Con Ranh Con Lộn Là Gì?
Trong dân gian (Việt Nam)
con ranh, con lộn là tiếng để gọi con cái sinh ra khó nuôi, thường khi sanh ra
vài tháng lại chết. Đặc biệt những người mẹ có con trong trường hợp này rất mau
có thai trở lại, nhưng khi sanh đứa con thứ hai thì đứa bé này cũng èo ọt, đau
ốm hoặc lại chết. Thường khi phải 3 hay 4 lần xảy ra như vậy. Có nghĩa rằng
người mẹ khốn khổ này phải chịu đau khổ vì những đứa con sinh ra đều chết và
đôi khi sự chết của người con xảy ra cùng trong khoảng một thời gian nào đó
giống nhau. Thường thì người con sinh ra độ 5 tháng sau thì chết. Đây là một
vấn đề kỳ lạ mà chính các nhà y học cũng chưa giải thích được thỏa đáng. Có
người cho rằng sở dĩ sự kiện ấy phát sinh là do lệch lạc về cấu tạo của những
thành phần trong cơ thể đứa bé, có thể cơ thể thành lập nên cơ thể phat sinh từ
bào thai đã có sẵn sự bất đồng bộ và thiếu sót một vài yếu tố nên cơ thể chỉ
tồn tại được ở một giai đoạn thời gian nào đó mà thôi, cũng như sự sản xuất một
cái máy mà khi lắp ráp vì thiếu nhiên liệu, phẩm chất nên cái máy chỉ hoạt động
được trong một thời gian giới hạn. Cho dù sự giải thích đó được phần nào thừa
nhận thì câu hỏi tại sao lúc nào cũng chỉ xảy ra cho từ 3 đến 4 hài nhi còn về
sau lại không xảy ra? Phải chăng cơ thể đã có sự sửa đổi, trắc nghiệm hay qua
kinh nghiệm của những lần sai sót trước?
Giải Thích Sự Kiện Con Ranh, Con
Lộn:
Theo quan niệm của những người xưa
và nhất là những người tin vào thuyết luân hồi nghiệp báo thì con ranh con lộn
chính là chứng tích của những nghiệp quả mà cha mẹ đứa bé gây nên ở tiền kiếp.
Có nghĩa rằng ở kiếp trước cha mẹ đứa bé đã làm điều ác nên phải chịu hình phạt
ấy. Có thể người mẹ, người cha đã làm hại con cái kẻ khác, hành nghề phá thai
hay cố ý làm cho kẻ khác bị hư thai... giờ đây kẻ đã gây ra tội lỗi ấy phải
chịu quả báo. Cha mẹ đứa bé sẽ phải đau khổ vì con mình mới sinh ra đã lìa đời,
sự đau đớn xót xa ấy là hình phạt nặng nề đối với kẻ làm cha mẹ ấy. Ngoài ra
còn có những nguyên nhân khác (sẽ trình bày sau). Vấn đề thật ra chỉ là hiện
tượng và những gì đã nói trên cũng chỉ là sự tin tưởng trong dân gian mà thôi.
Có thể sự tin tưởng ấy là do mê tín. Tuy nhiên vấn đề không dừng lại ở đó vì
những người mẹ bất hạnh này thường được những người "có kinh nghiệm"
về vấn đề con ranh con lộn, những người tin vào thuyết luân hồi chỉ vẽ nên kinh
nghiệm xem thử đứa con sinh ra đã bị chết ấy có phải là con ranh con lộn không?
Để có thể thử nghiệm sự kiện này,
người xưa đã làm một việc rất đơn giản theo ý nghĩ bình dân của họ đó là đánh
dấu lên đứa bé bằng cách rạch một đường hay rạch chữ thập có tẩm chất chàm gọi
là làm dấu chàm hoặc ở trán ở cánh tay, sau lưng, ở mông... giống như xâm mình
vậy. Việc làm này có chủ ý là nếu sau khi đứa bé đã được đánh dấu lại bị chết
lần nữa (trước đó người mẹ đã sinh một lần và đứa con cũng đã bị chết sớm) thì
ở lần có thai tới (thường có thai năm một) nên lưu ý xem thử hài nhi chào đời
lần này có mang dấu vết ấy hay không? Nếu có thì chắc chắn đó là con ranh con
lộn. Bằng không có dấu vết ấy thì đứa con sinh lần đầu bị chết là một sự không
may và ngẫu nhiên, không có gì quan tâm. Riêng trường hợp đã chắc là có con
ranh con lộn thì cha mẹ đứa bé nên chuẩn bị tinh thần vì có thể đứa bé này
chẳng còn sống được bao lâu nữa. Có người trải qua bốn lần chịu cảnh con ranh
con lộn. Ngày xưa vấn đề này thường xảy ra ở Việt Nam. Người Trung Hoa cũng không lạ
gì trường hợp này. Ở Nhật và Triều Tiên cũng như Ấn Độ, vấn đề con ranh con lộn
được xem như chuyện tự nhiên. Khi gặp trường hợp này cha mẹ đứa bé phải đi mời
thầy pháp về làm lễ trừ tà nhưng thường thì chẳng ăn thua gì. Phần lớn những
người theo Ấn giáo hay Phật giáo thì đến chùa để xin sám hối vì họ nghĩ rằng ở
tiền kiếp họ đã tạo nên nghiệp ác nên phải gánh lấy hậu quả khổ đau.
