Mãi đến đầu năm 1823 có các quan Đại Thần từ Gia Định ra kinh đô Huế dự lễ, Hòa Thượng Liên Hoa mới biết được tin Hòa Thượng Linh Nhạc - Phật Ý vị y chỉ sư của mình đã viên tịch vào ngày 20 tháng 11 năm Tân Tỵ (1821). Nghĩa là sắp đến ngày lễ Đại Tường của Thầy mình rồi. Đây là lý do chính đáng để Hòa Thượng Liên Hoa xin Vua Minh Mạng trở về lại chùa xưa. Khi nghe tin Thầy mình viên tịch, Hòa Thượng Liên Hoa không phải buồn nhiều. Vì Ngài hay giảng về vô thường cho cung nhân nghe, cũng nhưđã biết rằng Ngài đã lớn tuổi, thì sự ra đi về cõi Phật vẫn là chuyện bình thường. Ngược lại Hòa Thượng Liên Hoa vui hơn, vì có thể tránh xa được Hoàng Cung; nơi có mối tình trong thời kỳ âm ỉ với Hoàng Cô.
Ngày lên đường rời khỏi Kinh Đô Huế là ngày vui nhất của Liên Hoa Hòa Thượng. Trước đó Ngài từ giã Tăng Chúng chùa Linh Mụ. Sau đó ghé qua chùa Quốc Ân để đảnh lễ Ngài TổẤn - Mật Hoằng. Lúc Ngài Mật Hoằng về trụ trì chùa Quốc Ân năm 1817 thì Ngài đã 82 tuổi rồi và bây giờ sau 6 năm ở tại đây; nhưng trông pháp thể của Ngài vẫn mạnh khỏe, da dẻ hồng hào, tươi nhuận. Khi thấy Hòa Thượng Liên Hoa đến chùa Quốc Ân, Hòa Thượng TổẤn -Mật Hoằng mời Ngài vào Phương Trượng đường để dùng trà và sau đó có mấy lời đàm đạo như sau:
Kính bạch Hòa Thượng. Hôm nay con đến đây để đảnh lễ Ngài và xin phép Ngài được trở lại chùa Từ Ân để cư tang cho Hòa Thượng y chỉ của mình và con xin niệm ân Hòa Thượng đã chở che cũng như giúp đỡ cho Tăng Chúng của chùa Linh Mụ trong thời gian con trụ trì tại đó.
-Việc ấy chỉ là việc bình thường của một Tăng sĩ thôi. Nhưng hôm nay Lão Tăng nầy muốn hỏi Ngài là chắc Ngài vui lắm khi được trở lại chùa xưa.
-A Di Đà Phật! Đúng vậy. Vì xa chùa, xa Thầy và bạn đồng tu đã lâu, nay muốn trở lại chốn cũ để cư tang ...
-Chứ không phải để chạy trốn một mối tình vương giả?
- Té ra Hòa Thượng cũng đã biết?
-Việc nầy trong nội cung xưa nay đã xầm xì và có nhiều việc bàn tán; nhưng Lão Tăng nầy nghĩ rằng: Ngài là một vị Thầy giới luật trang nghiêm, đâu phải sợ những chuyện thi phi, nhơn ngãi. Nay Lão Tăng đã gần 90 tuổi rồi. Qua kinh nghiệm tu hành của bản thân, Lão Tăng chỉ xin nhắc Ngài một điều nên để ý. Đó là sự ham muốn của con người. Hỏi bao giờ đủ thì chẳng ai biết là bao giờ. Có khi đến chết cũng chưa gọi là đủ. Chỉ con người nào biết dừng, ấy là đủ. Ví dụ như Ngài biết dừng chức Trụ Trì chùa Linh Mụ trong năm 1823 nầy là đủ. Đó là người biết nhìn xa, hiểu rộng. Còn tình yêu, nó là chuyện xưa như quả đất. Vì lẽ khi có con người trên quả đất nầy là đã có chuyện yêu đương rồi. Muôn vật, các chúng sanh khác cũng đều như thế. Chỉ có con người khác những loài vật là mình tự biết làm chủ mình. Sự làm chủ tình yêu nó cũng giống như một lỗ trôn kim và một sợi chỉ vậy. Nếu cây kim nó xoay tròn, thì sợi chỉ không thể xỏ qua lỗ trôn kia được. Trừ phi cây kim để yên một chỗ. Có nghĩa là có sự đồng thuận rồi, thì sợi chỉ mới xỏ qua được. Nếu Ngài để ý đến lời nói của Lão Tăng nầy thì hãy nên thận trọng. Vì tuổi gần 60 như Ngài cũng chẳng phải là già. Vả lại danh vọng, tiếng tăm, sắc tướng v.v... là những điều giả hợp chứ không phải là thật tướng đâu. Ngài hãy nên bảo trọng. Lão Tăng nầy xa chùa Đại Giác từ năm 1804 đến nay cũng đã gần 20 năm rồi. Biết bao vật đổi sao dời; nhưng ởđó có bực long tượng của Thiền Gia như Ngài Linh Nhạc - Phật Ý và Ngài Viên Quang trụ trì Tổđình Giác Lâm; nên Lão Tăng nầy rất an tâm để lưu lại chốn kinh kỳ nầy; chờ cho đến ngày thác hóa.
-Mấy lời giáo hóa của Hòa Thượng đã làm cho con tỉnh giác. Thật ra kể từ khi đi xuất gia đến nay, con đã học kinh, luật, luận rất nhiều. Trong kinh, sách cũng đã chỉ bày tỉ mỉ; nhưng những kinh nghiệm cá nhân của Ngài là một bài học đáng giá cho đời của con. Biết rằng sắc dục là điều tai hại nhất; nên con đã cố tránh và con chỉ nghe theo lời dạy của Đức Phật đối với Ngài A Nan mà thôi. Mặc dầu Ngài A Nan đã giúp cho nữ giới rất nhiều; nhưng cuối cùng Ngài vẫn bị Ma Đăng Già ám hại. Khi Ngài A Nan hỏi lại Đức Phật rằng: Vậy đối với nữ giới con phải làm sao? Đức Phật bảo: Tốt nhất là nên đứng xa và không nên thân cận, gần gũi nhiều. Dĩ nhiên đàn bà không phải là ai cũng xấu hết; nhưng tiếp tục con đường ái ân là tiếp tục sự sanh tử luân hồi. Nên con đã cố tránh.
-Điều ấy hẳn quý. Trước khi Ngài về lại Gia Định, Lão Tăng nầy có câu chuyện kể hầu Ngài:
“Một hôm có một vị Tăng sĩ trẻđi qua đò. Trên đò có rất nhiều người sang sông và lái đò là một người con gái rất đẹp. Khi qua bên kia bờ sông rồi, mọi người xuống thuyền và lấy ra 2 cắc để trả tiền lệ phí sang sông. Riêng vị Tăng sĩ trẻ nầy cô ta đòi phải trả gấp đôi. Nghĩa là 4 cắc. Vị Tăng sĩ cãi lại rằng:
- Tôi cũng giống như mọi người, đâu có nặng hơn những người khác mà phải trả gấp đôi? Vả lại tôi ăn chay mà.
-Bởi vì qua đò Thầy chỉ nhìn chăm chăm tôi, nên phải thêm 2 cắc nữa.
Khi nghe như vậy vị Tăng trẻ không cãi lại mà móc ví trả 4 cắc rồi lên bờ.
Chuyến trở về vị Tăng nầy nghĩ rằng: lần nầy khi trở lại đò nầy, ta quyết nhắm mắt lại để khỏi phải nhìn cô lái đò nầy nữa.
Quảđúng như vậy, suốt chuyến đò ngang, vị sư nầy nhắm nghiền mắt lại; nhưng trước khi trả tiền đò cô gái đòi Thầy ấy trả 8 cắc. Cá nhân Thầy dĩ nhiên càng thắc mắc nhiều hơn lúc qua đây, mà mọi người ngồi chung quanh lại còn có cơ hội để cười tủm tỉm nữa. Đoạn Thầy ấy hỏi cô lái đò rằng:
-Chuyến đò lúc đưa qua sông, cô bảo tôi nhìn cô nên tôi phải trả gấp đôi những người khác, vì tôi nhìn lén sắc đẹp của cô. Còn lúc về, tôi đâu có nhìn cô nữa, như cô thấy đó, tôi nhắm nghiền cả hai mắt mà, lẽ ra cô phải bớt cho tôi nữa đấy chứ?
-Khi về lại đò nầy. Tuy mắt Thầy nhắm lại; nhưng tâm Thầy vẫn liên tưởng đến người lái đò nầy. Nên xin cảm phiền Thầy trả gấp đôi lần trứơc để được xuống thuyền.
- Thầy ngẩn ngơ…
-Đây chỉ là một câu chuyện trong muôn ngàn câu chuyện khác thôi. Vấn đề là phải dừng lại ở tâm; chứ không phải dừng lại ở nơi nào khác. Lão Tăng nầy chỉ mong rằng những ngày ở chùa Từ Ân. Thầy sẽ được cỡi trói cho mọi oan nghiệt của cuộc đời”.
