Chương
1. Tìm kiếm hạnh phúc
(KINH BỒ
ĐỀ VƯƠNG TỬ)
NGHĨ
ĐẾN NGƯỜI NGHÈO KHÓ
Kinh Bồ Đề Vương Tử là bài kinh 85, thuộc kinh Trung bộ, giới
thiệu các quan điểm và cách thức mưu cầu hạnh phúc. Thông qua bài kinh này, có
hai quan điểm nổi bật về bản chất hạnh phúc. Một bên đại diện cho Bà la môn
giáo, bên kia đại diện tông chỉ và ý tưởng tâm linh của đạo Phật.
Theo Bà la môn giáo, con người
phải trải qua quá trình khổ hạnh ép xác mới đến được đỉnh cuối cùng của hạnh
phúc thật sự. Trong khi đó, đức Phật hướng dẫn cần chuyển hóa tâm thức làm cho
nỗi đau, phiền não, nghiệp chướng không còn sức sống, lúc đó chúng ta mới đạt
được hạnh phúc thật sự.
Bài kinh bắt đầu bằng sự kiện
liên hệ đến vị vương tử Bodhi, nghĩa gốc là Giác Ngộ. Vương tử Bodhi là thái tử
của một tiểu bang phát triển lúc bấy giờ, đồng thời cũng là một Phật tử thuần
thành. Mặc dù là Phật tử thuần thành, nhưng các yếu tố thuộc phong tục tập quán
tín ngưỡng của Bà la môn giáo, trước khi đến với đạo Phật, vẫn còn in đậm trong
tâm thức của ông. Khi vừa xây xong tòa lâu đài nguy nga tráng lệ, ông đặt tên
cho nó là Kokanada, sau đó chuẩn bị buổi lễ khánh thành. Ông thỉnh mời đức Thế
Tôn và tăng chúng đến động thổ khai đất, vì nghĩ rằng phước báu, hạnh phúc,
bình an, thịnh vượng sẽ có mặt một cách lâu dài trong tòa lâu đài này.
Ông truyền lệnh cho gia nhân đến
ngỏ lời thỉnh mời đức Phật và tăng chúng đến để chứng minh trong lễ cúng dường
trai tăng khánh thành lâu đài. Đức Phật đã im lặng nhận lời. Ba lần thỉnh mời
được hồi đáp bằng ba lần nhận lời không lên tiếng.
Trước ngày cúng dường trai tăng,
vương tử Bodhi chuẩn bị mọi thứ trang nghiêm hoành tráng. Ông ra lệnh mua các
loại vải vóc màu trắng sang trọng nhất trải dài từ thềm thang đến ngưỡng cửa
bước vào tòa lâu đài. Trang trí nội thất cũng lấy màu trắng làm nền tảng.
Sáng hôm đó, sau khi mọi thức ăn
thượng vị được chuẩn bị xong, ông chu đáo sai gia nhân đến thỉnh đức Phật. Đức
Thế Tôn đắp y, cầm bát cùng tăng chúng từng bước thảnh thơi đi vào thành và
dừng lại ở tòa lâu đài của vương tử Bo- dhi. Để thể hiện lòng tôn kính của
mình, vương tử Bodhi đã đứng chờ ngoài cửa từ sáng sớm. Mặc dù biết đức Phật
chỉ có thể đến vào giờ thọ trai, nhưng vì lòng tôn kính, cho nên ông và gia
quyến đứng đợi từ sáng mà không hề cảm thấy bất kỳ sự mỏi mệt hay khó nhọc nào.
Khi đức Thế Tôn vừa đến, ông
cùng gia quyến đảnh lễ, vấn an sức khỏe ngài rồi đích thân dẫn đường mời đức
Thế Tôn và tăng chúng đi tham quan. Sau khi đi hết phần sân vườn, lên đến thềm
cầu thang, đức Thế Tôn đã dừng chân tại chỗ khá lâu, ngài không đi nữa.
Bấy giờ vương tử Bodhi mới trình
thưa đức Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, gia đình
chúng con biết ngài bận nhiều Phật sự, nhưng vì thương chúng con cho nên ngài
đã quá bước qua đây, xin ngài hãy đi lên trên tấm vải lụa trắng này để gia đình
chúng con được phước báu, hạnh phúc, bình an lâu dài”. Thỉnh mời ba
lần, đức Thế Tôn vẫn lặng thinh không trả lời.
Sự im lặng trong tình huống này
khác hẳn với sự im lặng khi được thỉnh mời đến lâu đài. Thông thường, trong ngữ
cảnh văn hóa Phật giáo, im lặng là đồng ý. Khi được trình thưa một vấn đề gì
đó, nếu chúng ta không có ý tưởng nào khác thì biểu tỏ sự đồng tình bằng im
lặng. Tất cả các ngữ quyết trong sinh hoạt tăng đoàn, trước khi đưa ra một
quyết định hay một thông bạch Phật sự nào đó, cũng được biểu quyết ba lần bằng
sự đồng thuận im lặng.
Nhưng trong tình huống này, sự
im lặng của đức Phật lại có ý nghĩa hoàn toàn khác. Ngài hướng ánh mắt từ ái
sang thị giả Anan. Anan là người gần gũi đức Phật gần hai mươi lăm năm, nên
hiểu rất rõ những gì đức Phật muốn thể hiện.
Anan nói với vương tử Bodhi: “Hãy cuộn tấm vải này lại, đừng hoang phí nó vì đức
Thế Tôn đang nghĩ đến vô số người nghèo khó không có cơm ăn áo mặc”.
Nghe lời Anan dạy, vương tử
Bodhi cho gia nhân cuộn những tấm vải lại và hạ hết tất cả những món trang
hoàng lộng lẫy mà theo đức Thế Tôn là không cần thiết cho buổi lễ cúng dường
trai tăng. Sau đó đức Thế Tôn mới từng bước trên các thềm thang, đi vào phía
ngôi nhà và ngồi vào chỗ đã được sắp đặt sẵn.
LÀM
PHƯỚC BÁU VỚI TÂM RỘNG LƯỢNG
Tình tiết của câu chuyện mở ra
một quan điểm về phước báu. Không riêng những người theo đạo Phật, mà tất cả
những người theo tôn giáo Bà la môn và các tôn giáo khác của Ấn Độ lúc bấy giờ,
đều có cái nhìn và cách ứng xử tương tự rằng muốn được hạnh phúc bình an thì
phải thỉnh mời các nhà tâm linh tôn giáo đến. Để bày tỏ lòng tôn kính nhất của
mình, vương tử Bodhi và gia quyến đứng từ sáng đến trưa chờ đón đức Phật. Đứng
rất lâu dưới cái nắng nóng của thời tiết vào thời điểm sau mùa an cư kiết hạ,
mồ hôi nhễ nhại, nếu không vì lòng tôn kính thì không thể nào thực hiện được.
Ông chuẩn bị khá chu đáo, vì nghĩ rằng việc cúng dường như vậy sẽ mang lại
phước báu cho gia đình.
