Chương 3.
Hạnh phúc giữa đời thường
KHÔNG
CÓ DỤC TƯỞNG
Chủ đề chính của bài kinh 124 là
“Hạnh phúc trong đời thường”
dưới cái nhìn của người xuất gia. Bài kinh này khác với rất nhiều bản kinh Trung Bộ ở chỗ tác giả của nó không
phải là đức Phật mà là một vị tôn giả tên Bakkula, phiên âm trong Hán Việt là
Bạc Câu La. Bài kinh được thuyết giảng vào lúc tôn giả tối thiểu một trăm tuổi,
theo mô tả của bản văn có lẽ sau khi đức Phật nhập Niết bàn khá lâu.
Trong lúc có mặt tại tịnh xá
Trúc Lâm, nơi các loài sóc sống hòa bình với con người, một vị tu theo hạnh Kỳ
Na Giáo, tức lõa thể, tên Kassapa (Ca Diếp) đến thăm viếng Bạc Câu La, người
bạn thân khi còn là cư sĩ của mình. Câu hỏi đầu tiên sau phần xã giao về lễ
nghi tôn giáo và văn hóa là: “Này tôn giả
Bạc Câu La, trong mấy chục năm tu học của ngài, có khi nào và bao nhiêu lần
ngài đã thực hiện sự hành dâm?”.
Đó là một câu hỏi rất trực tiếp
và cũng hết sức tế nhị. Để đi đến câu hỏi đó, vị tu sĩ lõa thể này đã hỏi “ngài tu được bao nhiêu năm rồi?”. Tôn
giả Bạc Câu La trả lời, tám mươi năm. Tu hiểu theo nghĩa tỳ kheo là một giới
hạnh, cộng với tuổi đời tối thiểu là hai mươi năm thì tổng cộng tối thiểu một
trăm năm. Còn nếu tu theo dạng đồng ấu xuất gia, năm bảy tuổi vào chùa thì sau
tám mươi năm, vị này có thể gần chín mươi tuổi. Như vậy, tối thiểu tuổi đời của
tôn giả Bạc Câu La là chín mươi đến một trăm. Trong khoảng thời gian dài hành
trì dưới sự hướng dẫn tâm linh của đức Phật, liệu có khi nào ông phạm vào giới
hành dâm, và nếu có thì bao nhiêu lần. Tôn giả Bạc Câu La trả lời: “Thật không thích hợp cho một người tu có kết quả
chuyển hóa thân tâm với câu hỏi có hành dâm không và hành dâm bao nhiêu lần
trong tám mươi năm. Chỉ có thể đặt ra câu hỏi rằng trong thời gian tám mươi năm
tu học đó có khi nào ngài khởi lên một ý niệm dục tưởng hay chưa và nếu có thì
bao nhiêu lần”. Đó là lời đề nghị hết sức tế nhị của tôn giả Bạc Câu La.
Vị Sa môn lõa thể liền tấn công
bằng một câu hỏi khác: “Tôi xin đặt lại
câu hỏi vừa được gợi ý là trong tám mươi năm tu học, có bao nhiêu lần ngài khởi
lên dục tưởng?”. Câu trả lời là “chưa
từng có vì tôi đã chuyển hóa và chuyển hóa thành công vấn đề này”.
Lõa thể Kassapa tán thán đây là chuyện hy hữu chưa từng có trong đời.
Mấu chốt của câu hỏi và lời đối
thoại được đặt ra đó là người xuất gia theo tinh thần Phật dạy có thành công
trong việc chuyển hóa điều quan trọng nhất, tế nhị nhất và khó nói nhất không.
Nếu câu trả lời có thì việc tu tập được xem là thành công. Nếu không thì việc
tu tập còn nhiều vấn đề cần phải nỗ lực hơn nữa.
* Tại khóa tu Một ngày an lạc ở
chùa Phổ Quang vừa rồi, với đề tài Hạnh
xuất gia, chúng tôi đã nhận khoảng năm chục câu hỏi về đề tài này
cùng mối quan tâm của người tại gia về xuất gia, nội dung tu tập, cách thức
hành trì, nghệ thuật vượt qua những khó khăn thách đố, trở duyên như thế nào.
Trong đó có một câu rất đáng được quan tâm, đó là “Tại sao có hiện tượng trứng cá, bông xoài trong người xuất gia? Nếu
xuất gia giúp bản thân trở thành viên ngọc tâm linh thì tại sao có hiện tượng
rơi rụng giữa chừng như thế?”. Trước tiên, chúng tôi muốn chia sẻ ý
nghĩa từ “trứng cá”, không
phải là trứng của con cá mà là cây trứng cá cho quả rất xum xuê nhưng chỉ cần
dùng tay lắc nhẹ, hoặc gió mạnh thổi qua, các quả trứng cá sẽ rơi rụng ào ào.
Cây trứng cá được trồng phổ biến ở miền Tây Nam Bộ, vì người dân nơi đây thích
tạo bóng mát, gần gũi với đời sống nông dân. Còn cây xoài đến mùa, toàn thân
cây chỗ nào cũng có bông. Hễ chỗ nào có nhánh, có tược là có bông, nhưng trụ
lại thành trái nguyên vẹn để trở thành sản phẩm cung ứng ra thị trường thì chưa
được mười phần trăm.
Chúng ta nên hiểu rằng, tâm linh
là một hiện tượng tinh hoa, phàm cái gì là tinh hoa thì luôn có tiến trình loại
trừ. Hiện tượng này được sánh ví như hình ảnh kim tự tháp, đế là một đường kính
rất to, thân teo hẹp lại, còn đỉnh là một phần rất nhỏ. Cho nên, để có kết quả
cuối cùng qua một tiến trình lọc, chúng ta phải chấp nhận sự rơi rớt giữa
đường.
Thử hình dung xem cái gì dẫn đến
sự rơi rớt? Thứ nhất, đối với trứng cá thì đó là động tác lắc cây, gió thổi,
hay một cái gì đổ sập lên nó. Còn đối với người tu thì “lắc cây” đó là các động tác nghịch
duyên, là sự tương tác xã hội giữa người xuất gia và môi trường xung quanh bao
gồm những người tại gia. Sự tương tác đó diễn ra theo cách có lợi cho cả hai
bên. Người tại gia có cơ hội gieo trồng phước báu, lắng nghe lời pháp thoại,
chuyển hóa được nỗi đau trong tâm bên cạnh những khó khăn của đời sống vật
chất. Người xuất gia tiếp nhận điều này và phải thấy rằng trên đôi vai mình có
trọng trách lớn hơn để không cô phụ tấm lòng và sự thương kính của quần chúng
dành cho mình. Do đó, sự nỗ lực phấn đấu trở nên nghiêm túc hơn. Nhưng nếu mối
quan hệ xã hội tương tác giữa người tại gia và xuất gia không đặt trên căn bản
vừa nêu, thì càng tiếp xúc nhiều chừng nào, sự mất kiểm soát tâm sẽ diễn ra
chừng đó. Và rồi, hiện tượng rơi rụng giữa chừng là điều khó có thể tránh khỏi.
Thứ hai, dù có tương tác hay
không tương tác với người tại gia, thì các giác quan có sức lốc của gió thổi
qua cuộc đời người xuất gia về phương diện nội tâm rất nhiều. Tài sắc danh thực
thùy, sắc thanh hương vị xúc, dù hiểu theo Nam tông hay Bắc tông, cá lẻ hay
tập thể đều là những thách đố trở ngại cho người xuất gia. Những cạm bẫy cám
dỗ, chướng duyên, buộc chúng ta phải nhìn thấy lý tưởng cao thượng hơn để vượt
qua một cách thành công. Bằng không, khi mắt thấy tai nghe, chúng ta có thể dễ
dàng bị chao đảo và quên đi lý tưởng cao thượng nhất mà mình đang hướng tới
cùng với sự hy sinh tất cả khoái lạc giác quan, thậm chí hạnh phúc gia đình, và
mối quan hệ tình thâm.
