Thiền Minh Sát rất được nhiều người Tây phương tu tập. Trong quyển Realizing
Change-Vipassana Meditation in Action (tạm dịch Sự Chuyển Hóa Chứng Thực – Thiền
Minh Sát Trong Ứng Dụng), Ian Hetherington đã giới thiệu cho độc giả một vài
điển hình của những người đã đến với thiền Minh Sát (Vipassana); những suy tư,
quá trình tu tập của họ; thiền minh sát đã thay đổi cuộc đời họ như thế nào,
những sự chuyển hóa nào họ đã chứng nghiệm được trong cuộc sống. Chúng tôi xin
trích dịch để giới thiệu với bạn đọc.
Ian Hetherington là người hành và
hướng dẫn tu thiền Vipassana. Ông là trợ giảng cho ngài SN Goenka. Ông hiện sống
cùng vợ và một con trai nhỏ ở Herefordshire, Anh quốc.
** Jenni Parker, Chicago, Mỹ
Năm hai
mươi lăm tuổi khi tôi bắt đầu hành thiền, tôi đã trải qua những giai đoạn khó
khăn trong cuộc đời: sử dụng các loại ma túy như là cần sa, cocaine, và các loại
thuốc gây hoang tưởng khác. Tôi đã bị cảnh sát bắt năm tôi mười sáu tuổi vì tội
tàng trữ ma túy, và cha mẹ tôi rất khổ đau khi biết được điều này. Tôi cũng đã
trải qua thời gian đi ăn cắp đồ trong các cửa tiệm, hay của người khác; người ta
có cảm giác rằng tôi có thể lấy bất cứ thứ gì ở quanh tôi! Tôi bị các cửa tiệm
bắt nhiều lần và cha mẹ tôi cũng được thông báo. Cũng đáng ngạc nhiên vì tôi
được trưởng thành trong một môi trường rất bền vững về tài chánh và tình cảm.
Tôi lớn lên ở thành thị; cha tôi là một giáo sư thành đạt. Cả cha mẹ tôi đều
thương yêu nhau và đều chăm lo cho tôi. Tôi có được những cơ hội về học vấn, xã
hội, thể thao mà nhiều người mong muốn – được học trường tư, có nhà ở khu trượt
tuyết, nhà nghỉ hè cạnh bờ biển; sau giờ học được tham gia vào các chương trình
về thể thao, văn hóa nghệ thuật. Hành động mê muội nhất của tôi là đắm chìm
trong những cuộc tình bừa bãi, không mệt mỏi, đến nỗi nó đã thành một thói quen
khó bỏ, ngay cả sau khi tôi đã bắt đầu hành thiền.
** David Crutcher tham dự khóa thiền lần đầu tiên vào
năm 1982 tại San Francisco’s Boy Club Camp, Mỹ.
Anh trai tôi đã
dự một khóa tu thiền Minh Sát năm trước đó. Tôi là chủ một doanh nghiệp. Anh ấy
thấy cuộc sống của tôi quá nhiều căng thẳng, vì thế anh đã khuyên tôi nên đi dự
một khóa tu thiền để được nhiều lợi ích. Tôi đã lên chương trình để đến nghỉ
ngơi ở một bãi biển nào đó ở Caribbean. Đó là điều tôi luôn mơ ước. Trong suốt
hai năm trường, tôi đã làm việc liên tục, gần như chưa có ngày nghỉ nào và rất
cần một kỳ nghỉ hè. Vì thế khi anh đề nghị tôi đi học thiền, tôi đã nghĩ trong
đầu là sẽ không bao giờ làm việc đó. Tôi cần một thứ gì đó trong đời như là thư
giãn trên bãi biển. Nhưng những gì anh nói vẫn lẩn quẩn trong đầu tôi, rằng nếu
đi nghỉ ở một nơi nào đó như là bãi biển, tôi có thể được vài tuần nghỉ ngơi;
nhưng đi học thiền, tôi có thể được một điều gì đó ích lợi cho tôi cả đời. Và
tôi biết rằng mình đang ở trong một hoàn cảnh rất căng thẳng, vì thế cuối cùng
tôi bỏ ý định đi nghỉ hè mà mua vé máy bay đến trung tâm thiền này.
