Đứa con lười biếng
Trích Soạn tập bách duyên kinh
Lúc ấy, Phật ở gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc.
Trong thành có một người trưởng giả rất giàu có, duy chỉ có một đứa con
trai đặt tên là Nan-đà, cực kỳ lười nhác. Cậu chỉ thích nằm dài ra ngủ,
chẳng muốn đi đứng hay ngồi dậy khỏi giường. Tuy vậy, cậu thông minh,
sáng trí lắm, chỉ nằm đó mà nghe đọc các thứ kinh sách là có thể hiểu
thấu nghĩa lý, không có điều chi không biết.
Người cha thấy cậu bé thông minh, luận giải kinh luận đều thông thạo,
liền tự nghĩ rằng: “Thằng bé này thông minh xuất chúng, ta nên đón thầy
ngoại đạo Phú-lan-na, và các thầy ngoại đạo khác đến dạy dỗ cho nó.”
Nghĩ như vậy rồi, liền bày biện các món ngon vật lạ cúng dường trọng
thể, mời thỉnh các thầy ngoại đạo đến. Khi các thầy ăn uống đã xong, ông
mới thưa rằng: “Tôi chỉ có một đứa con trai duy nhất, tánh tình lười
nhác hết mức, chỉ muốn nằm ngủ hoài, chẳng muốn ngồi dậy. Nay nhờ các
thầy dạy dỗ cho, giúp nó được thông thạo kinh luận, thay đổi tính nết mà
nối được nghiệp nhà.”
Bấy giờ sáu thầy ngoại đạo cùng nhau đến chỗ cậu bé. Cậu biết các thầy
đến nhưng cứ nằm lỳ chẳng chịu dậy, huống gì nói đến chuyện mời các thầy
ngồi. Ông trưởng giả thấy như vậy thì trong lòng buồn khổ, âu sầu vô
hạn.
Khi ấy, đức Thế Tôn dùng tâm đại bi thương xót mà quán sát hết thảy
chúng sanh, thường đến những nơi khổ não mà thuyết pháp độ sinh. Phật
thấy ông trưởng giả vì thương con mà âu sầu, khổ não, liền cùng với chư
tỳ-kheo đi đến nhà ấy.
Khi Phật vừa bước vào nhà thì cậu bé lười nhác bỗng nhiên vùng dậy, lấy
ghế mời Phật ngồi. Cậu đối trước Phật lễ bái rồi đứng hầu sang một bên.
Phật liền vì cậu bé mà thuyết pháp cho nghe, lại quở trách sự lười nhác
của cậu. Cậu bé nghe rồi tự biết hối cải, sanh lòng tin sâu, kính ngưỡng
Phật.
Bấy giờ, Phật trao cho cậu bé một cây gậy quý bằng gỗ chiên-đàn, nói
rằng: “Nếu ngươi chịu phát khởi lòng tinh tấn chuyên cần, dùng gậy này
mà gõ xuống, sẽ phát ra âm thanh hay lạ. Người nghe được âm thanh ấy, có
thể nhìn thấy trân bảo, châu báu ẩn chứa trong lòng đất.”
Cậu bé nghe lời Phật dạy thì liền làm theo. Cậu lấy gậy mà gõ xuống đất,
nghe được những âm thanh hay lạ, nghe rồi liền nhìn thấy được những
trân bảo, châu báu nằm sâu trong lòng đất. Cậu thấy được như vậy rồi thì
hết sức vui mừng, liền tự nghĩ rằng: “Ta nghe lời dạy của đức Thế Tôn,
chỉ mới siêng năng dụng công đôi chút mà đã được sự lợi ích chưa từng
có, huống hồ hết lòng siêng năng, chuyên cần mà làm việc.”
Nghĩ như vậy rồi, ít lâu sau cậu liền quyết định sẽ khởi sự lên đường ra
biển mà tìm trân bảo, châu báu. Vị thiếu niên ấy truyền rao khắp thành
Xá-vệ tuyển mộ người theo mình cùng đi ra biển tìm trân bảo. Chàng tìm
được rất nhiều châu báu, lại đưa tất cả mọi người an toàn trở về nhà.
Khi ấy, chàng liền bày biện đủ các thứ trân bảo quý giá cùng nhiều món
ăn ngon lạ, tinh khiết, thỉnh Phật và chư tăng đến để cúng dường.
Bấy giờ Phật cùng chư tỳ-kheo liền đến thọ nhận lễ cúng dường của cậu bé
lười nhác ngày trước. Thọ cúng dường xong, lại vì chàng mà thuyết pháp
cho nghe. Nghe pháp rồi dứt sạch lòng tham lam, sân hận, liền mang nhiều
trân bảo quý giá tung lên hư không mà cúng dường Phật. Những trân bảo
quý giá ấy liền tụ lại trên không thành một cái tán lớn mà bay theo che
bên trên Phật.
Chàng thiếu niên nhìn thấy sự biến hóa nhiệm mầu ấy lại càng tin sâu Tam
bảo, chí thành lễ Phật mà phát lời nguyện lớn rằng: “Nhờ công đức cúng
dường hôm nay, trong đời vị lai tôi nguyện sẽ có thể vì những chúng sanh
mù lòa mà cứu giúp cho được sáng mắt, vì những chúng sanh chẳng quy y
Phật mà độ cho quy y, những chúng sanh không người cứu hộ sẽ được cứu
hộ, những chúng sanh không được an ổn sẽ được an ổn, những chúng sanh
chưa nhập Niết-bàn sẽ được nhập Niết-bàn.”
Chàng phát nguyện rồi, đức Phật liền mỉm cười, từ nơi trán, giữa hai
lông mày phóng ra một đạo hào quang năm sắc, bay quanh Phật ba vòng rồi
lại theo chỗ trên trán Phật mà bay trở vào.
Khi ấy, A-nan bạch Phật rằng: “Như Lai là đấng tôn quý, chẳng vô cớ mà
cười bao giờ. Nay vì nhân duyên gì mà Phật mỉm cười, xin giảng giải cho
được biết.”
Phật bảo A-nan: “Ngươi có nhìn thấy cậu bé lười nhác ngày trước giờ đây
phát tâm cúng dường ta chăng?” A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn, con đã thấy.”
Phật nói: “Cậu bé này trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp nữa sẽ thành Phật hiệu
là Tinh Tấn Lực, hóa độ chúng sanh nhiều vô số. Vì nhân duyên ấy mà ta
mỉm cười.”
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.