Ngày thứ ba
Từng bước hành chứng pháp môn niệm Phật
Hôm nay là ngày thứ ba của khóa tu, tôi nói cho quý vị những kinh nghiệm tu tập với đề tài là: “Từng bước hành chứng pháp môn niệm Phật”.
Hôm qua tôi nói về Tín–Nguyện–Hạnh. Về Hạnh, chủ yếu là phải có chánh tín. Nguyện là huân tập chứa nhóm chủng tử thiện vào trong tạng thức của chúng ta. Phương pháp huân tập này như thế nào? Hôm nay tôi sẽ nói rõ cho quý vị về đường hướng tu huân tập của pháp môn niệm Phật.
Pháp môn Tịnh độ lấy ba điều trọng yếu trong việc tu tập, đó là Tín–Nguyện và Hạnh. Nhưng theo truyền thống Phật pháp, khi một hành giả tu tập thì trải qua bốn giai đoạn là: Tín, Giải, Hành, Chứng. Riêng pháp môn Tịnh độ đi từ Tín đến Nguyện rồi quy về Tín và bao quát tất cả Giải, Hành và Chứng.
1. Giải
Tức là người tu Tịnh độ phải hiểu rõ ràng pháp môn và đường hướng tu tập của mình. Khi niệm Phật, trước hết quý vị phải quán chiếu và hiểu rõ Phật nơi từng chi tiết qua bốn phương diện như sau:
a. Tên Phật
Trong Phật pháp, có rất nhiều danh hiệu của các vị Phật và các Bồ-tát ở khắp tận hư không pháp giới mà chúng ta chấp trì, như Phật A-di-đà, Phật Thích-ca, Bồ-tát Quán Âm, Văn-thù, Địa Tạng v.v… Trong các kinh, như kinh A-di-đà hoặc kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn, có nói đến việc trì danh hiệu, phương pháp niệm Phật. Kinh A-di-đà có nói: “Nếu người nam lành, người nữ lành, nghe nói về Phật A-di-đà, liền trì niệm danh hiệu của Ngài từ một ngày đến hai ngày… nhất tâm bất loạn”, hoặc như trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn, nói rằng: “Chúng sinh nên tin nhận và trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm”, có giải thích rất rõ ràng công dụng việc trì niệm danh hiệu các Ngài. Quý Phật tử nên tham khảo qua các kinh trên.
b. Tướng Phật
Quán tưởng hình tướng tốt đẹp quang minh của Phật. Tất cả danh hiệu đều từ nơi tướng sinh ra. Giống như tên các loài cây, hoa ở thế gian, người ta đặt tên an lập từng loại để chúng ta biết. Nhờ danh hiệu chúng ta biết tướng của từng loại hoa. Người trì niệm danh hiệu Phật cũng thế, nên quán 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Phật để phát khởi tín tâm tu tập. Theo kinh Hoa Nghiêm nói rằng, Phật có 97 tướng đại nhân, vô lượng hình tướng tốt đẹp. Pháp môn Tịnh độ là phương pháp hành trì dựa vào quán tưởng hình tướng mà trì niệm. Điều này trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng.
c. Phật đức
Trì niệm và quán tưởng công đức của Phật. Tất cả tướng tốt của Phật đều do công đức mà hình thành. Phật có tướng tốt trang nghiêm là do ở đời quá khứ đã tạo vô số công đức, thực hành hạnh Lục độ Vạn hạnh nên mới thành tựu hảo tướng quang minh như thế. Như tướng nhục kế trên đảnh đầu, nhân tu trí huệ mà hiển hiện ra như vậy. Quý Phật tử tu tập mà muốn thành tựu, điều quan trọng là khi mình trì niệm danh hiệu Phật, còn phải quán tưởng công đức của Phật. Công đức của Phật nói tóm lại có ba phần chính.
* Trí đức:
Phật là bậc Nhất thiết trí, vì Ngài tu tập thành tựu được trí tuệ vô cùng tối thắng viên mãn. Trí của Phật bao gồm Tổng tướng trí và Biệt tướng trí. Tổng tướng trí là trí hiểu biết thông suốt tất cả lý thế gian, Biệt tướng trí là hiểu biết từng tướng mạo, danh hiệu, nhân duyên, gốc ngọn của mỗi loại, mỗi vật không giống nhau. Cho nên gọi Phật là Nhất thiết trí, Đạo chủng trí, Nhất thiết đại chủng trí.
* Đoạn đức:
Phật là người đã đoạn trừ tất cả phiền não sinh tử và nghiệp chướng tập khí. Cho nên, Phật giải thoát tự tại, thần thông vô ngại.
