Chương
2. Thuật sống hạnh phúc
(KINH
KANDARAKA)
DẪN
NHẬP KINH KANDARAKA
Nghệ thuật sống hạnh phúc trong
bài kinh Kandaraka thứ
51, thuộc kinh Trung Bộ, bao gồm hai vế thực hiện.
- Vế thứ nhất: Muốn có hạnh
phúc, đừng bao giờ gieo trồng các hạt giống khổ lụy cho mình và tha nhân.
- Vế thứ hai: Xây dựng hạnh phúc
bằng chính những hạt giống của hạnh phúc một cách có nghệ thuật và phương pháp.
Kịch tính của bản kinh này nêu
ra: “Rất nhiều khát vọng, tìm tòi, mong
đợi hạnh phúc nhưng lại vướng víu và nắm lấy khổ đau”. Nếu hạnh
phúc bắt đầu bằng lòng đam mê, tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực kiên trì bền
bỉ, thì đó mới chỉ là một số yếu tố cần thiết chứ chưa phải yếu tố quan trọng
và quyết định. Phương pháp luận, hành trì và con đường chuyển hóa tâm linh
chính là những thước đo cho đời sống hạnh phúc thật sự. Bài kinh là cuộc trao
đổi đạo lý giữa đức Phật và cha con du sĩ Kandaraka về bản chất của tôn giáo và
chân lý. Thông qua cuộc đối thoại ngắn ngủi, đức Phật đã giới thiệu nếp sống
văn hóa tâm linh, nhằm tiếp thêm sức mạnh giải phóng khổ đau cho con người.
Thông thường, hạnh phúc được
đánh đồng với những thỏa mãn khoái lạc giác quan, chẳng hạn khát được uống, đói
được ăn, được may quần áo mới, được thỏa mãn nhu cầu trang sức và sức khỏe vật
lý. Đánh đồng những khoái lạc với hạnh phúc làm cho rất nhiều người hy sinh
hạnh phúc bản thân, để tìm kiếm những giá trị vật chất, mà trong đó các hạt sạn
vật dục của chủ nghĩa toàn cầu hóa về kinh tế nếu không biết sàng lọc sẽ có thể
làm cho hạnh phúc của con người mất đi. Như vậy, đề cập đến hạnh phúc, đạo Phật
giới thiệu đến một góc độ của tâm thức gắn liền với đời sống đạo đức là làm thế
nào để đời sống đó mang lại những giá trị nhân văn cũng như giá trị an vui cho
bản thân, không gây bất kì một phương hại nào đến người khác. Chất liệu của
hạnh phúc được đạo Phật gắn liền với bản chất của cái gọi là “thiện”. Định nghĩa “thiện” liên hệ đến hai nội dung:
* Thứ nhất, mang lại lợi ích về
đạo đức cho mình, cho người. Giá trị và hiệu ứng lợi ích đạo đức đó không chỉ ở
hiện tại mà còn ở tương lai. Đây là thước đo cơ bản của cái gọi là “thiện”. Tương tự, đức Phật gắn liền bản
chất của cái thiện đó với những hành vi dẫn đến cái gọi là hạnh phúc. Các khoái
lạc giác quan, những sảng khoái nhất thời, những niềm vui về vật chất, những
phương tiện, những điều kiện dẫn đến đời sống thoải mái không thuộc về bản chất
của hạnh phúc, vì nó chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ trong hiện tại, sau đó nó
phải bị thách đố với qui luật của thời gian. Trong tương lai, nó chưa chắc có
mặt một cách tương đồng, và đôi lúc có mặt một cách đối lập.
* Thứ hai, trong mưu cầu sinh
nhai tìm kiếm những phương tiện đánh đồng với hạnh phúc, nhiều người đã vi phạm
luật pháp, bỏ rơi đời sống đạo đức. Đó không được gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc
theo quan niệm của Phật giáo phải gắn liền với đời sống đạo đức và sự chuyển
hóa tâm linh.
Bài kinh được diễn ra theo ba
lớp: thứ nhất là tuyên bố của du sĩ Kandaraka về bản chất giáo dục của Phật
pháp; thứ hai là tuyên bố của Pessa - con trai vị du sĩ này - về đời sống đạo
đức, bản chất khổ đau hạnh phúc của cuộc đời; và thứ ba là tuyên bố của đức
Phật. Ba lớp tuyên bố tạo nên cái nhìn bao quát về hạnh phúc nói chung và con
đường chuyển hóa tâm linh của đạo Phật.
LỜI
TÁN THÁN CỦA DU SĨ KANDARAKA
Một thời gian nọ, đức Phật sống
trên bờ hồ Gaggara, thuộc vùng Campa, một thanh niên bảnh trai tên Pessa, cùng
cha mình là Kandaraka, đến thăm viếng Như Lai. Nhìn cảnh tượng mấy ngàn vị xuất
gia đang ngồi tĩnh tọa dưới các gốc cây trong trạng thái im lặng tuyệt đối,
khiến hai cha con thần phục và cảm thấy không còn bất kì lời khen tặng nào có
thể diễn đạt được lòng tôn kính của họ đối với sự huấn luyện giáo dục đạo đức
và tâm linh của đức Phật dành cho người xuất gia. Du sĩ Kandaraka đã phát ngôn:
“Bậc giác ngộ thật là vi diệu, thật là hy
hữu. Tất cả các vị xuất gia dưới sự hướng dẫn tâm linh của Ngài đã đạt được
những giá trị hoặc thánh quả hoặc đang trên con đường đạt thánh quả”.
Bản kinh Pali gọi bằng hai thuật ngữ chuyên môn là “đạt trình độ vô học” và “đạt trình độ hữu học”.
Khái niệm “vô học” là thuật từ chuyên môn, diễn tả
người hoàn thiện giáo dục đạo đức, không còn bất kì nhu cầu huấn luyện đạo đức
và tâm linh nào cần thiết nữa. Người đó không còn tái nghiện đời sống tại gia,
không trở lại tính cách phàm phu lẫn lộn giữa hạnh phúc khổ đau, không còn bị
thế giới của thăng trầm, vinh nhục khống chế và chi phối.
Trong khi đó, khái niệm “hữu học” ở đây không phải là học rộng
hiểu nhiều, mà là khái niệm diễn tả người đang trên con đường hoàn thiện giáo
dục, đạo đức và tâm linh. “Đang trên con
đường”, có nghĩa là người đó không còn bị thối chuyển, ngày càng
thăng tiến đến lúc không còn gì để tu tập và chứng đắc được nữa. Một hành giả
đạt quả thánh được diễn đạt trong văn mạch Pali là “Các phiền não khổ đau rơi rụng, sự tu tập đời sống cao thượng được
thành tựu. Những việc nên làm, những điều nên tránh đã được vượt qua. Gánh nặng
khổ đau sinh tử được đặt xuống. Thành tựu lý tưởng tu tập, tận trừ tất cả mọi
trói buộc của tâm lý và nhận thức. Đã giải thoát một cách chân chính bằng tuệ
giác, không còn trở lại trạng thái khổ đau”.
Đó là những mệnh đề diễn tả bản
chất của một bậc hành giả đạt quả thánh, và đó là kết quả tất yếu của tiến
trình tu tập có phương pháp trên con đường tìm kiếm giá trị hạnh phúc, từ bỏ
nỗi khổ niềm đau. Trong khi đó, những bậc hữu học được bản kinh nêu ra là người
“đang đi trên con đường đạo đức”
với hệ thống giới luật như những cơ sở phòng hộ cho các giác quan, mà nhờ đó
hành giả có thể sống một cách sáng suốt, khéo an trú trong bốn phương pháp quán
niệm về thân, tâm, cảm xúc và các ý niệm (hay được gọi là pháp).
