Đời sống
Hạnh Phúc Giữa Đời Thường
Thích Nhật Từ Nhà Xuất Bản Phương Đông
03/09/2554 22:57 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Chương 6. Nghệ thuật chặt đứt mắc xích khổ đau

(TIỂU KINH ĐOẠN TẬN ÁI)

 

 

XẢ LY THAM ÁI

Ngày nay người ta dùng biểu ngữ một cách phổ biến nhằm khuyên răn giới trẻ và mọi người trong xã hội từ bỏ con đường nguy cơ đưa đến những cơn bệnh của HIV và AIDS với những câu rất ấn tượng chẳng hạn “Đừng chết vì thiếu hiểu biết”. Biểu ngữ phản ánh thái độ chấm dứt vĩnh viễn hoặc khuyên con người đừng nên hưởng thụ các loại xì ke, ma túy bằng hình vẽ cái đầu sọ gạch chéo chữ x với câu tiêu đề bên dưới “Đừng thử dù chỉ một lần”. Một lần đủ mang đến cái chết, một lần đủ mang đến khổ đau, hối hận khó có thể thể làm mới lại cuộc đời. Đó là những thái độ rất dứt khoát giúp cho con người mạnh dạn chấm dứt khi thấy nó không phải là nhu cầu hạnh phúc cần thiết cho đời sống.

Đức Phật trong kinh cũng vậy, ngài đưa ra rất nhiều hình ảnh, biểu ngữ khuyên dạy hàng Phật tử đi đúng trên con đường đạo đức nhằm đạt an vui theo chánh pháp.

Hình ảnh Như Lai khuyên là “hãy cài đặt yếu tố và thái độ buông xả trong bản chất của dòng cảm xúc hưởng thụ các khoái lạc giác quan”. Chương trình “xả ly tham ái” được cài đặt có chức năng tìm kiếm nhu cầu của hoạt động tính dục, khống chế khoanh vùng, chuyển hóa những nhu cầu này giúp hành giả đạt được sự tu tập một cách lâu dài. Đối với những người tại gia, nhu cầu hoạt động tính dục được khoanh vùng trong phạm vi của luật pháp và đời sống hôn nhân cho phép. Sự buông xả có thể được hiểu như cách thức buông một gánh nợ, quẳng một gánh nặng trên vai, hay thoát ách kéo xe. Trạng thái nhẹ nhàng thoải mái không còn vướng víu trói buộc bởi bất cứ nhu cầu cảm xúc nào. Sự buông xả tạo giá trị thoải mái thong dong không vướng víu.

Đối với người tại gia, có thêm những bóng hồng ngoài hôn nhân sẽ tạo sự ràng buộc, lén lút, mỏi mệt và căng thẳng. Còn đối với người xuất gia, có thêm nhu cầu của sự hưởng thụ khoái lạc giác quan, người đó sẽ đánh mất tất cả những gì mình dấn thân cho đời sống tu học mấy mươi năm trên một lý tưởng nhất định nào đó. Nhìn thấy chúng như gánh nặng hay như sợi dây xiềng xích đè nặng có thể làm tan nát đời sống hạnh phúc thì sự buông xả, thoát ly, chuyển hoá nó mới có thể diễn ra một cách nhẹ nhàng mà không cần sử dụng bất kỳ một cưỡng lực nào để khống chế. Nhu cầu hưởng thụ khoái lạc giác quan có thể khởi lên bằng ý thức; bằng chương trình tự điều khiển, tự cài đặt với tỉnh thức cao độ; hoặc bằng sự hỗ trợ với những phương pháp quán tưởng rất có nghệ thuật.

HẾT DỤC CÒN GÌ?

Đây là câu hỏi lớn được đặt ra bởi rất nhiều người tại gia hoặc những người không chấp nhận con đường xuất gia của tu sĩ Phật giáo chuyển hoá năng lượng tính dục, trong khi các tôn giáo khác vẫn cho phép các vị tu sĩ có đời sống gia đình. Đạo Phật là tôn giáo duy nhất khuyên người xuất gia không nên bận tâm và để ý đến đời sống tại gia như vậy. Do đó, câu hỏi được đặt ra “liệu sau khi hết dục, con người còn giá trị sự sống hay không, vì đó là một bản năng rất tự nhiên?”. Một câu hỏi khác tiếp tục được đưa ra: “Nếu tất cả người nam và người nữ đều đi tu theo đạo Phật thì loài người có bị diệt chủng hay không?”.