Một lưu ý nhỏ trong phong tục
tập quán của Ấn Độ, đó là khi cầu phúc, đặc biệt là cầu tự, muốn sinh con trai
để kế ngôi hoặc tiếp nối gia tài sự nghiệp ông bà tổ tiên để lại, người ta phải
trang trí toàn màu trắng thì nguyện ước đó sẽ thành tựu. Trong tình huống này,
vương tử Bodhi đã làm đúng theo phong tục tập quán.
Câu phát biểu của ngài Anan rất
ấn tượng: “Vì Như Lai Thế Tôn nghĩ đến
những người nghèo khó”. Thông qua tình tiết nhỏ này, chúng ta có
thể hiểu để có được phước báu thì điều quan trọng là dấn thân phục vụ cộng đồng
xã hội và tha nhân theo tông chỉ của đức Phật “phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”. Nếu muốn
hưởng những sự sang trọng thì đức Thế Tôn đã không trở thành một hành giả tâm
linh mà trở thành một quốc vương giàu có, đầy quyền lực. Những người tu cũng
vậy, xả tất cả gia tài sự nghiệp, danh phận của mình trong xã hội để trở thành
một người giản đơn, nhận lại những phẩm vật cúng dường của đàn na tín thí.
Đức Phật nói ngài nghĩ đến những
người nghèo khó với mong muốn vương tử Bodhi trong những dịp khánh thành này
hãy gieo trồng phước báu cho những mảnh đời bất hạnh đang cần đến bàn tay chăm
sóc và sự chia sẻ. Còn người tu sĩ thì không cần những loại xa phẩm ấy.
Cúng dường: Đức Thế
tôn muốn chia sẻ rằng không cần phải tốn kém những thứ xa xỉ phẩm để tạo ra
phước báu. Người Phật tử và tín đồ nói chung, vì muốn có phước báu, đã làm rất
nhiều thứ để cúng dường trai tăng mà bản kinh nêu ra là các loại thực phẩm
thượng hạng nhất trong vương thành lúc bấy giờ. Trên thực tế, tu sĩ ăn uống rất
giản đơn, cúng càng thịnh soạn chừng nào, càng làm hư tu sĩ chừng đó. Thông
thường khi cúng dường trai tăng, chúng ta muốn tăng ni tham dự lễ trai tăng hài
lòng để mình được phước. Bày biện thịnh soạn, dâng cúng phẩm vật không đúng
cách là làm sai hạnh tu tập, hành trì của người xuất gia.
Đức Phật dạy người xuất gia khi
ăn không đặt nặng khẩu vị, hưởng thụ, thưởng thức như người tại gia, vì sự đắm
nhiễm thông qua lưỡi sẽ làm cho chánh niệm tỉnh thức không còn có mặt trong tâm
thức của người hành trì. Ăn uống giản đơn để duy trì sức khỏe tu tập có kết
quả, đền đáp tấm lòng và sự cúng kính của bá tánh đàn na. Bày biện thịnh soạn
mâm cao cỗ đầy, nhưng phần tiêu thụ chỉ khoảng ba mươi phần trăm, bảy mươi phần
trăm còn lại sẽ là một sự dư thừa.
Ngày xưa tại Ấn Độ, cách thức ăn
uống liên hệ đến phong tục tập quán và được nâng lên thành nền văn hóa ẩm thực.
Đức Phật và chư tăng ăn uống giống như bao người bình thường, tay phải được mật
ước dùng để bốc thức ăn, còn tay trái dùng vệ sinh cá nhân. Cái bát vừa với sức
chứa của bao tử, đủ nuôi sức khỏe một ngày cho các hành giả, cho nên trong lúc
ăn, hành giả không được lựa chọn món ngon ăn trước dẫn đến tình trạng đào, xốc,
bới, trộn qua trộn lại mà phải ăn theo thứ tự, món nào cúng sau thì ăn trước,
vì nó nằm bên trên. Không được chê ngon dở, vì như thế là đắm nhiễm vào vật
thực.
Người Phật tử dâng cúng phẩm vật
cho các vị xuất gia cũng nên nhớ tinh thần của đức Phật. Đừng làm thịnh soạn,
bởi vì bảy mươi phần trăm còn lại sẽ bị vứt đi một cách hoang phí. Hãy cúng
giản đơn như rau, quả, đậu hũ hay nấm kho, vừa đảm bảo sức khỏe mà tiền tốn
chẳng bao nhiêu.
Quan niệm muốn có phước báu và
hạnh phúc thì phải phát tâm cúng dường. Như vậy mối liên hệ giữa phát tâm cúng
dường và phước báu thuộc về tiến trình nhân quả. Phát tâm hay tôn kính là nhân,
và quả đạt được là phước báu. Dĩ nhiên, đó là một tiến trình rất tự nhiên. Tuy
nhiên, vấn đề đặt ra là làm cái gì để có ý nghĩa, có giá trị. Nếu không để ý,
để tâm, thì dù chúng ta đầu tư khối lượng lớn các phẩm vật cúng dường, nhưng
kết quả đạt được chẳng là bao.
Phật tử khi phát tâm cúng cũng
phải thiết thực. Nhiều người cúng dường trai tăng bằng những phẩm vật như bàn
chải đánh răng, kem đánh răng, tập, viết,… trong ba tháng an cư nếu ai cũng
cúng như vậy thì có lẽ dùng mười năm chưa hết. Chúng ta nên cúng những thứ cần
cúng, không nên cúng thừa, cũng như cúng trùng lặp, để giá trị cúng của chúng
ta mới có chỗ phục vụ.
Nếu học theo tinh thần của bài
kinh này thì mỗi lần cúng dường trai tăng, chúng ta sẽ tiết kiệm khá nhiều
tiền. Mua thực phẩm thượng vị có thể tốn năm mười triệu, nhưng làm thực phẩm
giản đơn chỉ tốn vài chục ngàn. Chùa Giác Ngộ gồm gần ba mươi thành viên, một
ngày đi chợ sáng, trưa và chiều chỉ có 150 ngàn không tính gạo thóc và các gia
vị. Quân bình, mỗi khẩu phần ăn chỉ có 5.000 đồng cho sáng, trưa và chiều.
Nhiều chùa khác còn tệ hơn như thế. Nhưng tăng ni Phật tử vẫn thấy rõ rằng
người tu với chế độ ăn uống khiêm tốn mà vẫn khỏe mạnh bình thường.
Ăn quá nhiều thực phẩm được bào
chế thông qua các công nghệ hóa chất thì chắc chắn bệnh tật sẽ gia tăng. Cúng
dường như thế chưa chắc được phước. Do đó, chúng ta phải biết chút ít về y học,
nhất là những dược chất trong các thực phẩm mà chúng ta cúng. Muốn vậy thì phải
gặp bác sĩ để được tư vấn nấu món dễ tiêu thụ, hỗ trợ việc hành trì có kết quả.
Như vậy việc cúng dường cầu phước
báu chính là một trong những cửa ngõ dẫn đến hạnh phúc, và đó là điều không thể
phủ định, nhưng phải biết cách thì kết quả đạt được mới cao.
