Đời sống
Khai thị khóa tu Phật thất
Tác giả: Thích Nhuận Nghi
30/06/2556 23:48 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày thứ hai
 Tín - Hạnh - Nguyện
 
   Hôm nay là ngày thứ hai của khóa tu, tôi nói với quý vị về Tín–Hạnh–Nguyện.

   Đây là đề tài mà quý vị thường nghe nói đến. Nhưng ở đây, tôi trình bày những chi tiết giúp cho quý vị thấy và hiểu rõ những điểm không giống nhau. Như  nói về Tín thì gồm có Biệt tín và Cộng tín. Biệt tín tức là niềm tin về lý tưởng và pháp môn tu tập của cá nhân mình. Còn Cộng tín là niềm tin của một tập thể một đại chúng, cùng chung lý tưởng và pháp môn tu tập. Đây là năng lượng, là động lực thúc đẩy giúp cho chúng ta tu tập rất nhanh thành tựu.

   Nguyện cũng vậy, gồm có Biệt nguyện và Cộng nguyện. Biệt nguyện tức là chỉ về cá nhân, còn Cộng nguyện nói về tập thể. Cộng tín và Cộng nguyện là điều rất cần thiết đối với một hành giả tu tập. Vì đây là năng lượng được phát sinh từ nơi một tập thể cùng chung lý tưởng hướng đến sự tu tập giải thoát, nên rất quan trọng, nó hỗ trợ cho chúng ta thâm nhập vào trong biển Phật pháp, nên quý vị cần chú ý đến điểm này.

   Còn Biệt tín và Biệt nguyện thì hành giả chuyên tu pháp môn Tịnh độ mà có sự thành tựu thì cần phải đầy đủ hai yếu tố quan trọng này. Nói gọn lại là Tín–Nguyện. Tiếp theo là Cộng tín và Cộng nguyện. Đây là cội gốc vững chắc, được xây dựng từ nơi một đoàn thể vững chắc cùng chung lý tưởng và pháp môn tu tập, để mình phát huy Biệt tín và Biệt nguyện. Nếu hai phần Cộng tín và Cộng nguyện không ổn định, không thanh tịnh thì Biệt tín và Biệt nguyện khó có thể nương tựa và phát huy được. Nói một cách khác là sẽ bị thối chuyển, hoặc biến thành tà kiến theo ngoại đạo.

   A. TÍN 
   a. Cộng tín 
   Thế nào gọi là Cộng tín? Là mọi người cùng tin vào pháp môn tu tập của mình, hoặc là cùng tin vào giáo lý của đức Phật. Người Phật tử chân chánh trước tiên phải tin vào nghiệp báo nhân quả. Nguyên tắc về lý nhân quả nghiệp báo, xin nêu vài loại để giải thích cho quý vị hiểu:

   “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”. Một xã hội nhiễu loạn, bạo hành, độc ác diễn ra hằng ngày. Chánh nhân là do nhiều người không tin nhân quả, họ thích cuộc sống hưởng thụ trước mắt, nên bằng mọi cách tham lam, vơ vét trộm cướp gây tạo các tội nghiệp mà không có phản tỉnh, không tin vào luật nhân quả nghiệp báo, nên mới đưa đến xã hội đầy các thứ tệ nạn là vậy. Phật giáo từ xưa đến nay, luôn đặt luật nhân quả nghiệp báo lên làm đầu, vì đây là một điều vô cùng trọng yếu. Mọi người sống trên quả đất này, ai ai cũng tin vào luật nhân quả nghiệp báo thì nhất định thế giới này sẽ hòa bình, an lạc. Chúng ta là người đệ tử Phật phải biết vấn đề này hơn ai hết. Tu hành là gieo trồng nhân thiện, nhất định được quả thiện. Nếu chúng ta không chịu nỗ lực tu tập nhân thiện, trái lại mong đợi để đạt được quả thiện. Đây chính là rơi vào tà tri, tà kiến của ngoại đạo rồi.

