1. Đầy đủ Tín–Nguyện là điều kiện vãng sinh
Ở đây, nói hành giả tu pháp môn Tịnh độ, nếu đã chuẩn bị tín tâm và nguyện lực đầy đủ, thì điều kiện vãng sinh nhất định thành tựu. Điều kiện này không khó, điều quan trọng phải có tín tâm và nguyện lực, thì người nào cũng được vãng sinh Tây Phương hết. Nhưng thực tế việc này chẳng phải đơn giản, nguyên nhân chính yếu là tín tâm không vững bền, nên dễ thối chuyển, nguyện lực chẳng có thiết tha thống thiết thì cũng dễ tiêu mất. Do đó, vấn đề này không chỉ đầy đủ Tín–Nguyện sau đó mới được vãng sinh, mà Tín–Nguyện có duy trì thật kiên trì và lâu dài hay không.
2. Dựa vào định huệ biết được phẩm vị cao thấp
Sau khi vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc là dựa vào phước huệ của mỗi người đã tu mà biết được phẩm vị cao thấp. Nếu người tu phước đức chưa đủ thì chứng trí huệ chưa cao, nhưng Tín–Nguyện đầy đủ thì phẩm vị của người đó đại khái là Hạ phẩm. Nếu phước đức đầy đủ mà trí tuệ chẳng cao thì phẩm vị vãng sinh tương ứng với Trung phẩm. Bởi vì chỉ có phước đức và trí tuệ đầy đủ mới sinh vào Thượng phẩm. Sau đây, tôi sẽ trích dẫn một đoạn kinh trong năm bộ kinh chính của Tịnh độ để chứng minh hai câu nói này.
Theo kinh A-di-đà:
1. Tín–Nguyện: “Các ông đều nên tín nhận lời của Ta và những lời chư Phật đã nói…”, “nếu có tin thì nên phát nguyện, sinh về cõi nước kia…”. Đây là lời nói nhấn mạnh muốn về thế giới Tây Phương Cực Lạc phải có Tín và Nguyện.
2. Phước huệ: “Chẳng có thể do một chút căn lành phước đức nhân duyên mà được sinh về cõi nước kia…”, “chấp trì danh hiệu nhất tâm bất loạn”. “Người này lúc lâm chung, tâm chẳng điên đảo”. Ở đây, tuy nói về phước huệ, nhưng quý vị chưa rõ được phẩm vị cao thấp.
Tiếp theo, tôi sẽ trích trong kinh Quán Vô Lượng Thọ.
3. Tín nguyện: Đức Phật A-di-đà đã phát ra 48 lời nguyện có liên quan đến vấn đề vãng sinh như sau:
* Nguyện thứ mười tám: “Khi Tôi thành Phật, muời phương chúng sinh chí tâm ưa thích, muốn sinh về cõi nước Tôi, niệm đến mười niệm, nếu chẳng sinh về được thì Tôi chẳng thủ ngôi Chánh Giác. Chỉ trừ năm tội ngũ nghịch, bài báng chánh pháp”. Ở đây, cũng nói chúng sinh nào chỉ cần có tâm thành ý thích, niệm mười niệm tức khắc được vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc.
* Nguyện thứ mười chín: “Nếu Tôi được thành Phật, trong mười phương chúng sinh, phát Bồ-đề tâm tu tất cả công đức, chí tâm phát nguyện muốn sinh về nước Tôi. Khi lâm chung, Tôi cùng các Thánh chúng không hiện đến trước mặt người ấy thì Tôi chẳng thủ Chánh Giác”. Ở lời nguyện này, nói tất cả chúng sinh, nếu đã chí thành quy mạng cầu sinh về Tây Phương Tịnh độ, lại tạo tất cả công đức thì khi lâm chung, nhất định Phật và Thánh chúng hiện thân trước mặt để tiếp dẫn vãng sinh Tịnh độ.
* Nguyện thứ 20: “Nếu Tôi thành Phật, mười phương chúng sinh nghe danh hiệu Tôi, chuyên niệm tên Tôi, gieo trồng tất cả công đức, chí tâm hồi hướng cầu sinh về nước Tôi. Nếu chẳng được thành tựu thì Tôi chẳng thành Chánh Giác”. Nguyện này nói tất cả chúng sinh nếu nghe danh hiệu Phật, chí thành tha thiết cầu sinh về Tây Phương Tịnh độ, nhất định sẽ thành tựu.
