IV.
THANH THƯỜNG TRỤ
Theo Prabhàkara, tất cả mọi âm thanh đều ở trong
hình thức những âm tiết (varnïa). Một âm thanh (sùabda) được phát
ra với ít nhất hai âm tiết trở lên. Nhiều âm tiết liên tục tạo
thành một tập hợp âm thanh, chúng diễn tả một ý nghĩa nào đó. Âm
thanh không phải xuất hiện rồi biến mất; nó là những tổng thể
thường trụ bất biến. Ý nghĩa được phát biểu bởi âm thanh do đó
cũng có giá trị vĩnh cửu.
Jaimini đề cập đến vấn đề âm thanh trong
Mìmàmïsà-sùtra, từ sùtra I.i.6 đến I.i.23. Trong đó, từ sùtra
I.i.6-11, trình bày những luận cứ đối lập (pùrvapaksïa); từ sùtra
I.i.12-17, trình bày những bác luận (uttarapaksïa); và từ sùtra
I.i.18-23 là chứng thành hay cực thành thuyết (siddhànta).
1. Pùrvapaksïa
(I.i.6). Có người nói: Âm thanh là sở tác (karma),
vì hiện thấy như vậy. Pùrvapaksïa này muốn nói, âm thanh là nhân
tạo, phát xuất từ thực nghiệm. Bởi vì là nhân tạo nên có tính vô
thường.
(I.i.7). Vì không vĩnh cửu vậy. Nghĩa là, sau khi
âm thanh được phát ra, nó tức thì diệt mất.
(I.i.8). Vì từ ngữ “tạo tác” (karoti) được dùng ở
đây vậy. Âm thanh phát ra, ngôn ngữ được dùng trong cuộc đàm
thoại, rõ ràng là do sự tạo tác của con người.
(I.i.9). Vì có sự đồng thời nơi các hữu tình khác
vậy. Nếu âm thanh là một và thường, trong cùng một lúc không thể
có nhiều cuộc đàm thoại đang xảy ra.
(I.i.10). Vì có những nguyên hình (prakrïti) và
những biến hình (vikrïti) vậy. Một từ ngữ có nguyên hình khi đứng
riêng rẽ, nhưng khi đi chung với những từ ngữ khác, theo luật
tiếp âm (sandhi) nó phải thay đổi hình dáng. Thí dụ, từ ngữ neti
trong cách ngôn: neti nety yàtmà. Hay dadhi atra, theo luật tiếp
âm trở thành: dadhyatra.
(I.i.11). Vì có sự tăng gia của âm thanh do nhiều
người nói ra vậy. Một âm thanh được phát ra từ một người, qua đến
nhiều người, số lượng tất nhiên không thể đồng nhất.
2. Uttarapaksïa
(I.i.12). Nhưng sự thật “hiện thấy” tương đồng
trong cả hai trường hợp. Đây là trả lời cho sùtra I.i.6. Trên kia
đối phương cho rằng âm thanh là sở tác, vì hiện thấy. Ở đây nói,
âm thanh không phải là sở tác, mà là sự phát hiện bởi ý chí của
con người. Tức là, nếu trước đây chưa được phát âm, âm thanh
không phát hiện, thì bây giờ nó được phát hiện bởi ý chí phát âm.
Như vậy, sự kiện âm thanh “hiện thấy” tương đồng trong hai trường hợp.
(I.i.13). Những gì xảy ra (khi âm thanh hết được
nghe) là không có tri giác về âm thanh tồn tại, do sự vắng mặt
của đối tượng.
(I.i.14). Từ ngữ chỉ cho ý vị. (Trả lời sùtra
I.i.8.) Ở đây nói, bởi vì âm thanh vốn thường trụ, do đó ý nghĩa
của những diễn tả này mới có thể là “sử dụng âm thanh”.
(I.i.15). Tính đồng thời cũng giống như mặt trời.
Một mặt trời duy nhất, nhưng đồng thời có thể chiếu rọi nhiều
nơi.
(I.i.16). Nó là một từ ngữ khác, không phải là một
biến hình.
(I.i.17). Sự tăng gia được nói đến, là sự tăng gia
của tiếng động (âm hưởng) chứ không phải của âm thanh.
3. Siddhànta
(I.i.18). Sự thực, (âm thanh) phải là thường trụ.