   b. Muốn biết nhân quá khứ, đời này thọ quả gì 
   Có khi chúng ta tu tập hoặc khởi tâm làm việc thiện thì gặp các chướng ngại. Quý vị phải biết đó là những nhân xấu ác do đời trước mình đã gây tạo ra, nên đời này hội đủ nhân duyên đến để đòi ta. Gặp những nghịch cảnh chướng duyên thì ta vẫn thản nhiên chấp nhận, trong tâm không khởi lên những trách móc oán giận mà phải coi đó là sự rèn luyện ý chí cho mình để đi đến giải thoát. Luôn có niềm tin tuyệt đối nơi Tam Bảo và lý tưởng tu hành của chính mình. “Muốn biết quả đời sau. Đời này tạo nhân gì?”. Chúng ta muốn tương lai gặp những kết quả tốt đẹp, thì bây giờ bắt đầu tu tạo tất cả nhân lành, tinh tấn không giải đãi. Như thế, sau này nhất định sẽ thành tựu quả thiện

    c. Tự làm tự thọ 
   Có nhiều người cho rằng, người tu pháp môn Tịnh độ là dựa vào tha lực. Sự thật, chúng ta nhìn theo góc độ luật nhân quả là người tu hành phải lấy tự lựïc làm chủ. Nếu chúng ta nói và hiểu theo một chiều như thế đôi khi phủ nhận lòng từ bi và nguyện lực của Phật và Bồ-tát. Trong các kinh thường nói, nguyện lực và lòng từ bi của Phật và Bồ-tát giống như ánh sáng mặt trời chiếu soi hết tất cả vạn vật. Vạn vật nhờ đó mới tồn tại ở thế gian này. Người cảm nhận ân đức đó thì chẳng có gì phải nói, vì cầu hay không cầu đều chẳng có gì sai khác cả. Nhưng chúng sinh nào chẳng cảm nhận được sự gia trì bằng tâm từ bi của Phật và Bồ-tát là vì nghiệp chướng họ quá sâu dầy, tất nhiên họ chẳng nhận được ân huệ đó, giống như họ ở trong ngôi nhà kín không thấy được ánh sáng mặt trời. Người tu hành muốn tiêu trừ nghiệp chướng, điều tất nhiên là phải có sự nỗ lực tu tập và chuyển hóa những đau khổ phiền não nơi tự thân của chính mình, dùng trí tuệ để quán sát, tịnh hóa những hành vi của chính mình thì nghiệp chướng mới tiêu trừ được. Cho nên nói, tự mình nỗ lực là nhân, có sự gia trì của tha lực là duyên. Nhân và duyên hòa hợp với nhau mới thành, mới giúp ta tiêu trừ nghiệp chướng và tựu được quả thiện. Nhưng đứng về phương diện tu hành mà nói, điều trước tiên phải tự mình nỗ lực tinh tấn tu hành, đây mới là điểm trọng yếu.

   Vừa rồi là nói người tu học Phật cần phải đầy đủ đức tin, nhất là đối với hành giả tu pháp môn Tịnh độ phải đầy đủ Tịnh tín và Biệt tín.

   * Thế giới Ta-bà này, còn gọi là ngũ trược ác thế, tức là bị năm thứ ác trược làm ô nhiễm. Mà có sự ô nhiễm là do có nhân làm cho ô nhiễm, nên mới có quả ô nhiễm ở thế giới này. Vì vậy, người muốn thành tựu việc vãng sinh thì phải chuẩn bị trước nhân vãng sinh thì mới thành tựu được quả Tịnh độ. Mọi người đồng vãng sinh về Tịnh độ, đây là nhân quả Cộng tín, còn một mình thì gọi nhân quả Biệt tín.

   * Muốn biết thế giới Ta-bà này, nên quán chiếu quá khứ tạo nhân gì?

