Triết học
Nghiên cứu về triết học Như Lai Tạng
Nguyên tác: Pháp sư Ấn Thuận Chuyển ngữ: Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh
05/01/2556 14:32 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG IV.
SỰ PHÔI THAI VÀ HOÀN THÀNH CỦA THUYẾT NHƯ LAI TẠNG

1.      Pháp pháp bình đẳng và sự sự vô ngại

Thuyết Như lai tạng (tathāgatagarbha) không phải là kế thừa trực tiếp dòng pháp của Phật giáo nguyên thỉ, mà là kế thừa từ Đại thừa sơ kỳ, thích ứng với thế tục, đã có sự phát triển độc đáo – không chung với Đại thừa. Kinh điển Đại thừa của Sơ kỳ, có thể xem Bát-nhã, Hoa nghiêm là hai dòng lớn. Kinh Bát-nhã và kinh Hoa nghiêm mà hiện còn đều là bộ lớn, đây là truyền ra không ngừng, rồi được tổ chức tập hợp trở lại làm một bộ. Trong sự phát triển rồi thứ tự biên tập ra, sự truyền ra của kinh Bát-nhã sớm hơn một chút, nhưng cả hai đều ảnh hưởng lẫn nhau, mà lại biểu hiện ra phong cách độc đáo đặc biệt. Điều mà kinh Bát-nhã nói, là đạo Bồ-tát. Đạo Bồ-tát là sự đều không trụ nơi nào của bát-nhã (prajñā) làm chủ đạo, chú trọng vào sự ngộ nhập ‘chánh pháp’. Trong pháp quán như thật của bát-nhã, tất cả pháp – cảnh, hành, quả, tất cả người – Thanh văn, Bích-chi Phật, Bồ-tát, Như lai, đều như huyễn, như hóa, bổn tánh là vắng lặng. Chân như (tathatā), pháp giới (dharmadhātu), thật tế (bhūtakoṭi) mà đại biểu cho nội dung của sự tự chứng ấy, cũng không lìa như huyễn, như hóa, bổn tánh là vắng lặng. Kinh Bát-nhã là lấy bổn tánh không làm cửa, dẫn dắt người thực hành, thấu qua hí luận của phân biệt về danh, tướng, cũng chính là đã siêu thoát khỏi ngữ ngôn và tư duy, chứng hiện thực về ‘tịch diệt hí luận’ (nhưng Bồ-tát nhẫn mà không chứng, để khỏi rơi vào Nhị thừa). Trong sự chứng hiện thực, thì nói hay làm gì cũng là không phù hợp với nó. Đã siêu việt tánh thời gian và không gian, cho nên không có trước sau, không có trong ngoài, bỉ thử; không có sanh hay diệt của thể, dơ hay sạch của chất, tăng hay giảm của lượng để có thể diễn tả được. Không có đối lập – ‘hai’ (cũng sẽ không có mâu thuẫn), cũng không có thay đổi, đã biểu hiện đầy đủ đặc tánh của pháp quán sâu sắc của Đại thừa. Đức Thích tôn dùng phương tiện để thuyết pháp, nói pháp thế gian và xuất thế gian, hữu vi và vô vi, sanh tử và niết-bàn, thiết lập nên môn lý luận tương đối (không phải là tương đối, mà là không có pháp nào có thể diễn tả được), khiến cho con người xả bỏ hữu vi để nhập vào vô vi, xả bỏ sanh tử để được niết-bàn. Hàng đệ tử Phật vào đời sau, y theo danh, tướng để thiết lập, rơi vào chỗ có sự tranh luận của tương đối: đối lập giữa thế gian và xuất thế gian, tùy thuận thế tục nên có trở ngại cho sự chứng hiện thực về thắng nghĩa. Kinh Bát-nhã dùng tất cả tánh đều là Không để làm cửa, đã đạt đến tất cả đều không có hai, không có phân biệt – như, thế gian và xuất thế gian, hữu vi và vô vi, sanh tử và niết-bàn, ở trong như, pháp giới, thật tế (của chứng hiện thực về thắng nghĩa), không có hai, không có phân biệt, đã phát triển lý niệm về tất cả vốn là không, tất cả đều là như, tất cả đều bình đẳng. “Bát-nhã ba-la-mật có khả năng diệt trừ các tà kiến, phiền não, hí luận, đưa vào trong cái Không rốt ráo.”1 Trung luận nói: “Thật tướng của các pháp, dứt tâm hành, ngữ ngôn, không sanh cũng không diệt, tịch diệt, như niết-bàn.(a)”2 Sự tự chứng về tịch diệt của hí luận, thì không thể nói là không có, cũng không thể nói là có, khái niệm ‘có’, ‘không có’ của thế tục đều không thể biểu thị sự chứng hiện thực về sự tịch diệt hí luận. Gọi đó là không (śūnyatā) cũng chỉ là giả danh thiết lập nên,3 chỉ cần con người không có trụ và chấp trước vào nơi nào mà thôi. Nhưng trong sự khai triển pháp môn bát-nhã, dần dần diễn biến thành 2 dòng bất đồng: 1. Vào lúc chứng hiện thực, tất cả hí luận, tất cả tướng huyễn đều không hiện tiền, như Thanh biện (Bhavya) dẫn kinh Bát-nhã nói: “Con mắt tuệ đều không thấy gì.”4 Đây là nghĩa gốc của pháp môn bát-nhã, như Du-già sư không cho rằng tánh viên thành thật là Không, mà ở trong căn bản trí chứng được chân như – thấy chân thật về đạo, cũng vẫn là tất cả tướng huyễn mà nương vào cái khác [y tha huyễn tướng] bị tiêu diệt nên không hiện tiền. 2. Theo truyền thuyết của Tây tạng thì có 2 tông, ngoài ‘không trụ một nơi nào một cách cùng tột nhất’ của sự đối với cảnh hiện tiền mà chấm dứt hí luận (như trên đã nói trên) ra, còn có ‘lý thành như huyễn’(b) của sự khởi trong hiện thực và không tịch không có chướng ngại.5 Hai tông này, trong Phật học Trung quốc, chính là chứng chân không và trung đạo. Trong pháp môn bát-nhã, hai tông này là phát triển theo thứ tự mà được thành tựu, có thể dẫn kinh để chứng minh điều đó, như kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật(I) do Cưu-ma-la-thập dịch, nói: “Vị Bồ-tát có huệ nhãn thì không suy nghĩ như vầy: có pháp đó hoặc là hữu vi, hoặc là vô vi, hoặc là thế gian, hoặc là xuất thế gian, hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu. Vị Bồ-tát có huệ nhãn này, cũng không có pháp nào là không thấy, không có pháp nào là không nghe, không có pháp nào là không biết, không có pháp nào là không nhân thức.”(c) Huệ nhãn (prajñā-cakṣus) là chứng bát-nhã trong hiện thực. Tiết đầu tiên mà kinh trên đã nói, là không nghĩ nhớ đến tất cả pháp, tiết sau là không có pháp nào là không biết. Kinh văn dùng một từ ‘cũng’, đó là huệ nhãn không thấy tất cả mà lại không có gì là không thấy, chính là thấy trung đạo theo như các học giả Trung quốc đã nói. Bản do Huyền trang dịch, cùng với kinh Ma-ha Bát-nhã ở trên tương đương, là kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa(II) nói: “Các Bồ-tát ma-ha-tát mà đắc được huệ nhãn thì có pháp nào hoặc là hữu vi, hoặc là vô vi; không thấy có pháp nào hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu,… Bồ-tát ma-ha-tát mà đắc được huệ nhãn ấy, đối với tất cả pháp đều chẳng phải thấy chẳng phải không thấy, chẳng phải nghe chẳng phải không nghe, chẳng phải biết chẳng phải không biết, chẳng phải nhận thức chẳng phải không nhận thức.” ‘Chẳng phải thấy chẳng phải không thấy’ của phần đầu, ý nghĩa vẫn là không thấy tất cả, chỉ là tiến thêm một bước nói: không thấy cũng không thể nắm bắt mà thôi. ‘Không gì là không thấy,… không gì là không nhận thức’, kỳ thật đó là Phật nhãn (buddhacakṣus), đây là điểm chung của các dịch bản.6 Đem ‘không gì là không thấy’ của Phật nhãn, làm đức dụng của huệ nhãn, kinh Ma-ha Bát-nhã làm như thế, kinh Phóng quang Bát-nhã, kinh Quang tán Bát-nhã thuộc cổ dịch,7 luận Đại trí độ dựa vào bản kinh này (bản 22.000 bài tụng) cũng như thế. Luận Đại trí độ(III) nói: “Huệ nhãn của chư Phật chiếu soi đến thật tánh của các pháp, đến tận cùng bờ mé của chúng, bởi vậy nên không có pháp nào mà không thấy, không có pháp nào mà không nghe, không có pháp nào mà không biết, không có pháp nào là không nhận thức.” “Hỏi: Phật dùng Phật nhãn nên không pháp nào là không biết, chứ chẳng phải là dùng huệ nhãn, nay vì sao nói rằng huệ nhãn thì không có pháp nào là không biết? Đáp: Khi thành Phật thì huệ nhãn đổi tên thành Phật nhãn. … Khi thành Phật thì nó [huệ nhãn] mất tên gốc của nó, chỉ gọi là Phật nhãn.” ‘Không có pháp nào là không biết’ là thuộc về Phật nhãn, vì sao cũng xem như là nội dung của huệ nhãn? Trí luận giải thích rằng: ‘Khi thành Phật thì huệ nhãn đổi tên thành Phật nhãn’, cho thấy huệ nhãn và Phật nhãn chỉ là khác biệt về