Bấy
giờ, Duy-ma-cật nói với các Bồ tát hiện diện: «Thưa các nhân giả, thế
nào là Bồ tát vào Pháp môn bất nhị? Mong các vị hãy tùy chỗ sở thích
của mình mà trình bày.»
1. Trong hội có Bồ tát Pháp Tự Tại[2] nói: « Thưa chư nhân giả, sanh
và diệt là hai. Pháp trước vốn không sanh, nay tất không diệt. Lãnh hội
pháp nhẫn vô sanh này là vào Pháp môn bất nhị.»
2.
Bồ tát Đức Thủ[3] nói: «Ngã và ngã sở là hai. Nhân bởi có ngã nên có
ngã sở. Nếu không có ngã thì không có ngã sở. Đó là vào Pháp môn bất
nhị.»
3. Bồ tát Bất Huyến[4]
nói: «Thọ và bất thọ[5] là hai. Nếu không thọ các pháp thì không khả
đắc.[6] Vì không khả đắc cho nên không thủ, không xả, không tác, không
hành. Đó là vào Pháp môn bất nhị.»
4.
Bồ tát Đức Đỉnh[7] nói: «Cáu bẩn và thanh tịnh là hai. Thấy được tánh
của cáu bẩn thì không còn tướng tịnh, thuận theo tướng tịch diệt. Đó là
vào Pháp môn bất nhị.»
5.
Thiện Tú[8] Bồ tát nói: «Động và niệm[9] là hai. Không động thì không
niệm. Không niệm thì không phân biệt. Đạt đến chỗ này là vào Pháp môn
bất nhị.»
6. Bồ tát Thiện
Nhãn[10] nói: «Nhất tướng với vô tướng là hai. Hiểu được nhất tướng rốt
ráo là vô tướng, không chấp vào vô tướng để thành tựu bình đẳng, đó là
vào Pháp môn bất nhị.»
7.
Bồ tát Diệu Tý[11] nói: «Tâm Bồ tát với tâm Thanh-văn là hai. Quán
tướng của tâm vốn rỗng không, hư ảo, thì chẳng có tâm nào là tâm Bồ tát
hay tâm Thanh-văn. Đó là vào Pháp môn bất nhị.»
8.
Bồ tát Phất-sa[12] nói: «Thiện và bất thiện là hai. Nếu không khởi
thiện hay bất thiện là nhận chân thật tế của vô tướng. Thông suốt như
vậy là vào Pháp môn bất nhị.»
9.
Bồ tát Sư Tử nói: «Tội, phước[13] là. Hiểu được tánh của tội chẳng
khác tánh của phước. Lấy trí tuệ kim cang mà quyết rõ tướng này, không
ràng buộc, chẳng giải mở; đó là vào Pháp môn bất nhị.»
10.
Bồ tát Sư Tử Ý[14] nói: «Hữu lậu và vô lậu là hai. Nếu chứng các pháp
là bình đẳng thì chẳng khởi tưởng hữu lậu hay vô lậu, không vướng vào
tướng, không trụ vô tướng; đó là vào Pháp môn bất nhị.”
11.
Bồ tát Tịnh Giải[15] nói: «Hữu vi, vô vi là hai. Nhưng nếu lìa các
số[16] thì tâm như hư không,[17] trí tuệ thanh thịnh, chẳng còn chỗ trở
ngại; đó là vào Pháp môn bất nhị.»
12.
Bồ tát Na-la-diên[18] nói: «Thế gian và xuất thế gian là hai nhưng
tánh của thế gian là không thì cũng là xuất thế gian. Ở trong đó không
vào, không ra, không đầy,[19] không tan; đó là vào Pháp môn bất nhị.»
13.
Bồ tát Thiện Ý[20] nói: «Sinh tử và Niết bàn là hai. Nếu thấy được
tánh của sinh tử thì chẳng còn sinh tử, không trói buộc, không cởi mở,
không bùng cháy, không dập tắt.[21] Hiểu được vậy là vào Pháp môn bất
nhị.»