Thứ ba, môi trường tương tác bao
gồm thầy hay bạn giỏi, hoặc thầy không hay bạn tiêu cực đều có thể góp phần tạo
chúng ta thành một bản sao, dẫn đến khủng hoảng niềm tin, bế tắc về nhận thức
và những hệ lụy kéo theo.
* Một trong các câu hỏi được đặt
ra là: “Một vị xuất gia trẻ phát tâm trở
thành người tu chân chính vì cảm phục hạnh tu của vị thầy mà sau này trở thành
bổn sư của mình. Nhưng bỗng vị bổn sư đó bị chao đảo bởi hiện tượng trứng cá
bông xoài, thành người thế tục. Không tin những gì mắt thấy tai nghe, vị sư trẻ
rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin, tâm linh và phải làm gì để vượt qua
được?” Có ba nhận thức cần lưu tâm.
Thứ nhất, phải thấy rằng sự khai
tâm điểm trí của vị thầy tâm linh trong giai đoạn ban đầu chỉ là một hỗ trợ
duyên tích cực và cần thiết chứ không phải là tất cả. Rất nhiều người rơi vào
chủ nghĩa thần tượng cá nhân, nghĩ rằng thầy mình là trên hết, đến khi thầy
không còn nữa thì người đó ngã quỵ theo. Đó là sự sai lầm về nhận thức cần phải
được điều chỉnh.
Thứ hai, phải hiểu được trong
tiến trình tu, giai đoạn đầu nương tựa vào thầy, sự giúp đỡ của những người bạn
tu đồng lứa là hỗ trợ tích cực. Nhưng khi đã hiểu đường chánh nên đi, đường tà
nên tránh thì chúng ta phải tự tu, tự chèo vào bờ chứ không nương tựa vào ai
cả. Dĩ nhiên, lời khích lệ, sự hướng dẫn, giám sát của những người đi trước có
kinh nghiệm vẫn là bài học có ý nghĩa nhưng không nên xem đó là tất cả, vì nếu
bị suy sụp thì sự tất cả này làm chúng ta đổ nát và ngã quỵ theo.
Điều thứ ba, giới tướng, tức là
điều khoản đạo đức mà chúng ta phát nguyện tiếp nhận trong giới trường vẫn còn
nguyên vẹn, dù thầy còn sống hay đã mất, tiếp tục tu hay ra đời, thanh tịnh
phạm hạnh chân chánh hay có sự sứt mẻ nào đều không ảnh hưởng. Về phương diện
tâm linh, những rung động đầu đời trong việc tiếp nhận từng giới phẩm ở giới
đường phải là cái luôn được duy trì trong ta, dù có thầy bên cạnh hướng dẫn hay
không. Nhà Phật gọi là “sơ phát tâm”.
Động cơ và lý tưởng phát tâm đó rất mạnh và cần thiết. Nó là dưỡng chất kéo dài
đời sống một cách bền bỉ. Cho nên, không được nghĩ rằng giới tướng và giới tánh
đó bị ảnh hưởng. Chúng ta phải tiếp tục đi, ai ngã phía sau cứ ngã, ai rơi rụng
cứ rơi, nếu chúng ta không đủ sức để nâng đỡ người kia thì không còn cách nào
khác phải mạnh dạn bước thẳng tiến trên con đường tâm linh của mình, đừng để sự
khủng hoảng đó làm chao đảo.
Kể từ lúc phát tâm xuất gia cho
đến gần một trăm tuổi, Tôn giả Bạc Câu La nhờ sự hướng dẫn tâm linh của đức
Phật, hầu như ý niệm về dục tưởng chưa từng có mặt. Đó là vì ông thấy rất rõ giới
hạn của việc hành dục, mang lại niềm vui khoái lạc giác quan là tạm thời chóng
vánh. Mộng và thực, bền bỉ và tạm thời, có thể dẫn đến những phản ứng chấp
trước của lòng tham, kháng cự của lòng sân trong việc tư hữu hóa nó, khiến
chúng ta bị trương phồng cái tôi theo hướng tham sân si là điều cần nhận diện
để không bị đắm nhiễm với tư cách người xuất gia. Từ nhận thức chân chính đó,
tôn giả Bạc Câu La đã chuyển hóa được dục tưởng, những ý niệm, những ám ảnh,
nỗi đam mê về tính dục không còn ngự trị trong tâm và hành động của ngài. Cho
nên, nếu hỏi một người xuất gia chân chính rằng ý niệm đó có khởi lên hay không
là việc vừa phải, còn hỏi một cách lố bịch rằng có thực hiện điều đó hay không
thì luật và giới của nhà Phật nhất quyết không cho phép người đó tồn tại dưới
hình thức một người tu khi đã vi phạm vào.
Đức Phật nêu ra một ẩn dụ như
cây Sala, loại cây giống cây dừa Việt Nam, khi đã bị chặt ngọn thì không bao
giờ tái sanh ngọn lần thứ hai, sức sống của nó coi như chấm dứt. Người xuất gia
dù bị cám dỗ, sức ép, hay không vượt qua được bản năng của người tại gia, lỡ
vướng vào giới luật thì được xem là không thể phục hồi về tính mạng của người
tu. Họ có thể tồn tại với tư cách là người tại gia, hành trì năm giới đạo đức,
nhưng không thể là người xuất gia, vì đã làm cho niềm tin của quần chúng sụp
đổ, ảnh hưởng đến đời sống tăng đoàn. Ai nhận thức được điều này thì sẽ dễ dàng
vượt qua những cám dỗ. Tôn giả Bạc Câu La đã thành công, dục tưởng còn không có
huống hồ là hành động về dục. Đó là một sự hy hữu, hiếm có và mầu nhiệm trong
đời sống của người tu.
KHÔNG
CÓ SÂN TƯỞNG VÀ HẠI TƯỞNG
Trước lời chia sẻ trên của tôn
giả Bạc Câu La, vị lõa thể Kassapa đã tán thán với niềm kính trọng: “Thật mầu nhiệm, thật hiếm có trong cuộc đời”.
Qua cuộc đối thoại ngắn gọn, chúng
ta thấy bản chất và nội dung tu tập của người xuất gia theo đạo Phật là chuyển
hóa tham, sân, si. Khi nỗ lực chân chính về phương pháp luận có sự hướng dẫn và
đồng hành của thầy giỏi, bạn tốt thì dù có những động tác lắc, sự cố tình hoặc
hiện tượng tự nhiên gió thoảng ngang qua, chúng ta vẫn sừng sững hiên ngang
không hề hấn. Nếu đổ lỗi cho hoàn cảnh, quy trách nhiệm cho tha nhân và tạo
nhiều lý do biện hộ cho mình mà trên thực tế bản thân chưa nỗ lực một cách
nghiêm túc trong hành trì, chúng ta sẽ bị rơi rớt như hiện tượng “trứng cá bông xoài”. Còn nếu vững chí
thẳng tiến, thì những khó khăn gian truân chỉ là thách đố. Mỗi cơn lốc đi ngang
qua sẽ trở thành bài học cho bản thân và người khác vượt qua ở hiện tại và
tương lai.
Nỗi niềm sân có thể xuất hiện
bởi nhiều lý do khác nhau. Sự không hài lòng, bất mãn cũng là một động cơ,
nguyên nhân. Sự mất mát một số tài sản sẽ làm chúng ta không hài lòng và khởi
lên kháng cự. Đối với người xuất gia, dù động cơ, hoàn cảnh tác động, nhân
duyên ảnh hưởng tiêu cực nào, chúng ta phải thấy việc khởi lòng sân là điều
không nên. Phải nỗ lực tự kiểm soát, vì sân sẽ kéo theo tâm lý tiêu cực là hại
tưởng, tức là ý niệm hại người khác, bao gồm giết, làm giảm uy tín và ảnh hưởng
đến lợi lộc của họ đối với cộng đồng để hình ảnh của mình được nổi bật hơn.