** Ray Gross, Phát Thanh Viên Thể Thao ở Pennsylvania,
Mỹ.
Nền tảng tôn giáo và giáo dục mà tôi được hấp thụ luôn nhấn
mạnh rằng tôi phải làm chủ cuộc đời mình. Nói một cách khác, về tri thức, tôi
biết mình phải sống như thế nào trong cuộc sống, nhưng có một cái gì trong tôi
không phải lúc nào cũng nghe theo tôi. Tôi không thể nhớ từ lúc nào, tôi đã bắt
đầu đi tìm một điều gì đó để thay đổi con người bên trong. Để tôi có thể hành
động theo lương tâm, mà không phải luôn dằn vặt tranh đấu nội tâm để khỏi buông
trôi theo sự dễ dãi, sự thỏa mãn nhất thời.
Đầu năm 1988 trong kỳ nghỉ
hè cùng với với vợ tại bãi biển Myrtle, Nam Carolina, tôi rảo quanh các tiệm bán
sách cũ và vô tình cầm lên quyển sách “Nghệ thuật sống” (The Art of Living) của
William Hart. Vì là sách cũ, giá chỉ $2.95 đô la, nên tôi đã mua, nghĩ rằng tôi
sẽ có dịp đọc nó. Một vài tháng sau khi đã có dịp đọc sách, tôi cảm thấy rằng
tôi phải dự một khóa thiền Minh Sát 10 ngày. Ngay cả trước khi dự khóa thiền,
tôi đã biết đây chính là điều mà tôi luôn tìm kiếm. Một trong những điều thật sự
gây ấn tượng cho tôi là tham dự khóa thiền không phải trả chút lệ phí nào. Tất
cả đều tùy theo lòng hảo tâm của thiền sinh sau khóa thiền. Với một khóa học như
thế thì còn cần đến động lực bên ngoài nào nữa?
Tôi đã dự khóa thiền đầu
tiên vào tháng 3 - 1989 ở Shelburne Falls, bang Massachusetts và đó là điều quan
trọng nhất mà tôi đã làm được trong đời tôi.
** Dimitri Topitzes, Wisconsin Mỹ, tham dự khóa thiền
Minh Sát đầu tiên vào năm 1996.
Mang thai con ngoài giá thú trong
một ngôi làng nhỏ ở ven một bờ biển ở Hy Lạp vào khoảng năm 1965, mẹ tôi không
thể giữ và nuôi tôi trong hoàn cảnh văn hóa của thời đó và ở nơi đó. Vì thế, tôi
bị đưa vào một cô nhi viện ở gần đó, sau khi được sanh ra trên một chuyến xe
buýt đi ra khỏi làng. Đó là những khởi đầu không được tốt đẹp của đời tôi. Tuy
nhiên lúc 6 tháng tuổi, tôi lại được một gia đình người Mỹ gốc Hy Lạp nhận làm
con nuôi và đem về Mỹ, đến một thành phố lớn ở miền trung tây. Gia đình cha mẹ
nuôi đã hết lòng chăm sóc, thương yêu tôi để bù đắp cho những bất hạnh của tôi
trong những năm đầu đời.
Tuy nhiên, những vết thương của việc nhận con
nuôi, đối với gia đình cũng như đối với đứa con đã không bao giờ được trao đổi
một cách thẳng thắn, để chúng bưng kín rồi dần dần bung mủ ra. Ngoài ra còn có
một số xung đột lạ lùng trong gia đình tựa như xát thêm muối vào vết thương. Và
tôi có cảm giác mình là người phải giải mã tất cả những lo lắng và thương yêu
của gia đình song song với những trăn trở, bức xúc trong nội tâm tôi. Thời thơ
ấu, tôi đối mặt với sự thử thách này giống như nhiều đứa trẻ khác đã làm, bằng
cách lôi mẹ chúng vào trong những câu chuyện đầy triết lý. Cho đến ngày nay tôi
vẫn còn nhớ chúng, mà chủ đề xoay quanh sự quan tâm, thắc mắc của tôi về nguồn
gốc của cuộc đời, sự chấm dứt của cuộc đời, và những khổ đau của con
người.