14. Bồ tát Hiện
Kiến[22] nói: «Tận và bất tận là hai. Trong cứu cánh, pháp tận cũng như
bất tận đều chính là tướng vô tận.[23] Tướng vô tận tức là không.[24]
Không thì không có tướng tận hay bất tận. Vào chỗ đó là vào Pháp môn
bất nhị.»
15. Bồ tát Phổ
Thủ[25] nói: «Ngã và vô ngã là hai. Ngã còn không thể nắm bắt được, phi
ngã làm sao nắm bắt? Nhìn ra thật tánh này của ngã thì không khởi nhị
nguyên nữa; đó là vào Pháp môn bất nhị.»
16.
Bồ tát Điện Thiên[26] nói: «Minh, vô minh là hai. Nhưng thật tánh của
vô minh chính là minh. Minh cũng không thể thủ, lìa hết thảy số.[27] Ở
trong đó mà bình đẳng không hai; đó là vào Pháp môn bất nhị.»
17.
Bồ tát Hỷ Kiến[28] nói: «Sắc và Sắc Không là hai. Sắc chính là Không,
không phải do sắc diệt mà không, nhưng tính của Sắc tự nó là Không.
Thọ, Tưởng, Hành và Thức cũng vậy. Thức và Không là hai. Thức cũng
chính là Không, không phải do Thức diệt mà không, vì tánh của Thức
chính là Không vậy. Thông đạt chỗ này là vào Pháp môn bất nhị.»
18.
Bồ tát Minh Tướng[29] nói: «Bốn đại chủng và không đại chủng[30] là
hai. Tánh của bốn đại chủng chính là không đại chủng. Cũng như tiền
tế[31] và hậu tế đều là không, cho nên trung tế cũng là không. Thấu
suốt tánh này của bốn đại chủng là vào Pháp môn bất nhị.»
19.
Bồ tát Diệu Ý[32] nói: «Con mắt, và sắc là hai. Nếu biết tánh của con
mắt ở nơi sắc chẳng khởi tham, sân, si, đó là tịch diệt. Cũng vậy, tai
với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với cảm xúc, ý với các
pháp là hai. Nếu biết thật tánh của ý ở nơi pháp chẳng khởi tham, sân,
si, đó là tịch diệt. An trụ trong đây là vào Pháp môn bất nhị.»
20.
Bồ tát Vô Tận Ý[33] nói: «Bố thí và hồi hướng đến nhất thiết trí là
hai. Nhưng tánh của bố thí chính là sự hồi hướng đến nhất thiết trí.
Cũng vậy, trì giới , nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ với hồi
hướng nhất thiết trí là hai. Nhưng tánh của trí tuệ là tánh của hồi
hướng nhất thiết trí. Ở trong đây mà thâm nhập nhất tướng, là vào Pháp
môn bất nhị.»
21. Bồ tát Thâm
Huệ[34] nói: «Đây là không, đây là vô tướng, đây là vô tác, là
hai.[35] Nhưng không tức là vô tướng. Vô tướng tức là vô tác. Không, vô
tướng, vô tác tức không tâm, không ý, cũng không thức.[36] Ở trong một
giải thoát môn cũng chính trong cả ba giải thoát môn. Đó là vào Pháp
môn bất nhị.»
22. Bồ tát Tịch
Căn[37] nói: “Phật, Pháp, Chúng là hai. Phật tức là Pháp. Pháp tức là
Chúng. Tam bảo này tướng vô vi, bình đẳng với hư không, hết thảy các
pháp cũng vậy. Thấu suốt Pháp này là vào Pháp môn bất nhị.”
23.
Bồ tát Tâm Vô Ngại[38] nói: «Thân với thân diệt[39] là hai. Thân cũng
chính là thân diệt. Vì sao? Vì thấu rõ thật tánh của thân thì không còn
khởi ý niệm về thân hay thân diệt, vì cả hai rốt ráo là bất nhị, không
khác. Ở trong đó mà không kinh, không sợ, là vào Pháp môn bất nhị.»
24.