* Ân đức:
Phật có ân đức rất lớn với chúng sinh. Khi còn ở trong nhân địa, Ngài đã làm những việc khó làm, nhẫn những việc khó nhẫn, như cắt da lóc thịt cho chim thú, dâng hiến thân mình cho hổ báo… vì chúng sinh nên Ngài tu tập thành quả vị giác ngộ. Sau khi thành tựu quả vị Phật, suốt 49 năm, giảng kinh thuyết pháp để dẫn dắt khuyến phát chúng sinh tu tập vượt thoát sinh tử, mở bày rất nhiều phương tiện để độ vô số chúng sinh căn tánh trình độ không giống nhau, nhằm giúp chúng sinh thâm nhập tri kiến Phật. Như Tỷ-kheo Pháp Tạng vào đời quá khứ, khi tu hành đã phát 48 lời nguyện để độ sinh. Như thế, qua vô số kiếp tu hành khó nhọc, cuối cùng thành tựu được thế giới Cực Lạc thù thắng trang nghiêm để tiếp đón vô số chúng sinh. Chúng sinh ở thế gian này, nếu đầy đủ Tín–Hạnh–Nguyện nên cầu sinh về cõi nước Ngài để tu tập. Do vậy, ân đức của Phật đối với tất cả chúng sinh trong thế gian này vô cùng rộng lớn.
d. Phật tánh
Bổn tánh chư Phật và chúng sinh giống nhau. Như trước đã nói, tất cả các công đức đều nơi tự tánh mà lưu xuất. Chúng ta tu tập cũng từ nơi tự tánh mà khởi tu mới thành tựu công đức viên mãn được. Bởi vì người thực hành pháp môn niệm Phật, từng bước phải hiển lộ Phật tánh nơi mình. Sao gọi là Phật? Phật có nghĩa là giác, giác gồm có năng giác và sở giác. Ví dụ như người khi động tâm khởi niệm, động niệm này do đâu mà khởi? Có người cho rằng là do tâm. Mà tâm đó như thế nào? Như thế mà tham cứu, nếu tham cứu ra rồi thì lúc đó nói thấy được Phật tánh của mình. Trong pháp môn Tịnh độ có bài kệ hồi hướng: “Nguyện sinh Tây Phương Tịnh độ trung, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, hoa khai kiến Phật ngộ Vô sinh, bất thối Bồ-tát vi bạn lữ”…
Vô sinh này, tức là Phật tánh, là thể của tâm, bản tâm chẳng sinh, chẳng diệt. Dù cảnh giới hiện tượng biến hóa đổi dời, nơi bản tâm không hề bị động, đây còn gọi là Vô sinh pháp nhẫn.
Khi nói về pháp môn niệm Phật, chẳng những chỉ trì danh hiệu Phật mà còn phải quán tướng hảo của Phật, nghĩ đến công đức của Phật, ngộ được bản tánh của Phật. Tổng hợp lại như thế mới hoàn chỉnh pháp môn niệm Phật. Nếu người niệm Phật không quán và thấy được trí tuệ công đức của Phật thì chưa sinh khởi tín tâm và lập nguyện tu niệm một cách thống thiết được.
Trong các kinh, nói Phật có ba thân, là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Nếu ngộ bổn tánh Phật thì hành giả đó niệm được pháp thân Phật, luôn nhớ niệm ân đức Phật, quán tướng hảo của Phật là người này niệm báo thân Phật, cho đến chấp trì danh hiệu tức là niệm hóa thân của Phật. Danh hiệu của Phật có rất nhiều tên gọi, là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn… Trong kinh Hoa nghiêm, có “Phẩm danh hiệu Như Lai”. Danh hiệu Như Lai vô lượng vô biên, do căn cơ chúng sinh không đồng nhau, cho nên các Ngài ứng hiện rất nhiều danh hiệu sai khác. Vì vậy, danh hiệu là thế, ứng thân, hóa thân cũng thế. Tóm lại mà nói, cần phải thâm nhập kinh tạng, mới hiểu rõ Phật là thế nào, khi ấy mới có thể tu hành viên mãn pháp môn niệm Phật được.