Sau khi đã có được một căn bản giáo dục cao cấp và một bằng cấp
thạc sĩ về tâm linh, tôi trở về quê nhà và làm việc trong một nhà sách “thuộc
thời đại tiến bộ” (“New Age”) ở địa phương để có thể đọc tất cả những gì đã viết
về số phận con người. Giáo dục ở nhà trường không giúp tôi giải tỏa những thắc
mắc từ niên thiếu, nên ý định của tôi khi nhận công việc này, ngoài việc có một
ít tiền, là để khám phá ra những nghịch lý trong các điều kiện vũ trụ, cũng như
trong chính câu chuyện đời tôi. Tôi đọc các sách về những phương pháp hàn gắn,
về xung đột gia đình, về con nuôi, khổ đau, về “nền khoa học mới” v.v… Cuối
cùng tôi tìm đến phần sách về Phật giáo. Và tôi đã đọc được từ một tác giả rằng
đặc biệt là để chuyển hóa khổ đau, trước hết người ta phải chuyển hóa cách suy
nghĩ và cách sử dụng lời nói. Lúc đó, người ta sẽ đạt đến một cái nhìn nhất
nguyên, ở đó cả hai: vẻ đẹp và sự điên rồ của cuộc sống biến mất vào trong một
bí mật không thể nói thành lời. Theo tác giả này, chỉ đọc và hiểu không thôi,
không thể giải quyết được điều nghịch lý đó; chỉ có hành thiền mới có thể làm
được điều đó.
Vậy là tôi chọn hành thiền, và từ đó tôi tiếp tục tu tập
theo con đường vượt thoát khổ đau …
**
Ben Turner, điều dưỡng, đã có thời gian 5 năm làm việc trong Ban Chăm Sóc Sức
Khỏe trong một nhà tù ở Mỹ.
Nghĩ lại đó là một may mắn khi tôi
được sinh ra với tâm trạng của một đứa trẻ khá trầm cảm. Những ký ức xa xưa nhất
của tôi là về các cảm giác cô đơn, bị những đứa trẻ khác xa lánh, xua
đuổi.
Ở trường học, đã có thời gian tôi bị cho là không phát triển bình
thường, hay “bại não” như là thuật ngữ được dùng trong những ngày này. Khi lớn
lên, tôi càng trở nên không hòa hợp với cuộc sống, có rất ít bạn, phần lớn thời
gian chỉ ở một mình, bị học lại lớp 7.
Khi tôi bước vào tuổi thiếu niên,
trước khi trở thành người lớn, mặc cảm về sự yếu kém, không ra gì của tôi càng
tăng lên và ý nghĩ muốn tự tử thường chiếm lĩnh tôi. Tôi tìm sự giúp đỡ qua
những buổi tư vấn phân tích tâm lý của các nhà tâm lý, các nhà sinh lý, các nhà
tư vấn và các nhân viên xã hội. Họ cũng không giúp tôi được nhiều. Tôi luôn ý
thức cảm giác bị dồn nén vào trong một loại hộp đóng kín bởi một lý thuyết này
hay lý thuyết kia, thường thì tôi cảm thấy bản ngã của người tư vấn ảnh hưởng
nhiều trong quá trình chữa trị đến nỗi tôi cảm thấy mình bị lạc vào trong hoặc
là chính sự ngạo mạn của họ hay sự tự nghi ngờ bản thân của họ.
Vào thời
điểm đó, những năm bắt đầu tuổi hai mươi, tôi cảm thấy mình đã đi đến tận cùng
sự tuyệt vọng. Các chuyên gia về sức khỏe tinh thần không thể làm gì để có thể
giúp tôi thấy rằng tôi phải đi đến tận cùng những khổ đau của mình, thì tôi mới
có thể tự tìm được câu trả lời của mình. Tôi bắt đầu suy nghĩ về những vấn đề
tâm linh và tôn giáo. Suy cho cùng, nếu có hàng tỷ người khắp trên thế giới đều
quan tâm đến vấn đề này, thì hẳn là phải có ích lợi gì, và họ có cùng những kinh
nghiệm gì.