Bồ tát Thượng Thiện[40] nói: «Thân, khẩu, ý thiện[41] là hai. Tướng
của ba nghiệp này là vô tác. Tướng vô tác của thân tức là tướng vô tác
của miệng. Tướng vô tác của miệng tức là tướng vô tác của ý. Tướng vô
tác của ba nghiệp này tức là tướng vô tác của hết thảy pháp. Nếu có thể
tùy theo trí tuệ vô tác như vậy là vào Pháp môn bất nhị.»
25.
Bồ tát Bồ tát Phước Điền[42] nói: «Phước hành, tội hành và bất động
hành[43] là hai. Thật tánh của ba hành là không. Không bố thí, không
phước hành, không tội hành, không bất động hành. Không khởi ba hành này
là vào Pháp môn bất nhị.»
26.
Bồ tát Hoa Nghiêm[44] nói: «Từ ngã mà khởi nhị nguyên, đó là hai. Thấy
thật tướng của ngã, nhị nguyên này sẽ không khởi. Nếu không trụ nơi
pháp nhị nguyên thì không có thức. Không có gì được nhận thức, đó là
vào Pháp môn bất nhị.»
27. Bồ
tát Bồ tát Đức Tạng[45] nói: «Sự có sở đắc là phân hai. Nếu không sở
đắc thì không thủ cũng không xả. Không thủ, không xả là vào Pháp môn
bất nhị.»
28. Bồ tát Nguyệt
Thượng[46] nói: «Tối, sáng là hai. Không tối, không sáng thì không hai.
Vì sao? Như nhập diệt tận định thì chẳng còn tối hay sáng. Tướng của
hết thảy các pháp cũng như vậy. Ở trong đó bình đẳng mà vào. đó là vào
Pháp môn bất nhị.»
29. Bồ tát
Bảo Ấn Thủ[47] nói: «Vui thích Niết bàn, không vui thích thế gian là
sự hai. Nếu không vui thích Niết bàn, không chán ghét thế gian, thế thì
không có hai. Vì sao? Nếu có buộc mới có cởi. Nhưng nếu chẳng có buộc
ràng thì ai mong cầu cởi trói? Không ràng buộc, không cởi mở, tức không
thích cũng không chán; đó là vào Pháp môn bất nhị.»
30.
Bồ tát Châu Đỉnh Vương[48] nói: «Chính đạo và tà đạo là hai. Người trụ
ở chính đạo tất không phân biệt chính, tà.[49] Lìa hai thái cực này là
vào Pháp môn bất nhị.»
31.
Bồ tát Lạc Thật[50] nói: «Thật, bất thật là hai. Người thấy sự thật còn
không cho đó là thật, huống gì là cái bất thật. Vì sao? Đó là cái mà
mắt thịt không thể thấy, chỉ có con mắt huệ mới nhìn ra. Nhưng con mắt
huệ thì không có sự thấy, cũng không có sự không thấy. Đó là vào Pháp
môn bất nhị.»
Chư Bồ tát đã lần lượt từng vị trình bày xong, liền hỏi Văn-thù-sư-lợi:
«Thế nào là Bồ tát vào Pháp môn bất nhị?»
Văn-thù-sư-lợi nói:
«Theo
ý tôi, đối với hết thảy pháp không nói, không thuyết, không chỉ thị,
không nhận thức;[51] vượt ngoài vấn đáp. Đó là vào bất nhị pháp môn.»
Đoạn Văn-thù hỏi Duy-ma-cật:
«Chúng tôi mỗi người đã nói rồi, xin nhân giả cho biết thế nào là Bồ tát vào Pháp môn bất nhị?»
Bấy giờ, Duy-ma-cật lặng im không nói.
Văn-thù-sư-lợi tán thán:
«Tuyệt, tuyệt thay; cho đến không còn văn tự và ngôn thuyết, ấy mới thật là vào Pháp môn bất nhị.»
Khi thuyết phẩm Pháp môn bất nhị này, năm ngàn Bồ tát trong hội đều vào Pháp môn bất nhị, đắc vô sanh pháp nhẫn.
[1] Chi Khiêm: Bất nhị nhập 不二入品第九.