2. Hành trì danh hiệu Phật
Tiếp theo, xin giới thiệu cùng quý vị phương pháp hành trì. Công phu tu tập thành tựu kết quả tốt đẹp hay không, điều quan trọng mỗi người phải chân thành tu tập. Khi quý vị đề khởi lên một câu Phật hiệu, đó như lời nhắc nhở mình là đệ tử Phật. Đã là đệ tử Phật thì mình phải có những đức hạnh gì giống Phật đây? Mỗi thời khóa tu tập xong hoặc trong một ngày mình giành một chút ít thời gian để kiểm tra phản tỉnh lại mình, cái gì nên gạt bỏ, cái gì nên phát huy. Người niệm Phật quý ở nhất tâm, khi niệm Phật phải chánh niệm từng câu Phật hiệu, khắc chế những vọng niệm, những tâm tưởng phan duyên chạy theo cảnh trần. Công phu như thế lần đi đến nhiếp tâm, ba nghiệp thanh tịnh.
1. Tướng Phật: Một người bình thường tuy không được 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp như Phật, nhưng thực hành giới luật, cũng khiến cho họ có một oai nghi đoan chánh, phong cách trầm tỉnh an nhàn, như thế cũng khiến cho mọi người phát khởi tín tâm và đạo tâm.
2. Phật đức: Nương theo lời dạy của Phật, nỗ lực thực hành phước huệ song tu, dựa vào Tam học là trì giới, tu định, chứng huệ. Hoặc dựa vào Tứ diệu đế để biết khổ, đoạn trừ nguyên nhân tích tập của khổ, rồi phát khởi tâm tu tập, chứng được kết quả an vui giải thoát. Hoặc dựa vào Lục độ, Bát chánh đạo… nương vào những lời dạy của Phật mà thực hành, để thành tựu các công đức.
3. Phật tánh: Chúng ta tu pháp môn niệm Phật chỉ lấy việc trì danh là chính, còn quý vị nào muốn biết về Phật tánh thì nên dùng pháp tham thiền.
3.Chứng:
Pháp môn Tịnh độ thường hay nói đến Tín–Nguyện–Hạnh, rất ít nói đến chứng ngộ. Nhưng thực tế đến chỗ hoàn chỉnh pháp môn Tịnh độ cũng qua thứ lớp tu chứng từ cạn đến sâu. Đây tôi sẽ đưa ra lộ trình tu cho quý Phật tử thấy rõ:
Tín–Nguyện–Hạnh đầy đủ - (đến) chấp trì danh hiệu - (đến) mỗi niệm rõ ràng - (đến) thân tâm khinh an - (đến) nhất tâm bất loạn -(đến) Niệm Phật Tam-muội - (đến) trong thấy được Phật tánh, ngộ được bản tâm, ngoài thấy được Tịnh độ.
Người tu pháp môn Tịnh độ trước tiên phải có niềm tin kiên định, mới hộ trì cho nguyện lực của mình được. Có một số người khi tu pháp môn Tịnh độ, tự cho mình đầy Tín–Nguyện–Hạnh rồi, nhưng khi gặp những nghịch cảnh chướng duyên, thậm chí bị năm thứ ngũ dục lạc tài, sắc, danh, thực, thùy liền đánh mất Tín–Nguyện của họ. Những người như thế chẳng gọi là đầy đủ Tín–Nguyện. Nếu người đầy đủ Tín–Nguyện bước vào chấp trì danh hiệu, khiến mỗi câu Phật hiệu tương tục chẳng gián đoạn và tán loạn. Càng niệm càng sáng suốt, mỗi câu, mỗi chữ, mỗi niệm đều rõ ràng, tai nghe rõ từng tiếng. Như thế, mỗi niệm tương tục, từ vọng niệm thô dần giảm bớt, đến lỗi trong quá khứ chẳng nhớ, tương lai cũng chẳng lo buồn rầu, tất cả chuyện nhân ngã thị phi cũng không màng đến, những chuyện thương ghét, giận hờn đều vượt thoát khỏi, thân tâm an nhàn tự tại. Sau khi thân tâm an nhàn tự tại, vẫn tiếp tục dụng công tu tập để tịnh hóa những vọng niệm vi tế, như thế mới thể nhập vào cảnh giới nhất tâm bất loạn. Khi đạt tới trình độ nhất tâm bất loạn, trong không dụng công, ngoài thấy sơn hà đại địa, những âm thanh pháp trần như mưa rơi, nước chảy đều là danh hiệu Phật, thành tướng Phật, thành y báo chánh báo trang nghiêm của thế giới Tịnh độ. Ở trong cảnh giới nhất tâm bất loạn, tuy không dụng công tu hành, nhưng quán biết các pháp như mộng như huyễn, tất cả đều do tâm biến hiện, mà ngộ được Vô sinh pháp nhẫn, thấy được Thật tướng Phật, Thật tướng tức là Vô tướng. Ngoài thấy hiển hiện quốc độ của Phật, bên trong ngộ được Phật tánh, đó là Niệm Phật Tam-muội. Tóm lại mà nói, đạt được Niệm Phật Tam-muội là do định và huệ mà thành tựu. Người thật sự đạt được Niệm Phật Tam-muội là người ngộ được Phật tánh nơi chính mình.