Dù tất cả mọi người đều tu theo đạo Phật, tình huống đó vẫn không tạo sự diệt chủng của con người. Vì trong tiến trình tái sinh vô bờ bến, người tu được chuyển hoá năng lượng tính dục sẽ trở thành những bậc thánh. Họ không tạo tiến trình nối tiếp hay nối dõi tông đường. Nhưng chúng sinh, các loài động vật ở cõi Ta bà và các hành tinh khác sau khi trả hết kiếp đày đọa do nghiệp dẫn dắt, sẽ tái sinh làm con người. Qui trình chuyển hoá từ con người trở thành chư Thiên, những bậc thánh và từ các loài động vật trở thành con người là qui trình diễn ra hàng ngày, hàng giờ, hàng giây, hàng phút, mọi nơi mọi chốn. Có những chúng sinh ở hành tinh khác tái sinh làm con người ở hành tinh này, và ngược lại con người hành tinh này tái sinh làm con người ở hành tinh khác. Do đó, dù cả hành tinh này tu tập một cách có nghệ thuật và đúng theo lời Phật dạy, cũng không bao giờ có tình trạng bị diệt chủng nhân loại.

Đó là chưa kể đến số người xuất gia đi tu đang là con số rất nhỏ bé. Nhiều nhất là ở Tây Tạng thì tỷ lệ người xuất gia cũng khoảng 40%. Thái Lan khoảng 5 đến 6% dù người nam nào cũng phải trải qua đời sống tu tập khi trưởng thành. Do đó không nên đặt ra câu hỏi không bao giờ xảy ra trong hiện thực.

Quan điểm tiếp theo được đặt ra: “Tôi cần nối dõi tông đường, việc đi tu sẽ làm hạt giống chất xám trong tôi về kinh tế, nghệ thuật, và các lĩnh vực khác không có cơ hội phục vụ xã hội?”. Bên cạnh đó, thế giới xuất hiện nhiều ngân hàng hạt giống của người nam, đặc biệt của các nhà khoa học, bác học, những nhân tài lỗi lạc. Người ta hy vọng những hạt giống tinh hoa đó khi được cấy đặt vào cơ thể người nữ sẽ tạo chất xám cho xã hội. Thực ra, cấu trúc và ảnh hưởng gien di truyền chỉ phát huy ở một mức độ giới hạn. Nghiệp lực quyết định gien di truyền, nghiệp lực tạo ra sự thay đổi vượt cấu trúc và bản chất của gien. Đó là điều không thể phủ định.

Có rất nhiều cha mẹ là nhà giáo lại sinh ra con cái đốt sách. Nhiều bậc phụ huynh đạo đức sinh con cái là kẻ bất trị. Cá tính con người liên hệ đến nghiệp lực. Nghiệp lực liên hệ trực tiếp hay gián tiếp đến phong tục tập quán, truyền thống giáo dục, môi trường, hoàn cảnh, cách thức ứng xử giao tế,… Chỉ gien thì chưa đủ .

Do đó không nên lo sợ tình trạng diệt chủng. “Hết dục” rồi còn lại cái khác, đó là năng lượng được chuyển hoá. Năng lượng được bản kinh nêu rõ: “Đạt được sự cứu cánh về đời sống an vui, thoát khỏi mọi khổ ách, tâm hành giả sẽ an ổn tuyệt đối. Hành giả sẽ đạt được thành tựu về đức tính của một bậc Thánh, trở thành bậc số một giữa cõi Người và cõi Trời”. “Hết dục” không phải là mất đi, không phải bị diệt chủng, mà trở thành con người với giá trị đóng góp cao hơn, vĩ đại hơn và bền bỉ hơn.

