Văn-thù hỏi Duy-ma-cật:
«Bồ tát nên quán sát chúng sinh như thế nào?»
Duy-ma-cật đáp:
«Như
nhà ảo thuật quán sát ảo vật mình tạo ra; Bồ tát nên quán sát chúng
sinh cũng như vậy. Cũng như bậc trí giả nhìn trăng nơi đáy nước; nhìn
bóng mình trong gương; nhìn ánh lửa khi nhiệt bốc;[2] như tiếng vọng
của lời gọi; như mây nổi trong bầu trời;[3] như đám bọt nước;[4] như
bong bóng trên mặt nước;[5] như lõi chuối rỗng; như ánh chớp lóe kéo
dài;[6] như đại thứ năm;[7] như uẩn thứ sáu;[8] như tình thứ bảy[9] như
nhập thứ mười ba;[10] như giới thứ mười chín;[11] Bồ tát nên quán sát
chúng sinh cũng như vậy. Cũng như sắc trong vô sắc giới; như mầm của
hạt giống hư;[12] như thân kiến[13] của Tu-đà-hoàn;[14] như sự nhập
thai của A-na-hàm;[15] như ba độc của La hán; như tham, sân, phá giới
của Bồ tát đã chẳng đắc pháp nhẫn;[16] như tập khí phiền não nơi
Phật;[17] như sắc được thấy bởi người mù; như hơi thở ra vào của vị
đang nhập diệt tận định;[18] như dấu chân chim trong hư không;[19] như
đứa con của người đàn bà vô sinh;[20] như phiền não của người được biến
hoá;[21] như những điều thấy trong chiêm bao khi đã thức; như sự thọ
thân của vị đã diệt độ;[22] như ngọn lửa không khói;[23] Bồ tát nên
quán sát chúng sinh cũng như vậy.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Bồ tát quán như thế thì làm sao thực hành lòng từ?»[24]
Duy-ma-cật đáp:
«Bồ
tát sau khi quán như vậy, lại suy nghĩ, ‹Ta sẽ thuyết pháp như vậy cho
chúng sinh.› Đó chính là lòng từ chân chánh. Ngài nên tu hành từ tịch
diệt,[25] vì không có gì sanh;[26] hành từ không nóng bức,[27] vì không
có phiền não; hành từ bình đẳng,[28] vì bình đẳng với ba thời; hành từ
vô tranh,[29] vì không có gì khởi;[30] hành từ bất nhị, vì trong ngoài
không kết hợp; hành từ bất hoại, vì rốt ráo diệt tận;[31] hành từ kiên
cố, vì tâm không huỷ;[32] hành từ thanh tịnh, vì các pháp tánh
tịnh;[33] hành từ vô biên,[34] vì như hư không; hành từ của A-la-hán,
vì diệt giặc kết sử;[35] hành từ của Bồ tát,[36] vì an ổn chúng
sinh;[37] hành từ Như Lai, vì được như tướng;[38] hành từ của Phật, vì
thức tỉnh chúng sinh;[39] hành từ tự nhiên, vì không do nhân mà
được;[40] hành từ bồ-đề, vì một vị bình đẳng; hành từ không thể sánh,
vì đã đoạn trừ các ái;[41] hành từ của đại bi, vì hướng dẫn bởi Đại
thừa;[42] hành từ không mệt mỏi vì quán không, vô ngã;[43] hành từ của
pháp thí không còn nuối tiếc;[44] hành từ của trì giới, vì chuyển hóa
người phạm giới; hành từ[45] nhẫn nhục, vì hộ vệ mình lẫn người; hành
từ của tinh tấn, vì gánh vác chúng sinh; hành từ của thiền định, vì
không cảm thọ vị ngọt;[46] hành từ của trí tuệ, vì mọi sự đều đúng
thời;[47] hành từ của phương tiện, vì thị hiện tất cả;[48] hành từ
không ẩn dấu, vì trực tâm thanh tịnh; hành từ của thâm tâm, vì không
tạp hành;[49] hành từ không dối trá[50] nên chẳng còn việc hư giả; hành
từ an lạc, vì khiến cho đạt được an lạc của Phật.[51]
«Đó là những hạnh từ của Bồ tát.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Bồ tát hành bi[52] như thế nào?»
Duy-ma-cật đáp:
«Tất cả công đức mà Bồ tát làm đều được chia sẻ cho cho hết thảy chúng sinh.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Thế nào là hỷ?»
Duy-ma-cật đáp:
«Hoan hỷ không hối tiếc những lợi ích gì.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Thế nào là xả ?»
Duy-ma-cật đáp:
«Gia ân[53] mà mà không mong cầu tri đáp trả.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Sợ sinh tử, Bồ tát nên nương tựa vào đâu?»
Duy-ma-cật đáp:
«Bồ tát, trong khi sợ hãi sinh tử, nương tựa vào sức mạnh của công đức Như Lai.»[54]
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Bồ tát muốn nương nhờ sức mạnh của công đức Như Lai thì cần phải an trụ như thế nào?»
