên khi thấy dân chúng yên lặng, binh sĩ không
ai chiến đấu. Ông tiến vào thành, quan lại cũng đứng yên như đang đón tiếp. Ngai
vàng trống rỗng, hỏi ra mới biết ông vua kia đã chạy mất rồi. Ông ngửa mặt lên
trời cười và nói rằng : “Thằng kia nghe tiếng đã sợ chạy mất rồi, nhưng biết đâu
nó lại kết tập lực lượng, quay lại đánh mình”. Ông ra lệnh truy nã và hứa sẽ
trọng thưởng cho ai bắt được vị vua này.
Sau khi rời thành, Ngài đi lang
thang trong rừng, đào củ, ăn lá cây sống cho qua ngày. Quần áo Ngài cũng đã rách
rưới trông thật thảm hại. Một hôm, trên đường rừng, Ngài gặp một người Bà la
môn. Người ấy hỏi thăm Ngài có biết đường về kinh thành xứ đó hay không. Ngài
hỏi : “Để làm gì ? ”. Ông ta trả lời : “ Dạ, tôi nghe đồn ông vua trị vì xứ ấy
là người rất tốt, thường giúp đỡ mọi người. Tôi ở xa đến, hoàn cảnh của tôi vô
cùng bi đát. Bây giờ, năm sáu bà vợ và mấy chục đứa con tôi đều rơi vào hoàn
cảnh như vậy. Nếu không được giúp đỡ, chắc gia đình tôi phải chấp nhận một kết
cục bi thảm là chết đói. Nghe tiếng ông vua ấy tốt, tôi quyết tìm đến để được
giúp đỡ”. Nghe vậy, Ngài thốt lên: “ Trời ơi, ông vua đó chính là ta đây”.
Người Bà la môn ôm nhà vua vừa khóc vừa nói: “ Trời ơi! Tôi đi tìm Ngài để Ngài
giúp đỡ tôi, không ngờ Ngài thân tàn ma dại như vậy biết làm sao được”. Suy nghĩ
một lúc, Ngài nói: “ Thôi được, ta còn cách giúp ngươi. Ngươi trói ta lại, đem
nộp cũng được một món tiền kha khá”. Người đàn ông hoảng hốt: “Trời ơi, làm sao
con làm được điều đó”.“Ngươi cứ làm theo lời ta đi. Ta chỉ có một thân, một mình
không sao, năm sáu bà vợ với mấy chục đứa con ngươi mới quan trọng”. Nghe Ngài
phân tích, người đàn ông xiêu lòng, lấy dây thừng trói vua dẫn về. Ông vua đang
ngự trị ngai vàng lúc bấy giờ mừng quá, vì nghĩ sẽ trừ được hậu hoạ. Sau khi ban
thưởng rất trọng hậu cho người Bà la môn, ông hỏi : “ Ngươi làm thế nào bắt được
hắn? ”. Người Bà la môn kể lại đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, nhà vua rất xúc
động. Ngài không ngờ trên đời này còn có người tốt đến thế, luôn sẵn sàng hi
sinh vì người khác, không nghĩ đến bản thân mình. Ông cảm thấy bao nhiêu năm
chinh chiến, tranh giành, chiếm đoạt, mình không cao cả bằng con người ấy, con
người lúc nào cũng chỉ biết hy sinh, nhường nhịn. Nhà vua thức tỉnh, Ngài xin
lỗi và cởi trói cho vị vua nhân đức kia. Sau khi trả lại ngôi vua, hai bên kết
nghĩa bang giao.
Như vậy, hành động của Ngài là biểu hiện của Đức nhẫn
nhục cao cả. Sự nhẫn nhục ấy xuất phát từ tâm từ bi chứ không vì lợi ích cá
nhân.
Từ chuyện vị vua rời bỏ ngai vàng (tiền thân của Đức Phật) ấy,
chúng ta liên hệ đến trường hợp vua Trần Thái Tông ở Việt Nam. Khi ông mới lên
ngôi, Mông Cổ kéo quân sang xâm lược nuớc ta. Lịch sử còn ghi lại, vó ngựa Mông
Cổ đi đến đâu, cỏ cây không mọc được đến đó. Quân Mông Cổ rất hùng mạnh. Chúng
đem quân xâm chiếm khắp nơi, từ châu Á đến châu Âu. Bởi vậy, khi nghe tin Mông
Cổ sắp đem quân sang đánh nước ta, vua Trần Thái Tông rất lo sợ. Ngài nghĩ rằng,
nếu đương đầu với chúng, chắc chắn sẽ tắm máu không biết bao nhiêu sinh linh vô
tội. Ngài bàn với Thái sư Trần Thủ Độ nên đầu hàng cho muôn dân thoát khỏi cảnh
núi xương sông máu. Ông Trần Thủ Độ trả lời một cách cương quyết : “ Nếu Bệ hạ
muốn hàng, xin hãy chém đầu thần đi đã”. Lúc đó, ông Trần Thủ Độ cương quyết
chiến đấu vì ông có niềm tin là mình sẽ chiến thắng. Dù có quyết đoán và đôi khi
thủ đoạn, nhưng quyết tâm của ông đã giúp chúng ta chiến thắng quân Mông Cổ, mở
ra một trang sử oai hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Cho đến bây
giờ, thế giới vẫn chưa hết băn khoăn, không hiểu vì sao một đất nước nhỏ bé như
Việt Nam lại chiến thắng được quân Mông Cổ. Người ta đặt vấn đề nghiên cứu lại
những bài học chiến thắng quân Mông Cổ của Việt Nam.