Nhân tài Phật giáo thường là những đệ tử đến y chỉ mà không phải là những người xuất thân từ chính tông môn pháp phái đó. Một tông môn pháp phái có thể có hàng trăm ngàn đồ đệ, nhưng người kế thừa thường lại từ nơi khác đến. Trong đạo Phật, nhiều đệ tử đã ỷ lại vào thầy mình có tên tuổi, ảnh hưởng, vị thế trong xã hội, tôn giáo hay cộng đồng. Thái độ ỷ lại đó làm họ khó tiến thân lâu dài. Cho nên các vị cao tăng đã sẵn sàng độ cho những đệ tử đến từ tông môn pháp phái khác, mà vẫn có thể mang lại giá trị tương đương hoặc hơn đệ tử mình. Người tại gia cũng vậy, thông thường người ta muốn truyền bí quyết ngành nghề nào đó cho con ruột mình hơn là truyền cho người dưng nước lã.

Ngày nay khuynh hướng đó ở phương Tây đã được thay đổi. Một số triệu phú, tỷ phú khi thấy con cái không có lòng hiếu thảo, sự truyền trao gia tài có thể làm cho chúng hư đốn, nhiều bậc cha mẹ đã giấu ngân khoản, tài khoản của mình. Họ lập di chúc khi còn khỏe mạnh để nếu vô thường ập đến thì số tiền trong tài khoản mặc nhiên được chuyển vào chương trình từ thiện hay ngân quỹ giáo dục, an sinh xã hội nào đó. Vì họ thấy rõ giá trị của hạnh phúc không nằm ở việc “nối dõi tông đường” mà nằm ở chỗ “phục vụ cái gì? cho ai? như thế nào? và phạm vi ra sao?”.

Đến lúc nào đó, con người quan niệm như vậy thì lòng từ bi bắt đầu được mở rộng. Không còn nhất nhất phải phục vụ cho người thân mà mở rộng cho những người không thân. Tình trạng tranh giành, lợi dụng, cạnh tranh hơn thua lẫn nhau sẽ giảm đi ở mức độ tối đa. Nếu chỉ chăm chút cho người thân, thái độ vị kỷ, ích kỷ có mặt. Khi mở rộng đối tượng, thái độ vị kỷ, ích kỷ đó sẽ được chuyển hóa.

CHUYỂN HÓA NHU CẦU TÍNH DỤC

Bản kinh diễn tả nghệ thuật giúp người đồng tu là thiên chủ Sakka được chuyển hóa. Sakka đã đưa ra lời thỉnh cầu với đức Thế Tôn: “Xin Ngài giảng cho con một bài pháp làm thế nào để chuyển hoá năng lượng tính dục ở người tu một cách vắn tắt”. Ý ông muốn nói “con không có nhiều thời giờ để nghe, con không đủ kiên nhẫn để học”. Ngoài ra, ông không đến với đức Thế Tôn bằng thái độ tham cầu tu học như người xuất gia, vì bản chất vai trò địa vị của ông là hưởng thụ các hoạt động tính dục. Mặc dù bản kinh không nêu rõ dụng ý của ông, nhưng người ta có thể phán đoán dựa trên cách thức đặt câu hỏi và thái độ tiếp nhận lời giảng dạy rằng có thể Sakka muốn mình là người đồng tu của tôn giả Mục Kiền Liên, hoặc ông muốn sự hưởng thụ tính dục không làm ông đắm chìm để rơi từ cõi trời Ba Mươi Ba xuống những hành tinh thấp hơn.

Sau khi đức Thế Tôn trình bày bài kinh ngắn, Sakka đã đảnh lễ và biến mất ngay tức khắc. Đây là cách thức né tránh, Sakka sợ đức Thế Tôn giảng quá dài khiến ông bị chinh phục dẫn đến các nhu cầu đời sống thế nhân của ông có thể bị đời sống xuất gia thay thế. Vì ông biết rõ đã có nhiều người đến bằng thái độ muốn chinh phục đức Thế Tôn nhưng chỉ sau một thời kinh hay một buổi đối thoại, người đó trở thành đệ tử của Ngài. Khả năng thần biến thông qua giáo dục tuyệt vời làm cho Sakka ý thức không muốn nán lại tiếp chuyện thêm với đức Thế Tôn. Nghe xong, ông biến mất ngay lập tức.