Vì phát thanh là vì mục đích của kẻ khác. Nếu âm thanh không phải
thường trụ, diệt mất ngay sau khi phát, người này không thể
truyền đạt ý nghĩa mình muốn nói cho một người khác.
(I.i.19). Vì đồng dạng trong mọi trường hợp. Khi
người ta nói “con bò”, bất cứ ai, trong bất cứ lúc nào và bất cứ
trường hợp nào, đều hiểu được ý nghĩa của tiếng đó.
(I.i.20). Vì không có số lượng. Mọi người đều dùng tiếng “con bò”
trong tám lần, tự thân của tiếng “con bò” không hề trở thành số
lượng có tám.
(I.i.21). Vì không bị lệ thuộc (anapeksïatvàt). Bất
cứ sự vật nào bị hủy diệt cũng đều có nguyên nhân. Nhưng không
hề thấy có nguyên nhân cho sự hủy diệt của âm thanh.
(I.i.22). Vì không có ý niệm về sự liên hệ (của âm
thanh với nguyên nhân của nó). Đây là do một nạn vấn: âm thanh là
sản phẩm của hư không. Trả lời, nếu âm thanh là sản phẩm của hư
không, vậy nó chỉ có thể là hư không trong một hình thái vi tiểu.
Nhưng người ta không hề nhận ra có một phân tử vi tiểu nào trong
sự thành hình của âm thanh. Nếu âm thanh là sản phẩm của hư
không, giác quan khi tiếp nhận âm thanh cũng phải tiếp nhận được
những phân tử hư không trong âm thanh.
(I.i.23). Vì thánh điển có ám chỉ. Thánh điển Veda
thường có ám chỉ tính thường trụ của âm thanh, như nói: “Do âm
thanh vốn thường trụ...” v.v...
V. ĐA NGUYÊN THỰC TẠI (Bản thể luận)
Trên khía cạnh bản thể luận, các nhà Mìmàmsïaka vay
mượn khá nhiều các quan điểm của Nyàya, và họ cùng tiến tới
khuynh hướng thực tại luận như Nyàya. Trên đây chúng ta cũng đã
từng biết đến một ít chi tiết khác biệt giữa thực tại luận của
Mìmàmsïà và Nyàya. Các chi tiết khác cũng sẽ được nói thêm ở đây.
Họ cũng thừa nhận có hiện hữu của vô số linh hồn, và tính chất
đa thù của những bản thể cứu cánh vật tồn tại đằng sau vũ trụ vật lý.
Chúng ta biết rằng, Nyàya có sáu cú nghĩa (padàrtha), và cũng biết
rằng trong sáu padàrtha đó, các nhà Mìmàmsïaka chỉ nhận có bốn,
và thêm ba padàrtha riêng của họ, thành bảy tất cả. Đây là bảy
padàrtha của Prabhàkara: thực (draya), đức (gunïa), nghiệp
(karma), đồng (sàmànya), y tha (paratantratà), lực hay hữu năng
(sùakti) và tương tợ (sàdrïsùya). Paratantratà của Prabhàkara có
thể được coi như tương đồng với samavàya của Nyàya. Lý do loại bỏ
samavàya và visùesïa đã nói trên và không cần nói rộng thêm ở
đây.
Kumàrila chấp nhận có năm cú nghĩa: thực, đức, nghiệp và đồng được để
nguyên; cú nghĩa thứ năm, vô thể hay vô thuyết (abhàva), có bốn
như Vaisùesïika: vô thể tiền hành (pràgabhàva), vô thể hậu hữu
(pradhavamïsàbhàva), vô thể tương đãi (anyonyàbhàva) và vô thể
tuyệt đãi (atyantàbhàvà). Y tha (paratantratà) ở đây được coi như
đồng nhất trong dị biệt (tàdàtmya, hay bhedàbheda). Kumàrila
cũng loại bỏ lực (sùakti) và tương tợ (sàdrïsùya), không coi như
là những phạm trù độc lập, và giản lược chúng vào thực cú nghĩa.
Kumàrila cũng chấp nhận chín cú nghĩa của Vaisùesïika, và thêm
vào đó hai cú nghĩa khác: bóng tối (tamas) và âm thanh (sùabda).