Nhiều Phật tử tôn trọng tăng ni
đã dâng hết những món ngon vật lạ cho nhà chùa, trong khi cha mẹ ruột của mình
ở nhà không được cúng kính gì cả. Làm như thế là sai lầm. Đức Phật nhắn nhủ qua
lời nói của Anan: “Như Lai Thế Tôn nghĩ
đến những người nghèo khó” có nghĩa rằng muốn có phước báu và hạnh
phúc lớn thì trong những dịp khai trương thế này, hãy làm những việc có ý nghĩa
và giá trị thiết thực.
Phóng sinh: Nhiều
Phật tử có khuynh hướng mua chim cá để thả và mong cầu phước báu, tuổi thọ,
bình an, phú quý về cho gia đình. Việc làm đó cũng có giá trị nhưng không thiết
thực, việc phóng sinh không nên đặt mà hãy làm một cách tự nhiên. Chẳng hạn khi
chúng ta đi và phát hiện đâu đó có sự giam cầm chim lồng cá chậu, cảm nhận nỗi
đau mất tự do của các chủng loại này, chúng ta phát lòng từ bi và gieo hạt
giống, mở cửa cho chúng trở về trời xanh, trở về biển cả, sông ngòi, đó là việc
làm ý nghĩa. Còn đặt hàng chim cá để phóng sinh với mưu cầu hạnh phúc cho bản
thân lại không có giá trị. Việc đặt hàng khiến người ta phải đi giăng bẫy bắt,
như vậy chúng ta vô tình khuyến khích người khác làm những việc không hay. Cho
nên, việc phóng sinh phải tùy duyên, gặp là làm liền chứ không cần chờ đợi.
Lại có nhiều Phật tử khác vào
buổi sáng, mang lồng chim nhỏ xíu chứa đựng cả trăm con đè đầu cưỡi cổ nhau. Vì
niềm tin tín ngưỡng rằng phải có một bài kinh tụng niệm thì phước báu mới gia
tăng, nên họ đợi đến trưa, sau thời kinh cúng ngọ, mới mở lồng ra, số chim
trong lồng khi đó đã chết vài chục con. Vì vậy, hiểu tinh thần của việc phóng
sinh, chúng ta phải làm ngay tức khắc.
Không cần thỉnh mời quý thầy
tụng kinh bái sám trong lễ phóng sinh, chỉ cần mở tâm và lòng từ bi thật lớn,
tâm niệm rằng “chúng tôi ý thức rất rõ
tình trạng chim lồng cá chậu rất khổ đau và tự do là hạnh phúc lớn nhất. Mong
quý vị sau động tác mở cửa của tôi hãy bay về trời xanh, trở về sông ngòi sống
hạnh phúc và không còn bị tật ách rơi vào tình trạng thế này lần thứ hai. Mong
sao hết kiếp này quý vị trở lại làm người có phước báu để làm những việc đáng
làm với tấm lòng chí thành và tha thiết”. Tâm niệm trong lúc phóng
sinh như thế, phước báu thật sự gia tăng, mặc dù chúng ta không màng đến. Còn
tình huống trong kinh, đức Phật không dạy phóng sinh mà ngài dạy hãy nghĩ đến
những người nghèo khó.
Năm 1994, khi có mặt tại Ấn Độ,
chúng tôi đã đi tham quan bốn Phật tích được vài lần. Đến năm 1998, trở lại thì
thấy phong tục phóng sinh bắt đầu có mặt, bởi đó là nhu cầu của nhiều du khách
Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan với niềm hy vọng rằng phóng sinh tại đây thì ân
đức của đức Phật với bốn thánh tích lịch sử sẽ tạo ra phước báu lớn hơn. Cho
nên, người Ấn Độ nghèo khó vốn rất thương yêu các loài động vật và gia súc,
không muốn giam nhốt chúng, nhưng vì chén cơm manh áo mà tạo ra phong tục mới
chẳng tốt đẹp gì. Đó là bắt giam, giăng bẫy, lưới cá để đáp ứng du khách Phật
tử ở những nước Châu Á. Phong tục đó hoàn toàn trái với tinh thần nhà Phật.
Bố thí: Nếu
trong thời đại của đức Phật, địa điểm bốn Phật tích là nơi trù phú, là trung
tâm văn hóa và phát triển kinh tế thì trong thời hiện đại nó là nơi nghèo mạt
nhất của đất nước Ấn Độ. Các phái đoàn hành hương đến đây đều được hướng dẫn
phải đổi tiền lẻ trước. Tuy nhiên, dù có đổi mấy trăm triệu ra tiền bạc cắc,
chúng ta vẫn không thể phát hết, và đoàn sẽ không thể cất bước đi được khi
người dân nghèo khó báo tin cho nhau lũ lượt kéo đến rất đông. Chính vì thế,
những người hướng dẫn du lịch tâm linh có kinh nghiệm sẽ khuyên không nên đổi
tiền lẻ.
Để thể hiện sự giúp đỡ một cách
có hiệu quả và thiết thực, thay vì ban phát một cách rời rạc và thiếu tổ chức,
dẫn tới tình trạng nhốn nháo, giành giựt, thậm chí giẫm đạp lẫn nhau thì chúng
ta chỉ cần liên hệ với những bô lão hoặc trưởng làng, tập hợp và giao họ phần
ủng hộ này. Như vậy sẽ đảm bảo trật tự và ai cũng nhận một cách đồng đều và
công bằng nhất.
Vào những ngày rằm tháng giêng,
rằm tháng tư, rằm tháng bảy, rằm tháng mười các ngôi chùa cũng thường xảy ra
tình trạng ồn ào náo nhiệt. Bá tánh đàn na giành giựt nhau đồ cúng, vì nghĩ
rằng những phẩm vật đó mang lại phước báu. Điều đó làm mất đi ý nghĩa xã hội
đạo đức, cho nên chúng ta chỉ cúng tượng trưng và tìm những gia đình nghèo khó
để giúp đỡ một cách tập thể, có tổ chức thì kết quả đạt được sẽ cao. Trong phần
giúp đỡ này, chúng ta nên chia sẻ pháp thoại, truyền đạt điều đức Phật đã dạy
trong kinh để giảm bớt nỗi đau và sức ép căng thẳng mà cái nghèo mang lại cho
họ. Được như thế mới đúng với lời đức Phật ám chỉ trong bài kinh này, khi được
vương tử Bodhi thỉnh mời cúng dường trai tăng, với những phẩm vật vô cùng sang
trọng.
Từ thiện: Chẳng
hạn, việc cứu tế các nạn nhân gặp thiên tai lũ lụt tại miền Trung hàng năm. Gia
súc bị chết, lúa nảy mầm, gạo không có để ăn, bệnh dịch tả, thổ tả lan truyền
khắp nơi như một hệ quả kéo theo của lũ lụt. Mọi công ăn việc làm bị đình chỉ
hoàn toàn. Nhiều đoàn từ thiện mua rất nhiều loại phẩm vật có không gian to như
mì gói, chi phí xe vận chuyển khá nhiều. Nếu chúng ta mang bao thư tiền, vừa
nhẹ nhàng vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, để có thể cứu giúp thêm một số gia
đình. Trước khi phát tâm gửi đến những tặng phẩm, chúng ta cũng cần phải diễn
đạt ý nghĩa và giá trị xã hội một cách súc tích, cô đọng để cùng chia sẻ nỗi
khổ niềm đau, giúp họ vượt qua khó khăn của chính bản thân mình.
