Bấy
giờ, Phật đang giảng Pháp tại vườn cây Am-la. Mặt đất bỗng hóa thành
trang nghiêm và lớn rộng mênh mông. Tất cả chúng hội đều ánh sắc vàng
ròng.
A-nan bạch Phật:
«Bạch
Thế Tôn, vì sao có điềm lành này? Vì sao nơi đây bỗng trở nên trang
nghiêm và rộng lớn và chúng hội đều ánh sắc vàng ròng?»
Phật bảo:
«Vì Duy-ma-cật và Văn-thù-sư-lợi, với đại chúng đang cung kính vây quanh, khởi ý muốn đến đây, nên có điềm tốt lành này.»
Lúc ấy, Duy-ma-cật nói với Văn-thù-sư-lợi:
«Bây giờ chúng ta hãy đến viếng Thế Tôn để chư Bồ tát có thể đảnh lễ cúng dường Ngài.»
Văn-thù-sư-lợi nói:
«Lành thay, chúng ta hãy đến đó. Nay chính là lúc nên đi.»
Duy-ma-cật
liền dùng thần lực mang hết hội chúng và các tòa sư tử của họ trong
lòng tay phải bay sang chỗ Phật ngự. Khi đến nơi, đáp xuống đất,
Duy-ma-cật dập đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu từ bên phải vòng
quanh Ngài bảy lần, rồi chắp tay cung kính đứng sang một bên. Chư Bồ
tát rời bảo tòa của họ để dập đầu đảnh lễ dưới chân Phật và cũng đi
nhiễu vòng quanh Phật bảy lần, đoạn chắp tay cung kính đứng sang một
bên. Các đại đệ tử Phật cùng với Đế-thích, Phạm-thiên và Tứ Thiên vương
cũng rời bảo tòa của họ, dập đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu vòng
quanh Ngài bảy lần rồi chắp tay cung kính đứng sang một bên.
Thế
Tôn theo Pháp chào hỏi chư vị Bồ tát, rồi bảo họ ngồi lại các bảo tòa
sư tử để nghe Ngài thuyết giảng. Đại chúng vâng lời dạy. Khi mọi người
đã an tọa, Phật hỏi Xá-lợi-phất:
«Ngươi có thấy những gì được làm bằng thần lực tự tại của các Đại sỹ rồi chăng?»
Xá-lợi-phất thưa
«Bạch Thế Tôn, con đã nhìn thấy.»
«Ý ngươi nghĩ sao?»
Xá-lợi-phất thưa:
«Thế Tôn, con thấy các ngài đã thực hiện những sự bất khả tư nghị, tâm người không thể nghĩ tưởng cũng chẳng thể đánh giá.»
Lúc ấy A-nan bạch Phật:
«Bạch Thế Tôn, con nay nghe mùi hương chưa từng có trước đây. Đó là hương gì vậy?»
Phật dạy:
«A-nan, đó là hương thơm toát ra từ chân lông của chư vị Bồ tát đây.»
Lúc ấy, Xá-lợi-phất nói với A-nan:
«Chân lông của chúng tôi cũng có hương thơm như vậy.»
A-nan hỏi Xá-lợi-phất:
«Mùi hương đó do đâu mà có?»
Xá-lợi-phất đáp:
«Do
cư sĩ Duy-ma-cật đã nhận cơm dư từ Phật ở cõi Chúng hương, và ai ăn
được cơm này ở nhà của Cư sỹ đều tỏa mùi thơm ngát từ các lỗ chân lông
như vậy.»
A-nan lại hỏi Duy-ma-cật:
«Mùi hương này kéo dài được bao lâu?»
Duy-ma-cật đáp:
«Kéo dài đến khi tiêu hóa hết cơm.»
A-nan hỏi:
«Hương đó tồn tại bao lâu?»
Duy-ma-cật đáp:
«Thế
lực của cơm này kéo dài đến bảy ngày. Sau một tuần mới tiêu hóa hết.
Này A-nan, hàng Thanh-văn chưa nhập Chánh vị[1] mà ăn cơm này, khi nào
nhập Chánh vị rồi cơm mới tiêu hết. Những người đã nhập Chánh vị ăn cơm
này, khi nào chứng đắc tâm giải thoát[2] cơm mới tiêu hết. Những người
chưa phát tâm Đại thừa ăn cơm này, cho đến khi phát tâm Đại thừa rồi
cơm mới tiêu hết. Những người đã phát tâm Đại thừa ăn cơm này, chứng
đắc vô sanh pháp nhẫn[3] rồi cơm mới tiêu hết. Những người đã chứng vô
sanh pháp nhẫn ăn cơm này, cho đến nhất sinh bổ xứ[4] cơm mới tiêu hết.