Chúng ta đã ba lần
chiến thắng quân Nguyên Mông. Hai lần sau là công của vua Trần Thánh Tông và
Trần Nhân Tông. Có nhiều nguyên nhân đem lại những chiến thắng vẻ vang ấy. Trong
đó có một nguyên nhân vô cùng quan trọng là cuộc kháng chiến được dẫn dắt bởi
những vị minh quân, có đạo đức cao dày. Trong “ Bạch Đằng giang phú”, ông Trương
Hán Siêu đã ngợi ca:
Anh minh hai vị Thánh quân
Sông
đây rửa sạch mấy lần giáp binh
Giặc tan muôn thuở thanh
bình
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.
Trương Hán Siêu là một
mưu thần của Hưng Đạo Vương, cùng với Vương vạch ra những quyết sách đánh giặc,
nhưng lại cũng là người thầm lặng ít bộc lộ.
Một điều chúng ta phải ghi
nhận là các bậc vua quan đời Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân
Tông, Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo…đều ngưỡng mộ đạo Phật. Họ đều là những Thiền
sư, có đạo đức. Trần Hưng Đạo là người có sở đắc tâm linh rất sâu. Ông có đạo
đức, có tu tập, và có công lớn với đất nước. Vì thế, người đời tôn thờ ông như
một vị Thánh (Đức Thánh Trần).
Như vậy, việc Trần Thủ Độ cũng như các
đời vua Trần sau này quyết tâm chiến đấu chống Mông Cổ mà không nhẫn nhục là
đúng hay sai ? Phải chăng, hành động chống lại ngoại xâm một cách ngoan cường
như vậy là không đúng với hạnh nhẫn nhục của đạo Phật ?
Ở đây, chúng ta
cần lưu ý một điều, ở vào hoàn cảnh của các vị ấy thì không thể nghĩ đến cá nhân
nữa mà phải đặt vấn đề đại thể, vấn đề của quốc gia, dân tộc. Cho nên, vị vua
(trong câu chuyện tiền thân Đức Phật) nhịn nhục là vì dân. Các vua Trần quyết
đánh cũng vì dân chứ không phải vì sự nghiệp của riêng mình.
Vẫn biết
rằng, nhẫn nhục là Đạo ïđức cao quý mà mỗi chúng ta phải tu tập, rèn luyện nhưng
không phải trong bất kỳ tình huống nào chúng ta cũng nhẫn nhục. Chúng ta cần lưu
ý đến quyền lợi của nhiều người mà có thái độ ứng xử phù hợp. Với bản thân mình,
một khi đã tu hạnh vô ngã, khiêm hạ thì chúng ta sẽ nhẫn nhục được. Nhưng khi
biết thái độ, quyết định của mình có liên quan đến quyền lợi của mọi người,
chúng ta phải cân nhắc. Trong đánh giá người khác cũng vậy, chúng ta phải xem
thái độ ứng xử của họ liên quan đến lợi ích cá nhân hay quyền lợi của nhiều
người, không được đánh giá một cách phiến diện, một chiều.
3. NHẪN NHỤC LÀ BIẾT TRẢ CHO HẾT NGHIỆP.
Trong vô lượng kiếp luân hồi, chúng ta đã tạo rất nhiều nghiệp.
Có thể trong vô lượng kiếp trước, chúng ta đã gây ra không biết bao nhiêu điều
không tốt, làm khổ không biết bao nhiêu người. Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ rằng,
mình có mặt trên cuộc đời này là để trả cho hết những nghiệp đó. Nếu gặp khó
khăn, trắc trở trong cuộc sống, chúng ta cũng phải nhẫn nhục, chịu đựng để trả
những nghiệp mà mình đã gây ra trong quá khứ. Đó là sự công bình. Chúng ta chỉ
mong như vậy thôi, mong nhẫn nhục tu hành để thành Con người đúng nghĩa, đừng
nghĩ đến điều gì xa xôi, tu để thành Thánh, hay thành Bồ Tát. Có những nghiệp
chúng ta đã tạo nên trong quá khứ, kiếp này hiện ra cho chúng ta trả. Nhưng cũng
có những nghiệp không hiện ra kiếp này, mà hẹn đến mấy kiếp sau. Đừng nghĩ hễ
kiếp này gieo điều gì, chúng ta trả liền ngay điều đó. Có những nghiệp hẹn đến
năm mười kiếp sau, có khi một trăm kiếp sau, chúng ta mới gặp nhân duyên để
trả.