Mấy năm trước khi thiên tai xuất
hiện tại Ấn Độ, cơn động đất đã làm cho mấy chục ngàn người tử vong và hàng
ngàn ngôi nhà bị sụp lở. Một phái đoàn Phật giáo Úc châu đã đến nhờ chúng tôi
hướng dẫn đoàn. Điều đầu tiên chúng tôi đề nghị là chỉ nên mua nhà, dù cho các
nạn nhân ở tạm trong giai đoạn chưa có sự trợ cấp chính thức từ chính phủ. Sau
đó là các thùng nước thật to, vì trong động đất nước bị ô nhiễm, người ta đã
được di dời đến khu đất trống an toàn; kế đến là nồi niêu xoong chảo và những
thực phẩm khô, kèm theo phong bì. Phải hiểu rõ dạng thiên tai nào cần những
loại sơ cấp cứu nào để đáp ứng nhu cầu bức thiết, như vậy chúng ta mới xoa dịu
được nỗi đau cho quần chúng. Nếu là phái đoàn đến sau, thì việc mua những thứ
này trở nên dư thừa. Cho nên, phải dựa vào thời điểm và bản chất của từng sự
việc mà quyết định phương thức gì để giá trị đóng góp của chúng ta sẽ không trở
nên vô ích.
Ban từ thiện và ấn tống Đạo Phật
Ngày Nay do chúng tôi chủ xướng trong mấy năm qua, cũng có chính sách rõ ràng
cho việc ấn tống và giúp đỡ. Không phải chùa nào có nhu cầu gởi thư đến là được
đáp ứng. Chúng tôi chỉ gửi chùa nào có nhu cầu tụng niệm, còn chùa có nhu cầu
nhận để làm tặng phẩm cho bá tánh Phật tử vào những dịp lễ lớn thì không. Bởi
vì làm như thế bá tánh sẽ mang quyển kinh đó về đặt bàn thờ cầu phước lộc, thay
vì phải đọc tụng và hành trì.
HẠNH
PHÚC VÀ TRUNG ĐẠO
Sau khi nhận phẩm vật cúng
dường, vương tử Bodhi đã đặt câu hỏi liên hệ đến bản chất của hạnh phúc: “Bạch đức Thế Tôn, theo con hạnh phúc không có mặt
do chính nó, hạnh phúc có mặt là do có khổ đau”.
Triết lý này bao gồm hai vế. Vế
đầu phản ánh học thức duyên khởi rằng mọi sự vật hiện tượng tồn tại tương
duyên, tương thuộc, ảnh hưởng tác động chi phối lẫn nhau. “Hạnh phúc không có mặt trong chính nó”,
nó phải được hỗ trợ, tác động với duyên, môi trường, điều kiện thì mới mang lại
niềm vui thật sự.
Vế thứ hai, vương tử khẳng định
“hạnh phúc có mặt là do có khổ đau”.
Như Lai Thế Tôn đã trả lời: “Ta đã từng
suy nghĩ như thế và sau thời gian tu tập trung đạo, ta đã nhanh chóng thừa nhận
và thấy rõ rằng đó là một quan điểm sai lầm”.
Vế thứ hai tương tự câu “sau cơn mưa trời lại sáng” mang tính
chất khích lệ rằng khổ đau phải trải qua là điều cần thiết và hạnh phúc nào
cũng cần phải trả giá cho nên hãy nỗ lực đi tới phía trước, đừng bỏ cuộc giữa
chừng. Nhờ lời khích lệ mà người ta vượt qua được khó khăn, nhưng sẽ là sai lầm
khi cho rằng phải trải qua như thế thì mới thực sự được hạnh phúc.
Điều đức Phật muốn dạy, đó là có
những cách thức nếu thực hiện đúng phương pháp thì không cần phải trải qua bất
cứ khổ đau nào cũng dẫn đến thành công. Vấn đề ở chỗ nhận định và thể hiện có
đúng đắn hay không. Nhiều người nỗ lực năm lần bảy lượt, thất bại lần này, nỗ
lực lần khác, ấy thế mà đâu cũng hoàn đó, không có bất kỳ một tiến bộ và thay
đổi nào, vì không nắm vững phương pháp luận.
Cách đây vài hôm, có hai nhà
doanh nghiệp trẻ đến gặp chúng tôi tâm sự họ vừa bị phá sản vì chứng khoán. Họ
đến yêu cầu nhà chùa cho họ một cái phép hay lá bùa để về gỡ gạc những gì đã
thua lỗ. Chúng tôi suy nghĩ một vài phút rồi mở tủ lấy hai tượng Phật, một
tượng Quan Âm và một tượng Phật Di Lặc. Chúng tôi tặng tượng Quan Âm cho anh
lớn, tặng tượng Di Lặc cho anh nhỏ và nói: “Đây
là bùa hộ mạng của hai anh, hãy về tôn vinh, thờ phượng các ngài và phát nguyện
mỗi ngày rằng sẽ làm việc chân chính, đừng dấn thân vào thị trường chứng khoán
thì Phật mới gia hộ”. Dĩ nhiên hai anh hơi thất vọng khi được chúng
tôi khuyên từ bỏ chứng khoán. Con đường hạnh phúc phải tạo dựng bằng phương
pháp luận. Đúng phương pháp, đúng phước báu thì mới có công đức chứ không chỉ
ngồi cầu nguyện Phật gia hộ, có bùa có phép mà xong.
Câu chuyện trong kinh, đức Phật
không muốn vương tử Bodhi thất vọng vì phong tục tập quán của dân gian, quan
niệm rằng muốn có phước báu thì phải thỉnh mời tăng chúng đến ban phước. Ngài
ám chỉ một cách khéo léo rằng ngoài những công việc cúng kính để có phước báu,
cần phải thể hiện bằng những công việc cụ thể thì mới thành công.
Trở lại câu nói của Bodhi “hạnh phúc có mặt là do có khổ”. Đức Thế
Tôn đã từng bị câu nói này ám ảnh suốt sáu năm trời. Ngài đã từng trở thành nhà
khổ hạnh nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Kinh mô tả mỗi ngày ngài ăn vỏn vẹn bảy
hạt mè. Dĩ nhiên mô tả đó chỉ mang tính biểu tượng. Mè có dương tính cao, có
thể tạo được sự cường tráng cho cơ thể, điều chỉnh lại những chức năng thoái
hóa xương, bệnh đau nhức xương khớp có thể được trị liệu phần nào nhờ chế độ ăn
này. Sau suốt sáu năm trời khổ hạnh, có lẽ nhờ vậy mà đức Phật vẫn đảm bảo được
tuổi thọ đến tuổi tám mươi.
Sở dĩ đức Phật đã chọn con đường
khổ hạnh ép xác là vì khi học đạo với các nhà tâm linh Bà la môn giáo quan niệm
phải đì đọt các giác quan, làm cho chúng không còn mơ ước hưởng thụ các khoái
lạc nữa, lúc đó dòng cảm thụ chết hoàn toàn thì hạnh phúc mới bắt đầu có mặt.
