Hòa Thượng Liên Hoa (1763? - 1823) (phái Thiền Lâm Tế, đời thứ 35) hay Thiền Sư Thiệt Thành - Liễu Đạt
Hòa Thượng Liên Hoa hay Thiền Sư Thiệt Thành ¬Liễu Đạt là đệ tử của Ngài Minh Vật - Nhứt Tri ở chùa Kim Cang (Đồng Nai).
Vào giữa thế kỷ thứ 18, trong thời Nguyễn Vương (Nguyễn Phước Ánh) chống với quân Tây Sơn, Hòa Thượng Phật Ý – Linh Nhạc hoằng hóa ở chùa Từ Ân và chùa Khải Tường ở Gia Định (1744 - 1821). Sư Liễu Đạt được cử làm Thủ Tọa chùa Từ Ân và sau được qua trụ trì chùa Khải Tường.
Khoảng năm 1789 – 1802 khi Nguyễn Vương trung hưng ở Gia Định, lo tổ chức lại việc cai trị, cho xây thành Gia Định, Nguyễn Vương và triều thần tạm ngụ tại chùa Từ Ân; Thái Hậu, Vương Phi, Công Chúa… tạm ngụ tại chùa Khải Tường. Năm 1791 Hoàng Tử Nguyễn Phước Đảm (sau này là vua Minh Mạng) đã sanh ra tại chùa Khải Tường.
Hòa Thượng Liễu Đạt thông minh, có tài thuyết pháp và biện luận phật pháp, tướng hảo quang minh; nên được nhiều người kính mộ. Thái hậu, Vương phi và các Công chúa đều tôn phục. Một số công chúa đã thọ giới với Hòa Thượng, trong đó có Thái Trưởng Công Chúa Long Thành.
Sau khi lên ngôi (1802) vua Gia Long cho xây dựng kinh thành Phú Xuân (Huế), sau khi hoàn thành, nội cung được rước về kinh đô. Năm 1805 khi Thái Trưởng công chúa lên đường về Phú Xuân, Hòa Thượng Liễu Đạt có nhờ công chúa lo trùng tu chùa Quốc Ân; vì chùa này do Tổ Sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch xây dựng từ năm 1683 và đã bị tàn phá trong thời gian chiến tranh. Công chúa đã cúng dường 300 quan để tu sửa chùa và mua một số đất cúng cho chùa.
Năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Long thứ 16 (1817) vua cử Hòa Thượng Liễu Đạt ở chùa Khải Tường ra làm Tăng Cang chùa Thiên Mụở kinh đô Huế. Khi làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ, Hòa Thượng Liễu Đạt còn được cử làm pháp sư để thuyết giảng Phật pháp trong nội cung của vua, mỗi tháng thuyết pháp cho Thái Hậu, vương phi, công chúa, cung tần… tám ngày. Vua Minh Mạng phục tài đức của Hòa Thượng Liễu Đạt nên phong danh hiệu là Hòa Thượng Liên Hoa.
Trong thời gian Hòa Thượng Liễu Đạt hoằng hóa ở kinh đô Huế vào khoảng năm 1821, Hòa Thượng Phật Ý
– Linh Nhạc ở chùa Từ Ân Sài Gòn có nói với đệ tử là Thiền Sư Tô Tông – Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm là Hòa Thượng lo cho Sư Liễu Đạt không tránh được mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên, vì Liễu Đạt có tướng hảo, có tài thuyết giảng và khoa ăn nói, lại giảng giải trong nội cung, gần nhiều giới nữ sắc quyền quý.
Ngày 20 tháng 11 năm Tân Tỵ (1821) Đại Lão Hòa Thượng Phật Ý – Linh Nhạc viên tịch ở chùa Từ Ân. Hòa Thượng Liên Hoa không được cho biết tin, có thể trong nội cung giấu tin này để Hòa Thượng không xin về Gia Định, hầu ở lại thuyết pháp trong nội cung. Mãi đến đầu năm 1823, có các quan Đại thần từ Gia Định ra kinh đô Huế dự lễ, Hòa Thượng Liên Hoa mới biết được tin đó, và nhân đó mới có cớ để xin vua cho từ nhiệm ở chùa Thiên Mụ và trong nội cung của vua để về Gia Định. Sau cả tháng, Thiền Sư Liễu Đạt mới được vua cho phép về trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định.
