3
ĐỨC PHẬT CỦA THẾ KỶ CHÚNG TA
[I]
Phật tử
khi gặp những bước khó khăn và những cảnh tượng bất như ý trên con đường hành
đạo, thường hay thở than "đời mạt pháp mà" với một ý thức cam chịu
tiêu cực, đôi khi chán nản nữa. Đời mạt pháp có nghĩa là giai đoạn Chánh pháp
đã suy vong, suy vong từ nội dung đến hình thức, suy vong từ nhận thức đến hành
trì. Mạt pháp có nghĩa là giáo pháp đã đến lúc cùng mạt. Ý thức rằng giáo pháp
đã đến thời cùng mạt, ai mà chẳng buồn, ai mà chẳng nản? Nhưng chúng ta không
đau xót mấy vì ý thức ấy, bởi vì chúng ta còn mang một niềm hy vọng chan chứa
trong tâm hồn: đó là niềm hy vọng ở đức Phật tương lai, đức Phật Di Lặc. Đức
Phật Di Lặc sẽ ra đời và chánh pháp lại sẽ được tỏ rạng. Mỗi khi nghĩ đến Đức
Di Lặc, tôi cứ tưởng tượng đó là một vị Phật có hào quang sáng ngời bao quanh
thân thể phương phi đẹp đẽ, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đang
phóng quang thuyết pháp cho đại chúng nhân thiên nghe. Ngài ngự trên pháp tòa
cao rộng, và tôi, tôi đang được quì dưới chân Ngài, tai nghe lời Ngài, mắt thấy
thân Ngài và mũi ngửi hương áo cà sa của Ngài. Tôi thích quá. Và tôi đã chờ đợi.
Tôi vẫn cứ nghĩ rằng Ngài sẽ ra đời vào khoảng năm 1950 hay là 1960, hay muộn
lắm là năm 1970. Ai biết được đích là năm nào Ngài sẽ ra đời nhưng hồi đó, tôi
đã quyết chắc như vậy, nghĩa là sẽ ra đời muộn lắm là vào khoảng năm 1970, tức
là năm tôi 44 tuổi, nhiều hơn tuổi "bất hoặc" bốn năm. Ai cũng than
van đời này là đời mạt pháp thế thì Ngài còn sung sướng gì mà nấn ná mãi ở nội
viện Đâu Suất, không chịu hạ sinh để đốt đuốc chánh pháp ở cõi Ta Bà?
Ra đời ở đây có nghĩa là thành
đạo và bắt đầu thuyết pháp, chứ không phải là đản sinh. Nếu đản sinh, thì tôi
phải đợi Ngài xuất gia, thành đạo nghĩa là phải đợi ít nhất 30 năm nữa ! Tôi đã
43 + 30 = 73 tuổi, già quá còn gì ! Lúc đó mà lại phải khóc sướt mướt như đạo
sĩ A Tư Đà nữa thì thật là nản quá.
Trên đây là những điều tôi mong
ước, suy nghĩ, tưởng tượng và dự đoán trong thời gian tôi còn ấu thơ. Các bạn
định hỏi tôi rằng hiện giờ tôi còn có tin như vậy nữa thôi, có phải không?
Vâng, tôi còn tin như vậy, nhưng mà dưới một nhận thức khác hơn, và tôi nghĩ,
gần với đạo Phật hơn. Tôi thấy hình dung đức Phật Di Lặc mà tôi phác họa trong
trí tôi dạo ấy có vẻ công thức quá, và ngây thơ nữa. Hình dung ấy, tôi đã cấu
tạo nên bằng những đoạn tả đức Phật thuyết pháp trong các kinh điển, bằng những
bức họa về Phật của người Trung Hoa và bằng những tưởng tượng quy ngưỡng của
riêng tôi. Tôi nghĩ rằng không lý đức Phật lại xuất hiện ở thế kỷ chúng ta với
một hình thức cổ điển và có tính cách hình thức như vậy. Đức Phật của thế kỷ
chúng ta sẽ là bực Chánh biến tri, thông hiểu văn hóa sử nhân loại trên trái
đất chúng ta, thấu đạt mọi ý thức hệ hiện hữu soi rõ mọi tình tiết và tâm niệm
của chúng ta. Ngài sẽ tạo nên nền văn hóa tổng hợp của nhân loại, vạch con
đường giải thoát cho nhân loại. Chúng ta đang bị tắc lối, chúng ta đang bị ràng
buộc bởi bao sợi dây khổ đau, vô minh, phiền não, những thập triền thập sử
mà thế kỷ đã tạo nên và chúng ta đã dùng để tự buộc chúng ta. Trong kinh điển
mới, sẽ có những danh từ mới. Trong công cuộc hoằng pháp mới sẽ có những phương
thức mới. Trong sự tu tập giải phóng con người - ta và kẻ khác - sẽ có những
phương pháp mới. Làm sao những cái hết sức hiện đại như vậy có thể biểu dương
trong một hình thức cổ điển và ngây ngô như tôi đã tưởng tượng mười mấy năm về
trước?
Có một hôm, tôi đọc kinh Kim
Cương đến các câu "bất khả dĩ tam thập nhị tướng kiến Như Lai" (không
thể nhận thức đức Như Lai qua một sắc thân có ba mươi hai tướng đẹp) và
"nhược dĩ sắc kiến ngã dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo bất năng
kiến Như Lai" (kẻ nào muốn thấy Ta qua hình sắc và âm thanh, kẻ ấy hành tà
đạo, chẳng bao giờ thấy được Ta), bất giác chợt hiểu rằng đức Phật của thế kỷ
chúng ta sẽ không dễ mà nhận biết được đâu. Ngài có thể không mang tên Từ Thị
Di Lặc; Ngài có thể không mang sắc thân tam thập nhị tướng; Ngài có thể không
tự xưng là Phật đà gia (Buddhaya); Ngài có thể không cần hai vị đứng hầu hai
bên; Ngài có thể không khoác y màu vàng; Ngài có thể… ôi tôi biết nói làm sao
cho hết, chỉ biết nói rằng Ngài có thể xuất hiện trong bất cứ một hình thức
nào, miễn Ngài là bậc Chánh biến tri, miễn Ngài là bậc giải nguy cho nhân loại
trong thế kỷ đấu tranh kiên cố, miễn Ngài là bậc tạo nên văn hóa tổng hợp và
dẫn đạo cho loài người về hòa bình, hạnh phúc, giác ngộ và Niết Bàn. Nói một
cách khác, Ngài là bậc đại nhân có một nội dung tràn đầy Phật chất.