Chúng ta còn nhớ chuyện ngài Triệu Thố Viên án- Ngộ Đạt Quốc sư
trong Thuỷ Sám. Mười đời trước khi làm Ngộ Đạt Quốc sư, Ngài đã từng làm Viên
án. Vì tâu oan, Ngài đã giết chết một người. Oan hồn theo đuổi mãi đến mười kiếp
mới báo thù được, bằng cách nhập vào thân Ngài làm thành mụt ghẻ mặt người khiến
Ngài đau đớn vô cùng.
Như vậy, không phải mỗi nghiệp đều được trả liền.
Không ai trong chúng ta lại không từng gây nghiệp. Có nhiều nghiệp, chúng ta đã
tạo nên trong vô lượng kiếp quá khứ nên bây giờ phải có sức mạnh chịu đựng, trả
cho hết những nghiệp ấy. Biết vậy, khi bị xúc phạm đến bản thân, chúng ta phải
chịu đựng, không phản ứng, không oán thù để tránh tạo thêm tạo thêm nghiệp mới,
tạo thêm oan trái mới cho đời sau.
Có câu chuyện tiền thân của Phật lúc
còn là Đạo sĩ tu trong rừng. Thời đó có một ông vua tên là Ca Lợi. Một hôm, ông
cùng các cung nữ vào rừng dạo chơi. Khi mọi người tản ra dạo chơi, ngắm cảnh,
các cung nữ đến bệ đá thấy một Đạo nhân đang ngồi bất động, gương mặt an tĩnh,
hiền lành. Các cô liền đặt cây trái lên cúng dường, đảnh lễ và hỏi pháp. Vị Đạo
sĩ thuyết pháp cho các cô nghe. Lần lượt, các cung nữ khác đến rất đông, ngồi
quanh vị Đạo sĩ để nghe thuyết pháp. Lúc đó, nhà vua đang dạo chơi bỗng nhận ra
xung quanh mình không còn một ai. Ông đi tìm và bắt gặp hình ảnh một Đạo sĩ ngồi
giữa đang say sưa nói, chung quanh là các cung nữ yêu quý của mình chăm chú lắng
nghe. Lòng tự ái trỗi dậy (cũng là nghiệp xưa nay đã đến lúc đòi), ông hỏi Đạo
sĩ một cách xấc xược : “ Ông ở đây làm gì ?”. Đạo sĩ trả lời: “Thưa Đại vương,
tôi ở đây tu hạnh nhẫn nhục” . “Được”, vua vừa nói vừa rút gươm ra chặt đứt cánh
tay phải của ngài Đạo sĩ. Cánh tay rơi xuống, máu tuôn xối xả. Vua hỏi: “ Sao,
nhẫn được không?”. Đạo sĩ trả lời: “Thưa Đại vương, tôi nhẫn được”. Ông vua vung
gươm lần nữa, cánh tay trái rơi xuống. Ông lại hỏi: “Sao, nhẫn được không?”.
“Thưa Đại vương, tôi nhẫn được”. Nhà vua lại vung gươm lên chém và hỏi: “Sao
nhẫn được không?”. “Dạ được”. Vua lại vung gươm lần nữa và hỏi “Nhẫn được
không?”. Đạo sĩ vẫn bình thản: “Dạ nhẫn được”. Lúc này, hình như nghiệp quá khứ
đòi xong rồi, nhà vua bỗng thấy hối hận. Ngài buông gươm quỳ xuống trước mặt Đạo
sĩ xin sám hối.
Máu ra nhiều quá không cứu được, vị Tiên nhân đã chết.
Trước khi nhắm mắt, Ngài nói: “Tôi nhẫn nhục được, tôi không oán thù Đại vương,
tôi vẫn thương yêu Đại vương như mọi người, và tôi nguyện sau này khi thành
Phật, người đầu tiên tôi độ sẽ là Đại vương.”
Quả thật, sau này thành
Phật, Ngài đã độ cho vị vua ấy. Kiều Trần Như, người đệ tử đắc A La Hán đầu tiên
chính là ông vua đã chém Ngài khi xưa. Ngài đã giữ lời hứa, không oán thù vì
Ngài hiểu đó là nghiệp quá khứ mà mình phải trả.