Từ xa, nhìn thấy cảnh tượng đó, ngài Mục Kiền Liên đã dùng sức thần thông thoắt bay khỏi giảng đường và có mặt tại cõi trời Ba Mươi Ba. Ngài trông thấy Sakka đang hưởng thụ dục lạc với rất nhiều tiên nữ và thị nữ tại vườn Nhất Bạch Liên. Bên cạnh có năm trăm nhạc khí chư Thiên trỗi năm trăm loại nhạc du dương, trầm bổng để tạo cảm xúc tình cảm, phục vụ kéo dài các sự hưởng thụ khác nhau.

Thấy tôn giả Mục Kiền Liên xuất hiện, Sakka ngưng tất cả cuộc vui chơi và chào đón với lời lẽ rất lịch sự, quan cách. Ông mời tôn giả ngồi vào ngai của mình, còn mình ngồi ghế thấp hơn để bày tỏ lòng tôn kính, mặc dù tiền thân họ là bạn đồng tu.

Điều cần bàn thêm ở đây là dù mang tước vị vua chúa, quan tước, hay có vai trò vị trí xã hội lớn mức nào đi nữa thì đời sống tâm linh của người tại gia nói chung vẫn thấp hơn người xuất gia chân chính. Tôn trọng giá trị tâm linh chân chính là để tu bồi cho hạnh phúc của cuộc đời. Các chính thể nào muốn khống chế vai trò tâm linh, chính thể đó khó tồn tại được lâu dài, bởi vì họ đánh mất cơ hội học được đời sống tâm linh và đạo đức ở những người xuất gia.

Vua chúa Thái Lan và những nước Phật giáo Nam tông đã quỳ và lạy người xuất gia, dù họ chỉ vừa xuống tóc vào buổi sáng. Truyền thống tốt đẹp đó vẫn còn giữ đến nay. Bản thân vua Thái Lan cũng từng xuất gia. Cứ vài năm một lần, nhà vua xuất gia ba tháng trong mùa an cư. Hiện nay, vua

Thái Lan là người rất mẫu mực, chỉ duy nhất một vợ. Khác với vị vua Mahidol, tại vị vào khoảng giữa thế kỷ 20, người tạo ra truyền thống cách tân của Thái Lan trong việc tiếp xúc với văn hoá phương Tây. Ông có rất nhiều vợ, gần trăm người con. Cuộc đời ông đã được Hollywood dựng thành hai bộ phim đều đoạt giải Oscar rất ấn tượng: “The King and I” và “Anna and the King”.

Trở lại bản kinh, sau khi được chào đón và nghinh tiếp, tôn giả Mục Liên giả vờ thăm dò tâm ý Sakka về bài pháp của đức Thế Tôn. Tôn giả nói “thật diễm phúc nếu tôi được nghe một phần lời pháp nhiệm mầu mà đức Thế Tôn đã giảng vắn tắt cho ông khi nãy”. Đó là nghệ thuật bắt mạch tâm trước khi hóa độ, hoặc nghệ thuật vận dụng tha lực, tha tâm thông để hiểu dòng cảm xúc người cần được hoá độ. Trước câu hỏi của tôn giả, Sakka khó có thể chối từ. Nhưng Sakka là người có chiều sâu và rất tâm lý, ông trả lời: “Thưa tôn giả, tôi là người rất bận rộn với nhiều công việc khác nhau, bao gồm việc cho bản thân và cho cư dân ngôi trời Ba Mươi Ba này”. Đây là lời biện hộ để nếu ông có quên thì đó cũng là sơ sót có thể dễ dàng thông cảm.

Vế thứ hai, Sakka tán dương: “Lời Thế Tôn giảng tôi rất lắng nghe, nắm vững, suy tư không thể nào quên được”. Lời nói khiêm hạ nhưng ngầm mong đợi được ngợi khen rằng: Dù rất bận rộn với trăm công nghìn việc nhưng ông vẫn để tâm ghi nhớ lời dạy của Thế Tôn mà kể lại cho tôn giả Mục Liên, đó là việc vô cùng hy hữu.

Biện hộ cho tình huống “quên” là cách thông dụng để giải thoát mình ra khỏi những nhu cầu cần phải tu tập. Khi con người có thái độ viện lý do thì mọi việc làm trở nên ách tắc. Rất may ở vế thứ hai, Sakka đã thể hiện tấm lòng lắng nghe, nhưng là sự lắng nghe có giới hạn, lắng nghe để tìm kiếm những kiến thức chứ không để dẫn đến sự hành trì.

