Đây là hệ thống quán tưởng về Định
lực được biết đến dưới danh xưng Ànàpànasati bhàvanà, hay vắn tắt và giản dị
hơn, là Ànàpànasati, Giác Niệm về Hơi thở. Tất cả có cả thảy là mười sáu bước
thực tập, hay là mười sáu đề mục được đem ra thực tập. Dường như có vài người
chẳng thích và than phiền rằng có quá nhiều bước, quá nhiều đề mục cho họ học
tập. Về điểm nầy, tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng, Đức Phật chẳng bao giờ
giảng dạy những gì nhiều hơn sự cần thiết, hoặc những gì còn chưa đầy đủ. Tức
là, mười sáu bước của Giác Niệm về Hơi thở chẳng hề quá nhiều hoặc quá ít cả.
Nếu bạn có đủ kiên nhẫn để thực tập cả mười sáu bước, bạn sẽ có được một hệ
thống trọn vẹn. Nếu bạn chẳng đủ sức để thực tập như thế, thì vẫn còn có một
thể dạng tóm lược cũng khá thích hợp cho những người còn... lười.
Có rất nhiều hình thức, thể dạng và
hệ thống về sự Quán tưởng về Định lực. (Samàdhi bhàvanà). Hôm nay, tôi muốn bàn
luận về sự quán tưởng về Định lực (Samàdhi bhàvanà) được Đức Phật giới thiệu và
khuyến khích. Đề tài nầy được kết tập trong Tam Tạng Kinh điển, hệ Pali
(Tipitaka), dưới cả hai hình thức giản lược và chi tiết về lời giải thích.
Chúng tôi gọi đó là sự Quán tưởng Định lực của Đức Phật. Sự quán tưởng nầy
chẳng phải là hệ thống của Miến điện, hay của Trung Hoa, hoặc của Tích lan mà
ngày nay chúng ta thường quí chuộng. Nó cũng chẳng phải là hệ thống nào của một
vị Hoà thượng nầy, thiền sự nọ, đạo sư kia mà lắm người thường bị dính chặt
vào. Lại cũng chẳng phải là hệ thống của Suan Mokkh hay của bất cứ tu viện nào.
Nó chẳng hề giống với bất cứ hình thức pháp môn mới mẻ nào của ngày nay. Trái
lại, đó là đường lối chơn chánh mà Đức Phật đã giảng dạy và khuyến khích tu tập
theo. Ngài tuyên bố hình thức quán tưởng về Định lực nầy chính là đường lối mà
Ngài đã theo để đạt đến sự Giác Ngộ Hoàn Toàn. Chúng tôi sẽ đặc biệt nói riêng
về hệ thống của sự quán tưởng về Định lực đó.
Thể dạng rút gọn cho người thường.
(...) Chúng tôi xin chỉ lấy những
gì vừa đủ cho người thường, mà chúng tôi gọi đó là "phương pháp được rút
gọn". Cốt lõi của phương pháp nầy là tâm tập trung vào định lực một cách
thích hợp, vừa đủ, mà người thường có thể làm được, và rồi dùng cái tâm tập
trung đó để quán sát vô thường khổ sở vô ngã -- ba đặc tướng của muôn pháp
(aniccam dukkham anattà) -- cho đến khi nào nhận thức được rõ ràng tánh không
(sunnatà) và như thị (tathatà). Với sự thực tập nầy, thường nhơn cũng thâu nhận
được như thường các lợi lạc của định lực. Họ sẽ thâu hoạch được kết quả đầy đủ
về sự tận diệt Khổ sở (dukkha), nhưng sẽ chẳng có các đức tánh đặc biệt cộng
thêm vào đó. Dầu sao thì các đức tánh đặc biệt đó cũng chẳng cần thiết. Vậy
thì, bạn cứ tập trung tâm ý đi vào định lực đủ để tiến lên việc quán sát vô
thường, khổ sở và vô ngã. Như thế, chỉ cần thực tập bộ bốn thứ nhứt của Pháp
Giác niệm về Hơi thở đầy đủ, rồi thì thực tập tiếp đến bộ bốn thứ tư, cũng đầy
đủ nữa. Và chỉ có thế mà thôi! "Đầy đủ" thì chẳng phải là nhiều quá,
mà cũng chẳng được trọn vẹn đâu, nhưng cũng đã đủ tốt lắm rồi. Đấy là thể dạng
rút gọn dành cho thường nhơn.