Việc nói xấu, nói điều tiêu cực, không hay không tốt về người khác thuộc về hại
tưởng, mấu chốt của nó là lòng sân. Đồng hành với lòng sân là lòng tham, vì
muốn được độc quyền. Và ý niệm độc quyền của cái tôi chính là lòng si.
Cho nên, trong rất nhiều hành
động, nếu không khéo phân tích, chúng ta thể hiện cả ba bộ mặt của tham, sân,
si, thì dù tu hàng trăm năm trong chùa hay mấy mươi năm dưới tư cách Phật tử,
chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ ngoài cái tôi ngày càng trương sình lớn mạnh,
khống chế chi phối tác động tiêu cực đến bản thân, mà cứ tưởng rằng mình đã trở
thành người giác ngộ. Phải hết sức lưu tâm xem ba đối tượng đó được chuyển hóa
hay chưa thì mới được xem là thành công trên con đường tu tập.
Bạc Câu La: “Trong tám mươi năm từ khi xuất gia, tôi không bao
giờ nhận thấy có dục tầm, sân tầm, hại tầm khởi lên”.
Tầm là quá trình tìm kiếm đối
tượng để gá tâm vào. Nó có thể hết sức tinh vi, cũng có thể hết sức cụ thể,
công khai. Con người luôn luôn muốn có gì đó để bám vào, tình trạng bám vào gọi
là “tầm”. Trong khi “tưởng” có thể là ý nghĩ thoáng chốc
xuất hiện trong đầu rồi vụt qua, thì “tầm”
là tiến trình kéo dài như một cơn đói khát, sự thỏa mãn, bản năng hay thói
quen. Cho nên, ảnh hưởng tiêu cực của dục tầm, sân tầm, hại tầm nhiều hơn dục
tưởng, sân tưởng và hại tưởng. Tôn giả Bạc Câu La nói rằng, ngài chưa từng bị
những điều đó trở thành nỗi ám ảnh và sự khao khát, vì ngài tu tập Tứ diệu đế.
Tứ diệu đế, như ta biết, là sự
nhận diện về bế tắc buộc chúng ta không được quyền nhắm mắt làm ngơ. Trong kinh
Phổ Môn có câu: “Chúng sinh nào nặng về dục tưởng, sân tưởng, hại
tưởng, nếu tự mình không vượt qua được thì hãy niệm Bồ Tát Quan Thế Âm. Nhờ
thần lực của sự niệm đó mà khống chế được tham, sân, si”. Nếu hiểu
câu này một cách đơn giản là niềm tin vào lòng từ bi hóa độ của đức Phật sẽ
giúp người vượt qua khó khăn, thì chúng ta không thể nào dứt được gốc rễ của ba
yếu tố về đời sống tâm linh này. Quán chiếu là gợi nhận thức, là tuệ giác, đỉnh
cao để chúng ta đạt được. Tham, sân, si có mặt khi tuệ giác chưa có, cho nên
khi niệm danh hiệu đức Quan Thế Âm, bậc Quán Tự Tại, là tuệ giác đã phát sinh ở
mức độ cao nhất thì không lý gì tâm chúng ta bị chao đảo vướng vào dục, sân và
hại.
Còn nếu chân thật hiểu bậc Quán
Tự Tại thì sự hiểu biết, nhận thức, tình trạng cảm thông sẽ là mấu chốt của sự
hành trì trong tình huống này. Lúc đó, chúng ta không còn trách cứ để tạo lòng
sân, không còn giận dữ để tạo lòng si, cũng không còn khó chịu với những người
mà ta mong mỏi, nhưng họ chưa đạt được tầm vóc đáp ứng yêu cầu cần phải có.
Như vậy khởi niệm từ lòng từ bi,
sự hiểu biết cảm thông sẽ bắt đầu có mặt. Trì danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm,
dưới góc độ quán thế âm, thì chúng ta sẽ không còn tham sân si nữa. Đừng hiểu
theo nghĩa chỉ cần niệm thành tâm là Bồ tát sẽ giúp đỡ. Nếu thực sự đơn giản
như thế, người ta chỉ cần mua một máy niệm Phật với danh hiệu Bồ Tát Quan Thế
Âm bằng nhiều loại khác nhau, chắc chắn sẽ không còn tham sân si và chứng được
quả. Hoàn toàn không đơn giản như vậy.
BIẾT
ĐỦ VÀ THANH CAO
Tôn giả Bạc Câu La chia sẻ rằng
ngài chưa từng thâu nhận bất cứ một chiếc y nào của người cư sĩ tại gia, chưa
từng nhờ một cư sĩ tại gia nào cắt may y, và cũng chưa từng nhờ bất cứ một
người tại gia nào nhuộm y cà sa cho mình mặc, dù đó chỉ là sự ca ngợi và khích
lệ công đức như là thước đo về thành quả tu học của ngài. Đó là hiện tượng vô
cùng hiếm có. Như vậy, ai đã làm cho ngài? Câu trả lời là tôn giả Bạc Câu La tự
làm cho chính mình.
Nói cách khác, với tư cách một
người tu, đó là nghệ thuật kiệm phước, là một phương tiện hạn chế sự tương tác
xã hội với người tại gia ở mức độ cao nhất, để dễ dàng làm chủ được các giác
quan khi mình chưa cảm thấy an tâm hay tự tin vào các giác quan tiếp xúc với
đối tượng trần cảnh không rơi vào nhiễm đắm của tham sân si. Hạn chế tương tác
xã hội càng nhiều thì kết quả tu học với niềm an vui hạnh phúc tỷ lệ thuận càng
lớn. Tôn giả Bạc Câu La đã không thâu nhận tặng phẩm cúng dường của bất cứ ai,
không nhờ ai may y phục hay giúp đỡ vật chất cho mình. Có lẽ ngài thấy rất rõ
rằng cục đá mài công đức của ngài có thể bị bào mòn nếu tương tác xã hội và
nhận quá nhiều sự cung kính của quần chúng. Cho nên, để cục đá công đức đó
không mòn và sự tu tập đạt kết quả ở mức độ cao, ngài đã chọn giải pháp tự lập
một trăm phần trăm.
Trong tiến trình của sự tự lập,
nếu biết cách chúng ta vẫn không bị mất thời giờ. Sau ngọ trai, thay vì theo
lời khuyên của đức Phật đi phạn thực kinh hành, để thực phẩm được tiêu hóa dễ
dàng, công đức tu tập tăng cao và phước báu hồi hướng cho quần chúng được lợi
lạc thì tôn giả Bạc Câu La sử dụng thời gian đó cho những việc tự may y áo cho
chính mình. Như vậy, kết quả và thời gian đầu tư cho tu tập không bị ảnh hưởng.
Vấn đề ở chỗ, quản trị thời gian như một nghệ thuật, quản trị công việc như một
phương pháp thì chúng ta sẽ toại thành tất cả nguyện ước và nội dung tu tập
chân chính. Đó là bài học tham khảo có ý nghĩa xã hội và tâm linh.
Đối với tôn giả Bạc Câu La: “Trong tám mươi năm từ khi xuất gia, tôi không bao
giờ nhận thấy có thâu nhận lời mời cúng dường trai tăng hay thọ phẩm vật cúng
dường ở bất kỳ nơi nào, tư gia hay từ một người tại gia nào. Tôi cũng không bao
giờ khởi lên ý niệm mong nhận những tặng phẩm, vật dụng từ bất cứ ai”.
