KHAI THỊ LÚC LÂM CHUNG
Người niệm Phật khi bịnh chưa nặng vẫn nên uống thuốc, nhưng vẫn tinh tấn niệm Phật, chớ nghĩ tưởng rằng, uống thuốc rồi sẽ lành bệnh. Lúc bệnh nặng có thể không nên dùng thuốc.
Hoằng Nhất đại sư khi đau nặng có kẻ thưa để xin rước thầy hốt thuốc. Ngài liền từ tạ và nói kệ rằng:
“Đức Phật A-di-đà
Là vô thượng Y Vương
Nếu bỏ đây không cầu
Ấy là kẻ si cuồng!
Một câu hồng danh Phật
Là thuốc diệu A-di-đà
Nếu bỏ đây không uống
Thật lầm to lắm mà!”.
Rồi Ngài chỉ chuyên tâm niệm Phật quả nhiên cũng lần lần thuyên giảm.
Nên nhớ rằng khi bệnh đã nặng thì người niệm Phật phải buông bỏ tất cả mọi việc xung quanh ngay cả chính thân tâm mình, mà chỉ chuyên nhất niệm Phật, một lòng cầu mong vãng sinh Tây phương. Làm được như thế, nếu thọ mạng đã hết thì quyết định vãng sinh. Như thọ mạng chưa dứt thì tuy cầu vãng sinh mà trở lại mau lành bệnh, do vì lòng mình chuyên thành nên đã trừ diệt nghiệp ác đời trước.
Trái lại, nếu chẳng buông bỏ mọi duyên
và cứ để cho lòng rối loạn, như thọ số đã hết quyết không được vãng sinh vì mình chỉ chuyên cầu lành bệnh chứ không cầu về với Phật, nên làm sao mà vãng sinh cho được? Nếu thọ mạng chưa dứt thì chẳng những bệnh không thuyên giảm mà bệnh lại tăng thêm vì mình nhân cầu lành bệnh, vọng sinh lòng buồn lo, sợ hãi.
Lúc bệnh nhân đã suy yếu lắm, nếu thần thức còn thành tỉnh, thì người nhà nên thỉnh bậc tri thức đến thuyết pháp khai ngộ cho. Nếu không có thì nên mời một vị bạn đồng tu đến an ủi và khai thị theo các chi tiết sau:
Thứ nhất: Nói cảnh khổ ở Ta bà, diễn tả cảnh vui ở Cực lạc, lại nên đem việc lành kể rõ ra và khen ngợi, khiến cho người bệnh sinh lòng vui mừng không còn nghi ngại, tự biết mình sẽ nương nơi nghiệp lành ấy mà sinh về Tây phương.
Thứ hai: Nếu bệnh nhân có điều gì nghi
ngờ thì nên giải thích bằng ba điểm cốt tủy đã nêu trên.
Thứ ba: Vị khai đạo phải can ngăn không cho thân nhân hỏi han về di chúc, không cho nói chuyện tạp vô ích khiến bệnh nhân động niệm tình ái, quyến luyến thế gian.
Thứ tư: Không cho bà con thân hữu đến trước bệnh nhân mà hỏi han tỏ vẻ buồn thảm mến tiếc. Nếu vì cảm tình và đến thì khuyên họ vì bệnh nhân, chấp tay niệm Phật ra tiếng một hồi, đó mới thật là có lòng thương mến.
Thứ năm: Nên khuyên bệnh nhân đem y phục vật dụng, và cả tiền bạc của mình mà tặng cho kẻ khác. Hoặc đem các thứ ấy mà cúng dường kinh tượng Phật, thì càng hay.
Điều này cũng giúp cho người bệnh tăng thêm phước lạc và tiêu trừ tội chướng, được dễ dàng hơn trong việc vãng sinh như trong kinh Địa Tạng đã chỉ dạy.