Giờ đây, chúng ta xét đến việc thực
tập bộ bốn thứ nhứt. Hãy thở sao cho hơi thở thật tế nhị và khiến cho toàn thân
thể trở nên tế nhị, tức là, thanh lương và yên tĩnh. Chỉ cần bấy nhiêu thôi đã
đủ cho tâm vừa đủ khéo léo để đi vào quán tưởng minh sát (Vipassanà). Và rồi
tâm đạt đến giai tầng có thể quán tưởng về vô thường, khổ sở và vô ngã (aniccam
dukkham anattà); cả ba đặc tướng nầy thường thể hiện qua mọi bộ phận, cơ quan,
thành phần trong cơ thể. Đặc tướng vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của mọi
cơ quan, bộ phận trong thân thể chúng ta -- vừa thể chất lẫn tinh thần -- được
quán sát cho đến khi nào nhận thức ra được đặc tướng như thị (tathatà). Khi đặc
tướng như thị đã được nom thấy thật rõ, thì chúng ta hết còn bị rơi dưới quyền
lực của nhị nguyên (dualism) nữa. Như thế cũng đã đủ rồi. Đủ được chừng ấy cũng
khiến ta vượt lên, càng ngày càng cao hơn, để đi sâu vào các Pháp cho đến khi
nhận thức được điểm tuyệt cao. Đấy là phương pháp giản lược cho thường nhơn;
những ai còn sống trong gia đình, cũng có đủ khả năng để thực tập được chừng
ấy.
Thể dạng hệ thống đầy đủ của Đức
Phật
Giờ đây chúng tôi xin nói đến hệ
thống mà chính Đức Phật đã thực tập và giải thích. Đây là hệ thống đầy đủ, hoàn
toàn, khác với thể dạng rút gọn; tức là hình thức có đầy đủ cả bốn bộ bốn của
Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Xin bạn hãy kiên nhẫn để nghe. Bạn có
thể có đủ khả năng để hiểu được đôi chút và như thế cũng đủ để đem lại lợi lạc
cho bạn. Nếu chẳng may bạn còn nghĩ rằng nó quá dài, hay dư thừa, thì chắc là
bạn còn chưa thực sự hiểu rõ được chi cả.
Chúng ta thở, và thở nhiều hơi thở
khác nhau để quán sát tìm hiểu mỗi loại hơi thở thực sự đang tiếp diễn ra.
Chúng ta cũng hiểu rằng hơi thở hỗ trợ và phục dịch cho tấm thân vật chất. Điều
nầy đã được biết rõ như thế, tự ngàn xưa, ngay cả trước khi Phật giáo xuất hiện
trên thế gian. Có thật nhiều phương pháp huấn luyện hơi thở (prànayàma) được
thực tập trước thời Đức Phật. Khi Đức Phật thị hiện ra đời, Ngài lấy sự huấn
luyện hơi thở, prànayàma, đem cải tiến lại để trở thành hệ thống quán tưởng
Giác Niệm về Hơi thở. Chúng ta điều chỉnh cuộc sống và thân thể qua hơi thở. Do
đó mà có bốn bườc thực tập: (1) ý thức được hơi thở dài, (2) ý thức được hơi
thở ngắn, (3) ý thức được hơi thở đã điều hoà thân thể như thế nào, và (4) quán
tưởng theo đường lối nào mà hơi thở trở nên êm dịu, để khiến cho thân thể được
an tịnh. Đó là bốn bước thực tập. Đâu có nhiều chi lắm, phải không? Tại sao lại
chẳng thử tập xem? Bạn hãy quán sát cho thật tình và nghiên cứu cho chân xác
theo một đường lối khoa học. Rồi thì mọi việc sẽ chẳng có khó khăn chi nữa
cả.