Ví như loại thuốc có tên là thượng vị,[5] uống vào cho đến trị dứt mọi
thứ độc rồi mới tiêu hết. Cơm này cũng vậy, khi diệt trừ hết mọi thứ
độc của phiền não thì mới tiêu hết.»
A-nan thưa với Phật:
«Thật là chưa từng có! Bạch Thế Tôn, thứ cơm thơm này hẳn có thể làm Phật sự.»
Phật bảo:
«Đúng
vậy, A-nan, đúng như vậy. Có cõi Phật lấy ánh quang minh của Phật làm
Phật sự. Có cõi lấy chư Bồ tát làm Phật sự. Có cõi lấy hóa nhân làm
Phật sự. Có cõi lấy cây bồ-đề làm Phật sự. Có cõi lấy y phục, ngọa cụ
của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy cơm làm Phật sự. Có cõi lấy hoa viên,
đền các làm Phật sự. Có cõi lấy ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ
đẹp của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy thân Phật làm Phật sự. Có cõi lấy
hư không làm Phật sự; chúng sinh nhờ các duyên này mà có thể nhập luật
hạnh. Hoặc bằng mộng, huyễn, ảnh, tiếng vang, bóng trong gương, trăng
dưới nước, quáng khi trời nhiệt; bằng các thí dụ như vậy mà làm Phật
sự. Hoặc bằng âm thanh, ngôn ngữ, văn tự mà làm Phật sự. Hoặc bằng cõi
Phật thanh tịnh, tịch mịch vô ngôn vô thuyết, không hiển thị, vô thức,
vô tác, vô vi mà làm Phật sự. Như vậy, A-nan, mọi hành vi thi thiết của
chư Phật, mọi oai nghi cử chỉ, không có gì không phải là Phật sự.
«Này
A-nan, có bốn loại ma này, tám vạn bốn nghìn cánh cửa phiền não này;
chúng sinh vì thế mà khổ nhọc. Chư Phật bèn lấy ngay các pháp này mà
làm Phật sự. Đó gọi là Pháp môn ngộ nhập hết thảy chư Phật.
«Bồ
tát khi nhập Pháp môn này, nếu thấy hết thảy cõi Phật thuần tịnh mà
không vui mừng, không tham, không tự cao. Nếu thấy hết thảy cõi Phật
bất tịnh, không buồn phiền, không bất mãn,[6] hay thất vọng. Nhưng ở
nơi chư Phật sanh tâm thanh tịnh, hoan hỷ cúng kính, cho là chưa từng
có. Công đức của chư Phật Như Lai vốn bình đẳng,[7] vì muốn giáo hóa
chúng sinh mà hiện các cõi Phật không giống nhau.
«Này
A-nan, ngươi thấy đất của các cõi Phật có nhiều chỗ khác nhau[8] nhưng
hư không chẳng có nhiều chỗ khác nhau. Cũng vậy, ngươi thấy sắc thân
Phật tuy nhiều vẻ khác nhau, nhưng trí tuệ vô ngại không có nhiều dạng
nhau.
«A-nan, sắc thân của
chư Phật, uy tướng, chủng tính, giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải
thoát tri kiến, lực, vô úy, các pháp bất cộng, đại từ, đại bi, oai nghi
sở hành, cho đến thọ mạng, thuyết Pháp giáo hóa, chúnh sanh được thành
tựu, cõi Phật thanh tịnh, đầy đủ các Phật pháp, thảy đều đồng đẳng. Do
đó gọi là Tam-miệu-tam-Phật-đà, gọi là Đa-đà-a-già-độ, gọi là
Phật-đà.[9] Này A-nan, nếu ta giảng đầy đủ ý nghĩa của ba danh hiệu này
thì trải qua tuổi thọ của ngươi một kiếp cũng chưa nghe hết. Giả sử
chúng sinh đầy cả ba nghìn đại thiên thế giới đều như A-nan, đa văn đệ
nhất, được tổng trì ghi nhớ; tất cả những người này trải qua tuổi thọ
một kiếp cũng không thể lãnh hội hết. Vì vậy, A-nan, A-nậu-đa-la
tam-miệu-tam-bồ-đề của chư Phật là vô hạn vô lượng, trí tuệ và biện tài
của các Ngài là bất khả tư nghị.»
