VŨ TRỤ VỚI VẠN VẬT
I. Vũ trụ
Một nhà thần linh học là Camille Flammarion có viết trong quyển “Récits de l’Infini” một đoạn như sau:
“Này, anh có hiểu vũ trụ chăng? Chính là cõi không gian vô cùng, mênh
mông không thể đo lường, không có bề ngang, bề dài chi cả. Nó không có
bề ngang, bề dài nghĩa là nếu phát xuất từ đây anh định đi đến chỗ nào
trong không gian, cho rằng anh đi nhanh đến đâu, trong thời gian bao lâu
đi nữa, dù là đến bao nhiêu thế kỷ đi nữa, anh cũng không đi đến đâu
trong cõi vô tận ấy cả. Anh không tiến bước đến gần được cõi vô tận chút
nào, anh càng đi tới thì càng xa, xa mãi xa tít mù.
“Ta hãy lấy một ví dụ khác. Nếu như trái đất mà ta đang sống đây vụt rơi
xuống trong cõi không gian. Ví như nó rơi thẳng xuống, hoặc lăn tròn mà
rơi, trong cả triệu ức thế kỷ, nó rơi nhanh đến cả triệu dặm mỗi ngày
hay nhiều hơn nữa; sau khi đó, nó cũng không tới tận đáy cùng của vũ trụ
được. Bấy giờ đối với vũ trụ, cũng như nó vẫn ở tự nhiên một chỗ vậy
thôi.”
Trong vũ trụ, có vô số những tinh cầu với những loài thú, loài người, đủ
các giống loài. Đó là theo nơi bản tánh của Pháp mà sanh khởi, thật
không phải do bàn tay sáng tạo của một vị Chúa tể nào sanh ra trước vạn
vật, theo như trí tưởng tượng của người Âu Tây.
Các tinh cầu trong vũ trụ thường chịu chung một quy luật tồn tại, đều
phải trải qua bốn thời kỳ là thành, trụ, hoại, diệt. Những chu kỳ như
thế cứ nối tiếp nhau vô cùng tận trong không gian và thời gian, không có
điểm khởi đầu cũng như điểm kết thúc.
Có đến hằng hà sa số các thiên hà cùng tồn tại trong vũ trụ. Chúng được
hình thành và tồn tại do bởi hai sức mạnh tự nhiên là “duyên” và
“nghiệp”. Duyên là tất cả những yếu tố, điều kiện cần và đủ để hình
thành và tồn tại. Nghiệp, hay nhân quả, là sự chi phối tiếp diễn của
những sự việc. Sự việc như thế này sẽ dẫn đến kết quả như thế này, sự
việc như thế kia sẽ dẫn đến kết quả như thế kia... Và như thế, không có
một sự việc nào có thể xem là “tự nhiên” mà xảy ra.
Cấu trúc chung của các thiên hà đều giống nhau. Vì thế, nếu hiểu rõ được
một, cũng là hiểu rõ được tất cả. Trung tâm quả địa cầu có núi sáng và
linh gọi là núi Tu-di. Núi Tu-di ở giữa, một phía là chân trời miền Nam,
một phía khác là Bắc cực, cho nên sách nói rằng mỗi ngày tinh tú xây
chung quanh hòn núi ấy. Trong quyển “Le Bouddhisme au Cambodge”, Adhémar
Leclère nói rằng núi Tu Di cao đến 84. 000 do-tuần, bề sâu dưới nước
cũng 84.000 do-tuần và bề ngang trên mặt nước cũng 84.000 do-tuần. Trên
đỉnh núi Tu-di là cảnh giới của đức Đế Thích.
Thế giới chia ra làm bốn châu: 1. Phía Bắc núi Tu-di là Câu Lô châu,
phía Nam là Thiệm Bộ châu, phía Tây là Ngưu Hóa châu, phía Đông là
Thắng Thần châu.
Đông Thắng Thần châu chu vi là 21.000 do-tuần, cư dân trung bình sống đến sáu trăm tuổi.
Tây Ngưu Hóa châu chu vi là 27.000 do-tuần, cư dân trung bình sống đến năm trăm tuổi.
Bắc Câu Lô châu chu vi là 30.000 do-tuần, cư dân trung bình sống đến một ngàn tuổi.
Nam Thiệm Bộ châu tức là cõi Diêm-phù-đề của chúng ta, chu vi là 30.000 do-tuần, cư dân trung bình sống không đến trăm tuổi.
II. Ba cõi thế giới
Trong kinh Phật hay nói đến Tam giới, hay là ba cõi thế giới. Ba cõi
bao gồm hết thảy chúng sanh, từ các bậc hiền thánh cho đến các hạng
chúng sanh đang chịu khổ não, nếu chưa được giác ngộ hoàn toàn, còn chịu
sự chi phối của nghiệp lực trong vòng luân hồi, thì đều không ra ngoài
ba cõi. Phân chia như vậy là theo sự nặng nhẹ, tốt xấu của nghiệp lực,
nhưng không phải là sự ngăn cách về mặt không gian. Bởi những chúng sanh
có hạnh nghiệp tốt đẹp, cao thượng, cũng không phải bao giờ cũng sống
tách biệt xa rời những chúng sanh nhiều tội lỗi.
a. Vô sắc giới là cảnh giới của những chúng sanh không còn lòng tham
muốn hình sắc, nên không có hình thể. Cõi này còn phân chia thành bốn
cảnh giới nhỏ hơn là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và
Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
b. Sắc giới là cảnh giới của những chúng sanh không còn tham muốn nhưng
vẫn còn hình thể, nhờ tu tập thiền định mà đạt đến, nên tuy có ăn uống
mà đã dứt sạch được sự tham muốn, không còn cảm nhận khoái lạc nhục dục.
Cảnh giới này lại phân chia thành bốn bậc, gồm 20 cảnh giới nhỏ hơn,
tùy theo mức độ tu tập thiền định của chúng sanh ở đó.
Bậc Sơ thiền có 4 cảnh giới là Phạm thân thiên, Phạm phụ thiên, Đại phạm thiên và Phạm chúng thiên.
Bậc Nhị thiền có 3 cảnh giới là Thiều quang thiên, Vô lượng quang thiên và Quang âm thiên.
Bậc Tam thiền có 3 cảnh giới là Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên và Biến tịnh thiên.
