Quy hướng Tịnh độ
Nay là thời mạt pháp, chính là lúc Pháp môn Tịnh độ đang cần hơn bao giờ hết cho nhân loại. Vì vậy, chúng ta nên tuân thủ nhiều hơn đối với Pháp môn Tịnh độ. Như ngài Thiên Như Thiền sư đã dạy: “Mạt pháp chi hậu chư kinh diệt tận, chỉ lưu A Di Đà Phật tứ tự cứu độ chúng sinh, kỳ bất tín giả, ưng đọa địa ngục”, nghĩa là: đời mạt pháp về sau, các kinh sách đều diệt hết, chỉ còn lưu lại bốn chữ A Di Đà Phật để cứu độ chúng sinh, nếu kẻ nào không tin, tức sẽ bị đọa địa ngục”.
Ngẫu Ích Trí Húc đại sư khi viết quyển A Di Đà Kinh Yếu Giải đã phải lên tiếng than rằng: “Đời mạt pháp ức vạn người tu hành ít có người đắc đạo. Chỉ còn nhờ pháp niệm Phật mới được độ thoát. Than ôi! Nay chính là đời mạt pháp rồi mà bỏ pháp môn niệm Phật này thì còn pháp môn nào tu học được nữa!”.
Tế Tỉnh đại sư (Triệt Ngộ) Liên tông thập nhị Tổ thường dạy rằng: “Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ nguyên là bậc “tông tượng” trong chốn Thiền môn mà còn quy tâm về Tịnh độ thay, huống chi nay là thời kỳ mạt pháp, chúng ta lại càng phải nên tuân theo hơn nữa”.
Các vị Thiền sư còn phải lên tiếng nói rằng: “Nếu như chúng tôi khi mới xuất gia mà có túc căn sớm với Pháp môn Tịnh độ, thì chúng tôi không phải mất công, tốn sức chuyển pháp môn tu như thế này đâu”.
Chúng ta thấy, các vị Thiền sư còn quy tâm về Pháp môn Tịnh độ một cách dứt khoát, thì phải nói pháp môn niệm Phật là pháp môn vi diệu, bất khả tư nghì.
Hôm nay, thật là hữu duyên cho chúng ta sớm gặp được Pháp môn Tịnh độ ngay từ ban đầu, theo như chúng tôi nghĩ, chắc có lẽ từ vô lượng kiếp chúng ta đã từng gieo nhân niệm Phật, chính nhân niệm Phật này mà chúng ta có được quả niệm Phật hôm nay.
Nhờ nhân duyên lành đó, chúng ta được chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ trao tặng pháp môn này, chứ đâu phải dễ. Đây là một pháp môn mà các Ngài đã thực hành và đã chứng đắc.
Vậy chúng ta đi theo pháp môn tu của các Ngài chỉ dạy thì chúng ta cũng giống như các Ngài không hai không khác.
Chúng ta đã có duyên với Pháp môn Tịnh độ, thì chúng ta không sợ lạc đường, nếu nói lạc đường thì chư Tổ lạc đường trước. Ví dụ, nếu như pháp môn niệm Phật này không có ai tu theo mà ta tu một mình thì ta mới sợ lạc đường, huống hồ chư Tổ, nhiều vị tu theo pháp môn này, thì chắc chắn chúng ta không sợ lạc đường, chúng ta phải có lập trường và tin chắc như vậy, không có một ý nào mà hoài nghi cả.
Trong kinh Niệm Phật Ba La Mật, đức Phật dạy: “Trong quá khứ vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp nhẫn lại đến nay, mười phương chư Phật chỉ dùng pháp môn niệm Phật để cứu vớt hết thảy chúng sinh”.
Trong hiện tại cũng có vô lượng vô biên hằng hà sa số chư Phật cũng đang thuyết giảng giáo nghĩa này. Đức Phật còn nói thêm trong đời vị lai, tất cả mười phương chư Phật muốn cứu vớt chúng sinh thì không ngoài pháp môn niệm Phật này. Vì vậy, Như Lai bảo rằng: “Pháp môn niệm Phật là vua trong tất cả các pháp”.