Các giải thích về các cú nghĩa của các nhà Naiyayika đại khái
không mấy khác xa với các phái Nyàya và Vaisùesïika.
VI. TỰ NGÃ
Tự
ngã (àtman) là một trong chín bản thể thuộc thực cú nghĩa
(dravya-padàrtha) của Vaisùesïika-Nyàya: địa, thủy, hỏa, phong, không,
thời, phương, ngã số. Prabhàkara và Kumàrila đều thừa nhận, như
những nhà Naiyayika, có vô số ngã cá biệt, và coi ngã như là một
bản thể thường trụ (nitya), biến hành (sarvagata). Nó là sở y
(àsùraya) của thức và là một tri giả (jnõàtà), thọ giả (bhaktà)
và tác giả (kartà). Ngã khác với thân thể. Theo Prabhàkara, nếu
ngã không khác với thân thể, làm sao để giải thích khái niệm mà
người ta có về sự tồn tại của ngã trong tất cả mọi tác dụng tri
thức, và khi thân thể không có tri giác gì, người ta vẫn có khái
niệm về sự tồn tại của nó. Nhưng Kumàrila cho rằng nếu nói ngã khác với
thân thể vì có ý thức về tự ngã hiện diện trong tất cả mọi tác
dụng nhận thức hay thân thể được tri nhận trong các nhận thức,
nói vậy không hợp lý. Lý do khác biệt đó, theo ông, những vận
chuyển, ý chí, nhận thức, khoái lạc, đau khổ v.v... không thể
được gán cho cho thân thể, bởi vì sau khi chết thân vẫn còn tồn
tại một thời gian, nhưng lúc đó các tác dụng tinh thần này không
còn tác dụng nữa. Ngã cũng phải được hiểu như là khác biệt với
các cảm quan, bởi khi một số cảm quan bị hư hoại hay mất đi, người ta
vẫn không có cảm giác về sự khiếm khuyết như vậy nơi ngã. Thêm nữa,
vì ngã được xếp vào thực cú nghĩa, nên nó có tư cách của một bản
thể, nghĩa là bất biến qua những tướng trạng biến đổi. Bản chất,
hay tự tánh (svàbhva) của ngã là trí lực (jnõànasùakti), là tiềm
lực gây nên tác dụng của nhận thức.
Kumàrila, Prbhàkara, và các nhà Naiyayika, không
đồng ý nhau hoàn toàn về giải thích bằng cách nào mà người ta
nhận ra hiện hữu của ngã. Prabhàkara chủ trương thuyết ba tri
giác đồng hiện (triputïipratyaksïa-vàda). Theo đó, năng tri, sở
tri và tri thức, cả ba cùng phát khởi đồng thời. Tự ngã, với tư
cách một năng tri, không bao giờ tách ngoài sở tri để được biết
đến, và sở tri cũng không hề được biết đến mà không có năng tri đi vào
tri thức để làm một yếu tố cần thiết. Cả ba do đó cùng phát hiện
đồng thời.
Như một người đang đi, người đó được gọi là người
đi. Hành vi đi dựa trên người đi mà có. Nhưng người đi là tác giả
của tác động chứ không phải là đối tượng của tác động. Cũng vậy,
tiểu ngã có tính cách tự chiếu (svayamïprakàsùa), như một ngọn
đèn khi rọi sáng những vật chung quanh, chính nó cũng được nhận
ra bởi tính cách tự chiếu của nó. Tiểu ngã làm sở y cho tri thức,
và trong tri thức, cùng lúc, chiếu hiện năng tri và sở tri. Tiểu
ngã trở thành yếu tố tri thức, là cái “tôi” không tách biệt
ngoài tri thức. Trong giấc ngủ say, vì đối tượng không hiện khởi, do đó
không có năng tri và chủ tri, và như vậy không có luôn cả tri
thức. Trong trường hợp đó, ngã không thể được biết đến. Dù trong
trường hợp nào, ngã vẫn không hề trở thành đối tượng của tri
thức. Do đó, phải thừa nhận tính cách tự chiếu của nó.