Bậc Tứ thiền có 10 cảnh giới là Vô vân thiên, Phúc sinh thiên, Quảng quả
thiên, Vô tưởng thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện kiến
thiên, Sắc cứu cánh thiên, Hòa âm thiên và Đại tự tại thiên.
c. Dục giới là cảnh giới của những chúng sanh còn sự ái luyến và tham
dục trong tâm. Những chúng sanh sanh này tùy theo nghiệp quả đã tạo ra
do sự ái luyến và tham dục đó mà phải thọ sanh vào sáu cảnh giới khác
nhau trong cõi này, thường gọi là Lục đạo, bao gồm các cảnh giới trời,
người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Các bậc giác ngộ đã dứt sạch nghiệp lực nên không còn phải thọ sanh
trong ba cõi như chúng sanh, có thể vĩnh viễn an trụ trong cảnh giới
Niết-bàn, vượt ngoài ba cõi. Tuy nhiên, các ngài do nguyện lực, vì lòng
thương muốn cứu độ chúng sanh, nên tùy duyên mà hóa hiện trong ba cõi.
Tuy hóa hiện trong ba cõi mà không bị trói buộc bởi ái luyến và tham
dục, nên chỉ tùy duyên hóa độ chúng sanh mà không hề tạo tác các nghiệp
thiện ác.
III. Các bậc giác ngộ và chúng sanh
Trên đây là phân loại chúng sanh trong vòng luân hồi. Nếu xét theo
trình tự giác ngộ xuống đến mê lầm, từ cao xuống thấp, chúng ta có thể
kể theo trình tự như sau: 1. Phật, 2. Bồ tát, 3. Duyên giác, 4. La-hán,
5. Chư thiên, 6. Loài người, 7. A-tu-la, 8. Địa ngục, 9. Ngạ quỉ. 10.
Súc sanh.
1. Phật
Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, cao cả hơn hết, nên thường được tôn
xưng là Phật Thế tôn, Phật Như lai. Phật có nghĩa là tỉnh giác, là sáng
suốt hoàn toàn, trong hoàn vũ không còn địa vị nào cao hơn nữa. Trong
khoảng thời gian cả triệu, ức năm, mới có một bực Đại hùng Đại lực thắng
tất cả phiền não mà chứng đắc đến quả vị này. Cho nên trong kinh nói
rất khó được gặp đức Phật Như Lai ra đời. Chỉ những ai có duyên lành lớn
lắm mới được sanh ra cùng thời với Phật và được Phật giáo hóa. Mười
danh hiệu tôn xưng dưới đây chứng tỏ rằng đức Phật là hoàn toàn, cao cả
hơn hết:
1. Như Lai: Bậc an nhiên tự tại hoàn toàn, đắc quả chân như.
2. Ứng cúng: Bậc xứng đáng nhận sự cúng dường của chúng sanh, vì tự mình đã dứt hết phiền não.
3. Chánh biến tri: Bậc có chánh trí biết hết tất cả.
4. Minh hạnh túc: Bậc có đầy đủ trí huệ và đức hạnh.
5. Thiện thệ: Bậc đi đến nẻo lành, đã làm đủ các điều lành.
6. Thế gian giải: Bậc có thể giảng giải rõ, hiểu rõ cả thế gian.
7. Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu: Bậc cao quý hơn hết, có thể điều
phục chính mình và hết thảy chúng sanh, khiến cho đi vào đường thiện.
8. Thiên nhân sư: Bậc xứng đáng làm thầy dạy của hàng trời, người.
9. Phật: Bậc tỉnh giác, giác ngộ hoàn toàn.
10. Thế Tôn: Bậc cao quý hơn hết trong thế giới, tất cả chúng sanh đều tôn trọng.
Khi một đức Phật thị hiện ra đời, ngài luôn luôn có đủ ba mươi hai tướng
chánh và tám mươi vẻ đẹp, là biểu hiện cho bậc Toàn giác, đã hội đủ tất
cả các pháp lành.
Ba mươi hai tướng chánh của đức Phật là: 1. Lòng bàn chân phẳng, 2. Có
bánh xe pháp dưới lòng bàn chân 3. Ngón tay thon dài, 4. Bàn chân thon,
5. Ngón tay ngón chân cong lại, 6. Tay chân mềm mại, 7. Mu bàn chân cong
lên, 8. Cặp chân dài thon như chân sơn dương, 9. Đứng thẳng tay dài quá
đầu gối, 10. Nam căn ẩn kín, 11. Dang tay ra rộng dài bằng thân mình,
12. Lông đứng thẳng, 13. Mỗi lỗ chân lông có một cọng lông, 14. Thân
vàng rực, 15. Thân phát hào quang, 16. Da mềm mại, 17. Tay, vai và đầu
tròn tương xứng, 18. Hai nách đầy đặn, 19. Thân hình như sư tử, 20. Thân
hình thẳng đứng, 21. Hai vai đầy đặn mạnh mẽ, 22. Hàm răng có bốn mươi
cái, 23. Răng mọc đều nhau, 24. Răng trắng, 25. Hàm sư tử, 26. Nước
miếng có mùi thơm, 27. Lưỡi dài rộng, 28. Tiếng nói tao nhã, 29. Mắt
xanh trong, 30. Mắt to tròn như mắt bò, 31. Lông trắng giữa cặp chân
mày, 32. Một khối u trên đỉnh đầu.
Tám mươi vẻ đẹp của đức Phật là: 1. Móng tay thon dài, mảnh và sáng
bóng. 2. Ngón tay, ngón chân tròn, thon dài, mềm dịu. 3. Tay chân cân
xứng, các ngón khi khép lại thì kín đầy. 4. Tay chân sáng bóng, tươi
hồng. 5. Gân xương ẩn kín, không lộ ra. 6. Hai mắt cá chân ẩn kín. 7.
Dáng di hướng thẳng phía trước, uy nghi khoan thai như rồng chúa, voi
chúa. 8. Dáng đi oai vệ như sư tử chúa. 9. Dáng đi bình thản như trâu
chúa. 10. Phong thái tiến, dừng thanh nhã, uyển chuyển như ngỗng chúa.
11. Quay nhìn đều theo bên phải như voi chúa nhấc mình để di chuyển. 12.
Các khớp tay chân đều tròn và đẹp. 13. Các đốt xương liên kết nhau như
rồng cuốn. 14. Đầu gối tròn đầy. 15. Chỗ ẩn vân tốt đẹp và thanh tịnh.