danh tự, khác biệt về độ cạn sâu, mà không phải là bất đồng về thể tánh. Khi Bồ-tát thông đạt được pháp tánh, thì Phật nhãn chính là huệ nhãn; nếu như thông đạt được một cách sáng suốt rốt ráo, thì sẽ họi là Phật nhãn. Điều này như kinh Thập địa đã nói, từ Sơ địa đến Thập địa, đều gọi giống nhau là trí nhất thiết trí [nhất thiết trí trí]. Theo sự phát triển của pháp môn bát-nhã (đến sau này), thì huệ nhãn từ sự không thấy tất cả pháp, đạt đến chỗ không thấy gì mà không gì là không thấy. Trình tự diễn tiến này, đã trở thành căn nguyên tư tưởng của chân không và trung đạo của giới Phật giáo Trung quốc. Bên cạnh đó dẫn đến một ý kiến bất đồng, như kinh Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật(IV) nói: “Khi Bồ-tát đắc được a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề vì chúng sanh mà nói rằng sắc đi đến [thú] không;(d) nói thọ, tưởng, hành, thức đều đi đến không, tất cả pháp đều đi đến không, không đến không đi. Vì sao vậy? Vì tánh không của sắc không đến không đi; tánh không của thọ, tưởng, hành, thức không đến không đi, cho đến tánh không của tất cả các pháp đều không đến không đi, tất cả pháp đều đi đến không, chúng không vượt qua [thoát khỏi] sự đi đến này.(e) Tất cả pháp đều đi đến vô tướng, đi đến vô tác, đi đến vô khởi, đi đến vô sanh, đi đến vô sở hữu, đi đến [chỗ như] mộng, đi đến vô lượng, đi đến vô biên, đi đến vô ngã, đi đến tịch diệt, đi đến niết-bàn, đi đến chỗ không quay trở lại,(f) đi đến chỗ không đi: tất cả pháp không vượt quá [thoát khỏi] sự đi đến này.” Thú, có nghĩa la quay về hoàn toàn. Tìm cầu tướng rốt ráo [tận cùng] của tất cả pháp, thì tất cả pháp không có pháp nào không phải là không, không có pháp nào không phải là vô sanh, vô ngã, tịch diệt, niết-bàn (‘không quay trở lại’, ‘không đi đến’ ở đoạn cuối là nói tổng quát rằng không có sự đi và không có sự không đi). Đây chỉ là, tất cả pháp cuối cùng đều quay về không, không ra ngoài như; không có gì sánh hơn cái sâu xa này, cho nên nói ‘không vượt quá sự đi đến này’, hoặc dịch là ‘không thể siêu việt qua cái sự đi đến như vậy’. Điều này cùng với ‘pháp tướng sâu xa’, ‘ý nghĩa sâu sắc’ mà kinh Bát-nhã nói, là hoàn toàn phù hợp. Cùng tương được với đoạn kinh văn của Tiểu phẩm này, kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật(V) nói: “Vì chúng sanh mà nói sắc đi đến không; nói thọ, tưởng, hành, thức đi đến không, cho đến nói nhất thiết chủng trí đi đến không. … Tất cả pháp đi đến không, không vượt quá sự đi đến này. Vì sao vậy? Ở trong Không, đi đến hay không đi đến đều không thể nắm bắt.” “Tất cả pháp đều đi đến vô tướng,… đi đến vô tác,… đi đến vô khởi,… đi đến vô sở hữu, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch…” “Tất cả pháp đi đến [chỗ như] mộng,… đi đến [chỗ như] huyễn, đi đến [chỗ như] tiếng vang, đi đến [như] ảnh, đi đến [chỗ như] hóa…” “Tất cả pháp đều đi đến vô lượng vô biên,… đi đến không cho đi cũng không giữ lại,… đi đến không đưa lên không hạ xuống,… đi đến không đến không đi,… đi đến không đi vào không đi ra, không kết hợp không tan rã, không níu giữ không đoạn tuyệt…” “Tất cả pháp đi đến ngã, chúng sanh, thọ mạng, người, khởi, khiến cho khởi, làm, khiến cho làm, cái biết, cái thấy…” “Tất cả pháp đi đến hữu thường,… đi đến vui, tịnh, ngã,… đi đến vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã…” “Tất cả pháp đi đến sự ham muốn,… đi đến sự sân hận, sự ngu si, sự kiến [chấp]…” “Tất cả pháp đi đến như,… siêu việt pháp tánh, thật tế, tánh không thể nghĩ lường,… đi đến bình đẳng,… đi đến tướng bất động…” “Tất cả pháp đi đến sắc,… đi đến thọ, tưởng, hành, thức,… 12 nhập, 18 giới…” “Tất cả pháp đi đến đàn-ba-la-mật,… đi đến thi-la,… đi đến sằn-đề,… đi đến tỳ-lê-da,… đi đến thiền-na, đi đến bát-nhã ba-la-mật…” “Tất cả pháp đi đến cái Không bên trong,… đi đến cái Không bên ngoài,… đi đến cái Không bên trong-ngoài,… cho đến tất cả pháp đều đi đến cái Không của pháp không có và cái không của pháp có…” “Tất cả pháp đi đến bốn niệm xứ, cho đến tám Thánh đạo phần…” “Tất cả pháp đi đến mười lực của Phật, cho đến nhất thiết chủng trí…” “Tất cả pháp đi đến quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, đạo A-la-hán, đạo Bích-chi Phật,… đi đến A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề…” “Tất cả pháp đi đến Tu-đà-hoàn, cho đến Phật, không vượt qua sự đi đến này. Vì sao vậy? Vì trong giai đoạn từ Tu-đà-hoàn cho đến Phật, đi đến hay không đi đến đều không thể nắm bắt.” Những điều mà Tiểu phẩm Bát-nhã nói, chỉ là tất cả pháp đi đến chỗ như mộng, như huyễn, niết-bàn của bổn tánh không tịch – ‘chỗ sâu xa nhất’. Những điều mà kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật nói, có 2 đoạn lớn; đắc được tất cả pháp đi đến không, đến tất cả pháp đi đến chỗ bình đẳng, đi đến chỗ bất động, trên mặt đại thể thì cùng với kinh Tiểu phẩm phù hợp với nhau. Đoạn lớn ở dưới: tất cả pháp đi đến sắc,… thức, đến tất cả pháp đi đến Phật, luận Đại trí độ(VI) giải thích rằng: “Các pháp như sắc, v.v., cũng vậy, cuối cùng đều quay về không. Vì cái tướng rốt ráo của các pháp chắc chắn là không, nên các thứ còn lại đều là hư vọng. … 16 tên gọi gồm ngã, v.v., đều nhân vì 5 chúng [uẩn] hòa hợp, có giả tên gọi này mà không có pháp thật. … Như 4 pháp gồm thường (lạc, ngã, tịnh), v.v., đều không thể nắm bắt, bởi vì do điên đảo. Các pháp như sắc, v.v., cũng như vậy.”  Các pháp như uẩn - gồm sắc, v.v., xứ, giới; các pháp thực hành gồm 6 độ, 18 không, 37 phẩm, v.v.; các pháp thuộc về quả gồm quả Tu-đà-hoàn, v.v.; các người gồm tu-đà-hoàn, Phật, v.v., tất cả đều không có cái gì chẳng phải là tên gọi giả được đặt bày nên, ‘cuối cùng đều quay về không’. Cho nên kinh nói tất cả pháp đi đến sắc, cho đến đi đến Phật, đều lấy ‘vì rốt ráo đều không thể nắm bắt’, để trình bày rằng không có sự đi đến và chẳng phải là sự đi đến để có thể diễn tả được. Tất cả pháp đi đến tất cả pháp, kỳ thật là tất cả pháp đều đi đến tất cả pháp tánh – rốt ráo đều không thể nắm bắt (không, như). Nhưng mà, câu kinh văn ‘tất cả pháp đi đến tất cả pháp’, có thể được hiểu ngầm là: tất cả pháp và tất cả pháp, không có dính mắc, không có chướng ngại, cùng với tư tưởng ‘liên hệ với nhau, nhập vào nhau’ của Hoa nghiêm, hợp thành một dòng. Kinh Hoa nghiêm cũng là tuyên thuyết về Bồ-tát hành, vị thứ tu hành – 10 trụ, 10 hành, 10 hồi hướng, 10 địa, mà Phật học Trung quốc đã nói, chính là y cứ vào sự biên tập thành theo thứ tự của kinh Hoa nghiêm, mà được công nhận là thứ tự địa vị của Bồ-tát hành. Nhưng Bát-nhã chú trọng vào sự tự mình tu hành và giáo hóa kẻ khác của Bồ-tát, ‘sự tiến tu mà lấy ‘không đắc điều gì [vô sở đắc] làm phương tiện’, nhưng Hoa nghiêm là lấy quả đức sâu xa của Như lai làm trọng. Kinh Đâu-sa thuộc cổ dịch là bộ phận nhỏ của bộ lớn Hoa nghiêm. Kinh Tam-mạn-đà-bạt-đà-la Bồ-tát nói đến bát-nhã ba-la-mật, kinh Đâu-sa-đà-tỳ-la.8 Đâu-sa-đà-tỳ-la (Tathāgatapiṭaka), dịch nghĩa là Như lai (khiếp) tạng. Làm hiện rõ ra quả đức sâu xa của Như lai, ở trong bộ lớn kinh Hoa nghiêm, như phẩm Thế gian tịnh nhãn, phẩm Lô-xá-na Phật của bản dịch đời Tấn, chính là sáu phẩm đầu của bản dịch đời Đường. Trong Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika), thân vô lậu của Như lai, đã trải qua là ‘sắc thân không có bờ mé’, ‘lượng tưởi thọ không có bờ mé’, ‘oai đức không có bờ mé’, ‘dùng một âm thuyết tất cả pháp’, ‘trong một niệm