Các vị Bồtát nhẫn nhục
vì hơn ai hết, các Ngài nhớ đích xác mình đã làm gì, chuyện đã xảy ra ở đâu, bây
giờ là lúc phải trở lại trả nghiệp…Vì vậy, các Ngài không bao giờ giận, cũng
không động tâm, không phiền não. Chúng ta cũng vậy, đã gây ra nhiều nghiệp từ
quá khứ, bây giờ gặp lại những oan trái, phải biết kiên nhẫn chịu đựng. Đó là
thái độ đúng nhất của người đệ tử Phật.
Ví dụ, khi gặp một người nào đó,
dù chúng ta không làm điều gì sai trái nhưng tự nhiên họ ghét mình cay đắng,
chúng ta cảm thấy rất khổ tâm. Nhưng đến lúc nào đó, trong một giấc mơ bất chợt
chúng ta thấy được trong tiền kiếp đã có oan trái với họ. Có thể mình với họ đã
từng gặp nhau trong chiến trận, Khi đó, mình là người chiến thắng, hả hê vui
sướng, còn họ thất bại ôm buồn giận cho đến kiếp này. Bởi vậy, khi gặp lại, họ
thù ghét và tìm cách hại mình đủ điều. Vì giấc mơ đã hiện ra cho biết điều đó
nên bây giờ chúng ta hiểu và không còn buồn giận nữa. Đây là trường hợp nhẫn
nhục do nhớ đích xác được nghiệp quá khứ mình đã gây ra.
Thời Đức Phật,
tại làng nọ có một gia đình sinh được một cô con gái rất xinh đẹp. Người cha
biết coi tướng số. Nhìn con gái quý tướng đầy đặn, ông nói rằng, con gái ông
phải làm đến ngôi Hoàng hậu, nghĩa là danh vọng tột đỉnh. Bởi vậy, ông phải kén
một chàng rể đàng hoàng, danh giá. Đang trong giai đoạn kén rể, một hôm trên
đường đi, cô gái gặp Đức Phật đang đi khất thực. Nhìn Ngài, cô ngạc nhiên quá
đỗi vì không ngờ trên đời này lại có một người đẹp trai, hảo tướng đến như vậy.
Cô vội vàng chạy về nói với cha: “Thưa cha, con đã gặp người xứng đáng”. “Người
đó như thế nào?”. “Con người vô cùng tốt, vô cùng đẹp, tướng vô cùng quý, chỉ có
điều là đang đi tu” Ông nói: “Để cha xem sao”. Nói rồi, ông đi vào rừng hướng về
nơi Đức Phật đang đi. Đức Phật biết được tâm ông ta nên dùng thần thông in lại
dấu chân Ngài lên mặt đất ( bình thường Ngài đi rất nhẹ).
Bàn chân Đức
Phật có một cái xoáy ở giữa, như là bánh xe pháp. Khi vào rừng, nhìn thấy dấu
chân, ông già nói: “Không xong rồi” và quay về. Ông nói với vợ: “Không được rồi
bà ơi, người này là vị Thánh, bàn chân rất đầy lại có xoáy ở giữa”. Bà vợ thương
con gái quá nên thuyết phục chồng : “Thôi kệ, Thánh thì Thánh, tu thì tu, cũng
có thể làm vua được. Con mình đã thích rồi, đừng để nó buồn”. Hai vợ chồng cùng
với con gái dắt nhau vào rừng gặp Ngài. Lúc ấy, Đức Phật đang bình lặng ngồi
Thiền. Ông già đứng chào và nói: “ Thưa ông, tôi là người giàu có ở làng này,
tôi có một đứa con gái duy nhất, sắc đẹp của nó cũng không thua kém ai. Đã đến
lúc cần phải chọn cho nó một nơi xứng đáng để gởi tấm thân. Nó có quý tướng đặc
biệt. Thấy Ngài cũng rất quý, tôi muốn chọn Ngài làm con rể. Mặc dù Ngài đang
tu hành, nhưng nếu Ngài đồng ý về làm rể của tôi thì Ngài sẽ được tất cả”. Ông
huyên thuyên, hứa hẹn rất nhiều. Đức Phật trả lời: “ Từ rất lâu, Như Lai đã vứt
bỏ tất cả mọi tham muốn tầm thường ở thế gian này. Ái dục chỉ làm cho người ta
đau khổ. Còn tấm thân gọi là đẹp, mỹ miều có nghĩa lý gì đâu. Đó chẳng qua là
cái túi da mỹ miều chứa đựng bên trong những điều hôi thối. Một ngày kia, thân
sẽ già nua, tàn tạ héo úa, da sẽ nhăn nheo, tóc bạc, mắt tí hí, lưng còng…Nếu
nhìn kỹ bản chất, sẽ không có gì là đẹp, đừng chấp vào sắc đẹp. Như Lai từ lâu
đã vượt qua những ham muốn tầm thường như vậy”.