Duy-ma-cật đáp:
«Bồ tát muốn nương nhờ sức mạnh của công đức Như Lai thì cần phải an trụ nơi chỗ độ thoát hết thảy chúng sinh.»[55]
Văn-thù-sư-lợi hỏi
«Bồ tát nên tiêu trừ cái gì để độ thoát chúng sinh?»
Duy-ma-cật đáp:
«Muốn độ thoát chúng sinh phải tiêu trừ phiền não của họ.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Làm sao để tiêu trừ phiền não?»
Duy-ma-cật đáp:
«Nên thực hành chánh niệm.» [56]
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Làm sao để thực hành chánh niệm?»
Duy-ma-cật đáp:
«Hãy hành bất sinh và bất diệt.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Pháp gì bất sinh? Pháp gì bất diệt ?»
Duy-ma-cật đáp:
«Bất thiện thì bất sinh; pháp thiện thì bất diệt.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Đâu là nguồn gốc của thiện và bất thiện?»
Duy-ma-cật đáp:
«Thân là nguồn gốc của thiện và bất thiện.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Đâu là nguồn gốc của thân?»
Duy-ma-cật đáp:
«Dục tham là gốc.»[57]
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Đâu là nguồn gốc của dục tham?»
Duy-ma-cật đáp:
«Hư vọng phân biệt là gốc.»[58]
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Đâu là nguồn gốc của hư vọng phân biệt?»
Duy-ma-cật đáp:
«Tưởng đảo điên là gốc.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Đâu là nguồn gốc của tưởng đảo điên?»
Duy-ma-cật đáp:
«Vô-trụ là gốc.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi: «Đâu là nguồn gốc của vô-trụ?»
Duy-ma-cật đáp:
«Vô-trụ chẳng có gốc. Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, từ gốc vô-trụ này mà các pháp được kiến lập.»[59]
Bấy
giờ trong thất của Duy-ma-cật có một Thiên nữ[60] thấy các trời, người
đến nghe Pháp,[61] liền hiện thân xuống rải hoa trời lên các Bồ tát và
Đại đệ tử.[62] Hoa rắc trên thân các Bồ tát tức thì rơi xuống đất,
nhưng rắc trên thân các Đệ tử thì bám vào. Tất cả các vị Đệ tử dùng
thần lực phủi hoa, nhưng hoa không đi.
Thấy vậy, Thiên nữ hỏi Xá-lợi-phất:
«Sao ngài phủi hoa đi?»
Xá-lợi-phất đáp:
«Hoa này không như pháp, nên phải phủi đi.»
Thiên nữ nói:
«Đừng
bảo hoa này không như pháp. Vì sao? Vì chúng không có gì phân
biệt,[63] mà chính ngài đang khởi tâm phân biệt. Nếu người xuất gia
trong Phật pháp mà còn có cái phân biệt, cái đó mới là không như pháp.
Nếu không khởi phân biệt nữa, đó là như pháp. Nhìn chư Bồ tát xem, hoa
không bám được vào thân vì các ngài đã đoạn trừ hết thảy tưởng phân
biệt. Cũng như người khi đang run sợ thì bị Ma[64] lung lạc. Đệ tử vì
sợ sinh tử[65] nên bị sắc, thinh, hương, vị, xúc lung lạc. Người không
còn sợ hãi, thì tất cả năm dục không làm gì được. Vì tập khí của kết
sử[66] vẫn còn nên hoa bám được thân đó thôi. Nếu tập khí của kết sử
trừ sạch, hoa không bám được.»
Xá-lợi-phất hỏi:
«Cô ở nhà này bao lâu rồi?»
Thiên nữ đáp:
«Tôi ở đây cũng lâu như sự giải thoát của bậc kỳ niên.»[67]
Xá-lợi-phất hỏi:
«Ở đây lâu chừng ấy sao?»
Thiên nữ hỏi lại:
«Giải thoát của kỳ niên thì lâu bằng chừng nào?»
Xá-lợi-phất lặng im không đáp. Thiên nữ lại hỏi:
«Sao bậc Đại trí kỳ cựu im lặng?»
Xá-lợi-phất nói:
«Sự giải thoát không thể diễn giải bằng lời. Vì vậy, tôi không biết nói gì.»
Thiên nữ nói:
«Ngôn
thuyết và văn tự đều là biểu lộ của giải thoát.[68] Vì sao? Vì giải
thoát không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa; văn tự cũng không ở
trong, không ở ngoài, không ở giữa. Vì vậy, thưa ngài Xá-lợi-phất,
không có việc lìa văn tự mà diễn thuyết giải thoát. Tại sao? Tất cả
pháp đều là biểu hiện của giải thoát.»
Xá-lợi-phất hỏi:
«Vậy cô há không muốn nói rằng dâm, nộ, si cũng là giải thoát?»