16. Thân và tay chân tươi nhuận, trơn láng, thanh tịnh. 17. Phong thái
đôn hậu, vô úy. 18. Thân thể tráng kiện. 19. Thân thể khỏe mạnh, đầy đủ.
20. Thân tướng như tiên chúa, toàn thân đoan nghiêm sáng sạch. 21. Có
hào quang thường chiếu sáng quanh thân. 22. Bụng vuông vức, trang
nghiêm. 23. Lỗ rốn sâu, xoay về hướng phải. 24. Vành rốn dày, không lõm
không lồi so với da bụng. 25. Da không ghẻ lác. 26. Bàn tay mềm mại,
lòng bàn chân bằng phẳng. 27. Chỉ tay sâu, dày, rõ ràng. 28. Môi đỏ
thắm, sáng và tươi nhuần. 29. Mặt không dài không ngắn, không lớn không
nhỏ, vừa vặn, đoan nghiêm. 30. Lưỡi mềm, dài, rộng. 31. Tiếng nói oai
hùng, vang xa, trong suốt. 32. Âm vận hay đẹp như tiếng vang nơi hang
sâu. 33. Mũi cao và thẳng, lỗ mũi kín. 34. Răng đều đặn, trắng đẹp. 35.
Răng trắng tròn, sáng sạch, bén nhọn. 36. Mắt trong, lòng đen lòng trắng
phân minh. 37. Mắt dài rộng. 38. Lông mi đều và dày. 39. Lông mày dài
và mịn. 40. Lông mày xanh biếc như lưu li. 41. Lông mày cách xa mắt và
cong như trăng lưỡi liềm. 42. Vành tai rộng, đoá tai dài thòng xuống.
43. Hai vành tai bằng nhau, không có sai khuyết. 44. Phong cách uy nghi,
khiến người thấy liền sinh kính mến. 45. Trán rộng, bằng phẳng. 46.
Thân đầy đủ tướng oai nghiêm. 47. Tóc dài xanh biếc, dày mà không bạc.
48. Tóc mịn, toả hương thanh khiết. 49. Tóc ngay ngắn không rối. 50: Tóc
không đứt rụng. 51. Tóc trơn bóng, bụi không dính. 52. Thân thể vững
chắc đầy đặn. 53. Thân thể cao lớn đoan chính. 54. Các huyệt thanh tịnh
tròn đẹp. 55: Sức mạnh thù thắng, không ai sánh bằng. 56. Thân tướng
được mọi người ưa nhìn. 57. Khuôn mặt như trăng tròn mùa thu. 58. Vẻ mặt
thư thái. 59. Gương mặt sáng bóng không vết nhăn. 60. Da sạch không cáu
ghét, không có mùi hôi. 61. Các lỗ chân lông thường toả hương thơm. 62.
Diện môn thường toả mùi hương thù thắng. 63. Tướng tròn đầy tốt đẹp.
64. Lông trên mình xanh biếc sạch sẽ. 65. Pháp âm tùy theo đại chúng mà
ứng hiện, bình đẳng không sai biệt. 66. Tướng đỉnh đầu không ai thấy
được. 67. Đường vân của ngón tay, ngón chân rõ ràng. 68. Khi đi, hai
chân đều cách mặt đất. 69. Tự giữ gìn, không nhờ người khác hộ vệ. 70.
Uy đức nhiếp phục hết thảy. 71. Thanh âm nói ra không thấp không cao,
vừa sự tiếp thu của chúng sinh. 72. Tùy theo sự ưa thích của chúng sinh
mà thuyết pháp. 73. Diễn thuyết chính pháp chỉ bằng một âm thanh, tùy
các loài chúng sinh nghe đều được giải thoát. 74. Thuyết pháp theo thứ
lớp, tùy nhân duyên. 75. Quán sát chúng sinh, khen thiện chê ác, nhưng
không có tâm yêu ghét. 76. Trước quan sát kĩ các việc rồi sau mới làm,
tuân thủ đúng qui tắc. 77. Tướng tốt đẹp, chúng sinh không thể nào thấy
hết được. 78. Xương đầu cứng chắc, tròn đầy. 79. Dung nhan trẻ mãi không
già. 80. Nơi chân tay và trước lồng ngực đều có tướng tốt chữ Vạn xoay
vần.
Vì có đầy đủ các tướng quý của đấng Toàn giác, nên trong kinh nói rằng
toàn thân đức Phật như một hòn núi châu báu lay động, ai được nhìn thấy
Ngài đều tự nhiên sanh lòng vui vẻ, hoan lạc.
2. Bồ-tát
Bồ-tát là quả vị trải qua trước khi thành Phật. Bồ-tát cũng là danh
xưng chỉ chung cho tất cả những ai đã phát tâm vô thượng Bồ-đề, quyết
chí tu hành cho đến khi chứng đắc quả vị Phật. Đức Thích-ca cũng đã trải
qua rất nhiều đời làm Bồ-tát, cứu độ chúng sanh.
Vị Bồ-tát mới phát tâm gọi là Tân phát ý Bồ-tát. Khi tu chứng đến mức độ
không còn gì có thể lay chuyển tâm ý của các ngài được nữa, chắc chắn
sẽ thành Phật, gọi là Bất thối chuyển Bồ-tát. Khi ấy, các Ngài thường
được các đức Phật nhận cho sự tu chứng ấy, và ban lời thọ ký về việc các
ngài sẽ thành Phật trong đời vị lai. Như trước đây Phật Thích-ca có thọ
ký cho Bồ-tát Di Lặc là sẽ thành Phật tiếp theo sau Ngài.
Bồ-tát tu trì đủ các đại hạnh, gọi là các phép Ba-la-mật. Đó là các hạnh
Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ. Các ngài
cũng thành tựu đủ ba mươi bảy pháp tu gọi là Ba mươi bảy phẩm trợ đạo,
chính là các phần họp lại để thành tựu quả Bồ-đề. Ba mươi bảy phẩm ấy
là: Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy
giác chi và Tám chánh đạo.
Lòng từ bi của các vị Bồ-tát thật là vô lượng, các ngài thương yêu hết
thảy chúng sanh một cách bình đẳng như nhau. Và lòng thương yêu ấy không
giống như sự ái luyến thông thường của thế tục, nên không ra tạo sự
ràng buộc, mà trái lại càng tăng thêm sức mạnh cho các ngài.
