ĐÔI ĐIỀU VỀ THAM THIỀN
1. Tham thiền là gì?
Trong quyển “Na-tiên Tỳ-kheo kinh”, vua Di Lan Đà hỏi đại đức Na-tiên về tham thiền. Vua hỏi rằng:
“Bạch đại đức! Người nào nhất tâm thiền định, có thoát khỏi luân hồi chăng?”
Ngài Na-tiên đáp rằng:
“Tâu bệ hạ! Người nhất tâm thiền định, đạt được trí huệ và các điều thiện khác thì thoát khỏi luân hồi.”
Vua lại hỏi:
“Bạch ngài! Nhất tâm thiền định với trí huệ có đồng nghĩa nhau chăng?”
Ngài Na-tiên đáp rằng:
“Không giống nhau. Nhất tâm là gom tư tưởng lại. Rồi người tu mới dùng trí huệ mà cắt đứt đi.”
Như vậy, theo đại đức Na-tiên, tham thiền giúp ta định trí, thông hiểu
và đạt lý, rồi sau đó mới dùng trí tuệ mà cắt đứt tình dục, diệt cái xấu
xa ô trược ở nơi mình được.
Nhà hiền triết Plotin hồi thế kỷ thứ ba có dạy rằng: “Ngươi hãy bớt cái
thái quá, sửa những cái chẳng ngay, đưa ánh sáng vào những chỗ tối, làm
cho cả thảy đều được cái sắc sảo xinh tươi và ngươi cứ gọt đẽo cái hình
tượng tốt của người mãi cho đến khi ánh sáng đạo đức cao viễn rọi tỏ nơi
người, cho đến khi người trông vào đó mà thấy cái hoàn mỹ cao nghiêm
rất đáng nâng lên bàn thờ tinh khiết.”
Như vậy, Plotin cũng chỉ ra rằng, phải dùng trí mà suy nghĩ, bỏ cái xấu
lấy cái tốt, bỏ cái dữ lấy cái lành, bỏ chỗ tối đến chỗ sáng, sửa tâm
tánh mãi cho đến khi hoàn toàn.
J.I. Wedgwood, soạn giả quyển La Méditation à L’Usage des Commencants có giải nghĩa tham thiền như dưới đây:
“Tham thiền là sự gắng sức làm cho có một vài phút trí giác linh thiêng ở
cõi cao thượng hòa nhập vào tâm mình trong khi vẫn tỉnh thức. Nghĩa là
có sự sáng suốt hòa nhập vào tâm trí trong lúc sức khỏe vẫn bình thường.
Ta dùng lòng thành tín mà tạo nên một cái cầu nối, nương theo ảnh hưởng
nguyên thủy thượng thiên, tức là sự chân thật, theo cái cầu nối ấy mà
vào làm cho cái hèn tối của ta trở nên sáng suốt thông minh”.
Ông K.P. Blavatsky nói: “Tham thiền là cái chí nguyện không thể bộc lộ,
cái chí nguyện nhiệt thành đưa tâm thần lên nhập cùng với cõi vô cùng vô
tận.”
Thuyết tham thiền có thể là vô hình, như mọi cái đức tánh; nó có thể là
lý tưởng ánh sáng trong người, về cái bổn tánh chân thật của con người,
nó cũng có thể là cái ý nghĩa về một điều gì còn phân vân ở trong trí
mình. Đề mục tham thiền là sự nêu ra một bậc thầy, và hàng đệ tử nương
theo đó mà hành trì, tu tập.
Đạo Phật diễn đạt tham thiền theo một cách dễ hiểu hơn những cách nói
trừu tượng như trên. Thiền là một trong các pháp môn tu tập mà đức Phật
đã truyền dạy. Vì tâm ý chúng ta vốn bị các vọng niệm làm cho mê tối,
mất đi sự sáng suốt, nên để đối trị lại các vọng niệm cần tu tập hai
pháp Thiền và Định. Thiền giúp người tu dứt sạch các vọng niệm đã sanh
khởi, và Định giúp cho các vọng niệm không còn tiếp tục sanh khởi được
nữa. Nhờ vào Thiền Định, người tu tập giữ tâm được vắng lặng, yên tĩnh,
không bị sự quấy nhiễu của lục căn, lục trần, không bị sự dẫn dắt của
tham dục. Khi đó, trí huệ của tự tâm dần dần sanh khởi và soi rọi tất cả
những mê mờ từ vô thủy đến nay, khiến cho thảy đều tan biến mất.
