Tịnh độ
Tin sâu pháp môn Tịnh độ
22/01/2557 13:54 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phương pháp niệm Phật

   Như vậy, chúng ta hành trì Pháp môn Tịnh độ như thế nào đây? Có nhiều cách:
   1. Quán tưởng niệm Phật
   2. Quán tướng niệm Phật
   3. Quán tượng niệm Phật
   4. Trì danh niệm Phật (mặc niệm hoặc cao thanh niệm Phật)
   5. Quán sổ tức niệm Phật (nương sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật vào hơi thở vô ra) 
   6. Sổ châu niệm Phật (nương câu Nam mô A Di Đà Phật vào từng hạt chuỗi).

   Đối với Pháp môn Tịnh độ, thì có nhiều phương pháp tu, nhưng chúng tôi chỉ đơn cử sáu phương pháp phổ thông này.

   Trong sáu phương pháp niệm Phật trên đây, đa số chúng ta theo phương pháp trì danh, quán sổ tức, sổ châu v.v… là nhiều nhất; còn phương pháp quán tưởng, quán tượng, quán tướng niệm Phật thì rất khó cho bậc hạ căn, ba phương pháp này chỉ dùng cho bậc thượng căn mà thôi.

   Trên bước đường tu tập theo Pháp môn Tịnh độ, chúng tôi đã chọn phương pháp “quán sổ tức niệm Phật”. Tại sao chúng tôi chọn phương pháp này? Là bởi vì, khi phát nguyện tu theo Pháp môn Tịnh độ thì chúng tôi đã suy nghĩ rằng: “Nếu mình theo pháp môn này thì mình phải chọn phương pháp nào để trong mọi hoàn cảnh luôn luôn tưởng Phật, nhớ Phật, niệm Phật”. Đắn đo suy nghĩ mãi, cuối cùng chúng tôi chọn phương pháp “quán sổ tức niệm Phật”.

   Nhân đây, chúng tôi xin trình bày cặn kẽ phương pháp này.
   Như thế nào gọi là “quán sổ tức niệm Phật”? Là chúng ta nương câu Nam mô A Di Đà Phật vào hơi thở ra vô.

   Như thế nào gọi là nương câu niệm Nam mô A Di Đà Phật vào hơi thở ra vô?

   Thế này: khi hít vô nhẹ nhàng và thật dài thì chúng ta niệm “Nam mô A”, thở ra thật dài và nhẹ nhàng ta niệm “Di Đà Phật”. Khi hơi thở vô ra cùng câu niệm Phật vừa dứt chúng ta đếm 1, cứ lần lượt như vậy đếm đến 10, đến 10 rồi thì chúng ta đếm trở lại 1.

   Trong lúc ta đang hành trì mà ta đếm từ 1 mà nhảy lên số 5, 6 thì ta phải biết ngay, ta bị vọng tưởng xen vào. Lúc này ta lập tức bỏ ngay, rồi đếm lại 1. Chúng ta nên nhớ phải đếm theo thứ tự từ 1 đến 10, đến 10 ta ngưng lại, rồi đếm lại từ 1 đến 10, cứ mãi như vậy.

   Phương pháp này chúng ta phải sắp xếp một thời gian cố định để mà hành trì. Khi hành trì có thể ngồi kiết già hay bán già cũng được. Hành trì trải qua thời gian khoảng 2, 3 tháng cho đến một năm, đã tạo thành thói quen. Khi đã thuần thục rồi, có thể ngồi hay không ngồi chúng ta cũng vẫn nhớ niệm Phật trong mọi hoàn cảnh.

   Trước kia hơi thở nuôi sống chúng ta, nhưng sau này ta biết gán câu Nam mô A Di Đà Phật vào hơi thở một cách thuần thục, thì chính câu Nam mô A Di Đà Phật này thay hơi thở nuôi sống ta hằng ngày. Thật là tuyệt diệu vô cùng.

   Dù trong mọi hoàn cảnh nào, nếu hơi thở chúng ta còn thì câu niệm Phật hằng tuôn chảy. Thậm chí nhiều khi chúng tôi cố quên đi câu niệm Phật mà không quên được. Tại sao chúng tôi không quên được? Tại vì chúng tôi đã cột chặt câu Nam mô A Di Đà Phật vào hơi thở vô ra của mình rồi. Nếu hơi thở còn vô ra thì câu niệm Phật theo đó mà vô ra, cứ liên tục như vậy không bao giờ gián đoạn. Cũng giống như đã tạo thành cái nghiệp giữa hơi thở và câu niệm Phật. Chính vì thế mỗi lần hơi thở rung động thì câu niệm Phật khởi lên.

   Khi chúng ta đã gắn câu niệm Phật vào hơi thở vô ra một cách thuần thục hay đã tạo thành nghiệp. Cho dù chúng ta đi trên máy bay, đi tàu, đi bộ, đi xe đạp v.v… thì câu niệm Phật hằng tuôn chảy trong tâm thức của chúng ta.