Thiên nữ đáp:
«Phật
vì người tăng thượng mạn[69] mà nói rằng xa lìa dâm, nộ, si là giải
thoát đó thôi. Với người không còn tăng thượng mạn, Phật nói tự tánh
dâm, si đồng nhất với giải thoát.»
Xá-lợi-phất ca ngợi:
«Lành thay, lành thay, Thiên nữ! Cô đã sở đắc gì, chứng nghiệm cái gì mà biện tài xuất chúng như vậy?»
Thiên nữ đáp:
«Tôi
không sở đắc gì cũng không chứng nghiệm gì mà được biện tài như vậy.
Vì sao? Nếu có sở đắc, sở chứng, thì đối với Phật pháp[70] đó là tăng
thượng mạn.»
Xá-lợi-phất hỏi:
«Trong ba thừa, cô chí hướng thừa nào?»
Thiên nữ đáp:
«Khi cần giảng pháp Thanh-văn để chuyển hóa chúng sinh, tôi là
Thanh-văn. Khi cần giảng pháp nhân duyên để chuyển hóa chúng sinh, tôi
là Bích-chi-phật. Khi cần pháp đại bi để chuyển hóa chúng sinh, tôi là
Đại thừa. Thưa Xá-lợi-phất, như người bước vào rừng hoa chiêm-bặc chỉ
ngửi thấy mùi hương chiêm-bặc[71] thơm át hẳn các mùi khác; cũng vậy,
người bước vào nhà này chỉ ngửi thấy mùi hương công đức Phật và chẳng
còn thiết mùi hương Thanh-văn hay Bích-chi-phật. Thưa Xá-lợi-phất, khi
mà Đế Thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương, các trời, rồng, quỷ thần vào
nhà này và được nghe vị Thượng nhân này giảng thuyết Chánh Pháp, hết
thảy đều hâm mộ mùi hương công đức Phật mà phát tâm Đại thừa trước khi
ra khỏi nhà này. Thưa Xá-lợi-phất, tôi ở đây mười hai năm,[72] chưa
từng nghe Pháp Thanh-văn hay Bích-chi-phật, mà chỉ nghe pháp của chư
Phật bất khả tư nghị, đại từ, đại bi.
«Thưa Xá-lợi-phất nhà này luôn hiện tám pháp chưa từng có, rất khó gặp. Những gì là tám?
«Thứ
nhất, nhà này được rọi sáng bằng ánh kim quang suốt cả ngày đêm không
khác nhau; chẳng cần đến mặt trời hay mặt trăng mới sáng.
«Thứ hai, những ai[73] bước vào nhà này không bị bức rức bởi những cáu bẩn.[74]»
«Thứ ba, nhà này thường có Đế Thích, Phạm thiên, bốn Thiên vương và các Bồ tát ở phương khác đến đây hội họp không dứt.
«Thứ tư, sáu Ba-la-mật và các pháp bất thối chuyển[75] luôn được giảng dạy trong nhà này.
«Thứ năm, trong nhà này thường được nghe nhạc trời huyền diệu tấu diễn vô lượng âm thanh của của sự giáo hoá bằng chánh pháp.
«Thứ sáu, nhà này chứa bốn kho tàng tích trữ đầy tràn nhiều bảo vật chu cấp cho người cùng khổ mà không hề kiệt tận.
«Thứ
bảy, khi vị Thượng nhân nhà này nghĩ tưởng đến Phật Thích-ca, Phật
A-di-đà, Phật A-súc, Bảo Đức, Bảo Viêm, Bảo Nguyệt, Bảo Nghiêm, Nan
Thắng, Sư Tử Hưởng, Nhất Thiết Lợi Thành,[76] cùng vô lượng chư Phật
khắp mười phương thế giới, thì các Ngài liền đến giảng thuyết rộng rãi
pháp tạng bí yếu của chư Phật. Thuyết xong rồi mới trở về.
«Thứ tám, hết thảy mọi thiên cung trang nghiêm và đất Phật thanh tịnh đều ánh hiện trong nhà này.
«Thưa
ngài Xá-lợi-phất, nhà này thường hiện tám pháp chưa từng có, rất khó
gặp này. Khi đã chứng kiến tám sự kiện bất khả tư nghị như vậy, ai còn
vui thích nơi pháp Thanh-văn làm gì?»
Xá-lợi-phất hỏi:
«Sao cô không chuyển đổi thân nữ này đi?»
Thiên nữ đáp:
«Mười
hai năm nay tôi tìm kiếm tướng người nữ,[77] mà không thể tìm thấy
được. Vậy tôi phải chuyển cái gì đổi cái gì? Cũng như nhà ảo thuật làm
trò tạo nên một thân nữ huyễn. Nếu có người hỏi, ‹Sao không chuyển đổi
thân nữ?›Người này hỏi có chính xác không? »
Xá-lợi-phất đáp:
«Không chính xác. Sự huyễn không có tướng cố định, làm sao chuyển?»
Thiên nữ nói:
«Hết thảy các pháp cũng đều như thế, không có tướng cố định,[78] sao ngài hỏi tôi không chuyển đổi nữ thân?»