mà biết tất cả pháp’. Đồng thời, trong 10 phương có vô lượng thế giới, trong hiện tại có vô số Phật. Nói theo nguyên tắc, những điều này đều cùng với điều mà kinh Hoa nghiêm đã nói là tương đồng. Thừa nhận những niềm tin này, trong sự ngộ giải về bình đẳng tịch diệt, dùng quan niệm thẩm mỹ của tín ngưỡng, nghệ thuật, thần bí, đem quả đức sâu xa của Như lai, tác dụng to lớn của sự lợi ích vô tận cho chúng sanh, đã biểu đạt ra đầy đủ, trở thành Phật Tỳ-lô-giá-na (Vairocanabuddha), Hoa tạng trang nghiêm thế giới hải (kusuma-tala-garbha-vyūhālaṃkāra-lokadhātu-samudra) trang nghiêm kỳ vĩ. Dùng điều này làm lý tưởng của sự tin tưởng, hiểu biết rồi tu chứng, sau đó giải thích rõ địa vị trải qua của Bồ-tát đến thành Phật. Vô sanh, không, không sanh không diệt, tịch tĩnh, không hai, không khác – tánh bình đẳng tịch diệt của tất cả pháp mà Bát-nhã đã trình bày, kinh Hoa nghiêm là tương đồng với nó. Thông thường cho rằng kinh Hoa nghiêm là nói theo diệu hữu, nhưng so với Đại thừa hậu kỳ, phê phán tất cả pháp đều là không mà nói riêng về cái chẳng phải không, đều không tương đồng. Các pháp đều bình đẳng với nhau, chính như điều mà kinh Duy-ma-cật sở thuyết đã nói: “[Chân] như là phải hai, không đổi khác”(g) (không có phân biệt, không có biến đổi): “Tất cả chúng sanh đều như, tất cả pháp cũng đều như, các vị Hiền thánh cũng đều như, cho đến Di-lặc cũng là như.(h)”9 Sự bình đẳng theo thắng nghĩa của các pháp, như khi nói đến sự tướng – phàm Thánh, đạo quả, sanh tử, niết-bàn, thì tất cả đều là sự đặt bày theo thế tục, cho nên tất cả là ‘duy chỉ là tên gọi, duy chỉ là sự biểu đạt, duy chỉ là sự giả đặt nên’. Đây là pháp môn bát-nhã, tính thiện xảo của sự thâm nhập vào thắng nghĩa nên không trái với thế tục vậy! Đối với sự bình đẳng của các pháp, nếu như không xem trọng tất cả pháp (của sự đặt bày theo thế tục), và sự không phải tức, không phải ly của như (của sự chứng được thắng nghĩa trong hiện thực), mà nói trực tiếp đến tính không có hai, không có khác của tất cả pháp, tự nhiên sẽ dẫn đến phát sanh ra lý luận về ‘tương tức tương nhập’, ‘pháp pháp vô ngại’. Nếu chúng sanh là như thế, Như lai cũng như thế, thì chúng sanh và Như lai là không có hai, không có khác, vì vậy có thể ngầm hiểu rằng: chúng sanh không rời Như lai, Như lai không lìa chúng sanh; chúng sanh tức là Như lai, Như lai tức là chúng sanh. Đại chúng bộ nói Như lai có ‘sắc thân không có bờ mé’, cũng chính là thân Phật trải khắp nên không nơi nào là không có. Đây là sự thật theo tín ngưỡng, đã có chịu sự khơi mở của tư tưởng các pháp đều bình đẳng, liên hệ nhau, nhập vào nhau, vì vậy Phật với Phật là tương tức tương nhập, bình đẳng không có ngăn ngại. Cũng có thể ngầm hiểu ra rằng: Như lai trải khắp trong chúng sanh, (chúng sanh trải khắp trong Như lai), Như lai và chúng sanh cũng tương tức tương nhập nên bình đẳng không có ngăn ngại. Như vậy, thuyết Như lai tạng chủ trương trong thân của chúng sanh có Như lai, trong pháp giới vô ngại của Hoa nghiêm, dùng hình thức tượng trưng, thí dụ, phát triển dần dần mà ra.

2.      Thuyết Như lai tạng hàm súc trong kinh Hoa nghiêm

Tư tưởng Như lai tạng (tathāgata-garbha) xuất hiện tiềm ẩn trong kinh Hoa nghiêm, dùng thí dụ, tượng trưng để biểu thị ra. Trong kinh Hoa nghiêm, chủ yếu thì có ba nơi: 1. Phẩm Bảo vương Như lai tánh khởi: do Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra) dịch vào đời nhà Tấn, là phẩm 32 của kinh Hoa nghiêm. Bản do Trúc Pháp hộ (Dharmarakṣa) dịch vào đời nhà Tấn, gọi là kinh Như lai hưng hiển. Phẩm 37 của kinh Hoa nghiêm do Thật-xoa-nan-đà (Śikṣānanda) dịch vào đời nhà Đường, gọi là phẩm Như lai xuất hiện. Bản Phạn văn cũng là ý nghĩa Như lai hưng khởi, xuất hiện. Bản dịch đời Tấn gọi là ‘Như lai tánh khởi’, ‘tánh khởi’ đã được các học gia đời sau xem trọng. Kinh Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm(I) (phẩm Như lai tánh khởi) nói: “Trong thân của chúng sanh, không có chúng sanh nào mà không bao hàm đầy đủ Như lai trí, nhưng vì chúng sanh điên đảo nên không biết được Như lai trí ấy; nhưng mà sau khi trừ bỏ được sự điên đảo thì sẽ phát sanh ra trí biết hết thảy, trí vô sư, trí không có chướng ngại. Này Phật tử! Ví như có một quyển kinh có lượng lớn như (một) tam thiên đại thiên thế giới, lại nữa, trong quyển sách lớn ấy có ghi chép đầy đủ [mọi thứ có] trong tam thiên đại thiên thế giới. … Mang quyển kinh mà chép mọi thứ của tam thiên đại thiên thế giới ấy bỏ vào trong một vi trần, rồi cũng bỏ vào tất cả vi trần như thế. … Này Phật tử! Trí huệ của Như lai, trí tuệ vô tướng, trí tuệ vô ngại đều có đầy đủ trong thân của chúng sanh, nhưng vì chúng sanh ngu si bị cái tưởng điên đảo che lấp nên không biết, không thấy, không sanh tâm tin tưởng. Bấy giờ, Như lai dùng thiên nhãn thanh tịnh không bị chướng ngại để quan sát tất cả chúng sanh, sau khi quán xong thì nói như vầy: Kỳ lạ thay! Kỳ lạ thay! Vì sao Như lai có đầy đủ trí huệ ở trong thân chúng sanhh mà chúng không biết, không thấy vậy! Ta sẽ dạy cho chúng sanh kia giác ngộ Thánh đạo, ắt khiến chúng vĩnh viễn thoát khỏi sự trói buộc của cáu bẩn điên đảo, thấy toàn vẹn được Như lai trí tuệ ở trong thân của chúng, cùng với Phật không có khác nhau.”(a) Quyển kinh mà chép mọi thứ của tam thiên đại thiên thế giới ấy bỏ vào trong một vi trần, giống như trí huệ Như lai ở bên trong thân của chúng sanh; tất cả vi trần đều như thế, chính là tất cả chúng sanh đều có trí huệ Như lai. Theo Phật thuyết, trí huệ của Phật nhập vào khắp trong thân của tất cả chúng sanh; theo chúng sanh nói, thì chúng sanh có đầy đủ trí huệ của Như lai. ‘Thân chúng sanh’, theo luận Bảo tánh đã dẫn, nguyên văn là sattva-citta-saṃtāna, phải dịch là ‘tâm tương tục của chúng sanh’. Đoạn văn này, trong đoạn ‘tâm của bậc Như lai Ứng cúng Đẳng chánh giác’ của phẩm Như lai tánh khởi, đã biểu thị thuyết chúng sanh có đủ trí tuệ của Như lai, là trí đức của Như lai vốn có đầy đủ của tâm chúng sanh. Đoạn kinh văn này, được xem là thuyết Như lai tạng, được những học giả Như lai tạng của đời sau nhiều lần trích dẫn. Dịch giả của kinh Như lai tạng – Phật-đà-bạt-đà-la dịch là ‘Như lai tánh khởi’, lại nữa, ở cuối phẩm này nói: “Pháp vi tế sâu xa như thế, trải qua vô lượng kiếp khó được nghe, người có tinh tấn và trí huệ mới được nghe Như lai tạng,”1 đã nói rõ ràng đến ‘Như lai tạng’. Nhưng bản dịch đời Đường tương đương với đoạn này, thì nói: “Pháp sâu xa vi tế như thế, trải qua trăm nghìn vạn kiếp khó được nghe; người được điều phục bởi sự tinh tấn và trí huệ mới nghe được ý nghĩa bí mật sâu sắc này.”2 Như lai tạng, theo bản dịch đời Tấn, là Bí mật tạng, có thể từ chứng cứ gián tiếp để xác định điều ấy, như3 nói: (1) Cái khuôn mẫu lớn [hồng phạm 洪範] như thế, chính là cái tạng mà bí mật của Như lai.” (2) “Tên của kinh này là tạng pháp vi tế sâu xa của chư Phật.” (3) “Pháp môn này gọi là chỗ mà bí mật của Như lai.” Ba đoạn dịch bản khác nhau này, đều gọi pháp môn này là ‘Như lai bí mật tạng’, có thể thấy ‘Như lai tạng’ của bản dịch đời Tấn là Như lai bí mật tạng – chỗ bí mật (guhya-sthāna), mà không phải là tạng (garba, tử cung) của bào thai [thai tạng]. Thời gian mà phẩm Như lai tánh khởi này được truyền bá ra hơi trễ, nên tư tưởng của nó cùng với thuyết Như lai tạng là gần nhau, nhưng vẫn không có danh mục của ‘Như lai (thai) tạng’. 