Tôi nói dông dài như trên chẳng
qua chỉ là để trở về với hai chữ mạt pháp. Bởi vì tôi quan niệm
rằng nguyên do của sự mạt pháp là tại ở người Phật tử từ lâu chỉ có ý hướng bảo
bọc sơn thếp một hình thức tôn giáo không còn chứa đựng nội dung Phật chất.
Mạt pháp có nghĩa là bám víu tôn
thờ chấp chặt hình thức mà để cho nội dung tàn lụi. Nhưng mà các bạn hãy cho
tôi nói thẳng những cảm nghĩ chân thành của tôi. Phật chất cần thiết mà tôi nói
đây là sự chứng đắc, là sự tiếp xúc thường xuyên giữa tâm linh và chân lý, giữa
tâm linh và bản thể, giữa tâm linh và Niết bàn. Phật chất ấy không biết đến
hình thức, không biết đến hưng phế, không biết đến tổ chức, không biết đến bàn
cãi, không biết đến quy chế, không biết đến lo toan, không biết đến vôi gạch.
Không biết, nhưng mà cái gì cũng biết. Nghĩa là có sự hiện hữu của Phật chất
thì tất cả đều có. Và nghĩa là nếu không có sự hiện hữu của Phật chất thì tất
cả những cái kia đều là vô nghĩa, đều không có.
Vậy thì Pháp mà mạt không
phải là do chúng ta không giữ gìn nó mà chính vì chúng ta đã giữ gìn nó chặt
chẽ quá, ôm ấp nó kỹ lưỡng quá!
Và một ngày kia, chúng ta sẽ đau
khổ nhìn thấy, trong vòng tay cứng nhắc và siết chặt của ta, nó chỉ còn là một
cái xác không hồn. Cái xác sơn phết bóng lộn.
Vấn đề là vấn đề thực hiện, thực
hiện liên tục nguồn sinh hoạt Phật chất, chớ không phải là vấn đề cố
thủ, bảo bọc.
Đạo pháp chỉ có sinh lực trong
những thời đại có tu tập, có chứng ngộ. Chúng ta không nên chờ đợi Đức Di Lặc
một cách quá ngây thơ. Chúng ta phải sửa soạn đón tiếp Ngài.
Sửa soạn như thế nào? Sửa soạn
một khung cảnh nhân tâm hướng thiện, một khung cảnh thực chất của đạo pháp,
xứng đáng làm nơi ngự tọa của một đức Phật. Khung cảnh ấy được xây dựng bằng
cộng nghiệp hướng thượng của chúng ta, của tâm linh chúng ta. Không còn chỗ nào
xứng đáng cho Ngài ngự tọa hơn là ngôi vị trong sạch của tâm hồn ta. Bằng
không, Ngài có thể xuất hiện bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào mà chúng ta vẫn
không hay không biết, bởi vì mắt chúng ta mù lòa, bởi vì tâm chúng ta vẫn đục,
bởi vì hai tay chúng ta bị trói chặt trong dây xiềng hình thức.
Tôi tin rằng thế giới chúng ta
đã quá đau thương, và Ngài đã hiện về hoặc sẽ hiện về, muộn lắm là vào cuối thế
kỷ. Văn hóa loài người đang đi tới thế tổng hợp. Ngài sẽ là bậc tướng đạo quang
minh cho toàn thể nhân loại. Đừng than phiền đời này là đời mạt pháp. Hãy buông
bỏ hình thức. Hãy phủi sạch hai tay. Hãy đứng lên, gạt qua những mối tơ vò của
thế kỷ. Hãy để tâm hồn trong sạch lắng đọng. Và hãy tiếp nhận hình bóng tròn
đầy của mặt trăng đêm rằm xuất hiện trong biển lặng tâm linh của mình.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy
rằng giáo pháp của Ngài sẽ rực rỡ an trú ở thế gian này trong một thời gian
thôi, tiếp theo đó nhân loại đi vào thời tượng pháp. Tượng có nghĩa là na ná,
là giống như; tượng pháp có nghĩa là giáo pháp giống như chánh pháp, nhưng
không hẳn là chánh pháp. Tiếp theo thời tượng pháp, là thời mạt pháp, thời
giáo pháp suy đồi và ẩn một. Khi đó, một đức Phật khác sẽ ra đời để khai mở cho
nhân loại một kỷ nguyên chính pháp mới: đó là đức Phật Di Lặc.