Chư Phật, chư Tổ, chư Bồ tát luôn khen ngợi, tán thán, ra sức xiển dương Pháp môn Tịnh độ mà chúng ta không tin hay sao. Ví như có một người nào đó bị trúng đạn vào chân, thì chúng ta cũng cảm thấy họ đau như thế nào, khi chúng ta bắt gặp một người nào đó rạng rỡ nở nụ cười trên môi thì chúng ta cũng cảm thấy được họ hạnh phúc, họ vui như thế nào, huống hồ, biết bao nhiêu danh hạnh, biết bao nhiêu tấm gương sáng niệm Phật được vãng sinh. Tổ Tổ tương truyền cho đến bây giờ thì chúng ta cũng cảm thấy được pháp môn niệm Phật vi diệu, thù thắng, tuyệt vời như thế nào rồi.
Không phải chúng tôi theo Tịnh độ mà chúng tôi tự đề xướng, tự đưa pháp môn của mình lên tận trời cao đâu, mà phải hiểu như thế này, hôm nay, chúng tôi chỉ là người phụ họa thêm thôi, chỉ là người biết cầm bút để ghi lại những lời chư Phật, chư Tổ chỉ dạy mà thôi, chớ chúng tôi không bao giờ có ý bảo thủ, tự lập một pháp môn riêng cho mình đâu, đây là điều mà chúng tôi tối kỵ nhất.
Chúng tôi xiển dương ca ngợi pháp môn Tịnh độ là đều y cứ vào sử sách, chớ không bao giờ nói một cách suông, như chúng ta đã từng biết đạo Phật không chỉ nói lý thuyết suông không, mà còn phải đòi hỏi hành nữa, cho nên có câu “Học đạo chưa phải là đắc đạo. Hành đạo mới gọi là đắc đạo”. Đúng vậy, những điều chúng tôi nói đều y cứ vào sử sách chứ không bao giờ tự nói, để cho quý vị có được tín tâm đối với pháp môn này, chúng tôi xin giới thiệu một số sách nói về Pháp môn Tịnh độ. Đó là: kinh A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Niệm Phật Ba La Mật, kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, Niệm Phật Thập Yếu, Những chuyện vãng sinh lưu xá lợi v.v…
Đã là một hành giả tu theo Pháp môn Tịnh độ thì chúng ta nên cần tìm đọc những cuốn sách Tịnh độ, có như vậy mới giúp cho tín tâm của chúng ta vững chắc thêm. Ngoài những cuốn sách Tịnh độ trên, chúng ta nên tìm đọc ngay cuốn “Liên Tông Thập Tam Tổ”, đây là một cuốn sách gối đầu, nói rất rõ ràng về phương pháp tu và những công hạnh đẹp của 13 vị Tổ sư của Pháp môn Tịnh độ.
Để chúng ta có niềm tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên, đối với Pháp môn Tịnh độ, chúng tôi xin dẫn chứng một vị Tổ trong Liên tông thập tam Tổ cho quý vị biết: đó là Sơ Tổ Huệ Viễn. Trong 10 năm ròng rã niệm Phật, Ngài đã thấy Phật A Di Đà xoa đầu Ngài ba lần. Khi lâm chung Ngài biết được ngày giờ ra đi, an nhiên thị tịch một cách tự tại. Từ Sơ Tổ Huệ Viễn lần đến vị Tổ thứ 13 là Ấn Quang đại sư đều niệm Phật, khi lâm chung các Ngài đều biết ngày giờ ra đi một cách tự tại.
Thật phải nói, pháp môn niệm Phật là pháp môn thù thắng. Như vậy thử hỏi Pháp môn Tịnh độ có phải dành riêng cho những người thấp hèn, bất học tu không?
Chúng tôi xin mạnh dạn trả lời thật là không phải chỉ dành riêng cho những kẻ thấp hèn mà còn cho đến các vị đại sĩ Pháp thân Bồ tát, chư Tổ cũng đều tu theo.
Thế mà nay, chúng tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai pháp môn niệm Phật chỉ dành cho những kẻ không học, những kẻ ngu phu ngu phụ, những người đầu làng cuối xóm tu theo thôi, còn những bậc có học, thượng căn ai mà tu theo làm gì!
Hôm nay, chúng tôi viết đề tài này là thiết tha kêu gọi những ai mà đã có ý chê bai hủy báng Pháp môn Tịnh độ thì nên lập tâm sám hối, chớ không thì chúng ta tự hủy báng chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ đấy, thật là tội nặng đáng đọa vào tam đồ.