Tuy nhiên, tùy theo cách suy luận của sự kiện quả báo luân hồi mà mỗi dân tộc
có những giải thích bằng những câu chuyện truyền khẩu hay giai thoại riêng
biệt.
Giải Thích Theo Truyền Thuyết Quỉ
Phạm Nhan:
Theo quan niệm trong dân gian của
người Việt Nam thì những người đàn bà nào có sinh đẻ nhưng không nuôi được con
là do bị tà ma hay hồn ma theo đuổi. Tà ma là những vong hồn của người chết
thường vì lẽ đó, theo đuổi ám ảnh khiến cho người đàn bà ấy không thể gần gũi
chồng hoặc nếu có gần gũi phối hợp với chồng và có thai thì khi sinh con, đứa
con cũng không sống được bao lâu. Vì những đứa con này thường có sự pha hợp với
những vong linh theo ám ảnh người đàn bà nên rất khó sống. Cũng theo quan niệm
trên thì có thể người đàn bà này kiếp trước có chồng và hai vợ chồng lúc đó gặp
trắc trở éo le không sống được bên nhau nên ở kiếp này người chồng của kiếp
trước quyết tâm theo đuổi ám ảnh không thôi. Đôi khi người chồng lại bị người
vợ kiếp trước ám ảnh. Vì thế cặp vợ chồng ở kiếp này khó có can nối giồng.
Ngoài ra cũng theo quan niệm trên ngay ở kiếp hiện tại người vợ hoặc người
chồng trước khi cưới nhau thì một trong hai người đã thệ ước với một người khác
cì người ấy chết bởi tai nạn, bệnh hoặc tự vẫn nên vong hồn người ấy cớ đeo
đuổi ám ảnh người vợ hay người chồng khiến họ khó có con hoặc nếu có con thì
con cũng không sống được bao lâu. Người xưa còn tin rằng sở dĩ có hiện tượng
con ranh con lộn quỷ Phạm Nhan gây ra.
Theo truyền thuyết này thì Phạm
Nhan tên thật là Nguyễn Bá Linh là con của hai vợ chồng sống tại huyện Đông
Triều tỉnh Hải Dương (đầu đời Trần). Mẹ Linh là người Việt còn cha Linh là
người Tàu(Phúc Kiến). Khi Linh khôn lớn người cha mang về Tàu để học vì Linh
rất sáng trí khôn ngoan. Về sau đỗ chiến sĩ (đời nhà Nguyên). Nguyễn Bá Linh
còn học được phép phù thủy nên trở nên kiêu ngạo thường làm nhiều điều phạm phá
và bị triều đình nhà Nguyên xử phạt tử hình. Gặp lúc quân Nguyên đang chuẩn bị
sang đánh Việt Nam.
Nguyễn Bá Linh xin được làm tiên phong để chuộc tội. Vua Nguyên đồng ý. Nhờ tài
phù thủy, Nguyễn Bá Linh thắng nhiều trận nhưng trong trận thủy chiến ở sông
Bặch Đằng, Nguyễn Bá Linh bị một danh tướng của Việt Nam là Yết Kiêu có tài lặn
sâu và lâu dưới nước đêm khuya lẻn lên thuyền bắt sống và dùng dây thừng 5 màu
(dây ngũ sắc trói lại). Nguyễn Bá Linh bị đóng cũi đưa về tỉnh Hải Dương xử
chém. Nhờ phép phù thủy, Linh làm nhiều điều kỳ dị khiến tả đao khiếp sợ không
dám chém vì chém đầu xong thì đầu khác lại mọc ra. Chuyện lạ được cấp báo lên
Hưng Đạo Vương, ngài liền đích thân gặp Nguyễn Bá Linh và và rút kiếm báu của
mình ra phạt ngang một đường trước mặt Linh. Đường gươm vút đi như lưỡi tầm sét
khiến Nguyễn Bá Linh kinh hãi biết mình khó toàn tính mạng nên cất tiếng hỏi:
- Trước khi chết phải dọn mâm cỗ
cho tôi ăn chứ?
Hưng Đạo Vương cả giận thét lên:
- Mày là đồ phù thủy xấu xa, chỉ có
máu huyết đàn bà sinh đẻ đành cho người ăn uống trước khi chết mà thôi.
Nói xong Hưng Đạo Vương trao kiếm
cho Đao phủ để chém đầu. Nguyễn Bá Linh.
Sau khi, Nguyễn Bá Linh chết, đầu
được cho vào cái giỏ mây đem liệng xuống Sông Thanh Lương. Dân chài quẳng lưới
bắt cá thấy đầu Bá Linh mắc vào lưới, lần nào cũng vậy, sợ quá đem chôn ở cạnh
bờ sông. Từ đó Nguyễn Bá Linh thường trở về vùng Đông Triều tác oai tác quái.
