Danai Chanchaochai, người Thái, một doanh nhân thành đạt, đồng thời cũng là tác
giả, dịch giả của nhiều đầu sách nổi tiếng. Ông được mời tham gia viết các
chuyên mục của tờ Bangkok Post và nhiều tờ báo uy tín khác. Danai cũng thường
được thỉnh giảng ở các tổ chức trong nước và quốc tế.
Bên cạnh những
thành công kể trên, Danai còn dẫn các chương trình giao lưu trên đài phát thanh
về quản lý, thị trường và phát triển bản thân theo tinh thần Phật giáo, là đề
tài mà ông rất am tường.
Trên tất cả, ông đã nguyện tuân và thực hành
theo giáo lý của Đức Phật trong thiền định và trong đời sống hằng ngày. Ông đã
được công nhận rộng rãi là một ‘vị Đại sứ Phật giáo’.
Đối với Danai, mỗi
thời khắc trong cuộc đời là mỗi thời khắc sống theo
Pháp.
___________________
Đức Phật đã ban đem cho chúng ta những
lời khuyên về kinh tế rất thiết thực trong giáo lý của Ngài.
Dường như
mỗi ngày chúng ta đều bị tấn công bởi bao thông tin về kinh tế. Mỗi tờ báo đều
có những trang dành cho chủ đề đó. Tất cả các đài phát thanh và truyền hình đều
có các chuyên mục về kinh doanh thương mại, nơi mà những sự phát triển kinh tế
mới nhất trên thế giới được nghiên cứu, thảo luận.
Đắm chìm với những lo
toan trong đời sống hằng ngày, phần đông chúng ta ít muốn nói đến việc cân bằng
chi tiêu, lạm phát, giá cả sinh hoạt hay những thứ đại loại như thế. Có thể
chúng ta tin chắc rằng các thông tin kinh tế không liên quan gì đến ta, hoặc còn
tin cả rằng, là Phật tử, chúng ta không nên quan tâm đến những điều đó, vì ta
xem cả thế giới kinh doanh thương mại như là bất thiện - một điều gì đó cần phải
tránh xa.
Dĩ nhiên thực tế là chúng ta không thể trốn tránh nó. Bất cứ
chúng ta làm gì, dầu ta sống đơn giản đến đâu, mỗi chúng ta là một bộ phận không
thể tách rời của toàn hệ thống. Nếu chúng ta không thể thoát khỏi các hậu quả
bao trùm của cái mà hiện nay được coi như là khoa học kinh tế, thì chúng ta có
thể chấp nhận các quy luật của nó để phản ảnh các quan niệm Phật giáo của chúng
ta không? Thực ra có thể có, một thứ được coi như là kinh tế Phật giáo (Buddhist
Economics) không?
Nếu ta chấp nhận rằng kinh tế thật ra là một khoa học,
thì nó có thể không giữ một vai trò quan trọng trong việc mang lại lợi ích cho
nhân loại, giúp tạo nên những xã hội phồn thịnh, hòa hợp, mang đến sự bình ổn,
và một mức sống có thể chấp nhận được cho tất cả mọi người sao? Câu trả lời rõ
ràng là có, nó cần phải như thế, nhưng chúng ta cũng có thể thấy rõ ràng không
kém là nó đã thất bại, nó không thể thực hiện được những điều đó. Thật ra, ở
nhiều quốc gia trên thế giới, những sự quản lý kinh tế tồi tệ đã đem lại nghèo
đói, cùng với các hậu quả xã hội bất an và xáo trộn.
Các nền kinh tế thị
trường thường thất bại vì mục tiêu của chúng hạn hẹp và không màng đến các giá
trị đạo đức. Đối với một nhà kinh tế thị trường, một chai rượu whisky và một
quyển sách nói về sự áp dụng các nguyên tắc Phật giáo trong thương mại, cả hai
đều có cùng một giá trị kinh tế. Những hậu quả tai hại tiềm tàng trong rượu có
thể mang đến cho cá nhân và xã hội hoặc những ích lợi của các nguyên tắc thương
mại dựa trên Phật giáo, có rất ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng gì đến việc
quyết định mở một tiệm rượu hay một tiệm sách của họ.
Theo quan điểm Phật
giáo, kinh tế không được xem như một phạm trù hiểu biết đặc biệt. Đúng hơn, nó
cần phải được xem như là một trong số những nguyên tắc tương quan hòa hợp với
nhau để tiến tới một mục đích chung là đảm bảo an toàn cho cá nhân, xã hội, và
môi trường.
Rất lâu trước khi kinh tế được coi như là một “khoa học”, Đức
Phật đã đề ra những nguyên tắc cho việc thực hành kinh tế bền vững, và ngay
chính trong thế giới hiện đại với những công ty liên doanh đa quốc gia và với
nền kinh tế vĩ mô, chúng vẫn còn đúng, và có thể được áp dụng cả cho các công ty
lớn hay cho các cá nhân.