Tôi bắt đầu đọc từ Kito giáo, Lão Tử, Khổng Tử, đến thiền,
Phật giáo Tây Tạng, phong thủy và rất nhiều những tài liệu về “thời đại mới”
(New Age). Dần dần tôi thử thực hành một số. Tôi đã hy vọng rằng có thể qua đó
tôi sẽ tìm được một giải pháp. Hình như cũng có một số điểm chung về nguyên tắc.
Nhưng khi thực hành, tôi không thể tìm ra nó. Dường như tất cả đều ẩn dấu trong
những nghi thức, hình tượng, những bê bối tài chánh và cả sự vô đạo đức của học
viên hay đôi khi của vị thầy. Tuy nhiên hạt giống hy vọng vẫn còn trong tôi, và
tôi dần dần phát triển bốn điều để giúp tôi tiếp tục tìm kiếm:
1. Khóa
tu phải hoàn toàn miễn phí. Nếu có một phương cách, một sự hiểu biết nào có thể
đưa đến hạnh phúc và giải thoát, thì bất cứ ai khi đã tìm được điều đó, bất cứ
ai đang giảng dạy những điều này, cũng nên chia sẻ với người khác, cũng phải
nhận thấy rằng không nên tìm nguồn lợi riêng cho mình, bằng cách không chia sẻ
với những người không có khả năng trả lệ phí.
2. Không đòi hỏi phải có
một bước ngoặt trong lòng tin, không cần có một vị Thượng đế khuất mặt nào,
không có sự tôn sùng mù quáng nào. Mỗi bước cần phải rõ ràng và chấp nhận được
ngay từ lúc ban đầu.
3. Không được loại trừ một ai, và không có sự kết
án đối với những người đi con đường khác.
4. Vị thầy phải thực hành
những điều mình giảng dạy và không bị uế nhiễm vì những hành động bất
thiện.
Những điều kiện này được đặt ra để giúp tôi dễ dàng hơn trong việc
tìm kiếm chân lý của mình, nhưng chúng gần như loại trừ tất cả những gì mà tôi
đã tiếp cận được từ trước đến lúc bấy giờ. Nhưng cuối cùng tôi được gặp một
người đã tham dự một khóa thiền Minh Sát ở Ấn Độ.
Sau khi đã dự khóa
thiền đầu tiên với ngài Goenka, tôi biết rằng mình đã tìm được một công cụ thỏa
mãn tất cả bốn điều kiện trên. Tôi nhận thấy rằng, không có phép lạ nào, nhưng
từ khóa tu này sang khóa tu khác, từ năm này sang năm khác, dần dần căn bệnh
trầm cảm cả đời của tôi đã thuyên giảm nhiều. Nói đúng hơn tôi đã trở nên ít
phản ứng lại với những đau khổ vốn là bản chất của cuộc đời. Dĩ nhiên, các trạng
thái trầm cảm của tôi vẫn còn. Nhưng chúng giống như khi ta nhìn ngắm một đám
mây đi ngang qua mặt trời hơn là cảm giác bị chôn vùi dưới đám bùn.
** Vanessa Rawlings, New York. Cô viết bài này sau khi
đã dự khóa tu thiền Minh Sát 40 ngày. Cả cha và mẹ cô đều đã dự khóa thiền 10
ngày.
Tên tôi là Vanessa. Tôi đã hành thiền Minh Sát được 3 năm.
Tôi sinh ra trong một gia đình người Mỹ gốc Phi Châu 42 năm về trước ở Roanoke,
Virginia, Mỹ. Lớn lên trong một xã hội phân biệt màu da đã ảnh hưởng đến quan
điểm và cái nhìn của tôi ở mọi góc độ. Tôi học biết sân hận, nghi ngờ, oán ghét
cộng đồng người da trắng. Tôi không biết có ai trong cộng đồng người da màu của
chúng tôi mà không thầm chất chứa những tình cảm này, không cần biết họ ở giai
cấp nào trong xã hội. Ở vị trí của một người luôn bị coi thường là một gánh nặng
hàng ngày như tôi, tôi cần tìm một lối thoát. Thực ra, tôi vẫn luôn tìm những
phương pháp, tín ngưỡng, triết học nào có thể đem đến cho tâm tôi sự bình an.