Nói đoạn, Thiên nữ dùng thần lực biến Xá-lợi-phất thành như Thiên nữ và nàng tự hoá thân thành như Xá-lợi-phất, rồi hỏi:
«Sao ngài không chuyển đổi thân nữ đó đi?»
Xá-lợi-phất, trong hình tượng Thiên nữ, đáp:
«Tôi ở đây không biết do chuyển biến gì mà biến thành thân nữ.»
Thiên nữ đáp:
«Thưa
Xá-lợi-phất, nếu ngài có thể chuyển đổi thân nữ đó, thì hết thảy người
nữ cũng có thể chuyển. Cũng như Xá-lợi-phất chẳng phải nữ mà hiện thân
nữ. Tất cả người nữ cũng vậy, dù họ hiện thân nữ nhưng không phải nữ.
Cho nên Phật dạy: ‘Hết thảy pháp đều phi nam phi nữ.’ »
Nói xong, Thiên nữ rút lại dùng phép thần thông khiến Xá-lợi-phất trở lại tướng ban đầu, và hỏi:
«Sắc tướng thân nữ nay đâu rồi?»
Xá-lợi-phất đáp:
«Sắc tướng thân nữ không tại đó, cũng không không tại đó.»[79]
Thiên nữ mới nói:
«Cũng
vậy, hết thảy pháp không ở tại đó, nhưng không hề không ở tại đó. Và
này, không tại đó, cũng không không tại đó, đó là Phật thuyết vậy.»
Xá-lợi-phất hỏi:
«Chết ở đây, cô sẽ sinh về đâu?»
Thiên nữ đáp:
«Hoá thân bởi Phật[80] sinh như thế nào, tôi cũng sẽ sinh như vậy.»
Xá-lợi-phất nói:
«Hoá thân bởi Phật không chết, không sinh.»
Thiên nữ đáp:
«Chúng sinh cũng vậy, không chết, cũng không sinh.»
Xá-lợi-phất hỏi:
«Chừng bao lâu cô sẽ chứng đắc giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác?»
Thiên nữ đáp:
«Chừng nào Xá-lợi-phất trở lại làm phàm phu,[81] khi ấy tôi sẽ chứng đắc giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.»
Xá-lợi-phất nói:
«Tôi trở thành phàm phu; không có trường hợp đó.»
Thiên nữ nói:
«Cũng
không có chuyện tôi chứng đắc giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh
giác. Vì sao? Vì bồ-đề không có trú xứ, nên không có người chứng đắc.»
Xá-lợi-phất nói:
«Có
vô lượng chư Phật nhiều như số cát sông Hằng nay đang chứng đắc vô
thượng chánh đẳng chánh giác; đã chứng đắc, sẽ chứng đắc; thế là nghĩa
thế nào?»
Thiên nữ đáp:
«Do văn tự thế tục mà nói có ba đời, chứ không phải bồ-đề có quá khứ, hiện tại, hay vị lai.»
Thiên nữ lại nói:
«Thưa Xá-lợi-phất, ngài có chứng A-la-hán đạo chăng?»[82]
Xá-lợi-phất đáp:
«Không có gì chứng đắc nên chứng đắc.»
Thiên nữ nói:
«Cũng vậy, chư Phật và đại Bồ tát do không có gì chứng đắc nên chứng đắc.»
Bấy giờ, Duy-ma-cật nói với Xá-lợi-phất:
«Thiên
nữ này đã cúng dường chín mươi hai ức Phật.[83] Nàng có thể du hý với
thần thông lực của Bồ tát, đã hoàn thành mọi ước nguyện, đã chứng vô
sanh pháp nhẫn và đắc pháp Bồ tát bất thối chuyển. Do bản nguyện mà
nàng tùy thời hiển hiện để giáo hóa chúng sinh.»
[1] VCX: «Phẩm 7.Quán hữu tình 觀有情品第七 .» Chi Khiêm: Quán nhân vật 觀人物品第七.
[2] Nhiệt thời viêm 熱時炎 . VCX: dương diệm thuỷ 陽焰水, bóng nước trong quáng nắng.
[3]
Không trung vân 空中雲. VCX: hư không trung vân thành đài các 虛空中雲城臺閣 ,
thành quách, đài các trong mây trong bầu trời; Skt. gandharava-nagara,
thành phố gandharva, thành phố càn-thát-bà, chỉ thành phố nhìn thấy
trong biển do phản chiếu của mây và hơi nước bốc từ biển, thành ngữ Hán
nói là «thận lâu hải thị 蜃樓海市,» lầu sò, chợ biển.
[4]
DMC: thuỷ tụ mạt 水聚沫. (Skt. phenapiṇḍa). VCX: thuỷ tụ mạt sở hữu tiền
tế 水聚沫所有前際 , tiền tế của đám bọt nước; VCS giải thích: «tiền tế vốn
không hiện hữu, vì nguyên lai là không.» Nghĩa là, không thể xác định
điểm xuất phát của bọt nước. Cf. Pali, Dhp. 46: pheṇūpamaṃ kāyaṃ
viditvā, biết rõ thân này như bọt nước.