Kumàrila cho rằng tiểu ngã được tri nhận bởi ý thức
(monas-pratyakïa), với tư cách là sở y của khái niệm về cái
“tôi”. Nói cách khác, ngã tự nhận ra nó qua ý thức và ý thức
chiếu hiện trong tâm thức như là cái “tôi”. Bởi vì Kumàrila chủ
trương thuyết sở tri tánh (jnõàtatà-vàda). Ông cho rằng, tự thức
là một tình trạng của thức cao hơn và thuộc giai đoạn sau của thức.
Thức chỉ được suy luận một cách gián tiếp qua sở tri tánh (jnõàtatà)
của đối tượng. Do đó, không như Prabhàkara, Kumàrila thừa nhận
ngã như là năng tri mà cũng là sở tri. Đó là sở tri trong khái
niệm về cái “tôi”.
Khi người ta thấy một sự vật nào đó, cái bàn chẳng
hạn, và nêu một phán đoán: “đây là cái bàn”, đó là lúc ngã như
một chứng nhân quan sát, thâu nhận đối tượng. Phán đoán ấy cũng
có thể được nói rằng tôi biết đây là cái bàn. Trong phán đoán
này, không những sở tri cái bàn được nhận ra, mà năng tri cũng
được nhận ra. Một phán đoán như vậy bao hàm hai thức liên tiếp, tri
thức này hiển lộ tri thức kia. Trường hợp đó có thể gọi là tác dụng
nội quan (anavyavasàya) như các nhà Naiyayika. Hoặc khi người ta
nói: “tôi tự biết”, nói thế có nghĩa là “tôi biết tôi”. Cái tôi
vừa là năng tri, và vừa là sở tri cùng lúc, mà Kumàrila coi như
không gây trở ngại gì đối với thực tại, mặc dù nghe ra có vẻ mâu
thuẫn.
Đối với Nyàya-Vaisùesïika, ngoài tiểu ngã
(jivàtman), còn có ngã tối cao (paramàtman) hay Thượng đế.
Mìmàmsïà, mặc dù chú trọng các nghi tiết tế tự thần linh, nhưng
lại có một thái độ gần như vô thần. Thế giới nhiều đau khổ này
nếu được coi là sáng tạo của một Thượng đế toàn năng và toàn trí,
thế giới tự hữu, quả là điều không hợp lý. Triết lý karma hay nghiệp đủ
để giải thích sự sinh thành và hủy diệt của thế giới. Hành vi tế
tự như vậy chính là nghiệp chiêu cảm những phước báo tốt cho đời
sau. Giải thoát đối với Mìmàmsïa có giá trị đạo đức nhiều hơn là
ân huệ của Chúa như chủ trương của các nhà Vedànta mà về sau
Sùanïkara nỗ lực khôi phục truyền thống hữu thần cho tư tưởng
Upanishad.
VII. CÁC CÚ NGHĨA KHÁC
Bởi vì bản thể luận của Mìmàmsïà không mấy khác xa
với Nyàya-Vaisùesïika, cho nên ta không cần trình bày chi tiết ở
đây. Một vài chi tiết sai biệt giữa các phái đó được trình bày
nơi vấn đề ngã (àtman).
Về đức cú nghĩa (gunïa-padàrtha), cũng như
Nyàya-Vaisùesïika, ở đây Mìmàmsïa cũng chấp nhận có 24 phẩm tính.
Trong số đó, thanh (sùabda) bị loại trừ và được thay vào bằng
“hữu năng” (sùakti). Nó là một năng lực biểu trưng sắc thái của
sự vật, như khả năng đốt cháy của lửa. Hiện hữu của phẩm tính này
chỉ có nhận ra bằng suy luận từ kết quả mà nó tạo nên. Các phẩm tính
(gunïa) khác, ngoại trừ pháp (dharma) và phi pháp (adharma), thảy
đều được giải thích đại khái như Nyàya-Vaisùesïika.
Những cú nghĩa còn lại cũng đã được giải thích rải
rác ở các đoạn trên, tùy theo mỗi vấn đề liên hệ.
VIII. NỘI DUNG MÌMÀMÏSÀ-SÙTRA (Nghĩa vụ đạo đức)
Dharma, hay nghĩa vụ đạo đức, là chủ điểm của
Mìmàmïsà. Mọi vấn đề tư tưởng triết lý hay tôn giáo của hệ phái
đều lấy đây làm điểm xuất phát. Để có thể thấu hiểu vị trí của nó
đối với những vấn đề liên hệ, trước hết chúng ta cũng nên xét
qua nội dung của Mìmàmïsà-sùtra, mà ngay từ đầu lấy ngay sự muốn
biết (jijnõàsà) về dharma làm xuất phát điểm.