Đức Phật Thích Ca là một bậc
giác ngộ, một đấng Pháp vương. Nhưng Ngài đã nói tiếng nói của con người. Vì
Ngài đã là một con người đã sống trong xã hội loài người, đã khai thị chân lý
vì con người, cho nên ta có thể, trên bình diện con người của chúng ta, nhận
thức được nội dung của tiếng nói Ngài một cách chân xác. Khi Ngài nêu lên một
khoảng thời gian phỏng định cho sự lưu hành của chính pháp Ngài, Ngài đã căn cứ
trên những nhận định lúc bấy giờ của Ngài về xã hội, về thời gian. Quan niệm về
năm tháng của Ngài, cũng như của bất cứ một người nào đã sống cách đây hơn hai
ngàn năm trăm năm, không thể giống như quan niệm về năm tháng của chúng ta,
những con người sống trong thời đại mới. Nhân loại xã hội trong thời đại chúng
ta đã và đang đi những bước khổng lồ về tương lai chứ không phải đã và đang
trôi một cách chậm chạp lững lờ như vào khoảng sáu trăm năm trước Tây lịch. Như
vậy, ta không nên lấy 5.000 năm ước định để làm khoảng thời gian chia cách hai
đức Phật, đức Phật Thích Ca và đức Phật Di Lặc. Chỉ nên nhớ rằng: Khi Phật pháp
đã tới thời cùng mạt, nói một cách khác hơn, khi nhân loại đã đi đến giai đoạn
cùng cực nhất vì loạn lạc, vì phân tán, vì khổ đau, thì chính pháp là lúc đức
Phật Di Lặc phải xuất hiện để mở một con đường mới cho xã hội loài người.
[II]
Như chúng tôi đã trình bày
trong phần trước, pháp mà mạt là do chúng ta đã không cố gắng thực hiện dòng
sinh hoạt Phật chất ở bản thân và ở những hình thái sinh hoạt của xã hội chúng
ta. Chúng ta chỉ lo bảo tồn những hình thái sinh hoạt cũ không đáp ứng được với
căn cơ của xã hội và do đó không thể hiện được những nguyên lý Phật học. Những
nguyên lý ấy hết sức linh động, và ta chỉ có thể nói rằng những sinh hoạt nào
muốn khế lý bao giờ cũng phải khế cơ. Vì sao? Khế lý là để khế cơ. Mục đích của
đạo Phật là phụng sự con người, nếu không khế hợp con người thì sao gọi là đạo
Phật, sao gọi là khế hợp với chân lý đạo Phật?
Mà căn cơ của con người mới, của
xã hội mới là những căn cơ hết sức phiền toái, phức tạp. Ai cũng nhận thấy rằng
con người mới có những ao ước, những đòi hỏi, những thao thức… nói tóm lại,
những sinh hoạt tâm lý hết sức phiền tạp. Con người mới lại sống trong một thời
đại mới, một thế giới mới, một xã hội mới với những sinh hoạt kinh tế, chính
trị, tôn giáo, văn học… không còn giống gì với xã hội cũ cách đây hàng ngàn năm.
Làm gì có thể khế cơ được (ít nhất là khế cơ một cách hoàn toàn), những hình
thức sinh hoạt của hai ngàn năm trăm năm về trước? Trong kinh có chép chuyện
một vị Thiền sư vì lòng từ bi không muốn dẫm đạp lên các sinh vật cho nên mỗi
khi đi đâu đều có cầm một cây chổi, quét một lát chổi, đặt một bước chân. Vào
thời xưa, trong khung cảnh nên thơ của thôn làng, hành vi đó được nhận định là
đẹp như một bài thơ nhân ái, nói lên được tâm niệm từ bi của một con người thấm
nhuần đạo lý. Nhưng giá bây giờ có một vị Tăng bắt chước làm y hệt như thế trên
con đường của thủ đô Saigon như con đường Tự Do hay Lê Lợi chẳng hạn, ta thử
đoán xem quần chúng sẽ nghĩ như thế nào về vị Tăng đó? Quần chúng sẽ cho đó là
một người điên, cảnh sát có thể điệu người đó về bót: hành động đó đã không khế
hợp với căn cơ của con người bây giờ (kể cả căn cơ của người chủ động), lại
cũng không còn khế hợp với những nguyên lý Phật học, mà trái lại, có thể làm
mai một các nguyên lý ấy nữa. Không khế lý, không khế cơ con người, những lề
lối sinh hoạt như trên làm sao được gọi là đạo Phật và đã không phải là đạo
Phật, tại sao chúng ta cố thủ chặt chẽ như thế?
Vậy thì sự xuất hiện của đức
Phật Di Lặc phải được nhận định như là một cuộc vận động mới để làm sống dậy
dòng sinh hoạt Phật chất trong những sinh hoạt vừa khế hợp căn cơ nhân loại,
vừa khế hợp với những nguyên lý Phật giáo. Nếu không khế hợp căn cơ con người,
những sinh hoạt được mệnh danh là của Đạo Phật chỉ có thể còn là những xác cũ
không còn chứa đựng Phật chất; nếu không khế hợp với những nguyên lý Phật học,
những sinh hoạt kia sẽ có thể chỉ là ma nghiệp phục vụ cho lòng dục vọng và óc
u mê của ma vương, của chúng sinh. Lịch sử đạo pháp đã ghi những nét son của
những cuộc biến cải cần thiết để làm sống dậy rạt rào những khí lực của Phật
giáo: Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước v.v… đều là những nhà đại cách mệnh của Phật
giáo. Gia sản vă? hóa hiện hữu mà chúng ta được thừa hưởng của Phật giáo ở Á
Đông một phần lớn chính là do công trình tạo dựng của những bậc trượng phu như
thế.
Các bậc vĩ nhân kia đều là những
nhà đại văn hóa, những nhà đạo học đã thấu hiểu được con người của thời đại họ,
đã thấu hiểu xã hội của thời đại họ, và đã đáp ứng được những nhu yếu của những
khu vực văn hóa riêng biệt trong đó họ đang sống. Nhưng bây giờ thì khác. Chúng
ta không có những khu văn hóa riêng tư nữa. Những khu vực văn hóa đều đã mở cửa
rộng rãi. Những ranh giới văn hóa đã được tháo tung. Nhân loại đang tiến tới
nền văn hóa tổng hợp. Công cuộc tổng hợp vĩ đại này phải do một con người đầy
đủ kiến thức về con người, đầy đủ nhận định về xã hội con người, đầy đủ trí
năng và tâm thức để có thể hướng dẫn loài người, đứng ra lãnh đạo. Một nhà văn
hóa có đầy đủ chánh biến tri, có đủ đại hùng, đại bi, đại lực, đại nguyện như
thế, ta phải gọi đó là một đức Phật. Đó là đức Phật Di Lặc, con người cấp thiết
của thế kỷ chúng ta.