Con tạ ân Hòa Thượng và con xin đảnh lễ tam bái.
Khi Hòa Thượng Liên Hoa về đến chùa Từ Ân thì Tăng Chúng khắp các chùa ghé đến thăm Hòa Thượng rất nhiều và Hòa Thượng Viên Quang nhắc lại chuyện xưa của gần 7 năm vế trước, khi Hòa Thương Linh Nhạc
-Phật Ý còn tại thế và hỏi rằng sự lo lắng của Cố Hòa Thượng Phật Ý có đúng không, thì Hòa Thượng Liên Hoa xúc động kể rằng: Khi hoằng hóa ở Kinh Đô Huế, có Hoàng Cô (cô của vua Minh Mạng) là đệ tử của Hòa Thượng, thọ Bồ Tát giới, được ban pháp danh là Tế Minh
– Thiên Nhựt có tình cảm luyến ái sâu đậm, muốn ràng buộc tình duyên với Hòa Thượng; nên Hòa Thượng phải tìm cách trở về lại Gia Định.
Mọi người cười xòa và lớp Tăng trẻ xúm lại gần Hòa Thượng hơn và mong được nghe câu chuyện tình cảm của Ngài; nhưng Hòa Thượng Viên Quang gạt ra và bảo rằng Hòa Thượng Liên Hoa đường xa vạn dặm mới về lại chùa xưa, hãy để Ngài ấy nghỉ. Đám Tăng trẻ cụt hứng; nhưng muốn có một ngày để được nghe những chuyện lạ lùng nơi Kinh Đô xưa Huế.
Vừa đi dạo chung quanh vườn chùa Hòa Thượng Liên Hoa đọc khe khẽ bài thơ Nhớ Chùa của Thi sĩ Huyền Không, như sau:
Từ thuở ra đi vắng bóng chùa Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua Trong tôi bừng dậy niềm chua xót Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa
Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng Có con đường đỏ chạy thênh thang Có hàng tre gợi hồn sông núi Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng
Có những cây mai sống trọn đời Bên hàng tùng cúc mãi xanh tươi Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa Đức Phật từ bi miệng mỉm cười
Mỗi tối dân quê đón gió lành Khắp chùa dìu dặt ánh trăng thanh Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi Yên ổn dân làng mọi mái tranh
Trầm đốt hương xông thơm ngạt ngào Thôn trên xóm dưới dạ nao nao Dân làng tắm gội lên chùa lễ Mười bốn ba mươi mỗi tối nào
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều Lời kinh vằng vặc giọng cao siêu Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi Cầu nguyện dân làng sống ấm yên
Vì vậy làng tôi sống thái bình Sớm hôm tiếng mỏ với chuông linh Sắn khoai gạo bắp nuôi dân chúng Xây dựng tương lai xứ sở mình
Biết đến bao giờ trở lại quê Bâng khuâng lòng gởi nhớ nhung về Tang thương dầu có bao nhiêu nữa Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê
Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung Mái chùa che chở hồn Dân Tộc Nếp sống muôn đời của Tổ Tông.
Vừa đọc xong 4 câu thơ đầu, Hòa Thượng Liên Hoa cảm thấy thấm thía lạ lùng. Tuy chùa Từ Ân và chùa Khải Tường nầy không to lớn khang trang như chùa Linh Mụ và Quốc Ân; nhưng sao nó đã gợi nhớ, gợi thương rất nhiều, khi vềđêm ở chốn Đế Kinh. Đúng là danh vọng và công hầu, khanh tướng trong bao đời nay, đã là chuyện hơn thua của sự thế. Ta đã lao vào chốn tử sinh ấy và nay ta đã được sống lại với một người tu chân thật của ta. Ơn nghĩa ấy, hạnh phúc ấy đâu có gì sánh bằng. Những mái chùa nầy không những đã che chở cho ta mà che chở cho cả Hoàng Gia và Dân Tộc trong khi sơn hà nguy biến.
Nhưng vào một buổi sáng tháng 10 năm Quý Mùi (1823) Hòa Thượng Liên Hoa đang uống trà, đàm đạo với đồ chúng của chùa Sắc Tứ Từ Ân, bỗng có tin của quan Trấn Thủ Gia Định cho hay là Hoàng Cô vâng lệnh Vua Minh Mạng vào Gia Định để cúng dường chùa Sắc Tứ Từ Ân và chùa Quốc Ân Khải Tường. Hòa Thượng Liên Hoa đang tươi cười, bỗng dưng Ngài dịu nét xuống để tiếp Thánh Chỉ và cho tất cả đồ chúng về liêu an nghỉ; hẹn một dịp khác kể tiếp câu chuyện đang bỏ dở.
Chiếu Chỉ
Minh Mạng tứ niên thập nguyệt kiết nhựt (Quý Mùi 1823)
Hòa Thượng Liên Hoa nhã giám,
Từ khi Ngài rời kinh đến nay đã gần 10 tháng rồi. Trẫm ngày đêm thương nhớ, lo toan; không biết Ngài về lại chùa xưa có đầy đủ phương tiện như chùa Linh Mụ quốc tự và nơi chủa Giác Hoàng tại cung nội chăng? Chắc chắn là không rồi. Tuy nhiên Trẫm chẳng an lòng khi để cho Ngài sống thiếu thốn tại chùa xưa. Nên nay có Cô của Trẫm sẽ vào Gia Định nay mai, mang theo mấy trăm quan tiền và tứ vật dụng để cúng dường chùa Sắc Tứ Từ Ân và chùa Khải Tường để trang trải cho những việc cần thiết hằng ngày. Kính mong Ngài doãn nạp.
Riêng Hoàng Cô sẽ tạm nghỉ trong dinh tại Thành Gia Định, rồi một vài hôm nữa sẽ đến lễ hai chùa nầy và sẽ tạm ngụở chùa Sắc Tứ Từ Ân cho đến ngày Hoàng Cô sẽ về lại Kinh Đô.
Khâm thử.
Đọc xong chiếu chỉ của Vua Minh Mạng, Hòa Thượng Liên Hoa biến sắc, chẳng biết hư thực thế nào. Vì lẽ những gì Ngài muốn lánh mặt, trốn tránh... nay lại hiện về trước mắt, làm cho Ngài khó xử vô cùng. Tuy nhiên Ngài phải họp Tăng Chúng lại và báo tin nầy để dọn dẹp chùa viện cho được khang trang; chẳng may các quan trách cứ và Hoàng Cô không hài lòng thì tội khi quân và tiếp đãi Hoàng Cô không lịch sự, bặt thiệp, quả là điều khó xử vô cùng.
Vị Quản Chúng chùa Từ Ân sau khi nghe Hòa Thượng Liên Hoa dạy việc có Hoàng Cô vào thăm chùa Từ Ân và lưu lại nhiều ngày; nên đã phân công như sau:
-Sa Di Mật Đĩnh, chú là người hầu cận Sư Phụ suốt bao nhiêu năm tại Kinh Đô, chú biết tánh ý của Sư Phụ và nên luôn cận kề bên Sư Phụ, nếu Ngài có cần gì thì chú nên tiếp ứng, hầu Thầy.
. Sa Di Mật Tâm là tri khách của chùa, Sư chú nên tiếp đãi ân cần lịch sự các quan và các vị thượng khách. Sau khi Hoàng Cô lễ Phật xong, hãy mời vào phòng khách để thỉnh Hòa Thượng ra tiếp Người.
. Sa Di Mật Nghiêm lo pha trà, dọn bánh và các việc cần thiết khác trong phòng khách.
- Riêng Sa Di Mật Hạnh thì làm Hương Đăng ở chánh điện phải cẩn thận hơn nữa. Nếu sơ ý sẽ bị cảnh cáo, sau đó là phạt quỳ nhang.
Buổi họp phân chia công tác hôm đó tại chùa Từ Ân tạm ổn; nhưng sáng hôm sau, sau thời công phu tại chánh điện, Sa Di Mật Hạnh xin hỏi Thầy Quản Chúng như sau:
-Bạch Thầy! Hoàng Cô đi chùa lễ Phật thì đó cũng là chuyện bình thường thôi. Tại sao chùa chúng ta phải huy động toàn lực Tăng Chúng để lo nghinh tiếp như vậy?
- Vì Hoàng Cô là người của Triều Đình, em ruột Tiên Đế Gia Long và là cô ruột của đương kim Hoàng Đế Minh Mạng; nên chúng ta phải đón tiếp cho đúng lễ của Triều Đình.
-Nhưng bạch Thầy! Người xuất gia đã cắt ái ly thân; không có đâu là nhà riêng và không thờ Chúa; ngoại trừ thờ Phật. Tại sao chúng ta phải làm vậy?
-Con quên rồi! Vào mỗi sáng mồng một hay rằm, sau khi đi thời công phu khuya Tăng Chúng có lạy Chúc tán thù ân sao? là 4 ân nặng mà người xuất gia phải đền đáp. Đó là:
Ân quốc gia; nơi ta đang sinh sống. Nếu Hoàng Đế không có đức độ để trị vì thì làm sao đất nước nầy yên ổn để ta tu hành.