Vì căm giận lời nguyền rủa của Hưng Đạo Vương. Nguyễn Bá Linh bắt đầu ám và gây
bất trắc cho phụ nữ trong vùng, Khiến vô số sản phụ bị chứng sản hậu, xuất
huyết, bị bệnh về đường kinh nguyệt và sinh dục và nhất là sinh con yểu tử.
v.v... Đặc biệt nhất là hồn Bá Linh thường đeo đuổi một sản phụ để làm cho hư
thai hay tạo hữu sinh vô dưỡng liên tiếp nhiều lần khiến lắm gia đình phải muôn
vàn đau khổ. Những người tin vào sự tích này đã dùng câu chuyện để giải thích
hiện tượng con ranh con lộn.
Giải Thích Theo Khoa Tử Vi, Lý Số:
Câu chuyện trên tuy chỉ là chuyện
thần thoại mơ hồ nhưng dù sao cũng của người Việt Nam đối với vấn đề con ranh con lộn
vấn đề hình như phổ biến trong dân gian từ xưa đến nay.
Đối với khoa tử vi, bói toán thì
vấn đề con ranh con lộn được giải thích bằng cách cho rằng những đứa con sinh
ra bị chết yểu là do bị phạm vào các giờ kỵ nguy hiểm.
Có 5 giờ đại kỵ gây chết chóc yểu
vong cho con trẻ lúc chào đời
1. Giờ Quan Sát
Khi người mẹ lâm bồn, đứa con sinh
ra phạm vào giờ quan sát thì đứa con này sẽ khó tránh được sự tử vong đến
nhanh. Có khi đứa bé sinh ra được vài giờ thì chết hoặc khi người mẹ chuyển
bụng, hài nhi cũng đã không sống. Trong khoa tử vi, có nói đến cách tính giờ
quan sát. Các nhà bói toán và luận đoán tử vi thường tính giờ quan sát bằng
cách căn cứ vào giờ sinh và tháng sinh của đứa bé để định cát, hung. Theo khoa
tử vi thì mỗi tháng trong năm có một giờ quan sát tương ứng như sau:
Tháng; Phạm giờ quan sát.
Tháng giêng; Giờ Tỵ; Từ 9 giờ sáng
đến 11 giờ trưa.
Tháng hai; Giờ Ngọ; Từ 11 giờ đến 1
giờ trưa.
Tháng ba; Giờ Mùi; Từ 1 giờ đến 3
giờ trưa.
Tháng tư; Giờ Thân; Từ 3 giờ đến 5
giờ chiều.
Tháng năm; Giờ Dậu; Từ 5 giờ đến 7
giờ tối.
Tháng sáu; Giờ Tuất; Từ 7 giờ đến 9
giờ tối.
Tháng bảy; Giờ Hợi; Từ 9 đến 11 giờ
khuya.
Tháng tám; Giờ Tý; Từ 11 giờ đến 1
giờ khuya.
Tháng chín; Giờ Sửu; Từ 1 giờ 3 giờ
khuya.
Tháng mười; Giờ Dần; Từ 3 giờ đến 5
giờ sáng.
Tháng mười một; Giờ Mão; Từ 5 giờ
đến 7 giờ sáng.
Tháng mười hai; Giờ Thìn; Từ 7 giờ
đến 9 giờ sáng.
Nếu đứa bé sinh vào tháng 6 nhằm
vào giờ Tuất tức là bị phạm giờ quan sát. Vì khoa tử vi xuất phát từ Trung Hoa
nên phải tính theo Đông Phương. Vì thế phải đối chiếu với giờ chính thức quốc
tế. Tuy nhiên dù sao đây cũng chỉ là cách giải thích về trường hợp trẻ sơ sinh
bị yểu mệnh theo khoa tử vi mà thôi. Cũng theo cách giải thích này thì nếu may
mắn đứa bé được sống còn thì thường hay bị đau ốm, còi cọt, mặt mày ngơ ngác,
đôi khi tánh nết khó dạy. Vì thế nhiều khi trong dân gian người ta hay bảo đứa
bé nào đó bị quan sát có nghĩa là đứa bé ấy xanh xao còm cỏi (trường hợp này
hoàn toàn khác xa trường hợp đứa bé xanh xao vì thiếu ăn, nghèo khổ).
2. Giờ Kim Sà.
Ngoài giờ quan sát ra, đôi khi đứa
bé chào đời phạm vào giờ xấu gọi là giờ Kim Sà cũng khó ng. Nếu may mắn thoát
được yểu tử thì lại rất khó nuôi vì cứ đau ốm tai nạn hoài. Theo kinh nghiệm
của các người xưa (Trung Hoa và Việt Nam) thì con trẻ phạm giờ Kim Sà khó sống
qua 12, 13 tuổi thường thì khoa tử vi, bói toán còn tìm hiểu thêm sự xung khắc
giữa người mẹ và đứa bé. Nếu bản mệnh (mạng) người mẹ lại khắc bản mệnh người
con và khi đứa bé chào đời lại phạm giờ Kim Sà thì rất khó sống, (ví dụ mẹ mạng
thủy con mạng hỏa, mẹ kim con một, mẹ mộc con thổ, mẹ hỏa con kim). Nếu bản
mệnh người mẹ thuận hợp hay phù sinh cho con thì hy vọng qua khỏi nguy hiểm
tánh mạng nhưng thường khó nuôi, èo ọt. (Ví dụ mẹ mộc con là hỏa (mộc sinh
hỏa), mẹ hỏa con thổ (hỏa sinh thổ), mẹ kim con thủy (kim sinh thủy) mẹ thủy
con một (thủy dưỡng mộc), mẹ thổ con kim (thổ sinh kim). Trường hợp này đứa bé
ít nguy hiểm hơn gọi là phạm vào bàng giờ.