Sau đó Sakka biểu lộ niềm hãnh diện, tự hào về những thành công ông đạt được. Dĩ nhiên ông biết rõ ông và tôn giả Mục Kiền Liên là bạn đồng tu. Ngài Mục Liên đã trở thành Thánh giả A La Hán, hỗ trợ đắc lực cho công trình hoằng pháp của đức Thế Tôn. Còn ông trở thành thiên chủ cõi trời Ba Mươi Ba, từng dẫn các đồ đệ của mình đến nghe đức Thế Tôn thuyết pháp. Nhưng niềm hãnh diện quá mức làm ông không thấy được giá trị tâm linh của tôn giả Mục Liên, dù ông đã thỉnh mời ngài ngồi trên ngai vàng của mình. Ông khoe: “Lâu đài Tối Thắng Điện (Vessavana) mà tôi đã tạo ra là kết quả khải hoàn sau cuộc chiến quyết liệt giữa cảnh giới chư Thiên và thế giới A Tu La”. Đây là hai cảnh giới có mặt ở hai hành tinh khác nhau.

Kinh mô tả, trong thế giới của A Tu La, người nam vốn rất xấu xí, trong khi người nữ lại rất xinh đẹp. Chư thiên thường thích các nữ A Tu La. Do đó mà cuộc chiến tranh giành nữ A Tu La đã từng diễn ra. Phần thắng thường thuộc về chư Thiên, vì trình độ khoa học, phương tiện chiến lược chiến thuật của họ cao hơn. Lòng sân đã làm cho người A Tu La trở nên nhỏ bé, xấu xí, mất hết trí khôn và sự sáng suốt.

Tiếp theo, ông mô tả “tòa lâu đài có đến một trăm vọng tháp khác nhau, mỗi vọng tháp có bảy dinh thự hình tam giác, trong mỗi dinh thự hình tam giác có bảy tiên nữ, mỗi tiên nữ lại có bảy thị nữ hầu hạ”. Nếu làm một bài toán thì tại cung điện này có đến 4.900 tiên nữ làm vợ ông và

34.300 thị nữ hầu hạ. Sakka mời tôn giả tham quan cung đài nguy nga tráng lệ, sáng rực sắc màu của bảy loại ngọc báu khác nhau. Tôn giả Mục Kiền Liên im lặng nhận lời với mục đích thân hành cùng ông để có cơ hội chuyển hóa thái độ cống cao ngã mạn. Niềm hãnh diện tự hào đã làm Sakka đánh mất các tiềm năng, hạt giống của đời sống thoát tục mà ông đã gieo trồng ở những đời trước với tôn giả Mục Kiền Liên.

Thiên chủ Sakka và đại vương Vessavana nhường tôn giả Mục Kiền Liên đi trước. Bản kinh mô tả “khi bước qua từng dinh thự tam giác, các vọng tháp, v.v…, rất nhiều tiên nữ và thị nữ cúi đầu một cách thẹn thùng, e lệ như cô dâu khi gặp cha chồng”. Sự e lệ đó tạo vẻ đẹp kiều diễm thu hút nhu cầu tình yêu và tính dục. Sống trong môi trường như vậy, con người khó có thể thoát khỏi sự hưởng thụ. Tôn giả Mục Kiền Liên vì đã chứng thánh quả nên những ngôn ngữ của tình yêu thể hiện tế nhị qua hình thái người nữ không đủ sức chinh phục Ngài như đã chinh phục thiên chủ Sakka.

Chiến thắng thường làm con người trở nên kiêu ngạo. Thông qua con đường thôn tín xâm lăng, các vị vua có tài dùng binh thao lược mở rộng biên cương bờ cõi thường là những vị vua rất cao ngạo, nghĩ rằng mình là thiên tài độc nhất vô nhị. Sakka cũng rơi vào trạng thái cao ngạo đó. Khi nhìn ngắm sự nguy nga tráng lệ của cung điện, ông đã nói với người bạn đồng tu: “Ở cõi Ta Bà, khi con người có cơ duyên nhìn thấy được hành tinh nguy nga tráng lệ của chúng tôi đều biết rằng đó là cõi trời Ba Mươi Ba do thiên chủ Sakka tạo dựng. Các vị thiên chủ tiền nhiệm không thể làm được việc đó”. Thái độ cao ngạo đã dẫn đến chủ nghĩa công thần, xem mình là người có công, đóng góp nhiều nhất.