Khi Hòa Thượng Liên Hoa về đến chùa Từ Ân ở Gia Định, chư huynh đệ và chư Tăng đến mừng. Hòa Thượng Viên Quang mới hỏi Hòa Thượng Liên Hoa về sự lo lắng của Đại Lão Hòa Thượng Phật Ý về Hòa Thượng Liên Hoa có đúng không? Hòa Thượng Liên Hoa nghe xong mới xúc động và kể lại rằng: Khi hoằng hóa ở kinh đô Huế, có Hoàng Cô (cô của vua Minh Mạng) là đệ tử của Hòa Thượng, thọ giới Bồ Tát được ban pháp danh là Tế Minh
– Thiên Nhựt có tình cảm luyến ái sâu đậm, muốn ràng buộc duyên tình với Hòa Thượng; nên Hòa Thượng phải tìm cách xin về Gia Định.
Chư huynh đệ nghe qua, than thở cho nghiệp trần duyên quá trớ trêu, ràng buộc chúng sanh gây cản trở trong việc tu hành. Sau đó, Hòa Thượng Liên Hoa vẫn tiếp tục hoằng hóa ở chùa Từ Ân.
Nhưng vào một buổi sáng tháng 10 năm Quý Mùi (1823) Hòa Thượng Liên Hoa đang uống trà, đàm đạo với đồ chúng ở chùa Sắc Tứ Từ Ân, bỗng có tin quan trấn thủ Gia Định cho hay là Hoàng Cô vâng mệnh vua (Minh Mạng) vào Gia Định để cúng dường chùa Sắc Tứ Từ Ân và chùa Quốc Ân Khải Tường, Hoàng Cô đang tạm ngụ tại dinh trong thành Gia Định, một vài hôm nữa, Hoàng Cô sẽ đến lễở hai chùa này và sẽ tạm ngụở chùa Sắc Tứ Từ Ân cho đến ngày Hoàng Cô trở về kinh đô.
Tin bất ngờ này làm cho Hòa Thượng Liên Hoa phải lo âu, dù rằng Hòa Thượng đã đạt được trình độ uyên thâm trong đạo pháp. Hòa Thượng chưa biết phải làm thế nào để tránh sợi dây luyến ái mà Hoàng Cô đang cố tình theo đuổi trói buộc? Không nghĩ được phương cách để đối phó, Hòa Thượng phải vào chùa Giác Lâm ở Phú Thọ để vấn kế Thiền Sư Viên Quang.
Hòa Thượng Liên Hoa định bỏ chùa Sắc Tứ Từ Ân đến ẩn tránh ở chùa khác để lánh mặt Hoàng Cô. Nhưng Hòa Thượng Viên Quang khuyên can, bảo rằng: Nếu Hòa Thượng lánh mặt bất ngờ thì sẽ mang tội với triều đình và làm cho chư Tăng cùng Phật tử xôn xao, nghi ngờ thắc mắc… sẽ gây nhiều dư luận không tốt và có thể gây nhiều biến động rắc rối hơn. Hòa Thượng Viên Quang khuyên Hòa Thượng phải định tâm, cố gắng giữ cho tâm được bình thản và sinh hoạt tự nhiên như mọi ngày, cầu nguyện chư Phật hộ trì, giúp cho sáng suốt để giải quyết công việc hợp tình hợp lý. Hòa Thượng Liên Hoa nghe theo, về chùa Từ Ân chuẩn bị để đón tiếp Hoàng Cô đến lễ bái.
Hôm sau Hoàng Cô và phái đoàn của các quan thuộc Gia Định thành đến chùa Sắc Tứ Từ Ân dâng đại lễ. Sau khi buổi lễ hoàn tất, Hoàng Cô cảm ơn các quan đã tiếp đón và đưa rước. Hoàng Cô bảo là trong thời gian bà ở chùa Từ Ân cho đến ngày hồi kinh chỉ cần để lại chùa các người tuỳ tùng của bà và một vài binh lính theo túc trực mà thôi, các quan cứ về, khỏi phải hầu đãi.
Trong thời gian Hoàng Cô ở chùa, mỗi sáng Hòa Thượng Liên Hoa đều phải tiếp kiến và hầu chuyện với Hoàng Cô. Không biết có sự việc gì khác thường, đặc biệt gì không mà đến sáng sớm ngày thứ ba sau khi Hoàng Cô ở chùa thì Hòa Thượng Liên Hoa đi đâu mất, không có mặt ở chùa để tiếp kiến Hoàng Cô như mọi hôm. Hoàng Cô hỏi, Tăng chúng không biết Hòa Thượng đi đâu. Hoàng Cô hỏi Thị Giả Hòa Thượng là Sa Di Mật Đĩnh, vị này có quen biết với Hoàng Cô, vì vị này đã theo hầu Hòa Thượng trong thời gian Hòa Thượng hoằng hóa tại kinh đô Huế; nhưng Sa Di Mật Đĩnh cũng bảo là không biết. Hoàng Cô bắt Thị Giả Mật Đĩnh phải đưa bà đi đến chùa Giác Lâm để tìm Hòa Thượng; nhưng vẫn không biết tông tích Hòa Thượng ởđâu?