Ân kế tiếp là ân cha mẹ. Tuy ta đã cắt ái ly gia; nhưng nếu không có cha mẹ sinh ra ta và nuôi dưỡng ta nên người, thì làm sao ta có thể xuất gia tu học được.
Ân thứ ba là ân Thầy Tổ. Đặc biệt là những vịđã thế phác cho ta đi tu.
Ân thứ tư là ân chúng sanh, đàn na tín thí. Nếu không có họ, thì ai nuôi sống chùa nầy.
Từ 4 điều căn bản bên trên mà người xuất gia không được phép quên. Vả lại có nhiều chùa đặt tên còn nêu rõ ý hướng báo đền ơn Thánh Thượng nữa. Ví dụ như chùa Chúc Thánh ở Hội An, do Ngài Minh Hải Tổ Sư khai sơn từ năm 1697 đến nay cũng đã hơn 100 năm rồi. Chúc có nghĩa là chúc mừng, chúc tụng, ca ngợi. Thánh ởđây có nghĩa là Thánh Thượng, Đức Vua. Tông phái nầy phát triển rất mạnh từđó đến nay. Do vậy chúng ta nên trân quý những gì chúng ta đang có.
-Bạch Thầy! Con không cãi lời Thầy; nhưng sao con thấy nó thế gian tính quá !
-Con đừng lầm. Vì Phật Pháp bất ly thế gian pháp mà con. Nghĩa là sự giác ngộ về Phật Pháp, không thể có ngoài thế gian nầy mà được.
-Do vậy cho nên Hòa Thượng Tăng Cang mới trở lại chùa xưa chăng?
-Ấy là một việc khác. Nhưng thôi! Con hãy lo dọn dẹp quét tước bàn thờ, bàn hương áng cho thật kỹ để khi Hoàng Cô đến, người sẽ hài lòng.
-Mô Phật! Con xin vâng.
Tuy là vậy; nhưng trong lòng Sư chú Mật Hạnh chẳng bằng lòng về việc tiếp đón Hoàng Cô một cách trịnh trọng, bệ vệ như thế. Chú làm mà chú chẳng vui. Vì lẽ việc làm của chú, chỉ là bổn phận mà thôi.
Riêng Hòa Thượng Liên Hoa chẳng vui chút nào, Ngài lo âu rõ ràng; nét lo âu ấy hiện ra nơi cử chỉ và hành động khi khuyên dạy chúng; mặc dầu Ngài đã chứng được chỗ uyên thâm của Phật đạo. Hòa Thượng chẳng biết phải làm thế nào để tránh sợi dây luyến ái mà Hoàng Cô đang cố tình theo đuổi trói buộc?
Không nghĩ được phương cách nào để đối phó; cho nên Hòa Thượng phải vào chùa Giác Lâm ở Phú Thọ để vấn kế của Thiền Sư Viên Quang. Khi gặp Hòa Thượng Liên Hoa, Thiền Sư Viên Quang tươi cười hỏi:
-Sư Huynh Tăng Cang hôm nay có nhân duyên gì mà đến sớm nơi đây vậy?
-Chuyện chẳng đặng đừng.
- Xin Sư Huynh cứ thổ lộ cho.
- Nguyên là bần Tăng nầy muốn cắt đứt sợi dây liên lạc với Hoàng Cô ở triều đình. Sẵn dịp nghe tin Sư Phụ Y Chỉ viên tịch, bần Tăng nầy đã xin phép Thái Hoàng Thái Hậu và Hoàng Đế đương triều để vềđây lo cư tang cho Sư Phụ; nhưng không ngờ nay Hoàng Cô lại lấy lịnh của Vua Minh Mạng để vào đây, lấy cớđi thăm viếng, cúng dường chùa Từ Ân và Khải Tường, để cố gần gũi bần Tăng, Không biết là bần Tăng có nên ẩn tránh ở chùa khác để lánh mặt Hoàng Cô chăng?
-Nếu Hoà Thượng Sư Huynh lánh mặt bất ngờ thì sẽ mang tội với Triều Đình và làm cho chư Tăng cùng Phật Tử xôn xao, nghi ngờ thắc mắc... sẽ gây nhiều dư luận không tốt và có thể gây nhiều biến động rắc rối hơn...
Ngài nên định tâm lại, hãy cố gắng giữ cho tâm thật bình thản và sinh hoạt tự nhiên như mọi ngày, cầu nguyện chư Phật hộ trì, giúp cho sáng suốt để giải quyết công việc hợp tình hợp lý.
-Nhưng mà thế nào là hợp lý?
-Điều ấy chỉ có Sư Huynh biết, chứ làm sao ai biết được. Nhưng điều quan trọng là Sư Huynh nên cầu nguyện lực của Tam bảo gia hộ thì chắc rằng tâm của Sư Huynh sẽ yên hơn.
Sau khi nghe những lời khuyên hợp lý của Hòa Thượng Viên Quang Trụ Trì chùa Giác Lâm rồi, Hòa Thượng Liên Hoa về lại chùa Từ Ân để chuẩn bị tiếp đón Hoàng Cô đến chùa lễ bái.
Một hôm Hòa Thượng Liên Hoa vào sâu trong thiền quán, hình như có một sợi dây tâm linh nào đó đã nối kết về lại thời gian quá khứ trong nhiều năm tháng trước khi câu chuyện tuần tự xảy ra như sau:
Nàng là một nữ sinh, con nhà gia giáo, hay làm phuớc bố thí cúng dường chư Tăng. Khi đến tuổi trưởng thành, cha mẹ muốn gả con gái mình cho người giàu có trong làng; nhưng nàng không chịu, lấy cớ là hãy còn nhỏ dại, chưa muốn xây dựng tương lai; nhưng trên thực tế nàng đã có ý thề non hẹn biển cùng chàng.
Chàng là một kẻ sĩ Nho giáo, hiểu rõ đạo Thánh Hiền nhưng cũng đã tin Phật và đã nhiều lần đi cầu nguyện tại các cửa chùa trước khi đi thi và hứa rằng, nếu đỗ đạt sẽ cưới nàng làm vợ; nhưng rủi thay sau khi chàng đỗ đạt, thì nàng vẫn không được sự đồng ý của cha mẹ mình; nên nàng đã cắt tóc đi tu. Thế nhưng mối tình ấy vẫn còn là mối tình đẹp. Vì nàng đã giữ được lời hứa với chàng.
Còn chàng không lấy được nàng; chàng nguyện suốt đời sống độc thân và chàng tìm đủ mọi cách để gần nàng như vào chùa Sư Nữ làm công quả, giúp cho các Sư Cô viết những câu liễn đối vào ngày Tết v.v... đôi khi còn chỉ chữ Hán cho các Sư Cô học nữa.
Thế rồi nàng chết. Vì không phát nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà; nên nàng phải trở lại làm người và sinh vào chốn Hoàng Cung. Vì lẽ khi chưa xuất gia nàng hay bố thí, cúng dường chư Tăng.
Còn chàng đến khi già lão cũng qua đời; nhưng nhờ giúp đỡ tha nhân, làm việc thiện ở chốn chùa chiền; nên sau nầy đầu thai vào một gia đình khá giả trong làng nọ. Lớn lên chàng ý thức cuộc đời là vô thường, nên đã xin phép cha mẹđi xuất gia học đạo. Vị Thầy đầu tiên mà chàng đến là Hòa Thượng Minh Vật - Nhứt Tri trụ trì chùa Kim Cang ở Đồng Nai...
Khi mở mắt ra Hòa Thượng Liên Hoa còn bàng hoàng khó tả và nghĩ rằng: Có lẽ kiếp trước ta đã vụng đường tu, không muốn cho người khác trọn thành chánh quả. Cho nên kiếp nầy phải đầu thai lại để trả nợ xưa chăng? Mà oái oăm thay! Đúng là nhân nào quả nấy. Ngày xưa người ta đi tu, mình tìm cách ngăn cản và cố sức cột lại dây tình; nhưng vẫn không được toại ý. Ngày nay mình đi xuất gia; nhưng tình kia vẫn còn đó; nên nàng lại chẳng muốn cho mình yên ổn nơi chốn liên tòa. Phải biết tính sao đây! Nhưng ta quyết sẽ không để cho phạm giới.
Người xuất gia phải lấy giới luật làm đầu. Nếu giới không còn tồn tại trên thế gian nầy nữa, chẳng khác nào quả đất nầy không có ánh sáng mặt trời vậy. Ta luôn biết rằng: Ánh sáng đến thì bóng tối phải nhường chỗ. Nếu ta vẫn để cho bóng tối ngự trị trên đời nầy thì thế gian bao giờ mới hết khổ?
