7
ĐẠO PHẬT: CON ĐƯỜNG THỰC NGHIỆM TÂM LINH
Đạo Phật
tuy được nhận thức là một tôn giáo nhưng kỳ thực không giống phần lớn các tôn
giáo khác của nhân loại. Đạo Phật có phần triết học và khoa học của mình nhưng
cũng không phải vì thế mà được xem là một triết học hay một khoa học. Để có thể
đàm luận dễ dàng thiết tưởng chúng ta nên tìm biết qua sự liên hệ giữa Phật
giáo, triết học và khoa học.
Trong lịch sử nhân loại, tôn
giáo đến trước triết học và khoa học, và có liên hệ rất mật thiết với thần
thoại. Thần thoại là kết quả của khuynh hướng giải thích và giải quyết của trí
óc con người cổ thời về các hiện tượng trong vũ trụ. Tuy triết học và khoa học
cũng nhắm đến mục đích giải thích sự vật để làm nền tảng cho hành động, triết
học và khoa học vẫn không có được những liên hệ chặt chẽ với thần thoại như là
tôn giáo. Triết học khi chưa tách rời ra khỏi thần học thì chưa xứng đáng được
gọi là triết học mà chỉ là một khí cụ của thần học. Thần học chỉ là để biện
minh và thích nghi cho tôn giáo vào xã hội.
Bản chất và khuynh hướng giải
thích của tôn giáo về tự nhiên giới và nhân sự giới không xa với bản chất và
khuynh hướng thần thoại làm ấy. Những gì tôn giáo nói ra đều được xem như là
chính thức dựa trên sự khai mở của thần linh và vì vậy căn bản của tôn giáo là
đức tin. Triết học cũng muốn có một cái nhìn tổng quát như tôn giáo nhưng muốn
được vô tư hơn và duy lý hơn. Nhưng đến khoa học thì cái nhìn trở thành chi li,
tuy được dựng trên thực nghiệm chắc chắn. Đứng giữa tôn giáo và khoa học và
không xây dựng trên yếu tố tín ngưỡng, triết học muốn luôn luôn nương vào thực
nghiệm khoa học để tìm chân đứng cho vững chãi trong khi vươn cánh tới những
chân trời mà khoa học không hoặc chưa nhìn thấy được, những chân trời mà tôn
giáo tự cho là đã biết rồi. Thế nên triết học đóng vai trò trung gian, một mặt
dựa trên các phát minh khoa học bài xích những ngây thơ sai lạc của một số các
tôn giáo, nâng đỡ và khích lệ cho các tôn giáo nào mà chủ trương phù hợp sự
thực, một mặt nêu ra và thuyết minh những điều khoa học không biết đến hoặc
chưa biết đến: những điều này, tuy còn ở trong phạm vi lý tưởng nhưng có thể là
đối tượng sau này của khoa học thực nghiệm. Và cũng vì mang sứ mạng khảo sát
tín ngưỡng và hướng dẫn phát minh, triết học được xem như là một động cơ xúc
tiến cho sự gạn lọc của tôn giáo và sự tiến bộ của khoa học.
Đạo Phật không phải là một tôn
giáo theo nghĩa những chân lý thần khải không thể kiểm điểm mà chỉ có thể tiếp
nhận bằng đức tin. Đạo Phật trước hết là những phương tiện chỉ dẫn thực nghiệm
tâm linh để khám phá thực tại. Kinh sách có giá trị như những đồ biểu hướng dẫn
và phương pháp thiền quán có giá trị như một con tàu để đưa người hành giả tới
bến bờ hiểu biết và để thực hiện sự hiểu biết ấy trong sự sống bản thân và sự
sống xã hội. Chữ budh có nghĩa là hiểu biết do đó có chữ buddha,
người hiểu biết, và sau này chữ buddhism, con đường của sự hiểu biết.
Hiểu biết ở đây không phải là cái hiểu biết sách và kinh điển mà là bản thân
của chính thực tại hiện rõ dưới khả năng trí tuệ bát nhã (prajna) chỉ có thể
đạt đến do công phu tu tập thiền quán. Người Phật tử không khởi hành bằng một
mớ vốn liếng kiến thức siêu hình không có nền tảng thực nghiệm, mà bằng những
nhận thức được thực nghiệm bảo đảm. Người Phật tử không bắt đầu bằng một đức
tin có tính cách may rủi mà bằng một sự cân nhắc cẩn thận những nguyên lý và
những phương pháp do đạo Phật đề nghị. Đạo Phật mời con người thí nghiệm
những phương pháp của nó: điều này chứng tỏ đạo Phật khác hẳn các tôn giáo
mà trong đó ý niệm về "theo thử" được xem như là bất tín và phạm
thượng.