Người Phật tử nếu thực tập các
phương pháp quán niệm như đức Phật đã nêu, thì vẫn có khả năng chứng đắc thánh
quả như những vị xuất gia. Cơ hội trở thành người cao thượng rộng mở cho tất cả
mọi đối tượng. Vấn đề ở chỗ, phương pháp tu tập và hành trì như thế nào? Đây là
tuyên ngôn về bản chất giáo dục của đức Phật như là con đường hoàn thiện tâm
linh mà Ngài được ca ngợi là một nhà giáo dục đạo đức và giáo dục tâm linh. Đó
là sự ca ngợi khéo léo, nhân sự kiện hai cha con du sĩ nhìn thấy mấy ngàn vị
xuất gia im lặng một cách tuyệt đối dưới sự hướng dẫn tâm linh của đức Thế Tôn
trong khu rừng.
“Im lặng tuyệt đối” rất khó thực hiện. Có hai trạng thái im
lặng.
* Im lặng trong phát ngôn về
phương diện ngôn ngữ: người đó có thể không nói, không giao tế, không bày tỏ
thái độ, kiến thức, quan điểm, ý tưởng của mình về bất cứ vấn đề gì. Sự im lặng
đó có thể là thái độ đồng tình, nhưng cũng có thể là thái độ phản đối. Đó không
phải là “im lặng tuyệt đối”.
Người rơi vào trạng thái im lặng đồng tình thì trong lòng họ sẽ khởi lên những
cuộc đối thoại về sự tùy hỷ, tán thán, qui ngưỡng. Ngược lại, đối với những
người phản đối, thì họ sẽ trở thành người độc thoại. Họ lý luận, tạo kịch tính;
họ đóng vai trò vừa là người chính diện vừa là người phản diện, vừa là bản thân
vừa là đối thủ; họ có thể lý luận đập bẻ những quan điểm của người mà họ không
đồng quan điểm. Sự im lặng đó là cách thức nói rất nhiều trong đầu, nói độc
thoại.
* “Im lặng tuyệt đối” được các hành giả Phật giáo huấn luyện
là nghệ thuật đặt tâm vào bốn đối tượng quán niệm. Trước hết, ý thức về sự hiện
hữu của con người ngay trong giờ phút sự quán niệm diễn ra. Theo dõi các động
tác, sự vận động của toàn thân làm cho tâm người đó không còn ý niệm gì hướng
về bất kỳ một đối tượng hay sự vật xung quanh. Từ đó, tâm trở nên lắng dịu.
Dòng cảm xúc con người thường tồn tại một cách tương thuộc với thân. Nếu không
biết cách huấn luyện, thì dòng cảm xúc đó có thể “du ngoạn” đây đó, hoặc bị vướng bận đến bất kì vấn đề nào
liên hệ các giác quan.
Người có sự tu tập quán niệm sẽ
giữ dòng cảm xúc một cách quân bình và thăng bằng, nhận rõ được bản chất của nó
để giữ nó về với mấu chốt của hiện tại. Cho nên ý niệm của người đó không còn
những buồn vui lẫn lộn. Tâm của hành giả bắt đầu được kiểm soát, tất cả những
máy động về tốt xấu, tham và không tham, sân hay không sân, mê mờ hay sáng suốt
đều được hành giả thấy rõ sự vận hành nên nó trở thành những phương tiện để bảo
hộ cho sự tu học của hành giả. Ý niệm xuất hiện sau khi các giác quan tiếp xúc
với đối tượng trần cảnh của nó đã được hành giả kiểm soát tuyệt đối.
Bốn phương pháp quán niệm này
làm cho hành giả trở nên im lặng vì cảm nhận được chất liệu an lạc, tĩnh tại,
sâu lắng bên trong. Hành giả không còn đam mê hứng thú với các khoái lạc giác
quan. Cho nên trong im lặng, họ đạt được những giá trị an nhiên và tĩnh tại thể
hiện qua ánh mắt, gương mặt, sắc thái, cách biểu đạt trong tư thế đi, đứng,
nằm, ngồi.
Trong khi người im lặng, đồng
tình hoặc phản đối, chỉ có thể giữ và duy trì trạng thái này trong thời gian
nhất định. Sự im lặng tuyệt đối nhờ vào tu tập thiền quán có thể kéo dài trạng
thái an nhiên theo ý muốn.
Các hành giả xưa có khuynh hướng
khởi và tiến tới trình độ làm lắng dịu hoàn toàn dòng cảm xúc và ý niệm quán để
có thể kéo dài trạng thái bất động trong vài ngày, vài tháng, vài năm.
“Im lặng tuyệt đối” là một trong những phương tiện rất cần
thiết để con đường tâm linh được khai mở. Các khóa tu thiền của Phật giáo ngày
nay tại Ấn Độ và khắp nơi trên thế giới, thường yêu cầu hành giả, bất luận là
người của tôn giáo nào hay không có tôn giáo, khi vào thiền thì trước nhất phải
giảm tối đa những lý luận, trao đổi, thảo luận không cần thiết. Chỉ có thể thảo
luận những vấn đề liên hệ đến bản chất của sự hành trì, con đường chuyển hóa
cảm xúc, những vấn nạn hay những bế tắc diễn ra trong quá trình tu tập của bản
thân.
Hạn chế nói năng là cách thức
giúp con người quay trở về với chính mình. Người nói nhiều là người có khuynh
hướng ly tâm, khuynh hướng xã hội hóa, tạo niềm vui giác quan thông qua việc
tiếp xúc và đối thoại với những người xung quanh. Trong khi đó, người có chất
liệu an lạc, tĩnh tại lại có khuynh hướng dành nhiều thời gian để soi rọi tâm
tư, cảm xúc và hành vi của bản thân mình. Hai khuynh hướng hướng nội và hướng
ngoại khác nhau tạo ra hai hướng đi đến bản chất khổ đau và hạnh phúc cũng khác
nhau.
NHẬN
ĐỊNH CỦA PESSA
Sau khi Kandaraka tán thán bản
chất giáo dục của đức Phật là giáo dục tâm linh và đạo đức, thì con trai của
ông, một người có tiềm năng về đạo Phật, đã có ba lời nhận định.
1. Pessa khẳng định: “Phương pháp quán niệm tâm, thân, cảm xúc, và ý niệm
có thể giúp hành giả vượt qua mọi nỗi khổ niềm đau trên cuộc đời này. Nó có
năng lực làm hành giả trở nên thanh tịnh, chiến thắng mọi sầu khổ, đạt trí tuệ
và chứng ngộ Niết Bàn”.
Nhưng khi kết thúc việc nhận xét
phương pháp của Tứ Niệm Xứ, anh ta lại nói: “Thỉnh
thoảng người tại gia như chúng con cũng có hành trì, nhưng vì không có nhiều
thời gian nên kết quả đạt được chẳng là bao so với những vị xuất gia đang có
mặt và thực tập dưới sự hướng dẫn tâm linh của đức Phật tại khu rừng này”.
Nhận định bản chất phương pháp
Tứ Niệm Xứ ở đây rất phù hợp với trọng tâm những gì đức Phật dạy. Sử dụng thiền
để chuyển hóa bản chất của cảm xúc như một phương tiện. Thiền có hai vấn đề cần
được nhận diện: thứ nhất là phương diện công cụ; thứ hai là giá trị tĩnh tại
đạt được sau khi sử dụng đúng phương pháp các phương tiện và công cụ này. Nếu
hành trì thiếu phương pháp và thiếu công cụ, thì lòng mong cầu hạnh phúc và ý
niệm về hạnh phúc đó có thể không đạt như ý muốn. Các phương tiện và công cụ ở
đây được nêu ra gồm bốn đối tượng: thân, cảm xúc, tâm và pháp (tức ý niệm).