Mục đích tu tập của thiền định là như trên, nên những người tu tùy theo
pháp môn mà mình tin nhận, thọ trì, đều có thể thực hành thiền định theo
những cách khác nhau. Như người tu theo Tịnh độ tông có thể lấy việc
niệm Phật làm phương tiện thiền định; Mật tông lấy việc trì chú để thiền
định... còn Thiền tông thì dạy phép ngồi thiền. Nếu chúng ta hiểu thấu
mục đích của thiền định, chúng ta sẽ thấy các tông phái tuy hành trì có
sai biệt nhưng không hề mâu thuẫn nhau. Bởi vậy, trong Chứng Đạo Ca,
Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác có nói rằng:
Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Nói, im, động, tịnh... thảy an nhiên.
Dù gặp đao binh lòng chẳng ngại,
Uống nhằm độc dược vẫn bình yên.
行亦禪坐亦禪。
語默動靜體安然。
縱遇鋒刀常坦坦。
假饒毒藥也間間。
Hành diệc thiền, tọa diệc thiền.
Ngữ mặc động tịnh thể an nhiên
Túng ngộ phong đao thường thản thản
Giả nhiêu độc dược dã nhàn nhàn
Mặt khác, khi hiểu được mục đích của việc tham thiền, ta mới thấy rằng
không phải chỉ những bậc cao tăng xuất thế, chứng nhập thánh quả mới là
những người tu tập thiền định. Chúng ta dù chưa thể chứng đắc những quả
vị cao xa, nhưng nếu thực hành đúng cách, tu tập kiên trì, cũng có thể
mang lợi những lợi ích tức thời to lớn trong việc rèn luyện tâm ý.
2. Cách tham thiền
Nói rằng tham thiền có phương cách phải tuân theo, e rằng cũng không
đúng lắm. Như người đã thực hành thiền định lâu năm, tâm ý nhuần nhuyễn
điều phục, cho dù có đi đứng nằm ngồi, đều là thiền cả. Bởi thiền vốn là
do nơi tự tâm, chẳng bị hạn cuộc nơi hình tướng. Nhưng đối với những kẻ
sơ cơ mới bước chân vào, nếu hiểu biết một đôi điều cơ bản thì việc tu
tập đúng là có thể sẽ được dễ dàng hơn. Hơn thế nữa, còn có thể tránh
được những sai lệch theo như lời chỉ dạy của những hạng tà sư ngoại đạo.
Khởi sự tham thiền, việc điều phục tâm ý là quan trọng nhất. Đối với
người xuất gia, có câu rằng: “Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật; ngũ
hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền.” (五夏以前專精戒律, 五夏以後方乃聽教叅禪).
Nghĩa là: “Trong năm năm đầu xuất gia, phải lo gắng hết sức mà thọ trì,
giữ theo giới luật. Sau năm năm ấy rồi, mới có thể được dạy cho phép
tham thiền.” Năm năm giữ giới chính là điều kiện tiên quyết để điều phục
tâm ý. Bởi vì, nếu thân chưa yên thì tâm chẳng thể nào yên lắng được.
Việc giữ giới chính là biện pháp tốt nhất để giúp điều phục tâm ý trong
bước đầu. Cho nên mới nói: “Nhân giới sanh định, nhân định phát huệ.”
(因戒生定,因定發慧). Nghĩa là: “Do nơi giới mà sanh ra định, do nơi định mà phát
khởi được huệ.”
Đó là nói về người xuất gia. Người tại gia muốn tu thiền cũng không
ngoài lẽ đó. Tại gia cũng có giới luật của người tại gia, vậy trước khi
muốn học tham thiền, phải kiên trì giữ theo giới luật ấy. Đó là Ngũ
giới, hoặc Thập thiện... tùy theo nơi sự phát nguyện của mình. Nếu làm
theo được trọn vẹn, tự nhiên thân tâm đều được yên tịnh một phần, bao
nhiêu ác nghiệp, vọng tưởng đều phải dần dần lắng xuống.