   Quý Phật tử hôm nay về tu khóa Phật thất này, có ai biết vì sao mình sinh vào thế giới Ta-bà này không? Là do vô minh, luyến ái nên mới sinh vào thế giới Ta-bà này. Ở thế giới này có gì để mình an vui đâu. Hằng ngày, trên thế giới luôn xảy ra rất nhiều tai ương, như thiên tai, động đất, chiến tranh v.v… đủ chuyện bất an. Đó là do đời trước, bị vô minh vọng động gây tạo ra các loại ác nghiệp nên bây giờ chiêu cảm quả báo như thế. Đã gây tạo nhân xấu ác, thì kết thành quả xấu ác, khó tránh khỏi được. Bản thân trong mỗi chúng ta cũng thế, nhiều kiếp trôi lăn trong lục đạo luân hồi thì cũng không tránh khỏi những chuyện gây tạo ác nghiệp. Vì vậy, trong khóa tu này, chúng ta có thời sám hối để giúp cho chúng ta thức tỉnh và tiêu trừ những nghiệp chướng xưa. Trong khóa nghi sám hối có bài kệ:
“Đệ tử gây tạo nhiều nghiệp xấu,
Qua nhiều kiếp tham, sân, si
Từ thân miệng ý phát sinh ra,
Nay đệ tử thành tâm cầu sám hối”.

   Sám hối những nghiệp xấu ác ở quá khứ mà mình đã gây tạo ra. Nay thức tỉnh được những hành vi sai lầm đó mà phát tâm cải chánh, để cho thân tâm dần dần đi đến thanh tịnh, trong sạch.
“Muốn được quả Tịnh độ.
Đời này làm việc gì?”.

   Người muốn vãng sinh về Tịnh độ, hiện giờ ngay trong thế giới Ta-bà này, tu tạo các công đức, học tập trí tuệ, chí thành khẩn thiết đem tất cả phước đức, trí tuệ hồi hướng về Tịnh độ. Hồi hướng có nghĩa là phát nguyện cầu về Tịnh độ.

   * Tự làm tự thọ 
    Quý vị gieo nhân Tịnh độ nhất định được quả Tịnh độ, đây là nhân quả, nguyên tắc là như thế. Có người hỏi tôi rằng: “Nếu như con đời này nỗ lực tu trì pháp môn Tịnh độ, nhưng đến khi lâm chung mà không được vãng sinh thì tất cả công phu tu hành coi như mất hết phải không?”. Nếu các vị mang tâm trạng đắn đo ngần ngại như thế thì chứng tỏ quý vị chưa thấu hiểu đạo lý nhân quả một cách rõ ràng. Theo luật nhân quả mà nói thì mình gieo giống gì thì gặt quả đó. Như thế, khi quý vị có tâm huyết tu trì thì không bao giờ uổng phí những gì quý vị đã gieo.

   Đã gieo nhân Tịnh độ, nhất định sẽ thành tựu quả Tịnh độ. Chẳng những trong ba bộ kinh Tịnh độ đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã nói, mà trong kinh điển Đại thừa cũng ca ngợi tán thán. Chúng ta càng tin những lời chỉ dạy trong kinh mà áp dụng tu tập. Theo nguyên lý nhân quả, chúng ta khẳng định một người tu nhân tịnh, thì người đó được kết quả tịnh. Mọi người tu nhân tịnh, thì tất cả được kết quả tịnh, thì ngay đây hình thành thế giới Tịnh độ. Chúng ta tin vào lời dạy và những tấm gương của các bậc cổ đức tu trì chỉ dạy. Thuở quá khứ, Tỷ-kheo Pháp Tạng cũng thế, đã phát ra lời nguyện thanh tịnh để nhiếp thọ vô số chúng sinh, nên thành quả Tịnh độ thế giới trang nghiêm thù thắng. Như hiện nay ở chùa Thiên Ân chúng ta mở khóa tu Phật thất, trên được chư tôn đức Hòa thượng quan tâm và được nhiều Phật tử hộ trì cùng nhau tu tập thì tương lai sẽ hình thành một cõi Tịnh độ nhỏ tại nhân gian này. Từ điểm này, chúng ta suy rộng ra ngoài thế giới Ta-bà này ra, chúng ta tin rằng có vô số thế giới Cực Lạc vô cùng trang nghiêm thù thắng. Bởi vì mọi chúng sinh cùng tu tập pháp môn Tịnh độ, thì càng có nhiều thế giới Tịnh độ trang nghiêm thù thắng. Đây là nguyên tắc nhân quả, quý vị tư duy điều này tự nhiên sẽ rõ ràng. Nói một cách nghiêm túc rằng: Người không tin thế giới Tịnh độ, thì người đó chẳng thấu hiểu đạo lý nhân quả một cách rõ ràng. Có người nói trong kinh A-hàm nguyên thủy, Phật không nói pháp môn Tịnh độ, rồi chê bai, bài báng Tịnh độ. Thật ra, những người này chẳng hiểu về lý nhân quả nghiệp báo một cách thấu triệt.

