Thiền sư S.N.Goenka đã giảng dạy về thiền Minh Sát (Vipassana) hơn ba mươi mốt
năm và rất nổi tiếng, có lẽ vì những khóa tu thiền tích cực 10 ngày của thiền
sư, được tổ chức tại các trung tâm thiền ở khắp nơi trên thế giới hoàn toàn miễn
phí, nhờ vào sự hỗ trợ của các cựu thiền sinh.
Thiền sư S.N.Goenka sinh
năm 1924 tại Mandalay, Miến Điện, là đệ tử của ngài Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin
(1899-1971). Sau mười bốn năm tu tập, ngài S.N.Goenka đã quyết định từ bỏ vị trí
của một nhà doanh nghiệp thành đạt để dốc toàn lực vào việc dạy thiền. Ngày nay
Thiền sư coi quản một tổ chức với hơn tám mươi trung tâm thiền trên thế giới và
đã thành công vang dội trong việc mang thiền Minh Sát (Vipassana) vào các trại
giam, đầu tiên là ở Ấn Độ, rồi lan rộng đến nhiều nước trên thế giới. Tổ chức
này ước tính đã có khoảng hơn 10,000 phạm nhân, cũng như nhiều thành viên trong
ngành cảnh sát và quân đội, đã dự các khóa thiền 10 ngày này.
Bà Helen
Tworkov, biên tập viên của tạp chí Tricycles đã phỏng vấn thiền sư S.N.Goenka
nhân dịp Thiền sư đến tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh về Hòa Bình Thế giới Thiên
Niên Kỷ tại Liên Hiệp Quốc vào mùa Thu, năm 2000.
Nhân dịp Thiền sư
S.N.Goenka sắp đến Việt Nam để tổ chức hai khóa thiền Minh Sát 10 ngày tại Tịnh
Xá Ngọc Thành, Thủ Đức, chúng tôi xin trích dịch bài phỏng vấn này để giới thiệu
với bạn đọc một số nét về Thiền sư và phương pháp tu thiền Minh sát (Vipassana)
của Ngài.
Theo một số người thì thiền Minh Sát (Vipassana) là một phương
pháp thiền đặc biệt của hệ phái Nguyên Thủy; theo một số khác, thì đó là một
dòng thiền độc lập. Thưa theo ý Thiền sư thì như thế nào?
Đó là một dòng
thiền, nhưng không liên quan đến một hệ phái nào. Theo tôi, Đức Phật chẳng bao
giờ thiết lập ra các tông phái. Khi tôi bái kiến ngài Sayagi U Ba Khin, thầy
tôi, ngài chỉ hỏi tôi vài điều. Ngài hỏi, là một người Ấn Độ có danh phận, tôi
có phản đối việc giữ giới (sila) không? Làm sao tôi lại phản đối việc giữ gìn
đạo đức, giới luật chứ? Nhưng làm sao giữ được giới luật khi tâm ta không ổn
định? Ngài bảo, ta sẽ dạy cho con thực hành giữ giới với tâm bình ổn. Ta sẽ dạy
con thiền định (samadhi). Đồng ý không? Làm sao có thể không chấp nhận thiền
định? Rồi sư phụ tôi tiếp, nhưng chỉ đơn thuần được định cũng không ích lợi gì
– định chỉ có thể thanh lọc tâm con ở bề nổi. Sâu thẳm bên trong còn có những
điều phức tạp hơn, có những thói quen hành động mà thiền định không thể phá vỡ.
Ta sẽ dạy cho con prajna, trí tuệ, giúp con đi sâu hơn vào tâm thức, cội nguồn,
nơi phát sinh của những ô uế, bất thiện, rồi nhân rộng, tích lũy chúng, để ta
phải ra sức tiêu trừ.
Do đó khi sư phụ bảo tôi: Ta sẽ dạy cho con chỉ ba
điều - giới, định và tuệ - và không có gì hơn thế nữa, tôi hoàn toàn bị thuyết
phục. Tôi trả lời: Xin ngài, hãy cho con được thử.
Làm sao có thể giữ được giới chỉ bằng cách theo dõi
tâm?