[III]
Đạo Phật đã xuất hiện trên
thế giới trong nhu cầu của nhân loại để tạo dựng nên một sức sống rào rạt trong
huyết quản nhân loại. Một nhận định, một niềm tin, một sức phấn đấu để tự thực
hiện và để xây dựng một đời sống an lành chung cho mọi người: đó là những gì
căn bản và cốt yếu của đạo Phật.
Thực thể sinh hoạt linh động của
đạo Phật được biểu hiện trong những cố gắng không ngừng của các thế hệ Phật tử.
Những giai đoạn u trầm nhất của lịch sử Phật giáo là những giai đoạn mà trong
đó sự cố gắng tu chứng và hành đạo không được biểu lộ. Thiếu tu chứng, người
Phật tử không xúc tiếp được với nguồn sống đạo pháp, không nắm được những
nguyên lý căn bản của Phật pháp. Đã không nắm được những nguyên lý thì sẽ cố
chấp vào những hình thức sự tướng, và đó là nguyên nhân của sự sa đọa, của sự
suy đồi. Trí tuệ thực chứng là nguyên lý dẫn đạo cho mọi sinh hoạt đạo pháp, sử
dụng đạo một cách linh động mọi căn cơ, mọi phương tiện. Không có trí tuệ thực
chứng ấy, mọi sinh hoạt đạo pháp đi dần đến hình thức, đến cố chấp, đến mê tín
dị đoan, làm cho đạo Phật (tôi nói những hình thức sinh hoạt của Phật giáo)
phản lại với đức Phật, làm cho đạo Phật bị lấm láp, bị lợi dụng, làm cho quần
chúng tri thức ruồng bỏ đạo Phật. Ai cũng biết rằng khả năng dung hóa của đạo
Phật thật là rộng rãi và mạnh mẽ. Với sự dẫn đạo sáng suốt của thực chứng, của
những nguyên lý Phật học, đạo Phật khi đến đâu liền thích nghi ngay với xã hội,
phong tục, tập quán, chính trị, kinh tế và nhân tâm ở đó để mà hoằng hóa và
phát triển. Ở Trung Hoa và Việt Nam chẳng hạn, những hình thức thờ cúng tổ
tiên, thờ cúng đức Quan Thánh, đức Trần Hưng Đạo, những ngày Tết, ngày giỗ, chế
độ tự viện, chế độ ruộng nương hương hỏa, cả đến việc đoán xâm, làm thuốc v.v…
đều được Phật giáo chấp nhận. Thờ cúng Tổ tiên là tỏ lòng tri ân tiền nhân,
giúp cho con người có ý thức luân hồi nhân quả; thờ cúng đức Quan Thánh, đức
Trần Hưng Đạo là tỏ lòng ái quốc; theo chế độ tự viện ruộng nương hương hỏa là
để quy tụ tăng đoàn sinh hoạt tập thể; đoán xâm là để nương vào lòng tin của
con người mà khuyên người bỏ ác làm thiện; làm thuốc là để thực hiện giúp đỡ
người để cảm hóa người… Mỗi thời đại, mỗi địa phương cần có những phương tiện
để hành đạo như thế, những phương tiện ấy thích hợp với trình độ con người và
không trái chống với nguyên tắc tự hành hóa tha của đạo Phật. Nhưng ai cũng
biết những hình thức sinh hoạt ấy là những con dao hai lưỡi, có công dụng tốt
mà cũng có thể có công dụng xấu. Có sự hiện diện của tu chứng, có sự ý thức về
những nguyên lý Phật học thì những hình thức sinh hoạt ấy sẽ phục vụ cho đạo
Phật và cho con người một cách tốt đẹp an lành. Nhưng vắng mặt tinh thần đạt
đạo kia thì những hình thức sinh hoạt này lập tức biến thành nguy hại, những
phương tiện được chấp chặt và coi như là cứu cánh. Cúng thờ tổ tiên để mà sát
sinh ăn uống rượu thịt, thờ đức Quan Thánh và đức Trần Hưng Đạo để mà tế lễ cầu
đảo mê tín, ruộng chùa giàu có để mà nhàn cư vi bất thiện, đoán xâm để mà kiếm
tiền và gieo thêm sự sợ hãi mê tín, làm thuốc để mà buôn bán cầu lợi… đó là
những hiện tượng suy đồi tất yếu phải xảy ra nếu không có tinh thần dẫn đạo của
tu chứng, của nguyên lý. Đạo Phật trong trường hợp đó đã không đồng hóa được
thế pháp mà lại bị đồng hóa bởi thế pháp. Thế cho nên ta không lấy làm lạ mà
thấy rằng có những giai đoạn lịch sử mà đạo Phật không thực hiện được hoài bão
của vị giáo chủ sáng lập nữa.