Lầm tưởng như thế nên rất nhiều người đã thực tập theo và cuối cùng kết quả là
bệnh tật, khổ đau và chết yểu diễn ra. Phần lớn các nhà khổ hạnh của Bà la môn
giáo chết ở tuổi bốn mươi cho đến năm mươi.
Đức Phật là người duy nhất sống
đến tám mươi tuổi nhờ ngài nhanh chóng thay đổi đi trên con đường trung đạo,
lấy con đường trung đạo làm nền tảng cho việc thăng bằng cảm xúc, thăng bằng
đời sống, thăng bằng vật thực. Đức Phật nói, từ khi tìm ra con đường trung đạo,
ngài mới thực sự nếm được mùi hạnh phúc của giác ngộ. Khổ hạnh ép xác không đưa
ngài tới đâu dù trong thời gian ngắn, ngài đã chứng được quả vô sở hữu xứ và
phi tưởng phi phi tưởng xứ.
“Vô sở hữu xứ” là tầm nhìn quán chiếu rằng không có gì trên
cuộc đời là tự có. Ở phương diện này hay phương diện khác, khổ đau có mặt do
chúng ta đẳng thức hóa nó là chính mình. Cách quán tưởng đó là một loại thuốc
gây mê trị liệu trong khoảng cách thời gian nhất định chứ không thể có giá trị trị
liệu lâu dài, vì sau khi xuất thiền định, chúng ta vẫn đối diện với thực tế khổ
đau khác. Khổ đau vẫn hoàn khổ đau.
Còn “phi tưởng phi phi tưởng xứ” là trạng thái thiền định không
để cho dòng tưởng tượng và ý niệm khống chế. Khổ đau bám vào dòng cảm xúc bị vô
hiệu hóa. Dĩ nhiên cách thức này cũng là một sự trị liệu nửa vời, nó có giá trị
hỗ trợ nhất định chứ không thể là một giải pháp cuối cùng.
Từ đó đức Phật thấy rõ sự khổ
hạnh ép xác không đưa ngài tới đâu. Ngài tìm đến bờ sông, tắm lấy lại sức khỏe
và ngồi thiền định với quyết tâm cao độ “nếu
không chứng đắc được đạo quả bồ đề quyết sẽ không rời khỏi nơi này”.
Kết quả sau bốn mươi chín ngày thực tập đúng phương pháp với con đường trung
đạo, ngài đã đạt được sự giác ngộ lớn nhất.
Thực tập thiền
Đức Phật đã phân tích với Bodhi
rằng “không cần phải nếm mùi khổ đau mới
có được hạnh phúc mà chỉ cần thực hiện đúng phương pháp”. Ngài nêu
ra con đường thiền quán. Thiền khác yoga. Trong khi yoga đặt nặng vấn đề sức
khỏe của thân thể vật lý, giúp cơ thể cường tráng để có một tinh thần minh mẫn
thì thiền huấn luyện tâm thức để phóng thích và loại trừ những ức chế tâm lý,
những nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời. Như vậy trọng tâm của thiền là sự buông
xả để không đồng hóa nỗi đau với mình, không đồng hóa nghịch cảnh với nhiều
chướng duyên và xem mình là một nạn nhân. Nhờ thực tập thiền quán với hơi thở
nụ cười, thong dong, tự tại, tùy duyên, mà hành giả đạt được trạng thái vượt
lên trên thuận và nghịch. Đó chính là tiến trình giúp hành giả có được hạnh
phúc cao.
Thứ hai, sau khi thực tập thiền
quán, hành giả bắt đầu có được trạng thái hỷ lạc của sơ thiền, nhị thiền, tam
thiền và tứ thiền. Trạng thái hỷ lạc đó không phải là phản ứng giác quan. Ai
đạt được trạng thái này mới có thể cảm nhận được bản chất thật của nó. Nó không
phải là sự rung động của giác quan mà là sự tĩnh tại nhẹ nhàng sâu lắng mà
trong kinh thường ví như trong mùa hè nóng nực, oi bức bỗng dưng được ngâm mình
dưới dòng suối mát trong. Trạng thái hỷ lạc cũng tương tự như vậy, và còn sâu
lắng hơn, vì nó không mang tính điều kiện mà là kết quả của việc chuyển hóa tâm
thức khi lòng tham, lòng sân, lòng si đã được lột dỡ. Hành giả sẽ có được sự
chứng đắc nhẹ nhàng thư thái của quả tâm, đây mới chính là hạnh phúc đích thực.
Thứ ba, nếu muốn có hạnh phúc
sâu sắc hơn, và thách đố với tính thời gian vô thường hơn, thì hãy chọn con
đường xuất gia để vượt qua các khoái lạc của giác quan, đặc biệt là tính dục.
Bởi vì khoái lạc giác quan là phản ứng hóa chất diễn ra trên não trạng mang đến
cho chúng ta những đê mê với tính lệ thuộc. Chúng ta càng chạy theo sự thỏa mãn
đó, càng biến mình trở thành nô lệ. Phàm cái gì khiến chúng ta trở thành nô lệ
và lệ thuộc thì không thể gọi đó là hạnh phúc đích thực.
Cho nên ở mức độ sâu và cao thì
hạnh phúc đối với người xuất gia chính là việc giải phóng nỗi ám ảnh và những
ức chế tâm lý về tính dục. Người làm chủ được mình và nâng năng lực tính dục
trở thành năng lực của lòng từ bi phục vụ tha nhân thì người đó được hạnh phúc
lớn hơn. Còn đối với người tại gia, thực tập thiền quán ở mức độ ban đầu của
người xuất gia là đã có thể hạnh phúc sâu lắng hơn những hạnh phúc bình thường.
THỜI
GIAN ĐẠT HẠNH PHÚC
Sau khi nghe đức Thế Tôn trình
bày, vương tử Bodhi đã hỏi: “Bạch đức Thế
Tôn, phải cần thời gian tối thiểu bao lâu thì mới có thể đạt hạnh phúc như ngài
vừa trình bày?”.
Đức Phật không trả lời, ngài đưa
ra một ví dụ về nghề luyện voi. Ngài hỏi vương tử Bodhi: “Một người học cưỡi voi, luyện voi, nếu thiếu niềm
tin, có quá nhiều bệnh tật, gian trá, biếng nhác và đần độn thì có thể thành công
hay không?” Vương tử Bodhi trả lời bằng kinh nghiệm của mình rằng “chỉ cần vấp phải một trong năm điều vừa nêu thì
việc luyện voi và cưỡi voi đã không thành công, huống hồ có đủ cả năm”.
Thời xưa, các vị vương tử thuộc
giai cấp Sát Đế Lợi đều có cơ hội học luyện voi để sử dụng voi trong các cuộc
chiến. Ngoài ra họ còn học đánh kiếm, bắn cung để bảo vệ ngay ngai vàng và sự
nghiệp quân sự của chính mình, bởi vì ngày xưa chân lý lệ thuộc vào quân sự và
sức mạnh. Kinh nghiệm luyện voi, cưỡi voi được các vương tử nắm rất vững.