Hiện nay có những người vọng truyền phép tham thiền. Bản thân họ chưa có
sự chứng đắc mà chỉ dùng lối biện luận tà ngụy để mê hoặc kẻ khác. Họ
bảo rằng tu theo pháp thiền của họ thì không cần giữ giới, không cần mất
nhiều công sức, chỉ trong sớm tối có thể bước lên địa vị Phật Tổ. Những
người ấy không biết rằng, việc “đốn ngộ” “kiến tánh thành Phật” của chư
Tổ, vốn chỉ là tướng trạng thị hiện nơi cõi thế này. Để đạt được phút
giây chứng ngộ ấy, các ngài thảy đều phải trải qua vô số kiếp tu hành,
tích lũy thiện pháp. Chính như đức Phật Thích-ca Mâu-ni, ngài cũng tự
nhận mình đã trải qua vô số kiếp tu hạnh Bồ-tát, hành trì vô số pháp
môn. Nay kẻ phàm tục ác nghiệp tích tụ lâu đời, mà muốn học lấy đạo “làm
ít hưởng nhiều” quả là chuyện không thể nào tin được.
Tuy vậy, người phát tâm tin nhận và thực hành pháp môn thiền định, quả
thật chỉ trong sớm tối có thể nhận biết kết quả tu tập đúng đắn của
mình. Tâm ý được an định, yên vui, lòng sân hận có thể giảm nhẹ, những
mối lo buồn nhất thời có thể không còn làm cho người tu chán nản, đau
khổ nữa... Nếu đạt được ít nhiều những kết quả ấy, đó là việc tu tập đã
đi đúng hướng. Với sự kiên trì thực hành, người tu tập chắc chắn sẽ nhận
được những kết quả xứng đáng với lòng tin và sự nỗ lực của mình.
Sau khi đã dọn mình trong sạch qua một thời gian giữ giới, người tu tập
mới có thể bắt đầu việc thực hành tham thiền, mà trước tiên hết là nên
ngồi thiền. Bởi vì, ngồi là tư thế dễ dàng, thuận lợi nhất đối với người
mới học.
Có thể chọn một cách trong hai cách ngồi sau đây:
1. Ngồi thẳng lưng trên ghế dựa, nhưng lưng ghế không quá nghiêng ra
sau, hai tay đặt nhẹ trên đầu gối, hai chân gần nhau và buông thỏng ở tư
thế thật thoải mái. Ngồi thẳng, đầu giữ cho ngay, không ngửa ra sau
cũng không gục xuống ngực, mắt hơi nhắm nhưng không nhắm hẳn, tốt nhất
là nhìn xuống vào một điểm ở cách xa chừng vài mét, miệng ngậm lại, và
luôn lưu ý giữ xương sống lưng cho thật thẳng.
2. Ngồi xếp chân trên một mặt phẳng, có thể là trên giường hoặc dưới
đất, nhưng nên có đệm lót để không cứng quá, và nhất là không nên ngồi
trực tiếp trên mặt đất ẩm. Hai chân xếp vào, có thể theo lối kiết già
hoặc bán già. Ngồi kiết già thì lòng bàn chân trái ngửa lên, đặt trên
bắp đùi chân phải, lòng bàn chân phải cũng ngửa lên, đặt trên bắp đùi
chân trái, nghĩa là hai chân đan chéo với nhau, cách ngồi này ban đầu
rất khó ngồi, đoài hỏi phải luyện tập một thời gian, nhưng nếu luyện
được thì sẽ là một tư thế rất vững vàng, có thể ngồi được lâu mà không
mỏi. Hoặc ngồi bán già thì lòng bàn chân trái ngửa lên, đặt trên bắp đùi
chân mặt, lòng bàn chân mặt ngửa lên, đặt dưới bắp đùi chân trái, cách
ngồi này dễ ngồi hơn, có thể áp dụng ngay lần đầu tiên. Dù ngồi theo
cách nào, thì hai bàn tay cũng đều phải ngửa lên, bàn tay trái đặt trên
bàn tay mặt. Lưng giữ thật thẳng, đầu hơi cúi về trước nhưng không thấp
quá. Mắt chỉ mở chừng một phần ba, nhìn xuống về phía trước nhưng không
để tâm chú ý vào vậy gì cả.
Quần áo phải thoáng rộng, không được chật chội, nhưng phải đủ giữ ấm,
tránh để thân thể quá lạnh. Nơi tham thiền càng thoáng mát càng tốt,
nhưng nêu ngồi lâu thì nên chọn nơi kín gió, hoặc thông thoáng vừa phải.