A-nan bạch Phật:
«Từ nay trở đi con không dám tự cho mình là người đa văn bậc nhất.»
Phật nói:
«A-nan,
chớ thối chí. Vì sao? Vì ta nói ngươi là người đa văn bậc nhất trong
hàng Thanh-văn chứ không phải Bồ tát. Nhưng hãy thôi, A-nan, bậc trí
giả chẳng ai đo lường chư Bồ tát. Tất cả biển sâu còn có thể đo lường,
nhưng thiền định, trí tuệ, tổng trì, biện tài và công đức của Bồ tát
thì bất khả lượng. Này A-nan, hãy gác lại các sở hành của Bồ tát. Với
các thần thông lực mà Duy-ma-cật đã thể hiện hôm nay, hết thảy
Thanh-văn và Bích-chi-Phật dù có tận lực biến hóa trong trăm ngàn kiếp
cũng chưa thể thực hiện được.»
Bấy giờ, chư Bồ tát cõi Chúng hương đồng cung kính chắp tay bạch Phật:
«Bạch
Thế Tôn, lúc mới nhìn thấy thế giới này chúng con có ý tưởng nó thấp
kém, bây giờ hối hận, chẳng còn ý đó nữa. Vì sao? Vì các phương tiện
diệu dụng của chư Phật thật là bất khả tư nghị. Vì để cứu độ chúng sinh
mà các Ngài tùy chỗ thích hợp thị hiện các cõi Phật khác nhau. Bạch
Thế Tôn, nguyện ban cho chúng con chút Pháp để khi trở về chúng con có
thể luôn tưởng nhớ Như lai.»
Phật bảo các Bồ tát:
«Có
Pháp môn giải thoát gọi là Hữu tận Vô tận Vô ngại, mà chư vị nên học.
Cái gì tận? Đó là pháp hữu vi. Cái gì vô tận? Đó là pháp vô vi. Chư Bồ
tát, không đoạn tận hữu vi,[10] không an trụ vô vi.
«Không đoạn tận hữu vi là thế nào? Là không rời đại từ; không xả đại
bi; sâu sắc phát tâm cầu nhất thiết trí không giải đãi; giáo hóa chúng
sinh không hề biết mệt mỏi; thường niệm thuận hành bốn nhiếp pháp; hộ
trì chánh Pháp không tiếc thân mạng; vun trồng thiện căn không hề chán
nãn; chí thường an trụ phương tiện hồi hướng; cầu Pháp không lười;
thuyết giáo không tiếc lẫn; vì cần mẫn cúng dường chư Phật nên vào chỗ
sinh tử mà không sợ; đối với các sự vinh nhục tâm không buồn không
mừng; không khinh người chưa tu học; kính trọng người học như kính
Phật; giúp người đọa lạc trong phiền não phát sinh chánh niệm; đối với
lạc thú viễn ly mà không cho là quý;[11] không mê đắm lạc của riêng
mình mà chúc mừng cho lạc của người; trong các thiền định mà có ý tưởng
như trong địa ngục; ở trong sinh tử mà có ý tưởng như trong hoa viên;
thấy người đến cầu mình mà có ý tưởng như gặp bậc thiện sư; xả bỏ tất
cả sở hữu mà có ý tưởng là đầy đủ nhất thiết trí; thấy người phạm giới
liền khởi ý cứu hộ; tưởng sáu Ba-la-mật là cha mẹ; tưởng pháp trợ đạo
là quyến thuộc; phát hành thiện căn không giới hạn; lấy sự trang nghiêm
các quốc độ mà thành tựu cõi Phật của mình; hành bố thí vô hạn để cho
đầy đủ 32 tướng tốt; trừ tất cả mọi điều ác để thanh tịnh thân, khẩu,
ý; trôi lăn trong sinh tử vô số kiếp cũng không nhụt chí dũng mãnh;
quyết tâm không mệt mỏi lắng nghe vô lượng công đức Phật; dùng kiếm trí
tuệ phá giặc phiền não; siêu xuất uẩn, xứ, giới, để gánh vác chúng
sinh khiến cho vĩnh viễn giải thoát;[12] lấy đại tinh tấn hàng phục ma
quân; thường cầu trí tuệ thật tướng vô niệm;[13] hành thiểu dục tri túc
mà không bỏ pháp thế gian;[14] không huỷ hoại oai nghi mà vẫn tùy thế
tục khởi trí tuệ thần thông dìu dắt chúng sinh; được niệm tổng trì,
không quên những điều đã nghe; biết rõ căn tánh của chúng sinh khiến
đoạn lìa nghi hoặc; bằng biện tài lưu loát mà diễn thuyết không trở
ngại; thanh tịnh mười nghiệp đạo thiện, lãnh thọ phước báo của trời và
người; tu bốn vô lượng để mở đường Phạm thiên;[15] khuyến thỉnh thuyết
pháp, tuỳ hỷ tán dương việc thiện, để được âm thanh của Phật; khéo giữ
thân, khẩu, ý để được oai nghi Phật; thâm tu thiện pháp cho sở hành
càng siêu việt; bằng Đại thừa giáo mà thành Bồ tát tăng;[16] tâm không
phóng dật để chẳng mất các thiện đức.