Nếu tiền thân của Sakka không phải là người tu thì có lẽ nhu cầu của việc hưởng thụ các hoạt dụng giác quan sẽ còn lớn hơn rất nhiều. “Biết” tạo ra “dừng”, “hiểu” tạo ra “sự kết thúc”. “Không biết, không hiểu” có thể tạo dây mơ rễ má trong hưởng thụ. Ở đây Sakka vẫn còn biết thỉnh đức Phật giảng về nghệ thuật chuyển hóa năng lượng tính dục ở người tu, vì ông đã thất bại trong kiếp trước và ở đời sống hiện tại, ông cũng lại hoàn toàn thất bại. Lạc thú quá nhiều dẫn đến khó tu.

Trước đây các nhà sư tu trên núi, trong rừng, ít có điều kiện tiếp xúc với môi trường, điều kiện vật chất nên các giác quan được khống chế, chăm sóc, và chuyển hóa rất kỹ lưỡng. Còn hiện nay trong nền văn hóa lai tạp, hiệp chủng quốc đa dạng thì những yếu tố tương tác qua lại làm cho các biến thái được phát sinh, vì vậy sự tu tập để chuyển hóa nhu cầu cảm xúc khó có thể được thực hiện.

Tôn giả Mục Kiền Liên nhận thấy Sakka quá cao ngạo. Để đánh đứt ông ra khỏi sự cao ngạo này và muốn ông trở về đời sống không quá đam mê trong hưởng thụ, Mục Kiền Liên đã dùng thần thông tập trung vào đầu ngón chân ấn xuống đất. Cả lâu đài Vessavana rung chuyển. Trong khi thiên chủ Sakka và đại vương Vessavana hoảng hốt, tóc gáy dựng ngược, thì thần dân reo hô tung tuế trước sức thần thông kì diệu hiếm có của tôn giả. Họ càng thán phục thì Sakka lại càng hoang mang, vì sợ bị thay thế. Điều đó làm ông phải đối diện trước sự khủng hoảng về đời sống nội tâm. Ông bắt đầu khởi sinh tâm niệm rằng tất cả hạnh phúc giác quan có thể đối diện với vô thường. Ý niệm đó xuất hiện khiến ông sợ hãi. Và đây là một trong những nghệ thuật mà tôn giả Mục Kiền Liên đã cố tình cài đặt ý thức về vô thường vô ngã vào não trạng của thiên chủ Sakka nhằm đánh thức hạt giống tâm linh mà vị thiên chủ này đã từng gieo trồng ở kiếp trước với tư cách một hành giả tu tập. Cách thức đánh thức như vậy rất cần thiết và ý nghĩa.

Sau đó, ngài Mục Kiền Liên liền biến mất không lời từ biệt để lại sự ngạc nhiên vô tận của những người thán phục và nỗi lo sợ của Sakka. Chưa bình tĩnh trở lại thì các tiên nữ đã hỏi Sakka: “Có phải người ấy chính là Như Lai Thế Tôn, bậc đạo sư của Thiên chủ, người mà Thiên chủ đã từng kể cho thiếp nghe không?”. Sakka lắc đầu: “Đó chỉ là người bạn đồng tu của ta”. Nhưng các tiên nữ không tin: “Thật là tốt lành nếu Thiên chủ có người bạn có sức thần thông lớn, có oai lực nhiệm màu như vậy. Chắc chắn vị ấy chính là Như Lai Thế Tôn, bậc đạo sư của Thiên chủ”. Thái độ ngờ vực càng thể hiện sự giới hạn của Sakka trước bạn đồng tu.

MƯỢN XA NÓI GẦN

Mục Kiền Liên trở về giảng đường Đông Viên Lộc Mẫu, thế giới Ta bà, đảnh lễ quỳ bên đức Phật trước sự chứng kiến của rất nhiều vị xuất gia và cư sĩ đang có mặt. Ngài kể lại toàn bộ sự việc rồi thỉnh cầu đức Thế Tôn thuyết giảng lại bài kinh đó.