Thông thường, ý thức con người
lao theo những giá trị thẩm mỹ của thân. Người đặt nặng ngoại hình hay chủ
nghĩa hình thức, thường để ý về tướng chung, tướng riêng, hình thái, màu sắc,
tướng đi, dáng vẻ, thời trang, thẩm mỹ… Gần như cuộc đời của người đó bị cuốn
theo sự mất hút của chủ nghĩa ngoại hình, và do đó, tâm thức của người đó bị
phóng đãng ra ngoài, mất đi năng lực quán chiếu bản thân. Dòng cảm xúc của con
người như dòng thủy triều lên xuống. Ý niệm về hạnh phúc khổ đau thường chạy
song hành với thủy triều lên xuống của cảm xúc. Mỗi lần dòng cảm xúc dâng trào
thì người đó có thể vui, thể hiện qua những nụ cười hoan hỷ, khoái trá. Nhưng
khi dòng cảm xúc đó bị lắng dịu xuống thì nỗi khổ của niềm đau, sự khóc lóc,
buồn rầu, lo sợ bắt đầu có mặt và khống chế. Mượn đối tượng của dòng cảm xúc
như một công cụ để quán chiếu thì hành giả sẽ nhìn thấy được tính tương đối của
bản chất cảm xúc và từ đó không để chúng khống chế. Tương tự, hành giả áp dụng
cho tâm nhìn thấy các dấu chân đi, các cử động, các đổi thay, động cơ, thái độ,
khuynh hướng và mục tiêu của nó hướng về tốt hay xấu, nên hay không nên, giá
trị hay phi giá trị, đạo đức hay phi đạo đức để từ đó uốn nắn nó trở về phục vụ
cho những giá trị hạnh phúc chân chính.
Các ý niệm thường tạo ra vô vàn
rắc rối đối với những người thiếu sự kiểm soát của tâm. Có những tiếp xúc bằng
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, con người không có ấn tượng sau khi trở về với những
hồi ký hoặc những mơ tưởng, nhận định đánh giá về giá trị và phi giá trị của
những điều mắt thấy tai nghe đó làm cho con người có thái độ. Các thái độ này
làm cho họ hoặc đánh mất chính mình trong quá khứ hoặc đánh mất chính mình
trong sự hướng vọng về tương lai, bỏ quên bản chất và giá trị của hiện tại. Cho
nên thân, cảm xúc, tâm và các ý niệm là bốn đối tượng giúp hành giả thiết lập
trạng thái tĩnh tại của tâm. Hành giả sẽ có được sự yên lặng, nói những điều
cần nói, những điều có ích và dành hết năng lực để quán chiếu, thấy rõ bản chất
của đời sống, từ đó thoát ra khỏi những ách nạn của nỗi khổ niềm đau.
2. “Thế tôn là người hiểu được bản chất của hạnh phúc và bất hạnh trong
thế giới loài người vốn rối ren, cặn bã và xảo quyệt”.
Lời nhận định này làm cho nhiều
người phải rùng mình. Chỉ có đức Thế Tôn mới hiểu rõ được bản chất của hạnh
phúc và khổ đau thật sự trong thế giới mà con người bị vướng mắc trong sự chấp
trước đối với các giác quan. Nó là thế giới của tất cả sự xảo quyệt, con người
lừa lọc, hãm hại lẫn nhau, tranh chấp quyền lợi, bất chấp hạnh phúc khổ đau của
người khác, nó là cặn bã của sự nô lệ những phong tục tập quán sai lầm, những
lối mòn không có nội dung mang lại hạnh phúc, làm cho con người đóng bít cửa
ngõ của sự sáng tạo và phát minh trên con đường tâm linh và đạo đức v.v…
Nhận định của Pessa đã xác quyết
rằng, con đường giáo dục của đức Thế Tôn là để mở tầm nhìn của con người, làm
cho các hành giả tu tập ngày càng tuệ giác hơn, sáng suốt hơn, vượt qua những
thách đố đối với bản thân. Chỉ có ai tin lời đức Thế Tôn mới phát huy được tiềm
năng lớn nhất vốn có ở người đó. Tiềm năng là vô tận, bản chất bình đẳng tiềm
năng ở mọi người là ngang nhau, nhưng niềm tự tin và phương pháp luận khai thác
sẽ làm giá trị con người khác nhau trời và vực. Vấn đề ở chỗ là sử dụng tiềm
năng đó nhờ phương pháp khai thác như thế nào, là điều cần quan tâm.
3. So sánh bản chất của con
người với loài thú, Pessa đã nói: “Rối
ren thay là thế giới của loài người, cởi mở thay là thế giới của loài thú vật”.
Sau khi tuyên bố câu nói đó,
Pessa đã so sánh “với tư cách là người
từng huấn luyện voi thành công, con có thể nhiếp phục những con voi dữ và cả
các con voi rừng, con có thể nhận diện được tính gian dối, xảo trá của nó một
cách rất dễ dàng để đưa nó trở thành một con voi thuần thục phục vụ cho xiếc
múa và các lễ hội văn hóa. Điều đó tất cả những nhà luyện voi có kỹ thuật đều
có thể đạt được, nhưng con không thể nào nhìn thấy rõ được tâm, hành vi, lời
nói một cách tương thích của con người. Nhìn thấy được tâm và hành vi rõ của
con người là điều khó vô cùng. Đó là thế giới của sự rối ren”.
Ở đây Pessa muốn nói, có thể
nhìn thấy bề ngoài của con người chứ không ai thấy được tâm tính của người đó.
Hành động, lời nói, tất cả những biểu đạt bên ngoài có thể tương đồng ở một mức
độ nhất định đối với những gì được suy nghĩ trong tâm, nhưng nó cũng có thể
trái ngược hoàn toàn. Nói cách khác, lời nói và việc làm của con người hiếm khi
tương thích và đồng đẳng với nhau. Chính nó là cạm bẫy, là những điều làm con
người rơi vào chủ nghĩa cảm tính, đánh mất chính mình trong các mối quan hệ.
Pessa nêu sự kiện cụ thể, ngay
cả những nô lệ trợ giúp anh trong việc huấn luyện voi, hằng ngày khi được yêu
cầu làm việc nào, họ đã trả lời răm rắp và cam kết sẽ làm đúng theo yêu cầu.
Nhưng trên thực tế, họ lại làm khác hoàn toàn. Người ta có thể nói rất tốt
nhưng lại làm rất dở, họ nói rất có phương pháp nhưng lại làm rất tùy tiện. Do
đó, khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa kiến thức và hiện thực, giữa
phương pháp và kết quả, giữa những điều mong đợi và những cái đạt được trở
thành thách đố lớn đối với những người tìm kiếm giá trị của sự thành công.
XÁC
QUYẾT CỦA ĐỨC THẾ TÔN
Hãy nắm bắt cơ hội thăng hoa giá
trị tâm linh
Sau khi nghe trình bày ba nhận
định, đức Phật đã hỏi Pessa: “Trên cuộc
đời này có bốn hạng người ông thích hạng người nào nhất? Thứ nhất là người tự
hành khổ mình; thứ hai người hành khổ người khác; thứ ba người tự hành khổ mình
và hành khổ người khác; thứ tư người không hành khổ mình và cũng không hành khổ
người khác?”.