[5]
DMC: thủy thượng bào 水上泡. (Skt. udaka-budbuda) VCX: thủy phù bào
hoặc khởi hoặc diệt 水浮泡或起或滅 . bong bóng trên mặt nước chợt nổi chợt
chìm. Cf. Trung A-hàm 12 (Đại 1, tr. 503b). Cf. A. iv. 137:
udaka-bubbuḷūpamaṃ jīvitaṃ manussānaṃ, sinh mạng của con người như bong
bóng nước (không bền chắc).
[6] Điện cửu trú 電久住. VCX không có thí dụ này.
[7] Phật thuyết chỉ có 4 đại.
[8] DMC: ấm 陰. Phật thuyết chỉ có 5 uẩn.
[9]
Tình 情. VCX: căn 根. Phật thuyết chỉ có 6 căn. VCS (T38n1782, tr.
1081b24): «Tiếng Phạn tát-đỏa 薩 埵 (sattva), đây nói là hữu tình, tức là
6 căn. Bản dịch cũ vì vậy nói là như tình thứ bảy.»
[10] DMC: nhập 入 . VCX: xứ 處. Phật thuyết chỉ có 12 xứ.
[11] Phật thuyết chỉ có 18 giới 界.
[12] VCX thêm hai thí dụ: y phục được dệt bằng lông rùa; sự hưởng thụ dục lạc của trẻ sơ sinh mà yểu mạng.
[13]
Thân kiến 身見; VCX: tát-ca-da kiến 薩迦耶見 (= hữu thân kiến); Skt.
satkāya-dṛṣṭi, cf. Câu-xá 9 (Đại 29, tr.99b25, 100a1, 156c18): Đoạn trừ
ba kết (thân kiến, nghi, giới cấm thủ), chứng quả Dự-lưu
(=Tu-đà-hoàn); cf. A. 1. 231: so tiṇṇaṃ saṃyojanānaṃ (=sakkāyadiṭṭhi,
vicikicchā, sīlabbata-parāmāso) parikkhayā sotāpanno hoti.
[14]
VCX: «như sự tái sinh lần thứ ba của Nhất lai.» Vị Nhất lai (Skt.
skṛd-āgāmin) một lần tái sinh thiên giới và một lần tái sinh nhân gian
rồi nhập Niết-bàn, khong có tái sinh lần thứ ba. Cf. Câu-xá 24, Đại 29,
tr. 123c21, 124a19.
[15]
A-na-hàm, hay Bất lai (Skt. anāgāmin) không còn tái sinh Dục giới nên
không nhập thai (Skt. garbhāvakrānti). Cf. Câu-xá 24, Đại 29, tr.
124b1.
[16] Đắc nhẫn Bồ-tát
得忍菩薩. CDM (Đại 38, tr.384a13) Triệu nói, «Trụ (= Bồ-tát địa) thứ bảy
chắng đắc pháp nhần vô sinh (Skt. anutpattika-dharma-kṣānti), vĩnh viễn
đoạn trừ các kết sử của tâm.» VCS (T38n1782, tr.1081c4), «Bồ-tát địa
thứ tám trở lên gọi là đắc nhẫn.» (Skt. kṣānti-pratilabdha).
[17]
Phật phiền não tập 佛煩惱習, tàn dư của của phiền não còn tiềm phục (Skt.
kleśa-vāsanānuśayitā) VCX: Như lai tập khí tương tục 如來習氣相續 (Skt.
vāsanā-santana).
[18] VCS: «Tứ thiền trở lên không còn hơi thở ra vào nữa, huống là nhập diệt tận định.»
[19] VCX thêm: «Như căn của bán-trạch-ca 半擇迦 mà có thế dụng.» Skt. paṇḍaka, bất năng nam, đàn ông bất lực hay bị thiến.
[20] Hán: thạch nữ 石女. VCX: «như hành vi của con của thạch nữ.»
[21]
Hoá nhân 化人 (Skt. nirmitaka). VCX: «Như sự trói buộc của người được
Phật biến hoá ra.» Và thêm một thí dụ nữa: «Như phiền não cứu cánh
không sinh khởi (atyantānutpanna-kleśa).» Giải thích, VCS: «Địa thứ tám
trở lên, tuy hạt giống của phiền não chưa hoàn toàn bị tiêu diệt nhưng
do tác động liên tục của vô lậu khiến cho chúng không có điều kiện để
sinh khởi, nên nói là phiền nào tuyệt đối không còn sinh khởi.»
[22] VCX: «Như thân đời sau (hậu hữu tương tục, Skt. bhava-prati-saṃdhāna) của A-la-hán.»
[23] VCX: «Như sự thiêu đốt của ngọn lửa không sinh.»
[24] VCX: tu đại từ (Skt. mahāmaitrī-bhāvanā).