Thế rồi đúng vào ngày rằm tháng mười năm Quý Mùi (1823) Hoàng Cô cùng phái đoàn của các quan thuộc Gia Định thành đến chùa Sắc Tứ Từ Ân dâng đại lễ. Trên Đại Hùng Bửu Điện hương đèn nghi ngút, khói bay khắp chùa, mùi trầm hương quyện với mùi hoa, trái... đã tạo nên một vẻ đẹp lung linh hơn. Từng hồi chuông trống bát nhã đổ rền. Thỉnh thoảng chú Tiểu Mật Hạnh nhẩm xem:
Bát Nhã hội
Thỉnh Phật thượng đường
Đại Chúng đồng văn
Bát Nhã âm
Phổ nguyện Pháp giới
Đẳng hữu tình
Nhập Bát Nhã Ba La Mật Môn (3 lần)
Rõ ràng là đâu có câu nào để đón tiếp Hoàng Cô và các quan hộ giá đâu. Đây là bài kệ để thỉnh Phật mà. Nhiều khi ở chùa chỉđánh khi có lễ Sám Hối; hoặc những dịp trọng đại khác. Thế mà chùa nầy hơi lạ.
Chú Mật Hạnh không xuất hiện nơi chánh điện, mà chỉ đứng thò mặt ở phía sau Đại Hồng Chung nhìn vào đám người ấy, sau khi đã thỉnh 3 hồi chuông trống bát nhã trong sự ngờ vực. Chú chỉ thấy có chú Mật Đĩnh theo sau Hòa Thượng Liên Hoa và một vài vị khách Tăng có mời hôm đó nữa.
Bà Hoàng nầy tuổi độ gần 60, nhan sắc trên trung bình. Vì có sửa soạn và là con vua cho nên chẳng làm gì ngoại trừ việc chải chuốt thân thể; nên cũng không đến nỗi khó coi lắm. Nét mặt bà trầm tư, khi dâng hương lễ Phật và cũng chẳng biết bà khấn gì; nhưng chú Mật Hạnh thấy bà liếc nhanh về Hòa Thượng Liên Hoa rồi khấn tiếp.
Sau khi buổi lễ hoàn tất, Hoàng Cô đã cảm ơn các quan đã tiếp đón và đưa rước và Hoàng Cô bảo rằng bà sẽở lại chùa Từ Ân cho đến ngày hồi kinh, chỉ cần để lại chùa các người tùy tùng của bà và một vài binh lính theo túc trực mà thôi, các quan cứ về, khỏi hầu đãi.
Trong đám quan lại đi đứa đón đó cũng có người thắc mắc thành tiếng, khiến cho Sa Di Mật Đĩnh nghe được.
-Đại Huynh! Đây là chùa Tăng, tại sao đàn bà con gái xin ở lại chùa là nghĩa làm sao?
-Tại hạđâu có biết; nhưng đã là chùa, ai đến mà chẳng được.
-Đành rằng là như thế. Việc đi lễ Phật thì ai cũng có thể; nhưng việc ở lại chùa, mà đàn bà nữa, tại hạ thấy cũng hơi kỳ.
-Nhưng họ là những người có quyền, muốn sao chẳng được. Lúc thì nói ngày mai đi dâng hương tiếp ở chùa Sắc Tứ Khải Tường, hôm nay đến đây rồi lại chẳng muốn về, kể ra cũng lạ đấy.
Cả 2 chú Mật Đĩnh và Mật Hạnh đều ra chiều đắc ý khi nghe lóm được câu chuyện trao đổi giữa hai vị quan nầy. Đoạn Mật Hạnh hỏi Mật Đĩnh rằng:
-Sư chú làm Thị Giả cho Sư Phụ bao năm nay khi ở kinh đô Huế cũng như lúc về lại đây. Chú thấy gì lạở Thầy mình chăng?
-Thầy vẫn bình thường lo cho chùa Linh Mụ cũng như Tăng Chúng tại đó. Thỉnh thoảng Thầy có vào chùa Giác Hoàng ở nội cung giảng pháp, đệ có đi theo; nhưng chẳng thấy có gì ở Thầy mình cả; nhưng gần đây thì Thầy mình hay suy nghĩ lắm !
-Đúng rồi! Thầy mình là bậc chân tu. Cả Vua và Hoàng Hậu cũng như Hoàng Thái Hậu đều kính mến. Không lẽ có điều gì đó, làm cho Thầy mình khó xử chăng? Nhưng chú biết không, bây giờ bà Hoàng nầy muốn ở lại chùa, phải sắp cho bà ở lại nơi đâu. Con gái, cành vàng lá ngọc của Triều Đình mà đến chùa chư Tăng; nơi chỉ có ăn dưa muối, rau cải. Ngủ thì bằng giường gỗ lim, làm gì có chăn êm nệm ấm đâu, mà cũng muốn ở lại chùa?
-Ờ phải! Nhưng việc ấy chắc có Thầy Tri Sự hoặc Thầy Tri Khách lo, đâu phải phận mình.
Hai chú nói chuyện với nhau xong, đoạn bỏ chạy vào nhà trù. Trong khi đó khách khứa lần lượt ra về; nơi Phương Trượng chỉ còn Hòa Thượng Liên Hoa; Hòa Thượng Tế Chánh - Bổn Giác và Hòa Thượng Tế Bổn – Viên Thường. Họ là Sư huynh đệ với nhau; chỉ thiếu Hòa Thượng Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm không qua tham dựđón rước nầy. Có lẽ vì Ngài cũng lo cúng Rằm Tháng Mười; hoặc giả Ngài cũng đoán biết chuyện chẳng lành sẽ xảy ra cho bổn tự?
Thật sự ra thì ai cũng chẳng biết chuyện gì đã xảy ra cả; chỉ biết rằng suốt 3 ngày liền, sau mỗi thời công phu khuya, Hòa Thượng Liên Hoa đều phải tiếp Hoàng Cô; có lúc nói chuyện thật tâm đắc; nhưng cũng có lúc quá gay gắt, làm sao Sư chú Mật Đĩnh làm Thị Giả cũng phải ghé tai vào để nghe cho biết sự tình.
-Thầy có biết không? Bao nhiêu năm tháng dãi dầu ở ngoại quốc và Gia Định thành nầy, tiện thiếp đã hạ mình, khiêm cung chỉ để muốn được gần gũi Thầy và muốn nối kết với nhau bằng dây ái, để cho đôi ta trọn nghĩa tào khang
-Nhưng thưa Nương Nương! Xin đừng nói thế. Vì bần Tăng đã là người xuất gia, chịu ân Tam Bảo quá nhiều, đã nhẹ gánh hồng trần, làm sao bây giờ có thể đáp lại tấm lòng ấy được với nương nương?
. Không biết Thầy có để tâm không, chứ thiếp nầy lúc nào cũng đi nghe pháp của Thầy giảng, đã hiểu lẽ sắc không; nhưng tình yêu thì thiếp nầy không thể buớc qua nổi. Thiếp mong Thầy hãy mở lượng hải hà.
. Thưa không! Hoàng Cô yêu cầu cái gì thì được; nhưng việc nầy xin đừng đề cập đến. Bởi vì...
-Bởi vì một công nương già không sánh vai, đẹp lứa cùng một Tăng Cang Hòa Thượng của Triều Đình chăng?
- Thưa không phải như vậy.
- Hay là, ta để Thầy tự chọn một con đường, rồi ngày mai chúng ta sẽ nói chuyện tiếp tục.
Sau khi chú Mật Đĩnh nghe lén xong câu chuyện nầy, tóc tai chú dựng đứng và mặt mày chú đỏ rần; khiến điệu Mật Hạnh cũng nghi ngờ và tra vấn chú. Chú kể lại đầu đuôi câu chuyện đã nghe lóm được bên trên và hai chú tiếp tục đối thoại với nhau.
-Theo chú nghĩ, bao nhiêu tuổi thì biết yêu?
- Mình làm sao biết được. Chúng ta tuổi dưới 20, chú nào lo biết chuyện chú đó, làm sao biết được chuyện của người lớn.
-Theo Mật Đĩnh nghĩ rằng: Biết yêu cũng giống như biết tham vậy thôi. Khi con người mới sinh ra, cái gì cũng chưa biết; nhưng đã biết tham rồi.
-Vì sao vậy? Mật Hạnh hỏi.
- Thì còn phải hỏi nữa. Chú thấy đứa bé đó; khi mới sinh ra chưa biết ăn, chưa biết bú, đã biết tham.
-Nghĩa là?
-Nghĩa là 2 bàn tay của bé nắm chặt lại đó. Chẳng phải tham là gì?
. Còn yêu thì sao?
. Thì sao nữa?
-Ai đâu có dạy mình yêu? Không ai bày cho mình yêu; nhưng tại sao tâm mình vẫn động khi thấy người đẹp nhỉ?
- Thế chú đã động chưa?
-Đã có lần; nhưng may là chận quả tim lại kịp.
- Còn bao nhiêu tuổi thì hết yếu? Chú Mật Hạnh quay lại hỏi chú Mật Đĩnh như vậy.
-Yêu thì không thể hết được, trừ phi người ấy tự chấm dứt, để sanh về thế giới giải thoát thì chỉ còn có tình thương, chứ không có tình yêu riêng biệt giữa nam nữ nữa.