Vừa rồi, tôi trích ba lời nguyện của Phật A-di-đà trong 48 lời nguyện thì cuối cùng nhấn mạnh đến Tín và Nguyện là điều kiện vãng sinh. Chỉ cần hành giả đủ hai yếu tố trên thì nhất định sẽ thành tựu. Còn ở trong kinh Vô Lượng Thọ, có một đoạn như thế này: “Tất cả chúng sinh, nghe danh hiệu của Ngài, tín tâm vui mừng, chỉ niệm một niệm rồi chí tâm hồi hướng, nguyện sinh về cõi nước kia, tức khắc được vãng sinh. Chỉ trừ năm tội ngũ nghịch, bài báng chánh pháp”. Tóm lại, những điều kinh đã nói, chỉ cần Tín và Nguyện thì nhất định được vãng sinh.
4. Phước Huệ: Theo như kinh Vô Lượng Thọ đã nói, có ba hạng người tu trì cầu vãng sinh về Tây Phương Tịnh độ thì ba hạng người đó, theo kinh Vô Lượng Thọ còn gọi là Tam bối.
a- Thượng bối: Là người bỏ hết ngũ dục thế gian, xuất gia làm Sa-môn, phát tâm Bồ-đề, một lòng chuyên niệm Vô lượng thọ Phật, tu tất cả công đức, nguyện sinh về cõi nước kia.
b- Trung bối: Chí tâm nguyện sinh về cõi nước kia, tuy chưa xuất gia làm Sa-môn, nhưng tất cả công đức, phát tâm cầu Vô Thượng Bồ-đề, chuyên tâm niệm Vô lượng thọ Phật, tu tất cả điều thiện, thọ trì trai giới, tạo lập tháp tượng, bố thí cúng dường cho chư Tăng, treo tràng phan đốt đèn, rãi cúng hương hoa, tất cả đều hồi hướng nguyện sinh cõi nước kia.
c- Hạ bối: Chí tâm cầu sinh về cõi nước kia, giả sử chẳng có thể tạo công đức, mà phát tâm cầu Vô Thượng Bồ-đề, nhất tâm chuyên ý, cho đến mười niệm, niệm Vô lượng thọ Phật, nguyện sinh về cõi nước kia. Nếu nghe pháp hoan hỷ tin nhận vui thích, chẳng có nghi ngờ, cho đến một niệm, về cõi nước kia, với chí thành tâm nguyện về nước kia.
Qua đoạn kinh vừa rồi, chúng ta biết, người xuất gia tu phước đức trí huệ thì gọi là thượng bối. Kế đến là người tại gia tu các việc bố thí, trì giới, cúng dường… thì gọi là trung bối. Sau cùng là người không có nhân duyên tốt như hai hạng người vừa nêu, nhưng với tâm thành phát nguyện, niệm Vô lượng thọ Phật, thì cũng được vãng sinh và gọi là hạ bối.
Tiếp theo là kinh Quán Vô Lượng Thọ
Nếu có chúng sinh, nguyện sinh về cõi nước kia, phát ba loại tâm, tức được vãng sinh. Thế nào là ba loại tâm? Thứ nhất là chí thành tâm, thứ hai là thâm tâm, thứ ba là hồi hướng phát nguyện tâm. Đầy đủ ba tâm như thế nhất định sẽ sinh về nước kia. Kế nữa, người sinh về nước kia, phải tu ba loại phước: Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự Sư trưởng, từ tâm không sát sinh, tu thập thiện nghiệp. Hai là thọ trì Tam quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi. Ba là, phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh Đại thừa, tinh tấn tu hành. Ba việc như thế, gọi là Tịnh nghiệp. Ba đời chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai thành tựu quả vị do tu chánh nhân Tịnh nghiệp.
Theo Quán kinh nói rằng: “Sau khi vãng sinh về Tây Phương có chín phẩm vị”.
