Chương 3.
Vòng Nghiệp
Vòng
nghiệp chia hai: Nửa bên nền đen có những người trần truồng ngã nghiêng té nhào
đầu hướng xuống. Đây là những người đáng thương đi vào tăm tối. Sát sanh, trộm
cắp, tà dâm… là nghiệp đen, là hành động của thú tánh, cảnh dưới, cảnh tam đồ
nên đưa về cảnh thú. Nửa bên nền trắng có bốn chúng đệ tử tay cầm đèn sáng đi
lên. Tỳ kheo, tỳ kheo ni đang cầm đuốc soi đường cho các ưu bà tắc và ưu bà di.
Đây là hình ảnh của những người đi vào ánh sáng, thế nên trên nền trắng.
Chúng ta có những địa ngục trong
nhà với những cảnh: sáng chặt đầu cá, moi ruột, róc vẩy; trưa bát canh cua,
luộc ốc nấu sống trên bếp, tối cắt cổ gà, lấy huyết. Tiệc tùng lớn thì giết
trâu, mổ lợn… Chúng ta tạo địa ngục từ ngày này đến ngày khác, năm này đến năm
khác, không ngày nào tha chúng sanh. Trẻ làm quỷ sứ để hầu chồng, hầu con; lớn
lên hầu cháu hầu chít, lo làm vừa lòng những bữa cỗ trong gia đình.
Con gà, có cá, con trâu, con
heo… chúng cũng thở bằng mũi, ăn bằng miệng, cũng hai lá phổi, cũng nhìn bằng
mắt, nghe bằng tai, cũng da bọc thịt, thịt bọc xương, cũng một lá gan như mình
mà sao mình lại cứa cổ nó, cướp da, cướp thịt nó để nuôi miệng mình. Thết đãi
khách chúng ta cứ cho là có gà vịt mới sang, mới quý. Vì thế, làm ác mà không
biết là ác, không hổ thẹn. Một đời sát hại như vậy. Rồi đến lúc hấp hối, chúng
ta mời chư tăng ni đến tụng kinh gõ mõ cầu siêu một, hai giờ để đưa chúng ta về
cực lạc thì chúng ta nghĩ có dễ không?
Còn trong lúc giao thiệp buôn
bán, mình xoay sở dối trá cầu lợi quá đáng, thành mình vẫn mặc áo đẹp, vẫn
nhung, vẫn gấm mà vẫn phạm giới ăn cắp. Khổ nỗi lại vương vương tự đắc cho là
khôn, là tài. Cho nên chúng ta vẫn cứ ở trong vòng đen, vẫn sai quấy, vẫn trần
truồng (không biết hổ thẹn) mà không tự biết và nằm nghiêng ngửa (ác nghiệp là
ngã té).
Vì thế, chỉ khi nào có chư tăng
ni dẫn đường, quý vị mới đi trên đường trắng, tạo những nghiệp lành. Đức Phật
không bắt chúng ta làm những điều khó. Chỉ cần đừng làm ác là lành rồi. Không
sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối… đó là lành rồi. Đi trên con đường trắng,
chúng ta đi về cõi trời, người. Nếu cứ sát sanh, trộm cắp, dối láo, hai lưỡi,
nói lời độc ác và những thói xấu là ở trong vòng đen, trần truồng không biết.
Sai quấy mà không tự biết.
Đức Phật dạy từ cõi thú trở về
cõi người khó hơn con rùa mù tìm được bọng cây nổi.
Có một con rùa mù ở đáy biển.
Một trăm năm mới có cơ duyên ngóc đầu lên mặt nước một lần. Rùa ao ước được
chui đầu vào một bọng cây đang bị sóng vỗ đẩy trôi khắp nẻo đại dương bao la.