Khi tôi bắt đầu học thiền Minh Sát (Vipassana), tôi đi đến
kết luận rằng Đức Phật không phải là người tạo dựng nên một tôn giáo, Ngài là
một nhà khoa học, một nhà khoa học tâm linh siêu việt. Khi Đức Phật dạy về Giới,
dĩ nhiên, mục đích là vì chúng ta là những con người, sống trong xã hội loài
người, thì chúng ta không nên làm bất cứ điều gì có thể xâm hại đến xã hội. Điều
đó hoàn toàn đúng. Nhưng rồi - như một nhà khoa học - Đức Phật nói những lời
sau đây, khi ta làm hại người, khi ta làm những điều bất thiện, thì ta sẽ là nạn
nhân đầu tiên. Trước tiên là ta hại mình, rồi mới hại đến người. Ngay khi một tư
tưởng ô uế, bất thiện phát khởi trong tâm, thì tự nhiên ta sẽ cảm thấy bứt rứt,
bất an. Tuệ minh sát đã dạy cho tôi biết điều đó.
Như thế nếu người ta có thể thấy rằng tâm bất thiện
tạo ra sự đau khổ, bất an cho bản thân, thì đó có phải là sự khởi đầu của giới
và tâm bi mẫn?
Nếu bạn có thể chuyển hóa điều đó thành tâm bi
mẫn, thì lúc đó một thực tại khác sẽ trở nên rõ ràng. Nếu thay vì dấy khởi sân,
oán thù, sợ hãi, ngã mạn, tôi phát khởi lòng thương yêu, bi mẫn, thiện tâm, thì
rồi tự nhiên tôi sẽ được đáp trả. Tôi sẽ cảm thấy rất tự tại, bình an trong nội
tâm. Tương tự, nếu tâm tôi ô uế, bất thiện thì tôi sẽ bị trừng phạt bằng cách
này hay cách khác, cũng như khi tôi thanh lọc tâm thì tôi sẽ được đền đáp bằng
cách này hay cách khác.
Khóa thiền Minh Sát (Vipassana) 10 ngày là gì?
Cả quá trình là một phần của sự chứng nghiệm hoàn toàn, quá trình
của sự tự chứng, chân lý liên quan đến bản thân, do bản thân, tự trong bản thân.
Đó không phải là một trò chơi của lý trí, cũng không phải là trò chơi của tình
cảm hay lòng tín ngưỡng: “Ồ, Đức Phật nói rằng, và rằng… Thật quá tuyệt vời, tôi
phải chấp nhận chúng thôi…” Trái lại, nó hoàn toàn khoa học, tôi phải thật sự
hiểu điều gì đang xảy ra bên trong tôi. Chân lý nào ở bên trong tôi? Chúng ta
bắt đầu bằng hơi thở. Có vẻ như là một khái niệm vật lý, hơi thở vào, ra. Đúng
là thế. Nhưng ở một mức độ sâu xa hơn, hơi thở gắn kết chặt chẽ với tâm, với
những uế nhiễm, bất thiện trong tâm. Trong khi hành thiền, chúng ta theo dõi hơi
thở, nhưng khi tâm bắt đầu phóng đi xa – về những kỷ niệm trong quá khứ, những
viễn ảnh trong tương lai - thì lập tức ta nhận thấy hơi thở không còn bình
thường: hơi gấp rút, hơi nặng nề. Và ngay khi các uế nhiễm qua đi, thì hơi thở
trở lại bình thường. Điều đó có nghĩa là hơi thở được kết nối với tâm một cách
mãnh liệt, không chỉ với tâm bình thường, mà còn với các tâm uế nhiễm. Do đó,
chúng ta có mặt ở khóa thiền 10 ngày là để trải nghiệm, khám phá ra những gì
đang xảy ra bên trong ta. Ở một mức độ sâu xa hơn, người ta thấy rằng tâm và
thân gắn kết nhau qua các cảm xúc (sensations).
Điều này đưa đến một sự
khám phá lớn khác – rằng bạn không phản ứng với một đối tượng bên ngoài. Thí dụ
tôi nghe âm thanh và tôi nhận ra đó là lời khen hay tiếng chê của ai đó. Tôi trở
nên hài lòng hay giận dữ. Ở bề nổi thì là bạn đã phản ứng lại với âm thanh.