Nhưng già rồi, đã là Hoàng Cô, một mệnh phụ phu nhân, sắp vào quan tài rồi, mà nghe nói những lời yêu đương với một vị Hòa Thượng chân tu, khả kính, giới luật tinh nghiêm như Thầy của mình, thì thật là điều khó hiểu vô cùng.
-Chuyện ấy dễ hiểu thôi.
- Thế nào là dễ hiểu?
-Là người nào càng tu bao nhiêu, thì càng đẹp bấy nhiêu; nhất là lúc về già.
-Nhưng ở đời hiếm gì người trai trẻ đẹp, xứng đôi vừa lứa. Bộ trên xứ An Nam nầy hết đàn ông rồi sao mà đi theo một ông Hòa Thượng đã gần 40 năm rồi vậy?
-Đúng là cái tình.
-Chú đừng có quá lời. Người xưa thường nói: “bảy mươi chưa khỏi tật què, huống chi mười mấy mà khoe thân lành”.
- Hay quá! Nhưng thôi chúng ta hãy dừng câu chuyện ấy nơi đây và mỗi người hãy đi làm bổn phận của mình.
-Đồng ý.
Nhưng chú Mật Hạnh đâu có vừa, chú quyết không thua Sư chú Mật Đĩnh nên cốđi ngang qua phía sau Phương Trượng phòng và áp tai vào vách để nghe.
-Thầy bảo Thầy không yêu Hoàng Cô nầy; nhưng Hoàng Cô nầy yêu Thầy thì sao?
- Thì đó là quyền của Hoàng Cô.
-Nếu Thầy không yêu Hoàng Cô nầy thì Hoàng Cô sẽ tự tử.
-Việc ấy tùy theo ý của Hoàng Cô; chứ bần Tăng nầy đã phát nguyện xuất gia rồi, là trọn đời dâng tâm và thân nầy cho Phật Pháp, chứ không bao giờ muốn nối lại nghiệp dĩđã có muôn đời, mà chính dây ái ân đã nối chặt chúng sanh lại, làm cho con người và các sinh linh ngày càng khổ sở, đâu có ích lợi gì. Nếu bần Tăng nầy muốn lập gia đình thì đâu có cần thế phát xuất gia?
-Nhưng nếu Thầy và Hoàng Cô nầy cùng tâm đầu ý hiệp, sống một cuộc sống có đầy đủ ý nghĩa thì ...
-Xin Hoàng Cô hãy buông bỏ những ý định rồ dại ấy đi. Đừng làm những trò cười cho thiên hạ. Không khéo mà chúng điệu chùa nầy họ biết được, thì việc nầy sẽ ra sao đây. Thôi xin tạm biệt Hoàng Cô.
Điệu Mật Hạnh chỉ nghe được tiếng cửa của Phương Trượng đường đóng nhẹ lại và chỉ còn lại tiếng khóc than thổn thức của Hoàng Cô. Sau khi nghe câu chuyện đối đáp ấy; cả 2 chú Mật Đĩnh và Mật Hạnh bàn với nhau rằng:
- Làm sao cứu Thầy mình chú? Thầy đã bị Ma Đăng Già rồi.
-Ma Đăng Trẻ còn chẳng lo, huống gì là Ma Đăng Già, mà ai là ma đấy?
-Bộ chú không biết sao? chuyện gì đã xảy ra cho chùa mình trong mấy hôm nay?
-Chuyện ấy Thầy mình dư biết và Sư Phụ biết phải đối phó ra làm sao. Chỉ sợ cho chú đó, chứ đừng lo cho Thầy.
-Vậy bây giờ phải làm sao?
-Hãy chờ xem; nhưng đệ nầy tin rằng Thầy mình đã có cách.
Hai chú Sa Di tung tăng chiếc áo tứ thân màu hoại sắc của mình trông rất vô tư, dễ thương. Bề ngoài không ai nghĩ rằng các chú biết hết mọi chuyện đã xảy ra mấy ngày nay tại chùa Từ Ân nầy giữa Hòa Thượng Liên Hoa và Hoàng Cô; nhưng sự thật thì các chú khi nghe xong, mới kính trọng Thầy của mình, thà giữ giới; chứ không chiều theo ý muốn của sắc dục đường tà dâm. Đoạn hai chú sửa soạn vào chánh điện để đi công phu chiều và tụng bài Sám Nguyện để câu an cho Thầy mình.
Đệ tử hôm nay quỳ trước điện Chí tâm đảnh lễ Đấng Từ Tôn Đã bao phen sanh tử dập dồn Trôi lăn mãi trong vòng lục đạo Thế Tôn đã đinh ninh di giáo Mà con còn đắm đuối mê say Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày Tai thích tiếng mật đường dua nịnh Mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh Lưỡi dệt thêu lắm chuyện cay go Thân ham dùng gấm vóc se sua Ý mơ tưởng bao la vũ trụ Bởi lục dục lòng tham không đủ Lấp che lần trí tuệ từ lâu Hôm nay xin phát nguyện hồi đầu Tâm sám hối phơi bày tỏ rõ Nguyền tội ác từ nay lìa bỏ
Chuyển sáu căn ra khỏi lầm mê Trước đài sen thành kính hướng về Tịnh tâm ý quy y Tam Bảo Phật giới cấm chuyên trì chu đáo Dứt tận cùng cội rễ vô minh Chí phàm phu tự lực khó thành Cầu Đại Giác từ bi gia hộ Dầu phải chịu muôn ngàn gian khổ Con dốc lòng vì đạo hy sinh Nương từ quang tìm đến lạc thành Đặng tự giác, giác tha viên mãn.
Tối hôm đó trên chánh điện chùa Từ Ân, Tăng Chúng vẫn tụng kinh Tịnh Độ và tọa thiền; nhưng bên Phương Trượng Đường người ta nghe tiếng tụng niệm rất thanh và trầm bài Sám Ngã Niệm bằng văn vần Việt ngữ như sau; do Hòa Thượng Liên Hoa trì tụng.
Con nghĩ vốn từ vô lượng kiếp Trái viên minh tánh khởi trần lao Vào sanh ra tử chịu luân hồi Hình dạng dị kỳ bao khổ sở Nhờ chút căn lành sanh nhơn loại May gặp duyên xưa được xuất gia Đắp y, cạo tóc, gọi Sa Môn Hủy giới, phá trai nhiều tội nặng Hại người, hại vật không từ mẫn Ăn nồng, dùng thịt dưỡng nhơ hình Mặc tình phung phí của cúng dường Vật dùng thường trụ xài lộn lạo
Tà mạng, ác cầu không chán đủ Ham dâm, thích rượu mặc tình mê Mạn Phật, khinh Tăng, chê Đại Thừa Bội nghĩa, vô ân hủy Sư Trưởng Trau chuốt lỗi lầm nên nết xấu Vui theo tai họa yểm tài người Hư dối đuổi theo mối lợi danh Tranh chấp nhớp nhơđiều phải trái Suy ác nghĩ tà không xét lại Lao chao, lấc xấc chẳng hề dừng Vin theo duyên sự lại ròng chuyên Trì tụng kinh văn sinh chán nản Ngoài hiện oai nghi thêm siểm dối Trong lòng ngã mạn, tánh ngông xằng Ngủ vùi biếng trễ việc tu hành Bỏn sẻn tham ganh không thẹn sợ Ruộng hoang gốc xấu dùng chi nữa Khác gì thây nổi giữa ba đào Đã không một niệm dưỡng huệ thân Chắc đọa tam đồ vương thống khổ. Ngưỡng mong Đức Phật Vô Lượng Thọ Quan Âm, Thế Chí, Thánh Hiền Tăng Đồng phóng hào quang chiếu đến con Âm thầm gia bị và cứu bạt Khiến con vô thỉ gây tội ác Sáu căn, ba nghiệp tạo lỗi lầm Một niệm sáng tròn tánh tội không Tâm đồng pháp giới đều thanh tịnh
(Thích Thiện Thông dịch)
Lời văn vừa trầm hùng, vừa tha thiết không giống như mọi khi Hòa Thượng đã tụng cùng Tăng Chúng; nên chú Sa Di Mật Đĩnh cũng cảm thấy có cái gì đó bất ổn nơi Thầy mình; đoạn chú trở lại phòng mình để chuẩn bị vào phòng Thầy hầu Sư Phụ; nhưng chú đã thấy một phong thư nằm sẵn trên gối của mình; nên chú đã bóc ra đọc:
Mật Đĩnh con,
Con là Thị Giả của Thầy lâu nay, chắc con đã hiểu ít nhiều về chuyện của Hoàng Cô. Khi còn ở Hoàng Cung, lúc Thầy giảng kinh, thuyết pháp tại chùa Giác Hoàng, Hoàng Cô đã tham gia hết các buổi giảng; nhưng thật ra cố ý đi theo Thầy. Đến bây giờ việc ấy vẫn còn rầy rà cho đến chùa Từ Ân nầy. Như mấy hôm nay con thấy đó. Thầy không muốn làm động chúng ở chùa nầy; cho nên Thầy quyết định lên chùa Đại Giác ở Biên Hòa nhập thất độ 2 năm mới về lại bổn tự. Mọi việc ởđây đã có Thầy lo. Vạn bất nhất, nếu có ai hỏi đến Thầy thì con hãy tìm cách nói sao cho hợp lẽ Đạo là được. Vì Thầy không muốn ai biết đến chỗ mai danh ẩn tích của Thầy cả.