1. Thượng phẩm Thượng sinh: Là do từ tâm không sát sinh, đầy đủ giới hạnh, siêng năng đọc tụng kinh điển Đại thừa Phương đẳng, tu hành Lục độ, hồi hướng phát nguyện (người này về đến Tây Phương, dự vào tòa Kim Cang thấy sắc thân Phật, các tướng đầy đủ, nghe Phật thuyết pháp, liền chứng ngộ Vô sinh pháp nhẫn).
2. Thượng phẩm Trung sinh: Chẳng có đọc tụng kinh điển Đại thừa nhưng khéo giải nghĩa lý trong kinh, thấu nhập đệ nhất nghĩa đế, tâm chẳng dao động, tin sâu nhân quả, chẳng hủy báng Đại thừa (người này được ngồi vào tòa sen vàng, khi sen nở ra, nghe Phật nói thâm nghĩa, trải qua bảy ngày, đắc bất thối chuyển, trải qua một tiểu kiếp chứng được quả Vô sinh pháp nhẫn).
3. Thượng phẩm Hạ sinh: Tin nhân quả, chẳng khinh chê kinh điển Đại thừa, phát tâm cầu Vô thượng đạo (người này ngồi vào tòa sen vàng, một ngày một đêm hoa sen nở ra, trải qua bảy ngày, lại được thấy Phật, ba đến bảy ngày sau, thấy được bản tâm, trải qua tam tiểu kiếp, trụ vào hoan hỷ địa).
Quý Phật tử thấy điều kiện căn bản vãng sinh về Thượng phẩm đều do tin sâu Đại thừa mà phát Bồ-đề tâm. Trong đời sống hiện tại, chỉ có tín giải rồi đi đến hành chứng, tự độ, độ người, trí tuệ viên mãn, mới được vãng sinh về Thượng phẩm Thượng sinh.
4. Trung phẩm Thượng sinh: Người thọ trì năm giới, tám ngày trai giới, tu tất cả giới, không gây tạo năm tội ngũ nghịch, không tạo các tội lỗi, dùng những căn lành hồi hướng vãng sinh (người này sau khi vãng sinh vào đài hoa sen, hoa sen vừa nở, nghe pháp Tứ đế, tức thời chứng A-la-hán, Tam minh Lục thông, đầy đủ Bát giải thoát).
5. Trung phẩm Trung sinh: Nếu người nào một ngày một đêm trì Bát quan trai giới, Sa-di giới, Cụ túc giới, oai nghi không bị thiếu khuyết (người này sau khi vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, ngồi vào hoa sen báu, trải qua bảy ngày, hoa sen nở ra, nghe pháp chứng quả Tu-đà-hoàn, qua nữa kiếp chứng được quả A-la-hán).
6. Trung phẩm Hạ sinh: Người này, hiếu dưỡng cha mẹ, ở đời làm những việc nhân từ. Lúc lâm chung gặp được Thiện tri thức, khai thị nói về cảnh giới thù thắng của thế giới Tây Phương Cực Lạc (người này sau khi vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc, trải qua bảy ngày, nghe Bồ-tát nói pháp, chứng đắc quả vị Tu-đà-hoàn, qua một tiểu kiếp, chứng đắc quả vị A-la-hán).
Vừa rồi là nói ba bậc trong Trung phẩm Thượng sinh. Người nào muốn thành tựu được phẩm vị vãng sinh, thì hiếu dưỡng cha mẹ, có tâm từ ái với tất cả chúng sinh, không gây tạo nghiệp sát, tu tất cả hạnh và hành trì giới luật, thì nhất định khi vãng sinh sẽ dự vào Trung phẩm.
7. Hạ phẩm Thượng sinh: Người gây tạo các ác nghiệp, tuy không chê bai hủy báng kinh điển Đại thừa. Nhưng gây tạo các ác pháp khác, không có tâm tàm quý hỗ thẹn. Nhưng khi lâm chung, gặp Thiện tri thức khai thị giảng nói một chữ của đề kinh trong mười hai bộ kinh điển Đại thừa, liền cung kính chắp tay xưng niệm Nam mô A-di-đà Phật (người này sau khi mạng chung sinh về Tịnh độ, ở trong hoa sen qua 49 ngày, hoa sen nở ra, nghe hai vị Bồ-tát nói pháp, qua mười tiểu kiếp, chứng nhập vào Sơ địa).
