Ngày thứ năm
Ý nghĩa sâu xa của câu A - Di - Đà Phật
và thế giới Tây Phương
Hôm nay là ngày thứ năm của khóa tu. Tôi sẽ nói cho quý vị về đề tài Ý nghĩa sâu xa của câu A-di-đà Phật và thế giới Tây Phương. Và trong đây, tôi nêu ra mấy điểm sai lệch của người hành trì pháp môn niệm Phật dễ vấp phải sai lầm.
Quý vị Phật tử biết, tại sao thế giới Cực Lạc ở phương Tây mà chẳng ở phương Đông, phương Bắc? Tại sao cõi nước kia có Phật tên là A-di-đà? Quý vị biết chữ “Tây” của thế giới Tây Phương là chỉ phương hướng, ngoài ra còn có ý là chỉ cho tâm của chúng ta. Quý vị thấy mặt trời mọc ở phương Đông mà không mọc ở phương Tây. Vì Đông là điểm khởi đầu, đại biểu cho tu hành khi còn ở nhân địa phải phát Bồ-đề tâm tu mọi công đức. Hướng Tây là điểm cuối, tượng trưng cho kết quả viên mãn. Như ánh sáng Vô lượng thọ, Vô lượng quang của Phật A-di-đà cùng với cảnh y báo chánh báo trang nghiêm ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là thành tựu kết quả phước huệ viên mãn. Cho nên, cầu vãng sinh Tây Phương tức là cầu quả vị thù thắng và vô cùng viên mãn. Có rất nhiều người tu Tịnh độ, do chẳng hiểu Tây Phương thật đúng nghĩa? Do đó, khi tu tập hành trì có sự sai lệch và đây là điều sai lệch thứ nhất.
Bởi vì muốn thành tựu quả vị giác ngộ thì ngay trong nhân địa, phải nỗ lực tu hành, vun bồi công đức. “Bồ-tát tạo nhân, chúng sinh tạo quả”. Bồ-tát là bậc trí, khi còn nhân địa thì nỗ lực gieo nhân, khi nhân duyên chín mùi thì tự nhiên thành tựu. Trái lại, chúng sinh thì trông mong kết quả viên mãn mà chẳng chịu tinh tấn gieo những nhân lành khi còn trong nhân địa, mà cứ trông kết quả thì làm sao có được, cho nên, cứ mãi là chúng sinh. Chúng ta thấy được điều này thì ngay bây giờ nỗ lực mà tu hành, chẳng cần phải dùng tâm so đo tính toán mong cầu quả vị. Quý vị hiện tại cứ tích cực gieo nhân lành, nhân giải thoát thì mọi việc sẽ đến và thành tựu. Nhiều người tu Tịnh độ trong lòng lại lo lắng chẳng biết mình có vãng sinh hay không? Vấn đề này sao chẳng tự hỏi lại mình bây giờ có nỗ lực tu hay không. Khi nhân địa chuẩn bị kiện toàn rồi thì tự nhiên quả vị sẽ viên mãn.
Quý vị hãy nhìn rộng ra những tệ hại của người tu các tông phái hiện nay. Rất nhiều người khi mới vào tu thì vội vã mong cầu chứng đắc mà nhân địa chẳng chịu tu hành. Họ đi khắp nơi giảng dạy mọi người tu pháp môn “tức khắc khai ngộ”, “chứng ngay quả vị” làm việc đại đạo. Những người như thế, bên ngoài tuy mặc y Phật, thật ra là trùng trong thân Sư tử, chỉ làm bại hoại gia môn của Phật giáo, làm lụn tàn thiện căn của chúng sinh mà thôi. Vì sao vậy? Vì Phật pháp là khế lý, khế cơ mà giảng dạy. Nhân địa chẳng lập hạnh, chẳng chịu tu tập mà vội vã mong cầu thành tựu quả vị chứng ngộ thật là một điều hết sức sai lầm.
1. Tu học là trải qua quá trình từ Đông sang Tây
Ở trong kinh Phật, đã có Tịnh độ Đông phương, cũng có Tịnh độ Tây Phương. Từ Đông sang Tây chính là từ nhân đến quả, là con đường phước huệ song tu, con đường thực hành lý tưởng Bồ-tát đạo để thành tựu quả vị giác ngộ. Như trong kinh Duy Ma Cật, ở Đông phương có thế giới tên là Diệu Hỷ của Phật A Súc Bệ. Diệu Hỷ tức là hàng Bồ-tát Thập địa chứng vào Hoan hỷ địa, cũng chính là nhân nơi kiến đạo mà chứng được pháp hỷ sung mãn. A Súc Bệ là chỉ cho trí bất động của Phật, tức là: “Phật tánh, pháp tánh, không tánh, tánh đó trùm khắp hư không pháp giới, thường hằng bất sinh bất diệt, cho nên gọi là bất động”.
Chữ Tánh trong Phật pháp rất rộng. Ở đây, Phật tử chúng ta hiểu là tùy theo thời gian không gian mà không biến hóa, dù ngoại cảnh có chuyển biến như thế nào. Muốn rõ được điểm này, đòi hỏi hành giả phải thấy lý vô ngã. Do vô ngã nên chẳng chạy theo ngoại cảnh mà động tâm khởi niệm. Bởi vì chẳng có động, cho nên gọi là Bất động trí Phật.
Cho nên nói, quá trình tu học từ Đông phương sang Tây Phương, điều trước tiên cần phải thấy chân lý của Phật pháp, còn gọi là thấy đạo. Khi thấy đạo tiến tới tu đạo, sau cùng đi đến chứng đạo viên mãn. Đây là từ Đông phương sang Tây Phương. Người tu pháp môn Tịnh độ, điều quan trọng đầu tiên là phải kiến đạo (tức là dùng trí tuệ dứt trừ phiền não, nhận thức được sự đau khổ ở cõi đời này và phát nguyện niệm Phật cầu về Tây Phương), rồi đi đến cầu vãng sinh.