Người luyện voi thiếu niềm tin
sẽ không thể điều được con voi dữ. Voi càng dữ chừng nào thì giá trị phục vụ
của nó cao chừng đó. Do đó phải có niềm tin. Thứ hai, người luyện voi cần sức
khỏe để có thể chịu đựng và vượt qua những cú té ngã. Thứ ba, loài voi cũng rất
nhạy cảm giác quan, biết cảm nhận thái độ ghét bỏ và hành hạ của chủ nhân, nếu
người luyện voi có tính man trá, không thật tâm dùng kinh nghiệm của mình mà
chỉ muốn trừng trị con voi thì nó sẽ kháng cự, do đó việc luyện voi khó có thể
thành công. Nhiều người nài voi đã chết vì cá tính giận dữ và ghét bỏ các loài
voi hơn là muốn huấn luyện nó trở thành một con voi giỏi. Thứ tư, biếng nhác là
không thể thành công. Người biếng nhác chỉ làm việc theo cao hứng, nhất thời,
do đó không sử dụng được năng lực vốn có. Sự thành công đòi hỏi quá trình nỗ
lực bền bỉ lâu dài và đều đặn thì mới đạt kết quả. Cuối cùng, nếu không có trí
thông minh, khôn ngoan thì dù cho có ý nguyện, có thao thức, có mong muốn cũng
không thể nào có kết quả tốt.
Sau khi nghe vương tử Bodhi giải
trình kiến thức về việc luyện voi, đức Phật mới nói: “Người học đạo muốn có được kết quả hạnh phúc, bất
luận là người tại gia hay xuất gia, phải hội đủ năm yếu tố. Khi năm yếu tố này
có mặt thì đừng bận tâm đến tính thời gian. Bảy năm, bảy tháng, bảy ngày, hay
bảy tích tắc, hoàn toàn lệ thuộc vào phương pháp luận”.
Thiết thực hiện tại là một trong
những nét đặc sắc của giáo pháp đức Phật. Do đó, khi hành trì, dù theo bất kỳ
pháp môn nào, chúng ta cũng đừng nghĩ rằng sau khi chết sẽ sinh về Tây Phương
cực lạc hưởng thụ. Trông chờ như thế là sai lầm. Phải thấy rằng trong mọi động
tác hành trì lời Phật dạy, chúng ta có hạnh phúc ngay tức khắc. Sáng làm, chiều
có kết quả, thậm chí có những tình huống trong lúc làm, chúng ta đã đang hưởng
kết quả của sự lợi lạc. Nếu tu tập lâu mà không được hạnh phúc thì biết rằng
chúng ta đã đi sai đường, cần phải điều chỉnh thông qua sự tư vấn và hướng dẫn
của một nhà tâm linh có trình độ chuyên môn về lĩnh vực pháp môn mà chúng ta
đang thực tập.
HẠNH
PHÚC LÀ THỰC TẬP
Thứ nhất, phải tin rằng đức Phật
không phải là thượng đế hay thần linh. Đây là điều chúng ta
không tìm thấy trong các kinh thánh vốn quan niệm thượng đế là đấng sáng tạo có
ba đức tính: toàn năng, toàn bi và toàn trí. Vì toàn năng nên ngài tạo dựng ra
vũ trụ, vì toàn bi nên ngài thương các chủng loại với lòng bác ái, vì toàn trí
nên ngài làm được những việc khó làm. Đức Phật nói, đó là những tuyên bố rỗng
của con người tín ngưỡng nắn tạo ra các thượng đế hơn là thượng đế nắn tạo ra
con người.
Đức Phật khuyên con người tin
rằng ngài cũng là một con người như chúng ta. Nhưng thông qua quá trình vận
động, phấn đấu của tự thân một cách đúng phương pháp, theo con đường trung đạo
cho nên ngài có kết quả của an nhiên và giải thoát. Do đó ngài khuyên hãy tin
vào chính ngài, đừng bao giờ mặc cảm tự ti bản thân mình. Đây là yếu tố tiên
quyết.
Thứ hai, cần có sức khỏe và ít
bệnh hoạn. Kinh Pháp Cú có
câu tuyên ngôn của đức Phật: “Ít bệnh là
phước báu lớn nhất”. Rất nhiều người giàu sang phú quý nhưng bệnh
tật liên miên, bao nhiêu tiền tài sự nghiệp đổ dồn vào thuốc thang, bệnh viện
và bác sĩ, ăn không ngon, ngủ không yên và do đó nỗi đau hành hạ suốt cả cuộc
đời. Như vậy, muốn thành công, muốn có được hạnh phúc thật sự thì đừng để thân
thể này vương vào bệnh tật. Chúng ta phải thực tập thiền, đi kinh hành, làm
Phật sự, sám hối và gieo trồng thật nhiều để sức khỏe được đảm bảo. Điều chỉnh
chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc một cách khoa học, quân bình thì sức khỏe
mới dẻo dai và đường trường mới có thể có mặt.
Thứ ba, phải có tinh thần trung
thực với lý tưởng Phật pháp và sự hành trì mình đã theo. Trong
tình huống này, trung thực hay trung thành đều có ý nghĩa tương đương. Trung
thực trong mối quan hệ, trung thành đối với chánh pháp, nghĩa là dù bị người dụ
dỗ, áp đặt hay cưỡng bức phản bội lại chánh pháp, chúng ta vẫn kiên quyết duy
trì, vì chánh pháp là hạnh phúc, bình an, chánh pháp mang lại giá trị cho cuộc
đời. Phải có bản lĩnh không sợ hãi thì mới trung thành với chánh pháp của đức
Phật được. Trung thực nghĩa là ngang ngay sổ thẳng, không man trá, không ứng xử
mang tính cách xã giao mà sống bằng trái tim, bằng tấm lòng, làm việc gì cũng
rõ ràng, minh bạch, lấy lợi ích của tha nhân lên làm chuẩn, nỗ lực, dấn thân và
đi tiên phong; thành quả, hưởng thụ thì nhường lại cho người khác. Người có
tính trung thực, liêm khiết được kinh điển nhà Phật gọi là bậc chân nhân. Người
chân nhân là người sẽ thành công và hạnh phúc trong cuộc đời.
Thứ tư, siêng năng bỏ ác và thực
tập điều lành. Rất nhiều người không muốn đến với đạo Phật, vì
nghĩ mình chưa từng làm điều ác, như thể ai đến với đạo Phật đều là những người
tội lỗi. Trên thực tế, không làm điều xấu thì không bị luật pháp trừng trị,
nhưng không có phước. Muốn có phước báu thì phải gieo trồng những việc lành.
Cho nên, “lánh ác làm lành”
phải được thực hành một cách đồng bộ. Việc ngừng điều xấu giúp chúng ta không
phải chịu những hậu quả trong tương lai. Gieo việc lành là để bỏ đi những điều
xấu trong quá khứ, và thay đổi vận mệnh của cuộc đời.
Thứ năm, phải có trí tuệ, biết
về sự sinh diệt và vận hành của mọi sự vật hiện tượng. Mặc dầu
được đặt ở vị trí thứ năm, nhưng nó là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho bốn yếu tố
vừa nêu.