Đạo Phật, khi ra đời, vốn nhắm
mục đích phục vụ cho sự sống của nhân loại nhưng trong thế kỷ gần
đây đã suy đồi cho đến nỗi chỉ biết phục vụ cho sự chết của nhân loại. Nói ra
ai cũng thấy đau xót cho cái tình trạng vừa bi thảm vừa khôi hài đó, nhưng kỳ
thực ở Trung Hoa, ở Việt Nam, ở cả Nhật Bản nữa, trong thế kỷ này, Phật giáo đã
hiện hữu để lo cho cái phần ấy - phần cái chết, nhiều hơn. Chùa nào mà không tổ
chức kỳ siêu, đi đám ma, nhập liệm, làm tuần, làm thất, cúng thí thực cô hồn,
cúng linh thì chùa ấy không sống. Bổn đạo không tới chùa, không ai cúng tiến
cúng gạo cho nhà chùa. Cho nên chùa nào đi đám nhiều nhất là chùa đó sung túc
nhất, chùa nào có nghĩa địa lớn và đẹp nhất là chùa đó giàu nhất. Có những ngôi
chùa đứng vững được là nhờ ruộng ký linh, hương hỏa, hoặc là có vườn rộng rãi
để an táng. Con cháu có mộ phần ông bà phải thường trực cúng kiến trong chùa.
Số lượng tín đồ thuần cẩn nhất là số lượng của những ông bà lớn tuổi, niệm Phật
để dọn "đường về cực lạc." Có những vị Tăng lo xây tháp xây mộ trước
cho mình.
Không ai nhận thức rõ rệt rằng
đó là những sự thực. Đã đành vấn đề cái chết cũng là một vấn đề to lớn của sự
sống, nhưng tại sao chú trọng quá đến cái chết như vậy? Vị năng sự sinh, yên
năng sự tử? Hướng đi của đạo Phật mà như thế thì thử hỏi sinh khí của đạo Phật
còn gì? Đức Phật có ngờ đâu rằng giáo lý siêu việt và thực dụng của mình đã bị
hướng về một mục đích quá nghèo nàn và khô héo như thế?
Sự thực mà tôi vừa đưa ra đã có
thể chứng minh rõ rệt rằng mọi hình thức và phương tiện nếu không được hướng
dẫn để thực hiện đúng nguyên lý Phật học, để hợp thời cơ phục vụ cho con người,
đều có thể biến thành sai lạc và phản lại đạo Phật. Cho nên ở thế kỷ chúng ta,
người Phật tử không thể không thâm nhập kinh tạng, thâm nhập hành trì để thể
hiện tu chứng và nắm lấy những nguyên lý căn bản của nền triết học Phật giáo;
người Phật tử không thể không buông bỏ những hình thức mệnh danh là đạo Phật mà
kỳ thực tác hại không ít cho đạo Phật; người Phật tử không thể không xây dựng
những hình thức sinh hoạt mới, tuy không được các nguyên lý Phật học, có thể
ứng cơ và ứng lý để phục vụ cho đạo Phật và cho con người. Nói tóm lại, người
Phật tử không thể không lột bỏ cái xác già cỗi, cái đạo Phật bi thảm phản chiếu
trong cái dĩa hát cải lương vọng cổ kia, cái đạo Phật yếu đuối trốn đời và vô ý
thức kia, không thể không lột xác để làm sống dậy một đạo Phật trẻ trung đầy
sinh lực, tiếp nối được dòng sinh hoạt truyền thống của những thế hệ Phật tử
huy hoàng trong Phật giáo sử. Phải đem Phật giáo trở về phục vụ sự sống.
Thế hệ chúng ta phải đảm nhiệm
trọng trách hiện đại hóa Phật giáo, thổi những luồng sinh khí mới vào cho đạo
Phật để đạo Phật còn mãi là đạo Phật, nghĩa là còn biểu hiện được cho dòng sinh
hoạt trí tuệ từ bi và đại hùng đại lực mà đức Phật đã khơi mở hơn hai nghìn năm
trăm năm về trước. Tiếp nối thực hiện và khơi mở?òng sinh lực ấy là chúng ta
thực hiện được hoài bão của chư Phật, được gần gũi với chư Phật hơn bao giờ hết
và như thế chúng ta mới xứng đáng là người con của đức Phật.
Hãy can đảm nhìn thẳng vào sự
thực, can đảm nhận thức những thực trạng không tốt đẹp, can đảm phát đại nguyện
ly khai danh vọng, quyền lợi, dứt bỏ thành kiến và từ chối tâm niệm cầu an, để
có thể tự nhận sứ mệnh hoằng dương Phật giáo một cách hăng hái và chân thành.
Những học giả nghiên cứu về Phật
học đã đồng ý với nhau rằng đạo Phật là một đạo lý hướng dẫn con người trong
công việc giải quyết những vấn đề trọng đại của sự sống, thứ nhất là vấn đề khổ
đau. Edouatd Conze, giáo sư triết tại đại học đường Londre, đã nói tới đạo Phật
như một chủ nghĩa thực dụng. Đức Phật đã từ chối không đưa các đệ tử đi sâu vào
những suy luận siêu hình viễn vông vô ích, và đã đưa mọi người trở về cuộc sống
hiện thực để giải quyết những khổ đau hiện thực. Khổ đau là một thực tại quá
hiển nhiên, quá to lớn; con người không có thể nhắm mắt phủ nhận nó để đi giải
quyết những vấn đề xa xôi bằng một công cụ trí thức kém cỏi bao phủ bởi những
từng lớp vô minh và dục vọng tích tập bao đời bao kiếp.
Hình ảnh của những vị tăng sĩ
sống một cuộc đời khổ hạnh, tam thường bất túc, mang bình bát đi sâu vào thôn
lạc, vào sự sống của quần chúng, hình ảnh của những đức Bồ Tát như Trì Địa,
Quan Thế Âm, Địa Tạng, Thường Bất Khinh với ý thức rõ rệt về những khổ đau của
kiếp người và về bổn phận phụng sự và khai thị đạo lý giải thoát giác ngộ cho
nhân loại, là những hình ảnh linh động nhất của đạo Phật trong buổi ban đầu của
lịch sử Phật giáo. Qua sự tôn sùng của quần chúng, những hình ảnh ấy bây giờ đã
trở nên thiêng liêng quá và xa cách con người quá. Các bậc Bồ Tát kia hầu như
đã trở nên những vị thần linh đẹp đẽ với đầy đủ quyền lực thiêng liêng. Người
tín đồ bây giờ nhận thức các Ngài qua những bức tranh diễn tả những dung mạo
tuyệt vời, những xiêm y đẹp đẽ, những châu ngọc quí giá đeo đầy vai đầy cổ. Cố
nhiên tôn sùng hình thức phải đưa đến chỗ thần quyền hóa và mỹ lệ hóa như vậy.