Các tính giờ theo khoa tử vi phải
qua nhiều giai đoạn chuyển hóa về năm, tháng, giờ với lá số tử vi. Sau đây là
sơ lược cách tính của người xưa:
A) sơ đồ về các cung ở lá số tử vi
B) Cách tính giờ Kim Sà:
Trước tiên ghi tên cho đúng ngày
tháng năm sinh giờ sinh của đứa bé sau đó lần lượt tính qua 4 giai đoạn sau:
Gia đoạn 1: gọi cung Tuất trong lá
số là năm tý tinh theo chiều thuận (xem mũi tên và ghi chú) để năm sinh của đứa
bé (ví dụ năm Quý Dậu) đến cung nào trong lá số thì coi cung đó là tháng giêng.
Giai đoạn 2: Từ cung ứng với tháng
giêng đếm theo chiều nghịch lại cho đến tháng đứa bé sinh (ví dụ tháng 4 âm
lịch). Ứng vào cung nào trong lá số.
Giai đoạn 3: Từ cung ứng với tháng
sinh của đứa bé gọi là ngày mùng một lại đếm theo chiều thuận cho đến ngày sinh
của đứa bé trùng với cung nào của lá số thì gọi cung đó là giờ Tý.
Giai đoạn 4: Từ cung ứng với giờ
Tý, đếm theo chiều lại để đến giờ sinh của đứa bé trùng vào cung nào của lá số
thì đó chính là cung tốt hay cung xấu.
Nếu cung này là cung Tuất hay cung
Thìn sẽ rất nguy hiểm cho đứa con trai mới sinh vì gặp đúng giờ Kim Sà. Nếu là
cung Mùi hay cung sửu thì có thể vượt qua nguy hiểm nhưng cũng khó nuôi, dễ bị
đau ốm hoài đó cũng là giờ bàng giờ.
Đối với đứa bé mới sinh là gái thì
nếu gặp cung Tuất hay Thìn thì thoát yểu tử nhưng lại khó nuôi còn nếu phạm vào
cung Sửu, Mùi thì sẽ nguy hiểm vì sẽ nguy hiểm vì đã gặp giờ Kim Sà.
3. Giờ Tướng Quân, giờ Dạ Đề, giờ Diêm Vương
Ngoài giờ bàng giờ ra khoa tử vi
còn cho rằng con trẻ mới sinh phạm giờ Tướng Quân tuy có xấu nhưng không nguy
hiểm đến tính mạng màchỉ có tật khóc đêm, khờ khạo.
Người xưa nhất là các nhà bói toán cho rằng sở dĩ con trẻ hay khóc đêm và khóc
dai là vì khi sinh phạm vào giờ Dạ Đề. Trường hợp cuối cùng cũng đáng quan tâm
mà khoa tử vi đã nêu ra là vấn đề phạm giờ Diêm Vương. Giờ Diêm Vương là giờ
khi mà đứa bé chào đời gặp phải. Thường các nhà bói toán tính theo mùa sinh
tương ứng với giờ xấu Diêm Vương như mùa xuân giờ Sửu và Mùi là phạm, mùa hạ
giờ Thìn giờ Tuất (phạm), mùa thu giờ Tý giờ Ngọ (phạm) mùa đông giờ Mão, giờ
Dậu (phạm). Khi phạm nhằm giờ Diêm Vương, đứa bé lớn lên thường có triệu chứng
lạ lùng hay co giật chân tay, thần kinh bất ổn và đôi khi nói những lời kỳ dị
như bị ma quỷ ám ảnh.
Trên đây là cách giải thích của khoa tử vi, lý số. Về sự yểu mệnh của các con
trẻ. Quả thật cho đến nay, vấn đề vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn. Chỉ biết rằng
theo kinh nghiệm của người xưa, trong dân gian thì các trẻ con mới sinh phạm
nhằm các giờ vừa kể thường khá nuôi và khó thọ. Tuy nhiên câu hỏi lại được đặt
ra là nguyên nhân nào khiến hài nhi chào đời vào giờ đó? Phải chăng đó là sự
tình cờ, là sự tuân theo quy luật chuyển hóa của các giai đoạn thời gian tự
nhiên trong vũ trụ như thụ thai lúc nào thì giai đoạn phát triển phôi thai đến
ngày sinh nở đã định theo đúng chi kỳ thời gian. Nhưng thắc mắc vẫn còn là
không phải luôn luôn lúc nào thai nhi lọt lòng mẹ cũng vẫn đúng chín tháng 10
ngày cả. Vậy tại sao phải đợi đến giờ đó tháng đó năm đó đứa bé mới chào đời?
Các y bác sĩ ở ngành sản khoa cho biết có khi người sản phụ chuyển bụng dữ dội
tưởng sinh ngay tức thì nhưng mãi đến chiều tối hài nhi mới chào đời. Như vậy
giờ phút đứa bé chào đời là ngẫu nhiên hay có một sự sắp xếp huyền bí nào?
