Tịnh độ
Tin sâu pháp môn Tịnh độ
22/01/2557 13:54 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Các mối nghi về Tịnh độ

Có người hỏi rằng: Kinh thường nói người niệm Phật đới nghiệp vãng sinh, liền dự vào hàng Thánh chúng, đạt được bất thối chuyển tâm. Còn mang thân phàm phu, còn nghiệp lực làm sao đạt được bất thối tâm nơi đạo Bồ-đề?

   Đáp: Kinh A Di Đà, Phật Thích Ca có dạy: “Cõi Cực lạc kia sau khi chúng sinh đã sinh về đều là bậc A-la-hán và Bồ tát bất thối chuyển nơi đạo Vô thượng Bồ-đề. Có năm nhân duyên khiến cho chúng sinh ở cõi kia được tâm bất thối chuyển nơi đạo quả Bồ-đề.

   - Do nguyện lực từ bi rộng lớn độ chúng sinh của Phật A Di Đà.
   - Chúng sinh ở nơi cõi kia thường gặp ánh sáng của chư Phật và Bồ tát chiếu đến, làm cho tâm Bồ-đề tăng trưởng.
   - Cảnh giới Cực lạc trang nghiêm, ngày ngày có tiếng chim kêu, nhạc trỗi, gió thổi, những âm thanh này phát ra, nếu có chúng sinh nghe được liền phát tâm nghĩ nhớ tới Phật, Pháp, Tăng. Cho nên tâm Bồ-đề không bị thối lui.
   - Cõi Cực lạc toàn là thiện hữu tri thức đồng tu, luôn giúp đỡ nhau trên bước đường tu học, không có ác hữu tri thức ngăn cản, ngoài cảnh không có quỷ thần tà ma, ngoại đạo quấy nhiễu, nội tâm không tham sân si, tình ái phiền não rối loạn, nên tâm Bồ-đề không bị thối lui.
   - Chúng sinh cõi kia thọ mạng lâu dài đồng với chư Phật, Bồ tát nên đủ thì giờ tu tập cho đến ngày chứng đạo, không phải sống chết nhiều phen như chúng sinh nơi Ta bà, mê mờ trong lúc thọ thai chuyển thân, quên đi bản nguyện ban đầu, do đó tâm Bồ-đề dễ bị thối lui. Trái lại chúng sinh ở Cực lạc luôn tăng trưởng theo thọ mạng”.

   Vì những nhân duyên thù thắng như thế, nên chúng sinh ở mười phương thế giới sau khi vãng sinh về cõi kia, bao gồm những vị đới nghiệp vãng sinh nơi hạ phẩm hạ sinh cũng được liệt vào hàng Thánh chúng và đạt được tam vị bất thối.

   Chỉ cần quay đầu lại quy y với Phật A Di Đà mà chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc để đạt được ba quả vị bất thối chờ ngày thành Phật, trong khi nếu ở thế giới Ta bà, muốn đạt được thì phải trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp tu tập trong sinh tử. Trái lại, bây giờ chỉ một lòng nhất tâm niệm Phật trong đời này, thì ta sẽ được vãng sinh, đạt được tam bất thối và Phật quả nhất định sẽ viên thành.
 
   Không còn thối chuyển, không còn bị đọa lạc thì chúng ta đã giải quyết được bọn giặc sinh tử rồi đấy. Chúng ta thấy pháp niệm Phật dễ tu, dễ chứng, dễ giải quyết sinh tử trong một đời mà tại sao chúng ta không gấp rút niệm Phật ư!

   Ấn Quang đại sư dạy rằng: “Thời mạt pháp, chúng sinh nghiệp nặng, tâm tạp, nếu ngoài pháp môn niệm Phật mà tu các pháp môn khác, chỉ gieo được phần trí tuệ, phước đức căn lành thì có, nhưng phần liễu thoát sinh tử luân hồi trong hiện thế thì không. Tuy có một vài vị cao đức phi thường, song đó chỉ là những bậc Bồ tát hiện thế làm mô phạm cho chúng sinh như kinh Lăng Nghiêm đã nói, nhưng các vị ấy cũng chỉ là nương theo trình độ chúng sinh mà thị hiện ngộ đạo chứ không phải chứng đạo. Pháp môn Tịnh độ thời nay tuy ít người được Tam muội như xưa, nhưng cũng có thể nương theo nguyện lực của mình và bản nguyện của Phật A Di Đà mà đới nghiệp vãng sinh về cõi Cực lạc, từ đây không còn sinh tử luân hồi, mà lần tu tập cho đến lúc chứng quả Vô sinh”. 

