Chúng sinh nơi thế giới Ta bà này đang ở vào đời ác, đủ năm thứ nhơ bẩn, phiền não lại nặng và nhiều, hoàn cảnh bên ngoài thì ác liệt nên sự tu hành không dễ gì tiến bộ. Đức Bổn sư vì quá thương xót nên vận dụng lòng bi trí đặc biệt mở ra pháp môn niệm Phật. Người tu môn này tuy chưa dứt phiền não, mà có thể mang cả nghiệp hoặc của mình, trở về sinh sống bên cõi Cực lạc của Phật A-di-đà. Khi về đến Tây phương rồi, nhờ nhiều thắng duyên của cảnh ấy nên sự tiến tu chứng đạo rất dễ dàng. Sự thành tựu lớn lao như vậy, là do tất cả đều đặt trên “lòng tin”.
Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Lòng tin là bước đầu vào đạo, là mẹ của tất cả công đức. Lòng tin hay nuôi lớn các căn lành, lòng tin hay thành tựu quả Bồ-đề của chư Phật”.
Thế nên, đối với người niệm Phật thì đức tin có tính cách rất trọng yếu. Nếu mất đức tin, chẳng những nền tảng tiến đạo phải bị sụp đổ, mà công hạnh giải thoát cũng không thành. Đức tin này không phải là mê tín, mà chính là lòng tin nương theo trí tuệ, là sự đặt trọn vẹn niềm tin vào lời dạy của Phật, Bồ-tát và chư vị Tổ sư.
Tại sao đã nương theo trí tuệ, lại còn phải đặt trọn niềm tin vào lời dạy của Phật và Tổ? Bởi vì môn niệm Phật thuộc về pháp Đại thừa, mà đã là đại pháp thì chắc chắn phải nói về nhiều cảnh giới siêu việt khác thường, nên có những điều mà trí tuệ phàm phu không thể suy lường nổi.
Cho nên, trong các kinh điển Đại thừa, có nhiều chỗ đức Phật bảo đừng nói cho kẻ nhiều kiến chấp và thiếu lòng tin nghe. Vì chỉ e họ sinh lòng khinh báng mà thêm lỗi lầm. Vì vậy, đệ tử chúng con khi đọc tụng kinh điển Đại thừa, có chỗ nào dùng trí tuệ mà hiểu được thì rất tốt, còn chỗ nào suy gẫm nhiều mà không thấu đạt thì chúng con vẫn đặt trọn vẹn lòng tin nơi lời chỉ dạy của đức Thế Tôn, như thế, mới gặt hái nhiều phần lợi ích.
Trong kinh A-di-đà, đức Thế Tôn cũng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng đây là pháp khó tin khó hiểu, và nói pháp này ra, quả thật là điều rất khó tin, vì lòng tin là điều quan trọng bậc nhất.
Chư vị Tổ sư cũng đã dạy: “Pháp môn niệm Phật rất khó thâm tín, chỉ duy hạng phàm phu đã gieo trồng căn lành niệm Phật và bậc đăng địa Bồ-tát mới tin nhận được mà thôi. Ngoài ra, những chúng sinh khác cho đến hàng nhị thừa là Thanh văn và Duyên giác hoặc quyền vị Bồ-tát, đôi khi cũng không tin nhận pháp môn này”.
Đệ tử chúng con, nhờ năng lực nhiếp thọ của đức A-di-đà, nhờ sự gia trì của sáu phương chư Phật, nên mới có được lòng tin vào lời dạy của đức Bổn sư, nhận chắc rằng: “Cõi Cực lạc từ con người đến cảnh giới đều là thật. Tin chắc chắn vào bản nguyện cứu độ của Phật A-di-đà, nên chúng con dù nghiệp nặng đến đâu chăng nữa, nếu xưng niệm danh hiệu Ngài thì cũng quyết định sẽ được tiếp dẫn vãng sinh Cực lạc. Chúng con tin rằng niệm Phật thì sẽ thành Phật, chắc chắn nhân nào quả nấy không thể sai lạc mảy may, và nếu nguyện về cõi Phật thì quyết định sẽ được thấy Phật và được vãng sinh. Đây là một điều vô cùng hiển nhiên không cần phải minh chứng thêm nữa”.
Đệ tử chúng con vẫn tin và hiểu rằng, pháp môn niệm Phật gồm nhiếp cả Thiền, Giáo, Luật, Mật. Bởi vì khi niệm Phật thì dứt trừ tất cả vọng tưởng và chấp trước, rồi đưa đến chỗ minh tâm kiến tánh, đó tức là Thiền. Sáu chữ hồng danh bao gồm vô lượng vô biên ý nghĩa mầu nhiệm, không có một thứ giáo lý nào mà không được chứa đựng ở trong một câu Phật hiệu, đó là Giáo.