Tập Sarva-darsùana-samïgraha, tác phẩm trình bày
các tiết phái, của Haribhadra, thế kỷ V sau tây lịch, phân tích
nội dung của Mìmàmïsà-sùtra như sau, căn cứ theo 12 chương của
nó; mỗi chương được coi như chứa đựng một vấn đề.
1. Tri nguyên luận, nguồn gốc của tri thức, khi
nghiên cứu về ý nghĩa của dharma, nguồn mạch tri thức là thánh
điển Veda.
2. Phân biệt các loại tế tự chính và phụ, và hiệu
quả của chúng. Chương này cũng tiếp tục tri nguyên luận của
chương trước, và nói thêm phương pháp ứng dụng các loại tế lễ như
được thấy trong thánh điển Veda.
3. Nêu lên đặc chất của thánh điển Veda, giải quyết
những điểm mâu thuẫn giữa các tập Khải thị lục (sùruti) và Ký ức
lục (smrïti). Chương này cũng nói về các tế thức, ý nghĩa bộ
loại của chúng, cách thực hành các tế thức và nghĩa vụ của thí
chủ.
4. Quan hệ giữa tế lễ chính và phụ, nghi thức tức
vị (Ràjasùya).
5. Thứ tự các loại văn cú trong Veda, thứ tự tế lễ,
quy định tế lễ, sự tăng gia và giảm thiểu các tế thức, và mức độ
quan trọng của các tập Khải thị lục.
6. Tư cách thí chủ, tế quan, và nghĩa vụ.
7. Ứng dụng tế pháp này hay tế thức khác, theo sự
quy định của Veda; suy định danh xưng (nàma) và đặc chất (linga)
để ứng dụng.
8. Trình bày phương thức lựa chọn đặc chất như đã
nói trong chương trước.
9. Trường hợp dẫn chú văn, hay nghi thức, lựa chọn
sự thích dụng hình thức ca vịnh (sàma) hay tế văn (mantra).
10. Phế chỉ tế thức.
11. Căn bản giáo lý của nghi tế.
12. Tùy theo mục đích mà chấp hành tế thức.
Nguồn mạch tri thức của Mìmàmïsà là các tập Veda,
được chia làm hai loại: tế văn (mantra) và Phạm thơ (Brahmanïa).
Dựa theo đây, Taiken Kimura phân tích nội dung của Mìmàmïsà-sùtra
thành năm loại như sau:
1. Nghi quỹ (vidhi), bộ phận chủ yếu là Brahamanïa,
trình bày cách quy định các tế thức, thành bốn loại nghi quỹ:
(a) Nghi quỹ phát đoan (utpatti-vidhi), mở đầu cho một cuộc tế;
(b) Nghi quỹ phương pháp (viniyoga-vidhi), chỉ định phương pháp
tế lễ; (c) Nghi quỹ thế đệ (prayoga-vidhi), thứ tự của cuộc lễ;
(d) Nghi quỹ tế nhân (adhihàra-vidhi), quy định tư cách của người
tế lễ.
2. Nội dung của tế văn (mantra) và tập lục
(samïhità), gồm ba loại. (a) Tán ca (rïc), những lời mời mọc
trong cuộc tế thần, mà chủ yếu là nội dung các tập Rg-Veda; (b)
Ca vịnh (sàman), ca ngợi các thần linh được mời mọc, chủ yếu là
nội dung của Sàma-Veda; (c) Tế từ (yajus), những lời dâng cúng các
phẩm vật được đọc lên hay ngâm nga trong khi tiến hành nghi thức, chủ
yếu là nội dung của Yajur-Veda.
3. Tế danh (nàmadheya), những danh hiệu được đặt
cho các cuộc tế theo các thánh điển Veda.
4. Cấm chế (nisïidha), những cấm chỉ trong một cuộc
tế.
5. Thích danh (arthavàda), nguồn gốc và hiệu năng
của cuộc tế.
IX. DHARMA: NGHĨA VỤ
Dharma được định nghĩa bởi Jaimini như là phán
truyền của Veda, bắt buộc phải thi hành những điều được chỉ định.