Không nên vội vã mà tự ý chọn công án để tham thiền ngay trong giai đoạn
đầu. Hãy đơn giản hóa vấn đề, chỉ là tập luyện để tư thế ngồi được
thuần thục. Mọi sự tiến bộ về tâm ý sẽ tự nhiên hiện đến, không nên
gượng ép. Để nhiếp tâm, trong thời gian đầu chỉ nên tập trung vào sự hô
hấp mà thôi. Khi thở ra, dùng hết sức tỉnh giác của mình để dõi theo hơi
thở, và biết rõ ràng là mình đang thở ra. Khi thở vào cũng tỉnh giác
biết mình đang thở vào. Lâu ngày, hơi thở vào ra liên tục thì sự tỉnh
giác cũng tương tục không hề dứt đoạn, sẽ đạt được trạng thái an định
sáng suốt.
Nhưng bước đầu rất khó giữ cho sự tỉnh giác không bị gián đoạn. Tùy theo
nghiệp lực và căn cơ, trí tuệ của mỗi người, trở lực vấp phải có thể
không hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, hầu hết đều bị gián đoạn bởi ít
nhiều các vọng niệm khởi lên. Ấy là trong khi đang theo dõi hơi thở, tâm
ý bỗng tự nhiên duyên theo một ý nghĩ nào đó. Ý nghĩ này lôi kéo theo
một ý nghĩ khác, rồi một ý nghĩ khác nữa... Những ý nghĩ không mời mà
đến này được gọi chung là vọng niệm. Chúng sanh khởi liên tục nhau không
có chỗ chấm dứt. Cứ như vậy, nếu người tu không kịp phát hiện ra, thì
sẽ chìm lạc hẳn vào các vọng niệm mà không còn giữ được sự tỉnh giác
nữa. Ngồi thiền mà mất sự tỉnh giác thì xem như thời gian ngồi ấy là vô
ích, không có kết quả gì. Tuy nhiên, người tu không cần và không nên bận
tâm đến việc làm sao cho các vọng niệm ấy mất đi. Chỉ cần luôn luôn
tỉnh giác để có thể nhận ra được chúng ngay từ khi chúng vừa sanh khởi
lên. Vì nhận biết vọng niệm, nên tâm ý liền quay về với sự chú ý vào hơi
thở, và vọng niệm sẽ tự nhiên diệt mất.
Có nhiều cách để hỗ trợ thêm cho việc tu tập trong giai đoạn đầu. Người
tu có thể kết hợp việc niệm Phật trong khi chú ý vào hơi thở. Lâu ngày
thuần thục thì các vọng niệm sẽ dứt hết không thể sanh khởi xen vào việc
niệm Phật. Lại cũng có thể dùng phương pháp đếm hơi thở, từ 1 đến 10,
rồi quay lại từ 1 đến 10... cứ thế nối tiếp đều đặn nhau...
Những cách này đều là phương tiện. Nói chung thì mục đích của việc tu
tập trong giai đoạn này là rèn luyện cho thân và tâm đều thuần thục.
Thân thể phải quen dần với tư thế ngồi thiền, ngồi được lâu mà không
thấy mỏi mệt, khó chịu. Muốn được vậy phải rèn luyện từ ít đến nhiều, từ
mau đến lâu, không thể nhất thời mà đạt được. Tâm ý phải quen với việc
tập trung chú ý, giữ được sự tỉnh giác trong suốt thời gian ngồi thiền.
Dù có gián đoạn cũng không động tâm, không buồn bực, chỉ cần nhận biết
vọng niệm và quay về với chánh niệm là được rồi. Lâu ngày thuần thục mới
có thể dứt hết vọng niệm trong lúc ngồi thiền.
Mỗi khi ngồi thiền xong, muốn xả thiền mà đứng dậy thì phải làm một cách
từ tốn, nhẹ nhàng. Trước hết mở to mắt cho quen lại với ánh sáng chung
quanh. Kế dùng tay xoa bóp dần dần hai chân để máu chạy đều. Nếu ngồi
càng lâu thì nên xoa bóp càng nhiều. Tiếp đến từ từ duỗi thẳng hai chân
rồi mới nhẹ nhàng mà đứng lên. Nếu có điều kiện thì sau đó nên đi bách
bộ ít phút để thân tâm đều được thư giãn và hoàn toàn trở lại trạng thái
bình thường.