    Theo nguyên tắc nhân quả mà nhìn Tịnh độ thì chúng ta thấy rất tin tưởng, chẳng có gì phải nghi ngờ cả. Lòng tin này, nếu ở trong cảnh thuận thì không có vấn đề gì để nói. Điều quan trọng khi gặp nghịch cảnh cũng chẳng một niệm thối thất. Vừa rồi, trình bày cho quý hiểu về nhân quả nghiệp báo Cộng tín và nhân quả nghiệp báo Biệt tín, đều là điểm trọng yếu của Tín.

   B. NGUYỆN 
    Từ Cộng nguyện đến Biệt nguyện. Tiếp theo nói về Cộng nguyện  tức là Bồ-đề nguyện. Bồ-đề tức là giác ngộ, cũng tức là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Nên nói: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”.

   Thượng cầu Phật đạo tức là tự giác, hạ hóa chúng sinh là giác tha, cùng với tứ hoằng thệ nguyện mới đi đến quả vị viên mãn. Mà muốn tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn tức là Cộng nguyện. Muốn thành tựu được quả vị thì phải hình thành Biệt nguyện, tức là cầu về Tịnh độ để tu luyện mới thành tựu được. Bởi vì tu hành ở thế giới Ta-bà này, các duyên xấu ác quá nhiều, làm chướng ngăn con đường đi đến Thánh đạo, nên khó có thể thành tựu được. Đặc biệt, thọ mạng con người ngắn ngủi, thành ra càng thêm chướng ngại. Có khi chúng ta tu tập chưa thành tựu thì đã chết rồi. Khi bỏ thân này, đời sau thọ thân khác, sẽ quên hết nhân tu hành đời trước. Đời sau khó gặp duyên lành mà tu hành tiếp tục được, thật là một điều rất. Nên nói: “Bồ-tát còn mê khi cách ấm”, vì vậy, phát Bồ-đề tâm hành Bồ-tát đạo để cứu độ chúng sinh. Muốn cứu độ chúng sinh phải tìm nơi nào tu luyện hợp với lý tưởng giải thoát của chính mình, thì không đâu bằng ở thế giới Tịnh độ, không môi trường nào tốt bằng cõi Phật A-di-đà. Ở đó tu hành, có mấy điều kiện thuận lợi thù thắng như sau:

   1. Phật hiện thân nói pháp
   Kinh Phật thuyết A-di-đà nói: “Cõi nước Cực Lạc đó, có đức Phật hiệu là A-di-đà, hiện đang thuyết pháp” (kỳ độ hữu Phật thuyết pháp hiệu A-di-đà, kim hiện tại thuyết pháp). Quý vị thấy đó, Phật Thích-ca Như Lai thị hiện ở cõi Ta-bà, nay Ngài đã nhập Niết-bàn rồi. Nên chúng ta cần phải cầu về đó gần Phật nghe pháp tu hành.
 
   2. Nhiều bậc Thiện tri thức 
   Trong cõi nước của Ngài, có rất nhiều vị tu hành trong một đời đã thành tựu quả vị giác ngộ và được bổ xứ đi giáo hóa các nơi trong mười phương thế giới chẳng thể dùng con số tính biết được. Trên cõi nước Cực Lạc đó có rất nhiều bậc thượng nhân tri thức, mà thế giới Ta-bà càng ngày càng ít. Nên những nhân duyên thù thắng như thế giúp ta tu hành rất nhanh thành tựu so với thế giới Ta-bà này. Ở thế giới Cực Lạc, các bậc Thiện tri thức hướng dẫn mình tu hành đúng chánh pháp.