Pessa trả lời: “Bạch Thế Tôn, ba hạng người đầu chúng con đã gặp
rất nhiều trong cuộc sống, trong giao tế, con không thích trở thành một trong
ba loại người đó. Bởi vì con nhìn thấy rất rõ, ngay cả bản thân chúng con và
những người như thế, khao khát hạnh phúc nhưng lại nắm lấy khổ đau vì đi thiếu
phương pháp, thiếu người hướng dẫn. Điều con tâm đắc nhất là loại người thứ tư,
loại người không tự hành khổ mình, không tạo cho mình nỗi khổ niềm đau, không
biến mình trở thành gánh nặng xã hội, không làm cho cuộc đời phải bận tâm, lo
lắng về hành vi, lời nói và việc làm của mình”.
Trả lời xong câu hỏi của đức
Phật, hai cha con xin phép ra về với lý do có rất nhiều việc cần phải làm. Như
Lai đã tạ từ họ. Hai cha con đi một lúc, bấy giờ đức Thế Tôn gọi tất cả vị Tỳ
kheo đến. Ngài nói: “Trong hai cha con,
Pessa là người có tiềm năng của nhận thức và tuệ giác, là người có năng lực
thực hành điều lành do hiểu những phương pháp. Nhưng rất tiếc, nếu hai cha con
ngồi và lắng nghe Như Lai phân tích cặn kẽ về bốn hạng người nêu trên thì có lẽ
con đường tuệ giác và năng lực của Pessa sẽ tiến xa hơn rất nhiều so với những
gì mà anh đang có”.
Ở đây điều đáng đề cập là cơ hội
bị bỏ rơi vì kế sinh nhai. Cha con du sĩ Kandaraka đối diện trước đức Thế Tôn,
đối thoại liên hệ đến bản chất tôn giáo và chân lý, đạo đức và phi đạo đức,
hạnh phúc và khổ đau, ấy thế mà họ lại đánh mất cơ hội dành thời gian cần thiết
để hấp thu những tinh hoa về con đường tâm linh mà đức Thế Tôn sẽ cống hiến.
Cơ hội bị bỏ lỡ không phải vì cơ
hội không đến, mà phần lớn không mấy ai sẵn lòng tiếp nhận. Đôi lúc chân lý đến
gõ cửa, ta lại vẫy tay chào. Hoặc có nhiều người nhiệt tình đến giúp đỡ, ta lại
đặt nghi vấn về sự nhiệt tình đó. Chủ nghĩa hoài nghi thiếu sáng suốt về nhân
quả và cách thức đặt vấn đề sai phương pháp đã làm cho rất nhiều người đánh mất
cơ hội. Hoặc khi được quan tâm góp ý hay thảo luận nhằm tháo gỡ những bế tắc ta
đang vấp phải, lòng mặc cảm dâng trào khi cho rằng cái dở, cái xấu, cái chưa
hoàn thiện của mình bị người khác biết nên ta cố tình đóng bít các cửa ngõ,
không tiếp xúc, sẵn sàng phủ định và không sẵn lòng tiếp nhận con đường mà
người khác có thể cống hiến cho ta. Cơ hội bị đánh mất là do bản thân con người
không sẵn sàng đón nhận.
Ai cũng bề bộn công việc, nhưng
nếu biết cách đến ngôi chùa có những hoạt động giảng về Phật pháp, các lớp giáo
lý, con người vẫn có thể dành cho bản thân ít nhất một tuần vài giờ để trau dồi
đời sống tinh thần và tâm linh. Mặc dù con đường đạo đức và những phương pháp
hành trì, người Phật tử dễ dàng cập nhật do đọc kinh, nghe băng giảng, đọc sách
vở, tham khảo trên net, nhưng việc đến giảng đường hoặc có mặt tại ngôi chùa,
tham dự một khóa tu lại có giá trị lây lan tâm lý, giúp hành giả tinh tấn vượt
qua trở ngại một cách dễ dàng và thành công. Tu một mình ở nhà đôi lúc sinh
buồn chán kéo theo những biện hộ để bỏ lỡ cơ hội thăng hoa giá trị cho bản
thân.
Ở đây hai cha con Kandaraka chỉ
biết ca ngợi đức Thế Tôn, nói đúng bản chất của chánh pháp và xác quyết con
đường đó là con đường mang lại giá trị hạnh phúc. Nhưng đến thời điểm đức Thế
Tôn chia sẻ và phân tích cặn kẽ hơn, thì hai cha con lại xin hẹn Ngài vào dịp
khác.
Phân tích bốn loại người
Người tự làm khổ mình: Phương
cách sống khổ hạnh ép xác của nền văn hóa Ấn Độ cổ xưa bao gồm bốn loại:
a. Tu lõa thể: Đó là sự
sai lầm trong phương pháp tu tập, vì nghĩ rằng sự sống lõa thể, khổ hạnh, đè
nén cảm xúc, trù dập thân thể vật lý có thể giúp diệt trừ mọi khát vọng về tính
dục và sự hưởng thụ đời sống tại gia, nhờ đó con đường giải thoát bắt đầu có
mặt. Sự sai lầm về phương pháp luận đã làm cho rất nhiều người nỗ lực tu tập mà
không có kết quả. Bản thân đức Phật Thích Ca cũng đã trải qua phương pháp hành
trì tu tập như vậy, nhưng cuối cùng Ngài nhận ra sự vô ích của nó. Tu tập lõa
thể và các phương pháp khổ hạnh làm cho thân thể vật lý tăng trưởng bệnh tật.
Tâm và thể chất tinh thần bị sa sút, tuệ giác sẽ kém cỏi. Người đó khó phát huy
được năng lực chuyển hoá tốt nhất có thể đạt được. Người sống lõa thể còn có
thể gieo những nhân trở thành người nghèo trong tương lai: có áo quần lại không
mặc, có vật thực lại không ăn.
b. Hành giả tu hành ép xác ăn
theo chu kỳ thời gian tùy theo sức chịu đựng: Có người
hai ngày, bảy ngày chỉ ăn một bữa, hoặc thậm chí có người cả tháng chỉ ăn vài
hạt mè để chứng tỏ năng lực chịu đựng và giải quyết được tất cả nhu cầu ăn uống
tạo ra khoái lạc giác quan. Họ cho rằng đạt năng lực đó là được giải thoát.
Hoặc có nhiều người chỉ ăn cỏ, lúa, rong biển hoặc ăn phân bò. Đức Phật cho
rằng tu tập theo phương pháp đó chẳng những không được giác ngộ mà có khuynh
hướng khi tái sinh trở thành các loại động vật và gia súc. “Nhân nào quả nấy”.
c. Liên hệ đến chủ nghĩa ăn mặc:
Nhiều hành giả chỉ mặc vải gai, vải thô, vải tẩm liệm xác
chết (y phấn tảo) hoặc lấy vỏ cây, cỏ, tóc dài của phụ nữ bện lại làm quần áo.
Cách sống như vậy không bao giờ mang lại giá trị hạnh phúc cho hành giả. Nó chỉ
làm cho người đó trở nên thô kệch, chống chọi lại với sự khắc nghiệt của khí
hậu và thời tiết.
d. Người hành xác: Ngâm
mình dưới sông Hằng vào mùa lạnh giá, nhổ tóc bằng các phương tiện có thể có,
suốt ngày đêm chỉ đứng mà không ngồi, nhiều người dùng gai, đinh, kẽm đâm vào
thân thể cho rỉ máu để không còn bất cứ niềm đam mê nào trong cuộc đời.
Nói chung, tất cả phương pháp
hành trì đó đều thiếu cơ sở và kết quả của sự an vui không bao giờ có mặt. Giới
thiệu về những con người tự hành khổ mình trong truyền thống văn hóa tâm linh
đạo Phật là một trong những cửa ngõ để cứu vớt tín đồ của các tôn giáo này. Vì
rất nhiều người do thần tượng các nhà khổ hạnh nên họ đã bắt chước làm theo.