Sự kiểm soát hơi thở (prànayàma)
còn có nhiều lợi điểm khác chẳng dính dáng với tôn giáo hay Chánh Pháp (Dhamma).
(...) Bạn có thể làm cho đời bạn dài thêm ra hơn mức bình thường, nhờ sự kiểm
soát hơi thở. Hay là bạn có thể làm cho bạn chết, ngay cả vào hôm nay nữa. Bạn
có thể chết được ngay vào bất cứ hơi thở nào bạn muốn, qua sự kiểm soát hơi
thở. Bạn có thể có được hơi thở tốt đẹp và lành mạnh cùng với một thân thể tốt
đẹp và lành mạnh, qua sự kiểm soát hơi thở. Bạn có thể chơi thể thao, lái xe,
làm việc ở văn phòng, hay bất cứ việc gì bạn muốn, nếu bạn có thể điều chỉnh
hơi thở của bạn, tức là pràna, theo đúng đường lối phù hợp với các mục tiêu của
bạn.
Chúng tôi muốn các bạn biết rõ rằng
Giác Niệm Hơi thở còn có đủ các lợi điểm bên lề đó, ngoài phạm vi giáo lý và
tôn giáo ra.
Nhiệm vụ tối cao của chúng ta.
Bộ bốn chót bàn về Pháp (Dhamma),
tức là Thiên nhiên và Chơn Lý về Thiên nhiên. Khi tâm (citta) đã chịu ở dưới sự
kiểm soát rồi và có được định lực (samadhi) cần thiết, ta dùng tâm ấy để thực
hiện cái nhiệm vụ tối cao. Khi nói "tối cao", chúng tôi muốn nói đến
nhiệm vụ phải biết rõ, phải nhận thức rõ, Chơn Lý. Xuyên qua sự minh sát
(Vipassanà) bằng cách quán sát thật kỹ lưỡng với một định tâm chúng ta sẽ nom
thấy rõ Chơn Lý của muôn sự vật. Chúng ta nhận thức được mọi sự vật đều vô
thường. Bất cứ việc gì mà ta đang thể nghiệm đây cũng là vô thường. Ngay cả
những sự vật mà ta còn chưa ý thức đến cũng vô thường nữa, nghĩa là, luôn biến
chuyển và thay đổi. Chỉ có một ngoại lệ duy nhứt là Niết-bàn (Nibbàna), một
thực thể chẳng hề thay đổi. Như thế, chúng ta biết được sự vô thường (aniccam)
của muôn sự vật. Hơn thế nữa, sự kiện về vô thường còn đè ép chúng ta, và khiến
cho chúng ta phải thể nghiệm sự Khổ sở (Dukkha). Tình trạng khổ sở đó khó cho
mọi người phải chịu đựng mãi; chẳng có tự ngã nào, linh hồn nào chống cự lại
được. Đó là vô ngã (anattà). Và như thế đó chúng ta nhận thức được vô thường,
khổ sở, vô ngã (aniccam dukkham anattà). Gọi chung chúng lại, ta nói đó là tánh
không (sunnatà), tức là sự rỗng không của cái tự ngã. Kế đó, nhận thức đến sự
như thị (tathatà), "như thế", "chỉ là như vậy đó’. Đó là bước thứ
nhứt của bộ bốn thứ tự Nó được gọi làquán tưởng về vô thường (anicca nupassanà)
Chỉ riêng một danh từ kép đó cũng đủ bao trùm hết cả các sự nhận thức về vô
thường, khổ sở, vô ngã, tánh không, như thị! (aniccam dukkham anattà sunnatà
tathatà). Tất cả các điều đó đều được gom chung lại vào một bước, bởi vì tất cả
đều là kết quả trực tiếp của việc nhận thấy ra được sự vô thường.
Tiếp tục thực tập, ta thấy rằng:
"Ồ! một khi nhận thức được vô thường (aniccam) rồi thì sự bám níu (= chấp
thủ) bắt đầu phai nhạt dần, rồi từ từ tan rả từng miếng, từng miếng ra".
