La-hầu-la xuất gia
Lúc đức Phật còn tại thế, một hôm Phật bảo Ngài
Mục-kiền-liên rằng: “Ông hãy về thành Ca-tỳ-la-vệ kính thăm phụ vương,
thúc phụ và bà di mẫu của ta, ủy dụ mẹ của La-hầu-la hãy cắt tình ân ái
cho La-hầu-la xuất gia làm sa-di. Tình ân ái giữa mẹ con thương nhau chỉ
trong giây lát, chết rồi bị đọa vào địa ngục, không bao giờ được biết
nhau. Nếu La-hầu-la xuất gia chứng đạo, thời sẽ trở lại độ cho mẹ, trọn
đời ra khỏi luân hồi sanh tử như ta ngày nay vậy.”
Ngài Mục-kiền-liên vâng lời đến thành Ca-tỳ-la-vệ trình bày ý định của
đức Phật. Bà Da-du Đà-la nghe tin có sứ giả của đức Phật đến khuyên
La-hầu-la xuất gia, liền đem con lên trên một lầu cao và đóng bít tất cả
ngõ vào. Ngài Mục-kiền-liên liền dùng thần thông vào tiếp kiến, bà
Gia-du-đà-la bất đắc dĩ phải làm lễ kính thăm đức Thế Tôn và hỏi sứ mệnh
của Ngài đến đây có việc gì. Ngài Mục-kiền-liên nói rằng: “Thái tử
La-hầu-la nay đã chín tuổi, nên cho xuất gia tu học Thánh đạo để tự giải
thoát và giải thoát cho mọi người. Chính bổn ý của đức Phật là như
vậy.”
Bà Da-du Đà-la đáp: “Đức Thích Ca Như Lai khi còn làm thái tử đã cưới
tôi làm vợ, tôi phụng thờ thái tử như phụng thờ một vị thiên thần. Chưa
được ba năm, thái tử vượt thành xuất gia tu đạo, lòng tôi đau khổ biết
bao. Tự nghĩ sau khi thái tử thành đạo, chắc có thể cùng nhau tương
kiến. Nhưng từ khi ngài thành đạo, hoàn toàn quên hết tình xưa nghĩa cũ
đối với những người thân, lạt lẽo hơn người dưng nước lã, khiến tôi phải
sống cô độc khốn cùng. Ngày nay ngài lại muốn chiếm đoạt cả con tôi,
thời còn gì tàn khốc hơn nữa. Thái tử thành đạo tự nói là từ bi, nhưng
nay làm cách biệt mẹ con tôi thì từ bi của ngài ở chỗ nào? Mong ngài hãy
trở về thưa lên đức Thế Tôn nỗi lòng của tôi như thế.”
Đức Mục-kiền-liên liền từ tạ, đến kể lại câu chuyện cho vua Tịnh Phạn
biết. Vua liền bảo bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề đến khuyên nhủ nàng Da-du Đà-la.
Bà đến khuyên ba lần, nàng nhất quyết không nghe và thưa rằng: “Ngày
tôi còn ở nhà, vua của tám nước tranh nhau đến cầu hôn tôi, cha mẹ tôi
đều từ chối, để dành riêng tôi cho thái tử là bậc xuất chúng hơn người.
Nếu thái tử không muốn ở đời, thì ân cần cầu tôi làm gì? Phàm ở đời, lập
gia đình thành vợ thành chồng, đều mong có con cháu nối giòng, đó là lẽ
chính ở đời. Thái tử đã đành tâm đi rồi, nay lại muốn đem La-hầu-la đi,
cho tuyệt hẳn giòng dõi truyền nối thì còn có nghĩa lý gì nữa.”
Bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề liền im lặng không biết nói gì. Đức Phật hiểu được
tâm trạng câu chấp và buồn khổ của nàng Da-du Đà-la, liền dùng vị hóa
nhơn đến nói rằng: “Nàng còn nhớ thệ nguyện của nàng không? Thời ta còn
làm vị Bồ Tát lấy 500 đồng tiền mua 5 bông sen của nàng để dâng cúng đức
Phật Định Quang, nàng còn gửi hai bông sen nhờ ta dâng cúng đức Phật,
và cầu xin đời đời kiếp kiếp làm vợ của ta. Ta có nói với nàng: Ta là vị
Bồ Tát, có nguyện bố thí tất cả, nếu nàng muốn làm vợ ta thì nếu ta có
bố thí cả quốc thành thê tử cho đến tự thân, nàng phải hoan hỷ. Nàng đã
hứa cùng ta rồi, sao nay nàng lại thương tiếc La-hầu-la không muốn rời
bỏ.”
Nàng Da-du Đà-la nghe nói liền biết sự lỗi lầm của mình, làm lễ sám hối
với ngài Mục-kiền-liên, ân cần giao phó cho ngài, và khóc lóc từ biệt
con. La-hầu-la biết mẹ sầu muộn liền khuyên giải mẹ và từ tạ mà đi. Vua
Tịnh Phạn liền bảo các nhà hào tộc, mỗi nhà cử cho một người con trai
cùng xuất gia với La-hầu-la.