[2] Pháp Tự Tại 法自在.
[3] Đức Thủ 德守. VCX. Thắng Mật 勝密. Skt. Śrīgupta . Chi Khiêm: Thủ Bế 首閉.
[4] Bất Huyến 不眴. VCX. Vô Thuấn 無瞬.
[5] Thọ bất thọ 受不受. VCX. hữu thủ vô thủ 有取無取. La thập: «Thọ và bất thọ, tức chấp thủ tướng và không chấp thủ tướng.»
[6] VCX: «Không chấp thủ thì không có gì là sở đắc. Không sở đắc nên không tăng không giảm.»
[7] Đức Đỉnh 德頂; VCX: Thắng Phong 勝峰. Skt. Śrīkūṭa.
[8] Thiện Túc 善宿; VCX: Diệu Tinh 妙星. Sunakṣatra.
[9] VCX: tán động và tư duy 散動思惟.
[10] Thiện Nhãn 善眼; VCX: Diệu Nhãn 妙眼. Skt. Sunetra.
[11] Diệu Tý 妙臂. Skt. Subāhu. Chi Khiêm: Thiện Đa 善多.
[12]
Phất-sa 弗沙; La-thập nói: «Đây là sao Quỷ trong 28 tinh tú. Tức Skt.
Puṣya(nakṣatra). VCX: Dục Dưỡng 育養 . Theo đây thì Skt. là Poṣa (nuôi
lớn)., sự thịnh vượng, phát đạt. Chi Khiêm: Phụng Dưỡng 奉養.
[13] VCX: «Có tội và không tội.»
[14] Sư Tử Ý 師子意; VCX: Sư Tử Tuệ 師子慧. Skt. Siṃhamati. Chi Khiêm: Dũng Ý 勇意.
[15] Tịnh Giải 淨解; VCX: Tịnh Thắng Giải 淨勝解. Śuddhādhimukta.
[16]
Ly nhất thiết số 離一切數 . VCX: viễn ly các hành 遠離諸行 . Trong bản
La-thập, Skt. đọc là abhisaṃkhyā, con số, sự tính đếm. Trong bản VCX,
Skt. abhisaṃskāra, hành, tác hành. Khuy Cơ (T38n1782_p1092a12): «Viễn
ly hết thảy các hành hữu vi.»
[17] VCX: giác tuệ như không 覺慧如空. VCS (T38n1782_p1092a11): «Khởi giác tuệ, tức trí quán vô vi như không.»
[18] Na-la-diên 那羅延. Skt. Nārāyaṇa, con người nguyên thuỷ, Kim cang lực sĩ. Chi Khiêm: Nhân Thừa 人乘 (Skt. Narayāna).
[19]
Bất dật 不溢. La-thập: “Bản Phạn nói là lưu 流 .” VCX: vô lưu 無流. VCS
(T38n1782, p1092a16): «Cựu dịch là dật, có nghĩa là lưu dật 流溢 (chảy
tràn).»
[20] Thiện Ý 善意. VCX: Điều Thuận Tuệ 調順慧. Skt. Suvinitamati.
[21] VCX: «Liễu tri sinh tử tự tính vốn không; không lưu chuyển, cũng không tịch diệt.»
[22] Hiện kiến 現見. Chi Khiêm: Mục Kiến 目見.
[23]
La-thập: «Pháp bị huỷ diệt mà không hoàn toàn diệt tận, nên nói là bất
tận.» VCX (T38n1782, p1092b02): «Cựu dịch…không còn cái gì để có thể
tận cùng hơn nữa, cho nên cái hữu tận chính là cái vô tận.»
[24]
Nhảy một đoạn trong bản của La-thập. VCX: «Lại nữa, hữu tận, là trong
từng sát na, từng sát na, không có cái hữu tận thì đó là vô tận. Không
có cái hữu tận, nên cái vô tận cũng không. Thấu hiểu tự tính của hữu
tận và vô tận vốn không, đó là nhập bất nhị pháp môn.»
[25] Phổ Thủ 普守. VCX: Phổ Mật 普密. Skt. Samantagupta. Chi Khiêm: Phổ Bế 普閉.