Giải Thích Theo Thuyết Nguy Hiểm
Nếu xét về ngày, giờ nguy hiểm, rủi
may thì cho đến nay, các nhà khoa học nhất là các nhà thống kê đã có nhiều khảo
cứ chuyên đề về vấn đề "thuyết những ngày nguy hiểm" mà từ lâu nhà
kinh doanh người Thụy Điển là George Turuman năm 1922 đã nêu ra. Ông cho rằng
có những chu trình khác nhau biến đổi độc lập với nhau trong vũ trụ đem lại
những thời điểm thuận lợi hay bất lợi, tốt lành hay nguy hiểm. Nếu rơi vào đúng
thời điểm nào sẽ bị ảnh hưởng bởi thời điểm hay giai đoạn đó. Vấn đề này tương
ứng với chữ thời của người xưa hay quan niệm về ngày hên xui tốt xấu trong dân
gian.
Theo Tomman thì có những nguy hiểm
khi đường cong của các chu trình mà ông đã trình bày dưới dạng hình Sin đi qua
điểm O hay nói rõ hơn là điểm mà nửa phần dương + của chu trình được thay thế
bằng nửa phần âm rồi sau đó nửa phần âm lại được thay thế bằng nửa phần
dương.v.v...
Tomman đã nêu ra vài việc để chứng minh cho những gì đã xảy ra khi phạm vào
những nguy hiểm như năm 1961. Tổng thống Kenedy của Hoa Kỳ đến thăm Canada.
Hôm 16 tháng 5 ngay lúc buổi lễ long trọng trồng cây truyền thống được diễn ra,
tổng thống Kenedy tự nhiên bị tổn thương ở cột sống theo Tomman thì chính tổng
thống Kenedy đã phạm vào ngày và giờ nguy hiểm lúc một mình ông (vào đúng giờ
phút ấy) cúi xuống trồng một cây tượng trưng. Một sự việc khác xảy ra khi tổng
thống Eisenhawer của Hoa Kỳ tự nhiên lên cơn đau tim nặng vào ngày 26 tháng 11
năm 1957 (theo Tomman ngày giờ này trùng vào ngày nguy hiểm).
Cũng vậy, ngày 21 tháng 7 năm 1961,
một nhà du hành Hoa Kỳ đã suýt chết khi phi thuyền do ông điều khiển hạ cánh
xuống nước và tự nhiên nắp phi thuyền bật mở làm nước tràn vào cái khoang trị
giá 5.000.000 đôla cùng các linh kiện quý hiếm đều chìm xuống đáy biển. Theo
Tomman thì đó là ngày nguy hiểm đối với phi hành gia này.
Từ những nghiên cứu của Tomman, các
nhà thời trị học đã bắt tay vào việc nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề và hy vọng
trong tương lai, lời giải đáp của giới khoa học sẽ giúp làm sáng tỏ hơn các vấn
đề có liên quan đến giờ nguy hiểm như giờ quan sát, giờ kim sà và phần nào giải
đáp một số thắc mắc về con ranh con lộn.
Thật ra vấn đề con ranh con lộn
không riêng gì ở Việt Nam mà trên thế giới cũng thường xuất hiện chứng cớ là
các bệnh viện ở Anh, Pháp, Đức, Nga, Ấn Độ, Hoa Kỳ. v.v... đều có giữ lại trong
các hồ sơ lưu trữ những trường hợp lạ lùng kỳ dị về con ranh con lộn. Theo tiến
sĩ Ian Stevenson thì dấu vết bẩm sinh ở các hài nhi cũng biểu hiện cho trường
hợp con ranh con lộn.
Hai vợ chồng Marius Frères sống tại
Lyon (Pháp) sinh hạ một bé trai vào tháng 2 năm 1950. Đứa bé chỉ sống được ba
tháng thì mất. Đứa con thứ hai sinh vào tháng 12 năm đó (sanh sớm) nhưng cũng
chỉ sống được ba tháng.
Một bác sĩ pháp, ông Maurice quan
tâm hiện tượng này khi thấy đứa con thứ ba của hai vợ chồng Marius Frères lại
sanh sớm hơn các thời gian sanh con bình thường và đứa con này chỉ sống ba
tháng 10 ngày rồi mất. Bệnh viện Lyon lưu trữ
hồ sơ này cuộc khám nghiệm tử thi đứa bé cùng hai tử thi trước đó tiến hành kỹ
lưỡng. Một chuyên viên giải phẫu đã tìm thấy một dấu vết màu xám nâu rất nhỏ
bằng đầu chiếc đũa nằm trong nách đứa bé. Đặc biệt dấu vết này đều xuất hiện ở
cả ba đứa bé và cùng ở tại một vị trí giống nhau là phía trong nách rất khó
phát hiện.
Điều kỳ lạ là trước đó hai vợ chồng
này sống cuộc đời bình dị nếu không nói là nghèo. Nhưng trước khi họ sinh đứa
con đầu lòng độ hai năm thì dân quanh vùng thấy hai vợ chồng ăn xài sang trọng
và mua một xe hơi bóng loáng đắt tiền.