Trên phương diện triết lý, nó là một trong 24 phẩm tính, tương
phản với adharma. Jaimini cũng xác định rằng tri giác giác quan,
hay hiện lượng, không thể tri thức được dharma đó. Bởi vì nó là
sự phán truyền có tính cách vĩnh cửu, mà tri giác tùy thuộc tác
dụng của giác quan, chỉ thâu nhận những gì xảy ra trong hiện tại. Suy
luận hay tỉ lượng cũng không biết đến. Bởi vì sự phán truyền là
sự phát hiện của ngôn ngữ, sự liên tục phát hiện của âm thanh. Mà
bản chất của âm thanh vốn là thường trụ, vô sinh. Do đó, những
gì được phán truyền, bởi thánh điển Veda, luôn luôn có giá trị
tuyệt đối, vượt ngoài mọi khả năng nhận thức, trừ khả năng nhận
thức trên chứng ngôn. Giá trị đó phải được tuân hành một cách
trung thức, không thể khước từ hay cưỡng bức.
Dharma được hiểu như vậy, thì chính nó là một nghĩa
vụ tuyệt đối. Nói cách khác, dharma chính là nghĩa vụ tuyệt đối.
Các nhà Mìmàmïsaka đã nỗ lực chứng tỏ rằng thánh điển Veda không
phải được nói bởi một người nào, dù là Thượng đế. Nỗ lực này hàm
ngụ một ý nghĩa quan trọng, mà chúng ta có thể hiểu rằng, đó là
những gì được phát hiện tất nhiên từ ý thức xã hội, từ một ý lực
tự nhiên. Vũ trụ không có tác giả, không do sự sáng tạo của
Thượng đế. Trong sự vắng mặt của một Thượng đế sáng tạo, điều hành và
hủy diệt vũ trụ như vậy, con người tìm thấy một phán truyền tuyệt
đối từ thiên nhiên. Và từ phán truyền đó, loài người nhận thức
đâu là nghĩa vụ tuyệt đối mà mình phải tuân hành. Nghĩa vụ bao
gồm hai phương diện: nghĩa vụ đối với xã hội, theo một căn bản
đạo đức; và nghĩa vụ đối với thần linh, được thực hiện bằng những
nghi thức tế tự. Trong đó, nghĩa vụ chính yếu là tế tự.
Nghĩa vụ được chia thành ba loại: nghĩa vụ cưỡng
bức, nghĩa vụ tự nguyện và nghĩa vụ cấm chỉ. Những hành vi bị
cưỡng bức, bị bắt buộc phải làm, nếu không người ta sẽ bị đọa lạc
vào con đường tội lỗi, mặc dù thi hành đúng mức cũng không hẳn
sẽ hưởng thọ được phước báo gì. Những hành vi cưỡng bức này lại
có hai: nghĩa vụ thường nhật (nitya) như sự cầu nguyện hàng ngày
chẳng hạn, và những nghĩa vụ phải thi hành trong những cơ hội đặc biệt.
Hành vi tự nguyện (kàmya) hay tự ý, những nghĩa vụ được thi hành
theo một ước vọng nào đó, như muốn sinh lên cõi trời sung sướng,
người ta phải thi hành một số các tế tự. Những hành vi cấm chỉ
(pratisiddha), không được phép thi hành, nếu vi phạm chắc chắn sẽ
đọa lạc đau khổ dưới địa ngục.
Prabhàkara chủ trương nghĩa vụ như một ý nghĩa, và
do đó, sự tuân hành theo các phán truyền mệnh lệnh của Veda không
phải vì mục đích nào đó. Nghĩa vụ là nghĩa vụ. Veda không nói
đến một cứu cánh của nghĩa vụ. Tự nghĩa vụ đã có giá trị nội tại
trong mình nó. Nhưng với Kumàrila, những gì mà người ta thi hành
là muốn nhắm đến một mục đích nào đó, Veda không hề gợi lên ước
muốn thi hành. Thánh điển chỉ phân biệt mục tiêu tốt hay xấu mà
hành động của nghĩa vụ sẽ dẫn đến. Rồi con người lựa chọn. Ánh sáng của
ngọn đèn trong tay soi rõ đường đi. Nhưng đi hay không đi là do
chính tự nguyện của người đi.