Đó là điều hết sức khó. Nếu
không khéo trong quá trình tu học, người xuất gia cứ nghĩ mình là ruộng phước,
là cục đá mài công đức, cho nên quần chúng muốn có phước thì hãy cúng dường
bằng cách này hay cách khác. Không chừng người tại gia nhả ra những thành quả
lao động chân chính từ chánh nghiệp và chánh mạng, người xuất gia lại nhai nuốt
vào, đây là điều cần phải xem xét lại. Với khối óc và bàn tay chân chính, dưới
góc độ từ thiện, nếu không đi tu, chúng ta có thể làm được nhiều việc bằng cách
chia sẻ tặng phẩm cho những người tại gia, thì không có lý do gì sau khi đi tu,
chúng ta lại đắm nhiễm vào thứ vật dụng trên nền tảng sự phát tâm cúng dường
của người tại gia.
Ở đây, chúng ta phải hiểu sự
giao hoán hai chiều:
“Tài thí, pháp thí thỉ thành công, Phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật”.
Là sự hỗ trợ có lợi cho cả hai.
Thay vì tự lao động để có được chén cơm manh áo, vật dụng cần thiết, để rồi
phải bận tâm vào đời sống kinh tế, đầu óc bị bê tông hóa, tiền bạc hóa, chúng
ta đầu tư vào con đường tu tập trọn vẹn hơn, thì cũng đừng nên đắm nhiễm trên
tặng phẩm cúng dường và hãnh diện tự hào về nó.
Mỗi khi có cơ hội chia sẻ với
người xuất gia về nghệ thuật hoằng pháp trong hôn quan tang tế, chúng tôi thỉnh
thoảng đề nghị như thế này: “Đừng bận tâm
vào cúng dường của đàn na thí chủ, quý vị cứ đi năm bảy ngày làm lễ cầu siêu.
Người ta có thể phát tâm cúng dường hồi hướng cho người quá cố, nhưng xin đừng
nhận. Làm như vậy, chúng ta sẽ giúp cho cả gia quyến của người đó trở thành
Phật tử một cách lâu dài với tâm phục khẩu phục rằng chúng ta đi không phải vì
tiền, tặng phẩm mà vì nghệ thuật hoằng hóa, rằng ở đây có một nỗi đau cần phải
vượt qua trong mất mát, rằng ở đây có một nỗi đau cần được chữa trị để vượt qua
chấp ngã và chấp thường của mình, rằng ở đây cần có nhu cầu vun bồi đời sống
tâm linh và đạo đức trong nỗi đau cùng cực nhất của cái chết”.
Những lời khuyên, thuyết giảng chân thành từ trái tim và nhận thức của nhà
hoằng pháp sẽ làm cho những người kể cả ngang đầu cứng cổ nhất cũng phải rung
động, làm cho người chưa từng có niềm tin về đời sống kiếp sau, đời sống người
xuất gia tu tập sẽ phải đặt lại vấn đề về nhận thức của mình đối với đạo Phật.
Đó là con đường tốt nhất để làm đạo. Còn không khéo và dễ dàng rơi vào các lợi
nhuận, chúng ta sẽ khiến nhiều người phải vẫy tay chào với ngôi chùa. Nhiều
người Phật tử sa sút niềm tin khi đến một ngôi chùa nào đó mà ông thầy ra giá
tụng kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng v.v... tụng mấy thời trong một
ngày thì bao nhiêu tiền, như một loại mậu dịch. Cho dù được gán ghép bằng một
từ mậu dịch tâm linh hay phát tâm cúng dường công đức v.v... để hồi hướng vẫn
không thể gây niềm tin vững chãi với ba ngôi tâm linh mà ở đây Tăng bảo là một
trong ba. Nếu có phát tâm cúng dường thì phát tâm sau lễ tang trong nhân duyên
Phật sự nào đó, còn cúng dường ngay lễ tang sẽ tạo hình ảnh “tiền trao cháo múc”, mất hết ý nghĩa.
Một số tu sĩ Phật giáo nếu lỡ đến chỗ nào không có phát tâm cúng dường là lần
sau nhất quyết không đi khi được thỉnh mời. Đó là một nỗi buồn và là một trong
những nguyên nhân làm cho Phật pháp suy vong.
Trong bài kinh này, hạnh nguyện
của tôn giả Bạc Câu La hết sức ấn tượng, chưa từng nhận tặng phẩm cúng dường ở
bất cứ nơi nào. Dĩ nhiên, chúng ta đừng nên hà khắc, buộc tất cả người tu phải
như vậy. Một trong những hạnh nguyện đối lập với ngài Bạc Câu La là ngài Tân
Đầu Lô Phả La Đọa, gọi tắt là Tân Đầu Lô, ngài không bao giờ từ chối nhận phẩm
vật cúng dường, ai cúng gì ngài đều nhận hết. Sau đó ngài chia sẻ lại cho những
người đồng tu phạm hạnh, không có được quần chúng phát tâm, vì nhiều đời kiếp
trước họ đã gieo hạt giống phá của, phá phước, trộm cắp, keo kiệt nên hậu quả
đời này không được ai phát tâm giúp đỡ. Chia sẻ với những người đồng tu như thế
giúp họ vượt qua khó khăn, không phải bận tâm vào đời sống vật chất để tu một
cách hoan lạc. Hòa thượng Hồng Đạo ở quận 8 nhiều năm cũng nổi tiếng về hạnh
này. Hòa thượng tu rất tốt, nơi nào có cúng dường trai tăng, giỗ tổ, người ta
đều thỉnh mời Hòa thượng đến ban đạo từ, vì lời đạo từ của Hòa thượng súc tích
và ấn tượng. Hòa thượng nhận hết phẩm vật cúng dường, có lúc một ngày hòa
thượng phải đi ban đạo từ tới hai ba lần, trong khi đức Phật dạy mỗi một tu sĩ
phải “nhất tọa thân”, chỉ ăn
ngồi một lần, đã đứng lên là không được ngồi xuống ăn tiếp, huống hồ đi hai ba
lần ở hai ba ngôi chùa khác nhau. Tích và giữ tất cả những tặng phẩm cúng dường
như thế, đến gần cuối cuộc đời, hòa thượng tổ chức lễ đại trai đàn bố thí cúng
dường bình đẳng, mời hàng trăm hàng ngàn các vị Hòa thượng chú tiểu. Hòa thượng
Hồng Đạo để phong bì ngang nhau, phong bì của Hòa thượng tu sáu mươi năm cũng
bằng với phong bì của chú tiểu tu hai ba ngày, nhằm dạy chúng ta đừng nên câu
chấp vào phẩm trặc trong giáo hội và đời sống người tu, không nên có những phân
biệt ứng xử mà phải hiểu các hạt giống nhỏ càng phải được chăm sóc nhiều hơn.
Phần lớn Phật tử thường nghĩ
cúng dường các Hòa thượng được công đức phước báu lớn, trong khi đó các hạt
giống đang được gieo trồng trong các trường Phật học cần sự hỗ trợ sách vở, tài
liệu nghiên cứu học hỏi để sau này trở thành nhà hoằng pháp, nhà giáo dục tâm
linh thì lại ít được quan tâm. Cách đây không lâu, có một Phật tử ở Long An đến
nhờ chúng tôi tư vấn sau khi đọc một tác phẩm tâm đắc và muốn cúng dường các vị
Hòa thượng. Cô xin được cung cấp địa chỉ và số điện thoại của tất cả các vị
giảng sư tại thành phố Hồ Chí Minh để đích thân đến cúng dường, ngoài ra cô còn
phát tâm cúng dường các vị giảng sư mới bắt đầu ra trường. Chúng tôi khuyên cô
rằng, cúng dường cho một vị đại pháp sư lỗi lạc không làm tăng giá trị đóng góp
bao nhiêu, vì hiện nay các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni sư đã nhận biết bao tặng
phẩm cúng dường của thiên hạ, các ngài còn phải đi làm từ thiện ở những nơi
khác. Còn cúng những vị giảng sư mới ra trường thì thiết thực hơn. Chúng tôi
cũng đề nghị cô đổi lại đối tượng, chẳng hạn các tăng ni đang theo học ở trường
sơ đẳng Phật học, trung cấp, cao đẳng Phật học, cao cấp giảng sư, trung cấp
giảng sư và cử nhân Phật học. Những người như thế đang cần cơn mưa về hỗ trợ
vật chất, cụ thể là kinh điển, tài liệu nghiên cứu, giúp các vị đó học đến nơi,
hành đến chốn và đem thành quả tu học của mình phục vụ thiên hạ. Chúng tôi phải
mất mấy tiếng đồng hồ mới thuyết phục được người Phật tử này chọn giải pháp thứ
hai.