Việc tu tập tham thiền, bước đầu chỉ cần thuần thục theo đúng những điều
nêu trên là có thể đạt được những kết quả lợi ích lớn lao rồi. Nếu muốn
đi sâu, tiến cao hơn nữa, cần phải có bậc minh sư chỉ dạy, không nên
tùy tiện nghe theo những kẻ bàng môn tả đạo, có khi phải gánh chịu tai
hại khôn lường.
Người tu thiền nên giữ trai giới, nghĩa là ăn chay. Nếu không giữ được
trường trai, thì ít nhất cũng phải ăn chay trong suốt thời gian tu
thiền. Phải tránh rượu, thịt, hoặc các chất kích thích. Những điều này
cũng là nói thêm cho rõ hơn, chứ thật ra nếu đã tinh trì Ngũ giới như
nói ở đoạn đầu thì không cần phải nhắc lại nữa.
3. Tham thiền là cần ích
Bác sĩ Isnasrd, soạn giả quyển La Sagesse du Bouddha et la Science du
Bonheur có gợi ý về việc các trường học phổ thông nên giảng dạy một
phần kiến thức cơ bản về việc tập thiền. Điều ấy thật ra còn khá xa vời.
Tuy nhiên, nó cho thấy quan điểm của tác giả về việc tập thiền. Và quan
điểm ấy là hoàn toàn đúng đắn. Việc tập thiền có một sự lợi ích rất lớn
lao và có thể phổ cập đến cho hết thảy mọi người, mọi tầng lớp trong xã
hội. Miễn là chúng ta hiểu đúng về mục đích đặt ra của mình và tuân thủ
theo đúng những hướng dẫn cơ bản trong khi tu tập.
Không nhất thiết phải tập thiền một cách hoàn toàn chuyên tâm như các vị
cao tăng hoặc hàng tu sĩ nói chung. Người tại gia làm bất cứ nghề
nghiệp nào cũng đều có thể vận dụng việc tập thiền vào đời sống hàng
ngày của mình.
Nếu chúng ta có thể dành ra một cách đều đặn mỗi ngày khoảng từ mười đến
ba mươi phút, là chúng ta đã có thể bắt đầu nghĩ đến việc tập thiền. Và
cho dù với một thời gian rất khiêm tốn như thế, nhưng lợi ích mang lại
có thể sẽ lớn lao hơn nhiều so với những gì bạn tưởng.
Việc tập thiền giúp chúng ta nâng cao khả năng suy xét, phán đoán của
trí tuệ, và nhất là năng lực tập trung tư tưởng vào những lúc cần thiết.
Khoa học ngày nay đã chứng minh được một cách rõ ràng rằng khi tư tưởng
có thể tập trung, thì khả năng làm việc của trí óc tăng lên rất nhiều.
Tập thiền đúng cách cũng giúp chúng ta tự chủ được trong mọi trường hợp.
Chúng ta chẳng những có thể làm chủ được trí tuệ, mà còn có thể làm chủ
cả cảm xúc, tình cảm của mình nữa. Người tu tập thiền có thể giảm nhẹ
rất nhiều những ảnh hưởng của hoàn cảnh bên ngoài, những cảm xúc như
giận dữ, lo buồn, nóng nảy, phiền muộn... đều không thể dễ dàng chiếm
lấy tâm trí của người tu thiền. Người có thể bình thản mà quán xét, phân
tích chúng, nhờ đó có thể đối trị chúng một cách thích hợp.
Ngoài ra, thiền còn giúp hoàn thiện đáng kể sức khỏe của người tu tập.
Thời gian ngồi thiền là thời gian thư giãn lý tưởng nhất của cơ thể, và
sự điều hòa hơi thở giúp thư giãn hoàn toàn từ thể xác đến tinh thần.
Nếu thời gian tập thiền mỗi ngày có thể tăng lên đến khoảng hai lần, mỗi
lần chừng 30 phút, thì sức chịu đựng của cơ thể sẽ tăng lên đáng kể,
thậm chí còn giúp gia tăng sức đề kháng đối với một số bệnh tật nữa.
Và điều cuối cùng cần nói ở đây là, tập thiền đòi hỏi phải hết sức
nghiêm túc theo đúng những hướng dẫn khi thực hành, nhưng việc thực hiện
lại rất đơn giản chứ không quá phức tạp và mang nhiều màu sắc thần bí
như nhiều người vẫn lầm tưởng.