Niệm Phật chuyên cần sẽ làm thanh tịnh thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, đưa hành giả đến cảnh giới sâu mầu, trong sạch vắng lặng, đó là Luật. Danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật có công năng như một câu thần chú đưa chúng con vượt qua biển khổ sinh tử mà thấu đến bờ bên kia, lại còn giải trừ oán kiên chướng, hoàn mãn sở nguyện, hàng phục ngoại ma, đó là Mật.
Trong kinh, Phật dạy rằng: “Chí thành xưng niệm danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật, sẽ được tiêu trừ tội nặng trong tám mươi ức kiếp sinh tử”.
Hơn nữa, những người có căn tánh Đại thừa, tất phải hiểu rằng “niệm Phật để thành Phật”. Nếu chỉ hiểu niệm Phật cốt để ngăn trừ vọng tưởng và phiền não tức là đã lạc vào Ngũ đình tâm quán của tiểu thừa.
Tại sao niệm Phật là để thành Phật?
Bởi vì khi vừa đề khởi câu Phật hiệu, thì quá khứ, hiện tại và vị lai đều mất cả, tuy có tướng mà lìa tướng, tức sắc là không, hữu niệm đồng vô niệm, đi ngay vào cảnh giới bản giác ly niệm của Như Lai, cho nên đương thể tức là Phật chứ còn chi nữa?
Huống chi, kinh dạy rằng: “Phật A-di-đà thường phóng hào quang nhiếp thọ tất cả chúng sinh niệm Phật ở mười phương không bỏ sót”.
Thật vậy, đức A-di-đà đã lập ra bốn mươi tám lời thệ nguyện vĩ đại, nhằm đưa hết thảy chúng sinh thành tựu Phật đạo tối thượng. Bản nguyện của Ngài phát xuất từ tấm lòng đại từ đại bi nên đã có một oai lực
tuyệt đối, thù thắng và siêu việt nhân quả.
Đệ tử chúng con vốn là những hữu tình bị chi phối bởi vô thường và bất lực trước kiếp sống hữu hạn bị trói buộc bởi nghiệp lực, hoàn toàn bị ước định bởi không gian và thời gian và luật nhân quả. Cho nên, chúng con không bao giờ có thể đạt đến Niết-bàn hay giác ngộ được. Sự bất lực không thể tự đạt đến giải thoát, vốn nằm ngay trong bản chất của kiếp sống. Càng nỗ lực thì chúng con càng vướng mắc thêm vào những mạng lưới rối rắm. Cho nên, chúng con cần đến một sự trợ lực phát sinh từ một căn nguồn nào khác, hơn là cái kiếp sống giới hạn nầy. Đó là bản nguyện của đức A-di-đà Phật.
Nhưng bản nguyện không phải là một căn nguồn xa lạ và ở ngoài chúng con. Vì sao vậy? Vì nếu là hoàn toàn ở bên ngoài thì bản nguyện ấy không thể hiểu biết gì về những giới hạn của chúng con và do đó không thể cảm thông với chúng con. Bản nguyện của A-di-đà thật ra chính là sự sống của chúng con và là nguồn rung động tâm linh của chúng con, được biểu thị qua một thực thể gọi là “sức mạnh tâm linh” của đức A-di-đà Phật.
Như vậy, bản nguyện ấy vẫn hằng ở trong chúng con, nhưng lại luôn luôn ở ngoài chúng con. Nếu không ở trong chúng con thì ắt không thể hiểu và cứu vớt chúng con. Nếu không ở ngoài chúng con thì chắc hẳn lại nhận chịu cùng những giới hạn của chúng con. Đây là một vấn đề vĩnh cửu. Hữu và không Hữu. Ở trong mà lại ở ngoài. Tuy vô hạn nhưng sẵn sàng phụng sự hữu hạn–đầy ý nghĩa nhưng lại chẳng có ý nghĩa gì cả?
Thật ra, bản nguyện chỉ là lực dụng của Phật trí, mà Phật Trí thì vượt lên trên mọi khả năng lĩnh hội của toàn phàm phu như chúng con.
Là phàm phu vô trí, chúng con chỉ tin theo lời Phật, và chỉ nương tựa vào năng lực cứu độ tuyệt đối của đức A-di-đà mà niệm
Phật cầu nguyện vãng sinh Cực lạc.
Để biểu lộ lòng tin mãnh liệt và sâu sắc ấy, đệ tử chúng con quyết chí niệm Phật suốt đời, vì đặt trọn lòng tin vào đức Phật và lời Phật dạy, không còn một ý tưởng nghi ngờ. Từ nay trở về sau, đệ tử chúng con luôn luôn ghi nhớ rằng niệm Phật phải đặt trọn lòng tin vào đức Phật và lời Phật dạy.
Với lòng tin vô cùng vững mạnh, đệ tử chúng con xin đem cả tánh mạng mà quy y và đảnh lễ:
Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới Đại từ đại bi A-di-đà Phật
Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát
Nam mô Đại Thế Chí Bồ-tát
Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải chúng Bồ-tát.