Năm 1953 bỗng nhiên cảnh sát Pháp
ập vào nhà 2 vợ chồng ông bà Marius Frères lục soát và đào bới khắp nơi. Cuối
cùng họ tìm thấy vô số nữ trang và tiền bạc. Nhưng điều kinh dị là dưới lò
sưởi, cảnh sát đào lên xác một người đàn bà bọc trong một tấm drap, khám nghiệm
tử thi, các chuyên viên điều tra thấy một dấu vết thâm tím ở trong nách người
đàn bà ấy. Hai vợ chồng Marius Frères bị bắt. Họ khai là đã dùng độc dược chích
vào nách người đàn bà này sau khi chụp thuốc mê bà ta để đoạt viên kim cương
đáng giá. (Bà này là dì ruột của ông Marius). Hai vợ chồng đã gọi điện thoại
cho bà này và yêu cầu bà đến chơi luôn tiện giúp bà thử nghiệm lại viên kim
cương vì bà ta có nghi ngờ là giả mạo. Ông Marius là một người giàu kinh nghiệm
về kim hoàn vì trước đó mấy năm, ông ta giúp việc cho một cửa tiệm kim hoàn
nhưng bị thải hồi vì tánh ông ta quá thô lỗ cọc cằn.
Tội lỗi hai vợ chồng đã rành rành.
Cuộc điều tra tội phạm khởi sự khi đứa cháu nạn nhân đến khai với cảnh sát là
bà này đã đến Lyon và mất tích không còn liên lạc gì về gia đình cảnh sát đã
phanh dần các mối dây liên hệ và tìm đến nhà hai vợ chồng Marius Frères thăm dò
lần đầu bằng cách đột nhập vào nhà và thấy có những dụng cụ khả nghi cũng như
chất hóa học lạ sau cánh cửa giả. Riêng đối với các bác sĩ theo dõi hồ sơ những
đứa con liên tiếp của ông bà Marius chết yểu và dấu vết lạ lùng xuất hiện ở
trong nách của cả ba hài nhi, họ cảm thấy có cái gì đó hết sức kỳ dị lạ lùng,
đầy vẻ huyền bí khi biết thêm rằng nạn nhân bị chôn vùi dưới lò sưởi cũng có
dấu vết y hệt đó. Tại sao lại có sự trùng hợp hết sức kỳ lạ đó? Đã có sự liên
hệ nào giữa nạn nhân bị giết một cách mờ ám với ba hài nhi này?
Giải Thích Theo Hiện Tượng Luân
Hồi, Quả Báo
Đối với các nhà nghiên cứu về hiện
tượng luân hồi và quả báo thì câu giải đáp chẳng có gì khó khăn mà trái lại bộc
lộ rõ ràng dưới ánh sáng của công lý tự nhiên trong vũ trụ nhân sinh. Trong
thánh kinh có câu: "kẻ nào gieo sự bất công, sẽ gặt điều tai họa"
(châm ngôn 22:8).
Câu chuyện có thật trên đây xảy ra
tại Pháp là chứng cớ hiển nhiên về hiện tượng đầu thai quả báo, trong đó còn
bàng bạc hiện tượng về con ranh con lộn, một hiện tượng xuất hiện không riêng
lẽ ở một quốc gia nào, một hiện tượng có thể gọi là phổ biến. Đối với những nhà
nghiên cứu về tiền kiếp và dùng phương pháp của giấc ngủ thôi miên để tìm về
quá khứ xa xăm của những kiếp người như ông Cayce thì vấn đề còn có thêm những
điểm đáng lưu ý như sau: những linh hồn khi đầu thai thường có sự tự do lựa
chọn nào đó vì thế mà một linh hồn sau khi đã chọn cha mẹ làm phương tiện để
được tái sinh thì khi đầu thai xong có thể cảm thấy thất vọng nơi gia đình đó
nên không còn sự ham sống nữa và dựa vào những cơn đau bệnh bất chợt đến mà đứa
trẻ sẽ dễ dàng lìa đời. Đôi khi sự chết yểu của đứa con lại là một lời nhắn nhủ
để người làm cha hay mẹ soát xét lại những gì mình đã gây ra từ tiền kiếp để có
sự sửa đổi, hoán cải vì sự chết yểu của đứa con là một sự đau thương vô cùng
đối với người làm cha mẹ. Nhất là đối với quan niệm dân gian Việt Nam thì khi
người mẹ có con chết yểu, điều họ nghĩ đến dễ trả lời cho câu hỏi tại sao họ
lại chịu điều bất hạnh là ở tiền kiếp hay ngay trong kiếp hiện tại, có thể họ
đã làm điều gì đó không phải và sự khổ đau thể hiện qua sự kiện đứa con chết
yểu đã là một cảnh báo đáng lưu tâm và đáng phải sám hối, sửa đổi.