Làm sao tôi có thể thương yêu ai, kể cả bản thân, khi tôi biết rằng tôi ghét và
sợ người da trắng.
Tôi đã sống ở thành phố New York hơn 17 năm qua. Ở đó
may mắn thay tôi được nghe về thiền Minh Sát từ một người bạn và tôi biết rằng
tôi phải thử phương pháp đó.
Khóa tu đầu tiên, tôi nhớ rằng ngài Goenka
đã nói về những cảm thọ nơi thân và chúng ta đã phản ứng lại với chúng như thế
nào. Tôi nhận ra rằng đó là những gì tôi đã từng làm và hành động này sẽ tiếp
tục kiềm giữ tôi như là một kẻ tù tội đối với sự phân biệt chủng tộc thực sự hay
do tôi tưởng tượng ra. Ngài Goenka nói rằng đời là khổ nhưng vẫn có lối thoát.
Tôi không hiểu phương pháp này trong những khóa tu đầu tiên nhưng tôi tin tưởng
rằng thiền Minh Sát sẽ giải phóng được những mặc cảm phức tạp đã cắm sâu rễ
trong lòng tôi.
Ở Mỹ những khóa duy nhất mà tôi đã dự là ở trung tâm
Thiền ở Massachusetts. Tôi ấn tượng sâu xa đối với sự tình nguyện và sự nhiệt
tâm của những thiền sinh trong cộng đồng thiền Minh Sát. Khi tôi tiếp tục dự
thêm những khóa học khác và xung phong tình nguyện ở những nơi đó, tôi nhận thấy
có rất ít người Mỹ gốc Phi tham gia. Có nhiều người cũng tham dự nhưng không
quay trở lại, và rất ít, nếu có ai, đã tiến lên dự những khóa thiền lâu ngày
hơn. Tôi là người da màu duy nhất ở các trung tâm thiền; ở vị trí này, tôi có
thể quan sát khá chính xác các phản ứng của tôi đối với cộng đồng người da
trắng. Những xúc cảm và suy nghĩ lâu nay được chôn giấu lại hiện ra. Tham gia
khóa thiền này tiếp theo khóa thiền khác và luôn thực tập thiền Minh Sát, tôi
nhận thấy được sự chuyển hóa đang thành hình trong tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy có
một tình cảm bi mẫn sâu xa đối với nhóm người da trắng mà tôi đã từng biết và
nhận ra rằng họ cũng khổ đau và u mê như tôi đã từng là.
Lòng sân hận,
sợ hãi và ganh tỵ của tôi đối với người da trắng được tháo gỡ. Lần đầu tiên
trong cuộc đời, tôi thật sự có thể quán sát những kinh nghiệm liên quan đến vấn
đề kỳ thị màu da một cách khách quan hơn và phản ứng một cách công bằng
hơn.
Tôi đã nói lại với nhiều người trong cộng đồng của tôi về thiền Minh
sát. Nhiều người rất phấn khởi và sẵn sàng tham dự các khóa thiền.
** Susan Craig Winsberg là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ
thâu âm và người đặt nhạc ở Mỹ.
Tôi không thể nhớ lần đầu tiên
tôi bắt đầu muốn chết là lúc tôi bao nhiêu tuổi. Phần đông ai cũng có ước muốn
đó ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời họ, nhưng trong gia đình tôi chuyện tự
tử gần như là một truyền thống. Nhiều quyến thuộc của tôi đã chết bằng cách đó
và gần như tất cả mọi người trong gia đình hiện tại của tôi đều đã toan tự tử.
Sự mất cân bằng tâm lý cũng chảy trong dòng máu gia đình tôi, đó là lý do tại
sao không đáng ngạc nhiên khi ý muốn tự hủy hoại mình lúc nào cũng sẵn sàng khởi
lên trong tôi. Vì thế đối với tôi, trạng thái luôn trầm cảm là điều tự nhiên, và
việc tự tử là một giải pháp.