Đức Phật nói, trí tuệ là sự vận
hành, sinh diệt của mọi sự vật và hiện tượng. Khi chúng ta biết phát huy trí
tuệ thì sẽ không còn niềm tin mê tín vào thần linh, thượng đế, định mệnh mà
thấy rất rõ rằng mọi thứ trong cuộc đời là một tiến trình trôi chảy như dòng
sông. Đã là một tiến trình trôi chảy, chúng ta có thể thay đổi nó theo ý muốn,
theo nỗ lực, theo hành động và theo sự chuyển hóa của bản thân.
Khi đạt tuệ giác về mọi sự vật
hiện tượng, chúng ta sẽ trở nên năng động và tích cực, không bàng quan, không
tiêu cực, không ỷ lại mà làm thật nhiều để có kết quả cao. Trí tuệ về mọi sự
sinh diệt trong đời sống là trí tuệ về vô thường, vô ngã, và duyên khởi. Đây là
ba trọng tâm dẫn đến con đường tâm linh và tuệ giác của nhà Phật.
Không có trí tuệ về sự sinh diệt
thì không thể hạnh phúc một cách lâu dài. Khi đối diện tang thương, mất mát,
sinh ly tử biệt, nhờ trí tuệ sinh diệt này mà chúng ta không bị chao đảo, tổn
thất.
Vừa qua, một gia đình dẫn cậu
thanh niên ngoài hai mươi tuổi rất khôi ngô đến gặp chúng tôi. Họ hoài nghi đứa
con bị ma nhập. Cậu này rơi vào tình trạng bị nỗi ám ảnh quá lớn từng diễn ra
trong thời gian cậu ăn chơi vô lối. Nỗi khủng hoảng làm cho cậu bị mất trí,
không biết mình là ai. Khi chúng tôi hỏi cậu tên gì, cậu nói tên một người phụ
nữ; hỏi năm nay bao nhiêu tuổi, cậu ta trả lời đã chết lâu rồi. Chúng tôi hỏi
chết khi nào? Tại sao chết? Thì cậu lắc đầu không biết. Hỏi cha mẹ của cậu là
ai, cậu chỉ người cha ngồi kế bên.
Qua những câu trả lời, chúng tôi
xác định cậu không bị ma nhập. Nếu bị ma nhập, cậu không thể chỉ người kế bên
là cha ruột của mình mà phải nói cha là một hương linh nào đó chết cách đây bao
nhiêu năm, vì cậu ta đã là một hương linh.
Sự rối loạn chức năng thần kinh
làm cho người này không biết mình là ai. Khi vừa gặp chúng tôi, cậu tỏ ra vô
cùng sợ hãi, cặp mắt mất thần, xanh mét ôm chầm lấy cha cậu và nói: “Thầy ơi, đừng tiến lại gần tôi, thầy ơi, đừng tiến
lại gần tôi”. Chúng tôi phải dừng lại, không tới nữa. Đúng 6 giờ
chiều, đồng hồ treo tường trong phòng chúng tôi vang: “keng, keng, keng” thì cậu ta vùng bỏ
chạy.
Chúng tôi đã yêu cầu gia đình
không nên dẫn đi thầy pháp, thầy cúng. Hãy đưa cậu đến bệnh viện tâm thần trị
liệu. Tình cảm của người thân trong tình huống này là rất cần thiết, nếu không
thể hiện kịp thời thì cậu ta từ việc khủng hoảng, rối loạn chức năng cái tôi,
sẽ dẫn đến tình trạng trở thành kẻ điên loạn lâu dài.
Chúng tôi đề nghị cậu ta một bài
thực tập nhỏ, khi thở ra vào hãy ý thức rõ rằng: “Tôi không sợ hãi, tôi đang hạnh phúc, tôi được bình an, tôi sống khỏe
mạnh, không ai làm thương tổn đến tôi”. Cậu ta phải mất nửa tiếng
mới thuộc được câu này. Một tuần sau, gia đình cho chúng tôi biết tình trạng
của cậu đã tương đối khá hơn.
Do đó cần phải hiểu gốc rễ của
từng vấn đề, tức là sự sinh và kết thúc của nó là sự diệt. Có kiến thức về
nguyên nhân và kết quả của mọi vấn đề mà đức Phật gọi là trí tuệ về sự sinh
diệt, thì chúng ta sẽ giải quyết nó một cách nhanh chóng. Bằng không, với phán
đoán sai lầm, thì càng trị liệu càng làm cho vấn đề bế tắc nhiều hơn.
BA
LẦN QUY Y TAM BẢO
Sau khi nghe đức Phật thuyết
giảng, vương tử Bodhi rất tâm đắc đảnh lễ đức Phật. Người gia nhân thanh niên
ngạc nhiên, vì từ xưa đến giờ hễ ai tâm đắc điều gì với đức Phật, người đó sẽ
phát nguyện trở thành đệ tử của ngài. Người gia nhân thưa: “Thưa vương tử, sao ngài không trở thành đệ tử của
đức Phật? Đây là cơ hội rất quý báu, ngài đã thỉnh mời đức Phật đến để cúng
dường trai tăng thì việc quy ngưỡng đâu còn gì khó khăn. Đừng đánh mất cơ hội
quý báu này”.
Vương tử Bodhi lạy đức Phật thêm
một lạy nữa rồi mỉm cười với gia nhân: “Thực
ra ngày hôm nay ta chưa kịp quy y chứ không phải không quy y. Đây không phải là
lần quy y đầu tiên mà là lần quy y thứ ba. Lần đầu tiên, ta quy y trong lúc còn
nằm trong bào thai mẹ. Lần thứ hai, khi được ba bốn tuổi, người vú nuôi là một
Phật tử thuần thành đã xin phép vương phụ và hoàng hậu đưa ta đến bái kiến đức
Phật. Và đây là lần thứ ba”. Sau đó vương tử kính cẩn thưa với đức
Phật: “Xin ngài rộng lòng từ bi nhận con
làm đệ tử tại gia của ngài từ đây cho đến trọn đời”. Đức Phật đã
nhận lời.
Thông qua tình tiết này, chúng
ta thấy rằng người Phật tử có thể quy y lại trong những tình huống cần thiết.
Nếu thầy tổ vẫn còn sống thì chúng ta không cần thiết phải quy y lại, vì như
thế có thể dẫn đến sự hiểu lầm. Chúng ta được quyền cầu đạo, học đạo với bất kỳ
vị thầy tâm linh nào ngoài thầy mình. Đây là lời khuyến tấn theo tinh thần nhà
Phật. Thiện Tài Đồng Tử đã từng đi tham vấn đến năm mươi hai vị thầy khác nhau.
Chính đức Phật Thích Ca, trong kinh A Di
Đà đã giới thiệu đệ tử của mình, tức là chúng sinh trong cõi ta bà
với đức Phật A Di Đà và mong đức Phật A Di Đà hãy giáo huấn, hộ độ cho họ.
Trong kinh Dược Sư, đức Phật
khuyến tấn tất cả các hành giả hãy học theo hạnh trị liệu tâm linh của đức Phật
Dược Sư. Đức Phật Thích Ca không ôm hết tín đồ về phía mình mà mong rằng tất cả
những vị pháp hữu của ngài giúp ngài giáo hóa những người hữu duyên.