La-hầu-la cùng với 50 vị công tử đến đảnh lễ đức Phật. Đức Phật sai ngài
A Nan cắt tóc cho La-hầu-la và 50 vị công tử, cho xuất gia; bảo ngài
Xá-lợi-phất làm Hòa thượng, Ngài Mục-kiền-liên làm A-xà-lê truyền trao
10 giới sa-di. đức Phật giảng kinh Phiến-đà-la nói về tội báo các đời
trước cho các vị sa-di nghe.
La-hầu-la nghe kinh, trong lòng lấy làm ưu sầu, bạch Phật rằng: Bậc Hòa
thượng đại trí đức, thọ lãnh các món cúng dường tối thượng, kẻ tiểu nhi
ngu mà không có đức, ăn đồ tín thí của người, đời sau chịu khổ như
Phiến-đà-la. Vậy nên chúng con rất lo lắng, nguyện Phật cho chúng con bỏ
đạo về nhà để khỏi các tội lỗi.”
Đức Phật dạy: “Như có hai người bị đói, gặp được người chủ đãi bữa cơm
ngon, tham ăn quá no. Một người có trí, liền uống thuốc xổ, gìn giữ nghỉ
ngơi nên giữ được mạng sống. Một người vô trí sát sanh tế lễ để cầu
được sống, không ngờ đồ ăn chất chứa không tiêu nên phải chết, đọa vào
cõi địa ngục. Người sợ tội mà xin bỏ đạo về nhà thật là kẻ vô trí. Các
con đã có nhơn lành được gặp ta thì nên uống thuốc cứu khổ, thời khỏi
phải chết”.
La-hầu-la nghe lời Phật dạy, hiểu rõ chơn nghĩa của sự tu hành, đảnh lễ chân thật, vâng theo lời giáo huấn của đức Thế Tôn.
La-hầu-la chưa chứng đạo, nên tâm tánh còn thô tháo chưa được thuần thục, lời nói ít thành tín.
Một hôm, Phật bảo La-hầu-la: “Ngươi hãy về ở tại tịnh xá Hiền-đề, giữ lời nhiếp ý, siêng tu kinh giới.”
La-hầu-la vâng theo lời Phật dạy, về ở tịnh xá Hiền-đề 90 ngày, tàm quý
tự hối, ngày đêm không dừng nghỉ. Đức Phật đến thăm, La-hầu-la hoan hỷ
đảnh lễ, sửa soạn chỗ ngồi thỉnh Phật an tọa, nhiếp tâm đứng hầu một bên
Phật. Phật bảo La-hầu-la:
– Ngươi hãy bưng chậu nước đến đây, rửa chân cho ta.
La-hầu-la vâng lời rửa chân đức Phật. Khi rửa xong đức Phật bảo La-hầu-la:
– Ngươi có thấy nước rửa chân trong chậu kia không?
– Bạch Thế Tôn, con thấy.
– Nước ấy có thể dùng để ăn uống súc miệng được không?
– Bạch Thế Tôn, không thể được. Nước ấy trước kia trong sạch, nay vì rửa chân trở thành nhớp đục nên không thể dùng.
Phật dạy:
– Ngươi cũng như vậy, là con ta, là cháu vua Tịnh Phạn, bỏ sự vui sướng ở
đời, làm vị sa-môn. Nếu không tinh tấn, nhiếp thân giữ miệng thì sẽ bị
ba món độc là tham sân si làm nhơ nhớp tâm ý, cũng như nước kia không
thể dùng được.
Phật lại bảo La-hầu-la:
– Hãy đổ chậu nước kia đi.
La-hầu-la liền đổ nước trong chậu.
Phật dạy:
– Chậu kia không còn nước nhớp nữa, vậy có thể đựng đồ ăn uống được không?
– Bạch Thế Tôn, không thể dùng được, vì đã mang cái tên chậu đựng nước rửa và đã từng chứa nước không sạch.
Phật dạy La-hầu-la:
– Ngươi cũng như vậy, tuy làm vị sa-môn, miệng không nói thành tín, tâm
tánh lại cang cường, chẳng niệm tinh tấn, thường bị tiếng đồn không tốt.
Thật cũng như cái chậu rửa kia không thể đựng đồ ăn được.
Đức Phật lại lấy ngón chân hất cái chậu rửa, khiến chạy lăn tròn,
nghiêng qua nghiêng lại vài lần rồi mới dừng lại. Phật lại hỏi
La-hầu-la:
– Ngươi có tiếc cái chậu này bị bể không?
– Bạch Thế Tôn, cái chậu để rửa chân là vật không quý giá gì. Trong ý
tuy cũng có tiếc đôi chút, nhưng không đến nỗi thiết tha lắm.
Phật bảo La-hầu-la:
– Ngươi cũng như vậy, tuy là sa-môn, nhưng nếu không nhiếp thân và
miệng, nói lời thô ác làm hại nhiều người, thời trong chúng không ai
thương, người tri thức không ai tiếc, thân chết bị luân chuyển trong ba
đường dữ, sống chết vô lượng, các vị Hiền Thánh không ai thương tiếc,
cũng như ngươi nói không tiếc cái chậu vậy.
La-hầu-la nghe lời Phật dạy lấy làm hổ thẹn và sám hối tất cả lỗi lầm đã phạm.