Bấy giờ Phật nói với Bồ tát Di Lặc:
“Này
Di Lặc, nay ta đem Pháp giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác đã
tập thành trong vô lượng kiếp phó chúc cho ngươi. Vào thời mạt thế,[1]
sau khi Phật diệt độ, ngươi nên dùng năng lực thần thông để giảng
truyền rộng rãi những kinh như vầy nơi cõi Diêm-phù-đề, chớ để bị đoạn
tuyệt. Vì sao? Vì sau này sẽ có những thiện nam, tín nữ cũng như chư
thiên long, quỷ thần, Càn-thát-bà, La-sát phát tâm cầu giác ngộ vô
thượng chánh đẳng chánh giác, hâm mộ đại Pháp. Nếu để cho họ không được
nghe những kinh như vầy, sẽ mất nhiều lợi ích. Những hạng người như
vậy, khi nghe kinh điển như vậy, tất sẽ nhiều tín thọ, sinh tâm hy hữ,
vì họ yêu thích và tin tưởng các kinh này, thành kính đội lên đầu mà
thọ nhận, rồi tùy theo chỗ thích ứng của chúng sinh, vì sự ích lợi mà
quảng diễn.
“Này Di Lặc, nên
biết có hai dấu hiệu của Bồ tát:[2] thứ nhất, ưa thích trang sức văn
từ hoa mỹ. Thứ hai, không e sợ diệu nghĩa thậm thâm, mà có thể thâm
nhập một cách như thực. Hạng ưa thích trang sức văn từ hoa mỹ, nên
biết, đó là hàng Bồ tát tân học. Nếu được nghe kinh điển vô nhiễm, vô
trước, thậm thâm như vậy mà không kinh sợ; sau khi nghe rồi bằng tịnh
tâm mà thọ trì, đọc tụng, như thuyết tu hành, nên biết, đó là hạng Bồ
tát tu tập đạo hạnh đã lâu.
“Di
Lặc, lại có hai pháp mà hàng Bồ tát gọi là tân học chẳng thể quyết
đinh nơi Pháp sâu xa.[3] Hai pháp đó là gì? Một là, pháp chưa từng được
nghe, mà khi nghe rồi lại kinh sợ, sinh nghi ngờ, không thể tùy thuận,
sanh tâm hủy báng, cho rằng ‘Trước đây tôi chưa từng nghe Pháp ấy;
chẳng biết Pháp ấy ở đâu ra?’[4] Thứ hai, Nếu có người hộ trì, giải
thuyết kinh điển sâu xa như vậy, lại không khứng thân cận, cúng dường,
cung kính, hoặc có khi bới móc tìm lỗi người.[5] Ai có hai pháp này,
nên biết, đó là Bồ tát tân học, chỉ tự làm hại mình, không thể điều
phục được tâm mình ở trong thâm Pháp.
“Này
Di Lặc, lại có hai pháp,[6] mà Bồ tát tuy có tín giải thâm pháp nhưng
vẫn tự làm tổn thương mình nên không thể chứng đắc vô sinh pháp nhẫn.
Hai pháp gì? Một là, khinh mạn Bồ tát tân học mà không chịu chỉ dạy.[7]
Hai là, và loại dù tin, hiểu diệu Pháp mà vẫn còn phân biệt chấp thủ
tướng.”[8]
Bồ tát Di Lặc nghe
Phật thuyết giảng xong, liền nói: “Bạch Thế Tôn, thật hy hữu chưa từng
được nghe. Như lời Phật dạy, con sẽ lìa xa các sự xấu ác này để phụng
trì Pháp giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Như Lai đã kết tập
từ vô lượng kiếp. Trong đời tương lai, nếu có người thiện nam tín nữ
nào cầu học Đại thừa, con sẽ khiến họ có được kinh này trong tay, giúp
cho niệm lực khiến thọ trì, đọc tụng và giảng giải rộng khắp cho mọi
người.
“Bạch Thế Tôn, trong
thời mạt thế sau này, nếu có ai thọ trì, đọc tụng và quảng diễn kinh
này, nên biết người đó sẽ được xác lập bởi thần lực của Di-lặc.”
Phật nói:
“Lành thay, Di Lặc, lành thay! Như lời ông nói, Phật tán thán sự tùy hỷ của ông.”
Lúc bấy giờ tất cả Bồ tát đồng chắp tay bạch Phật:
“Sau
khi Thế Tôn diệt độ, chúng con[9] sẽ truyền giảng Pháp giác ngộ tối
thượng này rộng khắp mười phương quốc độ, và chỉ dẫn những người thuyết
Pháp thấu hiểu nghĩa kinh.”[10]
Bốn vị Thiên vương cũng đồng bạch Phật:
“Bạch
Thế Tôn, bất cứ ở đâu, thành thị hay thôn quê, núi rừng hay hoang mạc,
mà có kinh này và có người đọc tụng, thuyết giảng, thì chúng con
nguyện đưa hết thảy quan quân đến nghe và ủng hộ người đó sao cho trong
vòng một trăm do-tuần không ai dám đến quấy phá.”
Khi ấy, Phật bảo A-nan-:
“Này A-nan, hãy thọ trì và truyền bá rộng rãi kinh này.”
A-nan đáp: “Vâng, bạch Thế Tôn, con đã ghi nhớ pháp yếu này. Thế Tôn, nên gọi tên kinh là gì?”
Phật dạy:
“A-nan, kinh này được gọi là ‘Duy-ma-cật thuyết sở’, cũng ‘Pháp môn giải thoát bất khả tư nghị’, hãy như vậy mà thọ trì.”[11]
Phật
nói kinh này xong, trưởng giả Duy-ma-cật, Văn-thù-sư-lợi, Xá-lợi-phất,
A-nan, chư thiên, loài người, a-tu-la và hết thảy đại chúng nghe những
điều Phật dạy, thảy đều đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.
[1] VCX: “Vào đời ngũ trược ác thế.”
[2] Bồ tát tướng 菩薩相; VCX: bồ tát tướng ấn 菩薩相印, dấu hiệu để nhận biết Bồ tát.
[3] VCX: “Có bốn pháp khiến Bồ tát sơ học tự tổn thương, không thể chứng đắc pháp nhẫn thậm thâm.”
[4] VCX phân thành hai pháp: kinh sợ nghi ngờ, và sinh tâm huỷ báng.
[5] Pháp thứ ba và tư trong VCX: không cung kính và sau đó chê bai.
[6] VCX: bốn duyên.
[7] VCX phân thành hai duyên: khinh mạn và không chỉ dạy.
[8]
Được thay trong bản VCX: thứ ba, không không kính trọng học xứ (tức
giới) thậm thâm quảng đại; thứ tư, chỉ thích bố thí bằng tài sản thế
gian.
[9] VCX: “… từ nhiều phương khác, từ các thế giới khác…”
[10] VCX: “khiến cho không gặp chướng nạn.”
[11] VCX gộp thành một tên: Thuyết Vô Cấu Xứng bất tư nghị giải thoát thần biến pháp môn 說無垢稱不可思議自在神變解脫法門.