Nhiều người đến chùa thấy các
chú tiểu dễ thương, ăn mặc rách rưới, không có tiền bạc, bèn cho vài ngàn. Vì
có tiền cho như thế là thiếu phương pháp, các chú sẽ đi ăn bánh, ăn kẹo, có chú
còn lén ra ngoài ăn mặn do không vượt qua nổi cơn ghiền tại gia, có chú ra các
quán internet chơi game, điện tử rồi xao lãng tu học. Cho như thế là làm hư các
chú. Chúng ta nên cúng dường các ngôi chùa, trung tâm giáo dục để sử dụng một
cách có nghệ thuật cho các hạt giống tâm linh được trưởng thành chứ không phải
cho riêng là tốt. Dù sao đi nữa, ngài Tân Đầu Lô và ngài Bạc Câu La đều là hai
bài học mà sự sử dụng giá trị của hành trì trong tình huống khác nhau, thậm chí
đối lập, có ý nghĩa tâm linh và đạo đức rất lớn mà chúng ta cần học hỏi và tham
khảo.
GIẢ
TỪ CƠ HỘI DÍNH ĐỜI
Bạc Câu La: “Trong tám mươi năm từ khi xuất gia, tôi không bao
giờ nhận thấy có thâu nhận thỉnh mời vào nhà với sự trân trọng và cao quý nhất.
Tôi không vì một lý do nào đó, có mặt trong nhà họ để giảng kinh thuyết pháp,
dù họ giàu hay nghèo, mến phục hay thần tượng, tôi đều không bước đến. Trong
tám mươi năm đó, tôi không bao giờ tạo cơ hội đặc biệt nào cho những người khác
phái như nữ nhân, quý bà, mệnh phụ phu nhân để giúp họ đến với đạo Phật theo
một yêu cầu hết sức cá nhân. Tôi cũng không bao giờ tạo ưu quyền đặc lợi gì cho
các Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa Ma Na Ni, Sa Di Ni hay những cư sĩ Phật tử nữ”.
Khi có đủ duyên, họ mời đến
chùa, chia sẻ Phật pháp, góp phần giúp họ thông qua các tư vấn chân chính là
những cách thức mà tôn giả Bạc Câu La đã ứng dụng. Nói một cách nôm na, theo
ngôn ngữ đời thường rằng người xuất gia chân chính không thuyết pháp dạo mà chỉ
thuyết pháp công khai. Tại sao phải thuyết pháp công khai?
Vì cùng ngồi trong một giảng
đường với một đề tài pháp thoại, sự tôn kính Phật pháp phải được dâng trào ở
mức độ cao nhất và do đó mỗi câu hỏi cá nhân sẽ trở thành mối quan tâm chung
của tất cả người có mặt. Cũng một thời gian, tâm huyết đầu tư đó, chúng ta mang
lại lợi lạc cho nhiều người. Nhiều Phật tử khi điện thoại hay nhắn tin đều chỉ
trích rằng: “Thầy Nhật Từ chảnh quá, gọi điện không bắt máy, bắt máy nói vài ba
câu, gởi email thì chẳng thấy trả lời, nhắn tin cũng im luôn”. Nếu trả lời thì
còn thời gian đâu để làm Phật sự, nghiên cứu, tu học? Cho nên chúng ta hãy
thông cảm, lịch các buổi thuyết giảng đều đăng trên báo Giác Ngộ hay trang web,
chúng ta đặt câu hỏi lên trang web hay trong các buổi pháp thoại còn có thể
giúp nhiều người cùng chia sẻ và tham khảo, hơn là trả lời riêng lẻ cho từng cá
nhân. Sau thời gian tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người vẫy tay chào, vì cảm
thấy chán và không được tiếp đón một cách chu đáo, trân trọng. Nếu ai đã nghĩ
như thế thì hãy hoan hỷ, đừng hiểu lầm, vì chúng tôi thực sự không có thời
gian.
Ở đây, bài học của tôn giả Bạc
Câu La là đừng nên phí phạm thời gian vào những việc mà ta tưởng nó là Phật sự,
thực tế sự tương tác xã hội này có thể đẩy chúng ta rơi vào hiện tượng bông
xoài trứng cá. Các Phật sự phải được thực hiện đúng chỗ, đúng thời gian và đối
tượng. Tình cảm mà mình hiểu như lòng từ bi là một sự sai lầm, trong sự tương
tác, nó chính là cản lực rất lớn, trở ngại cho cả người tu lẫn người tại gia.
Vị tôn giả Bạc Câu La hoàn toàn không chảnh, ngài biết thể hiện đúng chỗ thì
giá trị mới cao. Thiền viện lớn nhất thế giới Dhamma Kaya gần thủ đô Bangkok,
Thái Lan, có giảng đường với sức chứa khoảng một triệu chỗ ngồi, thiền đường
khoảng năm trăm nghìn chỗ ngồi, đáp ứng vào những ngày lễ lớn, khách thập
phương đến rất đông. Mỗi lần thuyết giảng của vị sư trụ trì ở đây đều được
truyền hình trực tiếp, cùng khoảng thời gian và công sức đó, họ có thể đóng góp
và giúp biết bao nhiêu người. Cho nên, quý Phật tử khi phát tâm cúng dường đừng
đòi hỏi ưu tiên và quyền lợi riêng tư. Làm như thế sẽ không giúp cho hạt giống
tâm linh mình đầu tư được trưởng thành đúng theo cách thức của nó. Hãy để cho
trời xanh mây bạc có mặt trong thế giới tự do của nó. Ép khuôn trong một bức
tranh đồng nghĩa giết sự tự do của trời xanh mây trắng. Mây phải bay, bầu trời
luôn được trong xanh quang đãng, còn làm với hình thức khác là chúng ta nén
những hạt giống đầu tư không được trưởng thành. Được lợi lạc cho bản thân,
nhưng đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến người khác là điều không nên.
TỰ
LỰC TINH TẤN
Bạc Câu La: “Trong tám mươi năm từ khi xuất gia, tôi không bao
giờ nhận thấy có xuất gia, thọ đại giới và nhận làm y chỉ cho ai, tôi không bao
giờ nhận sa di hầu hạ sức khỏe và thuốc thang cho mình, tôi không bao giờ nhờ
ai xoa bóp hỗ trợ, cũng không bao giờ lấy yếu tố bệnh làm điều kiện để được
quyền uy tối thượng. Tôi ý thức rất rõ rằng tự tu và làm cho mình được trọn vẹn
là yếu tố không thể thiếu. Nhờ quan niệm như thế nên tôi mới có được ngày hôm
nay”.
Vì mỗi người có nghiệp riêng và
nghịêp chung, lời chia sẻ cuối cùng mới là quan trọng để chúng ta thấy việc tu
của ngài không phải là sự cực đoan. Nhiều loại nghiệp riêng phải sử dụng phương
pháp tu riêng mới có thể vượt qua được. Nếu chúng ta là người dễ vui, dễ cảm
lòng, chột dạ thì phải nêu quyết tâm phát nguyện hết sức cứng rắn như tôn giả
Bạc Câu La, trở thành người thành công trong tu tập.