Đúng. Bạn đang phản ứng. Nhưng Đức Phật cho rằng chính là bạn đang phản ứng lại
với cảm xúc, cảm xúc nơi thân. Rằng khi bạn cảm nhận một cảm xúc nơi thân, và
nếu bạn vô minh, thì bạn cứ tiếp tục làm uế nhiễm tâm mình bằng lòng ham muốn,
hay ghét bỏ, bằng ái dục hay sân hận. Vì bạn không biết điều gì đang xảy
ra.
Khi bạn nghe lời khen hay tiếng
chê, có phải là phản ứng được lọc qua tâm lý để đưa đến cảm xúc nơi thân, hay cả
hai xảy ra cùng một lúc?
Việc này xảy ra tiếp theo việc kia,
nhưng vì chúng xảy ra quá nhanh đến nỗi bạn không thể tách rời chúng ra. Quá
nhanh! Cho đến một lúc nào đó, tự động bạn có thể bắt đầu nhận thức được rằng,
“Hãy xem điều gì đang xảy ra này! Tôi vừa khởi tâm giận”. Và người thiền sinh
hành minh sát tuệ sẽ lập tức nói: “Ồ, rất nhiều sân hận! Rất nhiều sân hận nơi
thân, mạch đang nhảy liên hồi… Ôi, tôi khổ sở quá. Khổ sở quá”.
Nếu không
đối mặt với những cảm giác nơi thân, thì ta chỉ đối phó với nó trên lý trí. Bạn
có thể nói, “Sân hận là không tốt”, hay “Tham là không tốt”, “Sợ hãi là không
...” Tất cả đều là tri thức, những đạo đức chúng ta được dạy từ ấu thơ. Tuyệt
vời. Cũng ích lợi. Nhưng khi đã tu tập, bạn sẽ hiểu tại sao chúng không hoàn
hảo. Không chỉ là chúng ta đem lại tai hại cho người khác, bằng cách phát khởi
những uế nhiễm của tâm sân hận hay đam mê, sợ hãi, hay thủ đoạn, mà ta cũng hại
chính bản thân.
Thiền Minh sát quán sát sự thật. Với hơi thở tôi đang
quán sát chân lý ớ bề nổi, ở trên mặt. Nhưng từ đó nó đưa tôi đến những tầng
sâu, sâu hơn nữa. Trong ba ngày thực tập rốt ráo, tâm trở nên sắc bén, vì bạn
luôn thực tập quán sát chân lý. Không phải là sự tưởng tượng, không phải là
triết lý hay tư duy. Chân lý, hơi thở, chân lý cũng như là hơi thở, sâu hay cạn.
Tâm trở nên rõ ràng, sắc bén quanh vùng mũi, bạn bắt đầu cảm nhận được một số
phản ứng sinh hóa (biochemical), nghĩa là một số cảm xúc nơi thân. Những cảm
xúc này luôn có mặt khắp thân, nhưng tâm thô lậu chỉ có thể cảm nhận được những
cảm xúc mạnh mẽ như đau đớn hay gì đó. Trong khi có biết bao cảm xúc khác nơi
thân mà tâm không thể nhận ra.
Thưa Thiền
sư có phải phương cách tu tập này là trọng tâm của Phật giáo?
Đúng vậy. Nếu sự quán sát đúng đắn không được hướng đến các cảm
giác thì chúng ta sẽ không thể đi vào những tầng thức sâu hơn trong tâm. Tầng
thức sâu nhất của tâm, theo Đức Phật, luôn kết nối với các cảm giác nơi thân. Và
bạn chỉ có thể khám phá ra điều đó bằng thực hành.
Vai trò của người thầy
như Ngài là như thế nào?
Một người thầy vì lòng bi mẫn và thương yêu,
thấy rằng ai đó đang đau khổ nên muốn chỉ cho họ con đường. Nhưng chính mỗi cá
nhân phải tự đi trên con đường đó. Người thầy không có phép mầu gì. Chắc chắn
như thế. Ông chỉ là người chỉ đường. Đó là nhiệm vụ duy nhất của người thầy,
không có gì hơn thế nữa.
Thiền sư đã tạo dựng nên hệ thống tu thiền này
khắp thế giới, nhưng dường như Ngài không có người kế thừa.