2. Phẩm Thập địa: thông thường gọi là kinh Thập địa; Trúc Pháp hộ dịch là kinh Tiệm bị nhất thiết trí đức, Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch là kinh Thập trụ. Trong phẩm này, cùng với thuyết Như lai tạng gần nhau, có dụ về vàng và dụ về vật báu. Vàng – dụ về việc luyện vàng, kinh Tạp A-hàm đã nói đến rồi. dụ luyện vàng của phẩm này được phân tán trong mười địa, mỗi một địa đều dùng vàng làm thí dụ, để tỉ dụ cho “các công đức này, đều hồi hướng về tát-bà-nhã, chuyển thành sáng rỡ thêm, tùy ý mà sử dụng;” “tất cả thiện căn đều chuyển thành ánh sáng thanh tịnh thù thắng,” v.v.4 Dùng dụ luyện vàng để trình bày thiện căn công đức của mỗi một địa, dần dà tăng lên sự thù thắng của từng địa từng địa. Thiện căn công đức của Bồ-tát đương nhiên là dùng trí và đức (của Bồ-tát) làm chủ, cho nên pháp môn này được gọi là ‘dần dần có đủ tất cả trí đức’. Dụ viên ma-ni lớn quý báu, ở cuối phẩm Thập địa, như kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm(II) nói: “Ví như viên bảo châu ma-ni lớn có mười sự để cho chúng sanh tất cả vật báu. Mười sự đó là những gì? 1. Được lấy ra từ biển lớn; 2. Người thợ khéo léo đẽo gọt; 3. Chuyển thành tinh diệu; 4. Trừ bỏ dơ bẩn; 5. Dùng lửa để luyện; 6. Chúng các thứ báu để trang trí; 7. Xâu thành chuỗi báu; 8. Đặt trên cây trụ bằng lưu ly; 9. Ánh sáng chiếu khắp 4 phương; 10. Tùy ý của vua mà tạo cơn mưa xuống các loại bảo vật. Vị Bồ-tát phát tâm tâm bồ-đề quý báu, cũng có mười sự, mười công năng đó là những gì? 1. Vị mới phát tâm, bố thí để ly được tâm keo kiết;… 10. Được chư Phật truyền trao cho chức vị của trí huệ, làm được Phật sự cho các chúng sanh, dự vào số chư Phật.” Viên ma-ni lớn quý báu được lấy ra từ trong biển, trải qua sự tôi luyện cho đến khi treo lên một cây trụ cao, mưa xuống mọi vật quý báu, giống như chúng sanh phát tâm bồ-đề rộng lớn, từ Sơ địa… đến Thập địa rồi thành Phật. viên ngọc quý được lấy ra từ trong biển lớn vẫn cần phải tôi luyện, nhưng thể tánh và công dụng [đức dụng] của viên ngọc quý sớm đã được thành tựu rồi; cùng với vàng được lấy ra từ quặng, trải qua sự tôi luyện rồi được chế thành các vật trang sức, mà tánh chất vàng là đã được thành tựu ở trong quặng rồi, là giống nhau. Dùng dụ này để thí dụ cho tâm bồ-đề, tâm bồ-đề từ Sơ địa đến Thập địa, rồi thành Phật, là từ phát khởi bồ-đề đến viên mãn bồ-đề (trí đức) làm chủ, để giải thích sự lìa dơ bẩn cho đến sự thanh tịnh rốt ráo của bồ-đề, phát sanh cái đức dụng lợi sanh vô biên. Trong phẩm này cũng không có nói đến danh mục ‘Như lai tạng’, nhưng các học giả Như lai tạng xem thuyết chúng sanh vốn có bồ-đề, cùng với thuyết Như lai tạng là đồng một nội dung. 3. Phẩm Lô-xá-na: phẩm Lô-xá-na của bản dịch đời Tấn tương đương với phẩm 2-6 của bản dịch đời Đường. Thế giới của Phật Lô-xá-na – Tỳ-lô-giá-na (Vairocana) được gọi là Hoa tạng trang nghiêm thế giới hải (Kusuma-tala-garbha-vyūhālaṃkāra-lokadhātu-samudra), từ thế giới trụ ở trên hoa sen mà có tên ấy, như kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm5 (bản dịch đời Đường) nói: 1) “Trong biển Hương Thủy này có một hoa sen lớn tên là Chủng chủng quang minh nhị hương tràng, Hoa tạng trang nghiêm thế giới hải trụ ở trong hoa sen ấy.” 2) “Hoa nghiêm thế giới hải bình đẳng không khác biệt với pháp giới, trang nghiêm rất thanh tịnh, an trú ở tại hư không. Trong thế giới hải này có nhiều cõi nước khó nghĩ bàn được. …Các cõi nước nhiều như vậy đều trụ ở trên hoa sen.” Thế giới là trụ trên hoa sen này. Trong thế giới ấy có Phật xuất hiện, có chúng Bồ-tát theo hầu, Phật và chúng Bồ-tát ấy lại ngồi trên hoa sen. Phật và thế giới đều đều an trụ ở trên hoa sen, rốt cục có ý nghĩa gì? Luận Đại trí độ(III) nói:  “Khi kiếp tận thiêu cháy, tất cả đều không còn. Chúng sanh nhờ sức nhân duyên của phước đức nên gió từ mười phương đến chống đỡ nhau, tiếp xúc nhau có thể duy trì đại thủy. Trên nước có một nghìn đầu người, hai nghìn tay chân, gọi là Vi-nữu. Trong rún của người này xuất ra nghìn hoa sen có cánh bằng sắc của vàng quí báu kỳ diệu, ánh sáng của nó rất to lớn rực rỡ, giống như vạn mặt trời cùng chiếu một lượt. Trong hoa có người ngồi kiết già, người này lại có vô lượng ánh sáng, gọi là vua Phạm thiên. Trong tâm của vị vua Phạm thiên này sanh ra tám người con, tám người con ấy sanh ra trời đất, nhân dân… Vị vua Phạm thiên này ngồi trên hoa sen, do vậy chư Phật vì tùy thế tục nên ngồi kiết già trên hoa báu ấy.” Trong rún của Vi-nữu (Viṣṇu) sanh ra hoa sen, vua Phạm thiên (Brahman) ngồi trên hoa sen là thần thoại về sáng tạo của Ấn độ. Thần thoại của sự sáng tạo ra trời đất, nhân dân này, cùng với truyền thuyết trong chương 203, quyển 3 của trường ca Ma-ha Bà-la-đa (Mahābhārata) gần nhau. Cho nên, thế giới Hoa tạng trụ trên hoa sen, Phật và chư Bồ-tát ngồi trên hoa sen đều chẳng qua là ‘tùy theo pháp thế tục’, trong khu vực văn hóa của thần giáo tại Ấn độ, là nhằm thích ứng mới của tín ngưỡng thần giáo thích ứng. Từ sự biểu trưng của hoa sen để nói, là có ý nghĩa tương đương. Hoa sen là thứ được nhân loại rất tôn trọng, kinh A-hàmPháp cú đã từng dùng hoa sen làm thí dụ. Trong các bộ phái Phật giáo, trang trí cho tháp (stūpa) và chi-đề (caitya) cũng có làm hình hoa sen. Việc được xem trọng của hoa sen, có hai điểm: 1) Hoa sen sanh trong bùn nhơ, nhưng không bị sự ô nhiễm của bùn, hương thơm thanh khiết vi diệu. A-hàmPháp cú dùng hoa sen làm thí dụ, tượng trưng cho sự không bị ô nhiễm bởi phiền não của (ba thừa cùng chung) Thánh giả, sự cao thượng và thanh tịnh của phẩm đức. Nước ta có thuyết yêu hoa sen của Chu Đôn Di, cũng chỉ là ý nghĩa này. Nếu dựa vào sự không rời bùn nhơ mà sanh trưởng để nói, thì như vị Bồ-tát không rời sanh tử và phiền não, như kinh Duy-ma-cật đã nói.6 2) Hoa sen từ khi ngậm nụ đến nở ra, quả sen đã sanh trưởng ở trong hoa rồi. Đợi đến khi cánh hoa roi rụng, quả sen (đài sen) liền hiện ra hoàn toàn. Nói theo bình thường: ‘Hoa nghiêm’ là dùng ‘hoa có nhân là vạn hạnh, trang sức Phật quả có vạn đức’. Hoa giống như là Bồ-tát hạnh, quả sen giống như quả Phật. Khi Bồ-tát tu hành, quả Phật (bồ-đề) đã có sẵn ở trong, đợi đến khi nhân được làm đầy đủ, cũng chính là viên mãn bồ-đề. Ý nghĩa tượng trưng này là hoa sen nở nên Như lai xuất hiện, ngồi trên đài hoa sen. Kinh Hoa nghiêm và kinh Pháp hoa xem trọng quả Phật, đều dùng hoa sen làm thí dụ. Cho nên hoa tạng trang nghiêm thế giới hải, cho đến Phật và Bồ-tát ngồi trên hoa sen mà phẩm Lô-xá-na đã hiển thị, đều ám chỉ ý nghĩa rằng bồ-đề vốn đã có sẵn, đợi đến khi vạn hạnh viên mãn thì hiện ra quả Phật trang nghiêm. Hoa sen nở ra, trong ấy có Như lai ngồi trên tòa sen, có bối cảnh thần thoại của thông tục, sễ dàng được truyền bá trong Phật giáo; mà có tương tợ ý nghĩa của thuyết Như lai tạng, nên cũng sẽ thích hợp với thông tục để lưu hành ra. ‘Hoa tạng trang nghiêm thế giới hải’ của kinh Hoa nghiêm truyền, trong bản dịch sang Tạng văn thì có từ garbha, tức chữ (thai) tạng của Như lai tạng, quả sen ở trong hoa, giống như ở trong thai. Nhưng theo bản truyền vào đời Đường thì nguyên ngữ của Hoa tạng thế giới hải vẫn không có từ thai tạng (garbha).7 Tóm lại, dụ trong một vi trần có ba nghìn đại thiên quyển kinh và dụ vàng, dụ bảo vật của kinh Hoa nghiêm, đặc biệt là ý nghĩa mà hoa tạng tượng trưng, dẫu chưa có đề cập đến từ Như lai tạng rõ ràng, nhưng thuyết Như lai tạng quả thật đã đạt đến giai đoạn ‘miêu tả được sinh động’.