Cách thức “mượn chuyện trên trời để nói chuyện dưới đất” là một trong những nghệ thuật hoằng pháp rất hay trong truyền thống kinh điển của Như Lai. Ở đây, khái niệm “nói chuyện trên trời” không phải là yếu tố hoang đường mà là chuyện rất hiện thực. “Mượn chuyện trên trời để nói những chuyện dưới đất” là một trong những nghệ thuật tạo sự so sánh. Sự so sánh có thể dẫn đến cống cao ngã mạn, nhưng cũng có thể thôi thúc tiến lên phía trước, nỗ lực làm những gì mình chưa đạt được. Mở cửa so sánh để không bao giờ còn hãnh diện tự hào mình là số một. Tôn giả Mục Kiền Liên đã mượn chuyện ở trên trời để nói chuyện ở dưới đất, dĩ nhiên ngài không nói, ngài chỉ kể. Tất cả mọi người có mặt đều nghe. Tác dụng tâm lý thôi thúc để tất cả người xuất gia chân chính thấy rằng, nhu cầu chuyển hoá khoái lạc giác quan có thể mang lại hạnh phúc cho con người. Nếu không, con người có thể rơi vào hạnh phúc bấp bênh, tạm bợ.

Hạnh phúc bấp bênh thường xảy ra trong mối quan hệ tình yêu, hôn nhân khi cảm giác nhàm chán bắt đầu xuất hiện sau thời gian gặp gỡ và chung sống. Khuynh hướng muốn tìm kiếm người nào đó hấp dẫn hơn về ngoại hình, tài năng, kinh tế, và những nhu cầu khác có thể làm tan biến cảm giác hạnh phúc. Hạnh phúc đó rất tạm bợ. Khi chứng kiến ngài Mục Kiền Liên thi triển phép thần thông, các tiên nữ reo lên thán phục, đồng nghĩa với hình ảnh người chồng trở nên lu mờ và tầm thường. Nhu cầu của sự thay thế, đòi hỏi tạo thêm thế so sánh hơn thua với nhau. Đó là cách “mượn chuyện trên trời để nói chuyện dưới đất”. Trong tình yêu và hôn nhân, nếu so sánh theo cách thức đó, con người sẽ rơi vào trạng thái nuối tiếc, dẫn đến sống trong hoang tưởng, ảo giác không thừa nhận hiện thực đang có sẵn.

Đức Thế Tôn thường không thuyết giảng khi không có ai thỉnh cầu. Vì sự thỉnh cầu tạo ra hiệu ứng tâm lý ngóng đợi, mong mỏi và giá trị sự mong mỏi, ngóng chờ đó làm cho người nghe dễ dàng thâm nhập, sự tu tập mới diễn ra một cách tốt đẹp. Đức Thế Tôn đã kể lại bài kinh, và tất cả những người có mặt, đặc biệt tôn giả Mục Kiền Liên, vô cùng hoan hỷ, tin và hành trì theo.

Trong khi đó, đoạn đầu bản kinh mô tả, Sakka chỉ hoan hỷ đảnh lễ đức Thế Tôn rồi biến mất, chứ không hề có tín thọ. “Hoan hỷ” không có nghĩa là “tín thọ”. Ông hoan hỷ sau khi được nghe giảng, cám ơn rồi ra về. Còn việc tin và nghĩ rằng nó là triết lý để dẫn đến sự hành trì lại là vấn đề khác. Ở đây, hiệu ứng tâm lý từ bài kinh của đức Thế Tôn đối với Sakka, một Thiên chủ với nhiều phuơng tiện hưởng thụ, khác hoàn toàn đối với tôn giả Mục Kiền Liên cũng như những vị xuất gia đệ tử của đức Thế Tôn. Cái hiệu ứng tâm lý lớn nhất mà đức Thế Tôn cần, đó là sự hành trì ở những vị xuất gia không chỉ là hoan hỷ, mà phải là “tín, thọ, phụng, trì”.

- “Tín” là tin bằng niềm tin chân lý, bằng lý trí, nhận thức, phán đoán, và sự hiểu biết.

- “Thọ” là thực hành, tiếp nhận và đưa nó vào não trạng như một phương châm.

- “Phụng” là vâng giữ với tất cả lòng tôn kính.