[26] Điện Thiên 電天. Chi Khiêm: Minh Thiên 明天.
[27] VCX: «Minh và vô minh đều bất khả đắc. Không thể tính toán; siêu việt con đường tính toán.»
[28] Hỷ Kiến 喜見. Chiêm Khiêm: Ái Cẩn 愛覲.
[29] Minh Tướng 明相 . VCX: Quang Tràng 光幢 (Skt. Prabhādvaja). Chi Khiêm: Quang Tạo 光造 (Skt. Prabhākara).
[30]
Tứ chủng 四種 . La-thập, đây chỉ tứ đại tức bốn đại chủng (mahābhūtāni).
VCX: «Bốn giới (dhātu) và không giới (ākāśa-dhātu) là hai.» Xem Câu-xá
i.12: đại chủng vị tứ giới 大種謂四界 .
[31] Tiền tế 前際 (Skt. pūrva-koṭi), biên tế tối sơ của thời gian.
[32] Diệu Ý 妙意. VCX: Diệu Huệ 妙慧. Skt. Sumati.
[33] Vô Tận Ý 無盡意. VCX: Vô Tận Tuệ 無盡慧. Skt. Akṣayamati.
[34] Thâm Tuệ 深慧. VCX: Thậm Thâm Giác 甚深覺. Chi Khiêm: Thâm Diệu 深妙.
[35] VCX: không, vô tướng, vô nguyện.
[36] VCX: «(…) trong vô nguyện nay không có tâm, không có ý, không có thức để có thể được vận chuyển.»
[37] Tịch Căn 寂根. VCX: Tịch tĩnh căn 寂靜根. Skt. Śāntendiya (Cf. Gaṇḍ., Rāstr., Śikṣ.)
[38] Tâm Vô Ngại 心無閡. VCX: Vô Ngại Nhãn 無礙眼. Chi Khiêm: Bất Huỷ Căn 不毀根.
[39]
La-thập: «Thân là năm thủ uẩn. Thân diệt là Niết bàn.» VCX: tát-ca-da
薩迦耶 và tát-ca-da diệt 薩迦耶滅 . Skt. satkāya, satkāya-nirodha.
[40] Thượng Thiện 上善. VCX: Thiện Điều Thuận 善調順. Chi Khiêm: Thiện Đoạn 善斷.
[41] VCX: ba luật nghi (Skt. saṃvara, sự phòng hộ).
[42] Phước Điền 福田. Chi Khiêm: Phước Độ (Phúc Thổ) 福土.
[43]
Tội hành 罪行, chỉ các nghiệp bất thiện. Phước hành 福行: nghiệp thiện
Dục giới. Bất động hành 不動行: nghiệp thuộc Sắc và Vô sắc giới.
[44] Hoa Nghiêm 華嚴.
[45] Đức Tạng 德藏. VCX: Thắng Tạng 勝藏. Skt. Śrīgarbha (Cf. Saddh., Mvyut.). Chi Khiêm: Thủ Hoài 首懷.
[46] Nguyệt Thượng 月上. Chi Khiêm: Nguyệt Thạnh 月盛.
[47] Bảo Ấn Thủ 寶印手. Skt. Ratnamudrahasta; Mvyut.
[48] Châu Đỉnh Vương 珠頂王. VCX: Châu Kế Vương 珠髻王. Skt. Maṇicūḍarāja, cf. Mvyut.. Lal.v. Chi Khiêm: Tâm Châu Lập 心珠立.
[49]
VCX: «Người an trụ Cánh đạo thì cứu cánh không hành tà đạo. Vì không
hành (không đi) cho nên không có hai tương tà đạo và chính đạo.»
[50] Lạc Thật 樂實. VCX: Đế Thật 諦實 . Chi Khiêm: Thành Lạc Ngưỡng 誠樂仰.
[51] La-thập: vô ngôn 無言, vô thuyết 無說, vô thị 無示, vô thức 無識. VCX: vô ngôn, vô thuyết, vô biểu, vô thị 無表無示.