THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
Giáo lý Thập nhị nhân duyên cũng là một phần quan trọng
trong những giáo pháp mà đức Phật truyền dạy trước nhất. Theo giáo lý
này, tất cả vạn pháp đều sanh khởi và tồn tại, hủy diệt do nơi mười hai
nhân duyên. Hay nói khác đi, các nhân duyên này chi phối toàn bộ quá
trình sanh khởi của các pháp, như lời kệ sau đây:
Các pháp do nhân duyên mà sanh,
Các pháp do nhân duyên mà diệt.
Bậc đạo sư vĩ đại của chúng ta,
Thường giảng thuyết đúng thật như vậy.
諸法因緣生,
亦從因緣滅。
我佛大沙門,
常作如是說。
Chư pháp nhân duyên sanh,
Diệc tùng nhân duyên diệt.
Ngã Phật đại sa-môn,
Thường tác như thị thuyết.
° ° °
Mười hai nhân duyên được trình bày trong tương quan sanh khởi như sau
đây. Tuy nhiên, thứ tự trình bày ở đây hoàn toàn không có nghĩa là thứ
tự sanh khởi. Phải hiểu rằng mười hai nhân duyên là một xâu chuỗi tròn
khép kín, không có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Nếu phá bỏ được bất
cứ mấu chốt nào trong mười hai mấu chốt ấy, tức là sẽ phá vỡ được toàn
bộ sự liên kết của chúng.
1. Vô minh
Vô minh (無明), tiếng Phạn là Avidyā. Tức là sự mê tối, không hiểu đạo
pháp, không hiểu những chân lý, bản chất của vạn pháp. Nói cụ thể hơn là
không hiểu lý Tứ đế, không hiểu tính chất khổ não của đời sống. Chính
vì sự không hiểu ấy mà sinh ra Hành.
2. Hành
Hành (行), tiếng Phạn là Samskāras. Tức là những hành động tạo nghiệp, có
thể là các nghiệp lành, nghiệp dữ, hoặc không lành không dữ. Như vậy,
hành tức là sự tạo nghiệp, có thể do nơi ba nhân tố là thân, miệng và ý.
Hành vốn do Vô minh sanh khởi, nhưng khi sanh khởi rồi thì tự nó dẫn
đến Thức.
3. Thức
Thức (識), tiếng Phạn là Vijnna. Thức là sự nhận biết, thức tâm, tùy theo
nơi nghiệp lực mà sanh ra. Mà nghiệp lực chính là do Hành tạo tác, cho
nên nói Hành sanh ra Thức. Do Thức ấy mà chúng sanh biết phân biệt ta
với người, tâm với cảnh, hình thành nên một cái bản ngã riêng buộc mà
đối đãi với vạn pháp. Thức tâm ấy đã sanh khởi rồi, lại kết hợp với các
yếu tố vật chất như tinh cha, huyết mẹ... để hình thành một đời sống mới
của cá nhân, được hợp thành từ năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và
thức. Các phần thọ, tưởng, hành, thức đều vô hình, không thể nhìn thấy
được, còn sắc tức là hính sắc thì có thể dùng các giác quan mà cảm nhận
được. Cá thể đã hình thành, có đủ hai phần là Danh, tức là tên gọi; và
Sắc, tức là các sắc chất hình tướng. Gọi chung là Danh Sắc. Vì vậy nên
nói rằng Thức sanh ra Danh Sắc.
4. Danh sắc
Danh Sắc (名色), tiếng Phạn là Nmarpa. Tức là một cá thể hoàn chỉnh được
sanh khởi ra trong đời sống. Cá thể ấy đã có được sự nhận thức phân biệt
giữa ta và người, chủ thể và khách thể, nên do nơi đối tượng có sáu
trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh khởi sáu căn là mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Khi căn và trần đã sanh khởi rồi, do nơi
nghiệp lực mà sáu căn mới duyên theo lấy sáu trần, thành ra Lục nhập.
5. Lục nhập
Lục nhập (六入), tiếng Phạn là Sada¬yatana. Tức là sáu căn nhập với sáu
trần. Sáu căn sau khi đã hoàn chỉnh, do cảm lấy sáu trần liền sanh khởi
ra Xúc để tiếp cận giữa căn và trần. Hay nói khác đi, Xúc tức là sự xúc
chạm giữa căn và trần.
6. Xúc
Xúc (觸), tiếng Phạn là Sparsa. Tức là sự xúc chạm giữa căn và trần. Do
nơi xúc chạm, liền sanh khởi sự phân biệt tốt, xấu, yêu, ghét... mà lãnh
thọ lấy. Như vậy gọi là sự sanh khởi của Thọ.
7. Thọ
Thọ (受), tiếng Phạn là Védanā. Tức là sự lãnh thọ, hay là sự cảm nhận,
nhận biết của sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần và lãnh thọ lấy.
Xúc và Thọ đã sanh khởi ra trong một đời sống mới của một chúng sanh thì
cứ thế mà tương tục cho đến khi đời sống ấy bị hủy diệt bởi Lão Tử, vì
căn và trần đều liên tục tồn tại trong suốt đời sống của chúng sanh ấy.