Tiến trình tu tập của Bà la môn
giáo trải qua bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ tư là giai đoạn khổ hạnh trong rừng.
Sau khi trải qua giai đoạn thứ ba là lập gia thất, khi con cháu an bề sự nghiệp
thì người đó phải trở thành một tu sĩ. Như vậy cuộc đời của những người Bà la
môn truyền thống bế tắc ở giai đoạn thứ tư vì họ trù dập thân thể, làm cho thân
thể đau nhức bằng nhiều cách thức khác nhau mà lại cho rằng nó là bản chất của
hạnh phúc.
Trong rất nhiều bài kinh, những
phê bình phân tích cho thấy, đức Phật lặp đi lặp lại sự vô ích của pháp môn
hành trì này. Nhưng rất tiếc những người theo đạo Bà la môn và ngay cả người Ấn
Độ hiện đại mỗi khi nhìn thấy, tiếp xúc được với những nhà khổ hạnh thì họ lại
vô cùng thần tượng, vì trên thực tế đó là những việc rất khó làm, đòi hỏi khổ
luyện nhưng kết quả của sự luyện tập này không phục vụ cho bất kì một lợi ích
liên hệ đến an vui và hạnh phúc nào.
Trong thời hiện đại, hạng người
tự làm đau khổ cho bản thân bằng nhiều hình thái khác nhau. Chẳng hạn vì chú
trọng thể hình nên người ta cố gắng giữ eo, kiêng ăn tuyệt đối. Năm 2006, một
siêu mẫu thế giới đã qua đời vì cô kiêng cữ quá mức để trở thành siêu mẫu, siêu
gầy kỷ lục thế giới. Nhu cầu tiêu thụ của cơ thể phải thích ứng với năng lượng
làm việc của con người. Nếu việc cung và cầu không cân bằng thì bệnh tật có thể
phát sinh. Vấn đề ở chỗ là cần lao động, thể thao, sinh hoạt thích hợp thì việc
đưa vào cơ thể những dưỡng chất cần thiết cho sự sống và sức khỏe là điều không
thể thiếu. Những người quá chuộng chủ nghĩa hình thức đã đành lòng không tạo cơ
hội cho thân thể có đủ dưỡng chất duy trì sức khỏe một cách lâu dài. Cách thức
như vậy cũng là tự tạo nỗi khổ niềm đau cho bản thân một cách tình nguyện.
Trường hợp kế đến là những người
tiêu thụ các độc tố. Chẳng hạn ăn thực phẩm có hại cho sức khỏe, uống rượu chè,
hút sách hoặc tiêu thụ ma túy. Thỏa mãn khẩu vị nhất thời nhưng lại chấp nhận
chịu khổ, chịu đau với rất nhiều bệnh tật khác nhau.
Trường hợp khác, đó là những
người hà tiện, không dám chi tiêu và cũng không giúp đỡ người khác. Giá trị của
đồng tiền đó không được dùng để phục vụ cho bản chất của hạnh phúc đời sống. Đó
cũng là một trong những cách thức tự hành xác.
Người làm khổ người khác: Có ba
loại hình căn bản.
a. Người giết hại sinh linh: Đức Phật
nêu ra những trường hợp cụ thể như người làm nghề đồ tể, giết các loài động vật
và gia súc để phục vụ thực phẩm cho chợ búa và người ăn. Hoặc những thợ săn bắt
chim, lưới cá, câu cá, tiền công đạt được chẳng là bao so với tội và nghiệp mà
người đó tạo ra cho các loài vô tội. Cho nên mỗi người phải đưa lên cán cân giữa
lợi và hại để chọn nghề nghiệp thích hợp cho bản thân.
Thế giới phương Tây ngày nay có
những trường dạy câu cá nghệ thuật. Người học câu cá phải tốn khoản tiền vài
ngàn đô, mỗi tháng lại đóng thêm vài lần khoản tiền cơ bản để được ra các sông
có nhiều cá để câu. Việc câu cá này không phải để ăn mà để tạo ra giá trị tiêu
khiển, chứng tỏ sự sành điệu trong cung cách câu cá. Khi bắt được cá, họ tháo
gỡ móc câu và thả cá trở lại dòng sông. Những trò mua vui như vậy cũng tạo ra
nghiệp rất nặng cho bản thân.
b. Người vi phạm các tội hình sự
của hệ luật pháp trong một quốc gia nào đó: Chẳng
hạn trộm cắp; làm nghề bất lương; chế tạo vũ khí, độc dược; làm thuốc giả gây
ra cái chết, sự bất hạnh cho nhiều người vô tội.
c. Người xử tử các tử tù, người
cai ngục, người làm công việc an ninh sẵn sàng bắn giết trừng phạt người phạm
tội và phạm pháp nói chung: Đức Phật nói loại người thứ ba
này khá phức tạp, vì nếu thiếu những người đó thì luật pháp sẽ không được đảm
bảo và sự an ninh cho quần chúng sẽ khó được thiết lập. Tuy nhiên, những người
này nếu không được huấn luyện về đời sống đạo đức và nhân quả, họ thực hiện
công việc bằng tâm sân hận, tâm trừng phạt, tự cho mình quyền được hành hạ, hà
hiếp người khác và do đó tội và quả xấu mà người đó phải chịu là điều tất yếu.
Do đó các nhà làm công việc xét
xử tử tù, các thẩm phán hay những người mà sự phân định của họ có thể dẫn đến
cái chết và sự sống của người khác cũng cần phải tu tập lòng từ bi, phát triển
nhận thức và nhân quả, thấy rõ đúng sai để hạn chế những tình trạng giết oan,
giảm thiểu căm phẫn, hận thù đối với những phần tử tiêu cực để hành động và
nghề nghiệp xét xử mang lại hòa bình và hạnh phúc. Dĩ nhiên trong tình huống
tâm tư làm việc như vậy, họ vẫn gieo nghiệp sát, nhưng nghiệp sát này nhẹ hơn
rất nhiều lần so với những người thiếu sự chuẩn bị và huấn luyện một cách có
nghệ thuật.
Người tự làm khổ mình và làm khổ
người khác: Đức Phật nêu ra tình huống cụ thể, đó là truyền thống tế
lễ thần linh và thượng đế một cách mê tín dị đoan. Theo truyền thống Bà la môn
giáo cổ xưa, các vị vua muốn tại vị lâu dài, quan to chức lớn muốn được bổng
lộc hậu hĩnh cần phải giết rất nhiều loài gia súc, động vật để hiến tế cho
thượng đế và thần linh. Mục tiêu của họ muốn quả phúc nhưng việc làm lại đi
ngược với quả phúc. Kết quả, họ phải gánh chịu nghiệp sát sinh giảm tuổi thọ.
Cho nên, theo qui luật nhân quả của đức Phật, các vị vua tế lễ thần linh nhiều
chừng nào thì thời gian tại vị lại ngắn chừng đó.
Sự kiện này nêu ra, một vị vua
nhờ các Bà la môn xây dựng tế đường nguy nga tráng lệ. Theo truyền thống tế lễ
của Bà la môn giáo, nhà vua cạo bỏ hết râu tóc, mặc chiếc áo thô sơ, thân thể
tô trét dầu, khi bị ngứa không được dùng tay mà phải dùng sừng nai để gãi. Vua
và vị Bà la môn tế lễ nằm trên bãi cỏ bên cạnh một con bò sữa. Chỉ có bốn đối
tượng được phép có mặt trong lễ tế đó. Các gia nhân và những người giai cấp
thấp phải phục vụ một cách bị cưỡng bức để buổi tế lễ được diễn ra thành công.