Nhưng kỳ thực, các vị ấy là những con người giản dị nhất, nghèo nàn nhất và,
với lòng thương và trí tuệ của những con người đã tự thực hiện Phật chất gần
gũi chúng ta nhất. Hãy nghĩ đến đức Trí Địa Bồ Tát với manh áo nâu giản dị đang
bắc lại một chiếc cầu tre vừa bị nước lụt cuốn đi. Hãy hình dung đức Địa Tạng
Bồ Tát sống trong cảnh tối tăm của thế giới u tối để gần gũi và cứu độ cho
những con người khổ đau sa đọa. Ta hãy liên tưởng đến những người thợ đang cặm
cụi làm việc trong các hầm mỏ, tay cầm đèn, tay cầm dụng cụ. Và hãy liên tưởng
đến những người sống trọn đời trong thế giới của những người đau bệnh cùi mong
làm nhẹ một phần nào những khổ đau to lớn của cuộc đời. Hãy nghĩ đến hình bóng
một con người trì chí, nhẫn nại, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, sơn lâm thành thị,
để khai thị cho con người biết khả năng vô biên sẵn có của họ: "tôi
không dám khinh Ngài, Ngài sẽ thành Phật." Hình ảnh của Bồ Tát Thường Bất
Khinh là hình ảnh của một con người đã tìm ra được kho vàng và hân hoan đi mách
bảo cho mọi người nghèo khổ hãy lấy về chi dụng; dù bị mọi người chửi mắng đánh
đập, vẫn không lấy làm khổ nhục. Hãy nghĩ đến đức Bồ Tát Quan Thế Âm, một con
người luôn luôn có mặt bên cạnh những đau khổ của con người, có mặt để
mà tìm cách an ủi và cứu độ. Những hình ảnh ấy đẹp tuyệt vời trong giá trị đạo
đức và nhân bản của nó, nhưng chúng ta có thể vì chỉ biết tôn sùng hình thức
nên đã không thể nhập được một cách thâm thiết. Những hình ảnh ấy phải ngự trị
trên ngai vàng của tâm hồn ta, đơn sơ nhưng cao khiết và đẹp đẽ. Có sự hiện
diện của những hình ảnh ấy trong tâm hồn ta, ta sẽ để lòng rung động theo một
niềm cảm thương vô biên; niềm cảm thương này sẽ biến cải ta trọn vẹn và đưa ta
đến vũ trụ cao khiết của thông cảm, của yêu thương và của hy sinh.
Ở thời đại Phật giáo nguyên thỉ,
hình ảnh các vị Tăng sĩ là hình ảnh cuộc đời đạm bạc, ít nhiều khắc khổ, để gần
gũi con người, để thông cảm nỗi khổ đau của con người, để thực hiện thoát khổ,
tu chứng, cứu độ. Hình ảnh người tăng sĩ khác hẳn với hình ảnh người quyền quí.
Quần chúng nghiêng mình dưới sự nghèo khổ đơn sơ của các vị, trước sự thông cảm
sâu xa về khổ đau kiếp người của các vị, trước nghị lực hy sinh, nhẫn nại, tinh
tấn của các vị; quần chúng tôn sùng và cúng dường các vị vì những nhận thức ấy
nhiều hơn là để nguyện cầu phước báo ở cõi nhân thiên. Sứ mạng của các vị là
đem ánh sáng trí tuệ giác ngộ cần thiết cho cuộc đời, diệt trừ những dục vọng,
nguyên nhân khổ đau của cuộc đời.
Những hình ảnh ấy, những hình
ảnh của những vị Bồ Tát và những con người có lý tưởng Bồ Tát ấy phải nói và đã
nói lên được mục đích và bản chất của đạo Phật.
Nhưng có thể chúng ta đã tiếp
nhận không thấu đáo những hình ảnh ấy, chúng ta đã tô điểm sơn phết những hình
ảnh ấy theo ý thích của riêng chúng ta, cho nên chúng ta đã không thấu đạt được
đầy đủ bản chất Phật học do những thế hệ Phật tử trước trao truyền lại. Bỏ
những hình ảnh linh động của những con người thực hiện Phật pháp, chúng ta đi
tôn thờ hình ảnh của những thần linh xa vời chỉ hiển hiện trước lời kinh cầu
nguyện. Sự tôn thờ cố nhiên là cần thiết. Nhưng cần thiết hơn nữa là ý thức tôn
thờ và pháp thức tôn thờ.
"Nam Mô Quan Thế Âm Bồ
Tát," khi tôi chí thành tưởng niệm như thế, hình ảnh đức Quan Thế Âm tự
nhiên hiển hiện trong tôi, không phải như một thiên thần từ trên trời hiện
xuống để ban phép giải ách trừ họa, mà là một niềm rung cảm vô biên đối với
hạnh nguyện của đấng nguyện luôn luôn có mặt bên cạnh khổ đau của cuộc đời.
Niềm rung cảm ấy làm tôi tiếp
nhận được nguyện lực của Ngài, làm tôi biến cải được bản thân tôi, để được hiện
hữu trong bản thể "từ bi hỷ xả," để được tiếp nhận giọt nước
"cam lộ sái tâm" giúp tôi trở thành thanh khiết cao cả. Sao tôi lại
không thấy ở một nẻo khổ đau hình bóng linh diệu của Ngài trong cái cảnh áo nâu
nghèo khổ, mà tôi lại quan niệm Ngài như một hình ảnh cao sang ngàn năm một
thuở mới xuất hiện trong sự cầu đảo của loài người?