Các vị Bồ-tát hầu hết đều có những nguyện lực lớn lao. Và thậm chí các
ngài còn phát nguyện vì chúng sanh mà lưu lại chốn luân hồi, không nhập
Niết-bàn để vào cảnh giới an lạc vĩnh viễn. Do nơi nguyện lực khi còn
hành đạo Bồ-tát, đến khi các ngài thành Phật đều có những sự hóa hiện
khác nhau. Như Phật Thích-ca hiện thân ngay giữa cõi Ta-bà đầy ô trược
này để hóa độ chúng sanh, còn Phật A-di-đà hiện quốc độ Cực Lạc ở phương
Tây mà tiếp độ tất cả những người chí thành niệm Phật. Thảy đều xuất
phát từ nơi nguyện lực khi các ngài còn tu hạnh Bồ-tát.
3. Phật Duyên giác
Phật Duyên giác còn gọi là Phật Độc giác hay Phật Bích-chi. Quả vị
này được chứng đắc nhờ tự thân quán sát lý nhân duyên mà tỏ ngộ lẽ vô
thường, đoạn tuyệt được hết thảy các phiền não, nên không còn tạo tác
các ngiệp thiện ác nữa, nhờ vậy mà chứng nhập Niết-bàn, thoát khỏi sanh
tử.
Vì các ngài tu theo lý nhân duyên mà giác ngộ, nên gọi là Duyên giác. Vì
tự mình quán sát, chiêm nghiệm mà hiểu đạo, chứng đắc, không nhờ người
khác chỉ dạy, nên gọi là Độc giác.
Quả vị chứng đắc này thường là vào thời gian không có Phật ra đời. Những
chúng sanh nhờ tu thiện nghiệp, có trí tuệ sáng suốt nên có thể tự mình
tu tập mà giải thoát được. Nhưng vì định lực không đủ mạnh, nên chỉ có
thể tự cứu lấy mình, không thể hoằng hóa độ sanh như chư Phật, Bồ-tát.
Vì vậy, quả vị này được xem là thuộc về Tiểu thừa.
4. A-la-hán
A-la-hán là quả vị cao nhất trong bốn Thánh quả của người tu tập,
quán chiếu theo pháp Tứ diệu đế. Trước khi chứng quả A-la-hán, thường là
đã chứng đắc các quả thấp hơn như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm.
Nhưng cũng có những trường hợp do sự tu tập tinh tấn, dũng mãnh, nên
người tu chứng thẳng đến quả A-la-hán mà không qua các quả vị ấy. Trong
những trường hợp thông thường, người tu tập chứng được một thánh quả
cũng là thành tựu to lớn lắm rồi, và phải đợi đến thọ sanh lần sau nữa
mới có thể tiếp tục chứng đắc lên quả vị cao hơn.
Các vị A-la-hán là những vị đã dứt hết phiền não, lậu hoặc, nên không
còn phải tái sanh trong cõi luân hồi vì nghiệp lực. Các ngài cũng không
có nguyện lực độ sanh như chư vị Bồ-tát, nên cũng không tùy nguyện mà
thọ sanh. Vì vậy, sau khi chứng quả và xả bỏ thân cuối cùng, các ngài
nhập vào Niết-bàn an lạc, thoát khỏi sanh tử. Vì không có nguyện lực độ
sanh rộng lớn, nên quả vị này cũng được xem là thuộc về Tiểu thừa.
5. Chư thiên
Chư thiên là cảnh giới cao nhất trong lục đạo luân hồi. Những chúng
sanh được sanh về cảnh giới này là nhờ đã tu tập trọn vẹn Mười thiện
pháp. Cảnh giới của chư thiên chỉ có sự khoái lạc, vui thú, không có
những đau khổ, ràng buộc như cõi người. Tuy nhiên, vì là do nghiệp lực
mà đắc thọ, nên khi thiện nghiệp đã hết, chư thiên cũng phải chết đi và
tái sanh vào cảnh giới khác. Nếu trong lúc hưởng phước mà biết tiếp tục
tu tập thiện pháp, thì có thể tiếp tục được sanh ra ở cảnh giới chư
thiên, bằng không thì tùy theo nghiệp lực mà phải thọ sanh vào các cảnh
giới khác.
6. Loài người
Loài người tuy cũng thuộc trong lục đạo luân hồi, nhưng có thể xem là
một cảnh giới đặc biệt nhất. Vì thế mà đức Phật đã hóa sanh trong loài
người để tu hành chứng đắc quả Phật. Sở dĩ như vậy, là vì sanh vào loài
người không sung sướng quá cũng không khổ sở quá. Hàng chư thiên vì tận
hưởng khoái lạc mà rất khó nhận ra lẽ vô thường, khó phát tâm tu tập
cầu giải thoát. Các chúng sanh đã sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh
thì khổ sở đày đọa, nên cũng không thể dụng tâm tu tập được. Chỉ riêng
loài người là không quá sướng cũng không quá khổ, nên có thể chuyên tâm
lo việc tu tập cầu đạo giải thoát.
Trong loài người, tuy không có những cảnh giới khác nhau như chư thiên,
nhưng tùy theo nghiệp lành hoặc nghiệp dữ đã tạo ra mà con người phải
thọ nhận những quả báo khác biệt nhau. Có người được sống lâu, giàu có,
quyền thế, lại có người phải nghèo khó, sống đời hạ tiện, hoặc phải chết
yểu...
Việc thọ nhận quả báo trong loài người rất phức tạp. Người gieo nhân
lành có thể được quả tốt, sống cuộc sống sung sướng no đủ, muốn gì được
nấy, cũng có thể nói là cảnh tiên trong loài người. Ngược lại, có những
kẻ tạo nghiệp dữ, phải chịu những sự đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần,
thậm chí ai ai cũng khinh ghét, phải sống cô độc khổ sở, cũng có thể nói
là cảnh địa ngục trong loài người. Nhưng nghiệp lành dữ của mỗi người
lại cũng không phải bao giờ cũng đơn giản dễ hiểu như vậy. Có kẻ được
hưởng vinh hoa phú quý, nhưng lại phải bệnh tật đeo đuổi suốt đời; hoặc
được sống lâu khỏe mạnh nhưng lại cô độc lẻ loi. Ấy là do nghiệp báo có
lành, có dữ, nên tùy theo nhân duyên mà thọ nhận, có sướng có khổ vậy.