8. Hạ phẩm Trung sinh: Nếu có người hủy phạm năm giới, tám giới và Cụ túc giới, trộm cắp các đồ vật của Tăng chúng, bất tịnh thuyết pháp không biết tàm quý, tạo các ác nghiệp mà giả dạng trang nghiêm. Khi lâm chung, gặp các bậc Thiện tri thức, giảng thuyết về hạnh nguyện của Phật A-di-đà mà phát khởi tín tâm chí nguyện thiết tha thì liền được giải thoát (khi vãng sinh về Tịnh độ, người này ở trong hoa sen, qua sáu tiểu kiếp hoa nở ra gặp Bồ-tát Quán Âm và Bồ-tát Thế Chí nói pháp mà phát Bồ-đề tâm tu tập).
9. Hạ phẩm Hạ sinh: Có người gây tạo các điều bất thiện, phạm các tội ngũ nghịch, thập ác. Khi mạng chung, gặp các bậc Thiện tri thức khai thị chỉ dạy niệm Phật, nghe rồi chí tâm xưng niệm khiến âm thanh không dứt, đầy đủ mười niệm (khi vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc, đủ mười hai kiếp hoa sen mới nở, nghe hai vị đại Bồ-tát thuyết pháp mà phát khởi đạo tâm).
Vừa rồi, quý vị thấy tiêu chuẩn những người vãng sinh về Hạ phẩm, tuy họ làm những việc bất thiện, nhưng khi mạng chung, gặp bậc Thiện tri thức, giáo hóa làm cho họ thức tỉnh, ăn năn sám hối, Tín–Nguyện đầy đủ, chí tâm xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà được vãng sinh về Hạ phẩm.
Kinh Lăng-nghiêm quyển thứ năm, chương Đại Thế Chí Bồ-tát Niệm Phật Viên Thông nói, hành giả niệm Phật phải có những điểm căn bản sau:
a. Tín–Nguyện: Người niệm Phật cũng như con luôn nghĩ đến mẹ. Mẹ khi nào cũng nhớ đến con. Mẹ con đồng cảm thì chẳng có xa nhau. Người niệm Phật cũng thế, nhớ Phật niệm Phật hiện tại và tương lai, nhất định sẽ thấy Phật. Quý Phật tử biết những người thành tựu như thế là do Tín–Nguyện đầy đủ, khi nào cũng nhớ Phật niệm Phật thì nhất định được vãng sinh.
b. Hành trì: Do niệm Phật nhất tâm, chứng nhập pháp Vô sinh pháp. Niệm Phật thâu nhiếp sáu căn, Tịnh niệm tương tục, đắc Tam-ma-địa, đó là đệ nhất. Người niệm Phật được nhất tâm thì thành tựu phước đức. Đòi hỏi công phu phải miên mật, Tịnh niệm phải tương tục không gián đoạn.
Kinh Hoa nghiêm, phẩm Bồ-tát Phổ Hiền hạnh nguyện nói:
a. Tín–Nguyện: “Khi lâm chung, tất cả các căn, thảy đều hủy hoại, chỉ có chí nguyện vương này, chẳng xa lìa. Vì sao chẳng xa lìa? Vì do tất cả thời, tâm nguyện hướng về Phật. Trong một Sát-na, tức được vãng sinh về thế giới Tây Phương Tịnh độ”. Đoạn này nói, hành giả niệm Phật, thâu nhiếp nguyện của mình huân tập sâu vào tâm, đến khi lâm chung, do nguyện lực đó quá mạnh chỉ hướng đến đạo, lập tức vãng sinh về thế giới Tây Phương Tịnh độ.
b. Hành Trì: Theo Mười đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền.
Một, lễ kính chư Phật
Hai, xưng tán Như lai
Ba, rộng tu cúng dường
Bốn, sám hối nghiệp chướng
Năm, tùy hỷ công đức
Sáu, thỉnh chuyển Pháp luân
Bảy, thỉnh Phật trụ thế
Tám, thường tùy Phật học
Chín, hằng thuận chúng sinh
Mười, phổ đồng cúng dường.
Qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy rõ ràng Tín–Nguyện là điều kiện quyết định việc vãng sinh. Nghe vậy có người hỏi: “Đúng thật chỉ có Tín–Nguyện chắc vãng sinh Tây Phương không?”.
Đáp: Như trước đã nói, có niềm tin chân chánh là trước phải tin sâu nhân quả. Người có lòng tin nhân quả thì luôn tích cực nỗ lực làm tất cả việc thiện, xa tránh điều ác tự lợi, lợi tha. Có câu rằng: “Buông dao đồ tể, lập tức thành Phật” là vậy. Nguyện chân chánh, do từ phát Bồ-đề tâm mà thành tựu. Nguyện sinh về Tây Phương Tịnh độ, sau khi ngộ được pháp sinh nhẫn, dương thuyền từ quay lại Ta-bà cứu độ chúng sinh. Do lòng tin chí thành, lời nguyện thiết tha nên dứt trừ các phiền não khổ đau nghiệp chướng sinh tử nhiều đời. Giống như băng đá gặp lửa tức liền hóa nước, đêm đen gặp ánh sáng sẽ tỏ rõ. Vì vậy, người không được vãng sinh là người không đủ Tín–Nguyện. Mà có được tâm thành tín này thì đâu phải chuyện dễ dàng. Có số người miệng thì niệm Phật lớn tiếng cầu vãng sinh, nhưng tất cả những việc ở cõi Ta-bà này gì cũng tham đắm dính mắc, chẳng chịu buông xả. Nếu chẳng buông xả thì làm sao nói đầy đủ Tín–Nguyện được? Làm sao nói đến chuyện vãng sinh!
Kế nữa là: “Dựa theo phước báu mà biết được phẩm vị cao thấp”. Nếu có chúng sinh quá khứ đã gây tạo năm tội ngũ nghịch, phá giới phạm Tăng, đáng đọa vào ba đường ác. Sau ăn năn chí thành sám hối các ác nghiệp xưa, phát nguyện trì tụng danh hiệu Phật A-di-đà hồi hướng công đức đó về Tây Phương. Sau khi mạng chung, cũng được vãng sinh về Cực Lạc mà là Hạ phẩm.
Lại có người do lòng tin chí thành, tâm nguyện thiết tha tu tạo phước báu nhân thiên, như bố thí, cúng dường, trì giới, tu định… Đem tất cả công đức đó hồi hướng về Tây Phương Tịnh độ. Người này sau khi mạng chung, sẽ vãng sinh về Tây Phương Tịnh độ và dự vào Trung phẩm.
Lại có người phát Bồ-đề tâm tu trí huệ vô lậu, khéo giảng giải kinh điển Đại thừa, tự lợi lợi tha, đem tất cả công đức đó hồi hướng phát nguyện. Sau khi mạng chung, người này sẽ vãng sinh về Tịnh độ, dự vào Thượng phẩm.
Vừa rồi, tôi trình bày quý Phật tử thấy: “Dựa vào phước báu chúng ta biết được người đó sinh về Tây Phương được phẩm vị cao hay thấp”. Người thành tựu như thế là do phát tâm Đại thừa, trì danh hiệu Phật đầy đủ Tín–Nguyện. Tiếp theo là phát tâm tinh tấn tu tạo phước huệ, tinh tấn tu tập thấy được bản tâm thanh tịnh mà thành tựu phẩm vị.
Có người cho rằng: “Chỉ cần đến Tây Phương Tịnh độ là tốt, dù được dự vào Hạ phẩm Hạ sinh cũng không sao”. Thưa: “Quý Phật tử nói như vậy là không đúng! Nếu nói như thế thật chẳng đúng! Chúng ta là hành giả của Đại thừa, phát tâm cầu Vô thượng đạo mới đúng thật là Đại thừa. Nếu chí khí hạ liệt, tâm tánh khiếp nhược, chẳng phải là người của Đại thừa. Hành giả trì danh niệm Phật, cho đến tham cứu Phật tánh, mới là người niệm Phật Đại thừa, thế mới xứng đáng hoa sen Thượng phẩm, rộng làm lợi ích cho trời người. Chúng ta phải tinh tấn tu tập vươn lên, làm lợi ích cho mọi loại chứ không để an phận, nghĩ như thế thật là sai lệch!”.