Cùng chung cảnh ngộ
Khi chấp nhận vấn đề nhân quả, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được vì sao đức
Phật đã gọi cõi thế giới này là cõi Ta-bà – thế giới của sự nhẫn nại
chịu đựng. Do sự tương đồng về nghiệp thức, tất cả chúng ta đã cùng nhau
sinh ra trong thế giới này, với một điểm chung là để nhận lãnh những ác
nghiệp đã tạo. Không có ác nghiệp, không thể sinh về cõi này, trừ trường
hợp đó là sự tự nguyện để cứu độ chúng sinh như Phật và các vị Bồ Tát.
Như vậy, lời giải thích cho những đau khổ triền miên của chúng ta trong
đời sống này đã trở nên rõ ràng. Và con đường thoát khổ tất nhiên cũng
được mở ra nhờ vào những nhận thức đúng này. Điều đó thật đơn giản: đau
khổ đến từ ác nghiệp, vậy muốn chấm dứt đau khổ, chỉ có một cách duy
nhất là chấm dứt mọi ác nghiệp.
Thế nào là ác nghiệp? Đức Phật có dạy 10 điều thiện (Thập thiện đạo)
được kể ra như sau:
1. Bất sát sinh: Không giết hại, phải làm việc tha thứ, phóng sanh.
2. Bất thâu đạo: Không trộm cắp, phải thường làm việc bố thí.
3. Bất tà dâm: Không tà dâm, phải chung thủy trong cuộc sống một vợ một
chồng.
4. Bất vọng ngữ: Không nói dối, nói lời có hại, phải nói lời chân thật.
5. Bất lưỡng thiệt: Không nói hai lưỡi, nói đâm thọc gây chia rẽ, hiểu
lầm, phải nói lời đúng thật.
6. Bất ác khẩu: Không nói lời ác độc, gây tổn thương người khác, phải
nói lời hòa giải, tạo sự đoàn kết.
7. Bất ỷ ngữ: Không nói lời thêu dệt, vô nghĩa, phải nói lời có ích, hợp
đạo lý.
8. Bất tham dục: Không tham lam, mong cầu quá nhiều, phải biết đủ, ít
ham muốn, luôn quán xét rằng mọi sự vật là chẳng thật, bất tịnh, vô
thường.
9. Bất sân khuể: Không nóng nảy, giận dữ, phải nuôi lòng từ bi, nhẫn
nhục.
10. Bất tà kiến: Không tin theo những ý niệm, kiến giải sai lầm, phải
luôn giữ chánh kiến sáng suốt.
Mười điều thiện như trên là khuôn thước đầu tiên cho bất cứ ai muốn khởi
sự xa lìa ác nghiệp. Làm đúng theo như vậy là tạo ra thiện nghiệp, làm
ngược lại là tạo ra ác nghiệp.
Như vậy, chúng ta có thể thấy ngay một điều là, cho dù những lý luận về
nhân quả có thể hơi khó nắm bắt đối với một số người, nhưng những chỉ
dẫn để hướng đến một đời sống tốt đẹp lại vô cùng cụ thể, dễ hiểu và hết
sức thiết thực.
Chỉ cần bạn tự xét lại bản thân mình, đối chiếu mọi hành vi của mình với
mười điều thiện vừa nêu trên, bạn sẽ thấy ngay một sự khác biệt giữa
những điều thiện và bất thiện. Trong khi những hành vi bất thiện luôn
dẫn đến sự bất an, lo lắng, thì những hành vi thiện luôn mang lại sự
thanh thản, tự tin và một niềm vui sống.
Vì thế, không cần phải chờ đợi sự chứng nghiệm bởi thời gian. Chỉ cần
chúng ta khởi sự làm việc thiện và chấm dứt mọi điều ác, chúng ta sẽ cảm
nhận được ngay những thay đổi tích cực trong tâm thức của chính mình.
Mặt khác, điểm chung nhất của tất cả những điều thiện vừa nêu trên là
chúng luôn mang lại sự an vui và lợi ích cho mọi người quanh ta. Ngược
lại, những điều bất thiện bao giờ cũng gây ra tác hại và làm thương tổn
những người khác. Do đặc điểm này, người làm việc thiện luôn tạo ra được
thiện cảm, luôn thu hút sự gần gũi và quý mến của tất cả mọi người.
Ngược lại, những ai làm điều bất thiện phải luôn sống trong sự bất an và
chịu sự ngờ vực, xa lánh của người khác.
Như vậy, có thể nói rằng sự hiện hữu của chúng ta trong cõi thế giới
Ta-bà này là một bằng chứng về việc trong quá khứ ta đã từng làm theo
những điều bất thiện. Mỗi chúng ta đều mang theo những ác nghiệp nhất
định, và sinh ra trong thế giới này để nhận chịu những kết quả của việc
làm xấu ác trước đây của mình.
Xét theo ý nghĩa này, thì tất cả chúng ta đều là những phạm nhân trong
một trại tù bao la là cõi Ta-bà, bởi vì mỗi người chúng ta đều có một
bản án riêng để phải nhận chịu.