Sự kiện con ranh con lộn không phải
chỉ xảy ra vào thời xa xưa mà thật sự như trên đã nói, xảy ra ở muôn nơi và
muôn thuở. Ở Anh, ngay tại thành phố Luân Đôn, có một gia đình gọi là gia đình
Matthew, suốt bốn năm, người mẹ lần lượt sinh bốn người con và người con nào
tới ba tuổi cũng đều lìa bỏ cõi đời cả. Điều kỳ lạ là lần mang thai thứ tư,
người mẹ trước khi chuyển bụng, đang mơ màng trong giấc ngủ bỗng nghe có tiếng
nói thì thầm bên tai, tiếng nói của một đứa bé: "đây là lần cuối
cùng!" và đứa con sinh lần thứ tư này đã chết lúc vừa đúng 3 tuổi. Đến lúc
có thai lần thứ năm, người mẹ rất lo sợ, nhưng sau khi sanh, bà cảm thấy nhẹ
nhõm trong người. Đứa bé vượt qua giai đoạn ba tuổi và sống mạnh khỏe cho đến
tuổi trưởng thành không đau ốm gì cả.
Khi tìm hiểu qua các tài liệu y
khoa, người ta không thấy có giải thích nào rõ ràng cho vấn đề này và giới y
học cho rằng vấn đề người mẹ sinh con liên tiếp trong nhiều năm nhưng những đứa
con này đều chết sớm là do sự lệch lạc nào đó trong khi chúng thụ tinh. Hoặc có
khi người mẹ có mầm bệnh ẩn, lạ, truyền vào người con và đến một thời gian nào
đó tác nhân bệnh mới đủ mạnh để làm hại người con. Tuy nhiên đó chỉ là giả
thuyết vì cho đến nay y học vẫn còn bế tắc trong sự giải quyết về vấn đề con
ranh con lộn này. Đồng bào ở Quảng Trị khoảng năm 1934, 1936 thường biết rõ gia
đình của họ Trần, người chồng là Trần Vĩnh T. và người vợ là bà Nguyễn thị H.
(quê làng Vĩnh Lại, trú tại chợ Sòng). Bà H sinh hạ nhiều lần, chỉ có đứa con
đầu là toàn vẹn không có gì xảy ra, nhưng qua mấy lần sinh sau đứa con nào cũng
đều chết cả. Bà H nghe những lời bô lão trong vùng, làm dấu lên cánh tay đứa
con thứ ba để xem thử có phải bà đang bị trường hợp con ranh con lộn không và
quả nhiên đến lần sanh kế tiếp trên tay hài nhi mới chào đời có dấu hiệu mà
chính người nhà trước đây đã làm dấu ấn lên tay đứa bé trước. Bà mụ lúc đó sợ
quá nổi cả da gà. Đứa bé ấy sau đó cũng chỉ sống một thời gian ngắn và qua đời.
Cả gia đình bà H lúc bấy giờ biết chắc họ có "con ranh con lộn" nên
từ đó lên chùa làm lễ quy y và làm nhiều việc bố thí, mặc dầu ở Quảng Trị ai
cũng biết gia đình bà đối xử tốt với mọi người nhưng có lẽ tiền kiếp của họ đã
tạo ác nghiệp nào đó.
Một câu chuyện có thật khác xảy ra
tại Tân Thạnh Đông (Việt Nam)
đã một thời làm xôn xao dư luận. Bà Phan Thị Bê, 36 tuổi sinh đứa con đầu lòng
mới được 6 tháng thì cháu mất. Không đầy một năm sau, bà Bê lại sanh con thứ
hai, lần này cháu bé chỉ sống được năm tháng rồi cũng qua đời. Người nhà lo sợ
mời thầy cúng nổi tiếng trong vùng đến giải họa vì người chồng của bà Phan Thị
Bê nghi rằng vợ mình bị ma quỷ quấy phá. Khi thầy Ròn đến hỏi sự qua sự việc và
quan sát tướng cách hài nhi, ông thầy đi đến một kết luận: "đây là con
ranh con lộn đích thị rồi!" trước khi đem hài nhi đi chôn cất, thầy Ròn
yêu cầu bà Bê để ông lấy một ngón út ở hai bàn tay trái đứa bé làm bằng chứng
sau này. Thế rồi ông thầy Ròn cáo từ. Bà Phan Thị Bê lại sinh con lần thứ ba và
lần này cũng ở thời gian rất sớm chưa đầy một năm sau khi đứa con thứ hai qua
đời. Hôm đi sanh, bà Bê và người chồng đều tỏ vẻ lo lắng. Khi đứa bé chào đời,
bà Bê đang còn nằm thiêm thiếp thì người chồng đã yêu cầu bà Mụ cho vào xem con
và cái mà anh ta muốn xem trước tiên không phải là gương mặt đứa bé mà là bàn
tay trái của nó. Các ngón tay từ từ được kéo ra và bất đồ, mặt anh ta tái nhợt
vì rõ ràng ngón tay út của đứa bé không có. Nhìn kỹ ngón út như bị teo rút lại
tận bàn tay như là vết seo. Bà mụ (tên là Bà Cam) sau khi biết rõ mọi chuyện đã
cùng với chồng bà Bê hết lời an ủi vỗ về bà Bê. Lần này thầy Ròn lại được mời
đến, ông qua sát bàn tay đứa bé và nói một câu như đóng cột: "chuẩn bị áo
quan cho nó. Nó sẽ ra đi đúng thời gian mà trước đó nó đã ra đi. Đây chính là
con ranh con lộn...)