[25]
Hành tịch diệt từ 行寂滅慈 . CDM, «Thâp nói: biết các pháp vốn vắng lặng
(tịch diệt, Skt. upaśānta) và vô sanh (anutpanna), nhân đó mà khởi từ
tâm nhưng vẫn không mất tịch diệt,»
[26] VCX: «vì không có các thủ.» Skt. anupādāna (không chấp thủ, tức không phiền não), La-thập đọc là anutpanna.
[27]
Bất nhiệt từ 不熱慈. CDM (Đại 38, tr.0384b23), «Triệu nói: phiền não
khởi tư ái và kiến; từ tâm mà không ái và kiến, cho nên không nóng bức
(nhiệt não).
[28] VCX: «tu từ
tâm như thực 如實慈 (Skt. yathābhūta-maitrī) , vì bình đẳng suốt cả ba
đời.» Cũng có thể, Skt. trong VCX được đọc là samyak-maitrī (từ tâm
chánh trực), trong được đọc là sama-maitrī (từ tâm bình đẳng).
[29]
Vô tránh từ 無諍慈 ( Skt. araṇa, cf. cht. 57, Ch.iii).VCX: bất vi từ
不違慈. (Skt. avirodha/ aviruddha: không đối địch, không mâu thuẫn). VCS
(T38n1782_p1082a17): «vì phát xuất từ sự bình đẳng của nguyên nhân).»
[30]
Vô sở khởi 無所起. VCX: vô đẳng khởi 無等起. Skt. asamutthāna, không có
hành vi hiện khởi, không có nguyên động lực để hiện khởi.
[31]
Tất cánh tận 畢竟盡 (Skt. atyanta-kṣaya); VCX: tất cánh trụ 畢竟住. (Skt.
atyanta-ṣṭhita: vĩnh viễn an trụ; có lẽ trong DMC, được đọc là
atyanta-niṣṭhita: đạt đến tận cùng cứư cánh).
[32] VCX: «vì tăng thượng ý lạc (Skt. adhyāśaya: ý hướng hay nguyện vọng) như kim cang.
[33] VCX: «vì bản tánh vốn tịnh (Skt. prakṛti-pariśuddha).
[34] Vô biên từ 無邊慈 (Skt. ananta-maitrī). VCX: bình đẳng từ 平等慈 (Skt. sama-maitrī).
[35]
Kết tặc 結賊. Cf. Đại tỳ-bà-sa 94 (T27n1545, tr.487c3): « A-la 阿羅 (Skt.
ari) chỉ cho tất cả phiền não; hán 漢 (Skt. han) nghĩa là sát hại.
Dùng gươm trí tuệ mà sất hại hết thảy phiền não nên gọi là A-ha-hán
(Skt. arhan= ari+han). Cf., Pali, A. iv. 145, arīhatattā ariyo hoti,
phá diệt kẻ thù là Thánh.
[36] DMC nhảy một đoạn; VCX: «Tu từ tâm của Độc giác (Pratyeka-buddha), vì không cần Thầy dạy.»
[37] VCX: «Tu từ tâm của Bồ-tát, vì không nghỉ ngơi trong sự giáo hoá chúng sinh.»
[38] VCX: «Vì chứng ngộ tính chân như của các pháp (sarvadharma-tathatā).»
[39] VCX: «Vì đánh thức các chúng sanh đang ngủ say.»
[40] VCX: «Vì thể nghiệm pháp tính một cách tự nhiên.»
[41] Vô đẳng từ 無等慈.VCX: «Tu từ tâm không thiên lệch, vì đã đạon trừ yêu và ghét.»
[42] DMC nhảy một đoạn; VCX: «tu từ tâm của vô tránh, vì quán vô ngã.» Xem cht. 28 trên.
[43] DMC có nhảy sót. Xem cht. 41 trên. VCX: «Vì quán tự tánh vốn không.»
[44]
Di tích 遺惜 . VXX: sư quyển 師捲 (Skt. ācārya-muṣṭi) , làm thầy mà dấu
diếm, không truyền dạy hết. Cf., Pali, D.ii. 100: na tattha …
tathāgatassa dhammesu ācariya-muṭṭhi, «ở đây, trong các pháp, Như lai
không có bàn tay nắm chặt của người thầy.»
[45] Chú của La-thập (Đại 38, tr.385a17): «chữ hành 行 trên chữ từ 慈 trong đây, không có trong bản Phạn.»
[46] Thọ vị 受味. VCX: ái vị 愛味 , vị ngọt của tham ái.
[47] VCX: «Hiện thực biết pháp trong mọi thời.»
[48] VCX: «Thị hiện cùng khắp trong hết thảy phương diện.»
[49]
Sau phương tiện, VCX đề cập các ba-la-mật tiếp: nguyện, lực, trí; đủ
10 ba-la-mật trong 10 địa Bồ tát. Tiếp theo, tu thần thông, tu nhiếp
sự, tu vô trước, đoạn này không tương đưong DMC.