   3. Đời sống dễ dàng
   Ở cõi Cực Lạc, mọi sinh hoạt thọ dụng tự nhiên mà có, chẳng phải kinh doanh buôn bán vất vả như cõi Ta-bà này. Thế giới Ta-bà chúng ta, tốn nhiều thời gian, tâm trí lo làm ăn kiếm tiền sinh sống, đôi khi vì tiền, vật chất mà tạo vô số ác nghiệp.

   4. Ác duyên không có
   Ở thế giới Cực Lạc không có duyên xấu ác, làm chướng ngăn con đường tu đạo của chúng ta. Thế giới đó, có duyên lành là các loài hữu tình, vô tình đều hộ trì trợ duyên, nên chúng ta dễ thành tựu đạo nghiệp. “Lại có các loài chim ngày đêm sáu thời hót ra âm thanh vi diệu để diễn nói các pháp Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát Thánh đạo phần”. “Cõi nước của đức Phật kia có các hàng cây báu thổi mát, và phát ra những âm thanh vi diệu. Giống như trăm ngàn loại âm nhạc cùng lúc vang lên. Người nghe âm thanh này đều chí tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.

   Cho nên, cầu sinh về Tịnh độ, có những nhân duyên thù thắng như thế sẽ trợ giúp cho chúng ta tu tập nhanh thành tựu quả vị Phật. Sau đó mới thể nhập Ta-bà, hóa độ vô số chúng sinh. Giống như những sinh viên đi du học ở nước ngoài, học tập những kiến thức, kinh nghiệm để sau này trở về lại quê hương phục vụ lợi ích cho dân tộc, quốc gia, xã hội. Nếu như chúng ta ngộ nhận rằng, cầu sinh về cõi Tây Phương Tịnh độ, vì thế giới đó an vui hơn thế giới Ta-bà nên về đó để hưởng thụ sự vui sướng hoặc là trốn tránh khổ nạn ở thế giới Ta-bà, quan niệm như thế thì pháp môn Tịnh độ và hành giả tu Tịnh độ đã sai lệch, càng chẳng đủ tư cách là pháp môn tu tập của Đại thừa.

   Vừa rồi, tôi trình bày cho quý vị hiểu về Cộng nguyện và Biệt nguyện đều do phát Bồ-đề tâm tu Bồ-tát đạo nguyện sinh về thế giới Tây Phương Tịnh độ. Nguyện thì dễ phát nhưng duy trì nguyện đó cho lâu dài thì rất khó. Nếu như mình sống ở thế gian làm ăn tạo dựng sự nghiệp thuận lợi, tình cảm vợ chồng thương yêu nồng ấm thì rất dễ quên đi lời phát nguyện. Đây cũng là một chướng ngại làm chúng ta khó thâm nhập giáo lý Phật pháp và tu tập tiến bộ được. Các bậc cổ đức nói rằng:
“Vinh hoa chung thị tàn canh mộng 
Phú quý hoàn đồng cửu nguyệt sương”.
“Vinh hoa rốt cuộc như giấc mộng,
Phú quý hoàn đồng bóng nguyệt sương”.

   Chúng ta phải hết sức tỉnh giác, đừng để ma ngũ dục che mờ đạo tâm. Con người chúng ta sở dĩ bị đau khổ, không ngoài năm thứ ngũ dục lạc (tài, sắc, danh, thực, thùy). Khi con người bị trói buộc vào những thứ ngũ dục lạc này thì không có cách gì vãng sinh về Tây Phương được. Con người bị khổ là do không chịu buông bỏ những thứ ngũ dục kia xuống, vì không chịu buông bỏ nên bị khổ. Phật hiện thân tới tiếp dẫn mà chúng ta chưa chịu buông bỏ. Vậy khi chúng ta buông bỏ thì có được vãng sinh không? Tất nhiên là được! Do đó, người phát nguyện vãng sinh, đầu tiên phải cảm nhận thật thấu đáo về bản chất của thế giới Ta-bà này. Nếu dính mắc, chấp trước, lập tức phải buông xuống toàn bộ mới được vãng sinh. Khi sống, nguyện thì không chịu phát, chân đứng trên hai chiếc thuyền, do dự lưỡng lự thì đau khổ đến thì không có đỡ kịp! Khi tai họa đến thì kêu ai cứu? Chỉ có kêu trời Phật cứu thôi. Đôi khi, có người kêu tiếng Phật cũng không được nữa. Dù quý vị lúc đó có vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng, giàu sang tột đỉnh cũng đành chịu thôi, những người thân không ai cứu quý vị lúc đó đâu. Cho nên, quý vị hiện tại phải tinh tấn niệm Phật tu hành, chuẩn bị tư lương cho mình.