3.      Tâm – bồ-đề tâm – bồ-đề - chúng sanh giới

Pháp môn Hoa nghiêm khởi lên từ phương Nam. Bộ phận tỳ kheo giữ gìn giáo pháp của phương Nam lấy các thí dụ của kinh Hoa nghiêm, v.v, để tuyên dương pháp môn ‘Như lai là thường, hằng và có tánh’; nên các giáo thuyết [ra đời] sau Như lai tạng (tathāgata-garbha), Như lai giới (tathāgata-dhātu), Phật tạng (buddha-garbha), Phật tánh (buddhadhātu), chúng sanh giới (sattvadhātu), ngã (ātman), đã hình thành ‘chân ngã’ – một dòng lớn của ‘bất không Đại thừa’; là xem trọng về quả đức của Như lai, và Phật tánh mà chúng sanh vốn có sẵn. Nhân duyên dẫn đến phát sanh ra thuyết Như lai tạng là có nhiều phương diện, bồ-đề và tâm bồ-đề (bodhicitta) là gần với thuyết Như lai tạng. Như phẩm Như lai tánh khởi của kinh Hoa nghiêm, trong phần nói về ‘tâm của bậc Như lai Ứng chánh đẳng giác’ nói đến trí huệ (tên gọi khác của bồ-đề) của Như lai ở trong tâm tương tục của chúng sanh. Dụ vàng và dụ bảo vật của phẩm Thập địa, là tỉ dụ cho tâm bồ-đề, nhất thiết trí trí (sarvajña-jñāna) thuộc mười địa. Phẩm Thăng Dạ-ma thiên cung nói: “Tâm như người họa sỹ, vẽ nên các thế gian, năm uẩn từ đây sanh, không pháp nào chẳng tạo. Như tâm, Phật cũng vậy; như Phật, chúng sanh đồng. …Nếu người muốn biết rõ, hết thảy Phật ba đời, phải quán tánh pháp giới, thảy đều do tâm tạo.”1 Phẩm Thập địa nói: “Phàm có những gì thuộc ba cõi đều duy chỉ là thuộc tâm.”2 Thuyết duy tâm của Hoa nghiêm đương nhiên là thuyết tâm tánh vốn thanh tịnh. Nói theo thông thường, bồ-đề - vô thượng bồ-đề, là quả trí của Như lai. Trong pháp Thanh văn, theo sự thành tựu do tu tập mà nói, thì cho rằng bồ-đề là pháp hữu vi. Trong Đại thừa, bồ-đề là siêu việt tính tương đối của thời gian và không gian, như kinh Duy-ma-cật sở thuyết nói: “Bồ-đề ấy không thể dùng thân mà đắc được, không thể dùng tâm mà đắc được;” “bởi vì theo thói quen văn tự của thế tục nên nói có ba đời, chẳng phải nói bồ-đề có từ quá khứ đến hiện tại.”3 Tâm bồ-đề mà Đại thừa nói ấy, là tâm mong cầu đắc được bồ-đề của Phật; phát tâm bồ-đề chỉ là nguyện vọng trên cầu Phật đạo (bồ-đề). Luận đến hành vị của Bồ-tát, thuyết thập trụ so với thuyết thập địa gồm Hoan hỉ, v.v., phải có sớm hơn. Trụ đầu tiên của thập trụ gọi là Phát tâm trụ, như kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm(I) nói: “Những gì là trụ sơ phát tâm của Bồ-tát ma-ha-tát? Vị Bồ-tát này thấy 32 tướng, 80 vẻ đẹp, dung sắc tuyệt diệu đầy đủ của Phật, nên sanh lòng tôn trọng cho là khó gặp được; hoặc nhìn thấy thần thông biến hóa; hoặc nghe thuyết pháp; hoặc nghe được lời dạy dỗ; hoặc thấy chúng sanh chịu vô lượng khổ; hoặc nghe Như lai giảng thuyết rộng rãi Phật pháp; phát tâm bồ-đề, cầu nhất thiết trí, thẳng tiến không thoái lui.” Phát tâm bồ-đề của trụ sơ phát tâm là nguyện cầu nhất thiết trí, kiên định bất di. Trong phần trùng tụng nói rộng về phát tâm, đều nói như thế này: “Thảy muốn…, Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm.” Phát thệ nguyện to lớn, chí cầu Phật đạo là ý nghĩa nguyên thỉ của tâm bồ-đề. Trong sự khai triển của pháp Đại thừa, tâm bồ-đề không chỉ là nguyện bồ-đề (đây là điều không thể thiếu), mà lại có một tầng ý nghĩa sâu hơn, đó chính là ‘tự giác bồ-đề’, hiển lộ và phát ra ít phần bồ-đề của Phật. Như Tiểu phẩm Bát-nhã nói: “chính là tâm mà chẳng phải tâm, vì tánh tướng của tâm vốn thanh tịnh,” vốn là nói rộng tâm bồ-đề.4 Đến thời Đại phẩm Bát-nhã (như ba phần đầu của kinh Đại Bát-nhã) đã nêu ra ‘tâm bồ-đề’, ‘tâm vô đẳng đẳng’, ‘tâm quảng đại’, mà nói bổn tánh vốn thanh tịnh, cũng chính là tâm bồ-đề vốn thanh tịnh.5 Tâm bồ-đề vốn thanh tịnh, gọi là tâm bồ-đề theo thắng nghĩa; nên nguyện cầu tâm bồ-đề của nhất thiết trí, bị gọi là tâm bồ-đề theo thế tục. Phẩm Thập địa nói rõ tâm bồ-đề theo thắng nghĩa, cũng nói đại nguyện ‘mười tạng vô tận’. Tâm bồ-đề là (tâm có tánh tịnh, cũng là) vốn có sự hiển lộ và phát ra của bồ-đề của Phật, lần lượt trong sáng ra, cho nên dùng vàng và châu báu để nói thí dụ. Chỉ ra trực tiếp rằng trong thân của chúng sanh có tánh Phật, là Như lai và thuyết Như lai tạng; trong địa vị Bồ-tát vốn có sự hiển lộ và phát ra của bồ-đề, là bồ-đề và thuyết tâm bồ-đề. Hai thuyết này có khuynh hướng cộng chung nhau, cho nên các học giả đời sau xem là cùng một pháp môn để xử lý. Thánh điển mà dùng bồ-đề, tâm bồ-đề làm chủ thì số lượng không ít, ở đây chỉ nêu lược để làm thí dụ. Theo nội dung phẩm Thập địa của kinh Hoa nghiêm, do tăng thêm hay giảm bớt nên biên tập thành kinh riêng, như kinh Trang nghiêm bồ-đề tâm do ngài Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch vào đời Diêu Tần, kinh Đại phương quảng Bồ-tát thập địa do Cát-ca-dạ (Kiṅkara) dịch vào đời Nguyên Ngụy. Bản do Bồ-đề-lưu-chí (Bodhiruci) dịch vào đời Đường, được biên tập thành Vô tận Bồ-tát hội của kinh Đại bảo tích (hội 45), đều cùng một nguyên bản mà bản dịch khác nhau, tương đồng phần lớn mà khác nhau chút ít. Phẩm Đà-la-ni tối tịnh địa của kinh Kim quang minh do ngài Chân đế (Paramārtha) dịch vào đời Trần, cũng là cùng một nguyên bản mà tổng quát thì có thêm bớt, chỉ thay đổi của tên người thôi vậy! Các bộ kinh này, đầu tiên đều hỏi là ‘tâm bồ-đề là gì?’, quan hệ của tâm và bồ-đề; nói đến bồ-đề, tâm, tát-đỏa (chúng sanh), tất cả pháp, đều là tên gọi giả được đặt bày thành nên đều không thể nắm bắt. ‘Nếu đối với pháp mà không nắm bắt thì gọi là đắc bồ-đề’, đây là tùy thuận với bát-nhã, tương ưng với bát-nhã. Từ sự không thể thiết lập nên của bồ-đề, chẳng có ba đời, nên nói đến tâm, chúng sanh, tất cả pháp.6 Kinh Trang nghiêm bồ-đề tâm nói: “Bồ-đề tức là tâm, tâm tức là chúng sanh, nếu có thể hiểu được như thế, thì đó gọi là Bồ-tát tu tâm bồ-đề,”7 cùng với ‘tâm, Phật, chúng sanh – ba thứ không có sai biệt’ của kinh Hoa nghiêm, phù hợp nhau. Bồ-tát tu hành, lấy sự phát tâm bồ-đề làm đầu, mà phát tâm bồ-đề cần phải từ thuyết bồ-đề mà ‘chẳng phải từ quá khứ đến hiện tại’ bắt đầu, điều này cùng với thuyết Như lai tạng có khuynh hướng cộng chung nhau. Phẩm Tự, phẩm Đà-la-ni tự tại vương Bồ-tát của kinh Đại tập do Đàm-vô-sấm (Dharmarakṣa, Dharmakṣema) dịch, bản do Trúc Pháp hộ (Dharmarakṣa) dịch gọi là kinh Đại ai. Đây là bản kinh mà luận Bảo tánh lấy làm y cứ, trong cách nhìn và suy nghĩ của người xưa, thì nó chí ít là có quan hệ mật thiết với thuyết Như lai tạng. Luận Bảo tánh dựa vào phẩm Tự, lập nên Phật bảo (Buddharatna), Pháp bảo (Dharmaratna), Tăng bảo (Saṃgharatna) - Tam bảo tánh (Triratnagotra), mà quy về Phật bảo; dựa vào phẩm Đà-la-ni tự tại vương Bồ-tát, lập nên Như lai giới, bồ-đề, công đức của Như lai (Tathāgata-guṇa), nghiệp của Như lai (Tathāgata-karman ). Rốt cục kinh này nói những điều gì? Trong phẩm Đà-la-ni tự tại vương Bồ-tát, đầu tiên nói về các hạnh to lớn của Bồ-tát: 4 thứ anh lạc dùng để trang nghiêm của Bồ-tát, 8 thứ ánh sáng của Bồ-tát, 16 