Có bốn cái vú bò được phục vụ trong lễ tế đó. Họ quan niệm mỗi giọt sữa trong
lễ hiến tế này mang lại quả phúc lâu dài. Vua là người đầu tiên được quyền
hưởng sữa từ vú thứ nhất, vị Bà la môn tế lễ hưởng sữa từ vú thứ hai, hoàng hậu
hưởng vú thứ ba và những người còn lại chia nhau hưởng vú thứ tư. Sau đó vị tế
lễ Bà la môn ra lệnh giết các loại bò, cừu, nai, dê. Số lượng được giết trong
tế lễ là 500 con (kinh tạng Pali đặt số 500 tượng trưng cho số nhiều, tức là
rất nhiều loại gia súc và động vật bị giết để hiến tế thần linh). Những nông
dân nghèo khó, đặc biệt giai cấp nô lệ không thích giết động vật. Bản kinh mô
tả, họ đã khóc lóc khi buộc làm việc đó, nhưng họ phải giấu nỗi khổ niềm đau,
vì nếu sự khóc lóc và kháng cự bị phát hiện thì họ sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Đây là phong tục tập quán sai
lầm nhưng đến nay tại Ấn Độ, truyền thống này vẫn tiếp tục diễn ra. Do đó,
chuyển hóa một phong tục sai lầm có thể mất hàng thế kỷ, hàng kiếp.
Nhưng gieo trồng một phong tục
sai có thể dễ dàng trong vài ba năm, nếu người gieo phong tục sai đó có vai trò
vị trí xã hội lớn tạo ảnh hưởng cho những người khác. Người ta quan niệm “đông là chân lý”, cho nên đôi khi cái
sai được phổ biến, cái đúng lại hiếm khi được ca ngợi tán thán. Đức Phật nói,
nhà vua và các vị Bà la môn tế lễ hiểu sai phong tục tập quán, hành trì sai
nghệ thuật tạo ra quả phúc, cho nên đã tự hành hạ bản thân, đồng thời tạo cộng
nghiệp giết tập thể các loài gia súc và động vật, buộc những người phục dịch
làm những việc mà họ không muốn với những giọt nước mắt khổ đau. Hành động đó
là mang lại khổ đau cho mình và cho người khác.
Nếu liên hệ đến đời sống hiện
tại, thì loại người làm khổ mình và khổ người rất nhiều. Ở đâu cũng có, dưới
nhiều hình thái khá tinh tế, người hiểu sai kinh thánh Koran cho rằng việc giết
người khác đạo là cách thức mua “visa và
hộ chiếu” nhập cảnh vào nước Chúa trời. Tự hiến thân trở thành bom
tự sát gây khủng bố phá hoại an ninh ở những nơi công cộng là tự làm khổ đau
bản thân trước nhất, kế đến là thân bằng quyến thuộc và những nạn nhân vô tội.
Nạn khủng bố những năm cuối thế kỷ XX đã làm mất đi hạnh phúc của cuộc đời và
thế giới này. Đâu đâu cũng có nỗi lo sợ, khổ đau rình rập. Nhiều người quá sợ
hãi không bao giờ dám có mặt ở những nơi đông đúc trong những dịp hội hè lễ
tiết, những nơi có cơ hội của tự sát khủng bố để tìm kiếm điều kiện thích hợp
gây thách thức về chính trị và những yêu cầu buộc một quốc gia hay chính thể
nào đó phải phục tùng.
Có thể thấy các chính sách sai
lầm của một chính thể ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào đó cũng đem lại nỗi khổ
niềm đau cho bản thân người tạo ra chính sách và cho tất cả thần dân của quốc
gia. Nỗi khổ niềm đau đó lớn hơn nhiều, vì nó mang tính cộng nghiệp giai đoạn
lịch sử, cộng nghiệp của một triều đại, của một dân tộc. Cho nên chính sách
sai, nỗi khổ niềm đau gia tăng rất lớn.
Cuối năm 2006, chúng tôi thăm
viếng trung tâm từ thiện Phật Quang tỉnh Kiên Giang, nơi nuôi nấng gần 150 trẻ
em xuất thân từ hoàn cảnh mồ côi, bỏ nhà đi bụi. Tuổi đời các em từ 6-17, ấy
thế mà trong số đó có nhiều em đã từng phạm tội hình sự vì không được giáo dục,
cha mẹ không quan tâm. Một số trường hợp dù được cha mẹ quan tâm nhưng các em
theo bè bạn hư nên trở thành những gánh nặng cho xã hội. Trung tâm đã thuyết
phục chính quyền địa phương và gia đình đưa các em vào chùa dạy dỗ đạo đức, tạo
điều kiện cho các em học phổ thông, ngoại ngữ, học nghề để các em định hướng
tương lai chính mình. Do đó, tình huống những đứa con hư không chỉ gây đau khổ
cho bản thân, đánh mất tương lai tuổi trẻ mà còn gây khổ đau cho cha mẹ và
người thân.
Hoặc là người có khuynh hướng ăn
chơi sa đọa, thấy những giá trị vật dục trong hưởng thụ là hạnh phúc lớn nhất.
Họ tự làm khổ bản thân, không màng đến trách nhiệm gia đình, trách nhiệm hôn
nhân, làm cha, làm me,… để lại nỗi khổ niềm đau cho người khác. Nói chung, các
hình thức hại mình và hại người rất đa dạng.
Người không làm khổ mình và
không làm khổ người khác: Đây là loại người lý tưởng nhất. Đức Phật nói số
lượng người này chỉ chiếm khoảng 10% dân số thế giới. Họ ý thức và làm có
phương pháp nên dễ dàng thành công. Có thể 90% còn lại của thế giới cũng có
những khao khát tương tự, nhưng vì tiếp cận tôn giáo không đủ năng lực hướng
dẫn con đường hạnh phúc, hoặc tiếp cận với “thầy
tà bạn dữ”, điều kiện môi trường thiếu thốn, các cám dỗ đã làm cho
họ đánh mất cơ hội trở thành người sống an vui hạnh phúc.
Đối tượng được đức Phật nêu trong
bản kinh này bao gồm các hiệp tăng sĩ, các cư sĩ sống và hành trì đạo đức theo
lời Phật dạy. Trước nhất, người tu sĩ vượt và chuyển hóa năng lực tham dục, trở
thành năng lực của lòng từ bi, cho nên các ức chế tâm lý về đời sống vật dục
không còn nữa. Họ tuy sống độc thân, nhưng lại có năng lực phục vụ và đem lại
lợi ích cho đời sống xã hội một cách tích cực mà không hề có những biến chứng
về bệnh tật hay tâm lý. Còn đối với người tại gia, họ không xem giá trị hưởng
thụ tính dục là cứu cánh của hạnh phúc, thấy được hôn nhân gia đình như phương
tiện cần thiết trong giai đoạn đầu, nhưng về sau nó có thể trở thành trở ngại
rất lớn, nếu cả hai bên không thấy và hạn chế nó ở mức độ nhất định để tạo ra
giá trị hạnh phúc thật sự lâu dài.
Đó là yêu cầu chung của đời sống
vượt lên trên các năng lực tham dục. Bất kì người tại gia hay xuất gia, khi
quán chiếu bốn phương pháp quán niệm (Tứ Niệm Xứ), tâm của người đó trở nên mát
mẻ, an lạc. Người đó có khuynh hướng hướng về nội tâm, không chạy theo và trở
thành nô lệ của dục vọng bản thân. Do đó họ có cơ hội tiếp cận hạnh phúc dễ
dàng hơn.
