Kính thưa quý vị!
Đề tài mà chúng tôi có duyên được trình bày cùng quý vị hôm nay thuộc một lãnh vực rất phổ thông, song cũng rất quan trọng, bởi vì nó liên hệ đến rất nhiều người theo đạo Phật. Đó là Pháp môn Tịnh độ, một pháp môn mà hầu hết các Phật tử đều quen biết. Đúng vậy, từ khi đạo Phật du nhập vào nước ta đến nay đã trải qua biết bao nhiêu sự thăng trầm nghiệt ngã của lịch sử. Đứng trước sự kinh hoàng đầy cay đắng đó Phật giáo Việt Nam vẫn mãi là một cây cổ thụ đứng vững để che mát cho nhân loại mà không hề bị tàn lụi. Dù trong mọi hoàn cảnh nào, Phật giáo Việt Nam luôn luôn sát cánh với dân tộc, hòa nhập với dân tộc như nước với sữa, thật là đúng như mấy câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh:
“Trang sử Phật,
Đồng thời là trang sử Việt,
Trải bao độ hưng suy,
Có nguy mà chẳng mất”.
Và đây, Pháp môn Tịnh độ, cũng vậy, như một dòng suối trong lành, mát dịu cứ mãi tuôn chảy vỗ về đến từng trái tim son của người dân Việt Nam mà không hề ngưng nghỉ. Chắc có lẽ Pháp môn Tịnh độ đã trở thành một nguồn sống tinh thần ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.
Thậm chí, từ những em nhỏ cho đến những cụ già vẫn thường nở trên môi câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Không chỉ vậy, bây giờ câu niệm Phật đã trở thành một ngôn ngữ giao tiếp và cũng là món quà dễ mến cho toàn thể chư Tăng Ni và tín đồ Phật tử.
Thật phải nói, Pháp môn Tịnh độ là một pháp môn thích đáng, khế hợp mọi căn cơ, dễ tu, dễ chứng, chư Phật trong mười phương đã dùng pháp môn này để cứu vớt hết thảy chúng sinh xa rời nẻo khổ, chứng đắc Niết bàn ngay trong một đời.
Đức Phật quán thấy chúng sinh đời mạt pháp đa số là những hàng hạ căn, đầy dẫy phiền não, phước mỏng nghiệp dày. Vì lòng bi mẫn, Ngài đã thương tưởng đến chúng sinh, với lòng từ bi vô hạn, đức Phật đã giới thiệu một cảnh giới Tịnh độ của Phật A Di Đà, để cho chúng sinh nương nơi tha lực bản nguyện của Phật A Di Đà mà được vãng sinh.
Pháp môn Tịnh độ được hình thành trong ba bộ kinh Tịnh độ:
1. Phật Thuyết A Di Đà Kinh
2. Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh
3. Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh
Bộ kinh Tịnh độ này được hình thành tại Ấn Độ do đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni nói ra chứ không phải do một ông Thần ông Thánh nào nói cả. Những ai đã theo và đang theo Pháp môn Tịnh độ, tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên pháp môn này thì hãy lắng nghe đức Thế Tôn dạy: “Vô lượng Bồ tát ở mười phương thế giới muốn nghe thuyết về Pháp môn Tịnh độ mà không được toại nguyện. Giả sử khắp tam thiên đại thiên thế giới bị nạn hỏa thiêu, nếu ai được nghe giảng về Pháp môn Tịnh độ mà phải băng qua miền lửa cháy thì cũng cố nên vượt qua để được nghe diệu pháp này”.
Lời Phật đã dạy như vậy, đủ chứng tỏ giá trị siêu việt của Pháp môn Tịnh độ hay pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc quốc cao tột đến mức độ nào.