Thay lời kết
Câu chuyện của chúng ta có thể phải tạm dừng ở đây, cho dù người viết
vẫn còn không ít điều muốn nói. Dù vậy, những gì chúng ta đã đề cập đến
cũng có thể xem là tạm đủ cho một bước khởi đầu.
Phóng sinh không phải là một khái niệm xa lạ đối với hầu hết chúng ta,
nhưng một vài ý tưởng trong sách này có thể là phần nào đó chưa quen
thuộc lắm với bạn đọc. Tuy vậy, tất cả những gì được trình bày ở đây
không chỉ là một sự góp nhặt, chúng là những gì mà người viết đã thực sự
cảm nhận trong cuộc sống. Vì thế, nếu có bất cứ sự sai lệch nào xuất
phát tính chất chủ quan của những nhận thức được nêu ra trong sách,
người viết sẽ rất vui mừng được đón nhận sự góp ý trao đổi từ bạn đọc
gần xa, cũng như sẽ vô cùng biết ơn sự quan tâm chỉ giáo của các bậc tôn
túc, trưởng thượng.
Sự sống trên thế gian này, cho dù nhìn từ bất cứ góc độ nào – triết học,
khoa học hay tôn giáo – cũng vẫn còn đầy bí ẩn. Tất cả đều chạm phải
những giới hạn không thể vượt qua. Riêng đối với tôn giáo, cho dù niềm
tin là có thể vượt qua mọi giới hạn, nhưng đích đến vẫn còn là nằm về
phía trước, cho nên một hiểu biết đầy đủ về sự sống vẫn chưa phải là
điều chúng ta có được trong hiện tại.
Nhưng tất cả – triết học, khoa học và tôn giáo – đều gặp nhau ở một nhận
thức chung về tính chất quý giá và mong manh của sự sống. Vì thế, không
ai trong chúng ta còn có thể hoài nghi về điều này. Và nếu như có bất cứ
ai còn chưa thấy được tính chất quý giá và mong manh của sự sống, có thể
nói là những người đó chưa từng được sống!
Mặc dù vậy, nhiều người trong chúng ta thường quên đi tính chất quý giá
và mong manh của sự sống, hay nói đúng hơn là ta chỉ thấy được tính chất
này ở bản thân ta hoặc những người thân của ta, hoặc mở rộng hơn nữa là
ở loài người. Chúng ta quên đi rằng đó là một tính chất tự nhiên phổ
quát và bình đẳng ở cả muôn loài. Một cách ích kỷ, chúng ta đã thu hẹp
nhận thức về tính chất quý giá và mong manh của sự sống ở một số đối
tượng theo cách nhìn chủ quan của bản thân mình. Và tùy theo sự thu hẹp
đó, mức độ sai lầm của đời sống chúng ta cũng thay đổi.
Với những ai chỉ biết trân quý sự sống của riêng bản thân mình, đó sẽ là
người sẵn sàng bị lôi cuốn vào hết thảy mọi điều ác, bởi họ không thấy
có gì quan trọng hơn là chăm lo và bảo vệ cho sự sống của riêng mình.
Các bạo chúa như Thành Cát Tư Hãn, Tần Thủy Hoàng, Adolf Hitler... đều
thuộc về hạng người này. Đối với họ, sinh mạng của người khác, vật khác
chỉ là như cỏ rác, không đáng cho họ phải bận tâm...
Ở mức độ khá hơn đôi chút là những người chỉ biết trân quý sự sống của
bản thân và gia đình mình, những người thân của mình... Những người này
tuy không tàn độc đến mức như hạng người trên, nhưng tâm địa họ vẫn
thường hẹp hòi, ích kỷ. Họ không thể mở rộng lòng ra để tiếp xúc với thế
giới quanh họ, bởi họ luôn có cảm giác thù nghịch với những ai không
phải là người thân của họ. Chính sự trân quý sự sống của bản thân và
người thân của mình đã tạo cho họ cảm giác thù nghịch đó. Họ luôn cho
rằng mọi người, mọi loài khác đều có thể đe doạ sự sống của họ... Và họ
sẵn sàng làm bất cứ điều gì mà họ cho là cần thiết để “tự vệ”...