4. Phương tiện chẳng phải cứu cánh
Vừa rồi, tôi trình bày cho quý vị rõ từ việc trì danh niệm Phật cho đến ngộ được Thật tướng Phật. Ngoài ra, pháp môn trì danh niệm Phật còn bao hàm tất cả mọi căn cơ, không giới hạn về mặt thời gian và không gian, trong mọi công việc sinh hoạt cũng niệm được. Đây là pháp môn tu tập rất dễ dàng và tiện lợi. Nhưng phương tiện dù hay thế nào cũng chưa phải là cứu cánh rốt ráo. Chỗ đi đến rốt ráo là thấy được Thật tướng Phật tánh ở nơi mỗi người. Ở đây, nói hành giả sau khi trì danh niệm Phật nên thâm nhập kinh tạng, tham cứu Phật tánh, từng bước nâng cao và thể hội chứng nghiệm giáo pháp nhiệm mầu của đức Phật bằng sự tu tập của mình. Đó mới thật là pháp môn niệm Phật giúp cho quý vị một niềm tin và động cơ thúc đẩy quý vị tu tập đến viên mãn.
Vào thời nhà Tống, Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ, người đời gọi Ngài là hóa thân Phật A-di-đà đến cõi Ta-bà này, Ngài chẳng những là bậc đại triệt đại ngộ mà còn thấy được Thật tướng Phật. Vậy mà mỗi ngày, Ngài trì hơn mười vạn câu danh hiệu Phật, làm một trăm lẻ tám các thứ công đức. Các sách Tịnh độ cũng có nói nhiều về Ngài. Có các bậc Đại đức khi xiển dương pháp môn Tịnh độ nói rằng: “Trì một câu Phật hiệu là đủ cả!”.
Tôi nghĩ đây là vấn đề rất lớn cần phải xem lại, trong Phật pháp có một câu nói vô cùng trọng yếu: “Nhiều nhân duyên sinh ra pháp” nghĩa là một việc gì mà thành tựu phải hội đủ rất nhiều yếu tố nhân duyên. Tuy Phật pháp chú trọng về nhân quả, nhưng nhân quả chẳng phải một nhân rồi sinh ra một quả, mà rất nhiều yếu tố nhân duyên hội đủ mới thành kết quả. Do đó, quả vãng sinh Tây Phương Tịnh độ chẳng phải chỉ một nhân đơn thuần là trì danh mới thành tựu. Trong kinh A-di-đà có câu: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sinh bỉ quốc (chẳng phải lấy một chút nhân duyên phước đức mà sinh về nước kia), cũng chính là ý này.
Quý Phật tử biết Phật giáo ở vào thời nhà Đường vô cùng hưng thịnh, mà đến triều Tống về sau dần dần suy yếu vì lý do gì? Bởi vì từ đời Tống về sau, phần nhiều các bậc Thiền sư dạy người “chỉ đề một câu thoại đầu”, còn bên Tịnh độ phần nhiều các bậc Đại đức cũng đề xướng “chỉ trì một danh hiệu Phật”. Ngoài ra, không làm chuyện gì khác. Do đó, cội gốc tinh hoa của Phật pháp, ngày càng suy dần, thậm chí đến chỗ bảo thủ, nên bị lên án là tiêu cực, mê tín. Đây cũng là điều liên quan đến lý do này.
5. Nhất môn thâm nhập
Có nhiều người hỏi rằng: “Tu hành cần phải thâm nhập một pháp môn đúng không? Chỉ tinh tấn trì danh hiệu như thế có kết quả không?”. Chưa đúng. Bắt đầu từ việc trì danh có thể nói là một cách, nhưng chưa thâm nhập. Hành giả từ việc trì danh tiến tới quán tưởng cho đến tham cứu Phật tánh, dần dần tiến lên mới gọi là thâm nhập. Do đó, thâm nhập chẳng phải ở nơi lông rùa sừng thỏ, mà mở con mắt trí tuệ ra, tâm càng ngày càng sáng suốt thảnh thơi. Kinh nói: “Phương tiện có nhiều, nhưng chung quy lại thì không hai”. Điều quan trọng của người học Phật phải biết có tám vạn pháp môn tu, nhưng mỗi mỗi pháp môn đều dung thông nhau. Nếu ngộ được sự tương thông đó, khi tu tập thì chẳng bị hạn chế ở một tông một phái nào!