LỜI NÓI ĐẦU
Đã có đọc qua văn chương, triết lý của Hy Lạp, tôi thấy
người phương Tây quả là đã được thừa hưởng những giá trị tinh thần rất
quý giá của các danh nhân quân tử Hy Lạp. Nhưng triết học của Hy Lạp,
tôi vẫn cho là không sánh bằng triết học của Phật giáo. Khi đọc văn của
các vị Socrate, Aristote, Marc-Aurèle v.v… tôi thấy tư tưởng giống với
đạo Phật nhiều lắm nhưng thấp hơn; mường tượng với đạo Khổng, nhưng cao
hơn. Văn chương và triết học của các vị hiền triết Hy Lạp nghiêng về
thuyết thần quyền và ca tụng Thượng đế, vì các vị ấy lấy Thượng đế và
những đức tính của ngài làm chủ, còn Phật giáo thì lấy cái nghiệp quả
làm chủ. Như vậy, Phật giáo soi rọi vào chính mình, mà các vị kia thì
ngửa trông lên Thượng đế. Thêm một điều nữa, văn chương và triết học Hy
Lạp có nói đến sự cao thượng giải thoát trong cuộc sống, nhưng còn rất
mơ hồ, không cụ thể và rõ rệt như trong Phật giáo, vốn xem vấn đề này là
mục đích của con người.
Như vậy, lẽ nào người phương Đông chúng ta nỡ bỏ đi một nền học thuật,
triết lý, đạo đức quý báu như thế sao? Nếu mọi người đều biết cố gắng
học Phật, thường xuyên nghiền ngẫm những tư tưởng của Phật giáo, thì sẽ
có được nhiều ảnh hưởng rất quý giá về sự tiến hóa đạo đức, tinh thần.
Và nếu trong cả nước ta, dân chúng đều được thấm nhuần tư tưởng Phật
giáo, thì nền tảng đạo đức chung của xã hội sẽ được nâng cao rất nhiều,
mang lại những ích lợi thiết thực cho cuộc sống hơn là sự tụng niệm, vái
lạy, lễ bái suông mà không hiểu đạo.
Khi học hỏi giáo lý nhà Phật, chúng ta có thể dung hòa những điều hay
đẹp trong đó và áp dụng vào ngay trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi ngày đều
tụng đọc những lời dạy của chư hiền thánh, những kinh sách khuyên dạy
việc bỏ ác làm lành, thì thế nào lại chẳng được cảm hóa mà làm theo? Mà
như vậy tức là đã tu tập rồi, chẳng đợi phải cạo tóc vào chùa mới gọi là
tu. Còn những người không xem đến kinh điển, không chịu học tập những
lời dạy của thánh hiền, hàng ngày chỉ biết quỳ mọp lễ bái trước khói
nhang, trước những tượng cốt trên điện thờ, thì nhất thiết không thể dựa
vào đâu mà đạt được những giá trị cao quý đích thực của sự tu tập.
Thường ngày siêng năng xem kinh điển, học hỏi, nghiền ngẫm lấy những chỗ
tinh hoa thiết thực trong đó, không ngừng rèn luyện trí tuệ, tư tưởng
của mình, khiến cho lời nói trở nên hòa dịu, hành động trở nên thuần
thiện, thì tự nhiên nghiệp quả của mình cũng sẽ được chuyển đổi ngày
càng tốt đẹp, cao quý hơn vậy.
Mục đích của tôi khi soạn cuốn sách này là như vậy. Mong rằng quý độc
giả xem qua rồi được ý quên lời, vận dụng lấy những chỗ tinh hoa, hay
đẹp, mà lượng thứ cho những chỗ văn chương còn thô thiển, sai sót.