đại bi của Bồ-tát, 32 thiện nghiệp của Bồ-tát. Tiếp theo nói về quả đức của Như lai: 16 đại bi của Như lai, 32 thiện nghiệp của Như lai – 10 lực, 4 vô sở úy, 18 pháp bất công của Phật. Lấy sự không ngừng thọ ký cho Bồ-tát làm nghiệp chân thật của Như lai. Thứ đến hàng phục ma; thuyết 8 loại đà-la-ni; đà-la-ni tên là cây đuốc báu. Bộ phận này của kinh Đại tập được xem là thuyết Như lai tạng, có thể nói đó là phương tiện của các Luận sư. Kinh trên nói: ‘không làm dứt chủng tánh Tam bảo’, dựa vào nó để lập nên tánh Tam bảo. Kỳ thật, câu nói ‘không làm dứt chủng tánh Tam bảo’ là lời được nhiều loại kinh Đại thừa đã nói; mà trong phẩm Tự đề cập đến Phật, chúng Bồ-tát, pháp môn được nói trong ấy cũng là rất phổ biến. Nói hạnh Bồ-tát cùng với công đức của Phật, cũng không thể nói chúng cùng với Như lai tạng có liên quan gì. Có gần giống một ít là 16 đại bi của Như lai đã được nói đến ấy. Như lai khởi đại bi vì chúng sanh, là do vì sự không biết được bồ-đề của chúng sanh. Kinh trên nói: bồ-đề là ‘không có căn, không có trụ,’ ‘thanh tịnh vắng lặng,’ ‘tánh của tâm vốn thanh tịnh,’ ‘không thủ không xả’, ‘không có tưởng, không có duyên [vào cảnh…],’ ‘chẳng phải thuộc vào ba đời,’ ‘không có thân, là vô vi,’ ‘không có phân biệt, không có cú nghĩa,’ ‘không thể dùng thân để đắc, không thể dùng tâm để đắc,’ ‘không có chấp thủ, không có duyên [vào cảnh…],’ ‘gọi nó là không,’ ‘đồng với hư không,’ ‘gọi là chân thật cú,’ ‘chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài,’ ‘vô lậu, không có chấp thủ,’ ‘thanh tịnh, vắng lặng, sáng chói, không có tranh giành’. Như kinh Đại phương đẳng Đại tập(II) nói: “Vô thượng bồ-đề do Như lai đắc được là không có căn, không có trụ. Căn, gọi là kiến chấp về ngã; trụ, gọi là bốn điên đảo. …Tất cả chúng sanh thảy đều không có, không có căn, không có trụ. Vì muốn cho chúng sanh biết không có căn, không có trụ nên khởi tâm đại bi, Như lai đối với những chúng sanh này, muốn khiến cho chúng biết điều ấy nên diễn thuyết chánh pháp.” (15 đại bi còn lại, thể lệ giống nhau) Theo phẩm Đà-la-ni tự tại vương, có thể nói bổn lai của chúng sanh chính là giống với bồ-đề. Bồ-đề không có căn, không có trụ; chúng sanh cũng không có căn, không có trụ, dù chúng sanh không biết điều ấy, vì vậy Như lai khởi tâm đại bi nhằm để thuyết pháp cho chúng sanh. Điều này cùng với lời cảm thán của kinh Hoa nghiêm: “Kỳ lạ thay! Kỳ lạ thay! Tại sao ở trong thân chúng sanh có đầy đủ trí huệ của Như lai, mà chúng sanh không thấy, không biết,”(a) là cùng một quan điểm [ý cảnh]. Chúng sanh không biết, không đạt được, Như lai vì điều này nên khởi lên tâm đại bi, có 16 sự. Như ‘gọi nó là không,’ ‘đồng với hư không’ của bồ-đề, là khác với thuyết Như lai tạng, nhưng gần với Bát-nhã, Hoa nghiêm. Từ chỗ nói chi tiết về đức và nghiệp của Như lai trở về sau, có thí dụ về viên ngọc quý, như kinh Đại phương đẳng Đại tập(III) nói: “Này thiện nam tử! Lời do chư Phật thuyết là từ sự quán sát thế giới của chúng sanh và Phật, giải thoát niết-bàn đều là bình đẳng không có sai biệt. Sau khi quán pháp giới đều là nhất vị rồi, Phật chuyển bánh xe của chánh pháp mà không thể chuyển ấy. “Này thiện nam tử! Ví như người thợ biết được chính xác viên ngọc thật, ở trong núi báu tìm được một viên ngọc. Sau khi lấy được rồi, ngâm nước; sau khi lấy ra khỏi nước ngâm, đặt vào trong nước tương giấm, từ trong giấm lấy ra rồi đặt nó vào trong nước sữa đậu; ý chưa thỏa mãn, lại đặt vào trong rượu đắng; sau khi lấy ra khỏi rượu đắng, đặt nó vào trong các loại thuốc; sau khi lấy nó ra khỏi thuốc, dùng vải thưa lau chùi: đó gọi là viên ngọc lưu ly màu xanh chân thật. “Này thiện nam tử! Như lai cũng vậy. Vì biết chúng sanh giới không trong sáng, không thanh tịnh, nên nói vô thường, khổ và lấy sự bất tịnh, nhằm phá bỏ tâm tham muốn sanh tử của chúng sanh. Như lai tinh tấn không có dừng nghỉ, lại diễn thuyết về không, vô tướng, (vô) nguyện, nhằm khiến [chúng sanh] hiểu rõ chánh pháp của Phật. Như lai vẫn tinh tấn không dừng nghỉ, lại vì thuyết pháp, khiến chúng không thoái tâm bồ-đề, biết pháp thuộc ba đời, thành tựu đạo bồ-đề.” Đầu tiên, trong kinh nêu lên ‘pháp giới là một vị’ của chúng sanh, thế giới, giải thoát, niết-bàn – sự bình đẳng nhất như của phàm-Thánh, y (báo)-chánh (báo), được xem là ý nghĩa tột cùng của Phật pháp, về sau trình bày thứ tự thuyết pháp của đức Như lai. Viên ngọc quý mà tìm được từ trong quặng ấy như ‘chúng sanh giới không trong sáng, không thanh tịnh;’ trải qua sự tu tập sửa đổi theo Phật pháp, thành tựu đạo bồ-đề, nhập vào cảnh giới của Phật, chính là viên ngọc quý trong sáng thanh tịnh, là sự thanh tịnh do lìa các cáu bẩn của chúng sanh giới. Thí dụ viên ngọc quý màu xanh ấy, không phải theo tâm bồ-đề để nói, mà là trực tiếp từ chúng sanh giới để nói, đến khi thành tựu được đạo bồ-đề, nhập vào cảnh giới của Như lai, thì hoàn toàn giống với thuyết Như lai tạng. Về việc thuyết pháp của đức Như lai, chia làm ba giai đoạn: đầu tiên thuyết về vô thường, khổ, vô ngã, là pháp Thanh văn (xem luận Bảo tánh trích dẫn); thứ đến thuyết về không, vô tướng, vô nguyện, khiến (Bồ-tát) hiểu rõ được ít phần chánh pháp; cuối cùng thuyết pháp luân không thối chuyển, khiến cho đắc được ba sự thanh tịnh, chứng nhập chánh pháp. Thứ tự này, cùng với ba thời giáo mà phẩm Vô tự tánh tướng của kinh Giải thâm mật8 đã nói, tuy về tổng quát có chỗ bất đồng, nhưng từ chỗ nói tất cả pháp đều là không, vô tướng, vô nguyện trở lên, thì có giáo pháp sâu hơn một tầng, về đại thể là nhất trí. Đây cũng là một loại hình của ba thời giáo. Từ dụ về viên lưu ly màu xanh, có thể thấy ra rằng sự biên tập của phẩm Đà-la-ni tự tại vương Bồ-tát là sau khi pháp môn Bát-nhã được thịnh hành.  Trong đoạn kinh văn vị hộ pháp hàng phục, có bộ phận tượng trưng cho pháp môn Như lai tạng, như kinh Đại phương đẳng Đại tập(IV) nói: “Sau khi nghe lời ấy rồi, Ma vương y theo lời dạy mà quán đúng như sự thật, thấy trong rốn của vị ấy có một thế giới tên là Thủy vương quang, có đức Phật Thế tôn hiệu là Bảo ưu-bát-la (Ratnotpala). Trong thế giới ấy có núi báu lớn, Như lai ở trong ấy, ngồi kiết già, tuyên thuyết chánh pháp cho các Bồ-tát.” Bồ-tát Chư pháp thần thông vương tự nói ‘thân này của tôi thường trụ không biến đổi,’ thấy trong rốn của vị ấy có thế giới cùng với Phật. ‘Bảo ưu-bát-la’, bản dịch đời Tấn gọi là ‘lạc liên hoa thủ’. ‘Có núi báu lớn’, bản dịch đời Tấn nói là ‘lại có hoa sen tên bảo trang nghiêm,’9 đây là chỗ ngồi của Phật và Bồ-tát. Có liên quan đến thần thoại của Ấn độ, tượng trưng trong thân của Chư pháp thần thông vương, có (trong hoa sen có Phật) vật báu – Như lai tạng. Phẩm Đà-la-ni tự tại vương tuy không có danh từ Như lai tạng nhưng nói đến bồ-đề, công đức, chúng sanh giới và thí trong thân có vật báu, cho nên nhận được sự xem trọng của người làm ra luận Bảo tánh.