Cho nên, đã được sanh làm thân người vốn là rất khó, nếu không sớm biết
lo tu tập, gieo nhân tích đức, chỉ một lòng tham lam hung dữ hại người,
khi quả báo đến thì chỉ có thể cam lòng gánh chịu không thể oán trách
ai. Còn người biết lo tu tâm dưỡng tánh, thật chẳng đợi đến mai sau mà
ngay trong đời này cũng đã được hưởng phần an nhàn, thanh thản; dù không
được sang giàu quyền quý, nhưng trong lòng vẫn luôn thấy thảnh thơi,
vui thỏa vậy.
7. A-tu-la
Chúng sanh thác sanh vào loài này phần lớn là do tâm sân hận. Loài
này cũng được hưởng một số phước báu giống chư thiên, nhưng hình dung
xấu xí và tâm địa hay nóng nảy, không hiền hòa. Các sách cũ dịch là loài
Phi thiên (không phải chư thiên), hoặc Vô đoan (hình dung không được
xinh đẹp). Từ điển Phật học của Đinh Phúc Bảo ghi rằng: “A-tu-la...
trong kinh cũng gọi là Vô thiện thần...”, tức không phải thiện thần.
Loài này do tâm sân hận nên hay gây chuyện đánh nhau với chư thiên cõi
trời. Tuy có phước báu nhưng không có tâm thiện. Vì vậy, một số sách xếp
loài này thuộc cảnh giới tốt hơn loài người là không hợp lý.
8. Súc sanh
Những chúng sanh nào không siêng tu thiện nghiệp, sống chìm đắm trong
tham dục, khiến cho trí tuệ phải lu mờ, không cón sáng suốt, khi thác
sanh sẽ phải đọa làm loài súc sanh. Lại tùy theo nghiệp quả khác nhau mà
sanh trong các loài khác nhau, như chim, chuột, chó, mèo... cho đến
trâu, ngựa, dê, bò... hoặc các loài thú dữ hại người, đều là do ác
nghiệp chiêu cảm mà phải gánh chịu.
Sanh vào loài súc sanh, đã phải chịu những nổi khổ trong hiện thế, mà
tương lai cũng u tối mờ mịt nữa. Bởi vì không có trí tuệ nên không thể
hiểu đạo mà tu tập, bỏ ác làm lành, nên không thể có nhân lành để hưởng
quả tốt về sau. Chính vì vậy mà trong kinh nói rằng “Thân người là rất
quý giá, khó được. Một khi để mất đi thì muôn kiếp khó lòng được lại.”
9. Ngạ quỷ
Ngạ quỷ là những chúng sanh phải sanh vào cảnh loài quỷ đói, luôn bị
sự đói khát bức não, dù đứng trước món ngon vật lạ cũng không cách gì ăn
được.
Trong loài ngạ quỷ lại cũng có vô số những nghiệp báo khác nhau. Có
những ngạ quỷ không ăn uống được vì miệng thì lớn mà cổ chỉ nhỏ bằng cây
kim may. Lại có những loài khi đưa thức ăn lên miệng thì hóa thành lửa
đỏ, không sao nuốt được. Lại có những loài chỉ thấy thèm khát những chất
dơ nhớp, cặn bã, không thể nào ăn được những món thơm sạch, ngon ngọt.
Lại có những ngạ quỷ bị cơn khát lúc nào cũng thiêu đốt đến rát bỏng
trong cổ họng, nhưng đi đến đâu cũng thấy các nguồn nước đều khô kiệt...
Ấy là các tướng trạng khác nhau của loài ngạ quỷ, nhưng nói chung thì
những chúng sanh nào chiêu cảm nghiệp khổ sanh vào loài này, đều do nơi
tâm tham lam, keo kiệt trong đời trước. Nhất là những kẻ khi làm người
chỉ biết bo bo giữ lấy của mình, không mảy may khởi tâm bố thí cho người
khác, lại còn bày lắm mưu ma chước quỷ để giành lấy mối lợi về mình. Do
tâm tham lam hiểm độc như vậy, nên một khi đã mất thân người, nhất định
phải đọa sanh vào loài ngạ quỷ.
10. Địa ngục
Địa ngục là cảnh giới của những chúng sanh tạo nghiệp ác phải sanh vào.
Nếu như tâm tham lam khiến cho chúng sanh phải đọa làm ngạ quỷ, thì địa
ngục là nơi đến của những chúng sanh sanh nào đã tạo các ác nghiệp gây
tổn hại nặng nề cho các chúng sanh khác. Tùy theo tội lỗi nặng nhẹ khác
nhau, cũng có những cảnh địa ngục khác nhau mà chúng sanh phải đọa vào.
a. Tám cảnh địa ngục lớn
1. Những chúng sanh nào vì tham lam, sân hận và si mê, bị ba thứ độc
ấy sai khiến, nên phạm các tội giết hại, đánh đập và hãm hại chúng sanh
khác, thì phải đọa vào địa ngục Đẳng hoạt. Ở đây, chúng sanh bị đánh
đập, hành hạ mãi mãi, đau đớn quá phải chết đi, nhưng chết rồi liền phải
sống lại mà tiếp tục thọ khổ giống như trước, nên gọi là đẳng hoạt
(nhiều kiếp sống).
2. Những chúng sanh nào ăn ở ngỗ nghịch, trái đạo đối với cha mẹ, anh
em, vợ chồng, con cái, bầu bạn, nói lời độc ác cố ý hại người, nói láo
xược, thì sa vào địa ngục Hắc thằng. Ở địa ngục này, chúng sanh bị trói
chặt bằng dây sắt màu đen nên gọi là hắc thằng (dây đen). Trói như vậy
rồi phải chịu những hình phạt như cưa, xẻ, chặt, đốn chẳng khác nào
những thân cây.
3. Những chúng sanh nào giết hại sanh mạng rất nhiều, thậm chí các loài
như heo, dê, gà, vịt, chim chóc, tôm cá... thì sẽ sa vào địa ngục Chúng
hiệp. Ở đây chúng sanh bị giết chết một cách rất thảm khốc, bị núi đá
ép chặt lại với nhau mà cùng chết nên gọi là chúng hiệp (hợp lại cùng
nhau).
