Thế giới của chúng ta
Cách đây rất lâu, tôi có đọc qua một tác phẩm hư cấu, trong đó tác giả
mô tả một nhà tù rất lớn. Trong nhà tù ấy, các phạm nhân tự đặt ra những
quy luật của họ, và đấu đá với nhau để giành địa vị “trưởng tù”. Tất cả
phạm nhân đều phải nghe lệnh của “trưởng tù”, phục vụ cho “trưởng tù” và
làm bất cứ điều gì mà ông ta đòi hỏi. Dưới quyền “trưởng tù” có rất
nhiều “trợ thủ”, là những người nghe lệnh ông ta nhưng lại đủ sức để bắt
nạt tất cả những phạm nhân khác.
Tất nhiên là trong nhà tù ấy vẫn tồn tại tổ chức quản lý chính thức,
nghĩa là cũng có cai ngục, giám thị, những người quản lý phạm nhân...
Tuy nhiên, song song với hệ thống quản lý hợp pháp ấy là hệ thống quyền
lực “bất hợp pháp” mà tất cả phạm nhân đều phải cúi đầu tuân theo. Những
phạm nhân mới vào được “dạy dỗ” bằng những trận đòn phủ đầu, và nhờ đó
mà họ biết được là phải sống trong nhà tù này như thế nào.
Thế rồi, thỉnh thoảng cũng có những “hảo hán” sa lưới pháp luật bị tống
vào tù. Và tên phạm nhân ngoại hạng này ngay khi vào tù đã đủ sức làm
một cuộc “cách mạng”, đánh gục “trưởng tù” trước đó để lên thay thế. Rồi
nhà tù cứ thế mà tồn tại theo quy luật “mạnh được yếu thua” ngày này
sang ngày khác...
Chỉ là một chuyện hư cấu, nhưng đã gợi lên trong tôi rất nhiều liên
tưởng. Tôi nhìn thấy trong tự nhiên dường như cũng có thấp thoáng bóng
dáng của những tên “trưởng tù” hung bạo, luôn chèn ép, bắt nạt những kẻ
yếu sức hơn mình. Còn hơn thế nữa, chúng nhẫn tâm cướp đi sinh mạng của
kẻ yếu chứ không chỉ là chèn ép, bắt nạt...
Không thật thế sao? Bạn cũng biết là những loài thú như sư tử, cọp, beo,
chó sói... chỉ có mỗi một cách sinh tồn duy nhất là bắt lấy những con
thú nhỏ để ăn thịt. Ai ban cho chúng cái quyền ấy, nếu không phải chỉ là
dựa vào sức mạnh? Và những con thú nhỏ không có cách đối phó nào khác
hơn là lẫn tránh, trốn chạy... Nhưng chạy đến nơi nào mà không có những
loài hung bạo ấy? Và thế là chúng phải sống ngày này sang ngày khác
trong sự lo lắng, sợ hãi và phải luôn cảnh giác, đề phòng, vì có thể bị
giết chết bất cứ lúc nào.
Chung quanh ta cũng không ít những cảnh tương tự diễn ra hằng ngày. Mèo
bắt chuột, chim bắt sâu, rắn bắt ếch... tất cả đều có vẻ như hoàn toàn
tự nhiên, vì những việc ấy vốn dĩ đã xảy ra tự muôn đời. Không ai trong
chúng ta cảm thấy bất bình, phản đối hay cho rằng những việc như thế là
bất công, cho dù bản chất của sự việc quả đúng là như vậy.
Nhưng nếu chúng ta có thể khách quan tự nhận xét về chính mình, thì
những gì mà con người đã làm từ hàng nghìn năm qua còn bất công hơn thế
nữa. Trong khi các loài thú ăn thịt không có bất cứ chọn lựa sinh tồn
nào khác ngoài việc bắt lấy những con thú nhỏ để ăn thịt, thì con người
lại hoàn toàn không bị bắt buộc như thế. Chúng ta có thể tự nuôi sống
bằng nhiều cách khác nhau mà không cần thiết phải giết hại loài vật – và
đã có rất nhiều người chọn sống như thế – nhưng đa số vẫn cứ làm điều
đó. Chim bay trên không, cá lội dưới nước, thỏ chạy trong rừng... tất cả
đều không thoát được ra khỏi tầm tay của chúng ta. Ngoài sức mạnh, chúng
ta còn có trí thông minh vượt xa loài vật, và chúng ta đã sử dụng trí
thông minh của mình để cướp đi mạng sống của muôn loài. Chúng ta dùng đủ
cách để đánh cá, bắt chim, bẫy thú... chúng ta có vô số công cụ ngày
càng tối tân, hiện đại hơn để thực hiện việc giết hại của mình.
Nhưng con người không chỉ là những tên “trưởng tù” hung bạo đối với loài
vật. Con người còn là những “trưởng tù” đối với đồng loại của chính
mình. Bạn không tin điều đó sao? Thì chứng tích của chế độ thực dân vẫn
còn sờ sờ ra đó, ở khắp nơi trên thế giới này. Nhìn sâu hơn về quá khứ,
chắc bạn cũng đã từng nghe biết về chế độ nô lệ. Mặc dù ngày nay con
người đã thỏa thuận xóa hẳn chế độ dã man này, nhưng nạn buôn người
ngoài vòng pháp luật vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi, nhất là những đường
dây buôn bán phụ nữ, trẻ em... Những kẻ hưởng lợi từ các hoạt động phi
pháp dã man này, chẳng phải là những tên “trưởng tù” đó sao?
Nhớ lại cách đây hơn 500 năm, vào ngày 12 tháng 10 năm 1492, Christopher
Columbus (1451-1506) lần đầu tiên tìm ra châu Mỹ (Americas) mà sau này
ta thường gọi là Tân Thế giới. Trong khi sự kiện trọng đại này mở ra một
con đường phát triển thênh thang cho những người da trắng châu Âu, thì
nó cũng đồng thời là bản án tử hình thảm khốc cho hàng triệu thổ dân da
đỏ đã từng sinh sống ở đây qua nhiều thế kỷ. Thảm họa của họ không đến
từ những loài thú dữ hung bạo mà họ đã quen săn bắt, nhưng lại đến từ
chính những đồng loại của mình, những con người có vẻ ngoài rất văn
minh, hiền hòa và lịch thiệp.
Vì thế, có lẽ chúng ta không thể phủ nhận được rằng cái quy luật “mạnh
được yếu thua” không chỉ tồn tại ngoài vòng pháp luật. Thực ra nó còn
tồn tại ở cả những nơi không đáng tồn tại, ở ngay giữa lòng xã hội văn
minh của loài người, và điều đó cũng không khó nhận ra.
Và chúng ta hoàn toàn không phải là những người đầu tiên nhận ra hay nói
lên điều này. Cách đây hàng thế kỷ, Karl Marx (1818-1883) đã nhận rõ
được những tên “trưởng tù” của nhân loại và đã nói rõ với cả thế giới về
cách thức mà chúng sử dụng để chèn ép, bắt nạt những kẻ yếu sức hơn
mình...