Nếu quý vị cho rằng kiến đạo (thấy chân lý) cùng với Tín–Nguyện và chứng quả là một, người hành trì pháp môn Tịnh độ như thế là một điều sai lệch thứ hai.
2. Huyền nghĩa của Phật A-di-đà
Trong đây, ai cũng biết A-di-đà Phật là Phật có ánh sáng vô lượng (Vô lượng quang), thọ mạng vô lượng (Vô lượng thọ). Nhưng tại sao gọi là Vô lượng thọ, Vô lượng quang? Ánh sáng là đại biểu cho trí huệ vô lượng, thọ mạng đại biểu cho phước đức viên mãn. Do đó, Vô lượng quang, Vô lượng thọ là chỉ cho phước huệ đầy đủ viên mãn. Cho nên, gọi Phật là bậc lưỡng túc tôn, tức là bậc phước huệ vẹn toàn. Tóm lại, hành giả niệm Phật A-di-đà là tự mình tinh tấn phát tâm tu tập, thành tựu trí huệ vô lượng, công đức vô lượng. Đó mới là người chân chánh niệm Phật A-di-đà. Khi nhận thấy vì sao mình phải cầu vãng sinh thì vào công phu, phải lấy Tín–Nguyện làm căn bản, nỗ lực phước huệ song tu. Nếu miệng chỉ niệm Phật A-di-đà mà chẳng tu phước huệ thì thật chẳng phải là người chân thật niệm Phật. Miệng niệm Di-đà mà làm việc chẳng phải Di-đà. Người tu pháp môn Tịnh độ như thế là một điều sai lệch thứ ba.
3. Hữu lượng Vô lượng
Tiến thêm một bước nữa, nói về chữ “Vô lượng” của Phật A-di-đà. Đây là số rất lớn chẳng có thể tính đếm được. Chữ “Vô lượng” lại còn có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. “Vô lượng” tức là phi lượng, nghĩa là chẳng có gì so sánh được, cũng chẳng phải nhiều, chẳng phải ít. Bởi vì nhiều hay ít là do tâm phân biệt mà có. Có tâm phân biệt nên có hạn có lượng, đạt tới vô phân biệt mới gọi vô lượng vô hạn. Do chẳng phân biệt mới đúng thật là trí bất động.
Tâm chẳng phân biệt, không phải tâm như cây cỏ, gỗ, đá không hay không biết gì cả, mà tâm đó giống như đại dương bao la thâu nhiếp trăm sông, rộng chẳng ngằn mé, bao dung hàm chứa tất cả. Do dung chứa tất cả nên phước đức mới lớn. Do lượng lớn nên không phiền não, trí huệ thâm diệu sáng ngời. Nói vô lượng năng dung là chỉ cho tâm thanh thản thì ở đâu cũng thanh tịnh, ở đâu cũng Tịnh độ, nhìn mọi người đều là Phật A-di-đà. Như thế mới đúng thật là người chân chánh niệm Phật. Ngược lại, dùng tâm phân biệt hơn thua, được mất. Ngồi Đông mong Tây, sợ khổ thích vui. Tu để mong về Tịnh độ chẳng có hạnh nguyện gì thật là một điều sai lầm thứ tư.
4. Cảm nhận về thế giới Cực Lạc
Chữ “Cực” ở đây, quý Phật tử chúng ta phải hiểu nó mang một ý nghĩa rất thù thắng siêu việt. Niềm vui thù thắng siêu việt gọi là Cực Lạc. Niềm vui không thể diễn tả hết được khác với cái vui thông thường. Như trong cảnh thiền định, vào được Sơ thiền gọi là Ly sinh hỷ lạc địa, Nhị thiền là Định sinh hỷ lạc địa, Tam thiền là Ly hỷ diệu lạc địa, đều có cảm nhận sự vui vẻ, nhưng đến Tứ thiền trở lên gọi là Xả niệm thanh tịnh địa. Cái vui thù thắng siêu việt từ Tam thiền trở lên gọi là Cực Lạc, chính do tâm thanh tịnh không phân biệt mà được như thế.
Là hành giả tu Tịnh độ, chúng ta không nên ngộ nhận cái vui của thế gian cho là cái vui Cực Lạc. Theo pháp thế gian mà nhìn, khổ vui đều nằm trong sự tương đối, có khổ mới có vui. Ví như do bệnh mà khổ, khi hết bệnh là vui; khi mất thì khổ, lúc được thì vui. Còn thân thể khỏe mạnh tráng kiện mà mất đi thì không tránh khỏi đau khổ. Ở thế giới Cực Lạc không bị khổ vui chi phối, đương nhiên sống ở thế giới Ta-bà này, ai ai cũng chịu chi phối như những khổ đau trong cõi này. Vậy, muốn hưởng vui phải chịu khổ rồi mới tới vui.
Vui ở Cực Lạc, vui ở Niết-bàn, chẳng phải như cái vui của ngũ dục ở đời, cũng chẳng phải cái vui như ngoại đạo cầu sinh thiên. Cho nên, người đệ tử Phật, người tu Tịnh độ phải có cái nhìn thấu suốt chỗ này, để thấy những cái vui giả tạo ở đời mà đi vào thì thật uổng phí, bị trôi lăn mãi trong vòng sinh tử lục đạo luân hồi. Quý vị đừng cho cái vui của ngũ dục và cái vui ở thế giới Cực Lạc là một. Hành giả Tịnh độ nào mà có cái nhìn như thế thì thật là sai lầm thứ năm.
A-di-đà Phật!