Ngài không nhận người xuất gia
không có nghĩa là giới hạnh của ngài chưa được tròn vẹn và có sứt mẻ. Ngài
không trở thành giới sư hay y chỉ sư của bất kỳ ai, không có nghĩa ngài không
đủ tư cách đạo đức và tuệ giác để hướng dẫn, mà vì ngài muốn đầu tư trọn thời
gian cho việc tu tập hành trì, hoằng hóa những người khác.
Vào năm 2005, chúng tôi nhớ lại
buổi chia sẻ lần đầu tiên giao lưu giữa thiền sư Nhất Hạnh và Hòa thượng Thích
Từ Thông, cũng như giáo thọ của Làng Mai và gần một ngàn năm trăm tăng ni vốn
là tăng ni sinh của trường cao đẳng, trung cấp Phật học tại chùa Vĩnh Nghiêm.
Bắt đầu buổi chia sẻ pháp thoại, Hòa thượng Nhất Hạnh quay sang Hòa thượng Từ
Thông nói: “Thầy Từ Thông, có lẽ thầy nhớ
rằng mấy chục năm trước anh em mình từng phát nguyện không cần xây chùa, độ đệ
tử mà chỉ cần trở thành vị giáo thọ giỏi, hướng dẫn đệ tử của các huynh đệ đồng
tu là đủ. Mỗi người là một hạnh nguyện đóng góp sở trường và đầu tư tâm huyết
cho con đường chân chính mà mình đã đi. Sau mấy mươi năm làm việc đó tại hải
ngoại, tôi thấy phải điều chỉnh lại nhận thức này”. Gần như đến
tuổi sáu mươi lăm, Hòa thượng Nhất Hạnh mới bắt đầu lập tu viện và độ người
xuất gia. Trước đây, phương pháp tu nhập thế của thiền sư Nhất Hạnh dựa trên
nền tảng của những người cư sĩ tại gia. Họ dấn thân dưới những góc độ dân sự,
len lỏi vào các ngõ ngách của cuộc đời để người ta tiếp nhận một cách dễ dàng.
Hiện nay, thiền sư thấy rằng với tư cách của người tu, chúng ta mới đầu tư trọn
thời gian và tâm huyết, còn với tư cách tại gia dù sao vẫn còn trách nhiệm gia
đình xã hội, trách nhiệm vợ chồng, cha mẹ, con cái, v.v… Kể từ khi Làng Mai
thành lập, số lượng người xuất gia gia tăng, đạo tràng của Làng Mai có mặt khắp
gần bốn mươi lăm quốc gia khác nhau, cho hơn một trăm quốc tịch, ngày càng tăng
trưởng và lớn mạnh.
Cho nên, vấn đề không phải đúng
hay sai, theo ngài Bạc Câu La hay theo người có hạnh nguyện độ chúng, xây dựng
chùa chiền, phát triển đạo tràng mà vấn đề nằm ở chỗ sở trường của bản thân
mình là gì. Có sở trường như ngài Bạc Câu La thì tại sao chúng ta không bắt
chước theo ngài. Nếu sở trường là tiếp tăng độ chúng, mở trường Phật học, làm
từ thiện thì chúng ta không nên cực đoan bắt chước ngài Bạc Câu La mà phải bắt
chước những vị dấn thân nhập thế có giá trị ở hiện tại nhưng không bị lui sụt
trên con đường đạo giải thoát. Đúng và sai không là vấn đề, mà đúng và sai là
phương pháp luận, căn cơ cũng như sự tu tập của chúng ta ở mức độ an toàn dẫn
đến sự phát triển tuyệt đối với giá trị phụng sự nhân sinh. Hòa thượng Từ Thông
hiện nay vẫn không tiếp tăng, không độ chúng, xây chùa. Bá tánh cúng cho Hòa
thượng mấy mẫu đất ở Tân Uyên, Bình Dương, Hòa thượng vẫn không xây chùa, người
ta lại tiếp tục cúng cả chục mẫu trên Lâm Đồng Đà Lạt, Hòa thượng vẫn chỉ làm
cái thất nhỏ, không xây chùa. Đó là hạnh nguyện, chúng ta không thể nói đúng
hay sai, tiêu cực hay tích cực, vì mỗi người có cách tu riêng. Chúng ta cũng
không nên vì đi con đường này mà buộc mọi người phải đi theo cách thức của
mình, đó mới là sai lầm. Cái đúng là tùy hạnh nguyện sở trường, miễn sự dấn
thân mang lại lợi lạc.
Một nội dung chia sẻ về hạnh
phúc trong đời thường khác là trong tám mươi năm tu tập, lý tưởng duy nhất của
tôn giả
Bạc Câu La là mong đạt sự giác
ngộ, chia sẻ sự giác ngộ bằng tinh thần vô ngã cho nhiều người. Cho nên, ngài
không bận tâm với những tương tác xã hội và ngài đã có kết quả. Ở tuổi gần một
trăm, ánh sáng tuệ giác và lòng từ bi độ quần chúng vẫn tỏa chiếu khắp mọi nơi,
dấn thân phụng sự không có giới hạn. Cho đến khi gần nhắm mắt lìa đời, ngài vẫn
không độ người xuất gia, vì ngài biết làm việc đó, ngài phải bận tâm chia thời
gian cho những đệ tử của mình, đầu tư cho đệ tử của người khác cũng mang ý
nghĩa tương đương. Ở đây, ngài đã làm hết bổn phận.
Sau khi nghe chia sẻ về hạnh
phúc đời thường của một người xuất gia vốn là bạn khi còn là cư sĩ của mình,
nhà lõa thể Kassapa đã rất cảm động và chấn động tâm thức chưa từng có. Ông từ
bỏ tôn giáo của mình trở thành người xuất gia. Dĩ nhiên, người độ cho ông không
phải là bạn đồng tu ngày xưa mà là tăng đoàn của Phật giáo nói chung. Sau thời
gian ngắn xuất gia, kinh mô tả Kassapa đã an trú độc cư, sống đời sống viễn ly
không phóng dật, diệt tâm, tinh cần tu tập ngày đêm và đã chứng đắc giác ngộ
ngay đời sống hiện tại. Ngài thấy rõ sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên
làm đã làm, không còn trở lại đời sống sanh tử tại gia nữa, đó là một sự may
mắn.
Rất nhiều người từ bỏ tôn giáo
của họ đến với đạo Phật và đã có được kết quả ngay vài tháng, vài năm, trong
khi đôi lúc chúng ta phải mất vài chục năm thậm chí đến vài kiếp. Tuy nhiên,
đừng vì thế mà chán nản, hạt giống và cấp độ tâm linh ở mỗi người qua tiến
trình sanh tử rất khác nhau. Nhiều người như ly nước đầy, thêm một giọt là
tràn. Nếu ly của chúng ta chẳng có giọt nào thì phải tích tụ. Đừng so sánh theo
kiểu mình vào chùa thành Phật tử cũng năm tháng ngày giờ như người kia nhưng họ
lại đạt được kết quả còn mình thì không, dẫn đến tâm lý chán nản bỏ cuộc. Biệt
nghiệp tốt xấu ở mỗi người khác nhau, kết quả trong một bối cảnh xúc tác giống
nhau không thể tỷ lệ thuận về khối lượng thành công được.
CHÌA
KHÓA TU TẬP
Đoạn cuối bài kinh mô tả tôn giả
Bạc Câu La bắt đầu một hạnh nguyện mới, rày đây mai đó. Ngài không trụ lại ở
tịnh xá Trúc Lâm, đi tới đâu ngài cũng dạy một nội dung rằng: “Này tất cả các vị pháp hữu, này tất cả các vị xuất
gia trẻ, đây là chiếc chìa khóa, các vị hãy cầm chìa khóa này mà ra đi đến
nhiều nơi, giúp đỡ nhiều người, đã đến lúc tôi phải nhập vô dư Niết Bàn”.