4. Những chúng sanh nào làm nhiều việc phá hại chúng sanh khác, gây nên
sự đau khổ về vật chất hoặc về tinh thần cho họ, hoặc cư xử xảo trá,
hung tợn thì sa vào địa ngục Hào khiếu. Ở đây, họ bị lửa dữ thiêu đốt,
đau đớn kêu khóc thảm thiết nên gọi là hào khiếu (kêu khóc thảm thiết).
5. Những chúng sanh nào xâm phạm vào của Tam bảo, những tài vật nơi thờ
cúng của nhân gian, hoặc ngỗ nghịc hại thầy, phản đạo, phải đọa vào địa
ngục Đại khiếu. Ở đây sự thiêu đốt của lửa dữ dội hơn, đau đớn hơn, nên
chúng sanh bị hành hạ cũng kêu la gào thét to tiếng hơn. Vì vậy mới gọi
là đại khiếu (tiếng kêu gào lớn).
6. Những chúng sanh nào dùng lửa đốt rừng, đốt làng xóm, làm cho những
chúng sanh khác phải chết thảm không đường thoát, thì sẽ bị đọa nơi địa
ngục Viêm nhiệt. Trong cảnh địa ngục này bị nung đốt luôn luôn không
lúc nào dừng, nên gọi là viêm nhiệt (lửa nóng).
7. Những chúng sanh nào không tin Phật, chẳng tin Pháp, thường hủy báng,
bôi nhọ, lại dùng nhiều cách quấy nhiễu các chúng sanh khác chẳng cho
tu tập, thì sẽ bị đọa vào địa ngục Đại nhiệt. Ở đây, chúng sanh bị một
thứ lửa rất nóng thiêu đốt nóng nảy vô cùng, nên gọi là đại nhiệt (lửa
dữ).
8. Những chúng sanh nào cư xử hiểm ác, làm tổn hại các bậc đạo cao đức
trọng, giết hại hoặc đánh đập các vị tỳ-kheo, a-la-hán, hoặc làm hại cha
mẹ, thầy dạy... sẽ bị đọa vào địa ngục Vô gián. Trong cảnh địa ngục
này, chúng sanh bị hành hạ bởi nhiều hình phạt thảm khốc không sao nói
hết. Vì sự hành hạ không có lúc nào gián đoạn nên gọi là vô gián (không
gián đoạn).
b. Bốn cảnh địa ngục gần bên
Đây là chốn dư báo của tám cảnh địa ngục lớn. Chúng sanh sau khi thọ
khổ ở một trong tám địa ngục lớn rồi, ác nghiệp vẫn còn nặng nề lắm, nên
chưa thể sanh ngay lên các cõi trời người. Vì vậy, phải tiếp tục chịu
khổ báo trong các cõi địa ngục này.
1. Phấn niệu địa ngục, là một hầm phẩn rất lớn. Chúng sanh đọa vào đây thì bị loài giòi bọ đục khoét thân thể đau đớn ghê gớm.
2. Đường uy tề tất địa ngục, là một hầm tro nóng. Chúng sanh đọa vào đây
thì bị tro nóng ngập lên đến tận đầu gối, khiến cho nóng nảy khó chịu
khôn cùng.
3. Nhận diệp lâm địa ngục, là một cảnh đầy dẫy những rừng cây xanh tươi,
nhưng khi đến gần thì hoa lá đều hóa thành đao kiếm sắc nhọn mà đâm,
cắt vào thân thể, không chạy thoát đi đâu được.
4. Quảng đại hà địa ngục, là một con sông rộng lớn, nhưng nước sông sôi
sục toàn là nước đồng nấu chảy. Chúng sanh đọa vào đó chịu sự nung nóng
không lúc nào ngưng nghỉ.
IV. Luận về các cảnh dương gian, địa ngục
Phần trên đã nói rõ các cảnh giới thọ sanh khác nhau của chúng sanh
tùy theo nghiệp lực lành dữ. Tuy nhiên, trong dân gian cũng ít người
được đọc hiểu thấu đáo kinh Phật và biết rõ như vậy. Cách hiểu thông
thường hơn là người ta cho rằng người sống là ở dương gian, một khi chết
đi thì hồn sẽ về nơi âm cảnh, và nếu làm ác thì phải chịu quả báo bị
trừng phạt trong địa ngục. Cách hiểu này tuy là rất nôm na và không thể
nêu vấn đề một cách rõ ràng, đầy đủ, nhưng lại có ưu điểm là dễ hiểu, dễ
nhận và cũng không phải là sai lệch với ý nghĩa trong kinh điển. Vì thế
mà nhiều khi chính các vị hòa thượng, thượng tọa cũng đem lý lẽ đơn
giản này ra giảng giải cho tín đồ. Đó là vì các ngài cũng thừa nhận rằng
việc giải thích đơn giản như vậy giúp người sơ cơ dễ lãnh hội hơn. Dưới
đây cũng sẽ nói sơ qua về cách hiểu phổ biến trong dân gian về dương
gian và địa ngục. Nếu so sánh với những điều đã nói ở phần trên, quý vị
sẽ thấy tuy có khác biệt nhưng cũng không phải là sai lệch lắm.
a. Dương gian
Tức là cõi trần thế mà ta đang sông. Nơi đây, loài người được xem là
tiến hóa hơn hết trong muôn loài. Trong loài người, có rất nhiều hạng,
kẻ cao, người thấp, kẻ dở người hay, kẻ có tài, người bất lực, kẻ có
đức, người bất nhân, tùy theo duyên nghiệp và nghiệp lành dữ của mỗi
người. Trong khi dạy đệ tử, đức Phật đã có lần so sánh loài người với
đám hoa sen trong hồ nước: có thứ trắng, có thứ đỏ, có thứ chìm dưới
nước, có thứ vượt khỏi nước, có thứ ở ngang mặt nước.