Sau đó, đức Phật nói: “Những người như vậy cần sống trong một thế giới
được gọi là ‘phạm thể”. “Phạm
thể” là khái niệm chuyên môn, có nghĩa là hòa đồng với thể tính của
Phạm Thiên, nếu dịch theo nghĩa đen. Nghĩa đen này có thể làm cho nhiều người
hiểu sai rằng đạo Phật bị ảnh hưởng bởi Bà la môn giáo, yêu cầu các tiểu ngã
hay tự ngã của con người hợp nhất với đại ngã của Phạm Thiên, tức là Chúa trời.
Nhưng trong triết học Phật giáo, đức Phật thường dùng cụm từ “an trú trong Phạm Thiên” không phải là
đồng nhất với thể tính của Chúa trời, tiểu ngã hợp với đại ngã mà là an trú bốn
năng lực quan trọng nhất có thể mang lại cho con người hạnh phúc: đó là lòng từ
ban vui cho người khác; lòng bi nhổ khổ đau của người khác; lòng hỷ vui với
thành công của người khác; lòng xả buông tất cả khổ đau và vướng lụy của cuộc
đời.
Bốn năng lực này được đẳng thức
hóa như giá trị của Chúa trời và Phạm thiên. Nếu cao nhất là Chúa hay Phạm
Thiên, thì Chúa và Phạm Thiên đó chính là bốn năng lực: Từ, bi, hỷ và xả. Hai
khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Các tín đồ tôn giáo quan niệm Chúa là tối
quyền uy. Vì sợ Chúa nên phải làm lành. Như vậy, sự làm lành đó phát xuất từ
nỗi sợ bị trừng phạt, hay nói cách khác, sự làm lành có mục đích cá nhân. Trong
khi đó, đạo Phật dạy con người làm lành lánh dữ để thăng hoa giá trị đạo đức
cần thiết nhất trong mỗi con người, hay nói cách khác là để phục vụ giá trị
hạnh phúc cho người khác. Nó hoàn toàn vượt ra khỏi các yếu tính của sợ hãi và
sự trừng phạt đối với bản thân, và nó là một nhu cầu để hoàn thiện nhân cách
đạo đức.
Nếu so sánh với câu “khách hàng là thượng đế” thì chủ nghĩa
tiêu thụ thỏa mãn nhu cầu khách hàng sẽ làm cho sản phẩm đó chiếm lĩnh thị
trường. Muốn vậy thì phải tăng giá trị của sản phẩm bằng nghệ thuật quảng cáo
thu hút khách hàng. Khi thu hút được, khách hàng sẽ bị vướng câu của lòng tham.
Hiện nay, rất nhiều hình thức khuyến mãi đã làm cho khách hàng phải dính câu,
mua và đem về nhà những thứ không cần thiết. Trong khi đó, nhà Phật có câu: “Nếu có Thượng đế thật sự thì Thượng đế đó chính là
lòng từ, bi, hỷ và xả”. Đó là bốn đức tính cao nhất cần được tôn
thờ, ai sống với sự tôn thờ đó chắc chắn sẽ hạnh phúc. Điều này không đòi hỏi
phải là người giàu có, mà chỉ đòi hỏi người có ý thức về hạnh phúc, nỗ lực trên
sự tu tập và hành trì.
Giới thiệu các đối tượng và
phương pháp trở thành loại người thứ tư: Không làm khổ bản thân và người khác
Sau khi giới thiệu bao quát về
bản chất con đường hạnh phúc, không hành khổ bản thân và người khác, đức Phật
nói có ba đối tượng đạt được giá trị này:
- Các đức Phật đạt trình độ giác
ngộ bằng nỗ lực bản thân không nương tựa bất kì tha lực của thần linh nào, sau
đó phát nguyện bằng lòng từ bi vô ngã truyền bá con đường cho người khác đạt
được giá trị tương tự như mình.
- Các bậc Thánh, A La Hán và Bồ
Tát.
- Những con người phàm phu đang
hành trì con đường thiện, phát triển đời sống đạo đức nhân cách, đạt được những
giá trị tương tự như Phật trong tương lai.
Con đường và nghệ thuật sống
hạnh phúc được đức Phật nêu ra gồm ba bước:
Bước 1. Hoàn thiện đời sống đạo
đức bản thân:
Đức Phật nêu rõ:
- Bỏ sát sinh, thay thế bằng
lòng từ bi.
- Không trộm cướp, thay thế bằng
lòng bố thí, cúng dường, giúp đỡ.
- Không ngoại tình, hưởng thụ
tính dục, thay thế bằng sự chung thủy.
- Không nói láo, thay thế bằng
tuyên ngôn chân lý.
- Không gây chia rẽ, thay thế
bằng thái độ và cách sống hòa hợp.
- Không nói lời độc ác, thay thế
bằng lời nói cảm thông và đẹp lòng người.
- Không nói những lời vô ích,
thay bằng thái độ và những phát ngôn có lợi.
- Không trang sức lòe loẹt, thay
thế bằng cách sống giản dị thanh cao.
- Không nuôi gia súc, nhận nô
tì, làm môi giới, gian lận, hối lộ, gian trá, lừa đảo, thay thế bằng thái độ
trải tình thương, xem mọi chúng sinh bình đẳng về quyền sống, thấy giá trị của
sức lao động và quyền lợi của con người là chính đáng, ngang bằng với hạnh phúc
của bản thân.
- Không nắm giữ tướng chung,
tướng riêng trong quan hệ giao tế với người khác phái, thay thế bằng giữ gìn
các giác quan trong đi đứng nằm ngồi, nhờ đó chế ngự lòng tham, vượt qua sầu
bi, chiến thắng cái ác và cái dữ. Tỉnh giác trong cử động, ăn uống, ngay cả
trong trạng thái thức và ngủ.
Đây là những yếu tố và bước đi
cơ bản của đời sống hoàn thiện đạo đức. Hoàn toàn không có điều kiện đầy đủ về
gia tài sự nghiệp, danh vọng, địa vị, chức tước, quyền quý, đời sống vật chất
nói chung. Nói cách khác, nhà Phật nhìn thấy rất rõ, tất cả những thứ đó chỉ là
phương tiện cần cho hạnh phúc, đôi lúc có thể trở ngại nếu sử dụng sai. Nó
không phải là yếu tính của hạnh phúc. Yếu tính của hạnh phúc chính là đời sống
đạo đức của bản thân. Đức Phật xác quyết rằng “người sống đạo đức sẽ không bao giờ có nỗi sợ hãi về luật pháp và do
đó trạng thái tĩnh tại, an lạc có mặt mọi lúc mọi nơi”.
Bước 2. Hành giả phải huấn luyện
tâm để có được ý thức chân chính diễn ra trong mọi cử chỉ: bước này phải bao
gồm 2 điều:
* Phát huy trợ duyên: Đức Phật khuyên hành giả thỉnh
thoảng tìm những nơi thanh vắng, những nơi có giá trị tâm linh như: đạo tràng
tu tập, ngôi chùa giúp sự lăng xăng của con người lắng dịu xuống và sống đời
sống an nhàn, tự tại. Thọ trai xong nên đi kinh hành, dành giờ phút lặng lẽ
ngồi kiết già, an trú trong chánh niệm, bứt tâm ra khỏi sự cuốn hút vào đời
sống vật dục, đừng để bị trôi chảy và lệ thuộc vào những điều kiện giác quan.
Đó là những điều kiện trợ duyên cần thiết.