Hoàng Cô trở về chùa Từ Ân, cứ nằm trầm tư, buồn bã, không màng ăn uống… Ba ngày trôi qua sức khỏe của Hoàng Cô sa sút trầm trọng; lại sợ Hoàng Cô quá buồn thảm, có thểđi đến tuyệt vọng chán đời, gây tình trạng nguy hiểm có hại cho chùa; nên Thị Giả Mật Đĩnh đành phải cho Hoàng Cô biết là Hòa Thượng Liên Hoa đã lên chùa Đại Giác ở Cù Lao Phố, tỉnh Biên Hòa để nhập thất hai năm. Sau khi biết tin đó, Hoàng Cô báo cho quan Trấn Gia Định là Hoàng Cô sẽ lên tỉnh Biên Hòa để cúng dường cho chùa Đại Giác.
Hôm sau quan Trấn cử phái đoàn hộ tống đưa Hoàng Cô lên chùa Đại Giác, sau khi được Hòa Thượng trụ trì tiếp đón và dâng lễ, cúng dường cho chùa Đại Giác mấy trăm quan, Hoàng Cô nhờ Thị Giả Mật Đĩnh đưa đến tịnh thất của Hòa Thượng Liên Hoa. Cửa thất đóng kín, Hoàng Cô quỳ trước cửa, lễ ba lễ và thưa rằng: Đệ tử sắp hồi kinh nên đến đây xin Hòa Thượng cho diện kiến lần chót trước khi lên đường. Hòa Thượng vẫn không trả lời. Hoàng Cô đi vòng quanh chùa suy nghĩ kế khác, sau đó Hoàng Cô lại trước cửa thất, quỳ xuống thưa rằng:
Bạch Hòa Thượng! Nếu Hòa Thượng không tiện ra tiếp, xin Hòa Thượng cho con nhìn thấy bàn tay của Hòa Thượng, đệ tử cũng hân hoan mà ra về.
Im lặng trong vài phút… Hòa Thượng trong thất đưa bàn tay ra cửa nhỏ nơi để đưa thức ăn vào thất, Hoàng Cô vội ôm lấy bàn tay hôn nhẹ một cách trìu mến, rồi sụp xuống lạy ba lạy và khóc sướt mướt. Nhưng sau đó, Hoàng Cô cho biết là bà sẽở lại chùa Đại Giác nghỉ vŕi ngŕy.
Đến giữa đêm đó, vào canh ba, trong khi mọi người đang an giấc, bỗng thấy lửa cháy rực ở tịnh thất của Hòa Thượng Liên Hoa, mọi người trong chùa hoảng hốt, cùng nhau chạy đến dập tắt ngọn lửa; nhưng tịnh thất đã cháy rụi, xác thân Hòa Thượng cũng cháy tiêu. Mọi người đang bàn tán xôn xao, có người phát hiện được bài kệ Niết Bàn do Hòa Thượng Liên Hoa viết bằng mực đen trên vách chánh điện:
Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần
Thành không vẩn đục, vẫn trong ngần
Liễu tri mộng huyễn, chơn như huyễn
Đạt đạo minh vui, đạo mấy lần.
Phía dưới có đề: Sa Môn Thiệt Thành - Liễu Đạt
Hay tin Hòa Thượng Liên Hoa, Hòa Thượng của Hoàng Gia, bổn sư của Hoàng Cô và một số người trong Hoàng cung nhà Nguyễn, các quan tỉnh Biên Hoà và các quan thuộc dinh Tổng Trấn ở Gia Định phải báo tin về triều đình và hợp nhau lại tổ chức tang lễ.
Sau khi làm lễ nhập tháp Hòa Thượng Liên Hoa xong, Hoàng Cô rất buồn bã và cho biết rằng bà sẽở lại chùa Đại Giác cho đến ngày khai mộ mới hồi kinh.
Nhưng, ngay ngày hôm sau đó, Hoàng Cô đã uống độc dược tự tử tại hậu liêu chùa Đại Giác ngày mùng hai tháng mười một năm Quý Mùi (1823) thọ 65 tuổi. (Có lẽ Hòa Thượng Liên Hoa lúc đó cũng đã hơn 60 tuổi).