Những ai đã từng gieo trồng thiện căn thì được hưởng sự sang cả, quyền
cao chức trọng, được kính nể, yêu chuộng, lại có trí tuệ sáng suốt, học
cao hiểu rộng. Những ai đã từng ăn ở gian tà, hiểm ác, thì phải chịu
nghèo cực, hèn hạ, ngu ngốc, tối tăm. Lại có những người vì chưa từng tu
tập, chưa làm điều thiện, thì phải làm thân tôi tớ, nô lệ. Nhân loại
phải chịu cái luật vô hình rất công bằng. Luật nhân quả thường được dân
gian hiểu như là sự phán xử của Trời cao. Ai thuận với cái luật ấy thì
càng được cao quý, sung sướng thanh nhàn. Ai đi nghịch với nó thì chịu
nguy khổ, tai ách. Kẻ hiểu luật tức là hiểu đạo, ham học hỏi, tu chỉnh,
trau dồi trí thức và đức tánh, không bực tức, không hấp tấp, không lười
biếng, giữ lòng bình tĩnh và tiến tới, nhất là trong việc làm lành lánh
dữ. Kẻ thông đạo, người hiền đức không lấy làm phiền hận về sự khác nhau
trong xã hội, về sự chẳng đồng giai cấp chốn nhân sanh. Bởi sự tạo
nghiệp và trí lực chẳng đồng nhau, nên kẻ thấp phải dựa người cao, kẻ
nhỏ phải nương người lớn, kẻ dưới phải phò người trên, kẻ tối phải theo
người sáng, trò phải kính thầy, tớ phải nghe chủ, dân phải kính quan,
quan phải thờ bực quốc trưởng, con phải theo cha, vợ phải nghe chồng.
Trái lại, những bậc thông thái hoặc có oai quyền phải trông nom, dìu
dắt, tế độ những kẻ kém thấp hơn mình, phải cư xử cho khoan hồng đại độ,
cùng nhau làm cho cuộc đời trở nên thuần túy, tiến hóa một cách khoan
hòa.
Trong nhân loại, vì sự chiêu cảm nghiệp lực gần giống như nhau, nên
người ta thường cùng nhau họp thành những xã hội, những tổ chức hợp
nhau, rồi những kẻ cùng chung tư tưởng, cùng chung mục đích, cùng chung ý
chí sẽ thường đi lại với nhau. Do tương đồng về nghiệp lực, nên kẻ tiểu
nhân thì ưa kẻ hèn hạ mà không gần người quân tử, những kẻ hiền lành
thì ưa mến nhau và rất lấy làm khó chịu khi phải gặp những kẻ gian tà.
Chính trong trần thế, con người đã chia ra nhiều tầng, nhiều bậc rồi.
Những bậc thấp tối, dơ bẩn, gian ác, thường bị nạn khổ, hay trốn tránh,
lo sợ, bất bình, bệnh tật, có khác nào họ sống trong cảnh địa ngục ở
dương gian. Và những ai thong dong hòa nhã, công chánh, nhân từ, không
lo, không sợ, thường vui vẻ, dường như họ ở trong cảnh sung sướng giữa
thần tiên, ấy là họ ở thiên đường nơi dương thế vậy.
b. Âm phủ
Người ta thường nói rằng “Dương gian âm phủ đồng nhất lý”, nghĩa là
sống sao thác vậy, sống thế nào thác cũng thế ấy. Con người sống ở dương
gian thế nào, thì thác cũng thế ấy thôi. Nếu ở đời một cách thanh bai,
thì khi thác linh hồn cũng ở cảnh thanh bai, nếu ở đời một cách thô bỉ,
thì khi thác linh hồn cũng ở trong cảnh trí thô bỉ.
Tâm trí của kẻ thô trược, hay gây gổ, đưa họ đến chung cùng với những
linh hồn gây gổ, thô trược, ở đó, họ thấy ra toàn là sự đồi bại, độc ác,
họ làm ra toàn là sự đồi bại, độc ác, thời họ chịu lấy sự đồi bại, độc
ác là lẽ cố nhiên. Như vậy, đủ hiểu miền âm cảnh, nơi địa ngục rồi. Địa
ngục là nơi tụ hội các linh hồn dơ dáy, tội lỗi nơi trụy lạc, sầu lụy
của bọn si mê, nơi dồn lại của những tư tưởng nặng nề, độc ác, xấu xa.
Những sự hình phạt ở địa ngục cũng tỷ như những giấc chiêm bao có ác
mộng, vào những khi lòng dạ ta không yên, tâm trí ta không thanh thản.
Những người thường hay sát sanh hại vật, khi nằm mộng thường thấy các
việc hung ác hại phá rất ghê. Trái lại, những ai ăn ở xứng đáng, nghiêm
trang, từ hòa, thì giấc ngủ nhẹ nhàng, êm ái, có khi thấy mình lên đến
cảnh tiên nữa. Giấc ngủ giống như là một cái chết nhỏ, con người ta cảm
nhạn mọi điều cũng giống như khi hồn lìa khỏi xác vậy.
Âm phủ, theo cách hiểu của dân gian, cũng giống như ở trong đời này.
Nhưng người sống không thể nhận biết được những vong hồn của kẻ đã chết,
dù họ vẫn ở quanh chúng ta, vì là hai cảnh giới khác nhau. Một đàng là
sống bằng xác thịt hữu hình, một đàng là sống bằng linh hồn vô hình.
Khi con người chết đi, tức là khi cái xác thịt ta đã đến lúc hư hao.
Linh hồn và thể xác khi ấy mới tách rời khỏi nhau. Bấy giờ, con người
bước sang thế giới âm cảnh. Thế giới âm cảnh ấy cũng có sự tổ chức tương
tự như dương gian vậy, cũng có nhiều tầng bậc, nghĩa là kẻ sống tạo tác
các việc lành dữ khác nhau thì vong hồn cũng khác nhau như vậy, kẻ hiền
đi lại với kẻ hiền, kẻ ác cùng ở với kẻ ác, các vong hồn cao thấp, lành
dữ khác nhau, cũng hệt như ở dương trần.
Trong khi phần đông các hồn vong không biết chuyển tư tưởng từ dữ ra
lành, người sống cũng có thể giúp họ phần nào tỉnh ngộ. Đó là việc tụng
kinh, niệm Phật để cầu siêu độ cho người chết. Và nhất là trong giờ phút
lâm chung, phải cố gắng giữ không làm cho người chết khởi tâm giận dữ,
lo lắng hoặc luyến tiếc. Nên khuyên giải họ chú tâm vào việc niệm Phật,
và chấp nhận việc từ bỏ cõi đời là không thể nào chống lại được, vì là
quy luật chung của muôn loài, cho nên cũng không cần phải lo lắng, băn
khoăn cho những người còn sống, chỉ nên hết lòng niệm Phật, cầu được
vãng sanh cõi Phật, hay ít nhất cũng là được sanh về cảnh giới lành.