Theo nguyên tắc đạo Phật, một cá
nhân nào đó khi muốn bứơc vào con đường thực nghiệm, phải khảo sát những nhận
thức mà đạo Phật xem như là căn bản, rồi khi đã chấp nhận những nhận thức ấy
thì kiểm điểm lại nguyên tắc thực hành rút ra từ những nhận thức kia. Khi đã
kiểm nhận kỹ lưỡng rồi, cá nhân ấy mới bên bước vào con đường thực nghiệm với
thái độ cương quyết nhưng hết sức tỉnh táo, khách quan. Nếu sự thực nghiệm
không mang lại kết quả thì phải bắt đầu trở lại, và nếu quả thực phương thức đề
nghị không thích hợp thì phải bỏ đi để chọn một phương thức khác.
Tuy nhiên không phải người Phật
tử nào cũng đi được con đường đó. Có những người mà vì căn cơ yếu đuối hơn nên
phải chọn một trong những con đường thi thiết của đạo Phật; chữ thi thiết đây
có nghĩa là những phương tiện thích hợp với căn tính của những người không đủ
sức một mình một ngựa xông pha trên đường thực nghiệm. Và cũng vì vậy trong tám
vạn bốn ngàn nẻo vào chân lý, có những nẻo để dành cho đức Tin. Giáo lý Tịnh độ
chẳng hạn, là một giáo lý căn cứ trên đức Tin và thích hợp với một số người
không phải nhỏ. Và số người nhờ cửa ngõ Tịnh độ để bước lên ngưỡng cửa Thiền
cũng không phải là không đáng kể.
Tuy nhiên vì đạo Phật luôn luôn
chú trọng thực nghiệm và lý trí nên đức Tin của người Phật tử không phải là một
đức tin vô điều kiện. Theo sự tiến hóa của tâm linh, đối tượng của niềm tin
càng ngày càng thay đổi, biến chuyển để đi đến sáng tỏ. Và khi đối tượng của
tin tưởng trở thành sáng tỏ thì chủ thể tin tưởng cũng đã trở nên vững chãi và
sáng tỏ lắm rồi. Tin ở đây là một quá trình tiến bộ.
Đạo Phật không phải là một nền
triết học, bởi vì đạo Phật không có ý định miêu tả và giải thích thực tại bằng
những hệ thống tư tưởng dựa trên căn bản suy luận và khái niệm. Đạo Phật cho
rằng trên một căn bản như thế, công việc miêu tả và giải thích thực tại là một
công việc không thể thực hiện được: chỉ có thể bằng thực nghiệm tâm linh, diệt
trừ cố chấp, vô minh và phát triển trí tuệ bát nhã thì còn người mới trực nhận
được chân lý của thực tại. Tuy nhiên, nhận định sự cấn thiết của những đồ án
hướng dẫn công cuộc thực hiện trí tuệ bát nhã, đạo Phật thi thiết những giáo lý
mới nhìn qua thì in tuồng như là những giải quyết có tính cách triết học nhưng
kỳ thực chỉ là những phương tiện hướng dẫn, những bản đồ, những "ngón tay
chỉ mặt trăng."
Đạo Phật không phải là một khoa
học vì đạo Phật không sử dụng cùng những khí cụ của khoa học để đi đến một cái
nhìn có tính cách phân tích chi li về sự vật. Nhưng trên con đường thực nghiệm
tâm linh, đạo Phật có tinh thần vô tư và tôn trọng thực nghiệm như khoa học.
Khí cụ của Phật học là khả năng phản tỉnh, tham thiền, trực nhận thực tại. Nói
tóm lại đạo Phật không phải là tôn giáo, không phải là triết học, không phải là
khoa học nhưng trong đạo Phật ta có thể tìm thấy cả các yếu tôn giáo, triết học
và khoa học. Ngoài các yếu tố đó còn có những tính chất đặc biệt của Phật học
không tìm thấy trong tôn giáo, triết học và khoa học.