   Cũng giống như một đứa bé ban đầu không biết hút thuốc, nhưng sau này, vì bạn bè rủ rê hút, cho nên em bé mới tập hút, cứ mỗi ngày mỗi hút như vậy, thì tạo cho em bé đó nghiệp ghiền, khi mà đã tạo thành nghiệp ghiền rồi thì em bé này luôn luôn nhớ nghĩ đến thuốc, không bao giờ bỏ được.

   Như vậy, khi chúng ta đã gắn câu niệm Phật vào hơi thở, tạo thành nghiệp quen, thì ta không bao giờ bỏ được câu niệm Phật. Cũng giống như đứa bé khi đã ghiền thuốc rồi thì không thể bỏ được thuốc. Phương pháp này chính chúng tôi đã thực hành nó một cách thuần thục, cho nên chúng tôi mới dám trình bày.

   Vậy, trên bước đường tu tập, chúng ta nên chọn cho mình một pháp tu thích hợp, chỉ có thích hợp thì nó mới giúp mình dễ đạt được quả vị mong muốn.

   Chúng ta đã có niềm tin sâu đối với Pháp môn Tịnh độ này rồi, bên cạnh đó chúng ta phải một lòng thiết tha phát nguyện: “Cho con sau khi lâm chung được sinh về thế giới của Ngài”. Mình có nguyện thì mới có tới được và ngược lại chúng ta không nguyện sinh về nước Ngài thì không bao giờ tới được. Cũng giống như chúng ta muốn đi Hà Nội thì trước đó chúng ta đã có ý nguyện là sẽ đi Hà Nội, nhờ ý nguyện như vậy chúng ta mới đi đến Hà Nội được. Cũng vậy, chúng ta muốn sinh sang thế giới Cực lạc thì chúng ta phải có ý nguyện cầu sinh về đó.

   Chúng ta đã đặt trọn niềm tin rồi, thì chúng ta phải phát nguyện vãng sinh, nếu chúng ta tin rồi mà không có phát nguyện, thì niềm tin ấy cũng chỉ là vô ích. Tín, hạnh, nguyện cũng giống như cái kiềng ba chân nếu thiếu một trong ba cái thì hỏng. Vì thế, Ngẫu Ích đại sư là một bậc tôn túc về Tịnh độ đã dạy: “Được vãng sinh cùng chăng toàn do tín nguyện có hay không, phẩm vị thấp cao đều bởi hành trì sâu hoặc cạn”. Ngài lại bảo: “Nếu không tín nguyện, dù trì niệm câu hồng danh cho đến gió thổi không vào, mưa sa chẳng lọt, vững chắc như tường đồng vách sắt, cũng không được vãng sinh”.

   Kinh A Di Đà, đức Thích Tôn của chúng ta cứ mãi nhắc đi nhắc lại điểm ấy, qua các đoạn văn như sau: “Lại nữa Xá Lợi Phất! Chúng sinh về cõi nước Cực lạc đều là hàng A-bệ-bạt-trí. Trong số ấy có nhiều bậc Nhất sinh bổ xứ số lượng rất đông, không thể dùng toán số tính biết được, chỉ có thể lấy số không lường không ngằn A-tăng-kỳ để nói mà thôi.

   Xá Lợi Phất! Chúng sinh nghe rồi, phải nên phát nguyện cầu sinh về cõi kia. Bởi tại sao? Vì được cùng các bậc thượng thiện nhân như thế đồng họp một chỗ.

   Xá Lợi Phất! Ta thấy sự lợi ích đó nên nói lời này, nếu có chúng sinh nào nghe lời nói đây, phải nên phát nguyện cầu sinh về quốc độ ấy.

   Xá Lợi Phất! Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sinh về nước Phật A Di Đà, những người đó hoặc đã sinh, hoặc đang sinh, hoặc sẽ sinh, đều được không thối chuyển nơi quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề. Thiện nam tử, thiện nữ nhân, nếu có lòng tin phải nên phát nguyện cầu sinh về quốc độ ấy”.

   Đoạn kinh này, đức Phật thương chúng sinh như con đẻ, lúc nào cũng muốn cho chúng sinh sớm được thành Phật, suốt cả cuộc đời sống vì chúng sinh. Vậy để nhớ đến công ơn cao cả đó, chúng ta phải làm gì? Chúng ta chỉ cần đăït trọn niềm tin vào lời dạy của chư Phật, phát tâm Bồ-đề niệm Phật nguyện cầu vãng sinh, đây mới là yếu chỉ tâm nguyện độ sinh của chư Phật ở cõi Ta bà này.

   Khi sinh về đó rồi thì sung sướng đời đời, không bao giờ gặp những điều khổ, muốn gì thì có nấy. Muốn ăn thì cơm liền hiện ra, muốn uống nước thì nước liền hiện ra, muốn có chiếc áo đẹp để mặc thì áo đẹp liền hiện ra. Ở cõi Cực lạc chúng ta chỉ cần khởi ý muốn thì có liền, còn ở cõi Ta bà của chúng ta đây làm lụng hết sức cực nhọc, nhưng không được như ý, tại sao chúng ta không nguyện sinh về thế giới Cực lạc?