Rùa mù: mù là
vì còn ngã, pháp chấp. Trăm năm:
thời gian dài đọa lạc trong ác đạo. Đây nói tượng trưng trăm năm, chứ thật ra
mình trăm ngàn vạn kiếp rồi, từ vô thủy không đếm nổi. Ngóc đầu: thoát thân ác thú. Bọng cây: tử cung của người nữ (chứ
không phải là con thú cái). Nơi bào thai thành tựu thân người. Sóng vỗ đẩy trôi: Trùng trùng nhân
duyên biến đổi, kiếp này sang kiếp khác.
Trong Quy sơn cảnh sách cảnh
tỉnh chúng ta về sự vô thường, hãy quay về đường lành giác tỉnh qua câu chuyện
‘người bị voi dữ đuổi’.
Chuyện rằng có người chạy thục mạng
vì bị voi điên rượt. Gặp giếng nước cạn liền nắm vội rễ cây đa tuột xuống. Nào
ngờ dưới đáy giếng có bốn con rồng đói khát, mắt đỏ rực đang ngửa lên phun lửa.
Bốn bên thành giếng lại có bốn con rắn độc thè lưỡi nhe nang phà hơi độc. Sợ
quá! chỉ còn trông cậy ở hai sợi dây đa tòn teng để tạm sống. Khốn nổi! sợi
giây yếu quá! khô quá! sức nặng của người đó trì xuống. Lại oái ăm thay! có hai
con chuột, một trắng và một đen bên thành giếng cứ thay nhau gặm và nghiền rễ
đa, khiến sợi dây mòn dần, cứa dần… Giữa lúc mạng sống tòn teng mỏng manh sắp
chết đó, trong lúc bối rối, người ấy ngửa mặt lên trời, bỗng đâu có năm con ong
bay qua giếng và để rơi xuống năm giọt mật. Mãi liếm mật ngọt, vị này ngây ngất
và khoái chí hưởng thụ, quên hết những sự nguy hiểm, nguy nan đang rình rập lấy
mình.
Trong chuyện, voi đuổi là tượng trưng cho sự vô
thường bức bách, con người đi đến cái chết. Rễ
đa tòn teng trong giếng: Mạng sống mong manh của kiếp người tức
kiếp trược. Ba con rồng: tham
sân si nung đốt kích thích chúng ta tạo nghiệp. Chỉ chờ mạng sống đứt là rơi
vào ba cõi. Bốn rắn: ổ bịnh
hoạn. Chuột đen và trắng:
Ngày và đêm trôi qua, sanh mạng mòn dần, cái chết sập đến. Năm giọt mật: mãi say mê liếm mật ngọt
lịm của năm dục, năm trần, quên cả nguy nan, lo âu nguy hiểm. Thế nên, vô
thường vội vàng, mệnh trong hơi thở, nỗ lực tiến tu, chớ nhàn nhã qua ngày, qua
tháng như cá cạn nước còn mong mỏi thú vui gì.
Có một người tù biết ba ngày nữa
sẽ đưa ra ải để tử hình. Vị thầy vào thăm và hỏi con sẽ làm gì trong những ngày
còn lại? Đáp: Con chỉ có một việc là niệm Phật và cầu nguyện cho được vãng sanh
về cõi Cực Lạc.
Chúng ta ai cũng phải chết. Đó
là cái chắc chắn, nhưng vì không biết được ngày chết nên chúng ta cứ nhởn nhơ
như cá cạn nước mà không biết. Người tử hình kia may mắn biết được ngày giờ nên
có sự chuẩn bị tư lương.
Niệm niệm lìa trần, tâm tâm xuất
thế. Chúng ta từ vô thủy kiếp mê đắm sắc thân bốn đại, luân chuyển chịu báo. Mê
càng chứa mê từ khổ vào khổ. Gió cảnh thuận nghịch dậy sóng yêu ghét, khiến
chúng ta càng chìm sâu trong vô minh phiền não. Các tổ cảnh sách để chúng ta
tỉnh mộng thế gian. Nương pháp thuyền từ qua bến sanh tử.