«Hành trì Pháp như vậy là Bồ tát không tận hữu vi.
«Thế
nào là Bồ tát không trụ vô vi? Tu học Không mà chẳng lấy Không làm chỗ
chứng đắc; tu học Vô tướng, Vô tác mà không lấy Vô tướng, Vô tác làm
sở chứng; tu học vô khởi mà không lấy vô khởi làm sở chứng; quán vô
thường mà không nhàm chán gốc thiện; quán sự khổ của thế gian mà không
chán ghét tử sinh; quán vô ngã mà dạy người không mệt;[17] quán niết
bàn mà không vĩnh viễn tịch diệt; quán viễn ly mà thân tâm vẫn thường
hành việc thiện; quán không có chỗ quy về[18] mà tâm vẫn quy về thiện
pháp;[19] quán vô sinh nhưng vẫn bằng sinh pháp mà gánh vác tất cả;[20]
quán vô lậu mà không đoạn trừ các lậu; quán không có chỗ sở hành mà
vẫn hành pháp giáo hóa chúng sinh; quán Không[21] mà không xả đại bi;
quán chánh pháp vị mà không theo lối Tiểu thừa;[22] quán các pháp hư
vọng, không bền chắc, không người, không chủ, không hình tướng, nhưng
vì bản nguyện chưa đầy nên không xem là hư dối các công đức, thiền
định, trí tuệ.[23]
«Tu tập những pháp như vậy, gọi là Bồ tát chẳng trụ vô vi.
«Lại
nữa, vì để đầy đủ phước đức nên không trụ vô vi. Vì để đầy đủ trí tuệ
nên không tận hữu vi. Vì đại bi, không trụ vô vi. Vì để viên thành bản
nguyện, không tận hữu vi. Để gom tập pháp dược, không trụ vô vi. Để tùy
bệnh cho thuốc, không tận hữu vi. Vì biết bệnh của chúng sinh, không
trụ vô vi. Vì để diệt bệnh của chúng sinh nên chẳng tận hữu vi.
«Này
các Chánh sỹ, Bồ tát sau khi đã tu pháp này, không tận hữu vi, không
trụ vô vi; do đó gọi là pháp môn giải thoát tận vô tận, các ngươi nên
học.»
Bấy giờ, các Bồ
tát kia sau khi nghe thuyết pháp này, thảy đều hoan hỷ, dùng các loại
diệu hoa đủ thứ hương sắc rải khắp tam thiên đại thiên thế giới để cúng
dường Phật và Kinh Pháp này, cùng chư Bồ tát. Sau đó, cung kính đảnh
lễ chân Phật, tán thán là chưa từng được nghe rằng:
«Phật Thích-ca-mâu-ni đã có thể ở cõi này khéo léo thi hành phương tiện!»
Nói xong, hốt nhiên biến mất, trở về cõi kia.
[1]
Chánh vị 正位. VCX: chánh tánh ly sanh vị 正性離生位 . Đây chỉ giai đoạn
Thanh văn kiến đế, tức thấy bôn Thánh đế, chứng Tu-đah-hoàn, nhập Thánh
vị.
[2] Skt. ceto-vimukti.
Đây chỉ chứng đắc A-la-hán quả. Cf. Mahāli-suttam (D.i. 156): bhikkhu
āsavānaṃ khāya anāsavaṃ cetovimuttiṃ paññā-vimuttiṃ diṭṭhe va dhamme
sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharati, «Tỳ kheo, diệt tận lậu,
ngay trong hiện pháp, bằng thắng trí, tự thân chứng nghiệm vô lậu tâm
giải thoát, tuệ giải thoát; sau khi chứng nhập, an trú.» Khuy Cơ
(T38n1782_p1099c17): «Tâm giải thoát, chỉ bậc A-la-hán đắc câu (phần)
giải thoát; vì chứng đắc tám Giải thoát, vượt qua các các dục và những
chướng ngại định để chứng giải thoát thoát và Niết-bàn.»