4.      Kinh Như lai tạng

Kế thừa phẩm Như lai tánh khởi của Hoa nghiêm, lấy Như lai tạng (tathāgata-garbha) làm chủ đề, mà xuất hiện trong giới Phật giáo Đại thừa, là kinh Như lai tạng. Đây là đối với Phật giáo thời kỳ sau, Thí dụ tập có ảnh hưởng rất sâu xa. Trong Xuất Tam tạng ký tập của Tăng Hựu nói đến thời Tấn Huệ đế (290-306 A.D.), Pháp Cự dịch ra kinh Đại phương đẳng Như lai tạng; Cựu lục gọi là kinh Phật tạng phương đẳng.1 Sự truyền đến Trung quốc của kinh Như lai tạng, cùng với kinh Như lai hưng hiển, kinh Tiệm bị nhất thiết trí đức thuộc bộ Hoa nghiêm, do Trúc Pháp hộ (Dharmarakṣa) dịch; kinh Đại úy thuộc bộ Đại tập (phẩm Đà-la-ni tự tại vương Bồ-tát và cựu dịch của phẩm Tự), v.v., là cùng thời. Có thể thấy, sự biên tập ra kinh Như lai tạng, phỏng đoán là cùng đồng thời với vài bộ kinh này, khả năng trễ hơn ít nhiều, thành lập vào trước năm 250 A.D. Bản kinh mà do Pháp Cự dịch, đã bị mất, hiện nay còn có kinh Đại phương đẳng Như lai tạng của Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra) dịch vào đời Đông Tấn, kinh Đại phương đẳng Như lai tạng của Bất Không (Amoghavajra) dịch vào đời Đường. Truyền thuyết nói kinh này là do đức Như lai thuyết sau khi thành đạo 10 năm, chứng tỏ so với Hoa nghiêm do Phật thuyết lúc thành đạo phải trễ hơn nhiều vậy! Mở đầu của kinh văn, Phật liền hiện thần biến, đã tượng trưng cho pháp môn này, như kinh Đại phương đẳng Như lai tạng(I) nói: “Đức Thế tôn ở trên lầu chiên đàn, ngồi thẳng, ở trong định mà hiện ra các thần biến: hoa sen có ngàn cánh, lớn như bánh xe, số của nó nhiều vô lượng, sắc và hương đều đầy đủ mà chưa nở ra, bên trong tất cả hoa ấy đều có vị hóa Phật. …Mỗi mỗi hoa sen đều phóng ra vô lượng ánh sáng, tất cả hoa sen đồng thời tươi tốt. Do thần lực của Phật, trong khoảng khoảnh khắc, tất cả hoa ấy đều biến ra héo úa. Ở bên trong các hoa ấy, tất cả hóa Phật đang ngồi kiết già, mỗi vị phóng ra vô số trăm nghìn ánh sáng. …Thấy trăm ngàn ức vị Phật, ngồi ở bên trong của các hoa sen kia.” Vô số hoa sen mà do thần biến hiện ra ấy, trong hoa đều có vị hóa Phật. Hoa nở rồi, lại tàn tạ, tất cả vị Phật ấy đều xuất hiện rõ ra, ngồi ở trên hoa sen. Sự kiện này cùng tương đồng với ‘hoa tạng’ của kinh Hoa nghiêm, ‘hoa tạng’ trong bản dịch đời Đường, gọi là ‘thai hoa’, chính là trước khi hoa sen nở, ở bên trong hoa đã có quả sen rồi. Ý nghĩa mà loại thần biến này biểu trưng chính là trong thân của chúng sanh có Phật, trải qua sự tu trì nên hiện rõ ra. Nhằm khai thị ý nghĩa của loại thần biến này, nêu lên 9 thí dụ: 1, hoa héo có Phật; 2, đàn ong vây quanh hút mật; 3, trong vỏ thóc có hạt gạo; 4, chỗ dơ bẩn có vàng thật; 5, người nghèo có kho báu; 6, trong vỏ có quả; 7, bên trong vật che đậy có bức tượng bằng vàng; 8, người phụ nữ bần tiện mang thai Luân vương; 9, bên trong cái khuôn đúc có bức tượng bằng vàng. Trong chín loại thí dụ này, hoa héo có Phật là Như lai ở trong ‘hoa tạng’, cũng chính gọi là dụ căn bản của ‘Như lai tạng’. Ngoài ra, người phụ nữ bần tiện mang thai Luân vương, rút ra từ kinh Bảo tích.2 Dụ vàng và dụ vật báu của kinh Thập địa, kinh này tổng cộng có 4 dụ: chỗ dơ bẩn có vàng thật, người nghèo có kho báu, bên trong vật che đậy có bức tượng bằng vàng, bên trong cái khuôn đúc có bức tượng bằng vàng, đều chỉ là biểu thị Như lai vốn có sẵn, nhưng không có ý nghĩa tôi luyện mà kinh Thập địa đã nói. Các dụ ong mật, hạt gạo, quả, là các tỉ dụ chỉ riêng kinh này có. Chín loại thí dụ này, các Luận sư đời sau – chủ của luận Bảo tánh, giải thích là Như lai tạng bị chín thứ phiền não làm ô nhiễm, nhưng ý nghĩa chung của 9 dụ này là trong thân phiền não của chúng sanh có Như lai thanh tịnh. Rốt cục Như lai (thai) tạng ở trong thân của chúng sanh là như thế nào? Như kinh Đại phương đẳng Như lai tạng(II) nói: “Tất cả chúng sanh dù ở trong các phiền não như tham dục, sân nhuế, nhưng có trí của Như lai, mắt của Như lai, thân của Như lai, ngồi kiết già, nghiễm nhiên bất động. …Có Như lai tạng luôn luôn không bị nhiễm ô, đầy đủ đức tướng giống như Ta không khác.” “Tri kiến, lực, vô sở úy của Như lai, có kho tàng pháp lớn ở bên trong thân.” “Như lai tạng kia mát mẻ không nóng bức, trí huệ lớn nhóm họp, nê-hoàn diệu kỳ, vắng lặng, gọi là Như lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác.” “Phật tạng ở trong thân, đầy đủ các tướng.” Như lai tạng là tri kiến, lực, vô sở úy - trí huệ lớn nhóm họp của Như lai ở bên trong bản thân chúng sanh, cũng chính là niết-bàn diệu kỳ, vắng lặng. Nhưng theo đoạn một nói, Như lai tạng không chỉ là trí của Như lai, mà cũng là thân của Như lai, mắt của Như lai (chúng sanh có đầy đủ), ngồi kiết già, cùng với Phật không có khác gì cả. Chính như kinh Lăng-già dẫn lời của kinh nói: “Tự tánh của Như lai tạng là thanh tịnh, chuyển thành 32 tướng, nhập vào trong thân của tất cả chúng sanh.”3 Như lai tạng như vậy, cùng với tướng hảo trang nghiêm của Như lai giống nhau. Bên trong thân của chúng sanh có Như lai tạng như vậy, nên chả trách trên hội Lăng-già đã nêu ra điều nghi ngờ của những người thông thường: Như lai tạng như vậy không phải chính là thần ngã của ngoại đạo ư? Pháp môn hoa tạng của kinh Hoa nghiêm là trùng trùng vô tận, sự sự vô ngại, biểu hiện ra đức của Phật vĩ đại, trang nghiêm. Đây là điều ngưỡng vọng của Bồ-tát, là lý tưởng để Bồ-tát tiến tu. Lô-xá-na – Tỳ-lô-xá-na (Vairocana) là: “Trong vô lượng kiếp tu các công đức nhiều như biển cả, cúng dường tất cả Phật trong mười phương, giáo hóa vô biên chúng sanh nhiều như biển cả, Phật Lô-xá-na thành Chánh giác.”4 Đức của Phật mà rộng lớn, viên mãn ấy, cần phải từ sự tự lợi và lợi tha trong vô lượng kiếp nhiều như biển, trên mặt tư tưởng Phật giáo, thì vượt hơn nhu cầu tự lợi cấp bách của Thanh văn, có giá trị bất hủ của nó vậy! Đức Phật có công đức viên mãn như thế, tuy nhiều ít thích ứng với Thần giáo của Ấn độ, nhưng ‘trong vô lượng kiếp tu các công đức nhiều như biển cả,’ tuy khâm phục kính ngưỡng tín thọ, mà đắc được sự giác cuối cùng không dễ gì thành tựu được vậy! Pháp môn Như lai tạng kế thừa ‘tất cả chúng sanh cùng có trí huệ và đức tướng của Như lai,’ nhưng thông tục hóa cụ thể hơn, sử dụng một mạch 9 loại thí dụ để nói thí dụ, khiến cho mọi người hiểu được Như lai có thân tướng trang nghiêm, chính ở trong thân của mình, không rời thân mình mà luôn hiện hiện thành thành, nên dễ dàng khuyến khích phát nguyện tinh tấn cầu mong tu trì. Ấn độ Phật giáo sử của Đa-lạp-na-tha (Tāranātha), thuộc Tây Tạng, nói: địa phương Tỳ-thổ-da-na-kiệt-la (Vidyānagara) thuộc Nam Ấn độ, kệ tụng của kinh Như lai tạng, các nữ đồng tử kết hợp với nhau ngâm vịnh ca hát trong đô hội.5 Sự thông tục hóa, đại chúng hóa của Phật giáo, quả thật có lực lượng không thể xem thường của thuyết Như lai tạng vậy!