   Ở cõi Cực lạc đất đai thì bằng phẳng êm dịu, khí hậu ôn hòa, thường ngày nghe chim hót ra những điều diệu pháp. Quang cảnh xung quanh hết sức là trang nghiêm thanh tịnh, có như vậy mới gọi là Cực lạc được chớ.

   Kinh A Di Đà, đức Phật dạy: “Xá Lợi Phất, bỉ độ hà cố danh vi Cực lạc, kỳ quốc chúng sinh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực lạc” (Xá Lợi Phất ơi! Cõi ấy sao gọi là Cực lạc, bởi vì chúng sinh trong cõi ấy không gặp điều khổ mà chỉ hưởng toàn là những điều vui không à, cho nên mới gọi là Cực lạc).

Kinh A Di Đà diễn tả rất rõ ràng về y báo và chánh báo ở cõi Cực lạc:
“Đã sinh về cõi Tây phương
Có ao thất bảo có hương ngũ phần
Lưu ly có đất sáng ngần
Ma ni có nước trong ngần chảy quanh
Thất trân có bảy lớp thành
Bảy hàng cây báu, bảy vòng lưới châu
Có ngân các, có kim lâu
Có chim nói pháp nhiệm mầu dễ nghe
Nghe rồi tỏ đạo Bồ-đề
Bao nhiêu nghiệp chướng hồn mê dứt liền
Đã sinh về chín phẩm sen
Mấy tai cũng sẩy, mấy duyên cũng tròn
Phật như thể mẹ tìm con
Con mà gặp mẹ lại còn lo chi
Lầu vàng đài các thiếu gì
Ăn thì cơm ngọc, mặc thì áo châu
Không ơn, không oán không sầu
Không già không chết có đâu luân hồi”.

   Kinh A Di Đà diễn tả cõi Cực lạc hết sức sung sướng như vậy, tại sao chúng ta còn chần chờ chi nữa, hãy mau mau nhất tâm niệm Phật cầu vãng sinh.

   Chúng ta có hiểu được y báo và chánh báo ở cõi Cực lạc như thế nào chưa? Là thế này:
   Chánh báo: đức Phật A Di Đà.
   Y báo: các cảnh giới sự tướng bên ngoài. Chánh báo như thế nào thì y báo như thế đó.

   Đức Phật A Di Đà trang nghiêm thanh tịnh cho nên mới chiêu cảm được cảnh giới, sự tướng ở cõi Ngài cũng trang nghiêm thanh tịnh theo.

   Chúng ta hãy nhìn kỹ lại y báo và chánh báo của chúng ta. Chánh báo chúng ta là một phàm phu đầy dẫy nghiệp chướng cho nên mới chiêu cảm y báo đầy dẫy sự khổ đau, nào là động đất, thiên tai lũ lụt, nào là xì ke ma túy, đất đai thì gồ ghề, khí hậu ô nhiễm, kẻ cao người lùn, kẻ điếc người đui, đâm chém lẫn nhau. Như vậy, chúng ta đã hiểu được như thế nào là y báo và chánh báo rồi.

   Một hành giả tu theo Pháp môn Tịnh độ thì phải phân biệt được một cách rõ ràng về y báo và chánh báo, giữa cõi Cực lạc và cõi Ta bà, có phân biệt một cách tận tường như vậy thì chúng ta mới chán bỏ được cõi Ta bà này để một lòng thiết tha niệm Phật cầu vãng sinh, bằng ngược lại nếu ta không hiểu được sự nhiệm mầu, sự sung sướng ở cõi Cực lạc gấp bội lần ở cõi Ta bà thì lòng phát nguyện vãng sinh của chúng ta rất chi là yếu ớt. Không hiểu được sự thù thắng ở cõi Cực lạc thì chúng ta cứ mãi đắm chìm trong Ta bà ngũ trược ác thế đầy đau khổ này. Ở trong nhà lửa đang cháy cứ cho là sung sướng, hay nói rộng hơn là chúng ta đang bị nhốt trong nhà lửa tam giới. Cho nên, đức Phật diễn tả sự khổ đau của con người ở cõi Ta bà như một sự bùng cháy đổ vỡ của toàn thể thế giới: “Toàn thể thế giới bốc cháy, toàn thể vũ trụ đắm chìm trong khói lửa, toàn thể vũ trụ làm mồi cho lửa, toàn thể vũ trụ run lập cập” (kinh Tương Ưng Bộ, tr.133).

   Đặc biệt ở Pháp môn Tịnh độ, niệm Phật được đới nghiệp vãng sinh, có nghĩa là mình mang cả nghiệp thức đầy dẫy của mình về bên đó. Ta được đới nghiệp vãng sinh là nhờ tha lực của Phật A Di Đà. Nếu chúng ta được sinh về thế giới Cực lạc rồi thì không còn bị đọa lạc, rơi rớt vào lục đạo nữa. Trong kinh A Di Đà nói: “Những người sinh về thế giới Cực lạc đều là A-bệ-bạt-trí”, có nghĩa là bất thối chuyển, không còn lui sụt nữa, ở đó gặp thắng duyên, ta cứ tu riết, tu riết khi nào đạt đến quả vị Vô sinh mà thôi.