[3] Khuy Cơ, đây chỉ Bồ tát nhập Sơ địa.
[4] Nhất sanh bổ xứ 一生補處; VCX: nhất sanh hệ vị 一生繫位; còn một đời nữa sẽ thành Phật. Skt. ekajātipratibaddha.
[5]
Thượng vị 上味. VCX: tối thượng vị 最上味. Skt. agada-bhaiṣajya, thuốc
vạn năng tiêu độc. Nhưng các bản Hán đều đọc agra-rasa. Chi Khiêm:
a-hôn-đà dược 阿昏陀藥.
[6] Bất ngại 不閡 . VCX: bất nhuế 不恚. không oán hận. Skt. apratigha.
[7] VCX: «…bình đẳng viên mãn, vì đã chứng đắc tính cứu cánh chân thật bình đẳng của hết thảy pháp.»
[8] VCX: «đất tuy có ưu thắng, hạ liệt bất đồng.»
[9]
Tam-miệu-tam-Phật-đà 三藐三佛陀, Skt. Samyaksambuddha, Chánh đẳng chánh
giác hay Chánh biến tri. Đa-đà-a-già-độ 多陀阿伽度, Skt. Tathāgata, Như
lai.
[10] La-thâp: «Hữu vi
tận, là vô thường diệt tận. Vô vi tận, là bằng trí tuệ mà đoạn trừ
khiến cho diệt tận.» Khuy Cơ: «Tận…, sát na tận diệt. Hữu vi có tận,
nhưng vô vi thì không.»
[11]
La-thập (Đại 38, tr.0407a20): «Xuất gia ly dục, và thiền định, trí tuệ,
lìa các vọng tưởng, đều gọi là viễn ly lạc.» Tăng Triệu: «Đạo độc
thiện, thì có gì là quý?» VCX: «Không đắm nhiễm trong lạc thú viễn ly.»
[12] VCX: «Vì muốn mang gánh nặng của chúng sinh nên cầu biến liễu tri uẩn, xứ giới.”
[13]
La-thập: «Vô niệm. là niệm không chấp thủ tướng. Phàm phu hành trí tuệ
hữu niệm, nên kiêu mạn càng cao, cho nên Bồ tát cầu trí vô niệm.» VCX:
«Vì để hộ trì Chánh pháp nên xa lìa kiêu mạn, cần cầu trí tuệ giáo hoá
thiện xảo.»
[14] VCX: «Vì để giáo hoá chúng sinh còn nặng ái dục mà thường thích tập hành thiểu dục tri túc.»
[15] CDM: «Biệt bản nói, tu bốn vô lượng để sinh Phạm thiên.»
[16] VCX: «Để khéo điều ngự Bồ tát tăng.»
[17]
Nhảy sót trong bản La-thập. VCX: «Tuy vui quán sát bên trong không tự
ngã nhưng không rốt ráo chán ghét bản thân. Tuy vui quán sát bên ngoài
không hữu tình, nhưng thường hoá đạo mà không hề mệt mỏi.»
[18] La-thập: «Các pháp từ khởi thuỷ không từ đâu đến, chung cục không đi về đâu.»
[19] VCX thêm:«Tuy vui quán sát không A-lại-da nhưng không xả bỏ pháp tạng thanh bạch.»
[20] VCX: «… mà vẫn ở trong sinh tử lưu chuyển bất tuyệt.»
[21] VCX: quán vô ngã.
[22] VCX: «Tuy quán vô sinh mà không ở nơi Tiểu thừa không đọa chánh vị.»
[23]
VCX: «Tuy quán các pháp rốt ráo không tịch mà vần không coi phước đức
được tu tập là không tịch. Tuy quán các pháp rốt ráo viễn ly mà vẫn
không viễn ly trí tuệ được tu tập. Tuy quán các pháp không chắc thật mà
thường an trú viên mãn tư duy. Tuy quán các pháp rốt ráo vô chủ mà
thường tinh tấn cầu tự nhiên trí. Tuy quán các pháp vĩnh viễn không
tiêu xí mà gieo trồng hạt giống Phật một cách trọn nghĩa.»