Con nhớ những điều Thầy đã dặn.
Thầy – Liên Hoa Hòa Thượng
Đến sáng sớm hôm ngày thứ ba, trong khi Hoàng Cô ở chùa; người ta không thấy qua Phương Trượng Đường để nói chuyện với Hòa Thượng Liên Hoa như hai ngày trước đây nữa. Đồng thời Hòa Thượng Liên Hoa cũng đã biệt đi đâu mất, không có mặt tại chùa để tiếp kiến Hoàng Cô như mọi hôm.
Hoàng Cô hỏi, Tăng Chúng không biết Hòa Thượng đi đâu. Hoàng Cô hỏi Thị Giả của Hòa Thượng là Sa Di Mật Đĩnh, vị nầy có quen biết với Hoàng Cô, vì có theo hầu Hòa Thượng trong thời gian Ngài Hoằng Hóa ở kinh đô Huế; nhưng Sa Di Mật Đĩnh cũng bảo là không biết. Hoàng Cô bắt Thị giả Mật Đĩnh phải đưa bà đi đến chùa Giác Lâm để tìm Hòa Thượng; nhưng vẫn không tông tích Hòa Thượng ởđâu?
Hòa Thượng Viên Quang, đệ tử của Cố Hòa Thượng Linh Nhạc - Phật Ý, là Sư huynh đệ của Hòa Thượng Liên Hoa, đang trụ trì chùa Giác Lâm nầy, khi gặp Hoàng Cô cũng rất ngạc nhiên và hỏi:
-A Di Đà Phật.
-Bạch Thầy! Đây là Hoàng Cô của Triều Đình muốn đến đây để...
-Mô Phật! Bần Tăng xin lỗi. Vì hôm Rằm Tháng Muời vừa rồi bị bận những Phật sự khác của chùa tại đây, nên không đến Từ Ân tự để đón rước Hoàng Cô. Xin đại xá cho bần Tăng nầy.
-A Di Đà Phật! Không dám. Sở dĩ hôm nay đến đây đột ngột như thế nầy, kính xin Ngài giúp cho một việc.
-Việc gì trong khả năng có thể, bần Tăng sẽ không dám từ nan.
-Bạch Ngài! Sư chú Mật Đĩnh và chúng tôi muốn đến tìm Hòa Thượng Liên Hoa. Mong Ngài giúp cho.
-Bần Tăng được biết là Hòa Thượng vẫn ở Từ Ân để tiếp rước Hoàng Cô và phái đoàn của triều đình mà.
- Thế nhưng mới hôm qua đây Ngài không còn ở chùa nữa.
-Việc cũng lạ nhỉ? Nhưng bần Tăng nầy cũng chẳng biết tin gì khác hơn cả. Còn chùa Giác Lâm nầy thì không có sự hiện diện của Thầy ấy.
-Chắc Ngài nói thật?
-Mô Phật! Người xuất gia không vọng ngữ.
. Tôi tin lời Thầy; nhưng xin Thầy giúp cho.
. Xin mời Hoàng Cô vào liêu dùng trà.
. Xin vâng.
Cả chùa nhốn nháo lên vì sự xuất hiện đột ngột của một Công Nương tuổi ngoại lục tuần, đến chùa mà không báo trước. Ai cũng lấy làm lo. Nhưng Hòa Thượng Viên Quang thì rất điềm nhiên. Dường như Ngài đã biết trước được mọi việc.
-A Di Đà Phật! Thưa Hoàng Cô. Lẽ ra việc nầy bần Tăng không muốn đề cập đến; nhưng vì muốn giúp giải tỏa những nỗi oan khiên, nghiệp chướng trong mấy mươi năm nay mà Hoàng Cô đã đeo đuổi; nên xin có vài việc muốn lạm bàn.
- Xin Ngài cứ tự nhiên.
-Phàm là người xuất gia, ai trong chúng tôi cũng nghĩ rằng: muốn giải thoát luân hồi sanh tử, việc trước tiên là phải đoạn lìa ái dục; ái dục không đoạn thì cánh cửa giải thoát khó đến gần. Ởđây Ngài Hòa Thượng Liên Hoa đã dứt khoát như thế. Còn Hoàng Cô thì lại muốn buộc ràng lại chữ ân và nối dài dây ái. Việc ấy đâu có nên tiếp tục nữa. Bởi vì đó là một cái lỗi. Vì Hoàng Cô đã không khuyến khích được một người đi xuất gia thì chớ. Tại sao Hoàng Cô lại làm như vậy?
-Thưa Ngài, Mẫu hậu ta cũng dạy như vậy. Nhưng con tim nầy đã đập nhịp yêu thương từ năm hơn 20 tuổi, lần đầu tiên gặp Đại Đức Thiệt Thành - Liễu Đạt và nay ta đã 65 tuổi rồi; nhưng tình thương yêu ấy vẫn không phai nhạt chút nào cả. Bây giờ Ngài khuyên ta phải làm sao đây?
-Bần Tăng xin kể hầu Hoàng Cô một câu chuyện:
Ngày xửa ngày xưa có một vị danh Tăng, tu hành đạo cao đức trọng, ai ai cũng ngưỡng vọng về đức hạnh của Ngài. Thuởấy có người con gái xinh đẹp, cũng muốn
kéo Ngài về lại con đường xưa năm cũ của chuyện ái ân; nhưng Ngài đã dứt khoát trả lời bằng bài thơ rằng: Ta có tình yêu rất mặn nồng Yêu đời yêu đạo lẫn non sông Tình yêu chan chứa trong hoàn vũ Chẳng phải yêu riêng khách má hồng
Nếu khách má hồng muốn được yêu Thì trong tâm trí phải xoay chiều Quay về phụng sự cho nhân loại Sẽ gặp tình chung trong khối yêu
Ta vốn đa mang một khối tình Dường như hải thệ với sơn minh Tình yêu không những riêng ai cả Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sanh
(Huỳnh Phú Sổ)
Theo bần Tăng nghĩ. Tình yêu thương chúng sanh của Hòa Thượng Liên Hoa trong hiện tại cũng giống như tình yêu của bài thơ bên trên vừa diễn tả. Người xuất gia giữ giới luật tinh nghiêm, không có quyền yêu riêng ai cả, mà tình yêu ấy để dành chung cho nhân loại. Hoàng Cô hãy về lại triều đình, lo bề tu niệm để giải thoát sanh tử trong kiếp nầy và chẳng nên tiếp tục lặn lội kiếm tìm như thế nữa. Dẫu có tìm được Thầy ấy thì Thầy ấy cũng...
- Thưa Ngài như thế nào? Nghĩa là Thầy ấy?
-Thầy ấy đoạn tuyệt. Vì bần Tăng nầy đã biết được bản lĩnh của Thầy ấy từ khi còn hành điệu chung với nhau lúc Sư Phụ của chúng tôi còn tại thế.
-Nếu Ngài nói vậy thì Hoàng Cô nầy xin cảm ơn Ngài và xin cáo từ.
-A Di Đà Phật! Lành thay! Lành thay!.
Hoàng Cô trở về lại chùa Từ Ân, cứ nằm trầm tư mãi, buồn bã, không màng ăn uống... Ba ngày trôi qua sức khỏe Hoàng Cô sa sút trầm trọng. Cả chùa lại sợ Hoàng Cô quá buồn thảm, có thểđi đến chỗ tuyệt vọng chán đời, gây nên tình trạng nguy hiểm có hại cho chùa; nên Thị Giả Mật Đĩnh đành phải cho Hoàng Cô hay là Hòa Thượng Liên Hoa đã lên chùa Đại Giác ở Cù Lao Phố, tỉnh Biên Hòa để nhập thất hai năm.
Khi Hoàng Cô nghe Sa Di Mật Đĩnh báo tin như vậy hai mắt của Hoàng Cô tròn xoe mở lớn và tất cả sức lực đều dồn vào bộ mặt, trông Hoàng Cô trẻ ra, cũng như không còn đau đớn bệnh hoạn gì cả. Mật Đĩnh tự nghĩ rằng: Không biết thuốc Nam, thuốc Bắc hay như thế, mà chẳng có loại thuốc nào chữa được bịnh của Hoàng Cô.
Tại sao loại thuốc “tình yêu” nó có một công năng ghê gớm như thế nhỉ? Chú vừa suy nghĩ như vậy thì gặp Sư chú Mật Hạnh đến phòng, hỏi thăm cho biết sự tình.
-Thế chú đã nói rõ cho bà Hoàng biết là Thầy mình đang ởđâu chưa?
-Đã nói rồi. Bà ấy vui lắm.