Hiểu như vậy, khi sống ở dương gian, cũng có thể biết trước kiếp sau
này. Như người sống nhẹ nhàng, thanh thoát, đúng theo đạo lý, thì thế
nào cũng sẽ sanh về một cảnh an vui thanh thản. Còn nếu tánh nết hiểm
độc, dữ tợn, làm nhiều điều quấy ác, thì chắc chắn sẽ phải thác sanh
trong những cảnh giới nặng nề khổ sở, như súc sanh, ngạ quỷ, hay thậm
chí đọa vào địa ngục.
Địa ngục là nơi tập trung của những tư tưởng độc hiểm, xấu xa, trái với
sự tốt lành, nơi quy tụ của những kẻ nhiễm các tình dục xấu xa. Vì vậy,
chúng sanh ở đây biểu hiện thành các hình thể hung ác, bạo tợn, nhìn
thấy rất ghê tởm, đáng sợ, dị hợm như cầm thú, hoặc nửa giống thú vật,
nửa giống con người. Họ không che giấu tâm tánh của họ được. Người có
nết xấu gì cũng đều lộ rõ ra. Lộ ra rồi, tự thấy mình nhơ nhuốc, gớm
ghê. Mỗi một tội lỗi đều tự chiêu cảm lấy một hình phạt tương ứng. Hình
phạt ấy là do nơi tội lỗi ấy mà biểu hiện ra, chứ thật không phải do ai
phán xử hay áp đặt. Cứ xem hình phạt thì biết vong hồn đã phạm những tội
gì trên thế gian.
Đời nay, lắm người gian trá, tranh giành lấn lướt nhau, tham lam, xảo
quyệt. Khi chết họ mang theo tư tưởng và nghiệp quả nặng nề, độc địa, nó
trì kéo họ xuống sâu, không thể gỡ ra được. Vì vậy nên họ tự thấy mình
sa vào những cảnh khổ như bị giòi bọ đục thân, hoặc bị lửa thiêu, bị
nước ngập, bị nấu dầu, bị ngợp khói, bị núi đè, bị thú dữ rượt đuổi, chó
cắn, cọp xé, voi dày, ngựa đạp; hoặc bị cưa, bị chặt, bị kéo lưỡi v.v…
Nên nói cho đúng ra, những sự hành phạt ấy không phải là có thật, đều là
sự chiêu cảm từ những tâm địa độc ác, gian trá, những tánh tham lam,
keo kiệt của chúng sanh khi ở trần gian. Nhưng đối với người thọ báo nơi
địa ngục, những việc đó là thật, nên nó hành hạ làm cho họ đau đớn lắm.
Lại nói về những chúng sanh được hưởng nghiệp lành, theo như trước đã
phân rõ các cảnh giới chư thiên. Tuy nhiên, nhiều người không học hiểu
kinh Phật, cũng truyền nhau về sự làm lành được quả lành, cho rằng sau
khi chết những ai ăn ở hiền lành sẽ được sanh lên cõi Tiên. Cách hiểu ấy
tuy là không đúng hẳn, nhưng cũng không sai khác lắm.
Bà Annie Besant, soạn giả quyển Sagesse Antique, có phân những cảnh giới lành ra làm 7 bậc, theo như dưới đây:
1. Bậc dưới hết là những người khi sống biết yêu thương gia đình, làm
được những người cha hiền, con thảo, vợ khéo, chồng khôn và bạn bè trung
hậu; cũng có những người kính mộ người có tài đức hơn mình, và những
người biết ham mê theo đường trí thức và đạo nghĩa. Những người này
hưởng phước không nhiều và không lâu, nhưng cũng là một cách thanh thú
và một biểu hiện ban thưởng của luật linh thiêng.
2. Bậc kế đó khá hơn là tín đồ các tôn giáo đúng đắn, từng lấy lòng
thành tín mà tin theo đạo của mình và yêu thương vị Chúa tể lập đạo cùng
tạo nên vạn vật. Ở đây, họ trọng đấng cao cả như thế nào thì đấng ấy
hiện ra thế ấy cho họ; Đấng ấy dùng sức linh hoạt mà biến theo sở nguyện
và lòng thành của kẻ tín đồ.
3. Bậc trên nữa là những người trung liệt, nghĩa dõng, những tay anh
hùng, nghĩa hiệp, từng xả thân cứu giúp cho nhiều người khác, làm lợi
ích cho đất nước. Lên đây, cái lòng quảng đại, hào hiệp, càng phát ra,
họ vừa hưởng sự an lạc vừa chờ ngày tái thế để trải thân giúp đời nữa.
4. Bậc thứ tư là những nhà mỹ thuật kỳ tài, những nhà khoa học trứ danh,
những bậc văn hào xuất chúng, những người học đạo nhiệt thành. Ở bậc
này, các ngài lại tiếp tục tu dưỡng thêm, được sống khoan khoái với sự
thành tựu của mình và được gần gũi những người giỏi hơn mình để học hỏi.
5. Bậc thứ năm, đã cao lắm rồi, là linh hồn của mấy nhà có tư tưởng cao
siêu và hạnh kiểm đoan chính. Ở đây, các ngài biết thêm chân lý và đạo
lý.
6. Bậc thứ sáu, là những linh hồn cao siêu thoát tục, không lụy trần khi
ở thế, các ngài nhìn cuộc đời như cõi trống không, chẳng hề có sự tham
đắm, lập chí theo đuổi về trí tuệ.
7. Cao hơn nữa, bậc thứ bảy là chư vị hiền thánh, tu chứng.
Cách hiểu như trên cũng có lợi cho việc khuyến thiện, trừ ác, nên vẫn
thường được nhiều người tin theo. Hơn nữa, nói nôm na như vậy thấy dễ
hiểu hơn, còn phân biệt các cảnh giới khác nhau theo với sức tu tập
thiền định, như trong kinh Phật nói, thì không phải ai ai cũng hiểu
được.
Nhưng hiểu theo cách ấy thì cũng nên biết rằng, cảnh Tiên cũng vẫn phải
chịu sự dời đổi. Tiên hưởng hết phước phải trở xuống cõi trần, vẫn phải
luân hồi khổ não, không thể giữ mãi sự sung sướng, an nhàn của cảnh
tiên. Vậy nên chỉ có người tu theo Phật, cầu được đạo giải thoát, lấy
tâm lượng từ bi hỷ xả mà thương xót hết thảy chúng sanh, thì tâm trí mới
được mỗi ngày một vươn lên thanh thoát cao siêu hơn nữa, không bị lôi
kéo trở vào thế tục.