   Sự thù thắng và phổ cập của Pháp môn Tịnh độ cho quảng đại quần chúng ngoài sự giới thiệu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, còn có các vị Bồ tát khuyên bảo mọi người nên nguyện vãng sinh về Tây phương như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, các vị Tổ sư cả Thiền lẫn Tịnh như Vĩnh Minh, Trí Giả, Triệt Ngộ, Liên Trì, Thiện Đạo, Ngẫu Ích, đều là những vị Thiền sư nổi tiếng bên Thiền tông, sau khi tham thiền đạt ngộ, chuyển hướng niệm Phật cầu vãng sinh. Thật phải nói pháp môn niệm Phật là vua trong tất cả các pháp. Trong kinh Niệm Phật Ba La Mật phẩm thứ 6, đức Quán Thế Âm nói rằng: “Trọn đời đức Phật Thích Ca giáo hóa điều phục chúng sinh, Ngài đã ban ra tám vạn bốn nghìn pháp môn để cho chúng sinh tu tập, nhưng trong đó pháp môn niệm Phật là thù thắng đệ nhất”.

   Tại sao trong mười phương thế giới đều có cõi Tịnh độ, mà sao chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ chỉ khuyên chúng sinh niệm Phật để nguyện về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà mà không khuyên chúng sinh phát nguyện về cõi Tịnh độ khác?

   Đúng vậy, không chỉ có một cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà đâu mà trong mười phương đều có cõi Tịnh độ như là: cõi Tịnh độ của Phật Di Lặc ở trời Đâu Suất; ở Đông phương có cõi Tịnh độ của Phật Dược Sư v.v… Tuy có nhiều cõi Tịnh độ nhưng cũng tùy theo cơ cảm nhân duyên của một chúng sinh có duyên với đức Phật nào thì nguyện về với đức Phật ấy. Chúng ta phải biết rằng một Phật là tất cả Phật, tất cả Phật là một Phật.

  Tại sao lại nói như vậy? Các đức Phật đồng chung một thể tánh thanh tịnh, thể tánh thanh tịnh này là bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, không cao, không thấp, không dài, không ngắn, bình đẳng vắng lặng cho nên mới nói là một Phật là tất cả Phật, tất cả Phật là một Phật là vậy đó. Cũng giống như một mặt trăng in hình bóng vô số mặt trăng trong các ao hồ, tuy vô số hình bóng mặt trăng trong các ao hồ nhưng duy nhất chỉ có một mặt trăng mà thôi. Chính vì vậy, chúng ta chỉ cần niệm một đức Phật là chúng ta đã niệm tất cả chư Phật rồi. Chúng ta không cần niệm nhiều Phật, qua sự lập luận trên cho ta thấy được, chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ rất khéo léo phương tiện để độ chúng sinh trở về với Phật tánh chân tâm của mình. Cái việc chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ khuyên chúng sinh nguyện về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà là quá đúng, quá hay. Tại sao đúng? Là khi chúng ta tập trung vào một đề tài hay chuyên nhất niệm một đức Phật, thì chúng ta dễ đạt đến nhất tâm. Còn nếu chúng ta chọn nhiều đề tài hay là ham niệm nhiều Phật thì chỉ đưa đến cho chúng ta loạn tưởng tạp niệm, không bao giờ nhất tâm được. Người ta thường nói rằng: “Một nghề không chín, chín nghề không nên”. Xin đơn cử một ví dụ: một cậu học trò luôn nuôi dưỡng cho mình một ý nguyện trong tâm là sau này cố gắng học để làm bác sĩ, với ý nguyện trung thực trong sáng như thế này, thì trước sau gì cậu học trò cũng làm bác sĩ. Và ngược lại, nếu cậu học trò này không chọn cho mình một nghề duy nhất, khi thì chọn bác sĩ, khi thì mơ tưởng đến kiến trúc v.v… với ý loạn tưởng này, mà cậu học trò không chọn cho mình một nghề duy nhất, thì chỉ đưa đến nhọc công tốn sức mất thời gian mà thôi. Chẳng khác gì người bộ hành đứng giữa ngã ba đường, không biết đường nào để đi. Có nhiều người hiểu như thế này: niệm một Phật không đủ, phải niệm nhiều Phật, khi lâm chung Phật này không rước thì có Phật khác rước, niệm như vậy là tạp niệm không phải là chánh niệm. Vì thế, mà đức Phật khuyên chúng ta hãy đặt trọn niềm tin vào đức Phật A Di Đà, nhất tâm niệm Ngài, một lòng phát nguyện vãng sinh.