Nhìn lại trong lịch sử, bạn còn có thể kể ra nhiều phạm vi giới hạn
khác, chẳng hạn như dựa vào dòng họ, chủng tộc, quốc gia, khu vực... Tuy
nhiên, đó cũng chỉ là những nhận thức hạn chế không phổ biến, và cũng
không tồn tại lâu dài trong lịch sử loài người...
Nhưng chiếm tuyệt đại đa số sẽ là những người chỉ nhận thức giới hạn
tính chất quý giá và mong manh của sự sống trong phạm vi loài người. Do
sự giới hạn này, người ta cho rằng chỉ có sinh mạng con người là xứng
đáng và cần thiết phải được bảo vệ, còn sinh mạng của loài vật thì không
cần quan tâm đến, hay nói cách khác là chẳng có gì đáng quý!
Từ lâu, điều này đã mặc nhiên được xem như nhận thức chung của loài
người. Luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chỉ xem việc
giết người là phạm tội, mà không đề cập đến việc giết hại bất cứ loài
vật nào...
Tuy nhiên, điều này cũng đang dần dần thay đổi. Gần đây, một số nước đã
thông qua luật bảo vệ súc vật, luật bảo vệ các động vật hoang dã trong
thiên nhiên... Thậm chí ở một số nước, việc đánh đập, hành hạ súc vật
cũng đã bắt đầu bị xem là phạm pháp. Năm 1973, một tổ chức quốc tế có
tên gọi tắt là CITES1 đã thông qua một văn kiện bảo vệ các loài động
thực vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, với sự tham gia của 125 quốc
gia. Văn kiện này đã bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ năm 1975. Năm
1989, tổ chức này tiếp tục đưa ra một lệnh cấm giết voi và buôn bán ngà
voi. Có 120 quốc gia ủng hộ việc thực hiện lệnh cấm này.
Nhưng đó cũng chỉ mới là những dấu hiệu khả quan rất ít ỏi. Nói chung
thì người ta vẫn chưa thừa nhận rằng sự sống của muôn loài đều quý giá
như nhau. Và chính sự nhận thức giới hạn này đã đẩy con người ngày càng
lún sâu trong ác nghiệp.
Muộn còn hơn không! Chỉ cần chúng ta chấp nhận thay đổi nhận thức sai
lầm, hẹp hòi về sự sống, biết trân quý hết thảy sự sống của muôn loài,
chúng ta sẽ có thể dễ dàng từ bỏ mọi ác nghiệp để có thể có được một đời
sống tốt đẹp, an vui và hạnh phúc thực sự.
Tuy chưa thể xem là đầy đủ, nhưng điều cần nói cũng đã nói. Người viết
không dám hy vọng là một tiếng gà khuya có thể đánh thức cả xóm làng,
nhưng thật sự mong sao mỗi bạn đọc đều sẽ có một vài phút giây suy ngẫm
sau khi đọc qua tập sách nhỏ này và có được một nhận thức đúng đắn,
thiết thực hơn về việc thực hành phóng sinh. Nếu được vậy thì “chuyện
nhỏ phóng sinh” của chúng ta không còn là một việc “khó làm” nữa, mà sẽ
là một điều tốt đẹp ngay trong tầm tay, có thể được thực hiện vào bất cứ
lúc nào, cũng như những lợi ích do nó mang lại là hoàn toàn không
nhỏ!Cuối cùng, nếu như bạn cảm thấy được điều gì đó có thể giúp cho cuộc
sống thêm phần thanh thản, an vui và hạnh phúc, thì đó sẽ là niềm vui
lớn nhất dành cho người viết.