Có quá nhiều
người theo học, do đó để chọn ra một người nào đó để kế thừa sẽ làm xáo trộn sự
thanh tịnh. Đức Phật chẳng bao giờ đề cử ai để làm người kế thừa. Vậy tôi là
ai mà chọn lựa? Tất cả năm hay sáu trăm người thầy tôi đã huấn luyện, họ sẽ kế
thừa. Nếu tôi không còn có mặt, họ vẫn tiếp tục. Không phải vì họ có lòng tin
vào vị thầy – mà họ có lòng tin vào phương pháp, vào phương pháp đã đem đến cho
họ kết quả. Đó là những gì sẽ còn tồn tại. Nếu không, họ sẽ nghĩ rằng vì thầy
ta còn đó nên ta được tất cả mọi điều lợi ích – khi thầy không còn nữa, tất cả
đều cũng mất. Đó là sự sùng bái cá nhân. Phương pháp thiền Minh sát này rất
tuyệt vời. Nó sẽ tồn tại. Đừng lo (cười). Tôi rất tự tin. Nó sẽ tồn
tại.
. . . Nhìn về Á châu, thấy các quốc gia như Miến Điện, Sri Lanka,
với những sự bạo động, đau thương trong các quốc gia Phật giáo này – chúng ta có
thể sử dụng sự tu tập, thực hành của mình như thế nào để có thể mang lại hòa
bình, thưa Thiền sư?
Qua bao thế kỷ, trong lịch sử của Phật giáo chưa
từng có một sự kiện nào trong đó người Phật tử nhân danh truyền bá đạo pháp để
gây ra đổ máu. Phật giáo đi tới đâu, cũng mang theo tình thương yêu, lòng bi
mẫn. Vì thế truyền thống đó đã nói lên rằng đây là con đường không có bạo động
hay đổ máu. . .
Theo giáo lý của Đức Phật, theo khoa học, khoa học nhân
văn, và thực tại mà chúng ta đang đối mặt, chúng ta rất mong muốn hòa bình trong
xã hội loài người. Chắc chắn là ai cũng mong muốn điều đó. Phật tử hay không
Phật tử, đều mong muốn điều đó. Nhưng làm sao có một xã hội hòa bình, nếu con
người sống trong xã hội đó không có hòa bình, an lạc. Nếu các cá nhân luôn giận
dữ, sôi sục, thì không thể có an lạc, thì làm sao ta có được xã hội hòa bình.
Theo tôi, đó là điều không tưởng. Không hợp lý chút nào.
Thưa Thiền sư,
không sử dụng từ “Phật giáo” có ích lợi không, như thế ai cũng có thể tiếp cận
với nó, tất cả mọi người?
Có hai từ tôi tránh dùng trong suốt ba mươi mốt
năm qua. Trong suốt ba mươi mấy năm qua kể từ khi tôi bắt đầu giảng dạy, tôi
không dùng từ “Phật giáo”. Tôi cũng không bao giờ dùng từ “tôn giáo” để nói về
giáo lý của Đức Phật. Theo tôi, Đức Phật chưa bao giờ thiết lập ra một tôn giáo.
Đức Phật chưa bao giờ dạy về Phật giáo. Đức Phật chưa biến ai thành một Phật
tử.
Mọi người công nhận rằng mọi tôn giáo trên thế giới đều có những yếu
tố chung, mà tôi gọi đó là cốt lõi nội tại của tôn giáo – đạo đức, làm chủ tâm,
thanh tịnh tâm, v.v... Tôi coi đó là cốt lõi, cốt lõi thiện của tất cả mọi tôn
giáo. Rồi mới đến cái vỏ bên ngoài. Cái vỏ bên ngoài của mỗi tôn giáo có khác
nhau. Hãy để mọi người tự do, bằng lòng với các nghi lễ, hình thức tôn giáo của
họ - nhưng họ không được quên điều cốt lõi bên trong. Nếu họ quên điều đó, mà
lại tự xưng, tôi là người theo tôn giáo này hay tôn giáo kia vì tôi đã tuân theo
các nghi lễ, các quy cách, thì là họ tự lừa dối mình, họ đang lừa dối
người…