   Trong kinh Tùy Nguyện Vãng Sinh nói rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Mười phương đều có Tịnh độ, tại sao Thế Tôn lại riêng khen ngợi cõi Tây phương Cực lạc và khuyên chúng sinh nên chuyên niệm Phật A Di Đà để cầu về cõi ấy?”. 

   Phật bảo ngài Phổ Quảng: “Chúng sinh ở cõi Nam Diêm-phù-đề (là cõi nước chúng ta đang ở) phần nhiều tâm trược loạn, vì thế Ta chỉ tán thán một Tịnh độ ở Tây phương, khiến các hữu tình chuyên tâm vào một cảnh, để cho sự vãng sinh được dễ thành tựu, nếu nhớ niệm tất cả chư Phật, vì niệm cảnh quá rộng, nên tâm mênh mang tán loạn, Tam muội khó thành, không được vãng sinh”.

   Có người đặt câu hỏi như thế này: đức Phật dạy tất cả các pháp hữu tướng đều là như huyễn, Ta bà cũng huyễn, Cực lạc cũng huyễn vậy ta cần chi phải niệm Phật để cầu sinh Cực lạc có ích lợi gì?

   Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin lấy một ví dụ về “giấc mộng” để làm đáp số.

   Giấc mộng thì có mộng ác và mộng lành, trong giấc mộng ác chúng ta thường mơ thấy ma quỷ đủ loại rất ghê sợ hãi hùng, đôi khi cũng thấy có người lấy dao rượt chém mình, có khi thấy mình bị rơi từ núi cao xuống v.v… Những hình ảnh trong giấc mộng ác này luôn làm cho chúng ta thất kinh, thất hồn, hoang mang, sợ sệt không khi nào mà an tâm được trong giấc ngủ.

   Trong giấc mộng lành, chúng ta thường thấy những điều tốt đẹp, như là thấy Phật, thấy chư Bồ tát, chư Tổ, khi thì chúng ta thấy mình trúng số độc đắc, thấy những người bạn tốt đến dùng những lời hay ý đẹp khuyên mình tu hành, mơ thấy mình làm vua, làm quan, mơ thấy mình thi đỗ Đại học v.v… những hình ảnh đẹp trong giấc mộng lành luôn luôn đem lại cho chúng ta một đời sống tinh thần an lạc hơn, vui tươi hơn, tâm được an tịnh hơn.
Như vậy qua hai giấc mộng trên, chúng ta chọn giấc mộng nào? Tức nhiên chúng ta phải chọn giấc mộng lành, mộng đẹp chứ không ai dại khờ gì chọn giấc mộng ác.

   Cũng vậy, giấc mộng ác ví như cõi Ta bà ngũ trược ác thế, còn giấc mộng đẹp ví như cõi Cực lạc. Vậy thì Ta bà và Cực lạc cũng đều huyễn mộng, nhưng hai cái huyễn mộng này hoàn toàn là khác nhau.

   Ở trong cảnh mộng khổ của Ta bà chúng sinh luân chuyển sinh tử không ngừng để chịu khổ trong cảnh mộng, từ mộng cảnh này sang mộng cảnh kia không bao giờ dứt. Càng đi sâu trong mộng thì càng mê càng khổ. Chi bằng ta nguyện sinh Cực lạc, tuy là cũng cảnh mộng, nhưng ra khỏi mộng thì liền thành bậc Đại giác. Uế và tịnh tuy đồng cảnh mộng nhưng bậc Bồ tát từ Thất địa trở xuống vẫn còn cảm thọ khác nhau; còn nóng, còn lạnh, còn xúc, còn cảm, nên thà rằng ta cảm nhận cảnh giới an lạc để bước vào Phật quả, hơn là chấp sự thọ cảm khổ bức để cho tâm Bồ-đề bị thối chuyển.

   Kinh dạy: “Từ bậc Nhị thừa, sơ phát tâm Bồ tát, cho đến Bồ tát đệ thất địa Viễn Hành, đều ở trong huyễn mộng mà tu, chỉ trừ bậc Bồ tát đệ bát địa trở lên bậc Đẳng giác và Phật quả mới an tịnh trong Phật quốc Tịnh độ”.
 
   Như vậy, chư Phật đã dạy, chư Bồ tát, chư Tổ đã hành pháp môn này thì quý vị nên an tâm niệm Phật chớ đừng có mối hoài nghi gì cả.