Hòa Thượng Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm, hợp cùng Thiền Sư Tế Chánh - Bổn Giác trụ trì chùa Từ Ân và chư Tăng ở các chùa trong môn phái lo lễ nhập tháp Hòa Thượng Liên Hoa, lại lo lễ an táng Hoàng Cô và thỉnh long vị của Hòa Thượng Liên Hoa và linh vị của Hoàng Cô về thờở chùa Sắc Tứ Từ Ân. Long vị của Hòa Thượng thờở bàn thờ Tổ, linh vị của Hoàng Cô thờở bàn thờ bá tánh.
Nhưng sau đó, chùa Từ Ân bỗng nhiên xảy ra nhiều sự cãi vả, xào xáo trong chùa. Chùa Từ Ân là chùa quan, tức chùa do vua Sắc Tứ và hộ trì mọi việc trong chùa, vốn có nghi lễ nghiêm minh, chư Tăng đều giữ đạo hạnh, cư xử lễ độ, hòa thuận… Thiền Sư trụ trì là Thiền Sư Tế Chánh - Bổn Giác, đệ tử của Hòa Thượng Liên Hoa dàn xếp mãi vẫn không yên, chùa vẫn lủng củng, xáo trộn. Thiền Sư Bổn Giác phải tham khảo ý kiến của Hòa Thượng Viên Quang.
Sau một thời gian thiền quán để tìm nguyên nhân và cách giải quyết những bất ổn của chùa Từ Ân, Hòa Thượng Viên Quang mới nghiệm được là: có thể Hoàng Cô có thần thức luyến ái Hòa Thượng Liên Hoa quá mạnh và muốn được gần gũi Hòa Thượng; nên gây ra xáo trộn ở chùa để đòi yêu sách.
Vì vậy Hòa Thượng Viên Quang mới đề nghị với Thiền Sư Bổn Giác cho đưa linh vị của Hoàng Cô thờ chung với long vị của Hòa Thượng Liên Hoa ở bàn thờ Tổ. Quả nhiên, sau khi làm như thế, trong chùa Từ Ân trở lại bình thường. Không còn xáo trộn như trước nữa. Vì vậy, cho đến ngày nay, ở chùa Từ Ân, trên bàn thờ Tổ, bên cạnh long vị của Hòa Thượng Liên Hoa có linh vị của Hoàng Cô thờ kế cận và bên trên có ghi: “Thích môn hộ giáo, Hoàng Cô, thọ Bồ Tát giới, pháp danh Tế Minh, tự Thiên Nhựt chi vị”.
Hòa Thượng Liên Hoa hay Thiền Sư Thiệt Thành ¬Liễu Đạt có các đệ tử nổi danh như:
− Thiền Sư Tế Chánh - Bổn Giác; sau làm Tăng Cang và trụ trì chùa Linh Mụ Huế (1823 - 1825) và sau đó trụ trì chùa Linh Mụ lần thứ hai từ năm 1833 đến năm 1841. Đồng thời Ngài cũng làm Tăng Cang chùa Quốc Ân và chùa Từ Ân.
− Thiền Sư Tế Bổn – Viên Thường (1769 - 1848) trụ trì chùa Long Quang và chùa Pháp Vân ở Thừa Thiên Huế, sau đó làm Tăng Cang và trụ trì chùa Thiên Mụ từ năm 1841 đến năm 1847.
− Thiền Sư Tế Tín – Chánh Trực trụ trì và trùng tu chùa Sắc Tứ Từ Ân và chùa Quốc Ân Khải Tường.
− Thiền Sư Tế Triệt – Giác Nguyên khai sơn chùa Tân Long ở Cao Lãnh.
Như vậy Hòa Thượng Liên Hoa sau khi nhận chức Tăng Cang và trụ trì chùa Thiên Mụ từ năm 1817 đến năm 1823, sau đó 2 vị đệ tử xuất sắc của Ngài cũng đã trụ trì chùa Thiên Mụ quốc tự cả thảy 3 lần, từ năm 1823 đến năm 1847. (Trích: Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức từ trang 231 đến trang 235 và quyển “Thiền Sư Việt Nam” của Hòa Thượng Thích Thanh Từ).
Cuối trang sách có chụp hình long vị và linh vị của Hòa Thượng Liên Hoa và Hoàng Cô và có thêm phần ghi chú như sau:
Long vị Hòa Thượng Liên Hoa (Thiệt Thành - Liễu Đạt) và Hoàng Cô (Tế Minh – Thiên Nhựt) trên bàn thờ Tổ chùa Từ Ân.