1 Đại trí độ luận 71, T. 25, tr. 556b. (a) Nivṛttam abhidhātavyaṃ nivṛttaś cittagocaraḥ | anutpannāniruddhā hi nirvāṇam iva dharmatā ||7|| Pháp tánh thì không sanh, không diệt, giống như là niết-bàn – chấm dứt ngôn ngữ, chấm dứt tâm hành. 2 Trung luận 3, T. 30, tr. 24a. 3 Trung luận 4, T. 30, tr. 33b. 4 Đại thừa Chưởng trân luận, q. hạ, T. 30, tr. 274c. (b) Tib:མིང་བཏགས་པའང་གཉིས་ཏེ།སྣང་སྟོང་གཉིས་ཚོགས་དོན་དམ་བདེན་པར་འདོད་པ་སྒྱུ་ མ་རིགས་གྲུབ་ པ་དང་སྣང་ བ་ལ་སྤྲོས་པ་རྣམ་པར་བཅད་པ་ཙམ་དོན་དམ་བདེན་པར་འདོད་པ་རབ་ཏུ་མི་གནས་པར་སྨྲ་ བའོ། Folio 370, Side 1. ‘Cho rằng, trong thắng nghĩa đế, dùng sự kết hợp của cả hai cái là hiện tượng và không, gọi đó là lý lẽ để chứng minh cho sự xem như huyễn; và cho rằng thắng nghĩa đế duy chỉ là sự cắt đứt mọi hí luận đối với cảnh đang hiển hiện, gọi là sự vô sở trụ cùng tột.’ 5 Bồ-đề đạo thứa đệ quảng luận, Pháp Tôn dịch Hán, Hán tạng giáo lý viện san bổn quyển 17, 27. (I) Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh 2, T. 8, tr. 227b-c. (c) Tham khảo: bhagavān āha: yena śāriputra prajñācakṣuṣā samanvāgato bodhisattvo mahāsattvo na kañcid dharmaṃ prajānāti, saṃskṛtaṃ vā asaṃskṛtaṃ vā kuśalaṃ vā akuśalaṃ vā sāvadyaṃ vā anavadyaṃ vā sāsravaṃ vā anāsravaṃ vā saṃkleśaṃ vā niṣkleśaṃ vā laukikaṃ vā lokottaraṃ vā saṃkliṣṭaṃ vā vyavadānaṃ vā, yena prajñācakṣuṣā bodhisattvena mahāsattvena kaścid dharmo na dṛṣṭo na śruto na mato na vijñātaḥ. idaṃ śāriputra bodhisattvasya mahāsattvasya pariśuddhaṃ prajñācakṣuḥ. Pañcaviṃśatisāhasrikā Prajñāpāramitā. (II) Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 404 (phần thứ 2), T. 7, tr. 21c. 6 Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 8 (phần đầu), T. 5, tr. 44c; và q. 404 (phần 2), T. 7, tr. 22c; và q. 481 (phần 3), T. 7, tr. 443b. Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh 2, T. 8, tr. 228a. Phóng quang Bát-nhã ba-la-mật kinh 2, T. 8, tr. 9b. Quang tán Bát-nhã ba-la-mật kinh 2, T. 8, tr. 159b. 7 Phóng quang Bát-nhã ba-la-mật kinh 2, T. 8, tr. 9a. Quang tán Bát-nhã ba-la-mật kinh 2, T. 8, tr. 158c. (III) Đại trí độ luận 39, T. 25, tr. 348a-b. (IV) Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật kinh 6, T. 8, tr. 561c. (d) Đi đến không, nguyên Hán là sắc thú không - 色趣空, Skt. ākāśagatikaṃ rupam, sắc lấy hư không làm nơi trở về, hay sắc cuối cùng cũng trở về với bản chất của nó là không có gì, như hư không vậy. (e) Tham khảo: yā subhūte rūpasya śūnyatā, na sā āgacchati vā gacchati vā / evaṃ vedanāyāḥ saṃjñāyāḥ saṃskārāṇām / yā subhūte vijñānasya śūnyatā, na sā āgacchati vā gacchati vā / evameva subhūte yā sarvadharmāṇāṃ śūnyatā, na sā āgacchati vā gacchati vā / tatkasya hetoḥ? śūnyatāgatikā hi subhūte sarvadharmāḥ / te tāṃ gatiṃ na vyativartante / Aṣṭasāhasrikā prajñāpāramitā. (f) Skt: anāgatikā hi subhūte sarvadharmāḥ / như sđd trên. (V) Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh 115, T. 8, tr. 332c-333c. (VI) Đại trí độ luận 71, T. 25, tr. 560c. 8 Tam-mạn-đà-bạt-đà-la Bồ-tát kinh, T. 14, tr. 666c. (g) Skt: na hi tathatā dvayaprabhāvitā nānātvaprabhāvitā. Vimalakīrti-nirdeśa. (h) Skt: yā ca sarvasatvānāṃ tathatā, yā ca sarvadharmāṇāṃ tathatā, seva maitreyasyāpi tathatā. Vimalakīrtinirdeśa. 9 Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. thượng, T. 14, tr. 542b. (I) Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 35, T. 9, tr. 623c-624a. (a) Bảo tánh luận dẫn đoạn kinh này, nguyên Skt là: Na sa kaścitsattvaḥ sattvanikāye saṃvidyate yatra tathāgatajñānaṃ na sakalamanupraviṣṭam / api tu saṃjñāgrāhatastathāgatajñānaṃ na prajñāyate / saṃjñāgrāha-vigamāt punaḥ sarvajñajñānaṃ svayaṃbhūjñānamasaṅgataḥ prabhavati. tadyathāpi nāma bho jinaputra trisāhasramahāsahasralokadhātu-pramāṇaṃ mahāpustaṃ bhavet / tasmin khalu punarmahāpuste trisāhasramahāsāhasralokadhātuḥ sakalasamāpta ālikhito bhavet / … Tatkhālu punarmahāpustamekasmin paramāṇurajasi prakṣiptaṃ bhavet / yathā caikaparamāṇurajasi tanmahāpustaṃ prakṣiptaṃ bhavet tathānyeṣu sarvaparamāṇurajaḥsu tatpramāṇānyeva mahāpustānyabhyantarapraviṣṭāni bhaveyuḥ / … Evameva bho jinaputra tathāgatajñānamapramāṇajñānaṃ sarvasattvopajīvyajñānaṃ sarvasattvacittasaṃtāneṣu sakalamanupraviṣṭam / sarvāṇi ca tāni sattvacittasaṃtānānyapi tathāgatajñānapramāṇāni / atha ca punaḥ saṃjñāgrāhavinivaddhā (Rgv 24) bālā na jānanti na prajānanti nānubhavanti na sākṣātkurvanti tathāgatajñānam / tatastathāgato 'saṅgeṇa tathāgatajñānena sarvadharmadhātusattvabhavanāni vyavalokyācāryasaṃjñī bhavati / aho bata ime sattvā yathāvat tathāgatajñānaṃ na prajānanti / tathāgatajñānānupraviṣṭāśca / yannvahameṣā sattvānāmāryeṇa mārgopadeśena sarvasaṃjñākṛtabandhanāpanayanaṃ kuryā yathā svayamevāryamārgabalādhānena mahatīṃ saṃjñāgranthiṃ vinivartya tathāgatajñānaṃ pratyabhijānīran / tathāgatasamatāṃ cānuprāpnuyaḥ / te tathāgatamārgopadeśena sarvasaṃjñākṛtabandhanāni vyapanayanti / apanīteṣu ca sarvasaṃjñākṛtabandhaneṣu tat tathāgatajñānama pramāṇaṃ bhavati sarvajagadupajīvyamiti / Ratnagotravibhāgo Mahāyānottaratantraśāstram. 1 Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 36, T. 9, tr. 631a. 2 Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 52, T. 10, tr. 278c. 3 1, Như lai hưng hiển kinh 4, t. 10, tr. 613a. 2, Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 36, T. 9, tr. 629c. 3, Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 52, T. 10, tr. 277b. 4 Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 23, T. 9, tr. 547a; và q. 25, tr. 559c. (II) Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 27, T. 9, tr. 575b. 5 Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 8, T. 10, tr. 39b; và q. 10, tr. 51b. (III) Đại trí độ luận 8, T. 25, tr. 116a. 6 Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. trung, T. 14, tr. 549b. 7 Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao 26, T. 36, tr. 199a. 1 Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 19, T. 10, tr. 102a-b. 2 Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 37, T. 10, tr. 194a. 3 Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. thượng, T. 14, tr. 542b; và q. trung, tr. 548c. (I) Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 8, T. 8, tr. 445a. 4 Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật kinh 1, T. 8, tr. 537b. 5 Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 408 (phần thứ hai), T. 7, tr. 44c. 6 Trang nghiêm bồ-đề tâm kinh, T. 10, tr. 961b-c. Đại phương quảng Bồ-tát thập địa kinh, T. 10, tr. 963b-c. Đại bảo tích kinh 115, Vô tận huệ Bồ-tát hội, T. 11, tr. 648a-b. Hiệp bộ Kim quang minh kinh 3, T. 16, tr. 372c. Tham khảo: Văn-thù sư-lợi vấn bồ-đề kinh, T. 14, tr. 481c; các bản dị dịch đều giống nhau. 7 Trang nghiêm bồ-đề tâm kinh, T. 10, tr. 961b. (II) Đại phương đẳng Đại tập kinh 2, T. 13, tr. 11b-13b. (a) Skt: aho bata ime sattvā yathāvat tathāgatajñānaṃ na prajānanti | tathāgata jñānānupraviṣṭāś ca. Ratnagotravibhāgo mahāyān-ottaratantra-śāstram. (III) Đại phương đẳng Đại tập kinh 3, T. 13, tr. 21c. 8 Giải thâm mật kinh 2, T. 16, tr. 697a-b.  (IV) Đại phương đẳng Đại tập kinh 4, T. 13, tr. 22b. 9 Đại úy kinh 6, T. 13, tr. 440b-c. 1 Xuất Tam tạng ký tập 2, T. 55, tr. 9c. (I) Đại phương đẳng Như lai tạng kinh, T. 16, tr. 457a-b. 2 Đại Bảo tích kinh 112, Phổ minh Bồ-tát hội, T. 11, tr. 634b-c. (II) Đại phương đẳng Như lai tạng kinh, T. 16, tr. 3 Lăng-già-a-bạt-đà-la bảo kinh 2, T. 16, tr. 489a. 4 Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 2, T. 9, tr. 405c. 5 Đa-lạp-na-tha, Ấn độ Phật giáo sử, Tự bổn Uyển nhã Nhật dịch, quyển 139.