   Thật là thiện căn phước đức nhân duyên cho chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp đã có đủ nên chúng ta mới gặp được pháp môn niệm Phật này. Nhờ đầy đủ phước đức nên chúng ta dễ tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên đối với pháp môn này. Vì thế, trong kinh A Di Đà nói rất rõ: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sinh bỉ quốc”, nghĩa là: không thể đem một ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sinh về nước đó đâu.

   Chúng ta đã có đủ thiện căn phước đức nhân duyên cho nên chúng ta y giáo phụng hành Pháp môn Tịnh độ một cách nghiêm mật như thế này. Còn ngược lại chúng ta không có đủ thiện căn phước đức thì khó mà gặp được pháp môn này, khó mà sinh về thế giới Cực lạc.

   Chúng ta thử nghĩ, ngài Văn Thù, Phổ Hiền tu vô lượng kiếp mới đến thế giới Hoa Tạng, mới gặp được Pháp môn Tịnh độ. Còn chúng ta ngày nay, vừa mới học Phật mà đã tìm được pháp môn này. Hoa Tạng hải hội có 41 vị Pháp thân đại sĩ Bồ tát gặp quý vị, không một vị nào mà không bội phục. Tại sao các Ngài lại bội phục? Là vì các Ngài tu vô lượng kiếp mới tìm được pháp môn này, còn chúng ta không hao một chút sức nào cũng gặp được. Các Ngài đầy đủ “tín, nguyện, hạnh” cầu vãng sinh về thế giới Cực lạc thấy Phật thành Phật. Ngày nay, chúng ta cũng áp dụng phương pháp như thế, lý luận như thế, vãng sinh Tây phương, thấy Phật thành Phật cùng với các Ngài không hai không khác.

   Đa số người phàm phu chúng ta không tin Phật A Di Đà là có thật mà cứ nhận cái giả làm cái thật? Cái gì là giả? Tiền tài, danh vọng, đối với người trí là người ta vứt bỏ nó ngay, không cần ngó ngàng gì đến nó, tại sao người trí vứt bỏ cái giả ngay? Là vì người ta hiểu rõ khi chúng ta chết, chúng ta đâu mang cái giả, của cải vật chất đi theo đâu, mà chúng ta chỉ mang đi theo được sự công phu tu tập của chúng ta mà thôi.

   Có ai đó hỏi chúng ta: “Tu theo Pháp môn Tịnh độ là tu cái gì?”.
   Trả lời: Tu “Thanh tịnh, bình đẳng giác”.

   Tại sao phải tu thanh tịnh, bình đẳng giác?
   Trả lời: Vì có đầy đủ Tam bảo và tam vô lậu học, đây là cốt lõi của đạo Phật.
   Thanh tịnh: Tăng bảo – Giới
   Bình đẳng: Pháp bảo – Định 
   Giác: Phật bảo – Tuệ

   Vậy tu phương pháp nào để đạt được tam học và Tam bảo?
   Trả lời: Chỉ cần dùng tín nguyện trì danh hiệu Phật A Di Đà là đủ. Sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật mà chứa đủ tam học và Tam bảo. Thật phải nói pháp môn niệm Phật thù thắng vi diệu, bất khả tư nghì vô cùng.

   Trong kinh Niệm Phật Ba La Mật, đức Phật dạy: “Đây là môn tu thích đáng khế hợp mọi căn cơ mà chư Phật dùng để đưa hết thảy muôn loài xa rời nẻo khổ, chứng đắc Niết-bàn tại thế, thành Phật trong một đời”. 
Niệm Phật cứu độ khắp hết thảy chúng sinh muôn loài.

    Niệm Phật có ba điều lợi ở địa ngục.
   1. Hồi hướng công đức cho ông bà cha mẹ từ tiền kiếp.
   2. Các tội nhân nghe tiếng niệm Phật đều được giải thoát.
   3. Được vãng sinh Tây phương Tịnh độ.

   Chúng tôi lấy ví dụ để chứng minh một trong ba điều lợi trên.
   Có hai vợ chồng, người vợ rất hiền lành, mỗi ngày chị ta rất siêng năng niệm Phật, chồng thì không thích niệm Phật, nghe niệm Phật là anh ta khó chịu. Để cho chồng mình có sự lợi lạc sau khi chết, cho nên mỗi ngày chị ta bắt chồng đánh trống cho chị niệm Phật. Người chồng này rất khờ khạo cho nên vợ sai gì làm nấy. Vì vậy, cứ mỗi ngày anh ta đánh trống cho vợ niệm Phật. Sau khi lấy nhau ba năm, anh ta chết, liền rơi vào địa ngục rất chi là kinh ngạc. Đến giờ hành hình tội nhân, có một con quỷ cầm một cây sắt đánh vào tội nhân, con quỷ đánh trật, cây sắt va chạm vào một vạc dầu kêu lên một tiếng giống tiếng trống. Lúc này anh ta nhớ lại sao tiếng kêu này giống mình đánh tiếng trống cho vợ mình niệm Phật quá vậy. Lúc này duyên niệm Phật đã khởi dậy, anh liền niệm A Di Đà Phật. Nhờ niệm Phật, anh ta thoát khỏi cảnh địa ngục trở về nhân gian, các tội nhân ở trong đó nghe tiếng niệm Phật đều được vãng sinh hết thảy.