Điều đó được gọi là Viràga, sự vô chấp thủ, sự buông bỏ chẳng bám níu nữa. Nhận
thức được sự tan rả của việc bám níu khiến ta thốt lên: Ồ! tiêu tán hết rồi! Sự
bám chặt đã "rã bèn" hết rồi! Đó là sự đoạn diệt (nirodhà): sự tuyệt
diệt đến tận gốc rễ của mọi lậu hoặc, phiền não và khổ sở. Nếu sự khổ sở
(dukkha) đã thật sự chấm dứt, chúng ta liền biết rõ: "Ý a! Nay mọi việc
đều chấm dứt hết, mọi việc đều ngừng lại hết. Nhiệm vụ của chúng ta đã hoàn
tất! Chẳng còn gì phải làm thêm nữa". Chẳng còn sự khổ sở nào hay vấn đề
khó khăn nào sót lại nữa, còn cần phải dập tắt nữa cả. Đấy được gọi là sự quẳng
bỏ lại ra phía sau (patinissagga), sự khước từ, sự từ bỏ tất cả. Chẳng còn gì
sót lại hết cả. Đấy là bộ bốn cuối cùng, sự quán tưởng về Pháp (Dhamma
nupassanà) có liên quan đến Chơn Lý của muôn sự vật.
Chẳng có gì dư thừa cả.
Sau cùng, bạn có thể tự mình nhận
thấy lấy, xem có. việc gì là dư thừa hay không. Chúng ta bắt đầu nghiên cứu về
sự Khổ sở (dukkha), và nguyên nhân đã khiến sự Khổ sở khởi lên. Kế đó, chúng ta
nghiên cứu về những cơ sở nào đã khiến cho sự Khổ sở nẩy nở thêm lên: đó là
thân (Kàya) và các cảm thọ (Vedanà). Chúng ta tiếp tục nghiên cứu sự thể nghiệm
khổ sở, hoặc thể nghiệm sự vắng bóng của nỗi Khổ sở; nói cách khác, chúng ta đã
nghiên cứu tâm (citta), cái tâm thể nghiệm sự Khổ sở và sự Chẳng khổ. Và sau
chót, chúng ta nghiên cứu Pháp (Dhamma), tức là Chơn Lý của muôn sự vật, để
khiến cho tâm biết, hiểu biết, biết thật rõ ràng, cho đến khi nào tâm ấy biết
rằng chẳng còn gì bám níu (= chấp thủ) vào đâu nữa cả. Biết buông bỏ tất cả!
Thật có rất nhiều việc cần phải
làm. Để hoàn tất nhiệm vụ đó, sự thực tập của chúng ta cần phải thật đầy đủ. Vì
lẽ đó mà ta cần phải có đủ mười sáu bước thực tập. Nhưng như tôi đã giải thích
với các bạn khi trình bày Pháp nầy, cũng chẳng có chút nào là quá mức hay dự
thừa cả. Thật ra, có rất nhiều đề mục cần phải nghiên cứu để thấu hiểu tường
tận, nhưng chỉ nên biết rằng đó chỉ có võn vẹn là mười sáu bước thực tập mà
thôi, có chi là quá nhiều đâu. Vài người nói, như thế đó cũng đã nhiều rồi, và
họ còn chưa muốn nghiên cứu và thực tập đến. Nếu họ cứ nghĩ Pháp nầy chẳng giúp
đỡ gì cho họ, thì thôi vậy, cứ để cho họ tự tìm lấy những gì thích hợp với họ.
Những ai chẳng muốn nghiên cứu và thực tập hình thức đầy đủ của mưới sáu bước
thực tập nầy, thì họ vẫn còn có thể tập theo các thể dạng tóm lược đã được bàn
đến ở phía trước. Đấy cũng khá đủ để có thể thâu hoạch được các lợi lạc của
Phật học xuyên qua kỹ thuật quán tưởng về Định lực (samàdhi bhàvanà).