   5. Hành trì tu tập
   Có người cho rằng, niệm Phật là dùng năm căn: tai, mắt, mũi, lưỡi, thân để niệm. Vấn đề này rất quan trọng. Quý vị nên biết, năm căn trước cùng với Đệ lục ý thức (thức thứ sáu) đều sinh diệt tương tục. Nếu áp dụng năm căn mà niệm Phật thì không giúp cho quý vị được sự an định. Quý vị biết con người khi sắp lâm chung, năm căn này cùng Đệ lục ý thức lúc đó chẳng còn hoạt động được. Nếu lúc bình thường quý vị chỉ chấp vào cách niệm Phật này, tức là dụng năm giác quan và ý thức để niệm. Vậy khi lâm chung, các giác quan này không hoạt động thì lúc đó quý vị niệm Phật bằng cách nào? Bây giờ làm sao đây? Điều chủ yếu của người tu Tịnh độ là gì? Là lấy Tín–Nguyện–Hạnh làm cơ sở tu tập để huân tập vào trong tạng thức tức là A-lại-da, còn gọi là thức thứ tám, gieo vào đó chủng tử niệm Phật thanh tịnh chứa nhóm trong đó. Theo Duy thức học nói: “Đệ thức bát (thức thứ 8) hằng mà không thẩm, hằng là không có gián đoạn”, tức là liên quan đến sống và chết, tồn tại sự tác dụng của nó. Nếu tiếp nhận những nhân và chủng tử thanh tịnh, thì nhất định nó sẽ dẫn dắt nghiệp thức của chúng ta vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Căn cứ theo Duy thức học mà nói, chủng tử chứa nhóm trong thức thứ 8, hiện hành ra làm 3 loại:
   - Ý thức.
   - Căn thân: mắt, tai, mũi, lưỡi…
   - Khí thế gian: vạn sự vạn vật ở bên ngoài

   Do đó, người niệm Phật phải lấy Tín–Nguyện–Hạnh làm căn bản. Khi niệm Phật, làm sao phải chí thành gieo chủng tử Phật vào chứa nhóm, vào Tạng thức (thức thứ 8). Những người không học Phật thì chẳng biết điều này. Khi quý vị hiểu được điều này rồi, chẳng cần phải đợi đến lúc lâm chung mới mong vãng sinh, mới gặp Tịnh độ. Bởi vì khi mình gieo nhân tịnh càng nhiều thì lực lượng quả tịnh càng lớn trong tâm mình. Nên các bậc cổ đức nói: “Tâm tịnh thì quốc độ tịnh”. Đặc biệt là gieo càng nhiều chủng tử tịnh vào tạng thức thì điều kiện vãng sinh Tịnh độ rất dễ dàng. Muốn có năng lực huân tập thì theo Duy thức học là do Tâm sở–Tư, là một trong năm tâm sở biến hành. Vì tác dụng của Tâm sở–Tư  nó làm động lực thúc đẩy thân tâm đi đến hành động. Tất cả các kết quả đều từ Tâm sở–Tư này mà thành tựu. Cho nên, Tín cần phải có sự kiên cố, Nguyện cần phải phát nguyện thanh tịnh. Khi sức huân tập vào bên trong càng nhiều thì càng đưa đến niềm tin vào ý chí dõng mãnh dứt khoát trong tâm chúng ta. Khi quý vị hiểu rõ vấn đề này rồi, chẳng cần phải lo lắng, lâm chung có được chánh niệm hay không? Ở đây, xin nói rõ rằng, khi quý vị nắm chắc về phương pháp tu trì như vậy, đòi hỏi quý vị có nỗ lực thực tập hay không? Nếu quý vị không tu tập thì đến khi lâm chung sẽ đưa đến việc mất chánh niệm, đó là một điều đáng buồn.

          A-di-đà Phật!