Biết không thuyết phục
được, hai vợ chồng tiu nghỉu ra về. Cô gái nghe vậy, không hiểu rõ đó là đạo lý,
cứ tưởng rằng người kia chê mình xấu, chửi mình bên ngoài đẹp đẽ mỹ miều nhưng
bên trong hôi thối. Cô đâm ra giận và nuôi lòng oán hận. Quả thật, ông già coi
tướng đúng. Sau này vua Udena (tức vua U Điền) rước bà về làm Hoàng hậu. Nhưng
trong lòng bà vẫn nuôi mối căm thù đó.
Một lần, nghe tin Đức
Phật tới xứ mình, bà ra lệnh toàn dân đứng hai bên đường để chửi Ngài. Lúc đó,
đường sá rất hẹp. Người đứng hai bên chỉ tay vào gần chạm mặt Ngài. Cứ thế, họ
xếp hàng hai bên chửi mắng Ngài thậm tệ. Ai chửi hay đều được Hoàng hậu trọng
thưởng. Ngài A Nan đi với Ngài không chịu nổi cảnh người ta xúc phạm Đức Phật
bèn thưa:
- Bạch Thế Tôn, dân xứ này không ưa mình, thôi chúng ta đi nơi
khác.
- Đi đâu, nếu nơi đó người ta chửi nữa thì sao?
- Dạ, mình
đi chỗ khác nữa.
- Nếu đi nữa cũng gặp người ta chửi thì sao?
-
Dạ, mình lại đi nữa.
Đức Phật nói:
- “ Không phải, nghiệp xuất
hiện chỗ nào sẽ hết ở chỗ đó”.
Nói rồi, Ngài ôm bình bát đi tiếp. Nơi
nào có người đang chờ Ngài đến để chửi, là Ngài đến nơi đó. Cứ thế, nghe người
ta chửi chỗ này xong, Ngài lại đến chỗ khác tiếp tục nghe chửi. Ngài A Nan vẫn
lẽo đẽo theo sau để được nghe chửi cùng Ngài.
Ngày hôm đó, không ai cúng
vật gì, hai thầy trò nghe chửi no và nhịn đói trở về. Hôm sau, vẫn ôm bình bát,
Ngài đi vào làng. Dân chúng cũng đứng xếp hàng chờ chửi. Không một chút ngần
ngại, Ngài đến ngay những chỗ họ đang đứng. Qua hết con đường này, rồi lại đến
con đường kia, người người đang đứng chờ Ngài để chửi, Ngài vẫn không nói gì.
Thêm một ngày nữa, Ngài nhịn đói để nghe chửi rồi trở về nhà.
Ngài A Nan
vô cùng đau khổ. Đến ngày thứ tư, dân chúng bắt đầu không chửi nổi nữa. Thấy
Ngài vẫn tiếp tục ôm bình bát đi một cách thong dong, họ chỉ đứng nhìn với ánh
mắt ngạc nhiên pha lẫn niềm thán phục mặc cho Hoàng hậu ra lệnh tiếp tục chửi.
Ngài cứ lặng lẽ đi. Người ta cứ lặng lẽ nhìn. Thấy dân chúng không chửi nữa,
Hoàng hậu hạ lệnh quyết liệt hơn. Cũng chỉ được một vài người chửi một hai câu
rồi dừng lại. Họ không dám chửi nữa vì nhìn thấy gương mặt của Ngài rạng rỡ,
bình an, mà từ bi quá. Dần dần, Ngài đã hoá độ được dân chúng xứ này.
Sở
dĩ Đức Phật nhẫn nhục phi thường như vậy vì Ngài biết trong một kiếp xa xưa nào
đó, Ngài đã xúc phạm đến danh dự của người khác. Không chỉ xúc phạm Hoàng hậu,
Ngài còn chạm đến dân xứ đó. Chuyện người ta đến đòi hỏi cưới xin chỉ là một cái
mốc, một cái duyên của hiện tại để quả báo xuất hiện. Đó không phải là Nhân
chánh. Cái Nhân chánh đã nằm ở nhiều kiếp trước, lúc Ngài xúc phạm cả một xứ
dân.
Chúng ta không nên nhầm lẫn nhẫn nhục với thái độ ươn hèn, cầu an,
ích kỷ khi nhìn thấy người khác bị ức hiếp, bị nguy hại.
Chẳng hạn,
trên đường đi gặp tên cướp đang giật dây chuyền của một cô gái, chúng ta không
được nhẫn nhục mà bỏ qua. Đó là thái độ ươn hèn, cầu an, ích kỷ, chứ không phải
nhẫn nhục. Trong trường hợp này, nếu có học được món võ nào, chúng ta hãy làm
người anh hùng cứu giúp người ta. Nếu lượng sức mình không làm nổi, chúng ta
phải tri hô, kêu cứu để mọi người giúp đỡ. Hãy nhớ rằng, nhẫn nhục chỉ vì mình
là điều đơn giản, nhưng liên quan đến người khác chúng ta phải cẩn thận, cần
chọn thái độ ứng xử thích hợp.
Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ
nước của dân tộc ta đã chứng minh điều ấy. Không phải lúc nào cha ông ta cũng
nhịn nhục. Dù rất yêu chuộng hòa bình, nhưng khi cần thiết, nhân dân ta cũng
đứng lên chiến đấu ngoan cường để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc. Có
những người có thể được chúng ta cảm hóa bởi thái độ nhẫn nhục. Khi họ nặng
lời, xúc phạm, chúng ta vẫn hiền lành, nhẫn nhục, dần dần họ đổi tâm thương cảm.
Nhưng với không ít người, chúng ta cần có thái độ nghiêm khắc để dạy cho họ bài
học, ngăn không cho họ tiếp tục gây ra lầm lỗi. Bởi những người ấy thường có bản
chất hung dữ. Thấy chúng ta nhịn nhục, họ tự rút ra một chân lý, sống ở đời muốn
thành công phải hung dữ, phải biết lấn lướt người khác giành quyền lợi về mình.
Chúng ta từng nghe những kẻ không có lương tri quan niệm: “Phải biết ác, biết
tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ” hoặc “Mạnh được yếu thua”. Với những con người như
vậy, đức nhẫn nhục của chúng ta không thể cảm hoá được, nên phải có thái độ rõ
ràng, dứt khoát kẻo đôi khi sự nhẫn nhục của mình lại gây nên tai hoạ cho người
khác. Đối với kẻ thù xâm lược, nhẫn nhục càng không đem lại hiệu quả, chúng ta
cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn vì bản chất của bọn xâm lược, dù ở bất kỳ thời
đại nào, cũng đều tàn bạo.
Có khi rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, sức khỏe
hao tổn mà vẫn đủ ý chí chịu đựng, đó là con người dũng, có hùng lực. Người tu
chúng ta cần được như vậy. Dù gặp hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, khổ sở, bệnh
hoạn…tâm chúng ta vẫn không lay chuyển, không mất ý chí, không từ bỏ lý
tưởng.
4. CÁI NHẪN CỦA NGƯỜI CÓ TU TẬP
THIỀN ĐỊNH.
a. Người đạt được Sơ
thiền, khi bị xúc phạm, thường không động tâm. Người ngoài nhìn vào thấy
họ rất trầm tĩnh, không động tâm và cho là họ rất nhẫn. Nhưng thực chất, họ
không cảm thấy mình nhẫn vì tâm không có bụi phiền não khởi lên. Họ rất bình
thản, bình an. Khi chúng ta nói họ rất nhẫn nhục dù bị xúc phạm, họ cho rằng
không có gì để nhẫn. Đó là sức mạnh của Thiền định. Người chứng từ Sơ thiền trở
lên bắt đầu có được điều đó.
b. Tâm nhẹ
nhàng nên có thể khởi thành từ bi hoặc khôi hài để hóa giải thù oán.
Thường khi gặp nghịch cảnh, gặp chuyện trái lòng, chúng ta phải chịu đựng. Nếu
sức chịu đựng chưa mạnh, chúng ta phải dùng hết cả tâm mình để chịu đựng. Như
vậy, chúng ta không còn tâm để làm được gì nữa.
Ví dụ, có người nào đó
vô cớ chửi mắng mình. Họ rất thô lỗ, giận dữ, nói những lời xúc phạm. Lúc đó,
chúng ta cũng nhịn, cũng chịu đựng, cúi đầu im lặng, nhưng sự chịu đựng đó che
hết cả tâm. Chỉ chịu đựng thôi cũng gọi là nhẫn nhục, nhưng như vậy, Đạo lực của
chúng ta chưa nhiều.
Ngược lại, có trường hợp bị xúc phạm, chúng ta
chịu đựng nhưng tâm còn “dư”, nghĩa là chúng ta không phải dùng nhiều tâm lực để
chịu đựng. Lúc đó, chúng ta có thể nghĩ ra điều gì vui vẻ, nói một câu khôi hài
để hoá giải sự căng thẳng.