Kinh Pháp Cú dạy làm ác (đen) và
thiện (trắng):
“Nay
buồn, đời sau buồn,
Kẻ ác hai đời buồn.
Buồn nản tự diệt mình,
Thấy việc ác mình làm”. (1)
“Nay
vui, đời sau vui,
Người thiện hai đời vui,
An vui quá an vui,
Thấy việc thiện mình làm.” (2)
Kinh Lăng Nghiêm (3) khai thị về
phận trong và phận ngoài của chúng sanh như sau:
Đức Phật dạy: A-nan, tất cả
chúng sanh thật vốn chân tánh thanh tịnh, nhân những vọng kiến mà có tập khí hư
vọng sinh ra, vì thế chia ra có phận trong và phận ngoài.
1) A-nan nhân lòng ái nhiễm phát
khởi ra vọng tình, tình chứa mãi không thôi, có thể sinh ra ái thủy. Vậy nên
chúng sanh, tâm nhớ thức ăn ngon thì trong miệng nước chảy ra, tâm nhớ người
hoặc giận, hoặc thương thì trong con mắt lệ tràn, tâm tham cầu của báu thì
trong tâm phát ra ái diên, cả mình đều trơn láng, tâm nghĩ việc ái ân thì hai
căn nam nữ tự nhiên dịch khí chảy ra. A-nan các cái ái đó tuy khác nhau nhưng
kết quả chảy nước là đồng.
Thẩm ướt không lên được, tự
nhiên theo đó mà sa đọa, ấy gọi là phận trong, tức những ham muốn dục vọng thấp
kém bên trong của chúng ta. Những lòng ái nhiễm, tham dục đều là những vọng
tình thấm vào trong tâm thức, làm cho càng thêm nặng nề, do đó phải bị sa đọa,
đó là phận trong.
2) Nhân các lòng phát ngưỡng,
phát minh ra những lý tưởng, tưởng chứa mãi không thôi, có thể sinh ra những
thắng khí, vậy nên chúng sanh tâm giữ cấm giới cả mình nhẹ nhàng trong sạch;
chúng sanh tâm trì chú ấn, con mắt ngó hùng dũng nghiêm nghị; tâm muốn sinh lên
trời, chiêm bao thấy bay lên; để tâm nơi cõi Phật, thánh cảnh thầm hiện ra; thờ
vị thiện tri thức, tự khinh rẽ thân mệnh mình.
A-nan, các tưởng đó tuy khác
nhưng nhẹ nhàng cất lên thì đồng nhau, cất bay không chìm xuống, tự nhiên vượt
lên, đó là phận ngoài, tức nhàm chán kiếp khổ của chúng sanh và mơ ước được
giải thoát, chúng sanh phát ra những tư tưởng thanh cao nhằm thoát ly các sự mê
lầm, ô nhiễm. Những tư tưởng ấy, thuận theo lý trí, chống lại vọng tình, làm
cho tâm thức nhẹ nhàng, vượt lên các cõi trên, đó là phận ngoài.
Việc ác thuộc về phận trong.
Việc thiện thuộc về phận ngoài. Hai thứ này đua nhau lôi kéo tâm thức đi lên
hoặc đi xuống. Như thế tất cả lục đạo đều do chúng sanh tự mình gây ra nghiệp
nhân, rồi tự mình chịu lấy quả báo.
Quả báo giống nhau thì thọ cảnh
giới giống nhau.
Quả báo khác nhau thì thọ cảnh
giới khác nhau.
Do phận trong và ngoài tạo
nghiệp mà đưa đến vòng kế tiếp là vòng khổ của sáu đạo.
(1) Dhammapala, tr. Ven. Narada
Maha Thera, Maha Bodhi in Sarnath,
2000, (versse) kệ số 15.
(2) Nt, (versse) kệ số 16.
(3) Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Tâm Minh dịch, NXB TP HCM, 1999, tr.
683-7.