Một chút lửa địa ngục
Thuở xưa, khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế, lúc nào
Ngài cũng đem giáo pháp nhiệm mầu ban bố cho chúng sanh từ hàng vua
chúa quan quyền cho đến thứ dân đều thấm nhuần Pháp bảo. Do đó, khi bóng
ngài xuất hiện nơi đâu là mang theo cảnh thái bình an lạc đến đấy.
Ngài thường ngự nơi tinh xá Kỳ Viên, một tòng lâm vĩ đại của Trưởng giả
Cấp Cô Độc, vùng vườn cây cổ thụ xanh tươi củaThái tử Kỳ-đà.
Chung quanh Ngài lúc nào cũng có đại chúng tỳ-kheo tăng và các vị đại đệ
tử uy danh lừng lẫy. Nổi bật nhất là ngài Đại Mục-kiền-liên thần thông
biến hóa vô cùng, có thể di sơn đảo hải hoặc ngự lên cung trời, bay
xuống địa ngục dễ dàng như trở bàn tay.
Một hôm đại đức Mục-kiền-liên muốn vào cõi địa ngục để xem chúng sanh thọ hình khổ sở đến mức nào.
Sau khi đảnh lễ từ giã đức Phật, ngài liền dùng thần thông bay thẳng vào
cõi địa ngục. Ngài chứng kiến những cảnh tội nhân rên siết rất đau đớn
khổ sở từ địa ngục nhỏ cho đến địa ngục lớn như địa ngục A-tỳ.
Khi đại đức ngự đến đâu, do oai lực của Ngài, các tội nhân được giảm tội
và dừng hình phạt trong giờ phút ấy. Những đống lửa đang cháy ngùn ngụt
bỗng dưng tắt hẳn. Một hoa sen lớn bằng bánh xe hiện ra, đại đức
Mục-kiền-liên đến ngồi an ổn trên đóa sen tươi ấy.
Các tội nhân vô cùng mừng rỡ khi được thấy hình ảnh uy nghi của đại đức
Mục-kiền-liên, tất cả chạy đến vây quanh ngài, quỳ xuống thành kính đảnh
lễ. Một tội nhân bạch hỏi:
– Bạch ngài, ngài từ đâu đến đây?
Đại đức Mục-kiền-liên đáp:
– Bần tăng từ thế giới loài người đến đây.
Các tội nhân khi nghe đại đức đáp như thế, lấy làm mừng rỡ, mỗi người kể
trường hợp khổ đau của mình, xin đại đức hoan hỷ báo cho thân bằng
quyến thuộc của họ được biết họ đang ở trong địa ngục, khổ sở lắm, rất
thương nhớ quyến thuộc. Xin thân bằng quyến thuộc hãy vui lòng bố thí,
làm phước, cúng dường chư tăng rồi hồi hướng phước báu đến họ.
Đại đức Mục-kiền-liên hoan hỷ nhận lời, hứa sẽ nhắn lại cho các thân
nhân từng trường hợp một. Sau đó, ngài dùng thần thông thử lấy một chút
lửa địa ngục bằng hạt cải gói trong chéo y của ngài rồi trở về thế gian.
Khi trở về cõi Ta-bà, đại đức Mục-kiền-liên thông báo ngay cho thân bằng
quyến thuộc của các tội nhân. Hay tin dữ, các thân bằng quyến thuộc
than khóc vô cùng thảm thiết. Khi sự đau buồn lắng dịu một phần nào, họ
liền tổ chức một buổi lễ trai tăng rất long trọng để hồi hướng phước báu
cho những thân nhân đã quá vãng, dưới sự chứng minh tối thượng của đức
Phật và đại đức Mục-kiền-liên cùng với chư tăng.
Nhờ oai lực chú nguyện của đức Phật và chư tăng, các tội nhân được thọ
lãnh phần phước báu, được thoát khổ cùng được thọ sanh nơi tiên cảnh.
Sau đó đại đức Mục-kiền-liên dùng thần thông bay lên cõi Trời, với ý định quán sát sự an vui và hỷ lạc của chư thiên ở cõi Trời.
Ngài ung dung thưởng ngoạn cảnh vui tươi của cung trời Đao-lợi. Lúc ấy
chư thiên trong sáu cõi Trời đang sống vui hạnh phúc. Bỗng dưng họ cảm
thấy nóng bức khó chịu phi thường, cất tiếng hét vang rần vì bị sức nóng
của lửa địa ngục toát ra do đại đức Mục-kiền-liên mang theo trong chéo y
của ngài.
Đức Thiên Vương thấu hiểu nguyên nhân khiến cho chư thiên nóng bức, khó
chịu đến như thế liền đến trình bày cho đại đức Mục-kiền-liên hiểu tình
trạng đã xảy ra.
Đại đức Mục-kiền-liên thầm nhủ rằng: “Chư Thiên nóng bức khó chịu, náo
loạn thiên cung thế này chỉ do một chút lửa địa ngục ta mang đến đây.
Bây giờ phải ném lửa nầy vào đâu? Nếu ta ném xuống mặt đất thì mọi vật
trên thế gian sẽ bị thiêu hủy hết. Nếu ta ném xuống biển cả thì biển sẽ
cạn nước, còn nếu ném vào không gian sẽ bị hạn hán không mưa 12 năm. Như
thế thì hãy mau mau trả lửa nầy lại xuống địa ngục.”
Đại đức Mục-kiền-liên lại xuống địa ngục một lần nữa, để đem chút lửa nguy hại ấy trả về địa ngục như cũ.
Xong rồi, đại đức Mục-kiền-liên bay trở lại trần gian, về Kỳ Viên tịnh
xá đảnh lễ đức Thế Tôn và tường trình lại cho đức Phật rõ về chuyến du
hành vào địa ngục và cõi Trời của Ngài.
Nhân cơ hội ấy, đức Phật liền dùng đề tài trên để ban bố một thời pháp cho đại chúng nghe, có câu kệ ngôn như sau:
“Có hai trạng thái: Một là thiện pháp, hai là ác pháp. Hai pháp này kết
quả không giống nhau. Ác pháp đưa chúng sanh vào cảnh khổ, thiện pháp
đưa chúng sanh đến cảnh an vui.”
Khi thời pháp vừa chấm dứt, các hàng Phật tử trong pháp hội ấy đều được
đắc quả, vào khoảng ba vạn bốn ngàn người trong cùng một lúc.