Cho nên Ấn Quang đại sư đã phải lên tiếng cảnh cáo người đời rằng: “Pháp môn niệm Phật cao thâm huyền diệu mà vẫn có nhiều kẻ còn dám khinh chê cho là chỉ có những người già nua, tuổi tác yếu đuối, dốt nát mới theo Pháp môn Tịnh độ thì quả là họ đã dám coi thường, khinh chê cả các vị đại Bồ tát như Di Lặc, Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Mã Minh, Long Thọ rồi vậy”.
Đối với quý vị nào mà đã phạm vào thiển ý chê bai, hủy báng Pháp môn Tịnh độ, thì quý vị không nên run sợ gì cả. Như chúng
ta thường nghe đức Phật dạy:
Có hai hạng người mạnh:
1. Hạng người có lỗi mà biết sám hối.
2. Hạng người không tạo lỗi.
Vậy quý vị cứ y theo lời Phật dạy thì sẽ trở thành người tốt mà thôi.
Ngài Trí Húc đại sư, lừng danh trong chốn Thiền môn thuở xưa, đã lên tiếng trước hàng đệ tử: “Khi mới xuất gia, tôi tập ngồi thiền, tự phụ đã tu theo đốn pháp dễ ngộ và tỏ ý chê bai Pháp môn Tịnh độ, cho là tiệm pháp lâu chứng. Khi ấy còn ít tuổi, tôi dám cả gan nói những điều thiếu suy xét rằng: “Pháp môn Tịnh độ chỉ dành riêng cho hạng người hạ căn ít học mà thôi. Chẳng dè, nhân bị một cơn ốm nặng, tưởng khó qua khỏi, tôi mới chịu phát tâm niệm Phật A Di Đà, sau đó khỏi bệnh, tôi được đọc nhiều sách nói về Tịnh độ, lúc này tôi mới bừng tỉnh, bừng tỉnh cái gì? Là thấy chư Bồ tát, chư Tổ đều niệm Phật cầu vãng sinh, kể từ đây tôi mới nhất tâm niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh Tây phương Cực lạc, ngày đêm không ngừng với một sức tinh tiến ít người nào sánh kịp”.
Chúng ta đã thấy tận tường chưa? Ngài Trí Húc đại sư là bậc tông tượng trong chốn Thiền môn, khi mới xuất gia theo Thiền tông, Ngài có ý chê bai hủy báng Pháp môn Tịnh độ, nhưng khi bừng tỉnh, Ngài thấy mình có lỗi liền lập tâm sám hối, quy hướng về Pháp môn Tịnh độ niệm Phật cầu vãng sinh để giải quyết sinh tử.
Chư Phật, chư Tổ vì thương chúng sinh đời mạt pháp cứ mãi trôi lăn trong vòng sinh tử, với lòng từ bi vô điều kiện, các Ngài đã khuyên chúng ta nên theo Pháp môn Tịnh độ vì dễ tu, dễ chứng như đi thuyền buồm xuôi dòng, gặp gió thuận, lướt nhẹ trên mặt nước, tiến mau như mũi tên, còn tu theo các pháp môn khác sẽ gặp nhiều điều khó khăn.
Cho nên trong Liên Tông Thập Tam Tổ, Ấn Quang đại sư nói rằng: “Bỏ đường tắt Tây phương, chín giới chúng sinh trên khó thể viên thành quả giác. Lìa cửa mầu Tịnh độ, mười phương chư Phật, dưới không toàn độ khắp quần mê. Pháp môn cao cả lợi khắp ba căn nhân đây: Chín cõi đồng về, mười phương khen ngợi. Phật nguyện rộng sâu không từ một vật nên được: nghìn kinh đều chỉ, muôn luận tuyên bày”.
Mỗi niệm danh hiệu Phật tức là mỗi niệm thành Phật, không đợi nhiều kiếp tu chứng, vì nó gồm cả Thiền, Giáo, Luật, Mật, phổ cập đến các bậc thượng, trung, hạ, như mưa thấm nhuần đủ muôn vật, như biển cả dung nạp trăm sông, Đại thừa, Tiểu thừa, Đốn giáo, Tiệm giáo, tất cả tu theo pháp môn này đều được thành tựu Phật quả.