   Chúng ta chỉ cần gieo nhân niệm Phật thì đời đời kiếp kiếp chúng ta không bao giờ gặp quả khổ. Vì thế, trong kinh Pháp Hoa nói rằng: “Nếu có người nào đi vào tháp miếu có thờ tượng Phật, miệng chỉ cần xưng lên Nam mô Phật, hay đưa tay lên tỏ lòng cung kính thì cũng được thành Phật”.

   Như chúng ta thấy, ông Tu Bạt Đà La là vị đệ tử cuối cùng của đức Phật. Tại sao ông Tu Bạt Đà La được đức Phật xuất gia và chứng quả A-la-hán? Là vì thế này, trong nhiều kiếp quá khứ ông ta là một người đi đốn củi ở rừng. Một hôm, bị cọp rượt, ông ta hoảng hốt leo lên một cây lớn, con cọp cứ hung dữ, cắn xé dưới gốc cây hết sức ghê gớm, ông ta rất sợ, liền lớn tiếng niệm “Mô Phật” thì con cọp liền bỏ đi xa.

   Chúng ta thấy chỉ cần niệm một tiếng Mô Phật thôi mà được gặp Phật xuất gia chứng quả vị A-la-hán. Huống hồ chúng ta niệm Phật ròng rã suốt ngày đêm, chắc chắn chúng ta sẽ được thành Phật sớm.

   Chính vì sự lợi lạc số đông cho chúng sinh, hiện nay trên khắp thế giới biết bao nhiêu vị cao tăng xiển dương Pháp môn Tịnh độ.

   Chúng tôi xin đưa ra một vị cao tăng đang xiển dương Pháp môn Tịnh độ là Pháp sư Tịnh Không, là người Trung Hoa, hiện đang sống tại Úc Châu, tài đức và công năng tu tập của Ngài về Pháp môn Tịnh độ cũng đã vang vọng khắp toàn thế giới mà ai ai cũng biết cả.

   Pháp sư Tịnh Không đã thuyết giảng rất rõ ràng trong kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác: “Tôi tin Tịnh độ là vì giảng kinh Hoa Nghiêm 17 năm, tôi từ kinh Hoa Nghiêm khai ngộ đại triệt đại ngộ. Ngộ cái gì? Ngộ vì thấy mười phương chư Phật niệm Phật mà thành Phật, vì thế tôi quyết tâm học pháp môn này mà không cần đến kinh Hoa Nghiêm nữa. Tôi xem kinh Hoa Nghiêm là công cụ đưa tôi vào Tịnh độ cũng giống như qua sông rồi không cần đến thuyền nữa”.

   Lời cuối cùng, chúng tôi thiết tha kêu gọi toàn thể mọi người hãy sớm bừng tỉnh tin ngay lời đức Phật dạy mà một lòng thiết tha niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh về thế giới của Ngài. Tóm lại, pháp môn niệm Phật A Di Đà đã hợp thời cơ, khế lý, lại còn nhiếp cả Thiền, Giáo, Luật và Mật, thật là viên mãn. Mỗi câu “A Di Đà Phật” là tâm yếu của chư Phật, dọc thì quán suốt năm thời, ngang lại gồm thâu tám giáo và điểm son của Pháp môn Tịnh độ là từ phàm phu nặng nghiệp quả mà liền thẳng đến ngôi bất thoái, không như các pháp môn khác dù phá được phiền não, nhưng khi lâm chung, tinh thần hôn mê, lại quên mất sở tu, sở chứng, làm cho tâm thoái chuyển, lại phải đọa vào bát nạn tam đồ. Do đó, Pháp môn Tịnh độ được đại đa số Phật tử tu trì. Thế mà đến nay vẫn còn nhiều điều nghi vấn thì thực cần phải lưu tâm nghiên cứu để làm sáng tỏ những điểm còn mờ ám, mới mong thoát khỏi mê đồ đáng tiếc.