Vào khoảng năm hai mươi mấy tuổi, cuối cùng
tôi đã thật sự tìm cách chấm dứt cuộc đời mình. Tôi nhớ rằng nó có vẻ không tự
nhiên chút nào, không hợp với sinh lý như thế nào. Đáng lý ra tôi phải tìm mọi
cách để sinh tồn. Nhưng ở đây, tôi đang cố gắng để cắt vào cổ tay của chính thân
thể mình để giết nó. Đó là một kinh nghiệm rất kỳ dị, và tôi thật sự rất mừng
khi nó đau quá đến nỗi tôi đã bất tỉnh và không thành công trong việc tự tử. Tuy
nhiên, không kể những hình ảnh rõ ràng tôi có thể nhớ được vào đêm đó, đối với
việc làm thật dại dột làm sao khi muốn tự kết thúc đời mình, tôi vẫn không có
giải pháp tích cực nào hơn. Nếu có gì đó, thì nó gần như là sự chán nản rằng sao
chết khó thế. Vì thế tôi vẫn còn coi tự tử như là một giải pháp khi có vấn đề
gì xảy ra trong tương lai. Rồi sau đó tôi biết đến thiền Minh Sát. Một người dì
của tôi là người hành thiền Minh Sát, đã nói cho tôi biết về thời khoá biểu của
những khóa tu, nhưng không chủ ý thúc đẩy tôi phải đi dự. Cuối cùng, một mùa hè
kia, tôi thu hết can đảm để đi dự thử. Tôi lái xe đến Mendocino (California) một
mình với hy vọng rằng sự khám phá chân lý này sẽ giúp tôi chẳng bao giờ nghĩ đến
sự chết như là một giải pháp đối với những vấn đề của cuộc sống một lần
nữa.
Thiền Minh Sát thực sự chứng tỏ là người cứu trợ cho tôi. Tôi đã tu
tập miên mật, đầy khổ nhọc trong 10 ngày đó, và những gì tôi đạt được đã làm đảo
lộn hoàn toàn đầu óc tôi. Tôi tìm ra chân lý về cuộc sống, về cuộc đời mình và
trên tất cả là về hạnh phúc chân thật, không phải thứ hạnh phúc chóng qua, có
điều kiện, nhưng là hạnh phúc thực sự; thứ hạnh phúc mà chúng ta là những chúng
sanh được thừa hưởng. Tôi đã được biết về nó, và đã tự chứng nghiệm. Tôi vẫn
thường đọc về thiền và tất cả những hiệu quả tuyệt vời mà nó có thể mang đến, và
tôi sẵn sàng tin tưởng vào đó. Nhưng chỉ đến khi thực sự ngồi thiền trong suốt
10 ngày đó tôi mới có thể tự chứng nghiệm những điều này. Và chỉ qua sự chứng
nghiệm chúng nơi bản thân tôi mới có thể thay đổi cuộc đời mình khác đi. Thỉnh
thoảng tôi vẫn còn trải qua những cơn trầm cảm. Tôi nghĩ rằng đó là một căn bệnh
di truyền mà tôi phải chịu đựng. Nhưng tôi không còn tìm đến cái chết như là một
sự chạy trốn. Và tôi cũng không tìm đến những thứ thuốc để giải quyết như phần
đông các nhà tâm lý thường khuyên tôi phải làm. Đúng hơn, tôi chẳng bao giờ đi
gặp một nhà tâm lý nào nữa. Thay vào đó tôi thực hành thiền Minh Sát. Và -phải
thú thật– không phải lúc nào tôi cũng là người tu tập có kỷ luật hay thường
xuyên. Nhưng tôi biết rằng nó có mặt ở đó và tôi vẫn nhớ nó đã mang đến cho tôi
niềm vui trong từng tế bào của sự hiện hữu của tôi cũng như sự hiện hữu của mọi
người, mọi vật. Và nó mang đến cho tôi một cảm giác của sự tĩnh lặng và hòa hợp.
Giờ tôi đã biết chân lý, và không có gì có thể lung lay sự hiểu biết
đó.
Tôi không bao giờ nghĩ đến việc tự tử nữa kể từ khi tôi thực tập
thiền Minh Sát lần đầu tiên, 16 năm về trước. Không có đến một lần. Và với hoàn
cảnh của tôi, điều đó tự nó đã là một điều diệu kỳ.