Những ác nghiệp riêng biệt của mỗi người được gọi là biệt nghiệp. Những
biệt nghiệp này tạo ra những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, không ai
giống ai.
Những ác nghiệp chung của nhiều người, dẫn đến những nỗi khổ chung của
một cộng đồng, được gọi là cộng nghiệp.
Mỗi người đều có mang trong mình những biệt nghiệp và cộng nghiệp. Vì
thế, trong những đau khổ của mỗi chúng ta, luôn có những nỗi khổ gắn bó
với mọi người quanh ta cũng như những nỗi khổ chỉ riêng mình ta gánh
chịu.
Và trong cái trại tù bao la là cõi Ta-bà này, chúng ta đã thấy xuất hiện
khắp nơi những tên “trưởng tù” hung bạo. Họ là những phạm nhân không
biết hối cải, nên tương lai của họ chỉ có thể là vĩnh viễn ở trong trại
tù này, thậm chí còn có thể sa đọa vào những cảnh giới khắc nghiệt, đau
khổ hơn nữa.
Nếu chúng ta có thể chấp nhận mình là người có tội, thì sự hối cải của
chúng ta luôn được hoan nghênh, bởi nó sẽ làm dịu bớt đi nỗi đau khổ
không chỉ của riêng ta, mà còn cho cả những người quanh ta nữa. Những
phạm nhân biết hối cải như thế, chắc chắn sẽ có một ngày được thoát ra
khỏi trại tù này.
Đáng buồn thay, có rất nhiều phạm nhân đã không thực sự biết hối cải.
Trong cái trại tù bao la này, biết bao người vẫn tiếp tục chạy theo
những ham mê danh lợi, chà đạp lên đạo nghĩa. Họ tranh chấp nhau, lừa
dối nhau, hãm hại nhau... và thực hiện đủ mọi thủ đoạn để thỏa mãn lòng
ham muốn của mình. Và trong khi làm như thế, họ ngày càng lún sâu vào
trong đau khổ. Những thành công về vật chất không bao giờ bù đắp lại
được những mất mát của họ, không thể mang lại cho họ sự thanh thản hay
niềm vui chân thật, bởi vì họ đang tiếp tục tạo thêm rất nhiều ác
nghiệp.
Trong kinh Đại thừa Bản sanh Tâm địa quán, Phật dạy rằng: “Ba cõi như
ngôi nhà đang cháy.” (Tam giới như hỏa trạch). Nói như vậy là để chỉ rõ
tính chất vô thường, khổ não mà tất cả chúng ta đang phải lãnh chịu.
Thấy rõ được như vậy là động lực quan trọng giúp chúng ta từ bỏ các hành
vi xấu ác, tích cực thực hiện những hành vi tốt lành. Ba tạng kinh điển
của Phật thuyết dạy tuy là rất nhiều, nhưng cũng không ngoài mục đích
dẫn dắt chúng ta đi đến chỗ bỏ ác, làm thiện. Như trong kinh Đại Bát
Niết-bàn, phẩm Phạm hạnh có nói rất rõ như sau:
Không làm các điều ác,
Thành tựu các điều lành.
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Chính lời chư Phật dạy.
Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo
Nói rằng cõi thế giới này là thế giới của sự nhẫn nại chịu đựng, hay như
ngôi nhà đang cháy, cũng đều có cùng một ý nghĩa là thừa nhận thực trạng
khổ đau mà chúng ta đang phải nhận chịu do ác nghiệp đã làm. Sự thừa
nhận này không thể xem là một cách nhìn bi quan về thế giới, mà là sự
chấp nhận sự thật để vượt qua.
Nhưng vượt qua như thế nào?
Nói một cách đơn giản, đó là bỏ ác làm lành, để xóa bỏ ác nghiệp và tạo
ra thiện nghiệp. Khi ác nghiệp đã dứt và thiện nghiệp được vun bồi,
chúng ta sẽ không phải tái sinh trong cõi thế giới này nữa, mà sẽ được
sinh về những cõi thế giới tốt đẹp, trong sạch khác, gọi là Tịnh độ.
Chẳng hạn như cõi Cực lạc của Phật A-di-đà ở phương tây, cõi Diệu hỷ của
Phật A-súc ở phương đông, hay cõi trời Đâu-suất với Bồ Tát Di-lặc hiện
đang thuyết pháp...
Nói một cách đầy đủ hơn, đó không chỉ là thực hành theo Thập thiện đạo,
mà còn là noi theo và thực hành 8 phương pháp chân chánh trong cuộc
sống, gọi là Bát chánh đạo. Thực hành Thập thiện đạo chỉ là một phần
trong 8 phương pháp chân chánh ấy. Cụ thể gồm các phương pháp sau đây:
1. Chánh kiến: Nhận thức chân chánh, thấy rõ bản chất thực
sự của cuộc đời này.
2. Chánh tư duy: Suy nghĩ, có tư tưởng chân chánh, không
nhận thức sai lầm về bản chất cuộc sống.
3. Chánh ngữ: Lời nói chân chánh, không nói ra những lời dối
trá hoặc vô bổ, chỉ nói những lời chân thật và có ý nghĩa, mang lại lợi
ích cho bản thân mình và người khác.