Quả nhiên sau đó gần 6 tháng, đứa
bé không đau không ốm, chỉ sau một lần bị ọc sữa rồi nhắm mắt lìa đời. Ông thầy
Ròn khi đó mới lập bàn cúng và làm phép trừ tà. Ông khuyên hai vợ chồng bà Bê
tìm một đứa con nuôi và mấy tháng sau bà Bê đã xin được một cháu bé (con lai và
chính nhờ đứa con lai này mà năm 1988 bà cùng chồng và một đứa con trai tên
Long sinh năm 1976 qua Hoa Kỳ đi theo diện con Lai). Sau khi có một đứa con
nuôi, vợ chồng bà Bê phần nào đỡ hiu quạnh nhưng trong thâm tâm họ vẫn mong ước
có một đứa con chính thức của chính họ. Thế rồi tháng tư năm 1976, bà Bê sinh
hạ một cháu trai, lần này hai vợ chồng nhẹ hẳn người vì đứa bé có đủ các ngón
tay ở cả hai bàn tay. Ông thầy Ròn lại được mời tới hỏi ý kiên tức thì vì nhà
ông ở gần đó. Ông thầy Ròn vừa quan sát đứa bé vừa gật gù nói:
"Được rồi! con ranh con lộn
không còn phá nữa, nhưng gia đình ông bà phải làm như vầy...", nói xong
ông bảo người nhà quấn tã cho đứa bé thật ấm và đem một chiếc chiếu nhỏ xếp làm
tư để bên vệ đường gần bụi cây và đặt đứa bé lên chiếu. Một người hàng xóm được
yêu cầu đi ngang qua đó nhờ chút việc và bất đồ người này thấy hài nhi ai để
bên vệ đường. (Dĩ nhiên người này sẽ kêu lên và người nhà sẽ mách nước cho
người ấy ẵm cháu bé lên để được phước và ngay lúc đó chị Phan Thị Bê đã được
ông thầy dặn dò kỹ lưỡng chạy ra xin đứa bé ấy về nuôi). Như thế, dù là con
mình cũng vẫn làm như không phải là con. Đây là phương cách mà người xưa thường
dùng để mong trừ khử chuyện con ranh con lộn.
Quả thật sau đó, cháu bé được mạnh
khỏe và hiện nay đang sống tại Hoa Kỳ.
Hiện tượng con ranh con lộn có thể
xem như đóng vai trò quan trọng và nổi bật trong vấn đề dấu tích luân hồi. Dù
lý luận như thế nào, chứng cớ của sự kiên vẫn rõ ràng. Nhiều người mẹ đã trải
qua giai đoạn đau khổ vì vấn đề con ranh con lộn, có người đã qua đời, có người
vẫn còn sống, họ là những nhân chứng của sự kiện và trong hiện tại cũng như
trong tương lai chắc chắn đã và sẽ còn nhiều trường hợp con ranh con lộn xuất
hiện khắp nơi trên thế giới. Các nhà nghiên cứu về những gì liên quan đến hiện
tượng luân hồi cần lưu tâm đến sự kiện này. Nếu các dấu tích về các vết sẹo,
vết chàm đã được các nhà nghiên cứu như bác sĩ Stevenson, bác sĩ Paricha,
Jeffrey Iverson, bác sĩ Morse... cho là quan trọng thì sự kiện con ranh con lộn
lại càng quan trọng hơn trong vấn đề chứng minh dấu tích luân hồi.
Theo các nhà nghiên cứu về các vấn
đề liên quan đến cõi chết và hiện tượng luân hồi thì từ lâu, con người đã có
thể nhận thấy hình ảnh của quá khứ, của tiền kiếp hay của luân hồi qua nhiều sự
kiện. Không phải chỉ sau khi ông Cayce, một người Hoa Kỳ có khả năng nhìn thấy
những sự việc đã xảy ra trong quá khứ và đã giúp hơn hai nghìn người biết được
tiền kiếp mình (những điều này đã được ghi lại đầy đủ trong cá hồ sơ lưu trữ
tại Virginia) thì con người mới bắt đầu tìm hiểu về vấn đề tiền kiếp, thật sự,
từ thời cổ đại, qua các sách viết về sự chết gọi là Tử thư của Ai Cập và Tây
Tạng thì sự chết, cõi chết và luân hồi liên quan mật thiết với nhau. Ngoài ra
từ kiếp này qua kiếp khác đôi khi có những dấu tích chưa phai mờ, chẳng khác
nào chiếc xe vượt qua một vùng sa mạc thường để lại trên xe lớp cát bám đầy.
Vết tích của quá khứ thường nhiều vô kể, và ở dưới nhiều dạng khác nhau.
Bà Alexandra, một nhà nghiên cứu về
các hiện tượng huyền bí ở Tây Tạng có lần hỏi vị trưởng của một Thiền viện về
vấn đề liên quan dấu tích luân hồi thì được vị này trả lời như sau: "Đôi
khi trong sự luân hồi chuyển kiếp, vẫn còn sự liên hệ gần gũi nào đó rất chặt
chẽ vì thế có nhiều sự kiện ở kiếp này sẽ lưu lại và tiếp nối ở kiếp kế tiếp
bằng hình ảnh, dấu vế không nhưng qua những vật sờ nắm được mà đôi khi còn bằng
dáng dấp cử chỉ, tánh tình, bệnh tật v.v..."
Như vậy, dấu tích luân hồi còn thể hiện dưới nhiều hình thức.