- “Trì” là truyền bá, giữ với mình và truyền cho mọi người để mở rộng ra phạm vi lớn hơn.

Bài kinh đề cập hai hướng của đời sống.

Khuynh hướng thứ nhất là đắm chìm vào lạc thú, người nghe pháp chỉ nghe qua loa chiếu lệ, thiếu nghiêm túc trong hành trì, không hướng đến lý tuởng giải thoát, vì đối tượng, vai trò vị trí của họ không thể làm cho họ có nhu cầu lớn hơn. Giới hạn nghiệp thức tạo ra giới hạn của kiếp người, giới hạn nhận thức tạo ra giới hạn của hạnh phúc và khổ đau. Thiên chủ Sakka là người điển mẫu. Ông nghĩ rằng mình là người chiến thắng. Tất cả những công trạng do ông tạo dựng làm ông trở thành người ba hoa, “thấy sang bắt quàng làm họ”.

Nhớ lại câu hỏi mà các tiên nữ dành cho ông: “Có phải đây là Như Lai Thế Tôn mà chàng đã từng kể cho thiếp nghe không?”. Ông đã kể rất nhiều về Thế Tôn cho các bà vợ của mình, thế nhưng, lại không bao giờ tạo điều kiện cho họ được gặp gỡ. Điều đó nói lên rằng ông muốn chứng tỏ chỉ có ông mới đủ tư cách cùng ngồi, nói chuyện, giao tế với những người sang trọng đặc biệt là vị bậc nhất về tâm linh và đạo đức, còn những tiên nữ và thị nữ thì không bao giờ có được cơ hội như thế. Đó là một cách thức tô vời bản ngã. Khi tiếp xúc và giới thiệu tôn giả Mục Kiền Liên, một lần nữa thiên chủ Sakka muốn khoe mình có những người bạn thần biến có năng lực phi thường. Nghệ thuật ba hoa đã làm cho ông bắt quàng làm họ, tạo vị thế quan trọng ở mình mà người khác không có.

Ngày nay khi tiếp xúc với những nhà tâm linh và đạo đức, những vai trò vị trí xã hội lớn, không nên để yếu tố “bắt quàng làm họ” xuất hiện. Hãy nghĩ rằng đây là cơ hội đồng đều để ta đóng góp cho người kia và người kia có thể giúp ta những việc cần. Người xuất gia không cầu cạnh chính quyền, không cầu cạnh những người có vai trò vị trí xã hội, mà hãy xem họ như người bình thường. Thực tế, đôi lúc người có vai trò vị trí xã hội đến chùa không được các vị trụ trì tiếp đón nồng hậu thì không muốn đến lần thứ hai. Họ muốn bản ngã được tô vời, còn các nhà sư muốn bản ngã của họ được chuyển hoá. Mục đích hai thái độ ứng xử khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau.

Khuynh hướng thứ hai, đức Thế Tôn muốn người nghe giảng không phải để hiểu, để hãnh diện về kiến thức mình đạt được mà để hành trì và truyền bá. Vì con đường giác ngộ được thiết lập trên kiến thức đặt trên nền tảng của tư duy, thể hiện qua những biểu đạt của hành động cụ thể.

Mặc dù bản kinh chủ yếu dành cho người xuất gia nhưng người tại gia vẫn có thể học, đặc biệt những người quá nặng về sắc dục, cơn nghiện có thể làm tán gia bại sản, vợ chồng con cháu khổ đau. Áp dụng dù chỉ 30% lời dạy của Thế Tôn thì nhu cầu hưởng thụ đó sẽ giảm đáng kể. Sự thành công của người tu là chuyển hoá năng lượng này. Sau khi năng lượng tính dục được chuyển hoá, con người sẽ trở thành vô ngã vị tha, tấm lòng từ bi vô biên không bị giới hạn trong bất kỳ hình thái nào. Học bài kinh này để tăng cường thêm những hạt giống của sự tu tập, những hạt giống để gầy dựng hạnh phúc trong hôn nhân, tình yêu và trong mọi lĩnh vực có thể liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến các giác quan.

Giảng Kinh Trung Bộ 37 tại chùa Xá Lợi, ngày 09-04-2006

Phiên tả: Hoàng Oanh