Một ví dụ đơn giản nhất: Hôm nay đến phiên
mình nấu cơm, không hiểu sao Sư huynh luôn tỏ ra khó chịu, cứ phiền trách mình
ngay trước mặt các cư sĩ. Khi thì Huynh chê cơm sống, khi cho rằng nấu thức ăn
không ngon….Lúc ấy, sức chịu đựng của mình cũng cao, mình bèn khôi hài một câu:“
Vậy mà hôm qua có người khen em giống Sư huynh đó”. Nghe vậy, tất cả mọi người
cùng cười. Chính câu nói đùa rất đúng lúc này đã làm mất đi không khí căng thẳng
ban đầu. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta vẫn nghĩ được câu khôi hài là do tâm
mình còn “dư”, không phải là sự chịu đựng quá sức đến nổi che hết cả tâm, khiến
chúng ta cúi đầu chịu đựng, ôm buồn khổ trong lòng.
c. Người xuất gia phải có khả năng nhẫn nhục cao độ để
làm gương cho Phật tử. Nếu vào chùa, thấy chúng ta phiền trách nhau, nói
qua nói lại, giận hờn nhau, Phật tử sẽ cho là chúng ta tu chưa tốt, chùa không
thanh tịnh, họ sẽ nản chí, và dễ thoái tâm. Bởi vậy, nhiều khi nghĩ đến thể
diện của chùa, chúng ta phải nhẫn nhịn. Đó cũng cũng là công đức lớn. Trong
hoàn cảnh khó khăn, Phật tử thấy chúng ta vẫn bình thản, vẫn chịu đựng được, họ
sẽ tin ở Phật Pháp.
Trước khi nhẫn nhục được bằng Thiền định, chúng ta
nên tập nhẫn nhục bằng tư duy chân chính.
Ví dụ, khi bị người ta mắng
chửi, chúng ta nhịn vì nghĩ theo Nhân quả, chắc đây là là chuyện oan gia đời
trước, do mình đã từng xúc phạm đến họ nên bây giờ họ mắng lại. Đó là tư duy thứ
nhất, theo Nhân quả mà nhịn. Tư duy thứ hai, chúng ta biết ơn người này vì nhờ
họ chửi mắng mà mình tập được sức chịu đựng. Đây là thiện trí thức nhắc chúng ta
nhớ lúc nào mình cũng là cỏ rác, là cát bụi. Hoặc có khi đó là suy nghĩ, nhờ sự
nhẫn nhịn của mình mà người ta hiểu ra và được cảm hóa. Đây là vì từ bi mà nhịn.
Cao hơn, chúng ta nhịn vì nghĩ đến thể diện của chùa, của Phật pháp, đến niềm
tin của Phật tử. Công đức của sự nhịn nhục vì mục đích này rất lớn. Như vậy,
trước khi đạt đựơc Thiền định để có được nhẫn nhục tự nhiên, chúng ta nên nhẫn
nhục bằng tư duy.
Cần phân biệt từng trường hợp để thực hiện nhẫn nhục
một cách đúng nghĩa. Trước sự công kích của ngừơi khác, lúc nào chúng ta cũng
phải bình tĩnh suy xét, xem người ta nói sai hay đúng. Nếu thấy điều người ta
phê bình, công kích là đúng, chúng ta nên dừng việc đang làm lại, thay đổi và
tìm cách sửa sai. Chúng ta cần tránh cả hai thái độ: phản ứng, chống lại một
cách gay gắt hoặc im lặng, không để ý đến lời người khác. Biết sai mà vẫn cố
gắng đến cùng sẽ rơi vào bệnh chủ quan duy ý chí, cuối cùng chuốc lấy thất bại
thảm hại. Trường hợp thấy việc mình làm hoàn toàn đúng, người ta góp ý, chỉ
trích sai, chúng ta vẫn chịu đựng sự công kích của họ để tiếp tục công việc đang
làm. Như vậy gọi là giữ lập trường kiên định.
Nói đến nhẫn nhục, người
ta thường nhắc lại câu chuyện nổi tiếng: “Tây Thi- Nữ hoàng Ngô quốc”. Thời đó,
Ngô Vương Phù Sai đem quân đánh chiếm nước Việt (không phải Việt Nam bây giờ) và
bắt Việt Vương Câu Tiễn về làm nô lệ. Đó là mối nhục lớn đối với một vị vua.
Việt Vương Câu Tiễn ngày ngày vẫn hầu hạ vua Ngô một cách chu đáo, tận tuỵ. Thậm
chí, một lần Phù Sai bị bệnh rất nặng, các Thái y hoang mang không biết phải làm
thế nào, Câu Tiễn đã xin được nếm phân Phù Sai để định bệnh. Việc làm của Câu
Tiễn khiến vua Phù Sai và các quan trong triều vô cùng cảm phục. Ngô Vương Phù
Sai tin rằng vua nước Việt đã hoàn toàn quy phục, không còn ý định trả thù. Sau
khi khỏi bệnh, Phù Sai cho Câu Tiễn trở về nước. Việt Vương Câu Tiễn hằng năm
vẫn dâng cống phẩm đều đặn cho vua Ngô. Lúc đầu là vàng bạc, châu báu, sau là
các loại gỗ quý để vua Ngô xây Cô Tô đài, cuối cùng là tiến cống mỹ nhân để vua
vui chơi giải trí. Trong số các mỹ nhân được dâng nạp có nàng Tây Thi sắc đẹp
“nghiêng thành, đổ nước”. Một mặt, vua Câu Tiễn dặn những người đẹp phải làm cho
Ngô Vương Phù Sai mê đắm, suốt ngày vui chơi trong Cô Tô đài mà quên hết mọi
công việc triều chính. Một mặt, ông củng cố binh lực và rèn luyện ý chí bằng
cách “nằm gai nếm mật”. Khi thời cơ đến, quân đội của Câu Tiễn kéo sang đánh,
Phù Sai không kịp trở tay. Cả thành Cô Tô chìm trong biển lửa và Phù Sai cũng
chết một cách bi thảm.