Tất cả giáo lý của đạo Phật đều
được xây dựng trên nhận thức về đau khổ của cuộc đời. Khổ đế là sự thực căn bản
trong bốn sự thực cao cả: tứ diệu đế. Tất cả những ai thao thức thực hiện đạo
Phật đều phải có ý thức sáng tỏ về đau khổ của cuộc đời. Tiếp xúc với khổ đau,
thái tử Tất Đạt Đa mới phát được đại nguyện. Một nền giáo lý phong phú và thâm
uyên đã được đặt trên cơ bản nhận thức về khổ đau để giúp con người thực hiện
giải thoát khổ đau. Những con người bỏ đời sống vật chất xa hoa, hòa mình trong
cuộc sống gian khổ, nuôi dưỡng niềm thao thức thực hiện tự độ độ tha, những
hình ảnh các bậc Bồ Tát lăn xả vào cuộc đời để độ sinh và hành đạo: tất cả
những điều ấy đã nói với ta những gì?
Đạo Phật phải hiện hữu trong
cuộc đời thực tại, để giải quyết những vấn đề thực tại. Người Phật tử, Tăng Ni
cũng như Cận sự, phải mang lý tưởng Bồ Tát, đem giáo pháp đi sâu vào cuộc đời
không nại gian lao khổ nhục. Đừng biến đạo Phật thành một tổ chức có uy quyền
thế lực, có giáo đường vàng son, có điện ngọc thâm u. Đừng biến Tăng sĩ thành
những con người sống vô tư trong sự ưu đãi của một chế độ cúng dường thiếu ý
thức, quên lãng nhiệm vụ tự thực hiện giải thoát và phụng sự con người. Đừng để
người Phật tử hiểu rằng Phật Pháp Tăng là những bảo vật xa vời không hiện hữu
giữa cuộc đời đau khổ. Phải thực hiện tất cả những hình thức sinh hoạt nào có
thể chứng minh rằng đạo Phật hiện hữu trong cuộc đời để giải phóng cho con
người. Người Phật tử lý tưởng là con người tự nguyện sống đồng lao cọng khổ
giữa xã hội loài người, biết mang hình bóng của vị Bồ Tát mà đi vào cuộc đời để
khai thị chân lý và làm vơi đi những niềm đau khổ.
[IV]
Khi nói đến "phiền
não tức bồ đề" các vị cao tăng ngày xưa đã nhận thức rằng chính trong khổ
đau con người mới tìm ra an lạc. Nói thế không có nghĩa là cứ để bản thân trôi
nổi trong biển khổ đau rồi một ngay kia sẽ được an lạc hạnh phúc đâu. Nói thế
có nghĩa là phải can đảm nhìn nhận đau khổ, giải quyết vấn đề đau khổ, không
trốn tránh những khổ đau của cuộc đời một cách hèn nhát. Chán nản cuộc đời, vào
cửa Phật để tìm chốn an thân, điều đó không hẳn là đáng trách; nhưng bản hoài
của đức Thế Tôn khi lập giáo không phải chỉ hướng đến một mục đích tầm thường
và hẹp hòi như thế. Sống cuộc đời người xuất gia không phải là để trốn tránh
đau khổ mà lại là để chiến thắng khổ đau. Mà muốn chiến thắng khổ đau thì phải
can đảm đương đầu với khổ đau, đừng sợ hãi khổ đau, bởi vì không có ai sợ địch
mà thắng được địch bao giờ. Ở đây, khổ đau lại là nhân duyên tạo nên an lạc và
giải thoát, cũng như hoa sen thơm ngát và tinh khiết đã mọc lên từ bùn lầy tanh
hôi. Lý tưởng đẹp nhất là giải trừ đau khổ cho mọi người mọi loài, giải phóng
họ ra khỏi tình trạng bi thảm đau thương trong đó họ đang sống. Nhưng một lý
tưởng như thế chỉ có thể nuôi dưỡng và thực hiện bằng một lòng thương. Mà chỉ
khi nào con người biết khổ đau thì con người mới biết thành thực thương nhau để
cứu giúp nhau ra khỏi tình trạng đau khổ. Ca tụng khổ đau không phải là ca tụng
cuộc đời trầm luân khổ hải mà là xác nhận tính cách cần thiết của những chất
liệu lý tưởng. Phải gần gũi khổ đau để được tiếp xúc thường xuyên với "đệ
nhất khổ đế," chân lý căn bản của tứ diệu đế. Có như thế ta mới hiểu được
đoạn văn nầy trong Luận Bảo Vương Tam Muội: "Đức Phật thiết lập chánh pháp
lấy khổ đau làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai gốc làm giải
thoát, lấy ma quân làm đạo bạn, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạn
làm người giúp đỡ, lấy kẻ phản nghịch làm người giao du, lấy sự thi ân như đôi
giép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ. Thế cho nên,
người Phật tử ở trong chướng ngại mà vượt qua được mọi chướng ngại." Các
bậc Bồ Tát đã lấy cuộc đời khổ đau làm trường rèn luyện, đã lấy chất liệu khổ
đau để nuôi dưỡng lý tưởng, đã làm nở hoa giải thoát trên miếng đất tam giới
nhiễm ô.
Người Phật tử phải tình nguyện
mang đạo Phật đi sâu vào cuộc đời để làm vơi bớt khổ đau cho cuộc đời, không có
quyền tự mãn trong một cuộc sống tầm thường với những tiện nghi tầm thường để
rồi mắc kẹt trong những thỏa mãn tầm thường mà bỏ quên mất chí hướng.