Theo tinh thần của đức Phật, các
bậc thầy cũng không nên cấm kỵ học trò của mình đến học các vị thầy giỏi bằng
hoặc hơn mình.
Quy y khi còn trong bào thai hay
khi còn quá nhỏ tuổi, chúng ta chỉ mới tiếp nhận được phần phước báu và sự hỗ
trợ từ phía người thân chứ chưa trực tiếp hiểu giáo nghệ cao siêu huyền diệu và
những đời sống đạo đức thông qua việc quy ngưỡng tâm linh ở đạo Phật. Lúc đó
việc quy y lại là cần thiết, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn những lý tưởng, những
tinh thần và sự hành trì. Trong tình huống này, mặc dù đã từng quy y, thầy
chúng ta vẫn còn sống nhưng chúng ta vẫn có thể xin phép quy y lại với một vị
thầy khác hữu duyên.
Số lần quy y nhiều hay ít không
quan trọng mà quan trọng rằng đó là cơ hội hâm nóng, nhắc nhở rằng chúng ta là
người Phật tử và do đó mọi ứng xử, lời nói việc làm phải thể hiện chất liệu của
sự giác ngộ để có được hạnh phúc lâu dài.
Bài kinh muốn ám chỉ, quy ngưỡng
Phật Pháp Tăng chính là một trong những cửa ngõ của hạnh phúc. Chưa chọn một vị
thầy lý tưởng thì hãy nên quy ngưỡng Tam bảo, vì tinh thần của nhà Phật không
phải vì chúng ta kính ngưỡng cá nhân một vị thầy, vị sư cô mà chúng ta đến với
đạo Phật với lòng kính ngưỡng Phật, kính ngưỡng giáo pháp của ngài thông qua sự
hành trì mang lại lợi lạc cho chúng ta. Chủ nghĩa thần tượng hoàn toàn đi ngược
với tinh thần nhà Phật, cho nên quy ngưỡng Phật pháp là quy ngưỡng con đường
hành trì. Đây là trọng tâm khác biệt căn bản giữa đạo Phật với các tôn giáo tín
ngưỡng và phong tục tập quán khác.
Truyền thống Phật giáo Trung Hoa
có vị tổ tên là Tiêu Lục Sư, ba mươi lần học giới luật nhà Phật về một bản văn
mà ngài đã nắm rất nằm lòng. Học lại ba mươi lần như thế để cho các vấn đề về
giáo luật, đạo đức và sự hành trì trở thành như là hơi thở, là phản ứng tự
nhiên và vô điều kiện.
Chúng ta có khuynh hướng khi đã
biết rồi thì sinh nhàm chán. Biết là một lẽ nhưng biến nó thành một phần của sự
sống lại là chuyện khác. Học đi học lại nhiều lần không có gì để thấy chán, vì
chưa chắc chúng ta đã hiểu thấu đáo. Hoặc giả có hiểu thấu đáo thì chưa chắc đã
thực tập một cách trọn vẹn. Cho nên mỗi lần học lại một lời kinh, chúng ta nên
phát huy tư duy và làm mới chính nó.
Tùy theo tình huống tâm lý, nhận
thức, hoàn cảnh môi trường chúng ta sống mà sự tiếp nhận nó được thể hiện theo
cách thức này hoặc cách thức nọ. Sẽ không bao giờ gọi là cũ và nhàm nếu chúng
ta biết đọc kinh bằng tinh thần tư duy và khám phá như vừa nêu. Hòa thượng
Thích Trí Tịnh, năm nay ngoài chín mươi tuổi, lãnh đạo Phật giáo, là một nhà
phiên dịch thành công kinh điển Đại Thừa, xuất gia từ lúc nhỏ tuổi, đến nay
ngày nào Hòa thượng cũng vẫn đọc kinh.
***
Nói tóm lại, phương pháp hạnh
phúc là làm những việc phước báu bằng tâm hồn rộng lượng đáp ứng các nhu cầu
của những hoàn cảnh bất hạnh.
Thứ hai, bản chất của hạnh phúc
liên hệ đến con đường trung đạo chứ không phải trải qua những nỗi khổ niềm đau
để có được nó.
Thứ ba, thời gian để đạt hạnh
phúc lệ thuộc vào phương
pháp và sự hành trì. Nếu đi đúng
thì thời gian có thể rất ngắn, bằng ngược lại, có thể phải mất vài chục năm
nhưng cũng chẳng đi tới đâu.
Thứ tư, phương pháp hạnh phúc
phải gắn liền việc thực hành bát chánh đạo, có lòng tin, sức khỏe, sự trung
thực, siêng bỏ ác làm lành, và trí tuệ về sinh diệt của sự vật hiện tượng thì
chúng ta mới có được giá trị an lạc trong đới sống hiện tại này.
Cuối cùng, phương pháp thứ năm
là dù có giỏi, có thông minh cũng không nên bỏ lỡ cơ hội quy y Tam Bảo.
Có một số Phật tử vô danh đọc
kinh rất nhiều, hành trì rất hay nhưng vì kén và không kính phục Tam Bảo nên
không muốn quy y. Họ cho rằng mình giỏi hơn các quý thầy thì không cần quy y.
Thực chất quy y không liên hệ đến giỏi hay dở mà quy y để tìm cái đích đến.
Đối với đức Phật, chúng ta chỉ
là hạt cát so với núi Tu Di, là một con đom đóm sáng lập lòe so với ánh sáng
mặt trời, là một giọt nước so với đại dương. Cho nên quy ngưỡng ngài là cơ hội
quý báu để học được rất nhiều điều ở ngài, và trở thành ngài trong tương lai.
Còn quy ngưỡng giáo pháp để có năng lực hành trì. Lấy giáo pháp làm thầy, chúng
ta không còn rơi vào chủ nghĩa thần tượng cá nhân dẫn đến tình huống có thể bị
sụp đổ thần tượng. Người xuất gia cũng nên xem Tam Bảo là thầy chứ không chỉ
riêng người tại gia. Chúng ta cần mạnh dạn điều chỉnh quan niệm sai lầm rằng “tôi là đệ tử của thầy A, tôi là học trò của sư cô B”
mà phải sửa lại là “tôi là đệ tử của Tam
bảo”.
Kinh điển từ Nam tông đến
Bắc tông không câu nào mặc ước việc chúng ta quy y thầy A, thầy B thì phải là
đệ tử của thầy đó. Vị thầy đó chỉ là người khai tâm mở đạo và hướng dẫn chúng
ta trở thành đệ tử của tất cả những người xuất gia chân chính. Có như thế,
chúng ta sẽ không còn có những tinh thần mười hai sứ quân: Thầy của ta, giáo
pháp của ta, pháp môn của ta, ngôi chùa của ta,… mà là thầy của tất cả, giáo
pháp của tất cả,… và cùng làm việc vì lợi ích chung. Đây là tinh thần chủ đạo
mà đức Phật đã nêu trong bài kinh này.
Giảng
Kinh Trung Bộ tại chùa Xá Lợi, ngày 25-11-2007
Phiên tả: Hoàng Chương