4. Chánh nghiệp: Việc làm chân chánh hay hành động chân
chánh, nghĩa là những hành động có ý nghĩa, mang lại lợi lạc cho bản
thân và người khác, cũng như không gây hại cho bất cứ ai.
5. Chánh mạng: Nghề nghiệp chân chánh, nghĩa là chọn những
nghề nghiệp để nuôi sống bản thân và gia đình mà không gây hại đến người
khác.
6. Chánh tinh tấn: Nỗ lực chân chánh, nghĩa là luôn hướng
đến sự thực hành tu tập và làm nhiều việc thiện, xa lìa và dứt bỏ những
việc xấu ác, bất thiện.
7. Chánh niệm: Luôn duy trì sự tỉnh thức đối với ba nghiệp thân,
khẩu, ý, không để chạy theo tham dục, tà kiến.
8. Chánh định: Tu tập thiền định để có định lực chân chánh,
nghĩa là tập trung tâm ý không lúc nào buông thả.
Khi chúng ta không nhận thức đúng được về bản chất của thế giới này,
không nhận biết được mình là những người “có tội” đang phải sống trong
một thế giới như ngôi nhà đang cháy, như vậy không thể gọi là có chánh
kiến.
Trong thế giới của chúng ta, ngoài những “phạm nhân” không biết hối cải,
vẫn ngày đêm tạo thêm ác nghiệp, và ngoài những người thực sự biết hối
cải, đang ngày đêm nỗ lực để bỏ ác làm lành, vẫn còn có một hạng người
khác nữa. Đó là những người không có đủ chánh kiến.
Tuy họ không đến nỗi sa vào việc tiếp tục tạo ác, tuy họ vẫn có những nỗ
lực nhất định trong việc làm lành, nhưng họ lại quên đi một điều là họ
vẫn còn đang sống trong một “ngôi nhà đang cháy”, một thế giới đầy đau
khổ phải luôn nhẫn nại chịu đựng. Họ có tin và làm theo một vài pháp môn
do Phật dạy, chẳng hạn như thực hành chánh niệm, và nhờ đó họ có được sự
an ổn và thanh thản. Rồi họ hài lòng với những kết quả đó. Họ cho rằng
mình đang có thể “sống an vui” ngay trong giây phút hiện tại này.
Nhưng họ không biết rằng sự “ngủ quên” của họ hoàn toàn không thể giúp
họ xóa bỏ tất cả những ác nghiệp đã tạo ra từ trước! Những kết quả mà họ
đạt được trong việc tu tập, thay vì tạo đà để tiếp tục tinh tấn đi theo
con đường giải thoát, thì lại trở thành một thứ thuốc an thần, ru ngủ họ
trong “ngôi nhà đang cháy”. Vì thế, mặc dù vẫn có tâm hối cải nhưng chỉ
vì thiếu chánh kiến mà họ đã vô tình để mình rơi vào chỗ trì trệ, lười
nhác. Họ là những người rất đáng thương, đang để cho thời gian trôi qua
đi mà vẫn an lòng sống trong một “ngôi nhà đang cháy”. Vì thế, họ không
thể dựa vào đâu mà thoát ra khỏi đó.
Để tránh sai lầm này, chúng ta cần phải đồng thời thực hiện cả 8 phương
pháp chân chánh nói trên. Bát chánh đạo phải được hiểu như là một con
đường duy nhất mà để tiến bước trên đó chúng ta phải cùng lúc vận dụng
cả 8 phương pháp. Đừng bao giờ cho rằng một trong số những phương pháp
ấy là có thể đủ để đưa ta đến chỗ an lạc, giải thoát. Chúng ta có thể
nhất thời sai lầm không nhận ra điều đó, nhưng thời gian sẽ chứng minh
rằng chỉ có sự vận dụng đồng thời cả 8 phương pháp thì mới có thể giúp
ta đạt được một sự giải thoát rốt ráo, mới có thể thoát ra khỏi “ngôi
nhà đang cháy” này.
Khi nhận thức đúng về bản chất của thế giới này cũng như của tất cả
những ai đang sống trong đó, chúng ta sẽ dễ dàng có được sự cảm thông
với tất cả mọi người cũng như với chính bản thân mình. Chúng ta sẽ không
tự trách mình về những lỗi lầm không đáng có. Thay vì vậy, ta chấp nhận
bản thân mình như hiện có và luôn nỗ lực để vươn lên ngày càng hoàn
thiện. Chúng ta cũng sẽ không oán giận những ai gây tổn hại cho ta, vì
ta thấy biết rằng họ là những “phạm nhân không hối cải”, rằng nếu họ
không sớm thay đổi thì cánh cửa “trại tù” này sẽ vĩnh viễn không bao giờ
mở ra với họ. Chúng ta cũng sẽ không bao giờ hài lòng với những niềm vui
tạm bợ, giả tạo mà vật chất mang lại trong cuộc sống, vì ta biết rằng
chỉ khi nào thực sự xóa hết những ác nghiệp đã tạo ra thì chúng ta mới
có thể có được sự an vui thanh thản thực sự.