Mọi khổ đau của cuộc đời bắt
nguồn từ si mê và dục vọng; người Phật tử phải can đảm nhìn nhận nơi cuộc đời
và chính nơi bản thân mình những tính chất si vọng đó để cương quyết diệt chúng
tới tận gốc rễ. Nhưng không phải nhìn nhận cuộc đời khổ đau si vọng để mà chán
nản và buông xuôi hai tay. Phải phát ý nguyện rộng lớn, phải có ước vọng cao cả.
Ý nguyện rộng lớn ấy, ước vọng cao cả ấy là bản chất của những cuộc đời lý
tưởng Bồ Tát linh động và tích cực, nuôi dưỡng cho ý nguyện ấy và ước vọng ấy
là nhận thức thường xuyên về khổ đau hiện thực của kiếp người.
Một người sống trong nghèo khó,
khong bao giờ được đi xe hơi, phải sống nép bên đường, ngửi bụi, tránh bùn nước
văng vào áo khi xe hơi đi qua, có thể bất mãn thù hằn những con người ngạo mạn
ngồi trên xe hơi kia. Nhưng nếu người nghèo khó ấy bước lên thang danh vọng, đi
đâu cũng đi toàn bằng xe hơi, thì một ngày kia hắn sẽ có thể thấy rằng ngớ ngẩn
nhất và ngu ngốc nhất là những con người đi bộ, nghênh ngang chẳng thèm coi xe
hơi của mình vào đâu cả. Nhân sinh quan của con người có thể thay đổi, những
nhận thức sáng của con người có thể lu mờ nếu con người tự mãn túc một cách dễ
dàng trong một ít chiều đãi và thỏa mãn của xã hội, của tiện nghi vật chất. Và
như vậy là si vọng thắng cuộc. Ý thức trường cửu về "đệ nhất khổ đế"
giúp cho người Phật tử nhận định chân xác lập trường của mình và mở một chiến
tuyến chống si vọng đừng để si vọng thầm lén xâm nhập nội tâm làm động cơ cho
mọi hành động. Người Phật tử xuất gia phải sống theo nếp sống "tam thường
bất túc" mà đức Phật đã quy định, lấy cuộc đời khổ đau làm trường rèn
luyện, lấy nhân loại khổ đau làm đối tượng hành đạo. Niềm thao thức giải thoát
phải sống mãi trong tâm hồn để người tăng sĩ không quên bổn phận mình. Trong
lịch sử tăng đoàn Phật giáo, ở những triều đại nào mà chư tăng được sống trong
một chế độ cúng dường sung túc nhất là tăng đoàn bị suy đồi nhất, các cao tăng
ít xuất hiện nhất. Điều đó được chứng minh ở Ấn Độ, ở Trung Hoa, ở Nhật Bản, ở
Việt Nam. Bởi vì một cuộc sống sung túc quá, một cuộc sống được chiều đãi quá
không thể không đánh mất niềm thao thức quý báu của con người xuất gia, và
trong trường hợp đó, người ta đã quên mất nhiệm vụ cao cả của mình, lý do vì sự
liên lạc với đệ nhất khổ đế đã bị cắt đứt.
Cho nên người tăng sĩ của thế kỷ
chúng ta phải mở rộng nhận thức, đừng tự bưng bít trong tháp ngà chủ quan, phải
tiếp xúc thường xuyên với thực tại đau khổ của cuộc đời. Như thế người tăng sĩ
sẽ không bị chết đuối trong một cuộc sống dễ dãi, không tự mãn trong một chế độ
cúng dường thiếu ý thức, không lâm vào tình trạng "một đời luống qua, công
quả không do đâu mà thành tựu được" như tổ Qui Sơn đã than vãn.
Tiếp xúc thường xuyên với thực
tại sau khổ người Phật tử vừa nuôi dưỡng được chí nguyện độ sinh (bởi vì chí
nguyện độ sinh căn cứ trên đệ nhất đế) mà cũng vừa tránh khỏi sự xâm lấn thầm
lén của si mê và dục vọng. Như vậy không những ta nắm được đệ nhất đế, mà ta
còn nắm luôn được cả đệ nhị đế nữa. Chừng nào si vọng hoạt động trong ta mà ta
không hay không biết thì chừng đó ta không phải là người Phật tử nữa. Ta là ma
quân, đội lốt người Phật tử. Ta thất bại vì không phân biệt được bạn với thù,
ta chiến đấu cho mặt trận giải thoát nhưng binh lính trong quân đội ta lại là
si mê và dục vọng. Mặt trận sẽ tan vỡ, và ta thất bại.
Người Phật tử tại gia cũng cần
có ý thức thâm thiết về đệ nhất khổ đế để có đủ sáng suốt mà định đoạt giá trị
của những hành vi luân lý và đạo đức. Hãy để cho lòng thương làm động lực cho
mọi hoạt động Phật sự. Hãy biến mình thành người bạn giản dị, khiêm nhượng và
thân thiết của lớp người đau khổ. Đừng bao giờ quên rằng khuynh hướng của đạo
Phật là đi gần, đi tới với quần chúng khổ đau để nâng đỡ và giải phóng cho họ.
Đừng ngồi yên tại chỗ chờ họ đến với mình. Hãy đòi hỏi nơi chư Tăng cuộc sống
thao thức của những con người đang luôn luôn hướng về lý tưởng Phật giáo, bỏ
quên đi mọi danh lợi tầm thường. Hãy tôn trọng chư Tăng như những bậc khất sĩ
thanh cao, đừng xem họ như những bậc nhà giàu có quyền lực cần phải nịnh bợ. Hãy
tự mình sống nếp sống Phật tử để cho bóng hình mình hiển hiện ở đâu thì niềm
tin vui hiển hiện ở đó. Nên nhận định: đạo Phật là đạo của quần chúng khổ đau,
không phải của riêng của một lớp người trưởng giả.