Đức Phật dạy rằng điều tiên quyết trong các
nguyên tắc này là khi chúng ta làm việc để có được tài sản, chúng ta phải thực
hiện nó một cách đạo đức, không lợi dụng người khác hoặc tham gia vào những công
việc hay các thứ kinh doanh không ‘Chánh mệnh’ (Right Livelihood), nói một cách
khác là ‘bất thiện’ (unwholesome). Thí dụ, trong danh sách này phải kể đến việc
buôn bán vũ khí, buôn bán nô lệ, bán thú vật còn sống cho các lò giết mổ, buôn
bán rượu và những chất gây nghiện khác, và kiếm sống bằng việc cho vay lấy
lãi.
Danh sách này còn có thể kéo dài thêm nữa, nhưng chúng ta cũng không
cần phải được nhắc nhở rằng ngày nay, ở phần lớn các quốc gia trên thế giới, tất
cả các loại kinh doanh thương mại này đóng một vai trò quan trọng trong việc
phát triển nền kinh tế của các quốc gia ấy.
Các nhà lãnh đạo cộng đồng
thường khuyến khích mọi người phải góp tay vào việc giúp đỡ để chiến đấu với sự
đe dọa của ma túy. Đó là một thông điệp nhắm thẳng đến những người đang phải
chịu đau khổ nhất vì chúng – người tiêu dùng. Không có kinh doanh nào có thể
trường tồn nếu không có khách hàng.
Đặc biệt là những người trẻ, cần
được khuyến khích tuân theo Bát Chánh Đạo và sống cuộc đời của họ theo ngũ giới.
Chỉ riêng hành động đơn giản này cũng bảo đảm rằng sẽ không còn có khách hàng
nào cho những kẻ buôn bán ma túy.
Nguyên tắc kinh tế thứ hai của Đức
Phật nói đến sự quan trọng của việc cẩn thận tích trữ tiền bạc và của cải mà
chúng ta đã kiếm được. Đó là sự khôn ngoan biết để dành tiền cho những ‘ngày mưa
bão’, những lúc khó khăn - của việc tiêu dùng đồng tiền một cách khôn ngoan chứ
không phải cho một cuộc sống bê tha, phung phí.
Sống trong giới hạn của
mình là trọng tâm của nguyên tắc thứ ba. Ngày nay, khi có quá nhiều người trẻ tự
làm mình bị vướng vào nợ nần vì đã tiêu xài thẻ tín dụng quá mức, lời dạy cơ bản
này đặc biệt quan trọng.
Lời khuyên thiết thực thứ tư của Đức Phật là tạo
ra những người bạn tốt trong đời. Đức Phật đã nhấn mạnh đến sự quan trọng của
đức tính này, đặc biệt trong phạm vi kinh tế, bằng cách dạy rằng chỉ lo thu gom,
tích trữ và sử dụng của cải thì chưa đủ tốt. Chúng ta cần phải tìm kiếm, đào
tạo những người tốt để làm việc chung, trước khi ta có thể sử dụng tài sản của
mình. Đức Phật cũng khuyên trong khi kiếm sống, chúng ta cần tránh giao tiếp với
những người phạm giới.
Lời khuyên của Đức Phật đối với những vấn đề liên
quan đến kinh tế thực tiễn một cách đáng ngạc nhiên, đến mức độ có cả những lời
khuyên ta nên phân chia và quản lý ngân sách gia đình như thế nào. Một phần cần
được để dành cho nhu cầu sinh hoạt gia đình, một phần để giúp đỡ bạn bè, một
phần để dành cho những ngày khó khăn hay trường hợp khẩn cấp, một phần cho từ
thiện, và một phần để cúng dường quý tăng ni.
Nhưng bạn có thể nói, có
người gần như kiếm không đủ sống, làm sao họ có thể nghĩ đến việc để dành? Có
người còn bị đẩy đến việc trộm cắp hay phạm các loại hình sự khác chỉ để nuôi
nấng con cái.
Bạn cảm thấy tội nghiệp cho họ, rồi bạn trách chính phủ, đổ
thừa cho lương bổng thấp giống như các viên chức cảnh sát tham nhũng mà ta đọc
mỗi ngày trên báo.
Hãy nghĩ kỹ lại xem bạn có thực sự tin rằng việc trộm
cắp, việc đòi hỏi và nhận hối lộ có thể được chấp nhận đơn giản vì người đó ham
muốn nhiều hơn khả năng có thể có của họ?
May mắn thay vẫn còn có những
câu chuyện để cho ta thấy một mặt khác của đồng tiền. Đó là câu chuyện của những
bậc cha mẹ chịu thương, chịu khó, làm bất cứ những công việc tay chân vất vả gì
và sống trong những hoàn cảnh nghèo khổ phải tranh đấu mỗi ngày để nuôi nấng,
chăm sóc, và giáo dục con cái, ươm trồng cho con họ những đức tính của lòng chân
thật, ngay thẳng - của Chánh mạng. Họ quản lý những đồng tiền mà họ có một cách
khôn ngoan và đôi khi còn có thể giúp đỡ người khác.
Sự quản lý kinh tế
của họ dựa trên những nguyên tắc thiết thực, bền vững, những nguyên tắc của nền
kinh tế Phật giáo.