[50]
Vô cuống 無誑, không lường gạt. VCX tách thành hai: vô trá 無詐, không
trá nguỵ, vì ý lạc (Skt. āśaya: xu hướng hay ý nguyện) thanh tịnh; vô
siểm 無詐, không dua nịnh, vì không còn giả dối.
[51]
CDM,«Thập nói: trong Phạn bản, trú Niết-bàn lac.» Nghĩa là, La-thập
dịch thoát ý. VCX: «Thiết lập cơ sở an lạc của chư Phật.» (Skt.
sarvabuddha-sukhavastu-ṣṭhāpya)
[52] VCX: tu đại bi (Skt. mahākaruṇā-bhāvanā).
[53] VCX: «Làm lợi ích một cách bình đẳng.»
[54]
VCX: «Nương tựa và an trú nơi Đại ngã của chư Phật.» Skt. Mahātman,
môt trong bốn đức của Đại Niết-bàn (thường, lạc, ngã, tịnh). Khuy Cơ:
(T38n1782_p1082c29): «Đại ngã của Chư Phật, tức Đại Niết-bàn.»
[55] VCX: «Muốn an trú Đại ngã thì hãy an trú trong sự độ thoát bình đẳng tất cả chúng sinh.»
[56] Hành chánh niệm 行正念. VCX: tu tập tác ý quán sát một cách như lý (Skt. yoniśo-manas-kāra).
[57]
Dục tham 欲貪; sự ham muốn tính dục. Cf. Câu-xá 8 (Đại 29, tr.41c16): «
Trong các môi trường Dục giới, tham chưa được đoạn trừ; tham đó được
gọi là dục tham (Skt. kāma-rāga).»
[58] Hư vọng phân biệt 虛妄分別. Skt. vikalpya.
[59]
VCX: «Câu hỏi này phi lý. Vô trụ tức là không có gốc…do gốc vô sở trụ
mà các pháp được kiến lập.» Cf. Vajracchedikā, yat pratiṣṭhitaṃ tad
evāpratiṣṭhitam, «Cái gì được dựng đứng, cái đó không đứng vững.»
[60] VCX: «Thiên nữ sống ở đây từ trước.» VCS (T38n1782_p1083b13): «Thiên nữ này là Bồ tát ở địa thứ tám.»
[61] VCX: «Nghe được pháp vốn chưa từng được nghe.»
[62] Tức các Đại Thanh văn (Skt. Mahāśrāvaka).
[63] Vô sở phân biệt 無所分別. VCX: không phân biệt, không khác phân biệt 無分別無異分別 .
[64]
VCX: bị loài phi nhân. La-thập (Đại 38, tr.387b16) dẫn chuyện: Một con
quỷ la-sát biến làm con ngựa. Một người đàn ông cỡi mà không nghi ngờ.
Giữa đường, con quỷ hỏi, «Ngựa tốt không?» Người đàn ông rút gươm ra
hỏi, «Gươm này có tốt không?» Quỷ biết người này không sợ, nên không
làm hại được.
[65] VCX: «Sợ sinh tử, nghiệp, phiền não.»
[66]
Kết tập 結習. La-thập (ibid.) giải thích: «Có hai loại tập khí. Tập khí
kết sử (=phiền não) và tập khí của sự thiên ái Phật pháp
(dharma-tṛṣṇā-vāsana). Khi chứng vô sinh nhẫn thì hết thảy tập khí
phiền não đều trừ sạch; nhưng tập khí thiên ái Phật pháp vẫn còn.»
(Skt. vāsana) VCX: phiền não tập 煩惱習. Skt. kleśa-vāsana .
[67]
Kỳ niên giải thoát 耆年解脫, chỉ vị Trưởng lão lớn tuổi; đây xưng hô ngài
Xá-lợi-phất. VCX: «Như giải thoát mà Xá-lợi Tử an trú.»
[68] Giải thoát tướng 解脫相.
[69]
CDM (Đại 38, tr.388b11), Triệu nói: «Coi rẻ sinh tử, đề cao con đường
của mình, đó là người tăng thượng mạn.» VCS (T38n1782_p1084b15), «Chưa
chứng qưả Phật, mà cho sở chứng của mình là cao nhất, không mong cầu tu
chứng thêm nữa; đó là người tăng thượng mạn.» Một trong bảy mạn tùy
miên (mānānuśaya), Câu-xá 9 (tr. 101a13, 19): «Chưa chứng đắc công đức
thù thắng mà cho là đã chứng đắc, đó là tăng thượng mạn.» Skt.
adhimāna.
[70] VCX: «Trong Pháp và Luật (=tì-nại-da) được khéo trình bày (của Phật).»
[71]
Chiêm-bặc 瞻蔔. VCX: chiêm-bác-ca 瞻博迦. Khuy Cơ nói: Trung quốc không
có loại hoa này. Skt. campaka, loại hoa vàng, tên khoa học Michellia
Campaka.