Lời di chúc này đối với các đệ
tử của ngài khá đặc biệt. Dĩ nhiên ngài không hề có chìa khóa vật lý nào. Trước
khi qua đời, ngài tặng lại gia tài tâm linh bằng cả cuộc đời tu tập với định
tuệ và giải thoát ở đời sống hiện tại. Chìa khóa đó là chìa khóa tu tập có mục
đích, giá trị tâm linh phụng sự đúng người, không để cho những mưu cầu nhỏ nhoi
làm bận tâm cõi lòng. Phải để đời sống người xuất gia như bầu trời bao la khôn
cùng tận, như đại dương sâu thẳm, mặt đất cứng dày. Chúng ta phải quan niệm như
thế mới trở thành người xuất gia chân chính và xứng đáng là điểm tựa tâm linh,
viên ngọc quý cho tất cả người tại gia. Đó là chiếc chìa khóa của phụng sự
không mệt mỏi, không chấp trước, mở cửa tuệ giác, mở cửa giác ngộ giải thoát. Gần
trăm tuổi đời, tám mươi năm xuất gia tu tập, Bạc Câu La làm việc tích cực không
ngừng nghỉ. Trong khi người tại gia đến tuổi sáu mươi có thể nghỉ hưu hưởng
nhàn thì người xuất gia vẫn dấn thân phụng sự đến hơi thở cuối cùng.
Tôn giả Bạc Câu La đã tịch diệt
theo tư thế ngồi an tọa giữa đại chúng mà nhập vào vô dư Niết bàn. Hiện tượng
này vô cùng hiếm, vì phần lớn
chúng ta chết nằm, chết trên giường bệnh trong sự đau đớn của thân thể vật lý,
còn ngài thì nói rằng: “Xin vẫy tay chào
với tất cả anh em, những người đồng tu, các vị hãy tinh tấn nhiều hơn nữa trong
phụng sự và tu tập, tôi xin vẫy tay chào các vị”. Nói xong ngài
nhắm mắt trong tư thế đang nhập thiền định.
Trong mấy năm trước, Hòa thượng
Giác Chánh của hệ phái khất sĩ cũng ra đi trong tư thế ngồi. Nhiều thiền sư
Trung Hoa cũng chết trong tư thế tương tự. Mỗi người có hạnh nguyện, phát
nguyện riêng, có người phát nguyện chết với tư thế nằm, người khác lại phát
nguyện chết trong tư thế đứng. Chúng ta không nên lấy đó làm thước đo chuẩn cho
mọi tình huống. Điều muốn nói ở đây rằng khi tu tập đúng phương pháp, lời phát
nguyện sẽ là một dấu chứng niềm tin cho những người khác phát nguyện noi gương
hành trì, tu tập tinh tấn theo, không vì bất cứ lý do gì mà tổn thất niềm tin
hay thoái thác tâm bồ đề.
Tôn giả Kassapa trở thành người
xuất gia và chứng đạo nhờ vào tôn giả Bạc Câu La. Ngài tán thán cuộc đời tôn
giả Bạc Câu La là một sự hy hữu và mầu nhiệm hiếm có. Đó là giá trị mà chúng ta
học suốt cả đời vẫn chưa xong. Hy vọng mỗi người phải tự suy nghĩ, đánh giá và
cố gắng thực tập để trở thành Bạc Câu La hiện tại và tương lai.
VƯỢT
QUA TÂM DỤC
Người tại gia hiện nay muốn trở
thành người xuất gia nhưng chưa vượt qua được tâm dục, một số áp dụng phương
pháp quán bất tịnh, quán tâm lý lìa ham muốn… nhưng tình dục và nỗi khao khát
vẫn y nguyên như một sự ám ảnh?
Thứ nhất, chúng ta phải thừa
nhận sự khác biệt về tính dục căn bản ở các chủng loại con người và động vật. Theo
kinh Địa Tạng, chim bồ câu và
uyên ương có nhu cầu giao
tiếp tính dục một ngày đến vài
chục lần, và xem đó là hiện tượng bình thường. Có nhiều loài động vật phải kéo
dài thỏa mãn như một khát khao bản năng đến vài tiếng thì mới được xem là bình
thường. Con người, mặc dù có giáo dục, nhưng còn nặng hơn các loài động vật,
chẳng những ban ngày trong phòng the, thậm chí đôi lúc ở mọi nơi mọi chốn.
Chúng ta cần tu tập phát triển ý thức dấn thân vào các loại hình lao động chân
chính, các nghệ thuật trong cuộc đời để chuyển hóa chúng ở phương diện nhất
định, vượt ra khỏi bản năng mà các loài thú vốn bị ám ảnh không thể vượt qua.
Cho nên, sự thay thế là một trong những phương pháp rất an toàn. Ở đây, khi
tính dục quá nhiều mà chúng ta quán bất tịnh sẽ không bao giờ hiệu quả.
Thông thường, sự ăn uống với
chất kích thích tố như hành, hẹ, tỏi nén, hương cừ và các thực phẩm mặn làm cho
chúng ta dù quán cỡ nào đi nữa nếu không biết dừng, cũng không thể vượt qua
được thói quen hưởng thụ. Người ta thường nói người nữ dơ, do những chu kỳ như
là tiến trình tự nhiên của cơ thể, nhưng trên thực tế người nữ biết khéo léo
giữ cơ thể sạch sẽ hơn người nam. Không có cái vớ và giày nào của người nam mà
không có mùi hôi, trong khi phái nữ không có tình trạng này. Như vậy, về phương
diện trang sức và chăm sóc sắc đẹp bản thân, người nữ rất thành công, nếu chúng
ta quán bất tịnh làm sao vượt qua. Thời trang, thể dục thẩm mỹ, thể dục dụng
cụ, các phương tiện giải phẫu thẩm mỹ, nước hoa, lụa là gấm vóc, v.v… bao nhiêu
phương pháp làm trẻ đẹp, làm sao chúng ta có thể quán nó thành bất tịnh được.
Quán bất tịnh phải tùy tình huống và đối tượng chứ không phải là phương pháp
duy nhất. Đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin, việc quán như thế làm mất
đi tác dụng thật sự. Cho nên, ngoài phương pháp quán bất tịnh, chúng ta còn
phải nỗ lực bằng nhiều phương pháp khác.
Thứ hai, hạn chế chủ nghĩa tiêu
dục, vì nó tăng kích thích tố và các phản ứng hoocmon, dù muốn vượt qua chúng
ta vẫn bị đầu hàng một cách vô điều kiện. Hành, hẹ, tỏi nén, hương
cừ là thực đơn của thần tình ái, kích thích tố về tính dục trong chúng rất cao.
Đó là lý do các tổ Trung Hoa khuyến khích người xuất gia không nên tiêu thụ
chúng bằng một giải thích hết sức tín ngưỡng rằng chúng tạo mùi hôi, do đó các
thần thiện sẽ vẫy tay chào và không gia hộ. Vì muốn chư thiên ủng hộ mình, nên
người ta đã không tiêu thụ ngũ vị tân này. Nhờ đó, kích thích tố không tăng
trưởng tạo ra những phản ứng hoocmon đòi hỏi tính dục nên người tu được an
toàn. Trong thời hiện đại, các lý giải trên đôi lúc không còn thuyết phục. Cho
nên chúng ta cũng phải giáo dục tính dục đối với người xuất gia để họ có thể
chuyển hóa, vững tin mà khắc phục từng bước một cách có phương pháp.
Một lần, tại quán café Dáng Xưa
ở quận 6, chúng tôi được mời thuyết trình về đề tài “Cha mẹ thời @”. Chúng tôi đã chia sẻ
hai quan tâm rất lớn mà gần như các bậc phụ huynh thời nay, thời đại bùng nổ
thông tin, đã mất dần sự kiểm soát con em mình về tự do dân chủ ở chúng, vốn đã
được luật pháp thừa nhận ở mức độ cao nhất. Thứ nhất là khuynh hướng hưởng thụ
tính dục, thứ hai là cơn nghiện game online và trở thành game thủ nổi tiếng với
những phần thưởng hết sức hứa hẹn. Trong phương diện một, chúng tôi đã đưa ra
hai tình huống có thật như là một cú sốc toàn cầu buộc chúng ta phải suy nghĩ
lại nghệ thuật hợp tác giữa giáo dục gia đình, nhà trường và các nhà có trách
nhiệm quản trị quốc gia.