Chính vì thế việc đến chùa tham
dự các khóa tu là điều không thể thiếu, dù ở nhà các Phật tử có thể đầy đủ điều
kiện như ở chùa. Vì môi trường tâm linh có một cộng hưởng hỗ trợ và tạo chất
liệu lây lan tâm lý, khuyến khích sự tinh tấn, giúp hành giả vượt qua sự giải
đãi, dễ duôi một cách rất thành công.
* Chuyển hóa năm đối tượng: Các hành giả cần nỗ lực
chuyển hoá năm đối tượng làm trở ngại đời sống thiền định đó là:
- Chuyển hóa lòng dục tha bằng
thái độ buông xả.
- Chuyển hóa lòng sân hận bằng
tình thương yêu.
- Chuyển hóa thái độ hôn trầm
bằng phương pháp hướng và quán tưởng về ánh sáng. Quán vào ánh sáng thì tất cả
sự hôn mê sẽ được tan biến, người lăng xăng thì thay thế bằng thái độ trầm
lắng, không nói trước những dự án kế hoạch của mình. Có thể lấy phương châm của
nhân dân Việt Nam là “nói trước bước
không qua” để tạo chất liệu sâu sắc, tránh những tình huống bị cản
phá, trở ngại. Người có chiều sâu sẽ thấy rõ giá trị con người nằm ở kết quả
phục vụ cho hạnh phúc, chứ không phải nằm ở chỗ mình sẽ làm gì và cho người
khác biết việc mình đang làm.
- Chuyển hóa thái độ nuối tiếc,
bứt rứt, ăn năn dẫn đến dằn xé lương tâm, mặc cảm tội lỗi, thay thế bằng sự
hướng thiện, “hồi đầu thị ngạn”,
thực hiện những hành vi tích cực hơn.
- Chuyển hóa thái độ nghi ngờ
bằng quyết định sáng suốt. Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, đắn đo bảy lần trước
khi làm, là những cách thức làm con người đánh mất cơ hội khó có
thể đến lần thứ hai. Người có
nhận thức sáng suốt về nhân quả và phương pháp luận sẽ thấy rõ trong phán đoán
đầu tiên. Các bậc Thánh thường có phán đoán trực giác, bởi vì nó không cần có
sự can thiệp của ý thức về tốt và xấu, nên và không nên. Mọi phán đoán và nội
dung của sự phán đoán này đều hướng về chân thiện mỹ. Để phát huy được tuệ
giác, thì tất cả mọi phản ứng và quyết định của con người không bao giờ làm
người đó phải nuối tiếc. Cho nên những trạng thái chần chừ do dự, không dứt
khoát, lừ khừ, chậm chạp, giải đãi sẽ được vượt qua một cách thành công.
Sau khi vượt qua bước thứ hai,
đức Phật nói “hành giả đã đạt trạng thái
thiền định”. “Thiền”
là phương tiện để đạt “định”.
“Định” là năng lực giúp hành
giả có được trạng thái của một bậc giác ngộ hay một người tuệ giác.
Bước 3. Thành tựu được tuệ giải
thoát:
“Trí tuệ” được hiểu đồng nghĩa với “giải thoát”. Trong bản kinh thứ 51 này,
và các kinh tạng Pali nói chung, bước cuối cùng các hành giả lần lượt chứng đắc
bốn cảnh giới thiền. Kết quả các hành giả không hướng tâm về trạng thái lắng
dịu hoàn toàn mọi ý niệm và dòng cảm xúc, mà chuyển tâm về ba tuệ giác lớn đó
là:
* Trí tuệ biết được quá khứ của
bản thân để từ đó nhân quả bản thân trở thành bài học làm cho họ không bao giờ
lý giải vấn đề dưới góc độ thần quyền, mê tín dị đoan và họ không bao giờ rơi
vào sự sai lầm dẫn đến những hậu quả nuối tiếc về sau.
* Trí tuệ thấy được sinh tử của
chúng sinh trong tương lai. Ai gieo hạnh nghiệp gì, việc làm nào, thái độ ra
sao, động cơ thế nào, quả phúc hay quả khổ, bản chất của nhân quả trong tiến
trình tái sinh đó được diễn ra rõ mồn một như trong lòng bàn tay.
* Trí tuệ thấy rõ mọi phiền não,
khổ đau đã không còn gốc rễ và tàn dư của nó. Năng lực thứ ba này làm cho hành
giả trở thành một vị thánh. Nhiều người chứng đắc, nhưng lại không biết mình
chứng đắc, thì sự chứng đắc đó không phải là sự chứng đắc đúng đạo Phật. Người
có năng lực chứng đắc sẽ thấy rõ gánh nặng đã được đặt xuống, việc nên làm đã
làm xong, trạng thái thành tựu đời sống đạo đức đã kết thúc, cho nên không còn
trở lại nỗi khổ niềm đau. Thái độ nhận thức đó diễn ra một cách sáng suốt,
người đó không bao giờ còn thối chuyển trong vòng luẩn quẩn của nỗi khổ niềm
đau.
Phần lớn chúng ta đôi lúc phấn
chấn tinh tấn khi nghe một bài kinh, đọc một lời kệ hoặc nghe một bài giảng. Ta
cảm thấy hân hoan hạnh phúc và nghĩ rằng từ đây cho đến trọn đời mình sẽ không
làm gì để khổ đau, nhưng sau đó vài ngày mọi việc trở lại như trước. Lúc đó ta
biết rằng mình chưa đạt được trình độ làm lắng dịu phiền não và nỗi khổ niềm
đau một cách trọn vẹn và tuyệt đối .
Tóm lại, bài kinh dạy về nghệ
thuật sống hạnh phúc bắt đầu bằng đời sống đạo đức gồm hai bước:
Bước 1: Không gieo phiền lụy cho
bản thân, không tạo nỗi khổ cho người khác.
Bước 2: Phát huy các năng lực
sâu sắc hơn nhờ quán chiếu vào thiền quán.
Hành giả lần lượt làm cho các
tàn dư của nỗi khổ niềm đau dưới sự trói buộc của tâm lý, nhận thức, thói quen
và phong tục tập quán bị nổ tung, làm họ trở thành con người hoàn toàn an lạc,
thảnh thơi, vững chãi. Từ đó họ phát huy năng lực tuệ giác lớn nhất và sau khi
đạt được năng lực này thì mọi giá trị hạnh phúc sẽ có mặt một cách rất lâu dài.
Nghệ thuật hạnh phúc được nêu
tương đối đơn giản. Nếu có niềm tin và thực hành thì chắc chắn kết quả sẽ đến
bất kể người tại gia hay xuất gia. Đừng rơi vào thái độ sai lầm như chàng Pessa
khi nói rằng: “Chúng con thỉnh thoảng vẫn
tu tập Tứ Niệm Xứ nhưng rất tiếc không có nhiều thời gian để thực tập”.
Đó là lời biện hộ.
Thực tập Tứ Niệm Xứ, dù là công
dân trong bất cứ nghề nghiệp gì, quán thân, thọ, tâm và pháp mọi nơi mọi chốn,
tu mọi nơi và mọi chốn thì kết quả sẽ mang lại hạnh phúc lâu dài. Đừng nghĩ
rằng đến lúc đối diện trên điện Phật có thời gian và không gian thích hợp thì
mới tu được. Đừng bắt chước ca dao:
“Đến chùa gặp Phật mới tu
Về nhà
gặp mẹ công phu không đành”.
“Về nhà gặp mẹ” phải công phu nhiều hơn nữa: Công phu về
lòng hiếu thảo, trách nhiệm bản thân, những hạnh phúc cần phải đạt để cùng chia
sẻ.
Giảng
Kinh Trung Bộ 51 tại chùa Xá Lợi, ngày 12-11-2006
Phiên tả: Diệu Đồng -
Tuyết Hạnh