[72] Khuy Cơ
(T38n1782_p1084c27): 12 năm, chỉ 12 hai trụ của Bồ tát
(Bodhisattva-vihāra): 1. Chủng tánh trụ (gotra-vihāra). 2. Thắng giải
hành trụ (adhimukti-cārya-vihāra). 3. Cực hỷ trụ (pramudita-vihāra).
4. Tăng thượng giới trụ (adhiśīla-vihāra). 5. Tăng thượng tâm trụ
(adhicitta-vihāra). 6. Tăng thượng tuệ trụ (adhiprajñā-vihāra). 7.
Giác phần tương ưng tăng thượng tuệ trụ
(bodhi-pakṣa-pratisaṃyukto’dhiprajñā-vihāra). 8. Đế tương tăng thượng
tuệ trụ (satya-pratisaṃyukto’dhiprajñā-vihāra . 9. Duyên khởi lưu
chuyển chỉ tức tương ưng tăng thượng tuệ trụ
(pratītya-samutpāda-pravṛtti-nivṛtti-pratisaṃyukto’dhiprajñā-vihāra .
10. Vô tướng hữu công dụng trụ (nirmitta-sabhoga-vihāra). 11. Vô tướng
vô công dụng trụ (nirmittānabhoga-vihāra). 12. Tối thượng bồ tát trụ
(agra-bodhisattva-vihāra). Cf. Du-già sư-địa 47 (T30n1579, tr.552c25).
[73] VCX: loài người và loài phi nhân trong thế gian này.»
[74] VCX: «Không bị gây hại bởi phiền não.»
[75] Bất thối chuyển pháp 不退轉法. VCX: «thường nghe những thảo luận về sáu ba-la-mật, về pháp luân không thối chuyển.»
[76]
Phật Thích-ca 釋迦牟尼佛 , Phật A-di-đà 阿彌陀佛 , Phật A-súc 阿閦佛 , Bảo Đức
寶德, Bảo Viêm 寶炎, Bảo Nguyệt 寶月, Bảo Nghiêm 寶嚴, Nan Thắng 難勝, Sư Tử
Hưởng 師子響, Nhất Thiết Lợi Thành 一切利成. VCX: Thích-ca Như lai 釋迦牟尼如來
(Śākya-tathāgata), Vô Lượng Thọ Như lai 無量壽如來 (Amitāyus-tathāgata),
Nan Thắng Như lai 難勝如來 (Durjaya-tathāgata). VCX: Bất Đông Như lai不動如來
(Akṣobhya-tathāgata), Bảo Diệm Như lai 寶焰 如來 (Ratnārcis-tathāgata),
Bảo Nguyệt Như lai 寶月如來 (Ratnacandra-tathāgata), Bảo Nghiêm Như lai
寶嚴如來 (Ratnavyūha-tathāgata), Bảo Âm Thanh Như lai 寶 音 聲 如來
(Ratnaghoṣa-tathāgata), Sư Tử Hống Như lai 師子吼如來 (Siṃhanadā-tathāgata),
Nhất Thiết Nghĩa Thành Như lai 一切義成如來 (Sarvārthasiddha-tathāgata).
[77] Nữ nhân tướng 女人相. VCX: nữ nhấn tánh 女人性. Skt. strī-liṅga.
[78] Chư pháp … vô hữu định tướng 諸法 無有定相 . VCX: «Tánh và tướng của các pháp đều không phải là chân thật.»
[79]
Vô tại vô bất tại 無在無不在 ; CDM (Đại 38, tr.0389c18), «Triệu nói: muốn
nói có ở đó thì nay thấy là vô tướng. Muốn nói không có ở đó thì lại
thấy ngay là hữu tướng.» VCX: vô tại vô biến 無在無變 . VCS
(T38n1782_p1085c18), «Y theo lý mà ứng đối, tướng nữ vốn không có, cho
nên là bất tại. Nguyên lai thật không có nữ, thì cái gì được biến? Vả,
pháp tánh vốn không, cái gì tại, cái gì biến? Bản dịch cũ nói vô tại vô
bất tại. Không thật có nữ mà xưa tại đó, nay không tại đó. Cũng không
có nữ thật, thì cái gì tại, cái gì không tại?» Skt. na vyavasthito
naiva nirmāṇaḥ, không nguyên trạng cũng không biến thái.
[80] Phật hoá 佛化. VCX: Như lai sở hoá 如來所化; VCS: con người được Phật biến hoá ra. Skt. buddha/tathāgata-nirmāṇa.
[81] VCX: «Trở lại dị sinh (Skt. pṛthagjana) với tất cả tính chất của dị sinh (Skt. pṛthagjana-dharma).»
[82]
A-la-hán đạo 阿羅漢道 . Cf. Vajracchedikā: tat kiṃ manyase subhūte api nu
arhata evaṃ bhavati – mayā arhattvaṃ prāptam iti? Này Subhūti, A-la-hán
có nghĩ rằng, «Ta chứng đắc quả vị A-la-hán» chăng?»