Nói đến thực nghiệm tâm linh là
nói đến nền tảng căn bản của đạo Phật. Bởi vì đạo Phật cho rằng thiếu sự tiếp
xúc của con người và những nguyên lý mầu nhiệm của thực tại thì mọi hình thái
của sự sống phải mang tính cách khổ đau và tàn tạ (dukkha). Thế cho nên ở thời
nào thiếu chứng ngộ thiếu sự khám phá thì ở thời ấy giáo pháp suy mạt, và sự
sống nghèo khổ. Nơi những con người đạt đạo, sức sống tràn trề rạt rào và thấm
nhuần trong mọi sinh hoạt xã hội. Ở nơi người đạt đạo, tỏa chiếu nghệ thuật
linh động của sự sống, nghệ thuật ấy soi sáng cho đường lối nhân sinh của địa
phương và thời đại. Mọi sinh hoạt xã hội cần được xây dựng trên cái nhìn bao
quát và khế hợp căn cơ của người đạt đạo. Cho nên đạo Phật không những chỉ là
thực nghiệm tâm linh mà lại còn là sự thể hiện trên cuộc sống những nguyên lý
linh động đạt tới do công trình khám phá thực tại của những thực nghiệm ấy.
Những ai không có đủ điều kiện
để làm nhà đạt đạo thì vẫn có diễm phúc được thừa hưởng những khám phá của nhà
đạt đạo. Nhìn vào đời sống của người đạt đạo và ánh sáng chân lý tỏa rạng nơi
cuộc đời ấy, mọi người biết rằng họ có thể đặt niềm tin nơi những khám phá kia
và cùng nhau xây dựng nếp sinh hoạt của địa phương và thời đại họ theo sự hướng
dẫn của ý thức đạo đức sống động ấy. Như thế ta thấy có hai hạng người theo đạo
Phật: hạng thứ nhất, rất ít, gồm những người tự dấn thân vào con đường khám
phá, và hạng thứ hai rất đông, thừa hưởng những khám phá ấy để xây dựng sự sống.
Ta cũng nên nhớ rằng sự khám phá phải được liên tục thực hiện bởi vì thực tại
thì linh động và xã hội thì luôn luôn biến chuyển: những khám phá cũ có khi
không còn thích hợp với xã hội mới.
Đức tin của con người nơi sự
khám phá của những người đạt đạo - trong đó có đức Phật - tuy cũng là đức tin
nhưng quả thật không giống với đức tin có tính cách rủi may của rất nhiều tôn
giáo khác. Nó được hình thành bởi nhận xét ít nhiều có tính cách thực nghiệm,
và trong đó yếu tố lý trí đóng một vai trò quan trọng.
Để hiểu rõ thêm về bản chất của
đức tin trong đạo Phật, ta nên đọc lại đoạn này trong kinh Kalama.
Một hôm, các vị hoàng tử xứ
Kalama đến bạch Phật: "Thưa Ngài, trong khi các vị đệ tử dòng họ Thích cho
rằng giáo lý của Phật là đúng. Vậy thì các nhà truyền giáo khác cũng cho rằng
giáo lý của họ là đúng. Vậy chúng tôi biết nghe ai?." Phật trả lời:
"Này các hoàng tử Kalama, đừng vội công nhận một điều gì dù điều đó là
điều người ta hay nói. Đừng vội công nhận một điều gì dù điều ấy phù hợp với
nội giáo. Đừng vội công nhận một điều gì dù điều đó mình rất ưa thích. Đừng vội
công nhận một điều gì dù điều đó phù hợp với chủ trương của mình. Đừng vội công
nhận một điều gì dù điều ấy do một người có uy tín nói ra. Đừng vội công nhận
một điều gì dù điều ấy được nhiều người đáng kính trọng tuyên bố."
"Này các hoàng tử Kalama,
khi nào các ông nhận biết bằng lý trí các ông rằng một cái gì đó là bất thiện,
là đang chê trách, là bị kẻ thức giả phủ nhận, và nếu đem cái ấy ra mà công
nhận và thực hành theo thì sẽ mua lấy đau khổ và tan nát thì các ông hãy bác bỏ
nó đi."
"Và khi nào các ông nhận
biết rằng lý trí các ông rằng một cái gì đó là thiện, là không bị chê trách, là
được kẻ thức giả tán thưởng, và nếu đem cái ấy mà công nhận và thực hành theo
thì sẽ đạt tới s? an lạc và hạnh phúc thì các ông hãy tin nó và đem nó ra thực
hành."