Giai đoạn làm nô lệ cho Phù Sai, Câu Tiễn đã nhẫn
nhục chịu đựng một cách đáng khâm phục. Nhưng đó không phải là sự chịu đựng nhẫn
nhục của đạo Phật. Đó là sự thâm hiểm, nhẫn nhục nhằm mục đích trả
thù.
Hàn Tín ngay từ nhỏ đã bộc lộ tài năng thiên bẩm. Ông rất giỏi về
quân sự, nghiên cứu binh thơ đồ trận, gặp ai cũng bàn bạc. Một lần, ra chợ, ông
ta gặp một kẻ du côn. Hắn đứng dạng chân và yêu cầu ông phải chui qua, nếu không
hắn sẽ giết. Hàn Tín suy nghĩ một lát rồi chui qua. Người kia cười đắc chí. Hắn
cho rằng, như vậy không phải anh hùng. Nếu thực sự là anh hùng thì thà chết chứ
không chịu nhục. Hắn không biết rằng Hàn Tín là con người nuôi chí lớn. Con
người ấy sẵn sàng nhịn nhục để bảo toàn thân mình, tránh rắc rối với những việc
trước mắt, dấu diếm khả năng võ nghệ siêu phàm của mình để sau này còn làm được
việc lớn trong thiên hạ. Sau này, được làm tướng, chẳng những không giận, ông
còn thưởng cho người kia. Ông muốn cho thiên hạ biết mình không phải là kẻ tiểu
nhân. Đây là trường hợp người có chí lớn nên nhịn được những điều nhỏ
nhặt.
Trường hợp Mạc Đĩnh Chi của nước ta cũng là tấm gương về nhẫn
nhục. Ông sinh ra trong một gia đình rất nghèo, cha chết sớm, bản thân lại xấu
xí. Tuy vậy, ông vẫn cố gắng học hành và đỗ Trạng nguyên. Khi đi sứ bên Tàu, ông
được vua nước ấy nể phục và phong làm Trạng nguyên. Như vậy, ông được làm Trạng
nguyên cả hai nước . Sự chịu đựng gian khổ để học thành tài của Mạc Đĩnh Chi
tuy còn vì mục đích cầu sự nghiệp, nhưng tâm ông tốt, không làm điều gì ác nên
vẫn gần với nhẫn nhục của đạo Phật.
Người tu theo đạo Phật luôn nhẫn nhịn
được mọi điều, từ điều nhỏ đến điều lớn. Chúng ta nhẫn nhục không phải để cầu
mong sự nghiệp, mong danh dự. Vì chúng ta quan niệm cái ta này không có thật nên
nhẫn nhục của đạo Phật vẫn khác so với nhẫn nhục của người đời. Nhưng nếu nghĩ
sâu hơn, chúng ta có chí lớn là cầu thành Phật thì những chuyện khác là nhỏ
nhặt, cần bỏ qua.
Trong Thoát vòng tục lụy có câu chuyện về Ngọc Lâm
Quốc Sư. Một lần, bị vu cáo là giết người, bị bắt giam vào ngục nhưng ông vẫn
không biện minh. Đối với người tu hành, bị vu khống giết người là tội rất nặng.
Sau đó, Sư huynh Ngọc Lam đã minh oan cho ông.
Tại sao bị hàm oan mà ông
không cãi, lại rất bình an? Lý do rất đơn giản. Với ông, danh dự chỉ là cái hão
huyền nên ông không cần. Người tu hành chúng ta cũng không cần. Điều đem lại
bình an cho chúng ta chính là sự vô tội, sự trong sạch của mình. Khi thực sự
trong sạch, chúng ta sẽ bình an, mọi chuyện khác chỉ là Nhân quả, Nghiệp duyên.
Điều đáng ngại là lúc trả nghiệp chúng ta lại tạo tội, làm cho tâm bất an. Nếu
lúc trả nghiệp, bị người ta vu khống nhưng thật sự trong thâm sâu mình không có
tội, hoàn toàn trong sạch thì tâm chúng ta sẽ rất bình an. Như vậy, sống một đời
trong sạch, không tội lỗi là chỗ dựa để người tu chúng ta được bình an trong
cuộc sống này.