-Chú không sợ mắc tội sao?
. Tội gì?
. Tội là Thầy không cho phép, mà chú ...
- Thì Thầy bảo là tùy duyên kia mà.
-Nhưng trong trường hợp nầy thì khó xử quá phải không? Nếu không cho bà Hoàng biết, rủi ro bà ấy tự tử hay chết giảở chùa nầy thì sao?
- Thì sao nữa? Thì chôn!
-Nhưng đâu có đơn giản vậy.
-Theo chú thì sao?
-Tôi cũng chẳng biết phải làm sao cả. Vì chúng ta đã biết yêu bao giờđâu
-Theo mình nghĩ. Nếu chưa biết yêu thì không nên yêu. Cũng như người chưa biết hút thuốc thì không nên tập hút. Vì đã biết hút rồi, bỏ khó lắm.
-Chú nói đúng đấy! Nhưng dễ ai làm chủ được con tim của mình và mấy ai có thể dừng lại trước sự cám dỗ của món ngon, vật lạ?
-Nếu không làm được thì tại sao có nhiều vị Phật ngồi trên bàn thờ thế? Mình cũng sẽ là một vị Phật trong tương lai mà !
-Nhưng cũng có người chưa muốn thành Phật.
-Đúng vậy. Chỉ có những người nào biết dừng lại trước mọi sự cám dỗ, thì người ấy mới xứng đáng để được những kẻ khác tôn thờ.
. Còn chú thì sao?
. Chú thì sao?
Cả hai điệu đùa nhau như thế và họ lo chạy nhanh về chùa Đại Giác tại Biên Hòa để báo tin cho Hòa Thượng Liên Hoa biết. Chùa nầy nằm cách chùa Từ Ân ở Sài Gòn 30 cây số. Nếu Hoàng Cô có đi nhanh lắm thì cũng đến xế chiều mới tới.
Hai chú vừa đi, vừa ôn lại lịch sử của chùa nầy và nói cho nhau nghe như thế nầy.
“Chùa Đại Giác tọa lạc trên Cù Lao Phố, thuộc Đại Phố Đồng Nai, Dinh Trấn Biên Hòa thời Chúa Nguyễn. Hiện nay thuộc xã Hiệp Hòa, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Trong sách Gia Định Thành thông chí, An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức (1765-1825) tả về Cù Lao Phố và Đại Phố Đồng Nai như sau: “Cù Lao Phố còn có 2 tên nữa là Giản Phố và Cù Châu. Cù Châu là nói về địa thế khuất khúc, hình như con rồng có sừng (Hoa Cù) uốn khúc giỡn với nước; nên theo đó mà gọi tên.
Cách phía Đông Trấn Biên Hòa độ 3 dặm, cù lao dài hơn 7 dặm, rộng hai phần ba bề dài, hình giống như con cá vàng trấn nơi cửa nước, là cây trụđá ngăn cản sóng lớn cho trấn thành. Sông Phước Long bọc quanh phía Nam; sông Rạch Cát ôm phía Bắc. Thuở trước có chiếc cầu ván bắc qua, rộng rãi bằng phẳng, đi thông đến lỵ sở”.
Cù lao Phố bắt đầu nổi tiếng sau khi Tổng Binh Trần Thượng Xuyên đến trấn đóng ởđây.
Năm Kỷ Mùi (1679) đời Chúa Hiền - Nguyễn Phước Tần, khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh chiếm nước Trung Hoa, Tổng Binh Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trần A Bình cùng binh sĩ và gia đình dùng thuyền bỏ sang Đại Việt, xin thần phục Chúa Nguyễn ởĐàng Trong. Chúa Hiền cho nhóm người nầy vào làm ăn sinh sống ở vùng đất Đồng Nai.
Tổng Binh Trần Thượng Xuyên có tài cai trị, biết cách mở mang kinh tế Đồng Nai; nên ngoài việc khai phá ruộng đất, Trần Thượng Xuyên còn mở mang thương mại ở Cù Lao Phố, kêu gọi thương gia ngoại quốc đến đây làm ăn buôn bán. Cù Lao Phố trở thành một giang cảng trù phú buôn bán với người ngoài (Nhật Bản, Trung Hoa, Mã Lai, Nam Dương...) Cù Lao Phố phát triển mạnh và trở thành Đại Phố Đồng Nai.
An Toàn Hầu Trịnh Hoài Đức tả Đại Phố Đồng Nai như sau:
“Đại Phố Đồng Nai ở phía Tây Cù Lao Đại Phố. Lúc đầu khai thác, tướng Trần Thượng Xuyên chiêu tập các thương gia Trung Hoa đến kiến thiết phố sá với mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liên tục tới 5 dặm, chia vạch làm 3 đường phố. Đưòng phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, đường rộng lớn và bằng phẳng. Các nhà buôn tụ tập, ghe thuyền đi biển, đi sông đến đậu neo ở bến; có nhiều xà-lan đậu liên tiếp nhau. Đó là một chốn đại đô hội, các nhà buôn lớn chỉởđây là nhiều hơn cả.
Chùa Đại Giác tọa lạc ở khu miền Tây của Đại Phố Đồng Nai. Có lẽ được xây dựng vào thời đó, tức vào hậu bán thế kỷ thứ 17; nhưng chưa biết rõ là vị Sư nào đã khai sơn chùa và chùa được lập nên chính thức vào năm nào.
Vào khoảng năm 1694-1695, sau những cuộc nổi loạn tại Bình Định, Quảng Nam; Tổ Sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch rời chùa Hà Trung (Huế) trốn vào Đồng Nai hoằng hóa, lập chùa Kim Cang ở Bình Thảo, có thể cũng đã có thời Ngài hoằng hóa ở chùa Đại Giác nầy.
Sau đó, đệ tử cầu pháp của Tổ Sư Nguyên Thiều là Thiền Sư Minh Lượng – Thành Đẳng chính thức trụ trì chùa Đại Giác nầy, sau một thời gian tu học ở chùa Kim Cang”. (Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức, trang 255-256).
Tiếp theo sau Ngài Minh Lượng – Thành Đẳng là Ngài TổẤn - Mật Hoằng; Ngài nầy là đệ tử của Sư Ông chúng ta là Cố Đại Lão Hòa Thượng Linh Nhạc - Phật Ý. Ngài TổẤn đã được Vua Gia Long sắc phong Tăng Cang và trụ trì Linh Mụ quốc tựở Huế từ năm 1804 đến 1817. Sau đó là Thầy mình, Hòa Thượng Liên Hoa trụ trì chùa Linh Mụ từ năm 1817 đến năn 1823 nầy là 7 năm rồi đó. Chú biết không?
- Chú rành rẽ quá xá.
-Ừđúng đó. Chúng ta đúng là có nhân duyên nên mới được tu học với những vị danh Tăng như vậy.
-Đâu có sung sướng gì.
-Tại sao vậy?
-Tu cho đến quyền cao chức trọng như nhất phẩm triều đình mà cũng bị lụy tình hay tình lụy hả chú?
- Chú muốn hiểu sao cũng được.
Khi hai Sư chú vừa đến chùa Đại Giác thì cũng vừa gặp Ngài Tiên Bổn - Tịnh Căn là đệ tử của Ngài TổẤn -Mật Hoằng đang trụ trì tại đó và sau khi hai chú thưa trình tự sự, hai chú đi về phía cốc nơi Ngài Liên Hoa đang nhập thất ởđó.