8. Ái
Ái (愛), tiếng Phạn là Trsnā. Tức là ưa mến, yêu thích. Khi Thọ đã sanh
khởi, chúng sanh liền phân biệt đối tượng khách thể, và do đó sanh khởi
nên tâm ưa thích những gì thích hợp với mình. Từ đó mà Ái được sanh
khởi.
9. Thủ
Thủ (取), tiếng Phạn là Upadna. Tức là nắm giữ, chiếm lấy. Khi Ái đã được
sanh ra, tâm thức liền bám chặt lấy đối tượng ưa thích mà muốn chiếm
hữu, giữ lấy cho riêng mình. Do đó mà sanh ra Thủ.
10. Hữu
Hữu (有), tiếng Phạn là Bhāva. Tức là sự sở hữu, hay nói rộng hơn là toàn
bộ sự hiện hữu, như đời sống, thế giới... Chính do tâm chấp hữu này,
chúng sanh luôn nghĩ rằng mọi cái đều thuộc về sở hữu của mình, cho dù
là cả thế giới này hay tất cả những gì tồn tại trong đó.
11. Sanh
Sanh (生), tiếng Phạn là Jāti. Tức là sanh ra, là sự hình thành nên một
chúng sanh trong đời sống. Khi Hữu đã sanh khởi tức là đã có đủ các điều
kiện nhân duyên để một chúng sanh được sanh ra. Nếu không có Hữu thì
không thể có Sanh, nên nói là Hữu sanh ra Sanh.
12. Lão tử
Lão, tử (老死), tiếng Phạn là Jarmarana. Tức là già và chết, hai hiện
tượng tự nhiên hủy diệt đời sống của mọi chúng sanh, không thể tránh
khỏi. Vì sắc chất là vô thường, phải chịu sự hủy hoại, nên có sanh là có
lão tử. Sự hủy diệt này cũng thuận theo nhân duyên, nên nói rằng: “Các
pháp do nhân duyên mà sanh, cũng tùy theo nhân duyên mà diệt.”
° ° °
Nếu phân tích tương quan, thì mười hai nhân duyên này cũng không đi
ngoài lý Tứ đế. Mười hai nhân duyên ấy đều ở trong Tứ đế hoặc khai mở,
hoặc hợp lại mà ra, như là vô minh, hành, ái, thủ, hữu là năm chi, hợp
thành Tập đế; thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, sinh, lão tử, là bảy
chi, khai mở ra là Khổ đế. Trí tuệ hiểu rõ lẽ sinh diệt của nhân duyên
là Đạo đế. Dứt được hết cả mười hai nhân duyên là Diệt đế.
Tu tập quán xét mười hai nhân duyên sẽ giúp trừ diệt được phiền não. Bởi
vì diệt được mười hai nhân duyên thì các pháp không do đâu mà sanh khởi
được nữa, nên người tu có thể thoát khỏi mọi sự ràng buộc mà đạt đến
quả vị giải thoát.
Người tu tập mười hai nhân duyên, dùng trí tuệ mà quán chiếu thấy rằng,
do Vô minh duyên sanh ra Hành, do Hành duyên sanh ra Thức, do Thức duyên
sanh ra Danh Sắc, do Danh Sắc duyên sanh ra Lục nhập, do Lục nhập duyên
sanh ra Xúc, do Xúc duyên sanh Thọ, do Thọ duyên sanh ra Ái, do Ái
duyên sanh ra Thủ, do Thủ duyên sanh ra Hữu, do Hữu duyên sanh ra Sanh,
do Sanh duyên sanh ra Lão Tử, cùng với những phiền não, khổ sở trong
cuộc đời. Sự duyên sanh như vậy gọi là thuận theo dòng sanh tử, nghĩa là
cứ như vậy mà trôi chảy mãi không dừng, cái trước duyên sanh ra cái
sau, cái sau lại duyên sanh ra cái sau nữa, mãi mãi tương tục.
Người tu tập quán xét rõ như vậy rồi, tự biết rõ con đường diệt trừ sanh
tử phiền não cũng là do nơi mười hai nhân duyên này mà đạt đến. Người
tu quán xét thấy nếu Vô minh bị diệt thì Hành sẽ diệt; nếu Hành diệt thì
Thức sẽ diệt; nếu Thức diệt thì Danh Sắc sẽ diệt; nếu Danh Sắc diệt thì
Lục nhập sẽ diệt; nếu Lục nhập diệt thì Xúc sẽ diệt; nếu Xúc diệt thì
Thụ sẽ diệt; nếu Thụ diệt thì Ái sẽ diệt; nếu Ái diệt thì Thủ sẽ diệt,
nếu Thủ diệt thì Hữu sẽ diệt; nếu Hữu diệt thì Sanh sẽ diệt; nếu Sanh
diệt thì Lão Tử sẽ diệt. Trừ diệt được như vậy, gọi là đi ngược dòng
sanh tử, dứt sạch được mười hai nhân duyên ấy, khiến cho phiền não sanh
tử không do đâu mà sanh khởi được nữa.
Trong những thời gian không có Phật ra đời, những bậc có thiện căn trí
tuệ có thể nhờ quán xét lý 12 nhân duyên này mà tự mình giác ngộ, nên
gọi là Độc giác Phật. Vì các ngài do lý nhân duyên mà giác ngộ, nên cũng
gọi là Duyên giác Phật.