Trong đoạn giới thiệu nội dung cương yếu của
Mìmàmsà-sùtra, chúng ta biết rằng, nghĩa vụ mà Veda chỉ định
chính là những nghĩa vụ tế tự. Thánh điển phân biệt rõ ý nghĩa
của mỗi loại, mục đích và hiệu quả của chúng. Tuy nhiên, những
nghĩa vụ tế tự này chỉ dành cho ba giai cấp trên của xã hội,
không dính gì đến giai cấp thứ tư, thủ đà la (sùudra).
Khi một cuộc tế được thực hiện xong, thì hành vi
tuy dứt, nhưng nó đã gây ra nơi người tế tự một năng lực tiềm
tàng, chưa từng có trước kia. Chính nó sẽ dẫn đến kết quả hiệu
nghiệm của tế tự. Vì rằng năng lực chưa hề có trước khi tế lễ,
cho nên nó được gọi là vô tiền (apùrva). Đây là quan niệm về
nghiệp lực (Karma-sùakti) của Mìmàmïsà, như được nói bởi Jaimini, sùtra
II.i.5. Năng lực này được nhận ra bởi vô thể lượng
(abhàva-pratyaksa). Tri giác hiện lượng không thể nhận ra, bởi vì
hành vi tế tự sau khi đã thể hiện xong, tức thì biến mất.
Các nhà Mìmàmïsà đầu tiên chỉ chú trọng dharma, và
không biết đến giải thoát (moksïa). Cứu cánh của dharma, hay
nghĩa vụ tế tự, là đạt đến thiên giới, sanh thiên (svarga) để
hưởng thọ khoái lạc. Lý tưởng giải thoát được khải thị từ các
thánh thư Upanishads, khi mà triết lý về tế tự được khảo sát, và
một tế lễ được biểu tượng cho một khải sáng vũ trụ, con người hướng về
“muốn biết” (jijnõàsà). Giải thoát thường phải hàm ngụ một ý nghĩa
nào đó của trí tuệ. Các nhà Mìmàmïsà về sau thay thế lý tưởng
sanh thiên bằng lý tưởng giải phóng (apavarga).
Tiểu ngã chìm đắm trong luân hồi do kết hợp với
thân xác, với cảm quan, với tâm và thức. Do kết hợp này mà tiểu
ngã trở thành một tri giả (jnõàtà), một thọ giả (bhoktà), một tác
giả (kartà). Giải thoát tức giải phóng tiểu ngã ra khỏi sự ràng
buộc của thân xác. Bởi vì giải thoát là vượt lên mọi phước báo
hay không phước báo, do đó không cần thiết phải thi hành các
nghĩa vụ tự nguyện (kàmya-karma) hay cấm chỉ (pratisïiddha), vì
hành vi tự nguyện dẫn đến phước báo sanh thiên, còn hành vi cấm chỉ nếu
vi phạm sẽ đọa địa ngục. Hành vi thường nhật (nitya) mà Veda phán
truyền, như nghĩa vụ tế tự chẳng hạn, phải được thi hành không
hướng đến một mục đích hưởng thụ phước báo nào cả.
Kumàrila cũng chủ trương thuyết tri hành hiệp nhất
(jnõàna-karma-samuccaya). Ông coi ngã như là một năng lực của tri
thức (jnõàna-sùakti). Khi giải thoát, không còn những tác dụng
của ý (manas) và các giác quan khác, và ngã trở lại trạng thái
thuần túy của nó như là năng lực tri thức. Do đó, trong cảnh giải
thoát, ngã không còn những phẩm tính khổ, lạc, dục, sân, v.v...
Nhưng giải thoát mà không thể nhập bản thể tuyệt đối
Brahman như các nhà Vedànta SÙanïkara, hay diện kiến Thượng đế
sáng tạo đầy ân huệ như các nhà Dvaita-Vedànta; sự giải thoát của
Mìmàmïsà như là sự giải trừ những ràng buộc của ngã đối với các
nghĩa vụ có điều kiện, và duy nhất chỉ thể hiện bằng nghĩa vụ
tuyệt đối không điều kiện. Thế thì giữa Vedànta và Mìmàmïsà chưa
chắc bên nào đã trung thành với lý tưởng của Veda hơn bên nào.