Thất hay cốc là một ngôi nhà nhỏ, đủ để cho một người ở. Trong đó có kê một chỗ nằm; một chỗ ngồi Thiền và một bàn Phật đơn giản. Trước cốc không có cửa vào; trên cửa sổ có chừa một khoảng trống để đưa đồ ăn vào. Phía sau có cánh cửa vào thất; nhưng một chữ “bế” to tướng bằng chữ Hán đã được niêm phong lại. Hai chú đang đứng tần ngần trước thất, thì nghe bên trong có tiếng tụng kinh bài Sám Quy Mạng bằng tiếng Việt như sau:
Quy mạng lễ mười phương chư Phật
Diễn pháp mầu như thật sâu xa
Quy y Thánh Chúng Tăng Già
Xin thương đoái tưởng hằng sa hữu tình
Chúng con những tự mình phản bội
Lỡ sa chân chìm nổi sông mê
Bao phen sanh tử não nề Lại theo danh sắc mà mê đắm hoài Bởi ngu si tạo mười trói buộc Là nhân gây nên cuộc thương đau Căn trần sáu mối duyên đầu Khiến xuôi con tạo biết bao lỗi lầm Lạc nẻo tà trôi lăn khổ hải Chấp ngã nhơn, xa trái đường ngay Bao nhiêu nghiệp chướng dẫy đầy Dưới chân Từ Phụ trải bày tâm can Kính lạy đấng tình thương vô thượng Con nguyện xin sám vạn lần mê Tay vàng duỗi cánh từ bi Cứu con thoát ngục ngu si não phiền Xin kiếp nầy đủ duyên phước đức Mong đời sau thần thức chớ quên Sanh nơi chánh pháp lưu truyền Trưởng thành được gặp Thánh hiền minh sư Tin pháp mầu khiến ưa xuất thế Tuổi xanh chưa nhiễm uế hồng trần Sáu căn phát tiết tinh thần Thân, lời, ý thảy thuần thành thoát ly Duyên đời chẳng chút chi dao động Hạnh sạch làu tợ bóng trăng thanh Uy nghi cử động nghiêm minh Không làm tổn hại sinh linh muỗi mòng Tám nạn dữ thời không mắc vướng Bốn duyên lành tăng trưởng càng thêm Xuất trần trí tuệ cao thâm Chẳng duyên gì khiến lui tâm Bồ Đề Nương pháp Phật quay về chơn tánh
Lục độ cùng vạn hạnh pháp môn Thảy đều ứng dụng lưu thông Khiến cho vĩnh viễn thoát vòng trầm luân Khai đàn tràng, hiển chân phá vọng Dẹp tan muôn trùng sóng hoài nghi Quần ma úy phục theo về Ba ngôi báu thịnh như kỳ tượng sơ Hành Phật sự không giờ phút chán Pháp môn tu tám vạn đều thông Rộng gieo phước huệ khắp cùng Cho muôn cõi nước đều mong ơn lành Đắc lục thông viên thành Phật quả Con nguyền không lìa xả chúng sanh Mà quay về cõi điêu linh Noi gương Quán Thế, Phổ Hiền chư tôn Ở cõi nầy và muôn cõi khác Hóa thân nhiều như cát biển Đông Tùy loài, tùy nghiệp, ngữ ngôn Mà khai diệu pháp cứu cơn khổ nàn Hoặc ở chốn cơ hàn địa ngục Đói triền miên lạnh buốt xương da Hoặc là bị khổ hình gia Từ bi vô ngại hiển ra pháp mầu Khiến người kẻ hoặc dầu thấy tướng Hoặc nghe danh nghiệp chướng liền tiêu Phát tâm vô thượng cao siêu Luân hồi khổ rụng như chiều lá thu Rừng thơm hương biến từ sỏi đá Địa ngục bừng khai đóa bạch liên Người trong hỏa ngục hiện tiền Nhờ nương thần lực sanh liền Lạc Bang Loài súc sanh lỡ mang phải lốt Bị nợ nần hoặc chuốt oan khiên Từ quang pháp lực vô biên Làm cho tiêu sạch lụy phiền đắng cay Gặp thời dịch hóa ngay cỏ thuốc Cứu bệnh nguy thần dược kề môi Hay khi đói kém cơ trời Xin nguyền hóa lúa khắp nơi khốn cùng Với muôn loài nhất tâm phụng sự Lại cầu cho bạn lữ gần xa Người thân thuộc, kẻ oan gia Vĩnh ly sinh tử, vượt qua ái triền Cùng chúng sanh đồng lên bến giác Tánh hư không dù mất vô biên Nguyện con vô tận triền miên Mong cho tất cả đồng nên Bồ Đề
Thích Nữ Trí Hải dịch
Cả hai chú Sa di Mật Đĩnh và Mật Hạnh đều là đệ tử của Hòa Thượng Liên Hoa. Bình thường các chú nghe Thầy mình tụng kinh, giọng thanh thoát lắm; nhưng sao bây giờ nghe bài Sám Quy Mạng nầy thấy nó buồn thấm thía vô cùng. Đoạn một chú quay qua chú kia hỏi:
-Nhưng nhập thất là nhập cái gì chú?
-Thất đây có nghĩa là chỗở, mà cũng có nghĩa là 7 ngày. Có người vào ở luôn trong thất ở 7 ngày không ra và có khi nhập nhiều lần 7 ngày như thế.
-Vậy ăn uống làm sao hở chú?
- Thì có người mang đến dùm, đưa vào nơi cửa sổ nhỏấy. Lẽ ra chúng ta là đệ tử Thị Giả phải làm điều ấy; nhưng ởđây có lẽ Hòa Thượng Tiên Bổn - Tịnh Căn đã lo sắp đặt giúp việc ấy rồi.
- Thầy mình làm gì trong thất ấy chú?
-Dĩ nhiên là hành trì và tu học chứ làm gì?
-Nhưng đệ tử muốn biết một vị nhập thất, họ làm gì ở trong ngôi nhà nhỏđó?
-Đa phần thì quý vịấy tọa Thiền, công phu bái sám, lạy Phật hay đọc Đại Tạng Kinh. Như chú thấy Đại Tạng Kinh của Phật Giáo chất cao như một cái núi đó, suốt đời chắc gì ai đọc hết cho nổi. Cho nên nhập thất là một cơ hội để xem lại chính mình cũng như xem kinh sách cho tường tận vậy.
-Nhưng Thầy mình là bậc thông kim, bác cổ mà. Chuyện gì Thầy mình là chẳng biết.
-Nhưng có một chuyện Thầy mình không biết.
-Đó là chuyện gì?
-Chuyện tình chứ chuyện gì nữa.
- Sao chú biết?
-Chứ không phải Thầy mình đi trốn chữ tình với Hoàng Cô sao?
-Thầy mình có lẽ trong nhiều đời trước có duyên nợ với bà nầy chăng?
-Biết đâu được.
- Có thể lắm. Vì chuyện luân hồi sanh tửđâu phải một đời. Như chú thấy đó! Trong kinh Đại Bảo Tích, phẩm “Nhập Thai Tạng Pháp Giới” Phật đã nói rồi mà.
-Phật nói sao?
-Phật bảo: Nếu người nào giữ tròn 5 giới ở đời nầy thì đời sau sẽ làm người trở lại. Khi chết thần thức sẽđi ngang để chọn nghiệp mà đầu thai. Còn người nào trong kiếp nầy giữ tròn Thập Thiện, khi chết thần thức sẽ bay cao lên và đi đầu thai vào cõi Chư Thiên hay cao xa hơn nữa. Còn kẻ nào phạm vào tội ngũ nghịch hay nhứt xiển đề, khi thần thức rời khỏi thân trung ấm thì sẽđi ngay xuống địa ngục...
-Ồ! Sư huynh rành quá.
-Đó là sách Phật dạy. Còn thực tế lại là khác nhau nữa.
-Khác như thế nào?
- Thì trong luân hồi sanh tửđó, con người lúc làm cha, lúc làm mẹ, lúc làm chồng, lúc làm vợ, đâu có biết mô tê gì. Vì mình còn bị vô minh che đậy mà.
-Vậy Thầy mình và bà Hoàng nầy thì sao?
-Cái đó Huynh nầy không biết nghe -để hạ hồi phân giải.
Hai chú đối đáp xong; họ viết một mảnh giấy nhỏ đưa vào nơi cửa sổ thường đưa thức ăn hằng ngày với nội dung như sau:
“Chúng con là Mật Đĩnh và Mật Hạnh cố chạy đến đây trước để báo tin cho Thầy hay là bà Hoàng Cô đã biết chỗ Thầy nhập thất và nghe đâu bà ta cùng đoàn tùy tùng đang chuẩn bị đến chùa Đại Giác nầy để cúng dường trai tăng đó. Chúng con tin cho Thầy rõ để Thầy tiện bề đối phó”.
Cung kinh đảnh lễ Thầy
Mật Đĩnh và Mật Hạnh
Trưa hôm ấy các chú Sa Di chùa Đại Giác có đưa phần cơm vào cho Hòa Thượng Liên Hoa nhưng cho đến chiều vẫn không thấy Thầy dùng đến, mà cũng chẳng có chữ nào viết lại để biết rằng Thầy ấy đang bịnh hay có cần gì nữa không. Rồi ngày sau cũng vậy. Cả chùa lấy làm lạ; nhưng Hòa Thượng Trụ Trì Tiên Bổn - Tịnh Căn không lấy làm thắc mắc lắm. Vì lẽ để cho Hòa Thượng Liên Hoa dành nhiều thời gian để thiền tọa; nên Ngài bảo các chú đừng đưa thức ăn vào thất nữa, chờ cho đến khi có tin mới.
Hai chú trở lại chùa Từ Ân mà trong lòng cũng chẳng yên chút nào cả. Vì hai chú cảm nhận như có chuyện không lành sắp xảy ra với Thầy mình; nhưng hai chú chẳng biết diễn tả làm sao cho người khác biết. Khi đến cửa chùa Từ Ân rồi, hai chú mới biết là Hoàng Cô và gia nhân đã dời về chùa Đại Giác. Trong lòng hai chú cảm thấy thảnh thơi hơn. Vì không phải lo lắng cho những bậc quan quyền cũng như các người giúp việc nữa. Đoạn Sư chú Mật Đĩnh than rằng:
Họa hổ, họa bì, nan họa cốt
Tri nhơn, tri diện, bất tri tâm
Nghĩa là sao hở chú?
Đó là:
Vẽ cọp, vẽ da, khó vẽ xương
Biết người, biết mặt, khó biết lòng
-Hay quá xá phải không?
-Đệ hãy cứ nghĩ lại xem.