Trường hợp thứ nhất là đôi vợ
chồng trẻ Patten ở Dorset, Anh, chồng mười ba
tuổi, vợ mười lăm tuổi, họ đã quan hệ tình dục hai năm trước. Tiêu chí trong
dân gian Việt Nam
và Trung Hoa là “nữ thập tam, nam thập
lục” của mấy mươi năm trước đã phải xét lại. Tâm sinh lý con người
thay đổi đến mức độ làm cho phần lớn cảm thấy mình đã trưởng thành, tò mò với
những gì diễn ra, mặc dù bị cấm đoán, và càng nghiêm cấm chừng nào thì nội dung
cấm đoán càng có khuynh hướng bị phá vỡ chừng đó. Dưới tác động của bùng nổ
thông tin và sự mất kiểm soát dần quan hệ giữa cha mẹ con cái, tuổi trẻ với
những phản ứng hoocmon do tiêu thụ các phương tiện thông tin trở thành người
lớn hơn tuổi thực của chúng. Chúng tôi đã lấy những bức ảnh do tạp chí The Sun chụp và ấn hành để minh họa,
khiến nhiều người phải sốc vì ngạc nhiên. Cậu bé mười ba tuổi với chiều cao
khoảng 1,3m, thân thể loắt choắt bé xíu đứng cạnh cô vợ mười lăm tuổi với dáng
dấp một thanh nữ cao lớn trưởng thành, nếu nhìn sơ, dễ nhầm tưởng hai mẹ con.
Em bé của họ sinh ra nặng ba ký. Theo luật của Thiên Chúa giáo, con cái là phần
thưởng của Thượng đế dành cho con người, ai phá thai hay dẫn đến những cái chết
dưới nhiều hình thức khác nhau được xem là tuyên chiến với quyền độc tôn về thụ
tạo của Thượng đế. Vì lý do đó, người ta phải giữ em bé này. Kết quả họ trở
thành đôi cha mẹ trẻ nhất trong lịch sử loài người được thừa nhận bằng luật.
Nếu nhìn vào tấm ảnh, cậu bé mười ba tuổi đó còn ngơ ngác vô cùng, chưa đủ tâm
sinh lý để trở thành một người cha. Nhưng khi các tạp chí phỏng vấn thì cậu ta
trả lời: “Tôi tưởng làm cha khó lắm, đâu
có ngờ làm cha cũng khá dễ dàng”. Đó là công án mà các nhà giáo
dục, làm luật, phụ huynh học sinh cần tự xem xét, cũng là tiếng chuông báo động
buộc chúng ta không thể không quan tâm về việc hưởng thụ internet tại nhà của
con em mình.
Trường hợp thứ hai, một cặp vợ
chồng mười lăm tuổi vốn là bạn học của nhau, vừa sinh đôi hai bé gái vào ngày
20 tháng 2 năm 2009, sau bảy tháng mang thai. Do thiếu tháng nên hai bé gái
phải được nuôi dưỡng trong lồng kính. Đó là tiếng chuông báo động thứ hai xảy
ra trên nước Anh. Có thể trên vũ trụ này đã xảy ra hàng trăm ngàn tình huống
tương tự nhưng báo chí chưa biết, chưa đưa tin, hoặc vì phong tục tập quán mà
người ta ém nhẹm đi.
Thứ ba, quán tình thân. Tính dục
là nỗi ám ảnh lớn nhất với các chủng loại sinh vật. Theo đức Phật, nó là từ
trường của sanh tử, là bản năng của đời sống đẩy con người vào quỹ đạo sống và
chết. Kinh Bốn mươi hai chương,
đức Phật nói, dù phải trèo non lội suối vượt đèo, đối diện trước hang hùm miệng
sói, nhiều người cũng tình nguyện hy sinh để thỏa mãn tình yêu và chứng tỏ mình
sống trọn vẹn vì nó. Lời tuyên bố của đức Phật hoàn toàn không quá đáng, vì
chúng ta cũng từng nhiều lần chứng kiến những việc như thế diễn ra hằng ngày hằng
giờ. Cho nên, ngoài phương diện nhận thức, quán bất tịnh, tìm nghệ thuật thay
thế để quên nó thì theo đạo Phật, chúng ta phải quán tình thân rằng tất cả
những người khác giới tính là cha mẹ, chú bác, cô dì để tránh lâm vào tình
trạng đời sống hưởng thụ sai phương pháp và trước tuổi. Quán tình thân giúp
năng lượng tính dục dù sôi sục, chúng ta vẫn phải kiềm chế.
Báo Công An đưa tin cách đây mấy
tháng, tòa đã phán xử một giáo sư, về hưu bảy mươi hai tuổi, cưới một cô thiếu
nữ mười bốn tuổi làm vợ bằng cách mua năm chục triệu đồng từ người mẹ ruột ba
mươi lăm tuổi của cô thiếu nữ này. Cuộc thanh toán không sòng phẳng cho nên
người mẹ ba mươi lăm tuổi đã thưa kiện. Cuối cùng ông giáo sư về hưu phải ngồi
tù vì hành vi giao cấu với trẻ em vị thành niên.
Năng lượng tính dục khiến người
ta quên đi tất cả, dù đó là giáo sư từng dạy cao học ở nhiều trường đại học tại
thành phố Hồ Chí Minh. Cho nên, quán tình thân rất có lợi. Hãy nhìn tất cả
những người nữ là thím, dì, mẹ, bác gái, chị gái, em gái, cháu gái của mình;
người nam là cha, ông, cậu, em trai, cháu trai… Đó là nghệ thuật để vượt qua.
Thứ tư, nhận thức hạnh phúc của
bản năng tính dục không phải là tất cả. Rất nhiều người tuy độc
thân vẫn không màng đến đời sống tình yêu hôn nhân và vẫn sống hạnh phúc với
niềm vui nụ cười trong cuộc đời. Hãy bắt chước những người đó một phần hoặc
nhiều phần, xem họ như sự tham khảo, đối chiếu cho bản thân.
Sự giáo dục và đào luyện từ góc
độ đạo đức và tâm linh cho thấy không nên tin rằng số phận của mình là phải
hưởng thụ nó, bằng không sẽ chết, ức chế, khủng hoảng, bế tắc… Một trong những
phương pháp khác là phải quán chuyển đổi nó thành năng lượng của lòng từ bi để
trở thành người cao thượng hơn, phụng sự cho rộng rãi đối tượng hơn, không còn
phân biệt vợ chồng hay người tình của mình. Lòng thương yêu không bờ bến, không
giới hạn đó phải là chất tố tô bồi cho hạnh phúc tối thượng, hạnh phúc đó dù có
vẻ đơn sơ giữa đời thường nhưng rất đáng trân trọng. Quán tưởng về những điều
cao thượng, như ánh mặt trời chiếu soi không gian bao la vô tận, không phân
biệt đối xử giúp chúng ta nhận thức sống làm sao ý nghĩa với cuộc đời, còn bản
thân mình nếu có thiệt thòi cũng không hề hấn.
Nói chung, có rất nhiều phương
pháp tu tập, quán tưởng để vượt qua tâm dục một cách thành công. Có nỗ lực, có
con đường, có kết quả thì chúng không còn là nỗi ám ảnh mà là một thách đố để
sự thành công của chúng ta có giá trị thiết thực và ý nghĩa hơn.
Giảng
Kinh Trung Bộ 124 tại chùa Xá Lợi, ngày 01-03-2009
Phiên
tả: Thủy Tiên